Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/07/2014

Người Việt và người Mường : Công trình của nhà nghiên cứu Tạ Đức trong luồng dư luận nước Việt (1)

Đây là entry đầu tiên trong loạt liên quan đến cuốn sách mới ra lò của nhà nghiên cứu Tạ Đức - tôi đã đọc nó, dù rất vội vã, khi đang còn ở dạng bản thảo và chuẩn bị đi vào nhà in. Một cuộc trao đổi, cũng rất chớp nhoáng, trước khi tôi xách ba-lô đi du lãng vào vùng núi Bảo Lạc và Trùng Khánh ở mạn biên giới Việt - Trung, đã diễn ra, qua thư điện tử với tác giả.

Đi loạt này vì vẫn đang rất "khí thế" xung quanh cuốn sách. Một số bạn bè cho biết là họ "đang bò ra đọc" cuốn này.

Nguồn ảnh và xem thêm ở đây

Ngòi nổ cho "khí thế" trên, có lẽ, đầu tiên là những bài như dưới đây của nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính (khoảng một tháng trước). Kết thúc, ông Bùi chốt lại bằng một lời kêu gọi, rất thống thiết, nhưng theo tôi, là hoàn toàn không cần thiết: "Xét thấy mức độ nguy hiểm, tác hại khôn lường của những luận điểm của Tạ Đức trong sách“Nguồn gốc người Việt - người Mường”, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng có ý kiến chính thức về cuốn sách này". 



Từ đây trở xuống là lấy về từ Văn hóa Nghệ An.



---


PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH ĐỀ NGHỊ CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CÓ Ý KIẾN CHÍNH THỨC VỀ SÁCH "NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT - NGƯỜI MƯỜNG" CỦA TẠ ĐỨC




  •  BÙI XUÂN ĐÍNH
  • Thứ năm, 12 Tháng 6 2014 08:00

Lời tòa soạn: Ngày 12 tháng 6 năm 2014, tạp chí Văn hóa Nghệ An đã nhận được thư của PGs.Ts Bùi Xuân Đính. Trong thư PGs.Ts Bùi Xuân Đính đề cập lại một số nội dung xung quanh việc tranh luận về cuốn sách Nguồn gốc người Việt - người Mường của tác giả Tạ Đức và đưa thêm một số thông tin khác xung quanh việc bình luận, đánh giá, phổ biến cuốn sách này. Đặc biệt, PGs.Ts Bùi Xuân Đính "đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng có ý kiến chính thức về cuốn sách này". 
Để minh bạch thông tin và rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn bức thư này.



Kính gửi : Ban Biên tập Tạp chí “Văn hóa Nghệ An”
Trên Văn hóa Nghệ Anngày 10 tháng 6 năm 2014, ông Tạ Đức đăng bài bàn LẠI TRẢ LỜI BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ CUNG ĐÌNH THANH rồi “động viên”, “khích lệ” tôi “mạnh dạn hơn trong tranh luận”.

Về vấn đề này, tôi xin được thưa lại với Ban Biên tập Tạp chí và bạn đọc như sau:

1. Việc tranh luận về nguồn gốc người Việt, người Mường, hay rộng ra là nguồn gốc dân tộc không phải là cuộc “đôi co” của riêng tôi và ông Tạ Đức. Đây là vấn đề khoa học lớn, liên quan đến việc đánh giá thành tựu của các ngành khoa học xã hội, đánh giá sự tâm huyết, công sức và trí tuệ của các thế hệ nhà khoa học xã hội nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua. Vấn đề này còn liên quan đến lợi ích quốc gia, thậm chí đến cả “sinh mạng của dân tộc”; đến niềm tự hào về truyền thống, định hướng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ v. v…
Là người từng nghiên cứu vấn đề này, với trách nhiệm và bản lĩnh của một nhà khoa học, trách nhiệm và tình cảm của một công dân với đất nước, với quốc gia dân tộc, tôi đã và sẽ sẵn sàng cùng các nhà khoa học khác làm rõ vấn đề này, không cần mượn đến sự động viên, khích lệ của ông Tạ Đức và cũng không “ngán” bất kỳ người nào.  Tuy nhiên, tôi chỉ bàn về vấn đề này trên các diễn đàn khoa học (các tạp chí khoa học, các cuộc tọa đàm, hội thảo) do các cơ quan khoa học tổ chức, đặng làm rõ được các vấn đề về nguồn tư liệu, phương pháp luận, đến các luận điểm, các kết luận mà cuốn sách “Nguồn gốc người Việt -người Mường” nêu ra.
2. Cuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức đã được nhiều nhà khoa học chuyên ngành (Khảo cổ học, Dân tộc học, Ngôn ngữ học và một số ngành khác) đọc và bình luận. Các thông tin thu được cho thấy, có nhiều ý kiến cho rằng, sách của Tạ Đức đã tiếp cận vấn đề sai và lệch, sử dụng phần lớn nguồn tư liệu lấy trên internet, trong đó chiếm tỷ lệ đáng kể là wikipedia không đáng tin cậy, phương pháp lập luận không chắc chắn nên đưa ra những kết luận sai về nguồn gốc người Việt, người Mường. Xin dẫn dưới đây ý kiến của hai nhà học giả Hà Văn Thùy và Trần Trọng Dương (những đoạn in nghiêng là do tôi nhấn mạnh để bạn đọc lưu ý):
 Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước (chỉ quan điểm sai lầm của Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc trước đây, coi người Việt từ Trung Quốc di cư sang), sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc” (Hà Văn Thùy, Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộcVăn hóa Nghệ An, 30/ 5/ 2014).
- “Cũng tiếc cho tác giả Tạ Đức. Là người có lẽ có tài và có gan muốn tạo lập lâu đài tri thức hoành tráng in dấu ấn của riêng mình, nhưng do sai ngay từ khâu thiết kế nên công trình thế kỷ chỉ còn là đống vụn tư liệu!Một cuốn sách lạc đường, đẩy học thuật Việt thụt lùi hơn nửa thế kỷ… Bên trong, không đủ tâm và trí để nói với nhân dân về cội nguồn cùng văn hóa đích thực của dân tộc… Bên ngoài, nó câm nín trước những đòn tấn công hiểm ác không chỉ xuyên tạc chính nghĩa dân tộc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà cả những mưu toan nhân danh khoa học phủ định tới cỗi rễ dân tộc”  (Hà Văn Thùy, “Nguồn gốc người Việt - người Mường” và thực trạng học thuật  Việt Nam”, Thuyhavan. blogspot.com/ 2014/ 05).
- ”Trong khi, cả giới khoa học đã xác quyết, người Việt - người Mường là những cư dân bản địa, thì ông (Tạ Đức) cho rằng tổ tiên trực tiếp của người Việt - người Mường là người Lạc Việt - người Phùng Nguyên, là dân di cư từ phương Bắc xuống. Trong khi, ai cũng tin rằng văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn là văn hóa gốc thì ông (Tạ Đức) lại cho rằng tổ tiên của họ là người Đản (Mon) cổ vốn sống ở vùng hạ lưu sông Mân (Phúc Kiến) hay có nguồn gốc từ văn hóa Dạ Lang (Thục)… ở Nam Trung Hoa)” và “từ bối cảnh học thuật hiện tại, cuốn sách này là một phát ngôn lạc dòng và ngược dòng” (Trần Trọng Dương, Đọc “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức, Văn hóa Nghệ An, 28/5/ 2014).
Ông Tạ Đức là người có đủ kiến thức và đủ bản lĩnh hãy tranh luận ba ý kiến trên của hai học giả.
3. Là người có một thời gian dài nghiên cứu về quan hệ dân tộc, nhất là có nhiều năm cùng đồng nghiệp lăn lộn ở nhiều vùng biên giới Việt - Trung, tôi thấy được âm mưu thâm độc, nguy hiểm của nhà cầm quyền TrungQuốc trong việc sử dụng vấn đề “nguồn gốc Trung Quốc” của một số tộc người thiểu số ở nước ta để gây ly tán, phá hoại khối đoàn kết quốc gia dân tộc(vấn đề này, chúng tôi đã nêu rõ trong một số đề tài khoa học của cơ quanđã được nghiệm thu). Với sự nhạy cảm chính trị của người làm công tác nghiên cứu Dân tộc học, tôi càng thấy luận điểm của Tạ Đứcsẽ gây tác hại khôn lường, trong bối cảnh phức tạp kể từ khi nhà cầm quyền Trung Quốcngang ngược xâm chiếm lãnh hải nước ta (đầu tháng 5 đến nay). Trong khi cả nước đang phải “gồng mình” đối phó với dã tâm xâm chiếm nước ta của Trung Quốc, thì ông Tạ Đức lại tích cực tuyên truyền trên hàng chục tờ báo, tổ chức nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (ý định này không thực hiện được do Trung tâm này đã thấy được sự nhạy cảm của vấn đề) những luận điểm không có lợi cho đất nước, cho quốc gia dân tộc, dễ bị kẻ thù lợi dụng. Mới đây nhất, ông Tạ Đức còn tổ chức nói chuyện về sách của mình trước một số sinh viên tại một quán giải khát ở 27 Trần Bình Trọng vào tối thứ Sáu, ngày 06 / 6 / 2014 (!?).
Xét thấy mức độ nguy hiểm, tác hại khôn lường của những luận điểm của Tạ Đức trong sách“Nguồn gốc người Việt - người Mường”, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng có ý kiến chính thức về cuốn sách này.
                                                            
 Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2014

4 nhận xét:

  1. Ngoại đạo, dù thấy rất hấp dẫn, nên chỉ đọc rồ cố hiểu, chứ không dám bàn tán gì hehe.

    Đây là bài viết có liên quan của Liam Christopher Kelley (tên Việt là Lê Minh Khải), xin "dịch nhanh":

    Tạ Đức với Hà Văn Thùy và Sự Thiếu Vắng Sự Thay Thế Chyên Nghiệp


    Vài tuần qua là thời gian thú vị. CHNDTH ngang ngược tiến vào vùng biển ĐNA, và một cuộc tranh luận đã xảy ra quanh một cuốn sách viết về nguồn gốc của người Việt. Hai sự kiện có vẻ chẳng dính gì với nhau nhưng thực ra lại có quan hệ với nhau, và đó là vấn đề.

    Gần đây, một tác giả tên Tạ Đức viết một cuốn sách về nguồn gốc của người Việt, theo đó người Việt có nguồn gốc từ người Tàu. Cuốn sách này đã bị chỉ trích bởi các học giả khác nhau như Trần Trọng Dương và Hà Văn Thùy. Một chỉ trích khác mang động cơ chính trị nhiều hơn đến từ Bùi Xuân Đính.

    Tôi đồng ý với các phê bình của Tạ Đức về các ý kiến của Hà Văn Thùy, nhưng tôi cũng đồng ý với các phê bình của Trần Trọng Dương về tính học thuật của Tạ Đức.

    Tạ Đức và Hà Văn Thùy là hai tác giả không có khả năng đọc tư liệu gốc (viết bằng tiến Hán), và cũng không có khả năng đọc hiểu nguồn tài liệu viết bằng các ngoại ngữ như Anh, Pháp... Tôi dùng chữ "đọc hiểu" với ý họ không có khả năng đọc và lượng định mức độ tin cậy của các tài liệu viết bằng các ngoại ngữ này (Tạ Đức đã chỉ ra hạn chế năng lực này của Hà Văn Thùy, còn tôi, tôi nghĩ tôi đã chỉ ra hạn chế như thế của Tạ Đức).

    Do đó cả Tạ Đức và Hà Văn Thùy đều có vấn đề về học thuật, nhưng vấn đề thực sự là sự thiếu vắng sự thay thế nghiêm túc những hạn chế về học thhuật của hai người.

    Quan điểm "chính thức" về Việt sử không thay đổi kể từ đầu thập niên 1970. Diễn giải Việt sử thời ấy diễn ra trong bối cảnh thời chiến, và các diễn giải này phải phục vụ mục tiêu đoàn kết người dân để bảo vệ và xây dựng đất nước.

    Tất nhiên đó là mục tiêu quan trọng, và diễn giải Việt sử lúc ấy đã làm đặc biệt tốt vì mục tiêu này.

    Vấn đề lúc này là VN không còn chiến tranh và quốc gia đã được xác lập (established). Thêm nữa, hàng ngàn người Việt đã đi du học nước ngoài và tiếp xúc với các cách nhìn phức tạp hơn về thế giới và lịch sử. Vì vậy "câu chuyện cũ" không còn làm thỏa mãn giới trẻ.

    Quan trọng hơn, phiên bản chính thống về quá khứ không đủ độ tinh vi để đương đầu với tính phức tạp của hiện tại.

    Quá khứ phức tạp, và hiện tại phức tạp. Khi quá khứ được giới thiệu bằng các cách giản đơn (như Tạ Đức và Hà Văn Thùy đã làm và như sử chính thức đã làm), thì thật khó có được những cách hiệu quả để đương đầu với hiện tại.

    Không may cho VN, không ai nỗ lực tiếp nhận quá khứ theo những cách phức tạp. Các nhà sử học không chính thức như Tạ Đức và Hà Văn Thùy giới thiệu quan điểm của mình ra trước công chúng, nhưng các nhà sử học chuyên nghiệp vẫn im lặng (như Nguyễn Hòa đã đề cập), hay chỉ đơn giản lập lại những quan điểm đã có từ những năm đầu thập niên 1970.

    Đây là vấn đề: đã là 2014, và thế giới ngày nay phức tạp hơn so với thế giới thời 1970s rất nhiều.

    http://leminhkhai.wordpress.com/2014/06/13/ta-duc-vs-ha-van-thuy-and-the-lack-of-a-professional-alternative/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm tạ hehe đã giới thiệu và lược dịch ý kiến của Lê Minh Khai.

      Vấn đề tồn tại rất lớn của giới học thuật Việt Nam hiện nay là: không đóng nổi 1 viên gạch, nhưng lại có thể xây được một biệt thự, thậm chí là một lâu đài. Thậm chí là một lâu đài rất tráng lệ.

      Nhưng nhìn vào, thì thấy rất rõ là "không trung lầu các" (lâu đài treo lửng lơ ở giữa trời).

      Phải trở lại với việc sản xuất từng cái kim, từng con ốc, và đóng từng viên gạch, một cách "cù lần".

      Xóa
    2. Không thấy ông Đính phản biện gì. Chỉ đưa hai trích dẫn từ ông Thùy và một từ ông Dương rồi yêu cầu ông Đức phản biện. Còn lại toàn là đe nạt và dọa dẫm hehe.

      Xóa
    3. Mình đã bảo là rất thống thiết, nhưng lại hoàn toàn không cần thiết mà.

      Theo trả lời của tác giả Tạ Đức, thì lối trích dẫn cũng không tử tế: cắt xén, lái ý theo cách hiểu của mình.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.