Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/08/2013

Bạn đọc phản luận về phát hiện của bác sĩ Trần Đại Sỹ (vấn đề biên giới thời cổ)

Lời dẫn: Bây giờ, không tìm lại được đường link đầu tiên dẫn đến bài trích dưới đây (chỉ trích một đoạn trong bài có tên "Giữa sự thật và tin đồn : Vấn đề lũng đoạn thông tin", trong liên quan đến ông Trần). Có vẻ bài đã xuất hiện trên mạng từ năm 2009.

Để tương đối yên tâm về gốc đường link một chút, tạm dẫn lại từ trang của Mr. Khoằm - một người bạn của blog này. Nếu Khoằm có rảnh, mong tìm hiểu giúp về tác giả của bài phản luận. Hiện vẫn tạm coi như khuyết danh.

Bản thân bài phản luận cũng có những sai nhầm. Từ đây trở xuống là trích nguyên.

---

Giữa sự thật và tin đồn: 

vấn đề lũng đoạn thông tin ("disinformation")

 


Trong một "nghiên cứu" được quảng báo khá rầm rộ là việc ông dùng DNA để nghiên cứu nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Trong một bài viết được lưu truyền trên internet (Địa chỉ : http://perso.wanadoo.fr/charite, mục Việt-Hoa. Bài "Thử tìm lại biên giới cổ của Việt nam: bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích, và hệ thống ADN.) ông cho biết:
"Ông cùng CFMC dùng hệ thống ADN để chứng minh rằng lãnh thổ tộc Việt bao gồm từ sông Trường giang xuống tới Vịnh Thái Lan. Với công cuộc nghiên cứu này, ông làm đảo ngược tất cả những nghiên cứu cổ cho rằng: người Việt gốc từ người Trung Hoa trốn lạnh hay trốn bạo tàn di cư xuống; mà người Trung Quốc do người từ Đông Nam Á đi lên hợp với giống người đi từ Bắc Á đi xuống."
Nếu quả thật đây là một khám phá thực thì quả là nó làm đảo lộn suy nghĩ của chúng ta bấy lâu nay. Vậy chúng ta hãy đọc xem phương pháp ông nghiên cứu như thế nào.

Trong phần "Phương pháp nghiên cứu" của bài viết "Thử tìm lại biên giới cổ của Việt-Nam: bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống ADN", Trần Đại Sỹ mô tả phương pháp ông làm như sau:
"Trong việc đi tìm nguồn gốc tộc Việt, tôi đã dùng phương pháp y-khoa nhiều nhất, và phương pháp khoa học mới đâỵ Tôi đã được giáo sư Tarentino về khoa Anatomie của Ý và giáo sư sinh vật Vareilla Pascale của Pháp tích cực giúp đỡ. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan. Phía Tây tới tỉnh Tứ-xuyên Trung-quốc , phía Đông tới biển Nam-hảị Nghĩa là bao gồm toàn bộ Hoa-Nam, và Đông-dương.

Dùng biện chứng y-khoa vào khảo cổ.

Biện chứng căn bản của người nghiên cứu y-khoa là: "Khi có chứng trạng, ắt có nguyên do". Biện chứng này đã giúp tôi rất nhiều trong khi nghiên cứu về nguồn gốc tộc Việt. Khi nghiên cứu, những tài liệu cổ, dù là huyền thoại, dù là huyền sử, dù là triết học, tôi cũng coi là chất liệu quan trọng.

Như tôi đã trình bày, nước tôi có một tôn giáo, mà toàn dân đều theo đó là thờ các anh hùng dân tộc. Tại những đền thờ chư vị anh hùng, thường có một cuốn phổ kể sự tích các ngài. Vì theo thời gian, tiểu sử các ngài bị dân chúng huyền thoại hóa đi, riết rồi thành hoang đường. Cho nên những học giả đi tiên phong, nghiên cứu về sử học Việt thường bỏ qua. Tôi lại suy nghĩ khác: "Không có nguyên do , sao có chứng trạng?"

Vì vậy tôi đã tìm ra rất nhiều điều lý thú. Tỷ dụ : Bất cứ một nhà nghiên cứu nào, khi khảo về thời vua An-Dương cũng cho rằng chuyện thần Kim-quy do vua móng làm nỏ bắn một lúc hàng nghìn mũi tên khiến Triệu-Đà bị bại là hoang đường, là ma trâu đầu rắn. Nhưng tôi lại tin và cuối cùng tôi tìm ra sự thật. (chú thích: phân khoa khảo cổ Trường Đại Học Hà Nội cùng một số nhà khảo cổ của Trường Đại Học Hawaii và New Zeand đã tìm thấy những di chỉ của triều đại vua An Dương Vương như thành Cổ Loa, các mũi tên đồng ... trong cuộc khai quật vùng vòng đai cách Hà Nội 15 km vào năm 1980)

Hồi ấy Cao Cảnh hầu Cao Nỗ đã chế ra nỏ liên châu, như súng liên thanh ngày naỵ Tôi cũng tìm ra kích thước của ba mũi tên đồng của nỏ nàỵ (Có thể nghe Trần Đại Sỹ trả lời phỏng vấn ở đây.)
Trước tôi đã có các nhà khảo cổ căn cứ vào xương sọ tìm được tại Trung và Bắc-phần (70 cái). Trong đó có 38 cái do người Pháp sưu tầm thuộc thời đại Đồ-đá, thì 29/38 cái được kết luận là thuộc chủng loại Malanésien, Indonésien, Australoide hay Nam-á. Với 29 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể. Gần đây các học giả Việt-Nam lại tìm ra 32 xương sọ, thuộc thời đại Đồ-sắt (1.000 năm trước Tây-lịch đến 300 sau Tây-lịch), thì 22/27 thuộc chủng loại Mongoide. Với 32 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể tộc Việt thuộc chủng loại Mongoide.

Những tác giả trên đã căn cứ vào chỉ số xương sọ để kết luận. Nhưng y học đã tiến bộ, căn cứ vào chỉ số xương sọ để định nguồn gốc đã bị đánh đổ. Nguyên do: Khi con người di cư đến vùng khác, bị khí hậu, bị nước uống, bị thực phẩm làm thay đổi xương sọ. Chúng tôi dùng hệ thống ADN, hệ thống sinh học mới nhất thử nghiệm ngay những người đang sống của 35 dòng họ tại Hoa Nam với Việt-Nam, rồi với những dòng họ khác tại Hoa Bắc. Lại cũng thử nghiệm những bộ xương của ba vùng trên, không phân biệt thời gian. Cuối cùng chúng tôi tìm ra sự khác biệt của những tộc Hoa Nam, Việt Nam với những tộc Hoa Bắc, và đi đến kết luận: lãnh thổ Văn-lang, tới hồ Động-đình."
Thực ra, những mô tả trên đây của Trần Đại Sỹ không thể cho là "phương pháp nghiên cứu", vì nó chỉ là những phát biểu lan man, linh tinh, chẳng có liên hệ hay kết cấu có hệ thống gì với nhau. Người viết bài này cũng từng làm nghiên cứu về di truyền học, nên có thể khẳng định rằng Trần Đại Sỹ chưa bao giờ làm nghiên cứu khoa học. Để quí độc giả biết chút ít về phương pháp truy tìm xu hướng di dân của các chủng tộc, tôi xin mô tả một cách ngắn gọn như sau:
Thứ nhất, nhà nghiên cứu phải chọn ra nhiều bộ tộc (hay dân tộc) khác nhau ở các nước và vùng khác nhau; trong mỗi bộ tộc, nhà nghiên cứu chọn ra một số lượng người cần thiết cho việc nghiên cứu. Thông thường, một nghiên cứu có giá trị, tức có thể cho kết quả đáng tin cậy, cần phải có ít nhất là 500 người đến vài ngàn người tình nguyện. 
Thứ hai, sau khi đã chọn được đối tượng nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phải lấy mẫu máu. Những mẫu máu này phải được bảo tồn và xử lí trong một phòng thí nghiệm được chính phủ công nhận. Việc xử lí máu bao gồm cả việc chiết DNA để dùng cho phân tích di truyền. 
Thứ ba, nhà nghiên cứu sẽ cân nhắc số lượng genes (hay "genetic markers") cần phải phân tích để có kết quả khả quan. Sau khi đã quyết định số lượng genes (thông thường là 20 genes trở lên, có khi cả 400 genes), cần phân tích, giai đoạn kế tiếp là dùng công nghệ sinh học để tìm sự biến thiên của genes (genetic variations). 
Thứ tư, sau khi đã phân tích genes, nhà nghiên cứu phải xác định "tần số allele" (allelic frequency) trong mỗi gene cho mỗi bộ tộc. Từ tần số này, họ dùng các phương pháp toán học khá phức tạp để ước tính khoảng cách di truyền (genetic distance) giữa các bộ tộc. 
Thứ năm, sau khi đã ước tính tất cả khoảng cách di truyền giữa các bộ tộc, nhà nghiên cứu sẽ dùng computer để xây dựng một cây di truyền (phylogenetic tree), và từ cây di truyền, nguồn gốc dân tộc sẽ được phỏng đoán. Dĩ nhiên, các yếu tố khác như lịch sử và bằng chứng khảo cổ học cũng phải được xem xét để kết luận về các xu hướng di dân giữa các bộ tộc.
Một nghiên cứu như thế thường tốn khoảng 1 triệu Mỹ kim, và cần cả năm mới hoàn thành được. Do đó, đọc xong doạn văn "phương pháp nghiên cứu" trên đây của Trần Đại Sỹ, người ta phải kết luận rằng hoặc là ông ta không biết mình đang nói gì, hoặc ông ta chỉ phịa ra để lòe người không rành về nghiên cứu di truyền học. Những loại "nghiên cứu" mà Trần Đại Sỹ mô tả không phải là nghiên cứu, và dù có đi nữa thì chúng cũng chẳng có một ý nghĩa khoa học gì cả, nó là một loại "ngụy khoa học". Vả lại, cơ quan nào đã tài trợ cho ông làm một nghiên cứu như thế, khi mà ông không hề có một thành tích nghiên cứu khoa học nào được công nhận cả. Trong thực tế, như đã nói trên, Trần Đại Sỹ không có một công trình khoa học nào được công bố trên các tập san chuyên môn được công nhận. Hoặc có thể ông đăng dưới một tên nào khác, mà chúng tôi chưa được biết..

Vấn đề người Việt di dân từ Trung Quốc, hay người Trung Quốc di dân từ Đông Nam Á là một vấn đề khoa học rất "nóng" hiện nay. Những ai muốn theo dõi các nghiên cứu liên quan đến câu hỏi này có thể tham khảo các bài báo nghiên cứu khoa học (thứ thiệt) sau đây: "Genetic relationship of populations in China", của Bài báo của Giáo sư J. Y. Chu và đồng nghiệp thuộc Trường Đại học Texas, đăng trên Tập san Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; số 95, trang 11763-11768; (ii) "Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into Eastern Asia during the last Ice age" của B. Su và đồng nghiệp, đăng trên Tạp san American Journal of Human Genetics, năm 1999, số 65, trang 1718-1724. Đặc biệt là nghiên cứu của Giáo sư Li và đồng nghiệp, thuộc Trường Đại học Texas (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Di truyền học Trung Quốc cho thấy nguồn gốc của người Trung Hoa (và cả người Đông Á) rất có thể là do người từ Đông Nam Á di dân lên. Công trình của Giáo sư Li và đồng nghiệp được công bố năm 1998.

Một số thành tích "nghiên cứu" của Trần Đại Sỹ được mô tả như sau:
"Tìm lại được cây phản phì. Năm 1982, YTCS cùng phái đoàn CMFC, đã tìm lại được cây Phản phì, tưởng đã tuyệt chủng. Loại cây này thuộc họ trà, rút bỏ một vài độc chất, chế biến thành thuốc uống vào có khả năng giảm béo, hạ thấp cholesterol, triglyceride trong máu, mà không bị phó tác dụng như các loại thuốc hóa học. Sau đó cây này được gây giống, trồng, chế thành thuốc. Năm 1984 bắt đầu bán trên thị trường châu Âu."
Trong thế giới nghiên cứu y khoa, trung bình, một loại thuốc, tính từ khi mới phát hiện công thức hóa học đến giai đoạn thử nghiệm và cuối cùng đến tay người tiêu thụ, tốn khoảng 25 năm, và hàng tỉ Mỹ kim. Việc thử nghiệm phải qua các kiểm duyệt rất gắt gao về phương pháp khoa học và y đức, chứ không đơn giản chỉ thử trên vài đối tượng là xong và đem ra thị trường. Ấy thế mà thuốc dùng "cây phản phì" của ông Trần Đại Sỹ chỉ cần 2 năm là ra thị trường tiêu thụ! Thật là phi lí. Đối với người viết bài này, câu chuyện, thú thật, nghe cứ như là một loại "lang băm" sáng chế thuốc chữa béo phì. Giả như có thật thì thuốc đó tên gì, có thể liên hệ để tìm hiểu thông tin ở Viện bào chế Dược liệu nào, xin ông chỉ giúp.

Và sau đây là một thành tích khác về phương pháp "điện phân mỡ":
"Tìm ra phương pháp điện phân mỡ. Khởi đầu từ năm 1978, trong một dịp vô tình, YTCS cùng một số học trò, đã tìm ra phương pháp điện phân mỡ, mà tiếng Pháp gọi là Lypo-électrolyse. Sau đó mười năm, một trong các học trò của ông là Bác sĩ Nguyễn Thị Dung (hay Đặng Vũ Dung), đem ra phổ biến trên báo, nên người ta tưởng bà là tác giả. Hiện nay trên thế giới có khoảng 60.000 bác sĩ sử dụng. Phương pháp này có thể làm mất mỡ tại bất cứ khu vực nào trên cơ thể, mà không phải dùng thuốc, hay giải phẫu."
Người làm việc trong nghiên cứu y khoa ắt phải lắc đầu về câu phát biểu này. Không hiểu cái "phát minh" này ông Trần Đại Sỹ đã đăng kí bản quyền (patent) ở đâu hay chưa, và tên máy là gì, nhưng một điều cực kỳ phi lí là "Phương pháp này có thể làm mất mỡ tại bất cứ khu vực nào trên cơ thể, mà không phải dùng thuốc, hay giải phẫu". Chứng béo phì (obesity) đang là một trong những vấn đề y khoa lớn nhất trong các nước Tây phương, và nhiều chính phủ đã chi tiêu hàng trăm tỉ Mỹ kim để nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì khả quan. Ấy thế mà ông Trần Đại Sỹ dám tuyên bố như trên, thì phải nói là cực kỳ lố bịch.

Trần Đại Sỹ: một con người "phi thường"
Đến đây thì người đọc ắt sẽ không khỏi thắc mắc ông Trần Đại Sỹ là ai? Thực ra, ông là ai không quan trọng, vì vấn đề ở đây là những phát biểu của ông, chứ không phải cá nhân ông. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể tham khảo một vài tài liệu được lưu truyền trong báo chí và internet ở hải ngoại.

Ông Trần Đại Sỹ được người Việt hải ngoại biết đến như là một giáo sư, bác sĩ y khoa. Trong một bài viết (cũng trong trang trên), Trần Đại Sỹ tự nói về chính ông như sau:
"Năm 5 tuổi bắt đầu học Á học ngũ ngôn thi. Sáu tuổi học Bắc sử, Nam sử. Bẩy tuổi học tứ thư, ngũ kinh. Tám tuổi đã học làm câu đối, văn sách, văn tế, chế, chiếu, biểu. Dù phải học nhiều, song nhờ được luyện Thiền tuệ nên vẫn thu thái dễ dàng. Chín tuổi phải học thuật tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Mười tuổi học 24 bộ chính sử Trung Quốc, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt ngữ lược, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam chính biên liệt truyện, và hằng trăm thứ sách khác. Thành ra cả thời thơ ấu, tôi sống với sách vở, với Thiền, chưa từng biết chơi bi, đánh đáo. Bất cứ ai cũng đặt câu hỏi: Làm thế nào tiền nhân tôi lại có thể nhét vào đầu tôi những thứ khô khan như vậy? Sau này lớn lên vào đại học y khoa tôi mới biết là nhờ Thiền tuệ." 
"Năm 15 tuổi, YTCS (Yên tử Cư sĩ) đổ Trung học, rồi ông ngoại qua đời, một người trong gia đình gây ra thảm cảnh không thể tưởng tượng nổi, kiến YTCS phải rời tổ ấm. Song cơ may đưa đến, ông được nhập học một trường có truyền thống giáo dục cực kỳ chu đáo. Tuy gặp thảm họa, nhưng những gì bản sư, ông cha đã hoạch định cho cuộc đời, YTCS vẫn cương quyết theo đuổi. Sống xa gia đình, YTCS phẫn uất dồn hết tâm tư vào việc học. Mười bẩy tuổi ông đỗ tú tài 1, mười tám tuổi đỗ tú tài toàn phần. Vào đại học. Năm 25 tuổi ra trường (1964). Đã có chỗ đứng vững chắc về danh vọng, về tài chánh. Bấy giờ ông mới trở về với gia đình trong vinh quang. Mà ... cái người gây ra đau khổ cho YTCS, than ôi, y trở thành một tên lêu bêu, vô học bất thuật, và cho đến bây giờ (2000), y đã đi vào tuổi 66, vẫn là một tên ma cô, ma cạo."
Người đọc có thể, một cách không ngoa, cho rằng ông là một người rất thông minh, nếu không muốn nói là một người phi thường (prodigy), vì chỉ mười tuổi mà ông đã làu thông kinh sử Trung Quốc và Việt Nam. Từ việc học những cổ văn, kinh sử, ông chuyển sang Tây học một cách dễ dàng, đỗ tú tài và vào đại học không có gì khó khăn. Tuy nhiên, một điều hết sức lạ lùng là Trần Đại Sỹ không cho người ta biết một chi tiết thối thiểu là ông đã học trường trung học nào và ở đâu.

Trong phần kế tiếp, sau khi đã khoe viết được 12.709 trang sách tiểu thuyết giả sử, tác giả viết:
"Nếu so sánh với sự nghiệp văn học, thì sự nghiệp y học của YTCS rất khiêm tốn. Tốt nghiệp:
  • Đại học Y khoa Cohin Port Royral (Pháp) với luận án "Contribution à la bio-bibliographie de quelques Stomatologistes et dentistes francais."
  • Đại học Y khoa Thượng hải, với luận án Trung y dương ủy biện chứng luận trị (Điều trị chứng bất lực sinh lí bằng y học Trung Quốc).
  • Trung y học viện Bắc Kinh, với luận án Cổ Trung dược
Thực ra, ở Pháp không có trường "Đại học Y khoa Cohin Port Royal", mà có Trường Đại học Paris 5 (tức René Descartes), và trường này có một phân khoa y tên là "Cochin Port-Royal". Còn các trường "Đại học Y khoa Thượng Hải" và "Trung Y học Viện Bắc Kinh" thì tôi không biết chúng có thật hay không, và do ai quản lí hay được công nhận là những đại học chính qui của Trung Quốc hay không. Độc giả nào biết xin cho ý kiến.

Nhưng ngay cả tên của luận án (tạm dịch: "Cống hiến vào thư mục về nghiên cứu miệng và răng") cũng rất đáng nghi ngờ. Xin độc giả nào đã và đang học tại trường này (Paris V, hay René Descartes, Phân khoa y Cohin Port Royal) kiểm tra xem có phải Trần Đại Sỹ đã tốt nghiệp với luận án trên. Cứ theo cái tựa đề này thì Trần Đại Sỹ học về nha khoa, chứ không hẳn y khoa. Điều thú vị là sau khi tốt nghiệp Tây y, ông ta lại theo học Đông y ở Trung Quốc.
"Năm 1977, ông làm việc cho Ủy ban trao đổi y học Pháp – Hoa (Comité Médical Franco – Chinois, viết tắt là CMFC) với chức vụ khiêm tốn là thông dịch viên. Nhờ vào vị trí này, ông đã học thêm, đỗ Tiến sĩ y khoa Trung Quốc, rồi lại tốt nghiệp Trung y học viện Bắc Kinh. Dần dần ông trở thành giảng viên, rồi tổng thứ ký, và cuối cùng là trưởng đoàn từ 1995 đến nay (2000)."
Cũng lạ! Tại sao đã tốt nghiệp đại học y khoa (tức bác sĩ) mà lại đi làm thông dịch viên cho CMFC? Tại sao một Ủy ban trao đổi y học mà lại có quyền phong chức "Giảng viên," một chức vụ khoa bảng trong các trường đại học.

Ở một đoạn khác, ông viết rằng cũng năm 1977, ông bắt đầu đào tạo học trò:
"Đào tạo học trò. Năm 1977, YTCS bắt đầu đào tạo học trò. Nhận thấy y học Tây phương thường bó tay trước một số bệnh, mà y học Trung Quốc lại có thể điều trị dễ dàng. Trong khi đó tại Pháp cũng như Châu Âu, lại ít người biết đến. Bấy giờ tại Pháp có trường vài trường (sic), dạy cho những bác sĩ đã tốt nghiệp đại học y khoa, học thêm 3 năm về khoa Châm cứu, chương trình rất giản lược. Ông âm thầm đào tạo 9 bác sĩ người Âu, và 5 bác sĩ người Việt, và một tu sĩ Phật giáo về khoa Châm cứu, bốc dược, khí công rất sâu, đúng như chương trình của đại học y khoa Thượng hải. Chính đám đệ tử đầu tiên này, sau khi học xong, đều mở trường dạy học, hồm hai trường ở (sic) Pháp một trường ở Tây Ban Nha. Chương trình dạy tổng hợp y học Âu Á bắt đầu. YTCS dạy tại các trường này, vừa làm cố vấn cho các giám đốc trường. Cho đến nay (2000), ông đã đào tạo được 1.422 bác sĩ, đang hành nghề khắp Âu châu. Trong đó có 136 bác sĩ Việt Nam."
Từ năm 1977 đến năm 2000 là một thời gian khoảng 23 năm. Trong thời gian đó mà ông Trần Đại Sỹ đã đào tạo được 1.422 bác sĩ thì quả là một thành tích phi thường. Thật ra phải nói là một thành tích khó tin thì chính xác hơn, bởi vì tính trung bình, mỗi năm ông đào tạo được 54 bác sĩ! Thật là khó tin, nếu không muốn nói là vô lí.

Bài báo cho biết Trần Đại Sỹ "Hiện là giám đốc Trung Quốc sự vụ tại Viện Pháp – Á (Institut Franco – Asiatique) và Giáo sư trường Y khoa Arma (Paris)." Tuy nhiên, qua kiểm tra danh bạ các trường đại học Pháp, tôi không thấy "Trường Y khoa Arma" ở đâu cả! Ngay cả Viện Pháp Á cũng không có trong danh bạ điện thoại ở Paris!

Giáo sư là một chức vụ cao trong hệ thống khoa bảng thuộc các đại học Tây phương. Theo tác giả Nguyễn Văn Tuấn (Thế Kỷ 21, 2001), trong các trường đại học Tây phương, có ba cấp học hàm giáo sư: Assistant Professor (hay Lecturer ở một vài nước theo hệ thống Anh Quốc), Associate Professor (hay Reader), và Professor. Phần lớn những người được đề bạt vào chức vụ Professor là những nhà nghiên cứu có quá trình nghiên cứu khoa học lâu năm, và có uy tín cao trên trường quốc tế. Tiêu chuẩn để được đề bạt vào các chức vụ này thường dựa vào ba cống hiến chính: nghiên cứu, giảng dạy, và phục vụ cộng đồng. Về nghiên cứu, mức độ cống hiến cho kiến thức nhân loại được "đo lường" bằng số lượng và chất lượng các bằng sáng chế (patents) hay các bài báo khoa học (papers) được công bố trong các tạp chí khoa học chuyên môn. Tùy theo trường đại học, một Assistant Professor phải có ít nhất là 5 bài báo khoa học; một Associate Professor thường phải có tối thiểu là 30 bài báo khoa học; và một Professor phải có tối thiểu là 50 (thường là 100) bài báo khoa học.

Qua kiểm tra hệ thống thư viện y học thế giới, tôi có thể khẳng định rằng ông Trần Đại Sỹ chưa hề công bố một công trình nghiên cứu khoa học nào trong các tập san chuyên môn về y học. Do đó, có thể nói tóm lại, là cái danh hiệu "Giáo sư" mà ông dùng là không do một trường đại học nào của Pháp phong cho cả; có thể ông chỉ tự phong mà thôi.

---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

14 nhận xét:

  1. Úi trời, xém em quên là em còn cái site ở google vì cũng lâu rồi không đụng tới, hihi, thế mà bác lục ra được không thì em quên mất thật.

    Bài viết này của ông Bàn Tân Định, vì trang giaodiem.com đã đổi tên là giaodiemonline.com nên bài viết không vào được, em sẽ cập nhật lại bên site ngay đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc bí, phải tin vào trang của bạn mình thôi. Cảm ơn Khoằm nhiều nhé !

      Xóa
  2. Bài viết này của ông Bàn Tân Định lên trang Giao Điểm muộn nhất cũng phải là từ giữa năm 2002 vì bài của ông Trần Đại Sỹ lên mạng vào khoảng tháng 1/2002, ông Bàn Tân Định có dẫn một số bài viết phổ biến trong vòng nửa đầu năm 2002 và ông Hoằng Nguyên Nhuận có trích dẫn ông Bàn Tân Định trong bài viết "Chiều mưa biên giới anh đi về đâu" lên trang Chuyển Luân quãng Quý I năm 2003.

    Còn bút danh Bàn Tân Định là của ai thì em chưa tra ra được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là toàn bộ bài viết của ông Bàn Tân Định trên trang Giao Điểm http://www.giaodiemonline.com/thuvien/mluc/tacgia_btd.htm

      Xóa
    2. Đa tạ bạn Khoằm !

      Để mình đi một entry bổ sung cho tư liệu liên quan đến ông Bàn Tân Định. Phỏng đoán của Khoằm về thời điểm 2002-2003 là có lí đấy. Tức là cũng đã cả 10 năm về trước rồi.

      Xóa
    3. Bàn Tân Định có lẽ là bút danh của một nghiên cứu sinh ở Úc, chuyên môn về di truyền học (hồi năm 2002). Tên thật có thể là Nguyễn Đức Khiêm. Vì chính trên Giao Điểm, bác này đã bộc bạch như sau:
      http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/Btd_tvtA.htm

      "Bác sĩ Tích có ý cho tôi là “vẹm”. Thú thật tôi còn trẻ và lớn lên ở hải ngoại nên không biết chữ “vẹm” có nghĩa gì. Lật từ điển tiếng Việt thì thấy giải thích là “Trai to ở ven biển, vỏ màu xanh đen”. Như vậy ông muốn đồng hóa tôi với loài vật ở ven biển. Nhưng tôi không phải vẹm, mà là một nghiên cứu sinh về di truyền học đang ở Monash, Melbourne, Úc. Xin nói vài chi tiết cá nhân: Tên: Nguyễn Đức Khiêm (không có liên hệ với Bác sĩ Nguyễn Đức Phùng); quê quán: Sài Gòn; chuyên môn: Sinh học phân tử (molecular biology). Do đó, ông Tích đã phạm một lỗi nghiêm trọng trong tranh luận: xuyên tạc cá nhân và “name-calling”. "

      Xóa
    4. Ông Mai Thái Lĩnh, trong một bài trên talawas, hồi năm 2010, cũng có nhắc đến Bàn Tân Định ở thời điểm 2002:
      http://www.talawas.org/?p=17208#_ftnref1

      "Đầu năm 2002, khi cuộc tranh luận về ải Nam Quan bắt đầu diễn ra gay gắt, một thanh niên ở Hà Nội đã đến thăm cửa khẩu Hữu Nghị và sau đó gửi bài lên Internet để tường thuật lại cuộc viếng thăm đó, kèm theo một số hình ảnh. Trên trang mạng Giao điểm, một tác giả có bút danh là Bàn Tân Định đứng trên lập trường bênh vực Đảng Cộng sản Việt Nam đã sốt sắng giới thiệu bài viết này cùng một số hình ảnh kèm theo để bác bỏ nguồn tin “Việt Nam mất ải Nam Quan”. Bản thân chàng thanh niên đó cũng hoàn toàn tin tưởng rằng “ải Nam Quan” vẫn còn đó, và đường biên giới không hề thay đổi. Thế nhưng chính lời tường thuật và những tấm ảnh đăng kèm lại trở thành bằng chứng cho thấy đường biên giới bị đẩy lùi về phía nam, vào trong lãnh thổ của Việt Nam[1]."

      [1]Bàn Tân Định, “Bàn về biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Vấn đề dữ kiện”, Giao điểm 2002: http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/biengioi_one.htm. Bài viết của sinh viên lấy tên là Văn Khoa được Bàn Tân Định giới thiệu ở chú thích số 12.

      Xóa
    5. Khi cập nhật lại trang em chỉ lướt qua một số đoạn mà em còn nhớ đại ý để kiểm tra xem có sự thay đổi nào không chứ không đọc kỹ bài viết nên bỏ sót mất đoạn tự giới thiệu của Bàn Tân Định, và em lại đang ngả theo một giả thuyết rằng Bàn Tân Định có tên là Tuấn, hihi, sơ sót quá!

      Xóa
    6. Về vấn đề Ải Nam Quan, cũng có nhiều dữ kiện từ các phía tranh luận từ năm 2005 tới năm 2012 tại đây http://ttvnol.com/f_533/574394

      Xóa
    7. Vấn đề Ải Nam Quan, để khi khác đi Khoằm à. Bây giờ, tạm khoanh vùng vào Bàn Tân Định và Trần Đại Sỹ đã.

      Xóa
  3. Gửi chủ trang :

    Những vấn đề tương tự phát hiện của Bác sĩ Trần Đại Sỹ,chủ trang có thể tham khảo thêm tại trang huvi.wordpress.com. Những thông tin trong trang này về đề tài lịch sử quả rất thú vị.

    Trân trọng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về vấn đề biên giới cổ thì có Trương Thái Du có vẻ theo thuyết của Trần Đại Sỹ, ngoài blog thì với nick Ledung18, Trương Thái Du từng tung hoành trên TTVNOL.com về vấn đề này và nhận được không ít gach đá về xây biệt thự http://ttvnol.com/f_533/621665

      Xóa
    2. http://ttvnol.com/f_533/489251
      http://ttvnol.com/f_533/888829
      http://fddinh.blogspot.com/2012/01/ngay-gio-to-o-au-ra-blog-cua-5xu.html

      Xóa
    3. Cảm ơn chỉ dẫn của Cu Tí. Mình chưa biết, bây giờ mới biết đến trang huvi.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.