Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/05/2016

Đón chào ngài Obama, đọc chơi lại Trần Đăng Khoa 1969 : "Ngu xuẩn nhất nhì, Là tổng thống Mỹ"

Đưa bản gốc năm 1969 sau. Năm 1969 này, trước đó, đã đưa nghi vấn ở đây, dễ trả lời hơn, nhưng chưa nhận thấy thành ý trong phản hồi gián tiếp của ông Trần Đăng Khoa (khác với cậu Trần Đăng Khoa).

Bây giờ, là đọc một vài bàn luận.

"
Khái niệm "kẻ thù", với em bé mười tuổi, là khá trừu tượng, nhưng nhờ được trang bị bằng các khuôn mẫu tình cảm và ý niệm tập thể như nói trên, nên em có thể có cái tư thế lạ này: "Lớn lên đất nước quê em. Nhìn xuống giặc Mỹ tự nhiên bật cười". Không có sự hỗ trợ của các khuôn ý niệm có sẵn như thế, em không thể làm được những câu thơ "thơ-định-nghĩa" kiểu như: "Bắn tàu Mỹ cháy / Là khẩu súng trường / Người em yêu thương / Là chú bộ đội / Chăm ngoan học giỏi / Là bạn thiếu nhi / Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ"… Ngay câu chuyện đào dấu chân "thằng giặc Mỹ" đổ xuống ao sâu mà chú bé mười tuổi ấy đã hư cấu rất tài, cũng lại là lấy từ ý thức và tình cảm vừa tập thể vừa dân gian: căm ghét đến mức đào đất đổ đi, cái gì dính tí ti với dấu chân kẻ thù cũng đều nhơ bẩn tuốt!

"


"

 “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa năm 11 tuổi (1969) có bài thơ “Kể cho bé nghe” viết theo kiểu đồng dao: “Hay nói ầm ĩ / Là con vịt bầu / Hay hỏi đâu đâu / Là con chó vện”. Bài thơ cứ thế kéo dài cho đến tám câu kết: 


Bắn tàu Mỹ cháy 

Là khẩu súng trường 

Người em yêu thương 
Là chú bộ đội 
Chăm ngoan học giỏi 
Là bạn thiếu nhi 
Ngu xuẩn nhất nhì 
Là tổng thống Mỹ 

Chú bé Khoa không nói gì khác điều XYZ đã từng nói: “Mỹ mà xấu” trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh Việt - Mỹ đang hồi căng thẳng, ác liệt nhất. Trước đó, 10 tuổi, Khoa cũng đã viết: Thằng Mỹ nó đến nước tôi / Búp bê nó giết, bao người nó tra / Nó bắn cả cụ mù lòa / Nó thiêu cả bé chưa và được cơm (“Gửi bạn Chilê”). 

Trong Tuyển thơ Trần Đăng Khoa (Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999) được Khoa coi là chuẩn văn bản của thơ mình, tám câu này được thay lại hoàn toàn như sau: 


Chẳng vui cũng nhảy 

Là chú cào cào 

Đêm ngồi đếm sao 
Là ông cóc tía 
Ríu ran cành khế 
Là cậu chích chòe 
Hay múa xập xòe 
Là cô chim trĩ... 


Vần điệu vẫn chỉnh chu cho bài thơ theo kiểu vòng tròn đọc đến câu cuối lại đọc trở lại câu đầu. Nhưng Khoa người lớn đã chỉnh sửa Khoa trẻ con. Có lần nhân nói đến việc Khoa sửa thơ như thế, một số người không đồng tình, cho là phải giữ nguyên trạng bài thơ như đã được viết ra vì nó mang dấu ấn một thời, không khí một thời, cách cảm cách nghĩ một thời, chung cho tất cả mọi người, thấm vào cả một hồn thơ còn trẻ nít. Nhưng Khoa đưa ra cái lý của anh là người làm thơ luôn vận động, mỗi bài thơ sẽ được sửa chữa nhiều lần, chừng nào nhà thơ còn viết thì bài thơ chưa thể nói là có dạng hoàn chỉnh tận cùng. Tôi nhớ đại khái Khoa nói vậy trong một lần trò chuyện. 

"
---





1. Lại Nguyên Ân và Trần Đình Sử năm 1985





Những hiện tượng và vấn đề của văn học đương thời thường lôi cuốn chúng tôi vào những cuộc trò chuyện bất tận mà không phải bao giờ cũng có thể ghi lại hết. Cách đây vài năm, tôi đã ghi lại và gửi đăng Văn nghệ một trong số những cuộc như thế, xoay quanh sáng tác của nhà văn Nguyễn Khải. Lần này, tôi ghi lại một cuộc nữa, bàn đến con đường thơ của Trần Đăng Khoa, nhân tập thơ Bên cửa sổ máy bay (Nxb Tác phẩm mới, 1985) của Khoa vừa ra mắt. Mong rằng những lời bàn ở đây sẽ gợi thêm cho những lời bàn khác nữa ở mỗi bạn đọc. (L.N.Â).
*
Lại Nguyên Ân (L.N.Â): - Trần Đăng Khoa xuất hiện giữa những năm 1960 với tư cách là một em bé làm thơ. Hồi ấy qua báo chí ta thấy có rất nhiều những em bé làm thơ như thế. Nhưng trong số ấy, đặc biệt nổi tiếng rộng rãi, thậm chí vượt xa ra ngoài biên giới Việt Nam thì chỉ có Khoa. Cũng trong số ấy, cho đến nay có vẻ như chỉ có Khoa là còn theo đuổi con đường làm thơ chuyên nghiệp.

Trần Đình Sử (T.Đ.S): - Phải nói là hồi ấy, những chùm thơ Từ góc sân nhà em, Góc sân và khoảng trời đã chinh phục được một phạm vi độc giả hết sức rộng. Tài năng "thần đồng" của Khoa hồi ấy là không bàn cãi gì nữa, ngay trong giới sáng tác và phê bình, nghiên cứu chuyên nghiệp.

L.N.Â: - Tuy vậy, do quá yêu tài thơ Khoa, không ít độc giả có ý nghĩ đơn giản là con đường thơ của Khoa từ ấy trở đi chỉ có thể đi lên, chỉ có hay hơn nữa mà thôi. Người ta hình như quên mất rằng đằng sau những bài thơ rất tuyệt kia là một con người thực, cụ thể: một em bé, dù là em-bé-thần-đồng. Đối với con người ấy, việc trở thành người lớn hiển nhiên là chuyện rất tất yếu, còn việc trở thành nhà-thơ-người-lớn thì dẫu sao cũng chỉ là một trong số các khả năng.

Thật ra, Khoa vẫn làm thơ, vẫn có thơ đăng báo đều đều. Nhưng hình như các sáng tác in ra không còn gây được chấn động bồng bột trong độc giả như trước kia. Trường ca Khúc hát người anh hùng, với tư cách là sáng tác của một thiếu niên 15 - 16 tuổi thì rõ ràng là một sáng tác đầy tài năng, nhưng với tư cách là một trong số các trường ca, − thể tài lúc đó đang nở rộ − thì nó cũng đứng ở vị trí khá khiêm tốn. Nó không xuất sắc gì lắm trong việc khám phá, cắt nghĩa một con người anh hùng, ngoài việc hình dung vẻ đẹp người nữ anh hùng trong sự gắn bó với thiên nhiên và làng xóm quê hương: Cô như con sóng giữa sông, Phù sa giữa đất trăng trong giữa trời…

T.Đ.S: - Tôi đánh giá Khúc hát người anh hùng cao hơn thế. Nếu tôi không nhầm thì Khoa là người đầu tiên đặt ra các khúc hát xen giữa các đoạn thơ kể chuyện. Trường ca dưới ngòi bút Khoa và nhiều người khác, căn bản là một tiếng hát ca ngợi…

L.N.Â: - Học xong phổ thông, Khoa không vào đại học ngay mà đi bộ đội, nhưng vẫn tiếp tục làm thơ. Cho đến gần đây, ta có thể coi Bên cửa sổ máy bay là tập thơ đầu tiên của một Trần Đăng Khoa người lớn. Phần lớn các bài trong tập này, độc giả cũng đã được đọc trên báo chí. Và phải nói, hiệu quả gây ra chưa phải là mạnh, là đậm. Cho nên, ở người đọc, những câu hỏi về con đường sáng tác của Khoa chưa phải là đã được giải đáp…

T.Đ.S: - Lời giải đáp thì không thể có được bây giờ. Phải là sau này, ở những chặng sau, thậm chí những chặng cuối. Song, để tự thuyết phục mình, để hiểu được vì sao từ chất lượng và hiệu quả những bài thơ của bé Khoa đến chất lượng và hiệu quả những bài thơ anh thanh niên Trần Đăng Khoa không phải là một tuyến thẳng tắp thì có lẽ phải tìm hiểu trên nhiều khía cạnh. Sự tri giác thế giới ở một đứa trẻ không giống như khi đứa trẻ ấy thành một người lớn. Phương diện khảo sát xã hội học lứa tuổi (hoặc tâm lý học lứa tuổi) có thể sẽ cung cấp những cơ sở cho vấn đề này. Tuy nhiên, tôi chú ý đến khía cạnh kiểu sáng tác: có thể là sáng tác của Khoa hồi thiếu nhi không giống với kiểu sáng tác của Khoa khi đã là người lớn…

L.N.Â: - Xin nói một nhận xét riêng mà tôi có lúc đã nói ướm thử trước một số bạn bè. Tôi nghĩ, cũng giống như nền học của ta đủ sức đẻ ra rất nhiều những trẻ em giỏi toán cỡ quốc tế, nhưng chưa đủ sức đẻ ra hàng loạt nhà toán học người lớn tài năng "siêu quốc gia"; văn hóa dân gian, "tại chỗ" của ta đủ sức đẻ ra những thần đồng mà Khoa là ví dụ rõ nhất, nhưng văn hóa thành văn thì hình như chưa đủ tiềm lực để đẻ ra một nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện đại ngang với tầm dân gian đoạn trước, hoặc là tiềm lực sinh thành ấy hãy còn quá sớm để hóa thân vào Khoa…

T.Đ.S: - Thơ thiếu nhi của Khoa đã là đối tượng của cả phê bình văn học lẫn của nghiên cứu tâm lý học. Người ta lấy thơ ấy để khảo sát tâm lý trẻ em, ngôn ngữ trẻ em, v.v… Mặc nhiên là cậu-bé-tác-giả được những người nghiên cứu coi như một em bé đã thể hiện rõ nhất tâm lý lứa tuổi qua thơ mình, một em bé đại diện cho lứa tuổi. Nghĩa là, Trần Đăng Khoa và thơ của Khoa đã được khảo sát như một hiện tượng loại hình chứ không như một hiện tượng cá tính, như một em bé trừu tượng chứ không như một em bé cụ thể, "em bé này". Và những người nghiên cứu ấy đã làm đúng (nếu không phải là họ gặp may): ở thời kỳ ấy, cá tính riêng của một con người vẫn còn chưa thành hình, khả năng đại diện cho cả loại hình, cho toàn bộ lứa tuổi vẫn bộc lộ ở thơ với một mức độ cao, cho phép người nghiên cứu có thể khái quát, quy nạp.

Vấn đề lý thú đối với lý luận là Khoa làm thơ vào lúc còn rất bé, nghĩa là vào lúc cá tính riêng còn chưa hình thành. Thế mà thơ lại hay. Nghĩa là có thể có thơ hay khi chưa hình thành cá tính sáng tạo (một cá tính riêng của con người còn chưa hình thành thì chưa thể nói là đã có cá tính sáng tạo). Vậy thì phải tìm xem có quy luật gì chi phối ở đây?

L.N.Â: - Ta hãy từ từ trở lại những sáng tác thơ của Khoa hồi đó. Phần thơ Từ góc sân nhà em (in lần đầu 1968) và về sau được nối dài thành Góc sân và khoảng trời (in lần đầu 1973) có những phạm vi chính như sau. Ban đầu, chủ yếu là những quan sát ngoại giới, quan sát thiên nhiên bên ngoài: mảnh vườn nhà, sân nhà, đàn gà, tiếng chim, tiếng võng, hoa cau, cây dừa, mặt trời mọc, trăng sáng, nắng, mưa… Có thể bảo rằng đấy là quan sát trực tiếp, trực quan, nên có thể in dấu cái nhìn riêng. Nhưng 8 - 9 tuổi, chưa hình thành cá tính, làm gì có cái nhìn riêng? Vả lại, nếu đứa trẻ ở tuổi ấy có thể phân biệt được trong đầu rằng cái này đỏ khác cái kia xanh, cái này tròn khác cái kia vuông, cái này tối khác cái kia sáng… thì cũng là nhờ có sự phân biệt bằng ngôn từ, do người lớn dạy cho, nhờ có cái hệ phân biệt sự vật do người lớn chỉ bảo. Trong các trường hợp làm các bài hát Đánh thức trầu, Con trâu đen lông mượt, Con cò trắng muốt hay Đám ma bác giun… thì tuy sự quan sát có tinh tế, sự "thêu dệt" có tài tình thật đấy, nhưng cơ sở của nó vẫn là các bài ca, điệu hát, các tập quán, các quan niệm dân gian, các quan niệm xã hội đang thông dụng do người lớn dạy cho. Từng từ, từng câu mà người lớn truyền thụ cho đứa trẻ còn đang tập nói đều chứa đựng những tri thức, ý niệm văn hóa mà lịch sử cộng đồng đã tích lũy được tính đến lúc đó. Mỗi từ, mỗi câu ấy đều bao hàm những nghĩa, tức là những hiểu biết, quan niệm, kể cả những thiện cảm lẫn những định kiến của tập thể cư dân trong cả một cộng đồng xã hội người.
Đúng là nhìn vào tài năng ngôn ngữ, thính giác nhịp điệu, tài năng kết cấu thì nhiều điều trong thơ bé Khoa cho đến giờ vẫn khiến ta kinh ngạc. Song ta hãy để ý đến ví dụ này: cậu bé 9 -10 tuổi có thể làm thơ kể chuyện mình giúp mẹ ra sao, khuyên nhủ em thế nào khi mẹ vắng nhà; nhưng các ý cậu bé nói ra bằng thơ ấy dẫu sao vẫn là những hành vi chuẩn mực về một em bé ngoan mà gia đình và thầy giáo vẫn thường khuyên dạy (Nhiều bài thơ của Khoa như là theo mẫu các hành vi chuẩn mực trong những chủ điểm của sách giáo khoa, và bây giờ, thật thú vị, thơ Khoa đang quay trở lại để đi vào sách giáo khoa lứa tuổi mới đến trường!). Ở cậu bé này, nếu ta có thể nói đến cá tính thì đó chỉ có thể là một cá tính phổ quát, tức là một cá thể người nói chung với những hành vi và "ý nghĩ" lặp lại các mẫu mực mà môi trường giáo dục xung quanh đang truyền thụ và định hướng để hình thành nên ở em, chứ chưa phải là hành vi và ý nghĩ thực thụ "của mình".

Theo với tuổi lớn lên, sự quan sát trong thơ chú bé lần lần mở rộng ra xã hội xung quanh: thôn xóm vào mùa, cánh đồng làng, tiếng trống hợp tác, chú bộ đội, thằng giặc Mỹ… và sau đó nữa là những điều gián tiếp hơn, trừu tượng hơn lên: Tổ quốc, lãnh tụ, lịch sử… Cùng với những điều này, các tình cảm xã hội, tình cảm chính trị cũng đi vào thơ bé Khoa dưới dạng sự lĩnh hội và thể hiện những ý niệm chung và tình cảm chung của "thế giới người lớn" xung quanh.

T.Đ.S: - Bài thơ "Khi mẹ vắng nhà" anh vừa nhắc trên, đôi lúc cứ khiến tôi tự hỏi: tại sao một em bé 12 tuổi đã có thể gắn được hai cái ý này với nhau: "Áo mẹ mưa bạc màu. Đầu mẹ nắng cháy tóc…"  với "con chưa ngoan, chưa ngoan"? Không thể trực quan mà thấy. Không thể do liên hệ nhân quả mà thấy. Chưa thể do hiểu biết mà thấy. Càng chưa thể bằng kinh nghiệm để thấy! Chẳng qua là do thấy người lớn nói thế thì chú bé vận vào mình. Con cái là "phải chịu trách nhiệm" về tất cả! − Chẳng phải xung quanh, người ta đều nghĩ thế, nói thế, khuyên bảo nhau như thế hay sao? Thành thử, cái ý tứ ấy lại là mượn từ một "khuôn nghĩ", một "khuôn hành vi" − hành vi mẫu của đứa con ngoan trong nói năng thưa gửi, hay khi được ban khen, khích lệ − của cộng đồng cư dân người lớn xung quanh…

L.N.Â: - Trong mỗi cộng đồng cư dân đều có hàng loạt những "khuôn mẫu tập thể" như vậy, trong suy nghĩ, nói năng, ứng xử, trong hệ thống những thiện cảm và định kiến. Những khuôn tư tưởng và hành vi như thế tồn tại trong đầu mỗi cư dân "người lớn" thường trực đến mức như là vô thức, nó nằm sẵn trong tiềm thức và bằng mọi cách nó phải lây lan sang mọi thành viên trẻ của cộng đồng, bởi nó là hệ thống chung, là bộ luật chung điều chỉnh hoạt động của mọi thành viên trong cộng đồng xã hội.
Ở thời Khoa làm thơ thiếu nhi cũng như thời chúng ta, không phải chỉ những tình cảm gia đình, tình cảm cộng đồng "muôn thuở" mà ngay cả những tình cảm xã hội, tình cảm công dân "thời sự" nhất cũng đã được dân gian hóa, được phổ cập vào ý thức hàng ngày của tập thể dân cư. Qua phát thanh, báo chí, tuyên truyền, qua các xúc tiếp ở nhà trường, ở đội thiếu niên, ở các lễ hội dân gian và chính thống, những tình cảm ấy đã trở thành chuẩn mực hành vi, chuẩn mực tình cảm hết sức phổ cập. Quê hương ta giàu đẹp; anh công nhân, chị nông dân cần cù lao động; anh bộ đội là hình ảnh đẹp đẽ nhất mà mỗi em bé đều muốn trở thành; Bác Hồ kính yêu tượng trưng cho dân tộc; giặc Mỹ là loài hung tàn, ngu ngốc, xấu xa… − những điều này đã thành những niềm tin dễ chấp nhận, thành đạo lý để ông bà dạy cháu, cha mẹ dạy con, anh chị khuyên các em, bè bạn nhắc nhở nhau. Với Khoa thuở ấy, những tình cảm cộng đồng, những ý thức của tập thể đó vừa tạo thành môi trường tinh thần ổn định nuôi em lớn lên về trí óc, vừa là cái kho duy nhất cung cấp cho em những thước đo, những vật chuẩn để mà quan sát, bình giá, tỏ thái độ. Và em sẽ hồn nhiên đưa nội dung xã hội ấy vào thơ mình.

Ví dụ, hình ảnh yên vui của xóm thôn hợp tác, vào thơ em là Chị chủ nhiệm rũ rơm, Anh dân quân đập lúa, Thóc nở bung như sao… Tối về ông trăng đến. Cùng các đội bình công… Ví dụ, chuyện nhà em mất con chó vàng sẽ được gắn với trận bom Mỹ. Ví dụ, em sẽ đoán là trong giấc mơ của bé em ba tuổi nhà mình sẽ có cảcon cò lặn lội bờ sông mà em gặp trong ca dao mẹ hát lẫn cánh bướm em gặp ngoài vườn, cả bóng mẹ đang cấy ngoài ruộng lẫn chú pháo thủ canh trời ngoài trận địa giữa nắng… Chú bộ đội là hình ảnh em hay nhắc đến nhất, cả khi trồng một cái cây hay nhìn ra ngoài ngõ xóm.

Khái niệm "kẻ thù", với em bé mười tuổi, là khá trừu tượng, nhưng nhờ được trang bị bằng các khuôn mẫu tình cảm và ý niệm tập thể như nói trên, nên em có thể có cái tư thế lạ này: "Lớn lên đất nước quê em. Nhìn xuống giặc Mỹ tự nhiên bật cười". Không có sự hỗ trợ của các khuôn ý niệm có sẵn như thế, em không thể làm được những câu thơ "thơ-định-nghĩa" kiểu như: "Bắn tàu Mỹ cháy / Là khẩu súng trường / Người em yêu thương / Là chú bộ đội / Chăm ngoan học giỏi / Là bạn thiếu nhi / Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ"… Ngay câu chuyện đào dấu chân "thằng giặc Mỹ" đổ xuống ao sâu mà chú bé mười tuổi ấy đã hư cấu rất tài, cũng lại là lấy từ ý thức và tình cảm vừa tập thể vừa dân gian: căm ghét đến mức đào đất đổ đi, cái gì dính tí ti với dấu chân kẻ thù cũng đều nhơ bẩn tuốt!

Cái tài của bé Khoa là như thế: em đã thao tác rất linh hoạt và tài tình những khuôn mẫu của ý thức tập thể, tình cảm tập thể như thao tác những quân đi-mi-nô để tạo nên những bài-thơ-đồ-chơi của mình. Tôi gọi như vậy bởi vì đối với chú bé Khoa hồi ấy, làm một bài thơ cũng không khác gì lắm với việc nặn những hòn bi, đẽo khẩu súng gỗ hay là đánh tam cúc. Anh tin được như thế chứ nhỉ? Không tin như vậy thì mới lạ.

Cái thời còn ở "trong góc sân" nhà mình, Khoa nhìn và tả sự vật chủ yếu theo kiểu nhân cách hóa. Gió, mưa, sấm chớp, ông trời, ông trăng, cái cây, con vật… tất cả đều "giống như người", đều có hồn, đều có thể làm điều xấu hoặc điều tốt. Nếu bảo ở đây vô tình có sự tái diễn "thời huyền thoại" trong tư duy nghệ thuật thì cũng quá suy diễn; nhưng quả là ở đây không khí đồng dao, đồng thoại là rất rõ. Nhờ thế mà trường ca Đánh thần hạn, được viết rất sớm (lúc 12 tuổi) mà vẫn thành công. Thơ Khoa có thể kể chuyện thực, nhưng chưa thể tả thực. Hãy đọc đoạn thơ kể chuyện đi tàu hỏa.

 "Bên em chú bộ đội
 Túi xách có nhiều quà
 Em nhìn trong mắt chú
 Long lanh phương trời xa
 Chị thanh niên xung phong
 Áo bạc màu nắng gió
 Chị nhìn đi xa xăm
 Hát bài gì không rõ
 Bên em bạn thiếu nhi
 Đeo huy hiệu Bác Hồ
 Bạn làm "nghìn việc tốt"
 Hôm nay về thủ đô…".


Rõ ràng, những điều Khoa trông thấy một lần được Khoa tả lại ở đây như là trong các tranh áp-phích, không ghi được nét riêng cụ thể chỉ thấy lần ấy. Khoa mới chỉ ghi được cái hình ảnh chuẩn mực chung về cuộc sống bên ngoài. Với lứa tuổi, đấy là lẽ tự nhiên. Cái thời còn ở "trong góc sân" nhà mình, Khoa chưa bắt đầu nghĩ ngợi điều gì cả. Giữa khuya (bài: "Nửa đêm tỉnh giấc") em bé trở dậy, kể cũng hơi lạ, nhưng không hề diễn ra sự "trầm tư", "suy tư", chỉ duy nhất xảy ra sự quan sát thế giới trong đêm:

"Nghe tiếng sương đọng mật
 Đọng mật trên cành tre
 Nghe ri rỉ tiếng sâu
 Nó than thở cuối tường
 Nghe rì rầm rặng chuối
 Há miệng đòi uống sương
 Chuột chạy giàn bí đỏ
 Loáng vỡ ánh trăng vàng…"


Có lúc chú bé mười tuổi tưởng là mình đang nghĩ:

− Và em nghĩ những đêm hè
 Điện hồng mãi ngói, bạn bè hò reo…

 Rộn ràng em nghĩ xóm thôn
 Tiếng ai xát thóc cười giòn sân kho…

− Bập bềnh em nghĩ chiếc phao
 Chiều chiều tắm biển, sóng dào dạt xô…

 Hóa ra chỉ là tưởng thế thôi chứ đã có gì là nghĩ lắm đâu!

T.Đ.S: - Qua thơ hồi thiếu nhi, ta thấy ở Khoa chưa xuất hiện những suy nghĩ "của mình". Nhưng không phải vì thế mà thơ Khoa hồi ấy không có ý, không có tư tưởng! Ngược lại, những bài thơ "xã hội", "thơ công dân" như anh nói trên đều mang tư tưởng rõ rệt, nhiều khi là những ý rất hay. Có điều đó là những tư tưởng của thời đại, những suy nghĩ của cả cộng đồng dân cư, dân tộc, nó nhập vào Khoa (qua môi trường dân gian, môi trường xã hội, môi trường giáo dục) và cất bay thành tiếng hát, − tiếng hát nơi cửa miệng một chú bé thần đồng.

Ở con người làm thơ của Khoa hồi ấy chưa xuất hiện một cá tính sáng tạo. Điều ấy là rõ ràng. Chỉ có thể thực sự nghiêm chỉnh để nói đến cá tính sáng tạo khi trước mặt ta là một nghệ sĩ đã in đậm tư tưởng và phong cách mình vào văn học một giai đoạn nhất định. Với hoạt động nghệ thuật của trẻ em vị thành niên nói chung, dù sao cũng phải chú ý đến tính tự phát, hồn nhiên. Không thể đồng nhất trình độ sáng tác tranh của trẻ em với những sáng tác ngây thơ, "hoang dại" của các họa sĩ người lớn vốn có những chủ thuyết, những quan niệm nhất định. Khuyến khích trẻ em làm thơ, vẽ tranh, cổ vũ thành tích nghệ thuật của các em là rất đúng, nhưng từ việc đó đừng gây ra cái ảo giác rằng nghệ thuật là thứ "dễ làm" đến mức… trẻ con cũng làm được!

L.N.Â: - Trở lại thơ Trần Đăng Khoa hồi nhỏ, có lẽ phải kể thêm cái duyên giữa thơ Khoa với công chúng. Đương nhiên ở đây có sự hoàn toàn hài hòa, hòa hợp. Bằng thơ, bé Khoa đã xuất hiện như là một đứa con ngoan của gia đình, của nhà trường, của xã hội (quan sát sự phát triển năng lực cá thể, đôi khi người ta thấy có cái nghịch lý nguy hiểm này: những đứa con ngoan có khi lại khó phát triển tài năng so với những đứa con ít ngoan hơn… Nhưng đấy là một phương diện khác của vấn đề!). Tất nhiên cùng với hình ảnh đứa con ngoan ấy, công chúng xã hội còn nhận được một nét khác, cũng đắp thêm vào thiện cảm với chú bé làm thơ: ấy là năng khiếu ngôn ngữ phát triển rất sớm, rất thành thục trong phạm vi những đề tài quen thuộc với mình, ấy là óc quan sát và trí tưởng tượng phát triển lành mạnh, chừng mực, ấy là chất đôn hậu, chân thật, trong sáng mà có lẽ chỉ một người làm thơ xuất thân từ nông thôn mới có.

T.Đ.S: - Nhân nhận xét cái hay của thơ Khoa hồi nhỏ, tôi cũng muốn nói đến một hiện tượng khác trong thơ: cái hay của những "hiện tượng một bài" mà lâu nay ở ta hay nói đến. Tôi nghĩ, nếu chủ thể của những bài thơ hay đó đã hiện diện trong văn học như là những cá tính sáng tạo rõ rệt, thì anh ta sẽ phải có một tư duy nghệ thuật riêng, tạo ra được một thế giới nghệ thuật riêng, khó trộn lẫn. Cái riêng ấy, dù "riêng" ở mức khác nhau, phải thấm nhuần toàn bọ hoặc phần lớn tác phẩm chính của anh ta, chứ không thể chỉ có một bài, dù là một bài hay!

L.N.Â: - Thế thì những "bài lẻ" hay ấy có tính được vào văn học không?

T.Đ.S: - Tính được, nhưng dù sao cũng là tính theo lối dân gian, lối phong trào sáng tác quần chúng "không tác giả" hoặc "chưa thành tác giả". Còn nếu tính văn học một thời kỳ bằng vào số lượng những cá tính sáng tạo tiêu biểu, thì đành phải gác lại những "hiện tượng một bài" như thế. Tôi hy vọng điều vừa nói không làm phật lòng các cây bút trẻ, ngược lại, lại giúp bạn thấy rõ yêu cầu hình thành tác giả, tức là hình thành cá tính sáng tạo đặt ra trước mặt bạn cấp bách  nhường nào!

L.N.Â: - Tập thơ Bên cửa sổ máy bay vừa ra mắt có thể là tài liệu để nhận xét diện mạo thơ Trần Đăng Khoa hiện giờ. Riêng tôi, dù chưa đọc kỹ, tôi cũng thấy đây đã thuộc hẳn về giai-đoạn-thơ-người-lớn của Khoa. Về mặt xã hội, một con người trở thành người lớn, có một cá tính nhất định − là một điều hiển nhiên (năm nay Khoa đã ngoài hai mươi tuổi, đã là sĩ quan quân đội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Điều chúng ta nói ở đây là trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật. Không thể đo cá tính, bản lĩnh nghệ thuật bằng tuổi tác, bằng "thâm niên", bằng số cuốn sách được in, số năm tháng trong nghề, thậm chí bằng những chức vụ cao nhất đã trải qua trong các hội đoàn văn nghệ. Phải đo bằng dấu ấn riêng mà người ấy góp vào văn học chung, phải đo bằng chất giọng riêng mà người ấy góp vào tiếng nói văn học chung, phải đo bằng mức đóng góp riêng của người ấy vào diện mạo chung của văn học một giai đoạn.

Đọc tập Bên cửa sổ máy bay, điều tôi thấy rõ là Trần Đăng Khoa vẫn đang trên đường tìm tòi để tạo dựng cho thơ mình một cá tính nghệ thuật. Đang trên đường chứ chưa đi tới đích. Trên đường ấy, có khi Khoa phải tạm vay mượn, không phải từ vốn dân gian nữa mà là từ những người làm thơ đương thời.

Đoạn thơ này rõ ràng là làm theo kiểu Bằng Việt, từ cách tả đến nhạc điệu và nhịp:
Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá, cánh chim như bão thốc
Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh

Câu này phảng phất ý thơ Thanh Thảo:

Chúng tôi rất đông, mười tám, đôi mươi
Sâu sắc và vô tư như bầu trời

Câu này là kiểu Nguyễn Duy:
Và tay mình lại nắm lấy tay mình…

T.Đ.S: - Tôi có thể dẫn thêm ngay. Những câu này là kiểu Chính Hữu, dù đặt trong một ý khác:

Tờ giấy mỏng manh
Nhưng lại nặng hơn ngàn tấn bom
Trút xuống tuổi già của mẹ.

Bài "Chiều Cát Bà" ở đầu tạp thì ý tứ và hơi hướng là kiểu Xuân Diệu thời Thơ thơ:
Em biến đâu rồi cô gái đảo
Để tôi như nhện vướng tơ chiều
Làn tơ trong suốt như không ấy
Mà dính lòng tôi hơn nhựa keo

Hoặc, bài "Ở nghĩa trang Văn Điển" thì ý tứ là mượn từ "Văn chiêu hồn"…

Tập Bên kia cửa sổ máy bay có thể gồm ba cụm chính. Một cụm các bài thơ tình yêu. Một cụm thơ về đời sống bộ đội trên hải đảo. Một cụm thơ nghĩ về đời, về thơ, về làng quê… Các bài thơ tình chưa có gì sâu sắc. Các bài thơ nghĩ về đời cũng vậy. Đọc có nhiều thú vị nhất chính là cụm thơ về đời sống người lính trên đảo. Ở cụm thơ này, Trần Đăng Khoa có đóng góp vào việc phác họa những nét thiếu thốn, gian khổ, hy sinh của người lính thời bình.

L.N.Â: - Tôi lưu ý chỗ này: ở đây ta thấy rõ kinh nghiệm cá nhân, sự từng trải của cá nhân bắt đầu đóng vai trò đáng kể trong sáng tác của Khoa.

T.Đ.S: - Đúng thế. Qua những bài thơ này, ta thấy nơi các chiến sĩ canh giữ từng là đảo đá, đảo cá, đảo chim v.v... nhưng chưa từng là đảo người, đảo của con người. Qua thơ, ta thấy người lính ở đây sống trong rất nhiều khao khát: khát người, khát dân, khát đất liền, khát khao được tắm, được hát, được thỏa thuê dùng nước ngọt… Qua thơ, ta thấy những người lính đảo phải nỗ lực rất nhiều trong sinh hoạt vật chất và tinh thần để chiến thắng cái trơ trọi, "không con người" của thiên nhiên, thắng cả cảm giác trơ trọi trong mình để làm tròn nhiệm vụ. Những bài thơ này rất thực và sâu, truyền đạt rất cảm động tình yêu Tổ quốc thiết tha và chân thực của những chiến sĩ ngoài hải đảo.

Trong các bài thơ này, đặc biệt là các bài "Lính đảo hát tình ca trên đảo”, “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn", có lẽ là lần đầu tiên Trần Đăng Khoa truyền đạt được cùng một lúc nhiều tình cảm khác chiều nhau: vừa buồn, vừa xót, vừa tự hào, vừa nghiêm trang lắng xuống nghĩ ngợi vừa bông đùa bỡn cợt… Những bài thơ hiện đại (Brecht, Eluard, Neruda, Hikmet…) thường đều chứa đựng những tình cảm phức hợp (complex) như vậy. Ngày trước, thơ Khoa chỉ diễn tả những tình cảm một chiều: nhớ chú bộ đội, chỉ biết chú giản dị, dễ gần, bên hè ngồi đánh bi với cháu, và chỉ mong chú về với cháu bên hè đánh bi… Nay, trong những bài thơ này, Khoa bắt đầu khác trước. Sức thuyết phục tình cảm cũng như sự chân thật của các bài thơ bắt đầu được xây dựng từ những chỗ đó. Bài "Hát về hòn đảo Chìm" nhấn vào hai nốt: Có và không. Sẽ có nhiều thứ, khi nay mai đảo chìm nhô lên, sẽ có sự sống con người. Nhưng hiện tại, chỉ có nước với trời, đảo vẫn chìm dưới nước, vẫn chưa có sự sống con người. Bài "Lính đảo hát tình ca trên đảo" cũng nhấn vào hai nét đối lập: đảo đá hoang sơ và tiếng hát con người.

Nào ta hãy hát lên cho mây nước biết
Rằng chúng ta là những con người.

Bài "Đợi mưa" cũng có cặp đôi có và không, ước muốn và thực tế như vậy. Và day dứt là cái niềm đợi mưa, mong mưa, là những cung bậc của sự mong đợi. Hãy "mưa như chưa bao giờ mưa", "mưa cho mãnh liệt", rồi "không mưa rào thì hãy mưa ngâu - hay mưa bụi mưa ti li cũng được", "một giọt nhỏ thôi…" cho đến mức cùng cực. "Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa, thì xin cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời". Cái sức vóc kiên nghị, cái kiêu hãnh thách thức "dẫu chẳng có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo" đi liền với nỗi mong mưa đến sốt ruột sốt gan… tất cả điều này, trước đây thơ Khoa chưa làm được. Và có lẽ đấy là chỗ có thể thấy bước tiến của thơ Khoa chăng?

L.N.Â: - Bạn đọc từng xiết bao yêu mến thơ Khoa thời Góc sân và khoảng trờirất có lý để đòi hỏi được thấy một Trần Đăng Khoa thật nổi bật trong giai đoạn sáng tác mới. Chúng ta chẳng có sự cầu mong nào hơn là Trần Đăng Khoa sớm có được một cá tính thơ thật đậm, thật trội. Song le, ngay trong lĩnh vực sáng tạo cũng không có phép thần nào cả. Khoa đang tìm cách thể hiện một diện mạo riêng cho thơ mình, nhưng đứng giữa những nhà thơ "người lớn" khác, anh không dễ tìm ra phương hướng riêng. Khoa đang cố gắng để ngang tầm với giới thơ hiện tại, sau đó rồi mới có thể tính đến chuyện vượt trội, xuất sắc. Đặt bên cạnh lớp nhà thơ "tứ tuần", hẳn là Khoa không thể nổi bật về các nét riêng như những Nguyễn Duy, Thanh Thảo. Vừa làm một cuộc chạy đua với thế hệ, với lứa tuổi, Khoa vừa phải tìm ra mình − một cái "mình" mới. Cái riêng "của mình" này ở Khoa có lẽ không nằm đâu xa ngoài chất giọng đôn hậu, chân chất, đằm thắm mà Khoa vốn có từ thiếu thời. Nhưng làm thế nào cho chất giọng ấy in đậm được vào bạn đọc sành thơ như là dấu ấn của một cá tính thật rõ, thật đậm, trộn đâu cũng không lẫn, làm thế nào từ chất giọng ấy mà nâng cao tầm vóc, tầm cỡ thơ mình, − thì con đường Khoa phải đi hẳn là còn dài.

T.Đ.S: - Đọc các bài trong tập mới, tôi thấy chỗ nào Khoa phát huy chất giọng ấy thì dù có vay mượn chút ít vẫn cứ làm thành cái riêng. Các bài về đảo chẳng hạn. Tuy vậy, Khoa còn chưa biết giữ lấy một sự chừng mực cho mình. Tôi muốn nói không phải sự chừng mực chung chung mà là sự chừng mực xoay quanh chất giọng phù hợp nhất với mình. Một anh bạn cũng là nhà giáo trong khi chia sẻ với tôi sự thích thú về bài "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn", đã tỏ ra là "dị ứng" với những ý "nhảy choi choi… giãy giụa tơi bời… như ếch nhái uôm uôm". Anh cho là có cái gì đó làm thấp tư thế. Riêng tôi, đọc "Bài thơ nhỏ tặng Hoàng Thu Hà" gặp cái ý "em đừng trách tôi vụng về, chậm chạp, lạ lùng trước các phép xã giao tinh tế, các sinh hoạt nơi môi trường hiện đại…, vì tôi đã suốt một thời đánh giặc dọc miền rừng nước độc, tai quen nghe bom chứ mấy khi nghe nhạc…", thì tôi thấy khó chịu với tư thế tự ti quá mức đến thành tội nghiệp của nhà thơ. Cái "tôi" trữ tình bao giờ cũng đứng cao. Nó chỉ hạ thấp trong trường hợp nhập vai vào đối tượng mà nó phủ định. Ở những bài thơ viết về Neruda, Hikmet, Khoa mới chỉ tỏ ra đồng cảm được với một vài khía cạnh thuộc tư tưởng xã hội, tiểu sử cá nhân của các nhà thơ nọ, chứ chưa đồng cảm được với các tư tưởng mỹ học, tư tưởng nghệ thuật lớn ở họ. Thế mà lúc này, tư tưởng nghệ thuật, tư duy  nghệ thuật lại là vô cùng cần thiết với Khoa.

L.N.Â: - Nói rộng ra, thói quen làm thơ bằng vốn văn hóa rộng, thói quen "điều khiển" thơ mình bằng một quan niệm nghệ thuật thật sự có ý thức − là những thói quen chưa "quen" lắm đối với nhiều người làm thơ ở ta.

Chất giọng thơ Khoa là hồn hậu, đằm thắm. Một hồn thơ làng quê chân chất. Một giọng hát ru của đồng bằng Bắc Bộ. Một lối thơ nghiêng về tự sự, quen giãi bày, kể lể, nhiều lời, ít hàm súc. Tóm lại là một điệu thơ thiên về chất truyền thống. Có thể đó cũng là chỗ khó khăn cho sự đổi mới của thơ Khoa.

Để đổi mới thơ mình, Khoa đã làm những cuộc đi. Đi về mặt địa lý, ra các đảo xa với tư cách người lính và đã làm được một chùm thơ rất khá. Nhưng những cuộc đi về địa lý cần được kết hợp với những cuộc đi trong tâm hồn, trong tư duy nghệ thuật, để rèn lấy một bản lĩnh trong thơ, cái gốc cho một cá tính đậm của sáng tác thơ. Chính cuộc đi thứ hai này lại cần cho Trần Đăng Khoa hơn cả.

T.Đ.S: - Vậy thì chúng ta hãy tạm kết thúc cuộc bàn luận này bằng một lời chúc. Không phải lời chúc nhau của hai kẻ đối thoại mà là lời chúc cho người được nói tới trong cuộc đối thoại của chúng ta. Chúc nhà thơ Trần Đăng Khoa "thượng lộ bình an", lên đường may mắn, trên con đường nghệ thuật của mình.

Tháng 11-1985
http://lainguyenan.free.fr/SVVHCT/TranDangKhoa.html






2. Phạm Xuân Nguyên năm 2007


2.5.2007


Phạm Xuân Nguyên

1. Hè 2002 tôi ở Paris. Tranh thủ dịp may ở Kinh thành Ánh sáng, tôi đi thăm nhiều di tích, thắng cảnh, và cố nhiên, các viện bảo tàng là nơi tôi lui tới nhiều nhất. Một sáng đẹp trời tôi đến Bảo tàng Picasso (5 rue Thorigny). Lững thững một mình tôi ngắm nhìn tác phẩm của bậc danh họa qua các thời kỳ Xanh, Hồng, Lập thể, Cổ điển, xem từ "Những cô gái Avignon" qua "Guernica" đến "Chim câu Hòa bình". Tôi đã đứng sững trước một sáng tạo giản đơn nhưng đó là cái giản đơn của một đầu óc sáng tạo lớn. Một chiếc ghi-đông xe đạp với cả cổ phuốc (fourche) được treo lên một cái đinh trên tường. Một cái yên xe được ngoắc vào cổ phuốc ấy. Thế là thành cái đầu con tê giác với cặp sừng vểnh lên. Ân tượng này gợi tôi nhớ lại một ý của Goethe: thiên tài không phải là không học ai, nhưng là người không ai học được. 


Chân cứ bước, mắt cứ mải mê nhìn, và tôi đến trước bức vẽ này. 


Tủ kính bảo quản tác phẩm khiến phản quang ánh đèn flash của máy ảnh số. Bức tranh vẽ một bàn tay nâng ly rượu và dòng chữ đề: “Staline, à ta santé - Picasso, novembre 1949” ("Chúc sức khỏe ông, Staline - Picasso, 11/1949"). Về sau, tôi lên mạng tìm tư liệu để biết bức tranh được vẽ trong hoàn cảnh nào. Pierre Daix, nhà báo và nhà văn Pháp, một người bạn lâu năm của Picasso cho biết, nhà danh họa đã vẽ bức tranh này khi tạp chíĐời sống thợ thuyền đề nghị ông tham gia dịp kỷ niệm 70 tuổi Stalin. “Vào lúc đó", P. Daix kể tiếp, "ông vẫn tiếp tục chỉ thấy Staline là người đã đánh thắng Hitler”, mặc dù vừa diễn ra vụ án Rajk ở Hungary gợi nhắc lại “những vụ án Moskva” khét tiếng năm 1937. (Lázló Rajk, một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Hungary, năm 1949 đã bị ban lãnh đạo theo đường lối Stalin của nước mình kết tội “gián điệp của Tito” và “tay sai của chủ nghĩa đế quốc”, bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa trái pháp luật và đã phải chịu án tử hình ở tuổi 40). 



Những điều này về sau tôi mới biết. Còn trong sáng hè Paris ấy, tôi lại bước đi, lại mải mê ngắm nhìn các bức họa khác. Suốt cả sáng ấy tôi đã được “sống” cùng Picasso bằng những họa phẩm của ông để lại cho đời. Những bức tranh chứng thực sự trải nghiệm chính trị và nghệ thuật qua nhiều giai đoạn cuộc đời trong một thời đại nhiều biến động của một danh họa thế giới. Xem xong tôi ra quán cà phê ngoài sân bảo tàng ngồi uống nước, ngắm chú chim sẻ chiếp chiếp đậu sát bên mình mổ mổ những vụn bánh rơi vãi. Trời Paris một ngày tháng Bảy có nắng, xanh trong. Cuộc sống thanh bình, đẹp đẽ khi tôi ngồi đó, ngỡ như không có những gầm thét, đau đớn, day dứt còn đọng lại trong tranh Picasso tôi vừa xem, kể cả bức bàn tay nâng ly rượu. 



2. Một bài thơ của nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko: 



Những kẻ thừa kế Stalin 



Bức tường đá hoa lặng câm 

Mặt gương lấp lóa lặng câm 

Hàng vệ binh đứng lặng câm 
Nghiêm trang như tượng đồng trước gió 
Còn chiếc quan tài như đang thở 
luồng hơi từ trong đó bốc ra. 
Khi người ta mang nó 
ra phía ngoài cửa Lăng 
Chiếc quan tài trôi đi chầm chậm 
giữa hai hàng lưỡi lê tuốt trần 
Nó cũng lặng câm - 
cũng lặng câm! - 
nhưng là sự câm lặng đáng sợ 
Cái người chết trong quan tài đó, 
như đang từ khe hở nhìn ra, 
Bàn tay nhợt màu xác chết, 
co thành nắm đấm dọa đe 
Ông ta muốn điểm mặt từng người 
đang khiêng quan tài đi - 
những thanh niên tân binh 
người Riazan và Kursk, 
để về sau một lúc nào đó 
khi sức lực phục hồi đầy đủ 
từ dưới mồ ông ta nhô lên, 
nhảy bổ vào đám thanh niên 
những kẻ cuồng điên này 
Ông ta đang suy tính điều gì 
Ông ta chỉ nghỉ ngơi chốc lát 
Vậy tôi xin yêu cầu Chính phủ chúng ta 
một điều khẩn thiết: 
tăng gấp đôi 
tăng gấp ba 
đội vệ binh đứng gác bên Lăng, 
để Stalin không trở dậy, 
và cùng với Stalin 
quá khứ cũng nằm im, 
Chúng ta gieo trồng một cách trung thực 
Chúng ta luyện thép một cách trung thực, 
và chúng ta bước đi một cách trung thực 
trong hàng quân đội ngũ chỉnh tề 
Thế mà ông ta sợ hãi chúng ta 
Ông ta tin vào mục đích vĩ đại 
nhưng lại không cho rằng 
phương tiện cần phải xứng đáng 
với sự vĩ đại của mục đích 
Ông ta là người nhìn xa trông rộng 
Ông ta hiểu thông các qui luật đấu tranh 
nên trên mặt địa cầu này 
Ông ta đã để lại nhiều người thừa kế 
Tôi mơ thấy dường như 
Trong quan tài có đặt têlêphôn: 
Stalin vẫn ra những chỉ thị của mình 
cho người nào đó 
Từ quan tài ông ta vẫn có dây dẫn nối 
đi các ngả! 
Không. Stalin chưa phải chết đâu 
Ông ta cho cái chết là điều có thể sửa 
Chúng ta mang ông ta 
ra ngoài phía Lăng 
Nhưng làm thế nào mang được Stalin 
ra khỏi những người thừa kế Stalin 
Một số kẻ thừa kế về hưu trồng hoa 
chơi cảnh nhưng thầm cho rằng 
hưu chỉ tạm thôi 
Số kẻ thừa kế khác 
thậm chí đăng đàn chửi Stalin hết lời 
nhưng bản thân đêm đêm 
vẫn buồn nhớ về thời thế cũ 
Rõ ràng hôm nay chẳng phải là vô cớ 
những kẻ thừa kế Stalin bị mắc bệnh 
nhồi máu cơ tim 
Bọn họ trước đây từng là chỗ dựa 
không thích được thời nay 
khi những trại tập trung vắng vẻ 
còn những phòng nghe thơ 
thì đông chật những người 
Số phận Tổ quốc khiến tôi 
không thể bình yên ngồi 
Dù người ta bảo tôi: 
“Hãy yên tâm!” 
tôi không thể nào yên được 
Chừng nào những kẻ thừa kế Stalin còn 
sống trên Quả đất thì tôi cho rằng 
Stalin vẫn còn ở trong Lăng. 



(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga) 


Y. Yevtushenko viết bài thơ này năm ông 29 tuổi (1962) trong thời kỳ “hửng ấm” của xã hội Xô-viết sau bản báo cáo của Khrushchev phê phán Stalin tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô (1956). Bài thơ chỉ in báo một lần, bị phê bình gay gắt, nên không hề được đưa vào tập thơ nào của tác giả. Đến thời perestroyka (cải tổ) nó mới được in lại trên báo Nedelya(Tuần lễ) số 45 (11/1987). Tôi đã giới thiệu bài thơ này cùng một bài thơ khác của Yevtushenko viết năm 1987 nhan đề “Nỗi sợ tính công khai” trong bài viết “Bản lĩnh của một nhà thơ” đăng trong tạp chí Tổ quốc của Đảng Xã hội Việt Nam, hồi đó chưa bị giải tán. 



3. Quyết liệt thế nhưng rốt cuộc Yevtushenko lại là người thích nghi, hợp thời. Năm 1981, Joseph Brodsky (1940-1996), Nobel văn học 1987, đã từ chức viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Mỹ để phản đối viện này kết nạp Yevtushenko. Trong câu chuyện với một người bạn, Brodsky nói: "... Anh ta là một kẻ mà tôi không thể chịu đựng nổi. Theo ý tôi, đó là một người xấu, một kẻ bất lương - đây là ấn tượng cá nhân của tôi, được chứng tỏ bởi những kinh nghiệm cá nhân - hơn thế nữa, anh ta rất có hại cả trong lĩnh vực văn học lẫn chính trị. Đối với tôi, không thể chấp nhận được việc ngồi cùng phần tử ấy trong một tổ chức. Chỉ có thế thôi" (dẫn theo Hoàng Linh trên tờ Nhịp cầu thế giới xuất bản ở Budapest, Hungary, 2000). 



Yevgeny Yevtushenko trong hồi ký nhan đề Hộ chiếu sói (Moskva-Vagrius, 1998) viết: “Brodsky là nhà thơ hoàn toàn phi Xô-viết đầu tiên trong số những người sinh ra thời Xô-viết. Còn tôi là nhà thơ Xô-viết cuối cùng. Nhưng chính quyền Xô-viết đã tự làm tất cả mọi điều nhằm đánh bật cái chất ‘Xô- viết’ đó ra khỏi tôi”. 



Anatoly Rybakov (1911-1998), tác giả tiểu thuyết Bọn trẻ phố Arbat, kể lại trong hồi ký của mình: Biết tin cuốn tiểu thuyết của ông gặp khó khăn, trắc trở trong việc xuất bản, tại một đại hội nhà văn Liên Xô Yevtushenko bảo là sẽ lên diễn đàn nói về chuyện đó, nhưng Yevtushenko đã lên diễn đàn mà không nói gì chuyện đó. Phát biểu xong, Yevtushenko xuống nói với Rybakov, em không nói nhưng em vẫn ủng hộ và bảo vệ anh. Ít ngày sau Rybakov được mời lên ban tuyên huấn trung ương về chuyện cuốn tiểu thuyết đó, trong câu chuyện nhân viên ban nói huỵch toẹt ra là họ biết tại đại hội, Yevtushenko định nói gì và họ đã răn đe anh ta. Nghe vậy Rybakov bình thản nói: tôi không biết chuyện của Yevtushenko và các anh ra sao, nhưng anh ta dù sao cũng là bạn tôi, xin các anh đừng xúc phạm cá nhân anh ta trước mặt tôi. (Xem Anatoly Rybakov, Tiểu thuyết-hồi tưởng, bản tiếng Nga, Moskva-Vagrius, 1997). 



Lại thơ Yevtushenko: 



Có thể ngày mỗi ngày qua 

Tôi dần sẽ trở về già 



Có thể mỗi năm một hết 

Đời tôi cuối cùng vĩnh biệt 



Có thể trăm năm vèo trôi 

Không người nhớ tôi là ai 



Nhưng sao cho mỗi năm qua 

Không sống hổ thẹn xấu xa 



Nhưng sao cho mỗi năm hết 

Không trở thành người hai mặt 



Và sao cho trăm năm trôi 

Không ai nhổ vào mồ tôi 



(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga) 


4. “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa năm 11 tuổi (1969) có bài thơ “Kể cho bé nghe” viết theo kiểu đồng dao: “Hay nói ầm ĩ / Là con vịt bầu / Hay hỏi đâu đâu / Là con chó vện”. Bài thơ cứ thế kéo dài cho đến tám câu kết: 



Bắn tàu Mỹ cháy 

Là khẩu súng trường 

Người em yêu thương 
Là chú bộ đội 
Chăm ngoan học giỏi 
Là bạn thiếu nhi 
Ngu xuẩn nhất nhì 
Là tổng thống Mỹ 


Chú bé Khoa không nói gì khác điều XYZ đã từng nói: “Mỹ mà xấu” trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh Việt - Mỹ đang hồi căng thẳng, ác liệt nhất. Trước đó, 10 tuổi, Khoa cũng đã viết: Thằng Mỹ nó đến nước tôi / Búp bê nó giết, bao người nó tra / Nó bắn cả cụ mù lòa / Nó thiêu cả bé chưa và được cơm (“Gửi bạn Chilê”). 



Trong Tuyển thơ Trần Đăng Khoa (Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999) được Khoa coi là chuẩn văn bản của thơ mình, tám câu này được thay lại hoàn toàn như sau: 



Chẳng vui cũng nhảy 

Là chú cào cào 

Đêm ngồi đếm sao 
Là ông cóc tía 
Ríu ran cành khế 
Là cậu chích chòe 
Hay múa xập xòe 
Là cô chim trĩ... 


Vần điệu vẫn chỉnh chu cho bài thơ theo kiểu vòng tròn đọc đến câu cuối lại đọc trở lại câu đầu. Nhưng Khoa người lớn đã chỉnh sửa Khoa trẻ con. Có lần nhân nói đến việc Khoa sửa thơ như thế, một số người không đồng tình, cho là phải giữ nguyên trạng bài thơ như đã được viết ra vì nó mang dấu ấn một thời, không khí một thời, cách cảm cách nghĩ một thời, chung cho tất cả mọi người, thấm vào cả một hồn thơ còn trẻ nít. Nhưng Khoa đưa ra cái lý của anh là người làm thơ luôn vận động, mỗi bài thơ sẽ được sửa chữa nhiều lần, chừng nào nhà thơ còn viết thì bài thơ chưa thể nói là có dạng hoàn chỉnh tận cùng. Tôi nhớ đại khái Khoa nói vậy trong một lần trò chuyện. 



Phần tôi, khi con gái bắt đầu đi học, tôi đã lấy bài thơ này của Trần Đăng Khoa đọc cho con nghe, cho con học thuộc lòng, chỉ sửa lại hai câu cuối của bản đầu thành “Ngu xuẩn nhất nhì / Là đứa không học”. Đấy là ở tư cách người cha dạy con. Nhưng ở tư cách người làm nghiên cứu văn học, tôi vẫn ghi nhớ bản đầu tiên bài thơ Trần Đăng Khoa viết và in năm 1969 với hai câu kết “Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ”. 



5. Như là một lý do, những điều tôi thấy, tôi nghe, tôi đọc trên đây, cho những suy xét về người cầm bút ở cái thời họ sống.


Hà Nội 17.4.2007 

© 2007 talawas 

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9872&rb=0102

1 nhận xét:

  1. Cám ơn Giao đã giới thiệu bài "Như một lí do" của Phạm Xuân Nguyên! Hồi đó tôi cũng thi thoảng vào Talawas nhưng không gặp bài này.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.