Một câu chuyện tình đặc biệt ở thời kì bom đạn Mỹ dội xuống Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (thập niên 1960). Khi ấy tác giả mới vào tuổi 19, còn người con gái tên Phương vào tuổi 17.
Một câu chuyện tình chỉ như thoáng qua, nhưng không kém phần xúc động, giữa một đàn anh 19 tuổi và một đàn em 17 tuổi ở một ngôi trường thời chiến vừa phải sơ tán vừa phải gắng giữ nhịp học tập.
Câu chuyện được tác giả ghi lại vào năm 2015, cho đăng tải trên trang văn học Nhà Búp vào năm 2020, in vào tập sách Duyên năm 2023 (Nxb Hội Nhà văn, trang 335 - 347; về Duyên xem ở đây và ở đây).
Tác giả Đặng Thế Truyền từng có thời làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (tên gọi hiện nay). Ông cũng từng là Thư kí của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Chủ nhân Giao Blog gặp tác giả lần đầu tiên vào mùa thu năm 2022, trong dịp nhóm văn chương Nhà Búp kỉ niệm 3 năm thành lập (xem lại ở đây).
Bản đăng "Chuyện tình thời bom đạn" trên Giao Blog lần này (tháng 3 năm 2023) là lấy lại bản tác giả đã cho chạy trên trang Nhà Búp năm 2020. Đáng chú ý là bản in năm 2020 đó có tranh minh họa của chính Đặng Thế Truyền (bản in vào Duyên năm 2023 thì do giới hạn dung lượng tập sách mà không sử dụng các tranh đó).
Tháng 3 năm 2023,
Giao Blog
---
Chuyện tình thời bom đạn
Thứ năm - 23/07/2020 14:07
"Buổi chiều chợt nhớ cố nhân..."
Tôi mạo muội mượn một câu trong bài hát “Hoài cảm” của nhạc sĩ Cung Tiến mở đầu câu chuyện tình thời trai trẻ, tuy chỉ thoáng qua nhưng đầy cảm động, không thể nào quên dù sau nửa thế kỷ. Những lúc vắng lặng, nhớ lại thời dĩ vãng, câu chuyện đó lại trỗi dậy từ ký ức, vẫn tươi roi rói như mới hôm qua.
Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước. Tôi có người bạn rất thân hồi học phổ thông. Anh yêu thích môn văn, và rất lãng mạn. Vì hoàn cảnh gia đình, anh phải bỏ dở lớp 10, đi làm công nhân, xin vào học nghề tại trường Công nhân cơ khí.
Rồi cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ mở rộng. Cái thị trấn nhỏ bé ven Hà Nội, nơi chúng tôi lớn lên không còn an toàn nữa. Trường học và người dân đi sơ tán.
Trường tôi chuyển về một ngôi làng ven sông Đuống; trường anh ấy về cách đó chừng 20 cây số. Thỉnh thoảng cuối tuần chúng tôi đạp xe về thị trấn, lấy vài thứ mang đến nơi sơ tán. Cũng một dịp như vậy, tôi gặp lại anh bạn. Tay bắt mặt mừng. Trong chiến tranh bom đạn tơi bời, sau mấy tháng gặp lại nhau, thấy nhau khỏe mạnh và nguyên vẹn là mừng lắm rồi. Anh bạn tôi nói: ”Ông về thăm chỗ tôi đi, xem công nhân chúng tôi sống thế nào. Rồi tôi sẽ tới thăm chỗ ông sơ tán”.
Đúng hẹn, tôi mượn xe đạp, đi 20 cây số đến chỗ anh bạn. Có vẻ anh ấy chuẩn bị đón tôi rất chu đáo: mua sẵn một con cá chép nho nhỏ (thời đó có cá chép là sang lắm), đủ để nấu một rồi riêu và một lát để rán (chả biết anh ấy làm thế nào kiếm được một thìa mỡ - của cực hiếm - để rán cá?). Đặc biệt có một cô gái mặt trái xoan, da trắng hồng, dáng người thon thả, rất xinh đẹp cùng đón tôi. Tôi nghĩ thầm: ông bạn mình trông mộc mạc thế, mà kiếm được “em” xinh thật. Dù sao trong cái trường công nhân kỹ thuật, hầu hết học viên mới hết lớp 7, thì học dở lớp 10 như bạn tôi đã là “oách” lắm rồi! Có lẽ vì cái trình độ học vấn cao đó, ông ấy mới thu phục được trái tim cô bạn xinh đẹp đến vậy!
Anh bạn tôi không hề giới thiệu chúng tôi với nhau, cứ như là chúng tôi biết nhau rồi. Anh nhờ hai chúng tôi ở nhà nấu ăn trưa, vì phải đến xưởng máy chuẩn bị cho đợt thi tay nghề sắp tới, gần trưa sẽ về. Ra đến đầu ngõ anh còn nói với vào: “Phương giúp anh với nhé!”, rồi biến mất sau dãy hàng rào tre. Nhờ vậy mà tôi biết được em tên là Phương.
Cái ông này thật kỳ. Hẹn mình đến rồi giao bạn gái cho mình quản cả buổi sáng. Người ta vẫn nói “Tin bợm mất bò!”.
Hai chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị bữa trưa. Thực ra tôi chỉ nhìn Phương làm là chính, tôi chả làm được gì nhiều, mặc dù sống nơi sơ tán, tôi cũng phải tự nấu ăn. Phương vo gạo nấu cơm trước. Ở nông thôn, đun nấu bằng rơm, rạ. Lửa rơm bừng bừng làm má Phương ửng hồng. Cơm cạn nước, Phương ủ nồi cơm xuống cạnh bếp, vun tro nóng lên, rồi thoăn thoắt làm cá, nấu nồi riêu. Món cá rán để sau cùng. Phương làm gì cũng rất thành thạo, gọn gàng. Có lẽ trong chiến tranh, con người tháo vát hơn lên. Bây giờ con gái bằng tuổi ấy, nhiều cô còn ỉ lại vào mẹ.
Phương không nói nhiều. Thỉnh thoảng hỏi tôi vài ba câu về nơi tôi sơ tán và việc học hành, cuộc sống của đám học sinh chúng tôi khi xa gia đình. Phương cũng hỏi tôi đã dự kiến vào ngành nào chưa. Phương tỏ ra luyến tiếc vì không thể học tiếp lên cấp 3 để vào đại học, hết lớp 7 phải rẽ ngang đi học nghề. Phương không hề hỏi gì về bản thân và gia đình tôi. Có lẽ anh bạn tôi đã kể cho Phương ít nhiều về tôi rồi. Vì lần đầu gặp Phương, lại là bạn gái của bạn, nên tôi không dám vồn vã, chỉ hỏi chuyện xã giao và giữ khoảng cách nhất định. Thỉnh thoảng vô tình thấy Phương nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Có lẽ tôi tự suy ra thế, hay là linh cảm của cậu thanh niên mới lớn khi có cả một buổi sáng bên một thiếu nữ đáng yêu như vậy.
Phương chuẩn bị xong bữa trưa, hai chúng tôi ngồi dưới gốc cây vối bên bờ ao nói chuyện tầm phào chờ bạn tôi về. Ở quê nhà nào cũng có một cái ao để rửa ráy, tắm giặt, thả cá, nuôi bèo làm thức ăn cho lợn, và một cây vối lấy lá nấu nước uống thay chè. Tôi lấy đất ướt bên bờ ao, vo thành viên nhỏ xíu ném mấy chú gọng vó chân dài lênh khênh lướt như bay trên mặt nước giống người trượt băng mà tôi thấy trong phim. Qua câu chuyện, tôi biết Phương cùng học ở trường thị trấn với tôi, nhưng tôi học cấp 3 vào buổi sáng, Phương học cấp 2 vào buổi chiều. Tuy chung cơ sở, nhưng là hai trường khác nhau. Tính ra tôi hơn Phương 2 tuổi: tôi sang tuổi 19, em vào 17. Vì đi học muộn một tuổi, lại học đúp lớp 4, nên tôi hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi. Phương cũng đi học muộn 1 năm. Ở quê hồi đó đi học muộn hơn tuổi là chuyện bình thường.
Gần trưa thì anh bạn tôi về. Vừa thấy bạn tôi xuất hiện ở đầu ngõ, Phương vụt đứng dậy chào tôi và nói có việc phải về, chỉ giúp bạn tôi chuẩn bị bữa trưa, nhưng không ở lại được. Tôi thấy bất ngờ và bỗng cảm thấy hẫng hụt, tiêng tiếc. Trước khi đi Phương còn đứng nói chuyện với bạn tôi một lát ở bờ ao bên kia. Tôi không nghe được họ nói gì. Rồi Phương quay vào chào tôi rõ to, nhắn khi nào có điều kiện mời tôi lại đến chơi. Bóng Phương khuất dần sau rặng tre đầu ngõ.
Buổi sáng chưa kịp ăn gì, lại đạp xe mấy chục cây số, giờ thì đói ngấu rồi, tôi hỉ hả ngồi vào mâm cơm khá thịnh soạn, còn lại có hai đứa, càng được tự nhiên. Nhưng anh bạn tôi lại không vào bữa ngay, ngồi nghiêm mặt rồi hỏi tôi từ sáng tới giờ nói những gì với Phương.
Tôi hơi chột dạ, nhưng ngẫm lại thấy mình không làm gì sai, không nói năng gì quá đáng. Cái lão này thật kỳ cục. Mời mình đến chơi, giao bạn gái cho mình cả buổi, rồi về lại chất vấn mình đã nói chuyện gì với cô ấy? Tôi thành thật tóm tắt lại những gì tôi và Phương nói với nhau lúc nấu cơm, tưởng rằng thế là yên chuyện, được bắt đầu thưởng thức mấy món cá do Phương nấu. Nào ngờ anh bạn tôi lặng đi một lúc rồi nói: ”Ông đừng giấu tôi nữa. Tôi biết ông và Phương quen nhau hơn một năm rồi, từ hồi ông học lớp 9, Phương lớp 7. Phương nói với tôi ông còn gửi thư tán tỉnh Phương. Thế mà bây giờ lại chối bay, chối biến! Tôi thấy Phương vừa xinh xắn lại ngoan ngoãn, tử tế, muốn giúp cho ông và Phương gần nhau nên tôi thu xếp buổi hôm nay. Sáng nay tôi qua nhà mấy thằng bạn chơi cờ chứ có đến xưởng gì đâu, để ông được một mình nói chuyện với Phương. Ông làm Phương tự ái bỏ về. Thế là thế nào?”
Ảnh: Nguyễn Thành Huy
Đến đó thì tôi ngớ người ra, chả hiểu gì nữa, quên cả đói và mấy món cá đang bốc hơi nghi ngút.Tôi hít một hơi thở thật dài, lấy lại bình tĩnh giải thích: ”Quả thật đây là lần đầu tiên tôi gặp Phương. Tôi cứ ngỡ là bạn gái ông. Nếu ông không gọi tên Phương thì tôi còn không biết tên cô ấy. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra.Tôi không viết thư nào cho Phương cả. Đúng là có viết thư tán tỉnh vài ba cô, nhưng không phải cô này. Viết thì phải nhớ chứ. Thư tình đâu có dễ viết, phải nghiền ngẫm, chọn từ, chọn chữ ghê lắm, lại còn phải trích dẫn điển tích nọ kia để phô kiến thức của mình, mới hy vọng tạo ấn tượng với các em. Có phải là viết bài nộp cho thầy giáo, viết quấy quá cho xong đâu mà không nhớ mình có viết hay không? Ông biết gì, kể lại tôi xem! ”
Giờ đến lượt bạn tôi há hốc mồm, lầm bầm: ”Chuyện này lạ thật. Nhưng ăn đã, rồi tôi sẽ kể”. Sau khi đã chắc bụng, bạn tôi mới thong thả kể rằng Phương cùng vào học một đợt với anh ấy, vì cùng dân thị trấn nên dễ quen nhau và trở nên thân thiết. Tình cờ qua câu chuyện, Phương biết tôi là bạn thân của anh. Phương kể rằng hồi học lớp 7 thấy một lá thư gửi cho Phương, để trong hộc bàn học ở lớp, ký tên tôi. Đại thể đó là một bức thư tán tỉnh, Phương chưa bao giờ nhận được thư kiểu như vậy! Con gái mới lớn, tò mò và phần nào cảm thấy thích thú, nên quyết tâm truy tìm người viết. Phương không khó khăn gì phát hiện ra tôi ngồi đúng chỗ bàn của Phương, chỉ khác là tôi học buổi sáng, Phương học buổi chiều. Rồi Phương cũng tìm ra nhà tôi, cùng ven bãi sông Hồng, nhưng cách nhà Phương chừng hơn cây số về phía thượng nguồn. Chẳng biết số phận run rủi thế nào Phương có cô bạn cùng lớp nhà sát với nhà tôi, cách mỗi hàng rào cúc tần cao ngang thắt lưng. Thế rồi Phương hay qua lại nhà cô bạn đó, nhìn sang nhà tôi và biết được khối điều về gia đình và bản thân tôi.
Đùng một cái chiến tranh lan tới, mọi người tứ tán khắp nơi. Trường học đóng cửa, Phương bặt tin tôi từ đó, cho đến tận hôm nay. Nhưng hôm nay Phương đã rất giận tôi. Phương trông đợi sáng nay được nghe tôi nói nhiều điều, tôi là con trai phải chủ động, và nhất là tôi đã viết thư cho Phương. Thế mà tôi tỏ ra thờ ơ, xa lạ. Phương nghĩ rằng tôi không nghiêm túc, đùa cợt, hoặc đã có cô gái nào khác. Phương cũng mặc cảm vì chỉ học hết lớp 7 và chỉ là công nhân. Phương quyết định ra về, dù trước đó nhận lời với bạn tôi ở lại.
Hóa ra câu chuyện là như vậy. Tôi bỗng có cảm giác bâng khuâng, hụt hẫng, tự nhiên thấy Phương thật gần gũi. Khi chia tay, tôi và bạn tôi nhất trí cùng tìm hiểu thêm việc này, và chưa nói gì với Phương.
Trở lại trường, tôi mang câu chuyện đó nói với đám con trai trong lớp. Một cậu ở chung nhà sơ tán với tôi cười phá lên, nói: ”Tớ biết chuyện này rồi. Nhưng từ năm ngoái cơ!”. Hoá ra thế này: Hồi tôi học lớp 9, trong lớp có một cậu con thầy giáo dạy ở trường. Gia đình thầy giáo ở luôn trong khu tập thể của trường. Buổi chiều, cậu ấy lang thang trong trường và thoáng thấy em Phương xinh đẹp, học lớp 7. Nó lân la làm quen với Phương, nhưng không xong. Thế là nó nghĩ ra trò tinh quái, viết thư tán tỉnh Phương, mạo danh tôi, rồi để vào ngăn bàn, đúng chỗ tôi và Phương ngồi.
Tôi không bao giờ biết trong thư đó viết gì, nhưng phải thừa nhận thằng cha đó viết thư tán gái siêu thật. Mình viết bao nhiêu thư tán tỉnh mấy em xinh xinh ở trường, tầm chương trích cú, tả cảnh, tả tình lâm ly đủ cả, thế mà như ném đá ao bèo, chả thấy sủi tăm gì. Ấy vậy mà bức thư mạo danh kia lại làm cho một em xinh như mộng lặng lẽ để ý tôi cả năm trời, kết cục là gặp mặt, lại còn hờn dỗi nữa!
Tôi vội viết thư cho anh bạn, kể về khám phá đó, bảo thu xếp ngay một cuộc gặp Phương để tôi nói rõ sự tình. Tôi không quên nhắn anh ấy giữ tuyệt mật, để chính tôi sẽ nói ra với Phương những điều cần nói. Chúng tôi thống nhất sẽ về thị trấn vào một ngày Chủ nhật, đến tận nhà Phương nói chuyện.
Cả tháng trời tôi chuẩn bị rất kỹ những gì sẽ nói với Phương. Tôi chỉ định nói với Phương thế này: tôi không phải là người đã viết bức thư đó. Nhưng tôi rất mừng đã quen biết Phương; giờ đây cảm thấy Phương rất gần gũi, và tôi rất mến Phương.
Khỏi phải nói tôi háo hức thế nào khi cuộc hẹn tới. Tôi và anh bạn đến nhà Phương khi trời đã rất tối. Trong ánh trăng non lờ mờ và ánh đèn dầu heo hắt từ cửa chính, tôi nhận thấy đó là một túp lều nhỏ, vách tường bằng phên nứa để lọt ánh đèn dầu lấm tấm như sao. Hình như trên mái có phủ lớp giấy dầu chống mưa. Túp lều dựng ngay dưới gốc cây bồ đề cổ thụ đen sừng sững, cách mép sông Hồng không xa.
Hoá ra chỗ này tôi biết khá rõ. Cạnh đó là nhà máy cơ khí Gia Lâm. Trước cổng nhà máy có tấm biển to tướng, chữ bằng sắt không dấu vắt ngang trên hai trụ cổng: “NHA MAY CO KHI GIA LAM”. Chúng tôi gọi đùa là “Nhà mày có khỉ già lắm!”. Hồi chưa chiến tranh, công nhân nhà máy dựng sân khấu dưới gốc cây bồ đề để biểu diễn văn nghệ; tôi ghé xem vài lần. Chỗ đó bây giờ là gầm cầu Chương Dương, phía bờ Gia Lâm, dày đặc nhà xây đủ dáng, đủ kiểu, đủ màu sắc.
Bạn tôi dựng xe đạp bên ngoài. Tôi đi sau anh mà tim như nhảy ra khỏi lồng ngực. Phương ra đón bọn tôi từ ngoài sân, nhắc chúng tôi khi chào mẹ Phương phải nói to, vì bà hơi nặng tai. Tôi hí hửng: cụ bị nặng tai thì tôi nói chuyện với Phương càng thoải mái. Ánh đèn dầu tuy yếu ớt nhưng cũng đủ soi rõ cả căn phòng. Rất đơn sơ. Bên phải là chiếc giường tre vẫn thấy ở quê. Có lẽ là chỗ ngủ của hai mẹ con Phương. Bên trái là chiếc ghế dài bằng gỗ mộc, đủ cho 2 người ngồi. Chiếc ghế đẩu cũ dùng làm bàn nước. Phía sau túp lều là ô nhỏ được vẩy ra làm bếp, với mấy chiếc nồi nhôm, cùng rổ rá tre tuyềnh toàng.
Ấy là tôi cố liếc qua căn phòng cho có vẻ tự nhiên và lấy lại bình tĩnh. Chứ cuối cùng thì ánh mắt tôi lại đậu trên người Phương! Trong ánh đèn mờ, tôi vẫn nhận thấy khuôn mặt trái xoan rạng rỡ, da trắng hơi ửng hồng. Đôi mắt đen láy. Phương mặc chiếc áo sơ mi cổ sen màu cỏ úa - màu áo phổ biến thời đó để ngụy trang khỏi máy bay Mỹ - vừa khít thân hình nở nang sức sống căng tràn. Phần dưới áo khép vào ôm lấy vòng eo thon thả, rồi lại mềm mại xòe ra theo bờ hông tròn trịa. Đúng ra dáng người thắt đáy lưng ong.
Phương nhìn bọn tôi mỉm cười tinh nghịch không dấu được vẻ vui mừng rồi quày quả đun nước pha trà. Lúc Phương quay người vào bếp, hất mái tóc dài đều, đen nhánh với chiếc cặp ba lá hơi trễ che gần kín lưng tới tận mép áo sơ mi, phảng phất mùi hoa bưởi. Chúng tôi nói Phương không cần pha nước nữa, dành thì giờ nói chuyện, mà tôi thì nóng lòng được nói ra cả những điều ấm ức và những điều ấp ủ lâu nay. Phương vẫn không nghe, nói đây là trà Thái Nguyên đặc biệt của gia đình người bạn cùng lớp quê trên đó gửi; Phương dành cho buổi tối này. Vừa chờ nước sôi, vừa nói chuyện vẫn được.
Khi nước trong ấm vừa reo thì còi ủ phòng không thành phố hú vang. Tiếng loa phóng thanh oang oang, thông báo máy bay địch đang xâm phạm vùng trời Hà Nội, yêu cầu mọi người tìm nơi trú ẩn. Phương vội tắt bếp và đèn dầu. Đèn thành phố cũng phụt tắt. Trong chốc lát, Hà Nội chìm trong bóng tối thật đáng sợ. Xa xa tiếng bom nổ ì ầm và tiếng đạn pháo phòng không lục bục! Cả ba người chúng tôi ngồi lặng lẽ, chờ đợi, vì không thể nói chuyện trong tiếng còi ủ và tiếng loa lanh lảnh. Một lúc lâu sau, tôi và anh bạn quyết định ra về vì không biết báo động phòng không sẽ kéo dài bao lâu, mà trời đã khá muộn rồi. Gần đây, không quân Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc. Hà Nội, Hải Phòng tình hình căng thẳng hơn trước nhiều. Hai mẹ con Phương khuyên chúng tôi không nên đi, sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi đi sẽ an toàn hơn, vì dọc đường có nhiều hầm trú ẩn cá nhân, trong khi chiếc hầm nhà Phương không đủ cho cả 4 người.
Chúng tôi hẹn trở lại thăm Phương vào một ngày gần nhất. Phương tiễn chúng tôi ra cửa. Dưới ánh trăng non mờ ảo tôi nhận ra đôi mắt Phương đượm vẻ u buồn, như trách chúng tôi không nán lại chờ hết báo động để tôi nói câu chuyện mà Phương hằng mong đợi từ hôm bạn tôi hẹn đến.
** *
Mấy tuần sau, tôi nhận được thư của anh bạn. Thư lần này rất ngắn, vỏn vẹn vài dòng: ”Ông sẽ không bao giờ thanh minh được với Phương nữa. Trưa ngày hôm sau buổi tối bọn mình đến nhà Phương, khi Phương đang đạp xe trên cầu Long Biên từ Hà Nội về nhà, máy bay Mỹ đến bắn phá. Phương bị trúng bom, không để lại dấu vết gì!”.
Tôi lặng người đi, lá thư trên tay ướt đẫm. Ánh mắt u buồn của Phương tối chia tay chợt hiện lên. Ánh mắt đó dõi theo tôi suốt cuộc đời.
Phải một tháng sau, tôi mới đủ bình tĩnh và can đảm hẹn bạn tôi về thắp cho Phương một nén nhang. Vì Phương không có mộ, chúng tôi quyết định thắp hương tại túp lều mà Phương đã sống.
Hẹn hò như vậy rồi,nhưng do hoàn cảnh thời chiến và tôi chuẩn bị thi đại học, bạn tôi cũng thi tốt nghiệp, mấy tháng sau chúng tôi mới thu xếp được cùng nhau về thắp hương cho Phương.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà cũ của Phương, nhưng cảnh vật không còn như xưa. Túp lều đã bị tháo dỡ tự bao giờ, chỉ còn lại mấy viên gạch lát nền, nay đã phủ rêu phong, cỏ đâm lên tua tủa từ các kẽ gạch, và chiếc chum sứt mẻ mà gia đình Phương từng đựng nước. Phía sau nền nhà cỏ lau mọc ngút đầu. Lối đi xưa cũng bị cỏ che khuất gần hết. Hỏi ra mới biết sau khi Phương mất, mẹ Phương đã chuyển về quê, đâu ở Hưng Yên, nhưng không rõ nơi nào.
Nhà của Phương - Kí họa Đặng Thế Truyền
Chúng tôi lặng lẽ thắp mấy nén nhang cắm trên nền nhà cũ. Trời tối dần. Không gian thật tĩnh lặng, chỉ văng vẳng tiếng dế kêu rinh rích từ kẽ gạch. Có lẽ những con dế kia đã chung sống ở đây với Phương từ thuở nào! Trên nền đất ẩm ướt đầy cỏ và rêu phong từng là một túp lều nho nhỏ, ngôi nhà ấm cúng của người mẹ già và cô con gái vừa tới tuổi trăng tròn. Ở đó, mới hôm nào, Phương tất bật đun nước pha trà.
Dưới kia sau cây bồ đề, dòng sông Hồng mùa nước cạn lặng lờ trôi.
Đó là ngôi nhà mới của Phương.
Ngôi nhà vĩnh hằng./.
Hà Nội, tháng 1/2015
Đặng Thế Truyền
https://nhabup.vn/news/trang-van/chuyen-tinh-thoi-bom-dan-1866.html
..
ĐỌC THÊM
ĐẶNG THẾ TRUYỀN
Thứ năm - 23/07/2020 16:58
Tiến sĩ Đặng Thế Truyền, sinh tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, Nam Định. Chuyên ngành kinh tế và quản trị nhà nước. Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. (Cử nhân - 1971); Đại học Quốc gia Australia - Australian National University (Cử nhân - 1978); Đại học Harvard, Hoa Kỳ - Harvard University (Thạc sĩ - MPA - 1993).Viện Kinh tế học Việt Nam (Tiến sĩ - 1997).
Hiện là hoạ sĩ tự học, chuyên vẽ phong cảnh, chất liệu sơn dầu, Acrylic trên toan.
Các tác phẩm chính:
- Một số tác phẩm vẽ phong cảnh bằng sơn dầu và acrylic trên toan: “Ao làng", “Đường về quê ngoại", “ Lối mòn", “Phượng tím", “Cánh buồm trắng", “Mưa giông", “Câu cá ao Thu", “Rừng ôn đới", “Liễu ven sông", “Chỉ có thuyền mới hiểu, Biển mênh mong dường nào", “Biển lặng", “Trở về nhà", “Đường về Sapa", ....
- Truyện ngắn: Chuyện tình thời bom đạn (2015)
https://nhabup.vn/news/tac-gia-tac-pham/dang-the-truyen-1868.html
..
Nghe sắc màu tròn đầy trên những khúc thời gian
Thứ tư - 29/07/2020 09:53
Trang Mỹ thuật Nhà Búp xin hân hạnh giới thiệu bộ tranh “Nghe sắc màu tròn đầy trên những khúc thời gian” của tiến sĩ Đặng Thế Truyền. Đây là những tác phẩm được thể hiện trên chất liệu sơn dầu, là những phong cảnh đẹp như trong cổ tích từ những miền đất xa xôi trên các châu lục khác nhau mà vị tiến sĩ kiêm họa sĩ tự học này đã có dịp được tận mắt chứng kiến, cảm ngộ và sáng tác. Bộ tranh tuyệt vời này sẽ giúp ta hòa chung với tâm hồn của họa sĩ một cảm xúc, một cái nhìn tròn đầy sắc màu của thời gian, nhân văn và nghệ thuật. Khi thì là cảnh những rặng liễu tốt tươi của mùa xuân, những bông phượng tím sắc hè về, khi thì là cơn mưa giông cuối hạ, một lối mòn cùng người bạn đời yêu dấu của mình mỗi chiều đi về nhà hay cảnh mùa thu lá vàng cùng nhau dạo chơi trong công viên vắng.
TÁC PHẨM: LIỄU RỦ VEN SÔNG
Tác phẩm " Liễu rủ ven sông", sơn dầu. Cảm hứng từ câu thơ "Khi về hỏi liễu Chương Đài. Cành xuân đã bẻ cho người trao tay" (Nguyễn Du trong Đoạn trường Tân thanh).
TÁC PHẨM: MƯA GIÔNG
Tác phẩm: " Mưa giông", sơn dầu. Không phải ngày nào cũng nắng hồng. Nhưng hết mưa trời lại hửng lên thôi.
TÁC PHẨM: PHƯỢNG TÍM
Tác phẩm: " Phượng tím", sơn dầu. Cảm hứng trước những hàng phượng tím ở Sydney, Australia. Tiếng Anh là Jacaranda.
TÁC PHẨM: RỪNG CỔ TÍCH
Tác phẩm: "Rừng cổ tích", sơn dầu. Cảm hứng từ cánh rừng Lynn Canyon, Bắc Vancouver, Canada.
TÁC PHẨM: LỐI MÒN
Tác phẩm " Lối mòn", sơn dầu. Cảm hứng từ những buổi đi dạo cùng Phương Thảo trên con đường mòn ở Burnaby, Canada.
TÁC PHẨM: MÙA THU
Tác phẩm "Mùa Thu", acrylic. Cảm hứng mùa Thu ở công viên Jericho beach, Vancouver, Canada.
https://nhabup.vn/news/my-thuat/nghe-sac-mau-tron-day-tren-nhung-khuc-thoi-gian-1890.html
..
Không nhìn thấy cảnh sát, nhiều người phá luật
Nếu bạn gặp hình ảnh người tham gia giao thông ở các nước tiên tiến nghiêm túc và kiên nhẫn chờ trước đèn đỏ, dù giữa đêm khuya, không có bóng người nào, thì đừng ngạc nhiên. Đó là vì ý thức tôn trọng luật pháp của người dân các đã hình thành và thường xuyên được nâng cao từ khi họ còn rất nhỏ, ngồi trên ghế dành riêng cho trẻ em trong xe người lớn điều khiển.
Một lý do rất quan trọng nữa là người dân ở đó nhận thức rõ ràng rằng nếu vi phạm luật giao thông họ sẽ bị phát hiện và bị phạt. Với hệ thống giám sát điện tử tinh vi, chính xác và hiện nay qua vệ tinh được phủ sóng, hầu như mọi hành vi vi phạm luật giao thông đều bị ghi hình và sẽ bị xử lý trong vòng vài ba ngày sau khi vi phạm. Tính răn đe nghiêm khắc và thường trực của pháp luật buộc người tham gia giao thông phải tôn trọng pháp luật.
Hình ảnh sau vụ tai nạn xảy ra tối 10/3 giữa tàu hỏa và xe tải trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn thuộc tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Lâm Hưng Thơ/ Báo Lao động |
Để khôi phục và củng cố được tính hữu hiệu của pháp luật trong hoạt động giao thông, buộc người dân phải tuân thủ pháp luật, VN phải đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để phương thức thực thi pháp luật. Cụ thể là:
1. Rà soát lại Luật Giao thông đường bộ, sửa đổi, điều chỉnh hoặc bổ sung nếu cần thiết để Luật phù hợp với những thay đổi lớn lao trong lĩnh vực giao thông thời gian gần đây. Hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành giúp việc đi lại thuận lợi hơn nhiều, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm. Thói quen giao thông tuỳ tiện thậm chí đi ngược chiều trên đường cao tốc và vượt ngang đường sắt khi đường sắt sẽ được nâng cấp lên 200km/h sẽ gây ra tai nạn thảm khốc.
2. Phải đầu tư thoả đáng cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. Ngay ở Thủ đô Hà Nội, hệ thống đèn giao thông vừa cũ kỹ vừa hoạt động không ổn định, nhiều lúc làm cho người đi đường không biết đường nào mà đi.
Súng bắn tốc độ cầm tay của CSGT chỉ ghi được hình xe chạy dưới 120km/giờ; rồi mỗi ca trực, quản lý đoạn đường vài km, nhưng chiến sỹ CSGT chỉ được bồi dưỡng mấy chục ngàn đồng! Như vậy khó tránh được tiêu cực, mà đã tiêu cực một lần, khó mà trở lại.
Số CGST thường trực ngoài đường ngày càng đông thêm, trong khi trên thế giới thì ngược lại. Đã bước sang Thế kỷ 21 được 15 năm rồi, mà CSGT Việt Nam vẫn ghi phiếu phạt, hoá đơn nộp phạt, ghi chép sổ sách y như thời bao cấp! Vì vậy, nếu không nhìn thấy bóng cảnh sát là khá nhiều người phá luật!
Ngay trên hệ thống đường cao tốc hiện đại vừa hoàn thiện, có cung đường tốc độ tối đa cho phép tới 120km/giờ, cao hơn ở Úc tới 10km/giờ (khoảng 9%), nhưng không hiểu theo tiêu chuẩn nào mà các biển báo nhỏ hơn rất nhiều so với các nước châu Âu, hay Úc, chữ nhỏ tí, mà với tốc độ cho phép, lái xe không thể nào nhìn rõ ở khoảng cách thích hợp.
3. Phải khôi phục tính nghiêm minh, công bằng, bình đẳng của pháp luật, mà một biện pháp hữu hiệu là: Gấp rút xây dựng hệ thống giám sát điện tử, việc mà các nước tiên tiến đã làm mấy chục năm nay, ngày càng hoàn thiện hơn. CSGT chủ yếu làm việc ở các trung tâm điều khiển, giám sát, chỉ huy, chứ không phải túc trực ngoài đường.
Giám sát điện tử đã được thế giới chứng minh là vô cùng ưu việt. Thứ nhất, giảm được nhân lực. Ngoài các trung tâm giám sát, chỉ cần một số CS tuần tra để xử lý những trường hợp đặc thù. Thứ hai, sẽ giảm tới mức tối thiểu quan hệ trực diện giữa CS và người vi phạm, từ đó tránh được các hiện tượng tiêu cực, cũng như sự can thiệp của một số người vào quá trình xử lý.
Giám sát điện tử là yếu tố quan trọng nhất tạo ra khả năng giám sát 24/24 và ở bất kỳ nơi nào. Vì vậy tạo cho người tham gia giao thông tâm lý luôn bị giám sát và hành vi vi phạm sẽ bị phát hiện và trừng phạt.
Không hiểu sao ở nước ta việc phạt nguội đã được bàn nhiều năm nhưng đến nay mới chỉ là thí điểm phạm vi hẹp. Với trình độ công nghệ hiện tại trên thế giới và ở ta, chắc việc này không phải là bất khả thi. Mới chỉ mấy chiếc đồ chơi xe hơi gọi là Camera hành trình, và những chiếc điện thoại di động thông thường, mà người dân đã giúp CS bắt được không ít tên trộm, cướp và xử lý một số vụ vi phạm luật giao thông nghiêm trọng.
4. Thiết lập một Cổng thông tin điện tử về an toàn giao thông. Tất cả các trường hợp vi phạm đã bị xử lý được lập thành kho dữ liệu và mọi người có thể truy cập vào dữ liệu này. Cổng thông tin này có thêm chức năng tiếp nhận các video clip về các trường hợp vi phạm giao thông mà người dân ghi được. Các video clip này có thể giúp ích cho cảnh sát tham khảo để xử lý các vụ vi phạm, đồng thời tạo ra mạng lưới giám sát giao thông không chính thức rộng lớn.
5. Áp dụng hệ thống bằng lái bị trừ điểm. Có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước, ví dụ nước Úc, ở đó bằng lái xe được quy định một số điểm nhất định (ở Úc là 13 điểm). Bằng bị trừ hết điểm sẽ không còn giá trị và người có bằng đó phải đi thi lấy bằng khác từ đầu, nếu muốn tiếp tục lái xe.
6. CSGT áp dụng các phương pháp bí mật để giám sát xử lý các hành vi vi phạm như biện pháp bổ sung cho hệ thống giám sát điện tử. Biện pháp này đang được nhiều nước tiên tiến như Anh, Úc, Singapore áp dụng rất hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, khi áp dụng cần có chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn tiêu cực. Hình thức phạt nóng cần hạn chế ở mức tối thiểu, kèm với phương tiện kỹ thuật. Ở các nước tiên tiến, CSGT sử dụng thiết bị cầm tay nối mạng trực tiếp với Trung tâm dữ liệu, mọi hoạt động xử lý sai phạm được truyền thẳng và lưu trong kho dữ liệu.
7. Áp dụng công nghệ hiện đại có thể giảm bớt nhân lực. Chi phí nhân lực tiết kiệm được có thể đủ để đầu tư cho kỹ thuật. Không thể tăng nhân lực vô tận, trong khi hiệu quả không tăng.
8. Cùng với những quy định rõ ràng, minh bạch về hình thức “phạt nguội”, như thời hạn CSGT thông báo lệnh phạt cho người vi phạm, thời hạn nộp phạt, mức phạt bổ sung nếu quá hạn nộp..... đồng thời cải tiến biện pháp thu phạt, làm cho việc nộp phạt của người vi phạm thuận tiện, dễ dàng hơn.
Ở các nước tiên tiến có nhiều biện pháp như có thể nộp phạt bằng chuyển khoản qua ngân hàng thông qua mạng internet, máy ATM, hoặc tới các điểm thu phạt thuê như bưu điện, siêu thị.
Ở Vương Quốc Anh, nếu người vi phạm nộp phạt trong vòng 14 ngày sẽ được giảm giá 50%, nếu nộp sau 14 ngày thì phải nộp đủ 100%, nếu chây ì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Ở Úc có một bộ phận của chính phủ chuyên trách thu các khoản phạt hành chính. Nếu người bị phạt nộp chậm quá hạn, mức phạt sẽ bị tăng thêm. Tới mức nào đó vụ việc sẽ được chuyển sang toà án giải quyết. Khi đó, ngoài tiền phạt đã bị tăng, người phạt còn phải thanh toán toà phí, tiền luật sư... và chịu thêm các hình phạt khác theo luật định.
Tóm lại, phương pháp giám sát và điều hành giao thông hiện đại làm cho người tham gia luôn luôn cảm thấy bị giám sát khi tham gia giao thông, dù không hề nhìn thấy cảnh sát.
Với những biện pháp có hệ thống và toàn diện này, tôi tin rằng hiệu lực của Luật pháp sẽ dần được khôi phục, củng cố và tăng cường. Ý thức tuân thủ của người dân dần được nâng cao, trật tự kỷ cương xã hội được bảo đảm, xã hội VN sẽ văn minh hơn.
Đây là quá trình đổi mới sâu rộng, và không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta ngại khó, hay vì lý do nào đó không đổi mới căn bản, tình trạng giao thông lộn xộn không bao giờ chấm dứt, và với hệ thống đường giao thông ngày càng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn, tai nạn còn khủng khiếp hơn./.
*Tác giả nguyên là Thư ký của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải; Cử nhân ĐH Sư phạm Ngoại ngữ HN; Cử nhân ĐH Tổng hợp Quốc gia Australia - ANU; Thạc sĩ ĐH Harvard, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Kinh tế, Viện Kinh tế học Việt Nam.
https://vietnamnet.vn/khong-nhin-thay-canh-sat-nhieu-nguoi-pha-luat-225480.html
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.