Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/05/2014

Ký ức về đền Cẩu Nhi trong lòng hồ Trúc Bạch những năm 1940s (bài Lý Khắc Cung)





Ảnh xuất hiện trên báo từ khoàng 10 năm về trước

Đã từng có những cuộc tranh luận nảy lửa về đền Cẩu Nhi trong lòng hồ Trúc Bạch (xem ở tư liệu, thời 2004-2005). 

Hôm nay, giới thiệu bài đã xuất bản năm 2009, cũng về Cẩu Nhi và Trúc Bạch của bác Lý Khắc Cung.


---

QĐND - Thứ Sáu, 06/11/2009, 9:31 (GMT+7)



Xa xưa, hồ Tây và hồ Trúc Bạch là một. Về sau, người ta đắp một con đường từ Yên Phụ xuống gọi là đường Cố Ngư (chắn vững). Đến năm 1960, được đổi là đường Thanh Niên.
Thăng Long-Hà Nội có ba hồ vào loại đẹp nhất là Hoàn Kiếm, hồ Tây và hồ Trúc Bạch, được ca ngợi là những viên ngọc.
Về cảnh quan mà nói, hồ Tây và hồ Trúc Bạch xứng đáng là những danh thắng (sites) đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của UNESCO là:
1) Có phong cảnh đẹp
2) Có bàn tay con người tô điểm
3) Có nhiều huyền tích, chuyện kể hấp dẫn về lịch sử và văn hóa.
Hồ Trúc Bạch đã bị mất đi một cái gò đẹp gọi là gò Mơ Phượng, do nhân dân vô ý thức phá đi rồi xây nhà ở lên. Ngay đấy, về phía Bắc là hành cung của chúa Trịnh Doanh, rồi biến thành nơi ở và nghỉ ngơi của các cung phi, mỹ nữ đã hơi luống tuổi, nhan sắc có phần đã bị tàn phai. Mặc dầu họ vẫn là những mỹ nữ có tài cầm, kỳ, thi, họa. Một số cung phi có sai sót nhỏ cũng được ra đây lao động. Bao quanh là những vườn trúc xanh, những lầu, tháp, cung điện. Nơi đây có trồng nhiều cây trúc. Các người đẹp một thời phải lao động và tự kiếm sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Những vuông lụa do những bàn tay ngọc ngà làm ra được gọi là lụa làng Trúc (bạch là lụa) và cái tên Trúc Bạch được khai sinh.
Hòn đảo trên hồ Trúc Bạch, nơi có đền Cẩu Nhi.
Ảnh: ĐỨC TOÀN

Trong thời gian chống Mỹ, một tên phi công Mỹ đã phải nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch, bị dân quân Yên Phụ và Ngũ Xã tóm gọn. Hồ Trúc Bạch còn đẹp hơn nữa là giữa hồ có hòn đảo nhỏ, cây cối um tùm và dưới các vòm cây là đền Cẩu Nhi. UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định tu tạo lại di tích đền Cẩu Nhi cổ kính.
Đền Cẩu Nhi có thờ một con chó con huyền thoại. Khi vua nhà Lý dời đô ra Thăng Long, Ngài có một giấc mơ đẹp: “Một con chó mẹ sinh ra một chú cún con rất xinh”. Ngài kể lại giấc mơ cho triều thần. Câu chuyện lan rộng khắp nơi. Một số người tu sửa lại ngôi đền trên đảo của hồ Trúc Bạch ở trạng thái phế tích, vốn là đền thờ thần Cá và Mẫu Thoải. Người ta đặt con chó đá vào đền để thờ, thể hiện giấc mơ của Vua.
Thế rồi, theo kiểu dân gian, người ta thờ tất cả. Có người thắp hương xin thần Cá và Mẫu Thoải phù hộ độ trì cho mình và tiện thể cũng thắp hương cúng thần Cẩu Nhi (chó con). Có nhiều chị em lại xin thần Cẩu Nhi ban cho mình “chú cún con” để có người nối dõi tông đường. Nên nhớ, ở nông thôn, người ta nựng con: “Ôi con cún của mẹ”.
Hồi nhỏ, chừng những năm 1942-1943 (thế kỷ XX), tôi có được đến chơi bên đền Cẩu Nhi. Đền nằm trong vạt cây cối um tùm. Đền xây hình chữ nhật, giản đơn như những miếu thờ phổ thông ở khắp nơi. Đằng sau bệ thờ bịt kín. Mái đền cong, có câu đối, hoành phi. Trên bàn thờ có đèn, nến, bát hương, bài vị, lọ cắm hoa, cắm hương và vài pho tượng nhỏ. Ngoài là chiếc mành có vẽ rồng, hổ, mây, nước, luôn ở tư thế buông xuống. Khói, hương nghi ngút.
Một vài bà mang hương, hoa, oản, chuối đứng bên hồ, gọi sang phía đảo: “Bà Đền ơi!... cho chúng tôi sang lễ Thánh”. Có tiếng trả lời từ đền Cẩu Nhi ra: “Vâng, tôi sang đây!”. Bà Lý Nghênh là bà từ của đền Cẩu Nhi bơi thuyền ra, đưa khách vào lễ đền. Cái cảnh đón người sang lễ đền này đầy nét đẹp và hiếm có. Các bà, các cô đi lễ thường là những người đánh cá, tôm, mò cua, bắt ốc quanh năm. Nhưng cũng có lúc họ rảnh rang, mặc áo dài, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, xúng xính vào đền Cẩu Nhi. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng.
Tôn tạo, xây dựng lại hồ Trúc Bạch và đền Cẩu Nhi là trả lại cho văn hóa dân gian cái giá trị tâm linh to lớn và thâm trầm.
Hạnh phúc của người Hà Nội là được đóng góp công sức của mình làm cho Hà Nội ngày càng đẹp hơn...

LÝ KHẮC CUNG




TƯ LIỆU


Tọa đàm về đền Cẩu Nhi: Chỉ nên phục dựng một cái miếu nhỏ?

24/08/2005 08:39 (GMT + 7)
Theo chỉ đạo của TP Hà Nội, hôm 20-8, Bộ VH-TT, Sở VH-TT Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử VN, đại diện UBND quận Ba Đình cùng 2 nhà sử học Đỗ Văn Ninh và Bùi Thiết - những người “châm ngòi” nổ cho cuộc tranh cãi kịch liệt hơn một tháng qua, đã ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung trong việc nên hay không nên xây cái đền Chó Con này. Tuy nhiên, số đông ý kiến lại… ủng hộ chuyện xây đền!
Ông Phạm Quang Long, GĐ Sở VH-TT, cho biết: Sở vẫn đồng ý với việc xây dựng đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch theo đúng quy trình và Luật Di sản. Vấn đề còn lại chỉ là quy mô xây dựng sẽ được điều chỉnh.
Có thể tóm tắt như sau: vụ việc bắt đầu từ năm 2002 - khi người dân phường Trúc Bạch tha thiết đệ đơn lên TP xin phép được xây dựng lại đền thờ Chó Con thì xảy ra 2 luồng dư luận trái chiều.
Luồng phản đối, đại diện là PGS. TS Đỗ Văn Ninh và nhà sử học Bùi Thiết cho rằng: đền Cẩu Nhi là một sự bịa đặt lịch sử, và sách Tây Hồ chí (cuốn sách ghi chép tỷ mỉ sự tích đền thờ Chó gắn với việc định đô Thăng Long) là không đáng tin cậy.
Luồng ủng hộ dự án cũng đưa ra không ít lý lẽ - mà đây lại là ý kiến của một số khá đông nhà khoa học với những người tên tuổi như GS. Phan Huy Lê, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, PGS. Lê Văn Lan, PGS. TS Phan Khanh, PGS. TS Trần Lâm Biền…
Người Việt có tục thờ chó?
Về sự tích Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi. Các sách Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử lược, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép sự kiện Lý Công Uẩn ra đời vào năm Giáp Tuất - gắn với sự tích con chó trắng, trên lưng mọc lông đen…
Có thể đồng tình với ý kiến của GS Phan Huy Lê rằng, trong lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia đều có một lớp “sương mù” huyền thoại, huyền tích, dã sử, truyền thuyết bao phủ - mà cái lõi của chúng không phải là không có ít nhiều sự thật. Như vậy sự tích con chó trắng là có liên quan đến nhà vua Lý Công Uẩn.
Mặt khác, GS Phan Huy Lê - người trực tiếp dịch Đại Việt sử ký Toàn thư, lại nói rằng chính ông đã tìm thấy chữ “bến Thần Cẩu” và rằng chuyện thờ Chó đã có ở người Việt ít nhất từ năm 1254 (đời Lý)! Nhưng vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, totem thờ Chó bị phai nhạt. Kết quả là trên cái đền ở giữa hồ Trúc Bạch đã có 3 lớp thờ chồng chéo lên nhau: lớp thờ Chó - thờ Mẫu Thoải và thờ Cá.
Có điều, cái phản cảm trong chuyện này (một ngày không xa, chó sẽ được đặt lên bàn để rồi thiên hạ tứ phương tấp nập tới lui quỳ lạy) có lẽ nằm ở góc độ tâm lý chứ không phải khoa học!
Nếu cái đền trên hồ Trúc Bạch nay mai không thờ Chó mà thờ Mẫu, thờ Cá, thờ Rồng hay thờ bất cứ con vật “sạch sẽ” nào thì có lẽ đã không có sự phản đối kịch liệt của hai ông  Đỗ Văn Ninh và Bùi Thiết!
Thế nhưng, nếu người Việt thực sự đã có tín ngưỡng thờ Chó thì sao? Vả lại, theo PGS. TS Kiều Thu Hoạch (Hội Văn nghệ dân gian VN) và PGS. TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa), chó đá đã được thờ như thành hoàng ở làng Địch Vĩ (huyện Đan Phượng, Hà Tây). Mà theo chúng tôi, thờ Chó có lẽ cũng không có gì xấu khi mà người Việt cổ đã không những thờ Thiện thần mà còn thờ ác thần (Rắn, Hổ …). 
Cuối cùng, đền Cẩu Nhi có phải đã từng được xây giữa hồ Trúc Bạch hay không và nếu nó đã từng có thì tại sao lại không xuất hiện trong bản đồ Hà Nội năm 1873?
Nhà sử học Lê Cường cũng giải thích rằng bản đồ năm 1873 thể hiện tất cả các mặt: hành chính, kinh tế, giao thông, quân sự, văn hóa, các cửa ô (chứ không chuyên về di tích)… Bởi vậy, đền Cẩu Nhi có thể đã “lọt lưới”!
Và nếu cứ quyết xây thì sao?
Tất nhiên, trong khoa học không thể có sự đồng thuận 100%. Nhưng nếu sự thật là tổ tiên chúng ta từng có tín ngưỡng thờ Chó thì tại sao lại không thể khôi phục một tín ngưỡng... mà nhiều người cho rằng “cũng rất hay” đó nhỉ? Thận trọng trong việc nhìn nhận một vấn đề “nhạy cảm” như xây dựng lại đền Cẩu Nhi là cần thiết. Nhưng thận trọng không có nghĩa là quá dè dặt.
Thật ra, sự cố đền Cẩu Nhi còn thể hiện mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa - ở đây là bảo tồn một tín ngưỡng nguyên thủy (nếu như nó có thật) với việc phát huy, với làm kinh tế. Mà đã nói đến chuyện kinh tế thì lâu nay không ít người ngoài cuộc vẫn băn khoăn: liệu xây cái đền ấy, người trong cuộc được “chia chác” bao nhiêu phần trăm?
Là người khẳng khái, PGS. TS Đỗ Văn Ninh không phải không có lý khi xót xa nhìn số tiền 3 tỷ đồng bỏ ra để xây dựng đền thờ Cẩu Nhi. Dù là tiền huy động của dân, thì đây cũng là sự phí phạm trong khi dân ta đang còn nghèo.
Và rồi ông Ninh đã vẽ ra viễn cảnh không mấy sáng sủa khi đền xây xong, dân Hà Nội và tứ phương tất sẽ lũ lượt kéo về đèn nhang khấn vái cầu xin Chó Con ban phúc lộc. Hàng hương nến vàng mã sẽ ngồi kín con đường Cổ Ngư. Thầy viết sớ, đoán thẻ sẽ tới hành nghề. Theo đó hàng ăn uống sẽ mọc lên chi chít. Công an sẽ phải tăng thêm biên chế để giữ gìn trật tự…
Do vậy, trong tình trạng một số nơi đua nhau xây chùa giả, đền giả để kiếm lời thì chúng ta càng không nên dựng hẳn một ngôi đền đồ sộ - vừa tránh việc bày vẽ tốn kém không cần thiết lại vừa tránh được “điều ong tiếng ve”. Mà nên chăng chỉ phục dựng một cái miếu nhỏ để nhắc nhở người ta rằng tộc người Việt “đã có một tín ngưỡng rất hay là thờ Chó”! 
Theo Thể thao và Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.