Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/10/2013

Về văn thư của chúa Nguyễn gửi phía Nhật Bản (bài Võ Quang Vinh)

Lời dẫn: Về văn bản cổ nhất trong quan hệ Việt - Nhật hiện còn giữ được nguyên bản, thì tôi đang viết dở, khi nào xong sẽ gửi cho tạp chí chuyên ngành. Hôm trước, trong một hội nghị, đã trình ra ảnh chụp và nói qua nội dung của nó.

Trong một bài dài dưới đây của Võ Quang Vinh, không thấy anh nhắc đến văn bản cổ nhất như tôi nói trên. Có thể anh chưa cập nhật thông tin, và chưa có tư liệu. Một điểm sáng của bài là ở chỗ lí giải nghĩa của danh hiệu Đại đô thống mà các chúa Nguyễn tự xưng. Cái này liên quan sâu đến nhà Mạc cả thời Thăng Long và thời Cao Bằng, cũng phải truy cứu thêm.


Bài này, tôi được biết là mới trình bày trong một hội thảo về Nguyễn Hoàng vừa được tổ chức ở miền Trung bởi nhóm bác Đỗ Bang.

Từ đây trở xuống là toàn bài lấy về từ Văn hóa Nghệ An.


---

Một số nhận định về An Nam quốc thư ở Đàng trong

  •  
  •  VÕ QUANG VINH


  • Thứ hai, 30 Tháng 9 2013 15:37

1. Đặt vấn đề: Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, mối quan hệ bang giao quốc tế của đất nước ta thời kỳ đầu chúa Nguyễn đã được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần bổ khuyết cho lịch sử Đàng Trong nói riêng và lịch sử Đại Việt – An Nam – Việt Nam nói chung.
Trong đó, quan hệ thông thương với Nhật Bản thời kỳ Shuinsen (Châu Ấn thuyền) (1592-1635) không những được giới nghiên cứu Việt Nam tìm hiểu, mà trên bình diện quốc tế cũng đã có nhiều học giả nước ngoài như Seiichi Iwao1, Kawamoto Kuniye2, Li Tana3 …khảo sát và đề cập. Tuy nhiên, tất cả các bài viết ấy đều chủ yếu căn cứ vào Gaiban Tsusho (Ngoại phiên thông thư) (quyển 11-14, phần An Nam quốc thư)4 và tham khảo thêm một số tư liệu khác như Rekidai hoan (Lịch đại bảo án)5, Nanpo bunshū (Nam Phố văn tập); Koji ruien (Cổ sự loại uyển), Tsūkō ichiran (Thông hàng nhất lãm), Shuinsen bōekishi (Châu ấn thuyền mậu dịch sử)… Những công trình trên đây đều chủ yếu được biên tập và xuất bản ở Nhật vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, và là sự tập hợp lại các tư liệu liên quan có trong hệ thống thư tịch của nước Nhật.
       Từ đó, một vấn đề cần bàn đến là: khi dẫn liệu, các tác giả chưa tìm hiểu cụ thể về văn bản học của những bức Thông thư đó (chẳng hạn: những cuốn sách liên quan đến các bức thư đó xuất hiện lúc nào, nguyên tác các bức thông thư đó hiện nay còn không? Số lượng bao nhiêu? Nằm ở đâu?... tính chính xác của các bức thư được trích dẫn vào sách đối chiếu với nguyên bản như thế nào?…) Điều ấy khiến cho mức độ xác tín của các cứ liệu trên thực sự cần được tìm hiểu.
Chẳng hạn, ở Ngoại phiên thông thư (Gaiban tsūsho): trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết Ngoại phiên thông thư do Morishige Kondō (Cận Đằng Thủ Trọng) (1771-1829) thu thập, được dẫn liệu, công bố trong bộ sách Shiseki shūran(Sử tịch tập lãm) quyển 21, do Heijō Kondō (Cận Đằng Bình Thành 1832-1901) biên tập và xuất bản theo kỹ thuật in hoạt bản (sắp chữ rời) trong nhà xuất bản Cận Đằng từ năm 1881, nhưng thực tế sách lại được xuất hiện với độc giả vào khoảng từ năm 1902-1926. Sách Sử tịch tập lãm quyển 21 này có 233 trang, ở đây, An Nam quốc thư được bắt đầu từ trang 93 đến trang 233. Bên cạnh đó, bộ Ngoại phiên thông thư cũng được tập hợp trong cuốn sách Kondō seisai zenshū. 1 (Cận Đằng Chính Trai toàn tập, tập 1) – bộ sách Cận Đằng Chính Trai toàn tập  này do Kokusho Kankōkai (Quốc thư san hành hội), Tokyo xuất bản đầu tiên vào năm 1905-1906. Sách Koji ruien (Cổ sự loại uyển) gồm 1000 cuốn, được biên tập xong vào năm Meiji (Minh Trị. 1907) thứ 40, sau gần 30 năm miệt mài (1879 – 1907), và san hành trong khoảng từ năm 1896 (Meiji thứ 29) đến năm 1914 ( Taishō(Đại Chính) thứ 3)6 … Các sách Rekidai hōan(Lịch đại bảo án), Nanpo bunshū (Nam Phố văn tập), Tsūkō ichiran (Thông hàng nhất lãm), Shuinsen bōekishi (Châu ấn thuyền mậu dịch sử)…cũng vậy!
          Như vậy, các tác phẩm được dẫn liệu liên quan đến văn thư trao đổi giữa An Nam và Mạc Phủ thờiShuinsen (Châu Ấn thuyền) (cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII) lại là các bản in hoạt bản, xuất hiện sớm nhất vào cuối thể kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, cách nhau gần 3 thế kỷ.
Tại Việt Nam, An Nam quốc thư lần đầu tiên được biết đến vào đầu thế kỷ XX, do Sở Cuồng Lê Dư đăng tải ở Tạp chí Nam Phong7, lấy tên Cổ đại Nam-Nhật giao thông khảo 古代南日交通攷, về cơ bản tương đối giống với một số bản An Nam quốc thư (quyển 11 -14) ở Ngoại phiên thông thư8 đã kể ở trên.
         Năm 1969, Sử gia Phan Khoang trong công trình Việt sử xứ Đàng Trong – 1558-1777, ở mục 10)Ngoại giao – c)Giao thiệp với Nhật Bản 9 đã điểm qua và trích dịch đại ý nội dung các bức thư của Sở-cuồng Lê Dư. Năm 2006, 2007, các tác giả Phạm Hoàng Quân đã giới thiệu các văn bản được ông Lê Dư cho đăng ở Nam Phong tạp chí  trong tạp chí Nghiên cứu & Phát triển (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TT Huế) số 3 (56) năm 2006 10, các nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải – Vĩnh Cao đã tiến hành dịch thuật và bước đầu bình luận những bức thư này trên các số 4 (57) – 5+6 (58-59) năm 2006 của tạp chí Nghiên cứu & Phát triển và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sửsố 7 (375) năm 2007.
          Có thể nói, bản dịch của nhà Hán học Vĩnh Cao và TS. Phan Thanh Hải đối với các bức thư liên quan đến mối quan hệ bang giao giữa chúa Nguyễn, vua Lê, chúa Trịnh, tòng sự với triều đình Mạc Phủ Edo rất giá trị, thể hiện sự đóng góp quan trọng cho việc bổ khuyết tư liệu đối với lịch sử, văn hóa, ngoại giao nước ta thế kỷ XVI-XVII, nhất là những hiểu biết vốn còn ít ỏi về mọi mặt đời sống ở Đàng Trong. Tuy vậy, để có sự nhận định chuẩn xác hơn về số lượng, tác giả của các văn kiện ngoại giao này, chúng ta cần có những khảo cứu cụ thể.
           Xuất phát từ những nguyên nhân trên, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu kỹ về vấn đề văn bản học của các bức thư này, cụ thể là các văn thư liên quan đến chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Sau một thời gian dài thu thập, xử lý tư liệu, chúng tôi đã may mắn phát hiện ra được một số văn bản gốc của các bức quốc thư với hoa văn, chất liệu giấy đặc trưng và dấu triện son rõ nét. Đây chính là những tư liệu chính xác nhất làm căn cứ để bổ khuyết, hiệu chỉnh lại một số nhầm lẫn về tác giả của các bức thư được nói đến.
            2.  Bàn về tác giả của một số bức thư giữa Chúa Nguyễn và Nhật Bản
          Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, ngoại giao, ngoại thương của Việt Nam (nhất là vào thời các Chúa Nguyễn) vào  thế kỷ XVI-XVIII, nhiều học giả đã rất quan tâm đến An Nam quốc thư,  hầu hết các công trình đều dẫn liệu những bức thông thư này để mặc nhiên khẳng định rằng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam thời kỳ Châu Ấn thuyền“…Người viết là Chúa đời thứ nhất họ Nguyễn ở Quảng Nam, nghĩa là Nguyễn Hoàng” 11. Nhận định ấy căn cứ vào lời án (xét) của Cận Đằng Thủ Trọng (Morishige Kondō) khi thu thập và biên tập phần An Nam quốc thư (Ngoại phiên thông thư tập 11); Trong lời nói đầu ở sách đó, ông đặt ra nghi vấn rằng: “chữ Thụy 瑞là sự nhầm lẫn của chữ Đoan 端”12 Từ nghi vấn này, giới nghiên cứu của Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…trong thời gian qua đã đi đến khẳng định bức thư này là của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng13.
          Cơ sở của những đoán định này, theo chúng tôi, chính là ở chỗ lúc bấy giờ người Nhật chưa nắm rõ những tên gọi của các vùng đất Đàng Trong - Đàng Ngoài, các tước hiệu của vua chúa và tùy tùng thế kỷ XVII (nhất là tước hiệu Đoan quốc công của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Thụy quốc công của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), cũng như những mối quan hệ khá phức tạp trong lịch sử xã hội nước ta ở thế kỷ XVII, đúng như nhận xét của TS. Li Tana “…người Nhật đã tỏ ra lúng túng về tên gọi vùng đất dưới quyền kiểm soát của họ Nguyễn……Tới năm 1611, chúng ta còn thấy ghi trên danh sách cả hai tên “Annam” và “Cochinchina”. Điều này cho thấy người Nhật vẫn còn do dự chưa biết phải gọi vùng đất này bằng tên gì” 14.
           Người Nhật nghi ngờ có sự nhầm lẫn giữa Đoan 端(quốc công) và Thụy 瑞(quốc công) cũng phải lẽ, bởi xét về cấu tạo chữ, 2 chữ trên gần như khá giống nhau, chỉ khác nhau ở bộ lập 立và bộ ngọc 玉ở phần bên trái của chữ. Đồng thời, lúc bấy giờ, khi giao thiệp với bên ngoài, chúa Nguyễn (Phúc Nguyên) – mặc dù vẫn dùng các niên hiệu của vua Lê, nhưng xưng hô bằng các danh xưng không chính thức như An Nam quốc thiên hạ thống binh đô nguyên soái Thụy quốc công 安南國天下統兵都元帥瑞國公(bức thư thứ nhất ngày 5 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 [1601]), An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công Nguyễn 安南國大都統瑞國公阮, An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công 安南國大都統瑞國公, An Nam quốc đại đô thống 安南國大都統, An Nam quốc điện hạ kiêm Quảng Nam đẳng xứ 安南國殿下兼廣南等處….
         Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi may mắn tìm được một số văn bản gốc của các bức “Thông thư” trongAn Nam quốc thư, quyển 1 (được trích dẫn ở Ngoại phiên thông thư, quyển 11) trên. Văn bản này hiện lưu trữ tạiNhật Bản Quốc lập công văn thư quán (National Archives of Japan) ở Nhật Bản và Cửu Châu quốc lập bác vật quán (Kyushu national Museum), .
Đây là văn bản được các cơ quan hữu trách của Nhật Bản scan lại từ văn bản gốc, cho nên tất cả các yếu tố liên quan đến bức thư như hoa văn bức thư, ấn triện son, chữ nghĩa trên thư, dấu hoa áp…được bảo toàn nguyên vẹn.  
Hình 1:       Bức thông thư của chúa Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên
(ngày 05 tháng 05 năm Hoằng Định thứ 2-1601)
Căn cứ vào văn bản gốc này, chúng ta thấy mở đầu bức thư là cụm từ: 安南國天下都統兵都元帥瑞國公An Nam quốc thiên hạ Thống binh Đô Nguyên soái Thụy Quốc công… Đây cũng là cụm từ thường xuyên được giới nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam bàn luận.
         Thụy quốc công 瑞國公là tước hiệu của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Từ trước đến nay, các học giả đoán định và khẳng định rằng: chữ Thụy 瑞là sự giả trá, nhầm lẫn của chữ Đoan 端. Theo đó, họ luận rằng: bởi thời gian này (1601), Đoan Quốc công là Tổng trấn Thuận Quảng, nên việc giao thiệp mọi mặt (kể cả văn thư trao đổi qua lại) ắt hẳn phải chính do Tổng trấn Thuận Quảng trực tiếp quyết định. Đấy có thể là những suy đoán ở chừng mực nào đó “hợp logic”. Song, dấu ấn triện trên bức thư đầu tiên này là: Trấn thủ tướng quân chi ấn 鎮守將軍之印(hình 2). Điều đó chứng tỏ rằng văn bản này chẳng phải của Tổng Trấn tướng quân Nguyễn Hoàng.

Hình 2: Trấn thủ tướng quân chi ấn
          Sở dĩ chúng tôi khẳng định điều này là bởi các lý do sau:
          Thứ nhất, Theo Đại Việt sử ký toàn thưBản kỷ tục biên, quyển XVI, Kỷ nhà Lê  thì “Canh Ngọ [Chính Trị] năm thứ 13 [1570], (Mạc-Sùng Khang năm thứ 5, Minh – Long Khánh năm thứ 4), Tháng giêng, Thượng tướng [Trịnh Kiểm] dâng biểu tâu vua cho Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, thống suất binh tượng, thuyền bè, và trấn phủ dân địa phương để cõi phiên trấn được vững mạnh…Hoàng cảm tạ vâng mệnh về Trấn” 15; Sách Đại Nam thực lục tiền biên thì chép rằng: “Canh Ngọ, năm thứ 13 [1570], mùa xuân, tháng giêng, chúa từ Tây Đô về, dời dinh sang xã Trà Bát (thuộc huyện Đăng Xương). Vua Lê triệu tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghệ An. Chúa bèn kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam” 16 . Như vậy, từ năm Canh Ngọ niên hiệu Chính Trị thứ 13 đời nhà Lê, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được giao chức Tổng trấn trấn giữ 2 xứ Thuận - Quảng, và “đeo ấn Tổng trấn tướng quân, đặt quân hiệu là dinh Hùng Nghĩa17
         Thứ 2, căn cứ vào ấn triện: từ năm 1570, khi nhận lãnh chức Tổng trấn Thuận Quảng đến lúc qua đời (1613), chúa Tiên Nguyễn Hoàng vẫn dùng ấn triện Tổng trấn tướng quân chi ấn. Điều này có thể thấy rất rõ tại bức công văn của Chúa Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh mở rộng đất đai canh tác ở Phú Yên năm 1597 17. Bố cục của bức thư, ấn triện và dấu hoa áp rất phù hợp với các bức thông thư ở trên. Ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy chữ trên ấn triện là: 總鎮將軍之印Tổng trấn tướng quân chi ấn.


Hình 3: Công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng gửi Lương Văn Chánh năm 1597
(ảnh: ThS. Trần Văn Quyến)*


*Nhân đây, tôi xin cám ơn ThS. Trần Văn Quyến (trường Đại học Phú Xuân – Huế) đã cung cấp bức công văn này.
Một bức thư trong An Nam quốc thư được Nhật Bản lưu giữ cũng thể hiện rõ ấn triện Tổng trấn tướng quân chi ấn này, đó là bức thư Hiểu thị Nhật Bản quốc khách thương viết năm Hoằng Định thứ 7 [1606] của Tổng trấn Nguyễn Hoàng (hình 4, 5)
Từ những lý do trên, chúng tôi đi đến khẳng định rằng: bức thông thư đầu tiên của chúa Nguyễn gửi Nhật Bản vào ngày 05 tháng 05 năm Hoằng Định thứ 2 [1601] là của Trấn thủ Quảng Nam – Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên.
        Trong số 16 bức Quốc thư gốc chúng tôi thu thập được, sau khi phân loại, chúng tôi chỉ thấy 2 bức thư viết ngày 15 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 7 [1606] (đã dẫn ở trên) và bức thư viết ngày mồng 8 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 7 [1606] là của Thái Úy Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng.

Hình 4: Toàn văn (2 tờ) bức thư “Thiên Nam quốc hiểu thị Nhật Bản quốc khách thương” của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ngày 15 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 7 [1606] có 2 ấn triện: Tổng trấn tướng quân chi ấngần nhau (tờ bên phải)!

Hình 5: Ấn triện Tổng trấn tướng quân chi ấncủa bức thư trên

         Bởi cả hai bức thư đều có dòng chữ đề rất rõ ràng: “天南國欽差雄義營副都將行下順化廣南等處太尉端國公Thiên Nam quốc khâm sai Hùng Nghĩa dinh Phó đô tướng, hành hạ Thuận Hóa – Quảng Nam đẳng xứThái Úy Đoan quốc công…” (xin xem hình 4, hình 5, hình 6), kết hợp với ấn triện Tổng trấn tướng quân chi ấn (đã chú thích ở trên).
Như đã biết, Từ đó, chúng tôi thấy rằng Chúa Nguyễn Hoàng khi đề soạn văn thư luôn nói rõ chức - tước - hiệu của mình, không xưng hô một cách chung chung, mơ hồ về tước hiệu. Điều ấy chứng tỏ vị Tổng trấn Thuận Quảng rất có ý thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm, quyền lực… của ngài.

Hình 6: Một trong hai bức thư của chúa Nguyễn Hoàng
            Như vậy, các bức thư còn lại (của chúa Nguyễn, với danh xưng “Đại Đô thống”) đều thuộc về chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Nguyên do: dấu ấn triện trên các thư còn lại (trước 1613) đều là 鎮守將軍之印Trấn thủ tướng quân chi ấn .
Từ các chứng minh trên, chúng tôi xin góp một vài ý kiến nhỏ nhằm đính chính lại một số nhận định của một số nhà nghiên cứu khi cho rằng “Các văn thư của Việt Nam ghi những chữ “Thụy quốc công”, “Đoan quốc công”, “Đại Đô thống” trong hai quyển An Nam quốc thư 1 và 2, chắc chắn đều là thư của Nguyễn Hoàng. Sau khi Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613, văn thư của “An Nam quốc Đại Đô thống” (Hoằng Định năm 15-1614, q13, số 2) và văn thư khác (Hoằng Định năm 19 -1616, q13, số 6) trong An Nam quốc thư 3, nhất định là của Chúa Nguyễn đời thứ hai, Nguyễn Phúc Nguyên” 18
          Về danh xưng “Đại Đô thống”, chúng ta thấy rằng danh xưng này xuất hiện trong các bức Quốc thư trước 1635 (trước khi Chúa Sãi qua đời, cũng là trước khi Nhật Bản chấp dứt thời kỳ Châu Ấn thuyền). Căn cứ theoĐại Nam thực lục tiền biên, Thực lục về Hy Tông Hiếu Văn Hoàng đế thì vào tháng 10 năm Dương Hòa thứ nhất [1635], sau khi chúa băng, “thế tử nối ngôi, đem quần thần dâng thụy hiệu là Đại Đô thốngtrấn Nam phương, tổng quốc chính Dực Thiện Tuy Du Thụy Dương vương” 19, mặt khác, căn cứ vào các bức quốc thư gốc chúng tôi tìm hiểu được thì chúa Trịnh (Trịnh Tùng, Trịnh Tráng) xưng “Đại nguyên soái Tổng quốc chính”, “Nguyên soái Thống quốc chính”… các tùy tòng ở Đàng Ngoài và quan lại ở Đàng Trong khi xưng đều trình rõ tước hiệu như Phó Đô Đường, Văn Lý hầu, Phái quận công, Thư quận công… Tất cả các yếu tố đó, cộng với ấn triện “Trấn thủ tướng quân chi ấn” của Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên cho thấy rằng: Đại đô thống là chức tự xưng của Chúa Sãi khi viết thư giao thiệp với Nhật Bản.
           Các công trình nghiên cứu về Châu Ấn thuyền thời kỳ Edo triều Mạc Phủ (như Kondō seisai zenshū. 1(Cận Đằng Chính Trai toàn tập, tập 1); Shiseki shūran. 21 (Sử tịch tập lãm, tập 21 (Ngoại phiên thông thư)), Koji ruien (Cổ sự loại uyển, Ngoại giao bộ tập 16), Tsūkō ichiran (Thông hàng nhất lãm), Shuinsen bōekishi (Châu ấn thuyền mậu dịch sử))…  cũng đã nghiên cứu khá rõ ràng về vấn đề này. Cụ thể, chức quan “Đô thống” bắt nguồn từ việc nhà Minh phong cho Mạc Đăng Dung làm “Đô thống sứ ty đô thống sứ” năm 1541, sử liệu này được chép ở Minh Thế tông thực lục, năm Gia Tĩnh thứ 20 (quyển 273) và Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ tục biên, quyển XVI). 
           Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Tân Sửu [Nguyên Hòa năm thứ 9, Mạc Quảng Hòa năm thứ 1, Minh – Gia Tĩnh thứ 20 -1541]  “vua Minh bèn phong cho Mạc Đăng Dung làm An nam Đô thống sứ ty đô thống sứ, ban ấn bạc và cho thế tập” 20.
Đến năm 1597, sau khi đã trung hưng, Nhà Lê cử Đoàn sứ giả do Chánh sứ Tả Thị lang bộ Công Phùng Khắc Khoan sang cống nạp và xin sắc phong. Vua Minh phong cho Lê Thế Tông làm An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ  như đã từng phong cho nhà Mạc.
           Như thế, đến những năm đầu thế kỷ XVII, vua Lê của nước ta mới chỉ được nhà Minh của Trung Hoa phong làm Đô thống sứ ty Đô thống sứ. Vậy, chức quan “Đại Đô thống” chính là danh hiệu TỰ XƯNG của Phật chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm thể hiện ý thức tự chủ, độc lập của Đàng Trong so với Vua Lê và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Sở dĩ chúng tôi bàn luận về việc này bởi vì trong hầu hết các bức thư trao đổi qua lại với triều Mạc Phủ ở Nhật Bản, chức quan “Đại Đô Thống” hầu như xuất hiện liên tục, chiếm phần lớn các văn thư so với những bức thư có các chức tước khác đương thời.
         3.  Một số nhận định:
         Mặc dù từ trước đến nay, các học giả trong và ngoài nước (nhất là các nhà nghiên cứu Nhật Bản) luôn quan tâm tìm hiểu về An Nam quốc thư, về mối quan hệ ngoại giao, thông thương của Việt Nam – Nhật Bản thời kỳ Châu Ấn thuyền, song vẫn có một số nhận định nhầm lẫn về tác giả của các bức thư ấy. Như chúng tôi phân tích ở trên, trong các bức An Nam quốc thư trước năm 1613 hiện có, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng là tác giả của 2 bức thư “Hiểu thị” năm Hoằng Định thứ 7 [1606], các bức còn lại là của Thụy Quốc công Nguyễn Phúc Nguyên.
          Điều này chứng tỏ sau khi nhận lãnh chức Tổng trấn Thuận Quảng năm 1570, nhất là từ sau sự kiện chúa sai hoàng tử thứ 6 [Nguyễn Phúc Nguyên] đánh tan 2 chiến thuyền giặc ở Cửa Việt vào năm Ất Dậu 1585, thấy được sự tài năng của chúa Sãi “Con ta thật là anh kiệt”21, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã có những quyết định phân cấp quản lý rất sáng suốt: cho Nguyễn Phúc Nguyên làm chức Trấn thủ Quảng Nam [trong đó có Thương cảng sầm uất Hội An] thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối đối với người sẽ kế vị - Phật chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
         Với việc chứng minh tác giả bức thư trao đổi đầu tiên giữa chúa Nguyễn và triều đình Mạc Phủ Tokugawa vào ngày 05 tháng 05 năm Hoằng Định thứ 2 [1601] chính là của Thụy Quốc công Nguyễn Phúc Nguyên ở trên, chúng tôi cho rằng Chúa Sãi đã đảm nhiệm chức quan Trấn thủ Quảng Nam vào trước tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 [1601] đó (theo ấn triện và tước hiệu có trên bức quốc thư). Như thế, phải chăng Sử thần triều Nguyễn khi biên tập Đại Nam thực lục tiền biên, mục Thái tổ Gia Dụ Hoàng Đế đã soạn chưa chính xác về thời gian trấn nhậm Quảng Nam của Thụy Quốc công khi viết “Nhâm Dần tứ thập ngũ niên…mệnh Hoàng lục tử vi Quảng nam dinh Trấn thủ 壬寅四十五年…命皇六子為廣南營鎮守”22 (Nhâm Dần năm thứ 45 [1602], sai Hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam)…. Cũng có thể suy đoán rằng Tổng trấn Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đã giao trọng trách Trấn thủ cho Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên từ trước đó, nhưng đến năm 1602 mới hợp thức hóa bằng văn bản, và sau này sử thần triều Nguyễn căn cứ vào văn bản đó để ghi chép!
         Dù như thế nào chăng nữa, bức thư đầu tiên của các chúa Nguyễn gửi Mạc Phủ Đức Xuyên năm 1601 trên chính là bức thư do Thụy quốc công trực tiếp biên soạn, chữ nghĩa trên thư, dấu ấn triện và họa áp đã chứng tỏ tính trung thực của nó.
Tất cả các bức thư trong An Nam quốc thư có cụm từ “Đại đô thống Thụy quốc công” hoặc “Đại đô thống” đều là thư của Sãi vương Nguyễn Phúc Chu. Điều này chứng tỏ rằng phần lớn các bức thư của An Nam quốc thư đều là văn thư trao đổi qua lại giữa triều đình Mạc Phủ Tokugawa với chúa Nguyễn Đàng Trong.
          Học giả Lê Dư khi phân chia thành 3 mục: Văn thư qua lại giữa chúa Nguyễn với Nhật Bảnvăn thư qua lại giữa vua Lê với Nhật Bảnvăn thư qua lại giữa chúa Trịnh với Nhật Bản có lẽ theo cách cảm nhận chủ quan của ông, bởi tác giả Cận Đằng Trọng Tàng của sách Ngoại phiên thông thư chỉ phân thành 4 tập: từ tập 11 đến tập 14 (phần An Nam quốc thư). Sự phân loại và chú thích của Sở Cuồng tiên sinh có nhiều điểm bất hợp lý, đã từng được TS. Phan Thanh Hải phản ánh trong các bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Số 4, 5+6 . 2006 và Tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử số 7.2007.
          Như trên đã phân tích, Danh xưng “đại đô thống” chính của Nguyễn Phúc Nguyên. Bởi vậy, hai văn thư đầu tiên ở mục “Lê triều dữ Nhật Bản giao thông văn thư” 黎朝與日本交通之文書(văn thư giao thiệp, thông hiếu giữa triều Lê với Nhật Bản)gồm: “An Nam quốc đại đô thống túc thư đạt vu 安南國大都統肃書達于…” và “An Nam đại đô thống quan thư đạt vu 安南大都統官書達于” và các bức 16, 17, 18, 19 ở phần Trịnh thị dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư 鄭氏與日本交通之文書(Văn thư giao thiệp giữa họ Trịnh với Nhật Bản) đều là văn thư của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.

Hình 7:       Châu ấn trạng Thuyền từ Nhật Bản đến nước Giao Chỉ.
(Khánh Trường,  ngày 11 tháng giêng năm 19-1614)

         4. Kết luận
        Các bức thông thư vào thế kỷ XVII giữa Việt Nam và Nhật Bản là những cứ liệu lịch sử đáng quí thể hiện mối quan hệ bang giao, ngoại thương của cả hai miền đất nước. Từ lâu, tư liệu này đã được đất nước Nhật Bản chú trọng tìm hiểu để nghiên cứu trên nhiều mình diện như ngoại giao, thương mại, lịch sử, xã hội… Tuy nhiên, Hệ thống tư liệu đó ít được người Việt biết đến trong nhiều thế kỷ qua. Đến đầu thế kỷ XX, nhờ có điều kiện tiếp xúc với đất nước Nhật, Sở Cuồng Lê Dư đã “khơi nguồn” cho quá trình tìm hiểu hệ thống văn thư quan trọng này. Mặc dù có một số thiếu sót trong việc đăng tải lại các bức thư, nhưng điều đó không thể phủ nhận tầm quan trọng của học giả Lê Dư đối với lịch sử xã hội của đất nước.
         Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, chúng ta có điều kiện để tiếp xúc và hiểu biết thêm nhiều cứ liệu quan trọng, phục vụ cho công cuộc nghiên cứu lịch sử xã hội Việt Nam qua các thời kỳ.
         Bằng những phát hiện và tiếp cận ban đầu về một số văn bản gốc được lưu trữ tại Nhật Bản cũng như các tư liệu liên quan khác về An Nam quốc thư đã kể trên, chúng tôi nghĩ rằng thực sự cần có hơn nữa nhiều công trình nghiên cứu, thu thập tư liệu quan trọng này của ông cha ta để từ đó giải mã và trả lại nguyên vẹn sự thật của lịch sử, cũng như góp phần nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ bang giao, thương mại và lịch sử xã hội những thế kỷ trước./.
CHÚ THÍCH:
1) Seiichi Iwao (1958), Shuinsen bōekishi no kenkyū (朱印船貿易史の研究- Nghiên cứu về lịch sử mậu dịch thời Châu Ấn thuyền), 弘文堂, Tōkyō : Kōbundō, 昭和(Shōwa) 33
2) Tác giả của bài viết “Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam, căn cứ theo Ngoại phiên thông thư”,Đô Thị cổ Hội An (Kỷ yếu hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An 1990), Nxb KHXH, H, 1991
3) Tác giả của cuốn sách Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nxb Trẻ, Tp HCM 1999 (bản dịch của Nguyễn Nghị)
4) Gaiban Stusho (Ngoại phiên thông thư): văn thư trao đổi giữa Nhật Bản với 11 nước và hai khu vực, gồm 27 quyển : từ quyển 11 đến 14 nhan đề "An Nam quốc thư" gồm 56 bức thư trao đổi giữa chính quyền Mạc Phủ Tokugawa  徳川幕府(Tokugawa bakufu) với vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng...) và các tòng thuộc liên quan đến hoạt động các tàu Châu Ấn (Shuinsen) của Nhật Bản và quan hệ buôn bán Việt-Nhật ở Đàng Trong, Đàng Ngoài
5) Văn thư ngoại giao qua các đời của xứ Lưu Cầu (Ryukyu)
6) An Nam quốc thư được trích dẫn trong sách Cổ sự loại uyển, phần Ngoại giao bộ, tập 16, từ trang 224 đến 249
7) Phần Hán văn, tập 54: trang 200-213 và tập 56: trang 54-59.
8) Ông Lê Dư có một số nhầm lẫn khi “chua” thêm các dòng trước những bức thư, hoặc đọc “Thụy 瑞” thành “Đoan 端” (bức thư thứ nhất)….
9) Phan Khoang (1969), Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777, cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, Mục 10)Ngoại giao – c) Giao thiệp với Nhật Bản, tr. 525-527
10) Phạm Hoàng Quân, “Học giả Lê Dư và mảng tư liệu lịch sử quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII” ,Tạp chí NC& PT (sở KH &CN TT Huế), số 3 (56), 2006.
11) Kawamoto Kuniye (1991), “Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiban Stusho (Ngoại phiên thông thư)”, Đô thị cổ Hội An (kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An), Nxb KHXH, H, tr.171.
12) Xin xem: Morishige Kondō (1905), Kondō seisai zenshū. 1 (Cận Đằng Chính Trai toàn tập, tập 1), Kokusho Kankōkai, Tokyo, tr.69;  và  Heijō Kondō (Cận Đằng Bình Thành) (1968), Shiseki shūran(Sử tịch tập lãm) tập 21, Rinsen shoten, tr.93. Các tác phẩm khác như Koji ruien (Cổ sự loại uyển) Ngoại giao bộ, tập 16; Tsūkō ichiran(Thông hàng nhất lãm), Shuinsen bōekishi (Châu ấn thuyền mậu dịch sử) cũng đều dẫn liệu y như nhận xét của Cận Đằng Thủ Trọng.
13) Chẳng hạn như các bài nghiên cứu của GS. Kawamoto Kuniye, Sđd ; TS. Li Tana trong công trình Xứ Đàng Trong – Lịch sử Kinh tế Xã Hội Việt Nam thế kỷ 17-18 (bản dịch của Nguyễn Nghị), Phần 3-Các thương gia nước ngoài. Người Nhật Bản, Nxb Trẻ, 1999, tr.87, cùng các nhận định của nhiều nhà nghiên cứu sau này….
14) Li Tana, Xứ Đàng Trong… Sđd, tr.89
15) Viện KHXH Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 [1697], Nxb KHXH, H, Tập 3,  tr.139
16) Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1 (Tiền biên, Thực lục về Thái tổ Gia Dụ hoàng đế), Nxb Giáo Dục, H, tr.29
17) Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.29
18) Bức thư chỉ thị này được Trần Viết Ngạc giới thiệu tại bài viết “Về Một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597” đăng trong Nghiên Cứu Huế , tập 1 năm 1999, tr.306-308
19) GS. Kawamoto Kuniye, “Nhận thức Quốc tế của Chúa Nguyễn ở Quảng Nam…”, Sđd, tr.175-176
20) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr.51
21) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Sđd, tr.139
22) Đại Nam thực lục, tiền biên, tập 1, Sđd, tr.32
23) Đại Nam thực lục tiền biên 大南寔錄前編, tập 1-2, nguyên tác Thư viện quốc gia Việt Nam, ký hiệu: R.765, tr.56; Bản dịch: Đại Nam thực lục, Sđd, tr.35
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Fukusai Hayashi (1912-1913), Tsūkō ichiran (Thông hàng nhất lãm), Tōkyō, Kokusho Kankōkai
2. Phan Thanh Hải (2006), “Về những văn thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII”, Tạp chí NC& PT (sở KH &CN TT Huế), số 4(57), tr.92-101
3. Phan Thanh Hải (2006), “Về những văn thư trao đổi giữa triều Lê - chúa Trịnh và Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII”, Tạp chí NC& PT (sở KH &CN TT Huế), số 5-6(58-59), tr.164-178
4.  Phan Thanh Hải (2007), “Về những văn thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản (thế kỷ XVI-XVI)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7 (375), tr.59-68
5.  Heijō Kondō (1967-68), Shiseki shūran (sử tịch tập lãm), Kyōto-shi, Rinsen Shoten
6.  GS. Kawamoto Kuniye (1991), “Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam, căn cứ theo Ngoại phiên thông thư”, Đô Thị cổ Hội An (Kỷ yếu hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An 1990), Nxb KHXH, H , tr.169-178
7.  Phan Khoang (1969), Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777, cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam, Nxb Khai Trí, SG
8.  Li Tana (1999),  Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nxb Trẻ, Tp HCM
9.  Morishige Kondō (1905-06), Kondō Seisai zenshū .1 (Cận Đằng Chính Trai toàn tập, tập 1), Tōkyō, Kokusho Kankōkai
10. Motojirō Kawashima (1940), Shuinsen bōekishi (Châu ấn thuyền mậu dịch sử), Ōsaka, Kōjinsha
11. Naoshi Motoda (1914), Nanpo bunshū (Nam Phố văn tập), Tōkyō, Kōdōkan, Taishō 2
12. Trần Viết Ngạc (1999), “Về Một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597” , Nghiên Cứu Huế tập 1, tr.306-308
13.            Jingū Shichō (1931-1933), Koji ruien (Cổ sự loại uyển), Tōkyō,  Koji Ruien Kankōkai,
14. Phạm Hoàng Quân (2006), “Học giả Lê Dư và mảng tư liệu lịch sử quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII” , Tạp chí NC& PT (sở KH &CN TT Huế), số 3 (56). Tr.116-123
15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo Dục, H
16. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên 大南寔錄前編, tập 1-2, nguyên tác chữ Hán tại Thư viện quốc gia Việt Nam, ký hiệu: R.765
17. Shinji Kojima (2000), Rekidai hoan (Lịch đại bảo án), Naha Okinawakenkyōikuiinkai.
18. Shigemitsu Iwamura (1941), Annantsūshi (An Nam thông sử), Tōkyō : Fuzanbō.
19. Seiichi Iwao (1958), Shuinsen bōekishi no kenkyū (Nghiên cứu về lịch sử mậu dịch thời Châu Ấn thuyền), Tōkyō : Kōbundō
20. Nguyễn Bá Trác, Nam Phong tạp chí, Phần Hán văn, tập 54: trang 200-213 và tập 56: trang 54-59.
21. Viện KHXH Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (bộ 3 tập) (Ngô Đức Thọ dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 [1697], Nxb KHXH, Hn
Nguồn: Sở KHCN Quảng Trị

1 nhận xét:

  1. Nguyễn Phúc Thái có nhận một thư chữ Nôm từ thương nhân Nhật Bản, Giác Ốc Thất Lang Binh Vệ mà đến ngày nay còn giữ được. hỏi là có biết đến tên của thuơng nhân này bằng chữ Hán hoặc tên đọc Kun Nhật hay không ạ ?

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.