Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/10/2013

Tạ Chí Đại Trường : Viết khi nghe tin Giải Sách hay năm 2013

Lời dẫn: Bài vừa xuất hiện trên Da Màu. Lâu nay, cụ Tạ hầu như chỉ còn gửi đăng trên Da Màu. Mà cũng chỉ thi thoảng thôi. 

Từ đây trở xuống là chép nguyên về.

---

khi lịch sử nhận chân hình bóng thần, người…




Giở lại sách, thấy hàng chữ cuối bản in 2000 ở California: “Lần đầu: Sài Gòn 1986 – Tết Mậu Thìn 1988, tháng 9-1989”. Một phần tư thế kỉ, thời gian vừa vặn để người, việc đủ trở thành quá khứ. Một phần tư thế kỉ hơn, từ những ngày quờ quạng đọc sách chợ trời rồi mon men vào thư viện quen thuộc cũ. Viết trên mặt trắng của những tờ in sửa morasse, đánh máy trên những tờ giấy pelure còn sót lại từ bản luận án. Gởi đi cho người xa đọc mà không ngờ khi được in mới thấy sơ sót nặng nề của một thứ gọi là “bản thảo”. Thế mà không bằng lòng, tự thu xếp cho “Bản mới” năm 2000 cũng không vượt được hoàn cảnh, ngơ ngẩn không biết đã được sửa đúng đến chừng mực nào. Hà Nội nhắn xin in, gởi đi mà vẫn không tin rằng nó có thể xuất hiện, mọi hi vọng chỉ cậy vào những người chưa từng quen biết. Ðể cho tới bây giờ vẫn còn thấy phân vân.
Mọi tin tưởng nằm ở đâu? Có thể là bắt đầu từ nỗi tức giận vì bị đập tơi bời với quyển Lịch sử nội chiến…Nhưng cũng chính ở đó mà thấy ra sự yếu kém của họ. Nói chuyện lí luận mà dựa vào quyền lực thì đủ làm cho hoảng nhưng không đủ làm cho sợ, để thấy cứ nên giữ chặt cái thế cá nhân mà đối phó với áp lực trùng trùng. Hình như bài đầu tiên là nói về đồng tiền Bảo Hưng của Cảnh Thịnh, viết ngắn cho một loạt những bài thuộc loại kiến thức phổ thông, né chính trị, đang được phép phổ biến lúc bấy giờ, hi vọng được vài bữa cơm! Lạc loài thấy rõ: chuyện cổ tiền học hàm ý trong bài không phải thuộc loại phổ thông, lại va chạm tới một nhà nghiên cứu Miền Bắc nhanh nhạy viết tiền cổ dở ẹt. Cho nên trở về cõi riêng an phận, viết cho mình, với bài Việt Nam ở thế kỉ Mười mà Giáo sư Nguyễn Thế Anh nhận ra, hỏi: “Có phải phản ứng với hội nghị Hoa Lư 1982 không?” Không cần biết, cứ lui cui viết tiếp, lấy ngay các nghiên cứu từ Miền Bắc, thấy cái sơ hở của họ là cứ vừa bị lí thuyết ép uổng vừa tối tăm trong “truyền thống” – hai thứ, ngược đời, đổng bản chất – nên không khai thác được cái mới, cứ u tối sao chép nhau, dùng cái hơi thừa văn chương làm tụng ca lịch sử thời đại. Bài về Cái đình làng có vẻ là một lần bênh vực hai ông Trần Quốc Vượng và Trịnh Cao Tưởng (1982) bị Tiểu ban Thời đại phong kiến cho rằng: “Nguồn gốc nhà công cộng của đình vẫn chưa có thể bác bỏ được”, tuy rằng hai ông hình như chưa biết Bà Chúa Xứ từng nằm trong ngôi đình kia. Cực nhọc nhưng không chịu áp lực thời chiến nữa nên đủ sức viết lại tiền cổ với một tầm cao mới, bỏ xa bản thảo Tiền cổ Nam Hà vụng dại năm 1974, và cũng thu thập được chút gì để đi vào chuyện khảo cổ. Rồi từng phần một gián đoạn, đem kết nối trong một khung thời gian dài, kéo đến thời hiện đại, thế là có Thần, ngưòi và đất Việt, theo mong ước viết vào bìa 4 bản 2000: “… là căn bản cho một quyển sử Việt Nam mới, hợp với thời đại khoa học…” Mong ước về sau này thực hiện với Bài sử khác cho Việt Nam, gộp lại từ Sử Việt đọc vài quyển.
Có sợ mang tiếng là kiêu ngạo không khi nhắc lời ông Anh dặn dò: “Anh đừng nôn nóng, để tôi tìm chỗ tin cậy gởi in, không thì người ta ăn cắp ý của anh mất.” Có cần thêm lời ông Nguyễn Huệ Chi nói bản in được ông Hà Văn Tấn mang về (?) được sao chép, cho mướn, đến lúc tới tay ông bạn thì đã sờn rách cả? Mà quả thật cũng đã cảm thấy hãnh diện với các khám phá đến nỗi có lẽ vì thế mà vấp phải sơ hở trong cách nhìn vài chứng cứ theo chừng mực hứng khởi đưa đẩy, thấy người khác vạch ra mới giật mình! Sách khảo cứu mà người, hoàn cảnh không đi theo trình tự hàn lâm phải có của nó thì cũng đành chịu vậy thôi. Tuy nhiên để thần trở lại thành nguời, đem huyễn hoặc về lại chân thật, gột rửa thành kiến cho hiện hình cốt lõi đúng đắn, tóm lại, cho quá khứ mang dáng vẻ như nó từng có, cho lịch sử chấp nhận được trong cõi bình thường, mong ước ấy hình như đã đạt được phần nào qua quyển sách. Còn gì để phải bận tâm hơn?
Bận tâm đến thần, có lẽ là do chỉ có trong tay hai quyển Việt điện u linh tập  Lĩnh Nam chích quái của ông Lê Hữu Mục mà chữ nghĩa nằm trong nguyên tắc sử học, cho rằng đó là những tài liệu căn bản trong lúc chưa có thể lấn cấn thêm với các vấn đề văn bản học và các tài liệu khác chưa với tới được. Cho nên phần đầu tiên là các chương Lí Trần, tiếp nối các bài đã viết đi theo đường lối các sử gia khác, chỉnh sửa theo ý mình. Chương đầu tiên và tên sách là thứ sinh sau đẻ muộn. Khung lịch sử đã có thì cứ nối tiếp. Nhưng không phải là con đường của những người đi trước. Nội dung đã khác thì đường lối tiếp cận phải khác. Vấn đề mang tính cách bao quát hơn, chứa chất tính cách văn hoá, văn minh nên được gợi lên về sự giao thoa văn hoá, giao tiếp văn minh nghe từ các thầy Pháp của thời học chứng chỉ Ðịa lí với vốn chữ Pháp ngớ miệng, tay quơ của cậu học sinh Liên khu V thất học. Rồi nối tiếp là từ những quyển sách của nhà xuất bản Payot, Petite Bibliothèque Payot do cơ quan văn hoá Pháp viện trợ bán rẻ, tất cả đã được đem ra ứng dụng trong thời kì tuyệt vọng của bản thân, làm mà không biết mình làm gì, tại sao mà làm, nhớ lại thấy giống như trong cơn mê ngùn ngụt chữ nghĩa. Chắc là từ trong khoảng xuất thần được dọn sẵn như vậy mới thấy ra Bà chúa Xứ trong cung nhà Lí với chữ nghĩa sờ sờ của VÐULT mà người ta cứ gọi là bà Hậu thổ của Trung Hoa. Bà chúa Xứ gợi thêm về đám tù binh Chàm sản sinh hai ông vua cho Ðại Việt, với những công trình, hành xử khuất lấp ảnh hưởng trên chính trường Thăng Long đến ba trăm năm mà những ngưòi đọc Toàn thư từ Lê Ðại Hành đến Trần Nhật Duật đã không thấy ra. Mới phân biệt được Thiên vương với Thiên tử, hiểu thêm về ông Vua Trời Nguyễn Nhạc mà trong tiểu luận cao học 1964 chép lại từ các giáo sĩ chỉ như một tên gọi lạ… Cái tên nôm na đó đủ để làm chứng cớ tìm sự tiến triển của lịch sử ngay trên những người bình thường – có khi bị coi là thấp kém nữa, không cần viện dẫn đến lí thuyết chính trị dân chủ hay vô sản bần cố nông. Cho nên đem được các ông đạo lăng nhăng vào lịch sử hiện đại của khu vực tứ chiếng Nam Bộ giúp tác giả về sau làm một hành trình kiến thức đi ngược thời gian, hiểu được tình thế “đổi mới” của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, ít nhiều cũng liên kết với thực trạng xã hội đã làm nên biến động Tây Sơn, khác một ít với những điều lặp đi lặp lại đến nhàm chán.
Quan niệm không gian khu vực vượt ra ngoài biên giới quốc gia, dân tộc dành được chỗ cho sự chuyển đổi vị trí của các nhân vật, nhìn qua thì không thuộc cõi đời này nhưng lại được dựng nên từ đây, từ những con người có xác thân cụ thể, đủ mọi tầng lớp đã sinh hoạt ở một thế giới khác, với một dạng hình vẫn thấp thoáng dáng người nhưng mang danh vị kính nể, gọi là thần. Bổn phận của sử gia là phải đem thần trở lại thành người, dựng lại thần cho thành dáng người. Nếu chỉ dừng lại ở tính cách chuyên môn chung chung thì đó chỉ là điều phải có khi xếp đặt sự việc cho là đúng với những gì đã xảy ra. Nhưng vì còn muốn xét lại tâm ý cá nhân nên có một cách giải thích, về sau viết cho talawas: Sống vào thời đền miếu bị đập phá tan hoang mà không thấy có ông thần nào vật chết lấy một tên thực dân hay ông cách mạng nào nên sự tôn trọng thần thánh đã bớt đi, nếu không nói là mất hẳn. Nhìn vào thần, hay thần được dựng nên, đã thấy ngay là người thì đâu có cần đến vấn đề Giải thiêng? Chắc có lẽ kết quả là từ những quyển sách tây đọc được, có hay không dính dáng gì đến phương pháp luận sử học mà mang tính cách hợp lí của thời đại khoa học mình đang sinh sống, và từ cái không khí Ðại học, sau này mới nhận ra, là tuy buông thả của thời loạn mà vẫn hàm chứa sự tôn trọng tự do, khuyến khích phát triển bản thân.
Không phê phán, chỉ nhìn ở nhu cầu cụ thể thì thấy rằng việc con người dựng lên một cõi thiêng liêng ngoài vòng sinh sống của mình là điều cần thiết. Ai không cảm thấy mình có lúc bơ vơ, bất lực trong cuộc sống để kêu cầu đến linh thiêng phù trợ, an ủi? Không có thần cũng phải tạo ra thần, ra hình tượng sẽ được gọi là thần. Từ đó người ta đến cầu cúng dưới một gốc cây, trước một hòn đá… mà khả năng được tưởng tượng ban đầu của dạng hình sẽ càng phát triển to lớn theo với đà tập họp những con người đến nhờ cậy. Cho đến lúc, không phải chỉ những người dân tẻ tẻ mà các thế lực khu vực, quốc gia cũng sẽ quan tâm đến, nâng cấp danh vị, từ thần-ma thành thần-vương… ý nghĩa cao đến đâu lúc này là tuỳ thuộc vào thế lực trần tục kia cảm thấy kẻ được sai bảo / cầu cúng đã có khả năng đến mức độ nào. Và chính nhờ ở cõi vô-hình-hữu-hình kính nể đó mà cả các con người có ngày sinh tháng đẻ năm chết, các nhân vật lịch sử đầy công tích cũng được đẩy vào đấy, sống thêm một cuộc đời có vẻ như là an lành vĩnh viễn. Sử gia Việt, Việt Nam có lẽ sẽ để cho tập họp phức tạp đó an vị mãi mãi nếu không có những tên thực dân đến làm nhục, mang những quyển sách mới đến quấy rầy, làm đổi thay quan điểm. Thế là dù vẫn không có thêm chút uy lực mới nào trong xã hội, người ta bắt đầu bàn đến những điều cấm kị, chưa tự mình để thuyết phục, có chưa dám viết ra lời thì cũng đọc các lời bàn tán vể ông Quốc tổ, các nhận định về những thần vốn không phải là thần, mà không có lời nào phản kháng. Nếu có thêm chút điều kiện vượt khỏi cái vòng kim cô “truyền thống”, vào niềm kiêu hãnh dân tộc chủ nghĩa “nhạy cảm” (!) thì họ có thể thấy ngay ra trên thần điện Việt Nam các ông thần gốc Ðá, bà thần gốc Nước, các ông/bà thần gốc Vay Mượn, để trả họ trở về vị trí đúng lúc đầu, không để cho lịch sử đất nước giống như một trang sách bát nháo lẫn lộn mù mờ… Nhưng thực dân đến rồi đi, tám mươi năm chỉ là cơn gió thoảng của ngàn năm theo Tàu lệt bệt… (Nghe như có tiếng kêu thảm thiết của blogger Ðặng Ngữ: “Tại sao chúng ta lại chọn con đường như vậy?”).
Ngày nay thần đang hiên ngang phục hồi trong các đền đài hoành tráng, gạch ngói bê tông cao ngạo, có vẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên bởi vì cõi thiêng vốn là của con người tạo dựng nên các xác thân uy thế kia lại được vẽ vời, dễ bảo hơn. Ngày trước bậc quốc chủ cầu thần, rồi chờ ban phát, hay chịu khó chờ tác dụng của lời cầu cúng – gọi là sai bảo cũng được. Ngày nay bậc quốc chủ lại muốn có ngay người bên cạnh để sai phái, không phải qua trung gian của một ngăn cách vô hình – hữu hình không thể biết được. Thần trở thành nhân vật lịch sử, nhân vật bề tôi không tranh cãi, có điều chỉnh bằng hình thức mời gọi công cử đời mới mang tên “hội thảo khoa học”, như thần Cao Lỗ gốc Ðá vừa được tấn phong anh hùng dân tộc đầu năm 2013. Thần bạn bè khác nấp dưới nhãn hiệu văn hoá, đi tìm bằng cấp thế giới để nâng thêm uy thế phục vụ ở cõi trần. Thần cao cấp được moi móc văn bản, rủ rê tâm tình dân tộc lập nên phả hệ ông-cháu, gộp những tên tuổi Kinh Dương Vương chắp vá, Lạc Long Quân Âu Cơ nhặt nhạnh, Hùng Vương mơ hồ, đem chứng thực bằng đền đài, mồ mả chưa cũ và rất mới, để xây dựng Quốc sử, lập thành một Quốc giáo mang tính dân tộc Lớn của nước Việt Nam, không quên để vắng bóng số lượng người của Bộ Chính trị (với ngày 19-4-2013 ở đền Hùng là 14, dưới dạng hình thiếu nữ son trẻ của một Bộ Chấp pháp chưa nêu danh vị). Truyền thống mới được bồi đắp gấp gáp trên truyền thống cũ, đủ chiêu dụ thu hút và đủ thực lực áp đặt tuân hành, sử dụng cả biện pháp hành chính, đảng bộ để phát triển thật nhanh chóng trên vùng đất mới chiếm, ở phía Nam, nơi mới đây còn trắng ông Tổ…
Ðiều đó cũng không có gì lạ. Thần không trở lại thành người thì chỉ nói lên nỗi bất lực của nền sử học nói chung, đem lại thiệt thòi riêng cho sử học Việt Nam mà thôi. Nên rốt lại cũng vẫn là chuyện “vẩn vơ” của thời đại. 

25-9-2013
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Tạ Chí Đại Trường : Viết khi nghe tin Giải Sách hay năm 2013 
"Thần, người và đất Việt" (bản in trong nước lần đầu năm 2006) của Tạ Chí Đại Trường được trao giải sách hay năm 2013

1 nhận xét:

  1. Quan niệm không gian khu vực vượt ra ngoài biên giới quốc gia, dân tộc dành được chỗ cho sự chuyển đổi vị trí của các nhân vật, nhìn qua thì không thuộc cõi đời này nhưng lại được dựng nên từ đây, từ những con người có xác thân cụ thể, đủ mọi tầng lớp đã sinh hoạt ở một thế giới khác, với một dạng hình vẫn thấp thoáng dáng người nhưng mang danh vị kính nể, gọi là thần. Bổn phận của sử gia là phải đem thần trở lại thành người, dựng lại thần cho thành dáng người. Nếu chỉ dừng lại ở tính cách chuyên môn chung chung thì đó chỉ là điều phải có khi xếp đặt sự việc cho là đúng với những gì đã xảy ra





    lioa

    on ap

    sua lioa

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.