Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

16/03/2023

Câu chuyện văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại - nhìn nhanh tháng 3 năm 2023

Đại khái có một câu chuyện về văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại vừa được truyền đi trên không gian mạng, mà khởi nguồn là Facebook. Tôi vốn không biết chuyện gì, vì chỉ thấy ám chỉ.

Rồi tự nhiên, cũng tàm tạm hiểu ra câu chuyện gì, với những ai.

Nhưng đó là chuyện cá nhân. 

Cái tôi muốn nhìn là vấn đề rộng lớn hơn, là về nghệ sĩ/văn sĩ/các loại sĩ trong văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại. Bởi vậy, bài đầu tiên là lấy về từ trang của nghệ sĩ Ace Lê. Bạn Lê nói về một nền "nghệ thuật đại sứ quán" đã và đang thịnh hành ở Việt Nam. Có một số người gác cổng cho nền nghệ thuật ấy ! 

Các cập nhật và bổ sung sẽ được dán ở bên dưới như thường khi.

Tháng 3 năm 2023,

Giao Blog


---









Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi vụ việc anh Nguyễn Như Huy lộ ra ánh sáng. Và tôi lấy làm lạ rằng trong hơn 5,000 lượt chia sẻ có rất, rất ít tiếng nói đến từ các thành viên trong cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam, dù ai ai cũng đã biết, đã thầm thì với những phản ứng khác nhau.
Theo tôi, việc im lặng tập thể này có hai lớp lý do chính.
Thứ nhất, ở mức độ cá nhân, anh Như Huy là một người có tầm ảnh hưởng rộng, với bề dày công tác và từng quen biết/hợp tác với nhiều người trong giới. Những ai từng được anh giúp thì sợ bị nói là ăn cháo đá bát; những ai từng xích mích với anh thì sợ bị nói là giậu đổ bìm leo; số còn lại không thấy có lợi gì khi lên tiếng nên sợ rủi ro và chọn cách im lặng. Việc này thuộc về phạm trù chủ quan, tôi không có ý kiến.
Thứ hai, vĩ mô hơn, cộng đồng nghệ thuật đương đại trong nước là một cộng đồng đã quen với việc phải nén chịu, thỏa hiệp với thứ quyền lực gác cổng từ nhiều năm nay. Với hệ thống chính sách và kinh viện trong nước không hề đoái hoài tới phân khúc đương đại, suốt 30 năm qua phân khúc này chỉ có thể dựa vào sự bảo trợ tài chính từ một nhóm rất nhỏ các nhà sưu tập, còn lại chủ yếu là từ các quỹ văn hóa ngoại giao như Viện Goethe, Hội đồng Anh, L’Space Francois, Quỹ Văn hóa Đan Mạch CDEF, Japan Foundation... Vậy nên nhà phê bình Quan Nguyen mới gọi nghệ thuật đương đại Việt Nam là “nghệ thuật đại sứ quán (embassy art)”.
Tiền đến từ quỹ ngoại, một cách tất yếu, sẽ tài trợ cho các tác phẩm/nghệ sỹ thỏa mãn một danh sách chỉ tiêu nội dung/lý lịch tương ứng, phù hợp với những ưu tiên đương thời của chính sách văn hóa quốc gia đó – ví dụ như các vấn đề về kiểm duyệt, bất công chính trị, sắc tộc, chênh lệch giai cấp, v.v... Và tất nhiên là các chương trình tài trợ, lưu trú, triển lãm sẽ ưu tiên chấm những bài đăng ký nào được viết trôi chảy bằng tiếng Anh, và được tiến cử bởi những nhân vật gác cổng ở cả trong và ngoài nước. Cứ như vậy, người ta than vãn về thể chế chính trị trong nước, nhưng lại phải nhũn nhịn, o bế một thứ quyền lực mềm theo một cung cách cũng chẳng khác gì.
Thứ quyền lực mềm này là tàn dư của văn hóa Nho giáo xoay quanh nam tính bá quyền, trong đó một số nhân vật muốn tập trung quyền lực dưới trướng của mình, với tham vọng phân định lãnh thổ rõ ràng. Bạn cũng đừng nhầm rằng chỉ có người nam mới biểu hiện thứ nam tính này – những nhân vật gác cổng đó hoàn toàn có thể là nam, là nữ, là queer. Việc có quyền lực không xấu, nhưng việc sử dụng quyền lực đó thế nào, với thái độ nào mới là vấn đề. Từ khi rẽ ngang sang con đường nghệ thuật, tôi đã được chia sẻ không biết bao nhiêu câu chuyện từ các nghệ sỹ già có, trẻ có, bị bắt nạt, quấy rối, khủng bố tinh thần, thậm chí là hãm hiếp bởi những nhân vật có thế lực mà không làm được gì. Những câu chuyện đã xảy ra với người khác, và cả với tôi, làm tôi thấy nản và mệt, nhiều lần đã định bỏ cuộc bởi tính độc hại tập thể dồn lại quá dày, quá lâu. Với người mới vào mà còn như thế, huống hồ với những người không có lựa chọn buông bỏ vì họ chỉ có một con đường sống chết với nghề? Nên tôi hiểu và thông cảm vì sao họ chọn cách im lặng suốt nhiều năm qua.
Tôi tin rằng, vụ việc anh Như Huy chỉ là một phát súng mở đầu cho nhiều can đảm tiếp theo. Việc đối đầu hữu hiệu nhất với sự chèn ép chính là mở rộng đối thoại. Rất có thể, anh Như Huy cũng là một nạn nhân của chính mình. Ta thường chỉ nhìn nhận những người bị bắt nạt là nạn nhân, nhưng kẻ bắt nạt cũng có thể là nạn nhân của thời đại. Và cả nạn nhân và những người quan sát đều cần lên tiếng thảo luận, mổ xẻ vấn đề đến cùng. Khi quyền lực bị giải mù, quyền lực ấy sẽ tự tiêu tan.
Thay cho lời kết, tôi xin mượn lời của Nu Matter để đưa ra một câu hỏi tự vấn, cho cả tôi và cả các bạn rằng – rút cục, chúng ta sợ cái gì?
Tái bút 01: Sự việc lần này rất khác so với sự việc chị Dạ Thảo Phương, khi mà đông đảo nhân vật trong giới văn chương đều đồng loạt lên tiếng ngay lập tức. Đó là bởi giới văn chương còn khổ hơn cả giới nghệ thuật – chẳng có mấy nhà bảo trợ cá nhân, cũng chẳng có mấy quỹ ngoại quan tâm tới lĩnh vực ấy. Thế nên họ chẳng có gì để mà sợ mất.
Tái bút 02: Quay lại câu chuyện nghệ thuật, ở giai đoạn hiện tại, vai trò của những người gác cổng đã lu mờ vì nhiều bạn trẻ đã tự tìm đường đi được cho mình. Với Internet và khả năng ngoại ngữ, họ hoàn toàn có thể tự trao đổi trực tiếp với những đơn vị bảo trợ ở trên và tự bước qua cửa cạnh tranh. Con đường chắc chắn đã quang hơn, bởi ít cổng hơn.

Ace Lê
14.03.2023

Tranh minh họa: "Ai bịt mắt mày, hay tự mày bịt mắt?" và "Nhắm mắt vào, tao cho mày quà đẹp này!" (1995), Trương Tân, mực Tàu trên giấy dó

https://www.facebook.com/ace85le/posts/pfbid0S16kqY7iNf5ieBeLhQbrm8LuarvnonjNYceDeDuzPokMjUsTWTr7FZjbxw3hjkEfl

..



---

CẬP NHẬT


1. Ngày 15/3/2023


Có những điều khiến người ta bị ám ảnh, day dứt và tôi đang rơi vào tâm trạng đấy sau nhiều thông tin được biết từ nhiều nguồn khác nhau, đã có kiểm chứng. Tôi nghĩ có lẽ cần viết ra một vài suy nghĩ của tôi. Nhân đây tôi xin cảm ơn nhà văn Lê Minh Hà ở Đức và một số bạn bè, đồng nghiệp thân quý đã khuyến khích tôi nói lên quan điểm của mình.
Câu chuyện về cô con gái ở độ tuổi trưởng thành lên tiếng tố cáo người cha ruột là một họa sĩ, giám tuyển, nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình mỹ thuật… vẫn đang ầm ĩ cõi mạng với nhiều bài viết thể hiện sự phản ứng của nhiều người trước vụ việc. Nhiều bạn bè tôi cũng nói về vấn đề này, và đây là ý kiến cá nhân của tôi. Có thể sau bài viết này, tôi cũng sẽ có một số bài viết về một số khía cạnh khác của câu chuyện. Còn trong bài viết này, tôi muốn nói về chuyện “chữa lành” (healing) của một con người, nhưng qua đó có thể thấy phần nào sự trục lợi và những nguy hiểm đến từ những chuyên gia phong cách sống, chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục tự phong… Bài viết hoàn toàn là quan điểm của cá nhân tôi, không đại diện hay nhân danh cho ai/cơ quan/tổ chức nào và tôi tôn trọng mọi ý kiến trái chiều nên tôi không tranh cãi lại cho dù có thể là tôi không đồng tình.
CÂU CHUYỆN “CHỮA LÀNH” CỦA NGƯỜI – MÀ – AI – CŨNG – BIẾT – LÀ – AI – ĐẤY
Khi dõi theo chị KOL, nhân vật đình đám trên mạng với khoảng 50.000 người theo dõi, với nhiều bài báo ca tụng kèm theo những danh xưng mỹ miều, nếu ai tỉnh táo và có chút kiến thức về tâm lý học, họ sẽ không bị mắc lừa. Nhưng tiếc thay đây là số ít.
Thế thì tại sao rất nhiều người vẫn bị chị ấy đánh lừa, đổ tiền vào những khóa học với giá cắt cổ đến 1 triệu đồng một buổi, hay tư vấn tâm lý qua điện thoại với giá 10 triệu đồng một lần theo lời của những nhân chứng (hay nạn nhân của chị ấy) kể lại.
Câu trả lời là hãy xem chị ấy vẽ ra những gì? Vẽ ra một ông chồng, dù thực chất là chồng hờ vì chưa đăng ký kết hôn, song điều này không phải là cái tội vì đầy cặp đôi không kết hôn vẫn sống với nhau hạnh phúc đến cuối đời, mà điều sai là ở chỗ chị ấy đã tạo dựng nên một hình ảnh ngôn tình không có thật (ảnh 1 và 2) so với thực tế. Vậy chị ấy tạo dựng hình ảnh ngôn tình đấy để làm gì?
Nếu ai dõi theo Facebook của chị KOL sẽ thấy hiện lên hình ảnh của một phụ nữ xinh đẹp, giàu sang, quý phái, nhân hậu, thích kết nối với mọi người, yêu động vật, yêu hoa lá, cây cỏ… Người phụ nữ ấy từng có một cuộc hôn nhân tẻ nhạt với người chồng đầu (dù người chồng đầu cũng là một người có chút tên tuổi trong làng báo) nhưng may mắn đã gặp người thứ hai còn “trên cả mong đợi”. Theo nguyên văn trên báo Harper’s Bazaar Việt Nam là: "Anh còn là một dịch giả nổi tiếng, cũng như một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật. Anh là cả một kho tàng kiến thức đối với chị. Không những vậy, anh luôn là người tạo ra những không gian nghệ thuật riêng của hai người. Chẳng hạn như, anh đàn cho chị nghe mỗi ngày. Thậm chí anh sẵn sàng ngồi hằng giờ đồng hồ để thưởng trà và phân tích những quyển sách hay cho chị nghe. Trong mỗi chuyến đi du lịch nước ngoài, anh Huy sẽ dắt chị đến những viện bảo tàng, gặp gỡ các nghệ sỹ, nghe họ chia sẻ về những dự án sáng tạo. Chị bộc bạch: “Nếu vợ chồng chỉ mải mê cơm áo gạo tiền thì cuộc sống vô cùng tẻ nhạt. Bằng một cách nào đó, chúng ta phải mang cái đẹp vào cuộc sống của mình, không chỉ đẹp ở phần nhìn, mà còn phần cảm nữa”. (Link bài báo ở dưới comment).
Tuy là một người không có bằng cấp về tâm lý học, xuất thân là một thư ký, sau làm về nhân sự và bị kêu rất nhiều về chuyên môn yếu kém, nhưng chị KOL với kinh nghiệm sống và chút khôn lỏi đã đánh đúng vào tâm lý của nhiều chị em phụ nữ: Họ có mất mát, đau khổ, tổn thương, khó khăn… và họ nhìn vào chị như là một tấm gương sáng lộng lẫy. Chị KOL định ra một chân giá trị theo ý riêng của chị ấy: hạnh phúc là xinh đẹp, sống thượng lưu, tha thứ cho mọi người… Nhưng ít ai tỉnh táo để hiểu rằng xã hội con người vốn là hình kim tự tháp, sống ở tầng cao có mấy? Chị KOL kia đã khôn lỏi đủ để biết rằng ai cũng mơ tầng cao, nên tô vẽ để bản thân thành mục tiêu cho người khác theo đuổi, và muốn được sống sáng lòa, chói lóa như chị ấy thì… phải đi học những khóa học do chị ấy mở ra. Và thế là “Hội quán Tuyệt diệu” được chị KOL mở ra với những khóa học kiểu như “Trà chiều với Giao”, “Đẹp sung sướng”, “Chinh phục”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Yêu thông thái”... (có link 1 bài báo dưới comment).
Nếu bất cứ ai có chút kiến thức về tâm lý học sẽ thấy đây là một hình thức dẫn dụ tâm lý và mê hoặc tâm lý người khác bằng cách lấy bản thân ra làm hình mẫu. Một người nếu là chuyên gia tâm lý thực sự, không phải như chị KOL này, họ sẽ không bao giờ làm chuyện này! Tôi đã cố gắng đọc một số status và xem một vài clip mà chị rao giảng. Phải nhận xét ngay một câu là kiến thức tâm lý học của chị KOL là con số 0 tròn trĩnh. Ngôn ngữ của chị trau chuốt, hoa mỹ, nhưng lỗi chính tả, ngữ pháp cơ bản (dấu chấm câu, cách dùng từ, viết hoa…) đã tố cáo một phần nào trình độ của chị. Nhưng nội dung những gì chị nói hay viết mới thật là kinh hoàng! Chị KOL không chỉ có kiến thức tâm lý học bằng số 0 mà còn hoàn toàn không có chút đạo đức nghề nghiệp nào! Chị khuyên người ta sống thanh lịch, sống đẹp bằng cách… tránh xa những ai thô lỗ, vô duyên, nói to… chị khuyên người ta chữa lành vết thương bằng cách “quẳng tảng đá” đi. Nhưng chị có biết là không phải tảng đá nào cũng quẳng được với tùy sức lực của từng người? Và chị có biết cách quẳng sao cho tảng đá không rơi xuống đè lên chính mình? Khuyên như chị, viết văn như chị thì chị cũng có thể tùy ý phát ngôn, với tư cách chỉ là cá nhân chị, một phụ nữ, một người vợ, người mẹ bình thường. Nhưng khi chị nhân danh chuyên gia phong cách sống, chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục… để đi rao giảng như là kim chỉ nam, như là hệ giá trị cho mọi người làm theo thì không được! Hãy xem bài trả treo của chị sau khi cô con gái người tình lên tiếng tố cáo ông bố mình (ảnh 3, 4, 5, 6, 7) sẽ thấy kiểu rao giảng độc hại này!
Nhà tâm lý học thực thụ không ngồi uống trà chiều trong phòng khách sang trọng và to miệng phán: Hãy sống như tôi! Nhà tâm lý học, đặc biệt là những chuyên gia tư vấn tâm lý thật sự có tâm, có tài, họ sẽ dấn thân vào việc chữa lành cho những ai có tổn thương, đau khổ, bất kể là xuất thân, hoàn cảnh như thế nào. Họ lắng nghe trước khi đưa ra lời tư vấn. Còn chị KOL, chị làm gì có lắng nghe. Chị chỉ ngồi một chỗ, tổ chức trà chiều với những phụ nữ thành đạt, xinh đẹp, thanh lịch (ít nhất là vẻ ngoài là thế) và rêu rao: Hãy kết nối với nhau. Vâng, đó là “tâm lú học” đấy!
KHI “TÂM LÚ HỌC” LÊN NGÔI: TẠI SAO VÀ THẾ NÀO?
Khi nhiều phụ nữ nhìn vào hình mẫu chị KOL để noi theo, họ có biết chị từng đạp đổ gia đình riêng của mình, cướp chồng của người khác, từng tô vẽ những điều không có thật để từ đó tìm cách moi tiền từ những học viên và chuyện giáo dục con thì quá tồi tệ (về chuyện giáo dục thì sẽ là một bài viết khác). Rất tiếc là ít người biết. Họ chỉ biết chị như một mẫu hình hoàn hảo cả về nhan sắc, hạnh phúc, tiền bạc, thành đạt. Họ không biết rằng ảnh chị cũng là qua 7749 apps chỉnh sửa. Họ không biết hạnh phúc của chị là do cướp giật. Họ không biết rằng ngôi nhà anh chị ở là do bà mẹ của anh bỏ tiền ra cho. Họ không biết rằng ông chồng như soái ca ngôn tình vẫn… tiếp tục bạo hành chị sau khi bạo hành vợ cũ và con.
Nhưng chị KOL vẫn đang cố cứu vãn tình thế sau khi scandal bùng nổ, bởi lẽ chị dựa vào các khóa học “chữa lành” để kiếm tiền. Những tin nhắn thanh minh một cách dối trá chị gửi cho mấy nơi mà chị quảng cáo cho sản phẩm của họ, cho những group khóa học của chị thì tôi đã được xem từ hôm qua và sáng sớm nay (ảnh 8, 9, 10, 11). Chính vì lẽ đó, tuy ban đầu còn ngần ngại, nhưng tôi vẫn quyết định lên tiếng về chị KOL khi mà mọi người còn đang đổ dồn sự căm phẫn vào người tình của chị, người cha của cô con gái. Với sự đổ lỗi trắng trợn toàn bộ về phía cô con gái người tình, chị không quên thao túng tâm lý người khác theo kiểu: Ai tử tế thì hãy tin, yêu chị, không tin thì nên out ra khỏi nhóm. Chị cũng không quên hứa hẹn sẽ quay lại sau vài tuần nữa để giải thích. Nếu chị quay lại thật thì lúc này tôi chỉ còn biết hy vọng là sẽ không ai hay ít ai mắc lừa những khóa học vô bổ của chị. Mong rằng mọi người hãy tỉnh táo, sáng suốt khi đọc những lời lẽ rất “tâm lú” của chị KOL.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc chị KOL trở thành chuyên gia tâm lý tự phong thì ngoài lý do từ chính bản thân chị tô vẽ để kiếm tiền, còn đến từ nhiều phía. Báo chí, truyền thông cũng phải có trách nhiệm, bởi vì dù là chị bỏ tiền mua bài báo, cũng rất nên có những kiểm chứng cụ thể về bằng cấp, trình độ, không thể chỉ dựa trên mối quan hệ, sự quen biết, tiền bạc để “mua danh chuộc tiếng”. Trong thời đại ngày nay, việc kiểm chứng có bằng cấp, chuyên môn hay không đâu có khó gì, thậm chí chỉ qua một vài câu hỏi. Chẳng lẽ phóng viên không thể đặt một câu hỏi cơ bản: Chị tốt nghiệp trường nào, chuyên ngành gì? Cho nên thực tế có rất nhiều tấm gương lộng lẫy như chị KOL kia, lên báo để rồi một ngày tấm gương vỡ toang. Vỡ toang thì là một chuyện, nhưng nguy hại hơn là những mảnh vỡ ấy sẽ cắt thành những vết thương gây tổn hại cho nhiều người có liên quan. Chưa cần nói đến uy tín của tờ báo, nhà báo, chỉ cần nói đến sự vỡ mộng của những ai từng hâm mộ chị KOL là chúng ta đủ hình dung. Huống chi còn có những người trong cuộc biết chuyện nhìn vào những bài báo kia, mỉm nụ cười khinh bỉ?
Việc quá thiếu những bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý trong khi đời sống tinh thần, sức khỏe tâm thần của người dân Việt Nam trong thời điểm này rất đáng báo động, cùng với sự hiểu biết kém, cũng là một nguyên nhân người ta đành bấu víu vào các chuyên gia tâm lý tự phong. Một vài con số thống kê cho thấy điều đó. Năm 2022, Bộ Y tế đưa ra thống kê, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tức là gần 15 triệu người. Trong đó tâm thần phân liệt (dân gian gọi là bệnh điên) là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)... Riêng tại TPHCM, 6% dân số mắc bệnh trầm cảm. Trong khi đó theo quy định của y học thế giới thì trung bình 10 ngàn dân phải có 1 bác sĩ tâm thần. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, 100 ngàn dân mới có 1 bác sĩ (nghĩa là chỉ đạt 1/10 theo chuẩn chung quốc tế). Đó là chưa nói đến sự thiếu thốn các chuyên gia tâm lý còn trầm trọng hơn. Cuộc sống thì ngày càng nhiều áp lực hơn trước, con người ta càng dễ căng thẳng hơn, nhưng lại không có những sự hỗ trợ cần thiết và đúng đắn, nên người ta bấu víu vào những chuyên gia tự phong trên mạng xã hội.
Và chính mạng xã hội bùng nổ và phủ sóng đến nhiều tầng lớp cũng góp phần tạo nên những hình tượng ảo, tác động đến tâm lý con người. Không ai phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội, song chúng ta nên có sự phân định rõ ràng và tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội. Mạng xã hội là một phần trong cuộc sống với tất cả những mặt xấu đẹp của nó. Không chỉ có một chị KOL này, mà còn rất, rất nhiều các KOL khác cũng đang rao giảng. Thế nên tôi đành lẩy một câu trong Truyện Kiều: “Chữ KOL kia cũng có ba bảy đường”. Không ít KOL đi vào con đường sai, kéo theo vô số người đi theo họ, nhưng cũng có những KOL đưa người đi vào con đường đúng. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có đủ tỉnh táo để chọn đi đường nào thôi! Mà sự tỉnh táo này lại phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, bản lĩnh cá nhân.
Cuối cùng, đọng lại vẫn là một cảm giác buồn.
Link hai bài viết trước của tôi có liên quan đến câu chuyện này:


https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid027TpJGr6aDU8LvXphGDjqDpvEwpBoydZ4UtUJiz5ELGqH24unaTp6efpBKj3kArkEl

Không muốn nói về chuyện này, chỉ là sự ám ảnh, cực kỳ ám ảnh nên cuối cùng lại phải viết ra những tâm cảm không vui.
Mấy hôm nay có chuyện của một họa sĩ, nhà thơ, dịch giả, giám tuyển mỹ thuật, nhà phê bình nghệ thuật bị chính con gái của mình lên tiếng tố cáo bạo hành cả về thể xác và tinh thần đối với vợ và con (dĩ nhiên nay đã là vợ cũ) gây ồn ào cõi mạng với hàng ngàn lượt chia sẻ bài viết của cô gái.
Khi biết chuyện này tôi không hề ngạc nhiên, bởi dù có gặp anh nghệ sĩ ấy ngoài đời, cũng từng có quen biết, nhưng tôi đã bị anh ấy block trên Facebook từ hơn 10 năm nay vì dám chê chất lượng những bài dịch của anh ta, cũng như thói nhận xằng là học trò những trí thức nổi tiếng, có uy tín. Tuy vậy trước khi bị block tôi vẫn kịp nhìn thấy những bức ảnh của anh ta với tình nhân post công khai, có tính trêu tức cả đương kim vợ/chồng của họ, nhằm mục đích ly dị cho nhanh. Nhưng tôi vẫn bị sốc vì mức độ bạo hành tinh thần và thể xác của anh ta đối với vợ con.
Bài viết của cô con gái post lên Facebook, sau nhiều lần đóng mở, cuối cùng đến giờ này vẫn đang ở chế độ public. Nhưng đau xót vì những thương tổn tâm lý có lẽ không bao giờ lành lặn nổi của cô gái đó, tôi lại còn bàng hoàng hơn nữa vì sự vô cảm của nhiều người. Sự vô cảm đến từ chính sự thờ ơ của họ hàng bên nội, từ tình thương nhưng lại nín nhịn của họ hàng bên ngoại. Sự vô cảm đến từ chính sự bạo hành tinh thần của người mẹ đối với con gái. Sự vô cảm của những câu thắc mắc, khuyên nhủ của người dưng qua đường và cả những người quen biết: Có đúng vậy không vì đây mới chỉ nghe một chiều? Phải làm sao thì mới bị đánh đập như vậy chứ? Không có lửa sao có khói? Lời nói đọi máu, phải cân nhắc kẻo làm… tổn thương một nghệ sĩ nhạy cảm như ông bố v.v… Dù biết rằng mọi thứ phải nhìn từ hai chiều nhưng xã hội Việt Nam luôn có khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân và đây mới là điều đáng sợ nhất!
Theo những gì tôi biết về tâm lý học thì chuyện một đứa con dám lên tiếng về bạo lực gia đình (tinh thần và thể xác) của cha/mẹ đối với mình và của chính cha/mẹ họ đối với nhau thì gần như là không bịa đặt khác sự thật, nhất là ở xã hội Việt Nam. Mà cô gái lại set lại Facebook rồi, để lại chế độ riêng tư hơn, trừ 1 vài status công khai nói về chuyện bạo hành của ông bố. Nói chung là thấy tâm lý của cô ấy vẫn rất bất ổn, chưa thể "chữa lành". Chữa lành kiểu gì khi mà bố thì bạo lực vợ con cả về tinh thần và thể xác và người mẹ thì bạo lực con gái bằng tinh thần? Chữa lành à? Quá xa xỉ bởi vì “Cả hai bố mẹ cho tôi một khoản nhỏ hậu ly hôn để mua chung cư, nhưng tôi không thể mua vì cần tiền để trị liệu tâm lý. Sẽ chẳng có số tiền nào đủ đền bù cuộc đời tôi” và ông bố đấy để “tập làm người đã xé vụn một gia đình và quét đống rác đó xuống gầm giường để tươm tất đối xử tốt với tất cả những người còn lại” (nguyên văn những lời của cô gái)
Và tôi nghĩ giọt nước làm tràn ly khiến cho cô gái ấy sau những vật vã đi chữa vết thương tâm lý, giờ lại cay đắng đến mức dửng dưng, lạnh lùng kể lại câu chuyện bạo lực ám ảnh này trên Facebook cá nhân, bởi lẽ mọi người bên ngoài vẫn nghĩ về bố của cô gái như một soái ca ngôn tình, đẹp trai, nhiều tài, yêu chiều phụ nữ và ngày ngày bố cô ấy cùng với cô bạn gái tiểu tam vẫn lên Facebook làm KOL để rao giảng về tình yêu, hạnh phúc, chữa lành, sống đẹp… Cô bạn gái của ông bố còn mang câu chuyện tình yêu đi rêu rao khắp từ VTV đến báo Thanh niên, từ tạp chí Harper’s Baazar Việt Nam đến Elle Việt Nam, từ báo Lao động đến Afamily… để tô vẽ người tình của mình là một mẫu đàn ông hoàn hảo, có một không hai.
Dĩ nhiên vì chị ấy là KOL và sống bằng quảng cáo, đồng thời bán khóa học theo kiểu dạy phụ nữ sống đẹp, sống thanh lịch, sống hạnh phúc... gì gì đó, nên tất nhiên chị ấy phải viết vậy rồi, phải tô vẽ hình tượng ông chồng (dù là hờ) thành một soái ca kiểu ngôn tình. Nhưng những status của chị ấy rất giả tạo và đá nhau chan chát. Chỉ trong vòng chừng một tuần sẽ thấy, chẳng hạn status này thì khoe bố mẹ mình hạnh phúc, yêu thương nhau, mong chờ chị ấy ra đời. Status khác thì lại kêu là bố mẹ mình hay cãi nhau suốt. Rồi mới đây thì lên status kiểu để bênh vực anh nghệ sĩ, kêu là bản thân chị ấy cũng mâu thuẫn với mẹ, phải tự chữa lành chứ không đổ lỗi! Rằng mỗi đứa con dù có mâu thuẫn thì cũng nên tự chữa lành, tránh làm tổn thương cha mẹ! Đọc xong tôi chỉ biết mỉm cười chua chát và thấy thương hại chị ấy thôi! Ai sẽ đền bù những thương tổn mà chị ấy gây ra cho vợ con người tình của mình?
Theo số liệu quốc gia mới nhất (2019) của Việt Nam, cứ 3 phụ nữ có chồng thì 2 người đã từng bị chồng bạo hành ít nhất 1 lần trong đời và cứ 3 người thì 1 người bị bạo hành trong 12 tháng trước lần khảo sát này. Và điều quan trọng là khi nào còn cái tư duy: Tại sao lại bị bạo hành? Chắc là bản thân nạn nhân cũng có vấn đề gì? thì sẽ còn rất nhiều nạn nhân không dám lên tiếng vì giữ thể diện cho gia đình, vì sợ bị đổ lỗi ngược lại (nhất là khi phía bạo hành có quyền thế và tiền của hơn hẳn người bị bạo hành). Mặt khác phải chăng mọi giải pháp của những cơ quan chức năng, những tổ chức hoạt động vì phụ nữ chỉ tập trung vào việc giải quyết hậu quả, thay vì là giáo dục ngăn chặn ngay từ đầu? Đồng thời có chăng khuynh hướng tập trung chủ yếu vào sự giáo dục cách tự vệ, giải cứu, chữa lành tâm lý cho phụ nữ và trẻ em (chiếm số đông trong nạn nhân của bạo lực gia đình) thay vì phải hướng đến đối tượng là những nam giới bạo lực? Họ cũng cần có sự chữa lành về tâm lý để hạn chế tối đa những hành động độc ác, tiêu cực, vi phạm pháp luật chứ?

https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid02Y1G5kRK4azNJpwDaYScTMDccrYUtX6qJ59wwvSWJJMWT1hMGJxLa3yQ4qBS3chLPl



Nhưng người Trung Quốc có câu: "Không sợ kẻ thù mạnh như hổ, chỉ sợ đồng đội ngu như heo" là rất đúng!
Hôm nọ chị KOL chuyên gia dạy sống đẹp, yêu thương, chữa lành... đăng một bài trả treo cô con gái của người tình rằng bản thân chị ấy cũng có vấn đề với bà mẹ, và chị ấy có ý thức tự chữa lành bản thân, không làm tổn thương, làm phiền cha mẹ. Vì bài viết ấy nên nhiều người thêm phẫn nộ và chị ấy phải đóng Facebook.
Thì đến hôm qua cậu con trai mà chị ấy từng có một bài báo khoe về việc dạy con thành người tử tế, lịch sự... cũng có một status đi vào lòng đất, khuấy thêm vũng nước đục!
Và khi đọc những lời lẽ của cậu con trai trên mạng xã hội, ai dám tin đấy là con trai yêu quý của chị KOL về tâm lý, giáo dục, chuyên dạy người ta sống đẹp, sống tử tế?

Cậu con trai chị ấy sinh năm 1999, cô con gái lên tiếng tố cáo bố mình sinh năm 1993. Chính vì vậy sau chút ngần ngại ban đầu, tôi vẫn quyết định đưa lên, bởi lẽ cậu ấy đã đủ tuổi trưởng thành để chịu trách nhiệm về lời nói, hành động của mình.

https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid0TacodNarMCWhBPrSTF32B3oozQPZUNrgVLKk6XKgarRyib8aKJ9TqjEwkGMsRG5Gl







Chuyện về anh Như Huy, tôi nghĩ mãi rồi quyết định nói vài lời. Vì tôi thấy hơi hèn nếu im lặng, dù tôi không đủ thông tin, và cũng tự thấy không có quyền gì để bênh vực anh hay lên án anh, khi mọi điều ồn ã hiện nay chỉ là lời tố cáo từ một phía, còn anh và vợ cũ của anh - mẹ Uyển Linh - là những người liên quan trực tiếp nhất và cần thiết phải lên tiếng nhất, thì vẫn đang hoàn toàn im lặng.
Tôi không quen, mà đúng hơn là không từng biết đến sự tồn tại của bạn Nguyễn Như Uyển Linh, con gái anh, cho đến khi sự việc đã ồn ào và tôi đọc được bài post của bạn ấy. Nếu phải chọn một hình ảnh để so sánh, tôi nghĩ những điều bạn Uyển Linh công bố (dù một phía) không phải là một hòn đá, mà giống như một quả bom hơn, ném vào mặt hồ yên ả.
Quay lại với chuyện về anh Như Huy. Tôi biết anh từ rất sớm, thời còn sinh viên, trong những buổi tối nào đó ngồi xuyên đêm ở nhà cụ Vỹ, bàn về văn hóa, về văn học, về mỹ thuật, và hát, và đọc thơ, và uống rượu, luôn kèm theo một vài món nhắm nào đó luôn được cô Thảo chuẩn bị tươm tất và chu đáo. Tôi và anh có rất nhiều bạn chung. Tôi đọc nhiều thơ anh, nghe nhạc anh sáng tác, đọc sách anh dịch. Trong mắt tôi bao nhiêu năm nay, anh Như Huy là một điển hình trai Hà Nội hào hoa, lịch lãm, đầy tri thức, đầy hiểu biết.
Trong cảm nhận của tôi, anh Như Huy hơi kì dị, kiểu hơi khác người và cao ngạo của kẻ tài năng, nhưng lại không thiếu cái lịch thiệp và chu đáo của đàn anh. Thực tế tôi không phải người trong giới nghệ sĩ, cũng không theo đuổi nghiên cứu khoa học, nên sự ảnh hưởng của anh đến tôi phần nhiều là sự tôn trọng về trí tuệ, vì những mối quan hệ chung.
Trong một lần nào đấy anh về Hà Nội, tôi đón anh đi uống cafe, có đi qua nhà cũ của anh ở phố Phan Bội Châu. Anh có chỉ cho tôi căn gác đó với hoài niệm.
Trong một lần nào đấy tôi vào Sài Gòn, tôi có hẹn anh và anh cả Ngô Kim Khôi ăn tối. Chị Giao Giao có đến cùng anh. Chúng tôi nói chuyện về Zero Station, về nghệ thuật đương đại, rồi vòng về tranh Đông Dương, về họa sĩ Nam Sơn, về bộ tư liệu của gia đình Victor Tardieu... Chị Giao kiệm lời, chủ yếu ngồi nghe chúng tôi nói chuyện. Có lẽ vì thế tôi không có nhiều ấn tượng về chị, trừ việc chị khá dịu dàng với anh Như Huy, và đôi lần khẽ nhắc anh uống ít rượu. Trước đó anh Như Huy có nói lâu lắm rồi không uống, vì lí do sức khỏe.
Toàn bộ kỉ niệm của tôi và anh Như Huy có lẽ gói gọn trong mấy dòng như thế. Nhưng tôi chắc chắn là anh ấy khá nhiệt tình với bạn bè, đi nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều, suy ngẫm nhiều. Anh tạo cho người đối diện cảm giác là một người rất nghiêm túc, cẩn trọng với nghề, nói theo kiểu Tàu là một người biết "kính nghiệp".
Trò chuyện với anh Như Huy rất thú vị, riêng những việc bên lề của quá trình anh dịch cuốn "7 ngày trong thế giới nghệ thuật” của Sarah Thornton cũng đủ để nói chuyện vài ngày chưa hết.
Tóm lại, cảm giác của tôi về anh là khá ok, một người chơi được. Nên tôi hơi shock khi đọc post của Uyển Linh. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài post, rồi đọc những bài share, bài bình luận của nhiều "nhân sĩ, trí thức". Thấy có người hả hê vì Như Huy dính phốt, thấy có người đồng cảm với bi kịch của Uyển Linh, thấy có người đạo mạo phán xét để tỏ ra đạo đức, thấy có người nhân câu chuyện lại nói đôi điều về nhân tình thế thái, về thực trạng của cái ao làng mỹ thuật Việt Nam.
Trực giác của tôi là Uyển Linh nói đúng, chắc phần lớn là sự thật - sự thật từ góc nhìn của bạn ấy. Tôi tự hỏi, giờ anh Huy đang ở đâu? Và liệu có khi nào anh đang ngồi trên chiếc ghế gỗ trong cái khoảng sân [hình như kiểu La Mã] của anh ở Đà Lạt, cầm trên tay ly vang hảo hạng, lặng lẽ lướt Facebook, và đang thưởng thức vết thương gây ra bởi con gái mình, không thèm quan tâm đến sai hay đúng, mà với anh, chỉ như đang trong một cuộc thực hành nghệ thuật. Giống Uyển Linh viết: anh chưa từng xin lỗi con gái mình. Có lẽ vì cách anh nghĩ về đúng hay sai, không giống với phần còn lại của thế giới.

Nếu anh đọc được những dòng này, tôi muốn nói: tôi vẫn luôn coi mình là một người bạn của anh, chỉ có điều, tôi mong anh một lúc nào đó sẽ lên tiếng xin lỗi con gái mình. Vì dù lời cô ấy là sự thật hay giả dối, thì riêng việc để con gái mình phải rơi vào hoàn cảnh như hiện nay, trên phương diện người bố, anh đã thất bại. Kính!

https://www.facebook.com/nguyenphanhuykhoi/posts/pfbid031zLkzUBa1qKABtwx5SFTW2NQP2uxrg7RynoXHxBryaREo1SJmWmtGM8Dd7wSZedLl

..



---

BỔ SUNG


1.

Thủa đôi mươi, bị đánh đập vô cớ, tôi chỉ biết khóc. Đau khổ triền miên. Rồi lại triền miên đau khổ. Tôi không thể hiểu mình phạm tội gì để bị chồng đánh. Lẽ nào người làm thơ làm nghệ thuật cần đánh vợ để nuôi cảm hứng sáng tạo ra “cái đẹp cứu chuộc thế giới”???
Đau về thân xác chẳng là gì so với bị bạo hành về tinh thần. Những lời nói “đọi máu” mới thật là vũ khí giết người không dao. Lời nói phun ra từ một tâm hồn thù nghịch tất cả. Uất hận chính mình. Tìm quên trong men rượu. Tìm nơi trút xả.
Mãi sau này, học coaching về hành vi con người, trở thành life coach, tôi mới thấu hiểu. Người đau đớn cần trút cái sự đau đớn sang người khác.
Có một sự hả hê thỏa mãn bệnh hoạn trong việc thấy người khác đau đớn.
Câu chuyện của con gái một người làm nghệ thuật nói về bố mình, tội nghiệp bố mình, khiến tôi không thể không nhớ thời trẻ dại. Bị chính người mình hết lòng yêu đánh đập tàn nhẫn chửi rủa ngoa ngoắt. Di chứng của nó nặng nề dai dẳng hơn người đời tưởng tượng. Hơn rất nhiều.
Cô ấy tố cáo người bố bạo hành không phải để trả thù. Dù cô ấy có quyền trả thù kẻ bạo hành mình. Theo cách của cô ấy. Không theo cách người đời dạy bảo sặc mùi đạo đức giả.
Yêu bản thân. Dám đặt mình lên đầu tiên. Là bước khởi đầu của hành trình chữa lành.
Tôi đã làm như vậy. Để cứu mình.
Tôi dám đặt mình lên ưu tiên số 1 bởi nhận thức điều cốt tủy: Mình bị đánh, bị làm nhục, phần lớn tại mình nhận thức sai, đã đặt họ lên trên bản thân mình, cho phép họ làm thế với mình.
Mình chưa biết yêu mình.
Chúc mừng cô gái ấy cũng đã bắt đầu biết yêu mình.
Ảnh: tôi 25 tuổi, hồi bị ăn đòn triền miên. Ngay cả khi ôm con nhỏ mới sinh trên tay cũng vẫn bị bạo hành như thường. Giờ thì, tôi cám ơn tôi của những ngày tháng cũ, đã dám can đảm bỏ đi.




https://www.facebook.com/maihanhcoach1/posts/pfbid0oC3MYA9bKTyKtRisaLeJHcQCRff3aithWV6TRzJ3nRS9bc5FZAcsnWodCR8atTm7l

0.


CHỐN BÌNH YÊN PHONG CÁCH BẮC ÂU CỦA CHỊ GIAO GIAO

Với chị Giao Giao, ngôi nhà không những là nơi thư thái tâm hồn, mà còn là nơi lan tỏa phong cách sống đẹp đến các chị em phụ nữ

Chị Nguyễn Thị Thu Giao, hay còn được biết đến cái tên Giao Giao là người truyền cảm hứng sống đẹp đến với phụ nữ Việt Nam. Sau 25 kinh nghiệm về lĩnh vực nhân sự cho những tập đoàn đa quốc gia. Với những trải nghiệm đa ngành nghề, chị đề cao sự kết nối con người. Giờ đây chị chuyên tổ chức những sự kiện dành cho phụ nữ. Đồng thời chị là chủ nhiệm hội quán Tuyệt Diệu để chia sẻ kết nối, xây dựng kỹ năng cho phái đẹp.

Căn hộ của chị là một địa chỉ quen thuộc rất đáng yêu của chị em phụ nữ. Nơi đây, mọi người thưởng thức những buổi tiệc về phong cách sống, học nấu ăn, cắm hoa, kỹ năng mềm và chia sẻ những câu chuyện của mình. Căn hộ được trang trí theo phong cách hiện đại Bắc Âu (Scandinavian Modern), đề cao sự kết nối giản dị và gần gũi với thiên nhiên.

Đề cao tính kết nối

Khu chung cư có những căn hộ liền kề để chị có thể sống gần gũi với gia đình lớn của mình. Căn hộ phải thênh thang phù hợp với phong cách Bắc Âu. “Phòng khách rộng là tiêu chí đầu tiên để chọn nhà. Không gian đủ rộng để đãi tiệc. Đặt một cây đàn grand piano, một tủ sách. Còn những phòng chức năng khác không cần quá lớn”, chị Giao Giao chia sẻ.

Qua các chuyến đi đến nhiều quốc gia trên thế giới, chị luôn thấy thích những căn nhà màu trắng ở Santorini, Hy Lạp, và những căn nhà đồng quê châu Âu. Đồng thời, chị cũng tâm đắc với triết lý Hygge của người Đan Mạch: “Cảm thấy ấm cúng và thư thái trong tâm hồn”. Do đó, chị thích ở nhà chung cư, nơi chỉ cần mở cửa ra là những thành viên trong gia đình có thể nhìn thấy nhau.

Giao Giao thích sự giản dị và sự kết nối trong không gian. Dù chọn màu trắng là tông chủ đạo của căn nhà, nhưng cách kết hợp hài hòa giữa các loại chất liệu khác nhau tạo sự sinh động cho không gian. Ví dụ có những bức tường dùng chất liệu gạch, trong khi những bức tường khác chỉ đơn giản là sơn trắng. Đó cũng là một phần của thiết kế theo phong cách Bắc Âu.

Sự đồng điệu trong cái đẹp

“Tôi không những yêu cái đẹp, mà tôi điên cuồng vì nó”, chị cười.

Nhưng với chị, cái đẹp còn phải đi kèm với sự thoáng đãng và tĩnh lặng. Bất kể đó là không gian làm việc, hay một địa điểm để tập hợp bạn bè, chắc chắn nơi đó phải đẹp, rộng, thoáng và không quá ồn ào. Bởi chỉ chính trong không gian đó, “tôi mới là chính tôi”.

Chồng chị, anh Như Huy, là một nghệ sỹ thị giác, do đó anh rất duy mỹ. Không gian dù đơn giản như vẫn cần đạt độ tinh tế và hài hòa. Riêng khâu thiết kế đã mất hai tháng, đặc biệt là phần chọn lựa kết cấu chất liệu. Trong khi đó, căn hộ chỉ mất 7 tuần để hoàn thiện nội thất.

Bức tranh bằng acrylic trên giấy dó của anh Như Huy

Chị chia sẻ: Chiếc váy này do một người bạn chị thiết kế với sự tư vấn nghệ thuật tranh của chồng chị, một chuyên gia nghệ thuật thị giác

Xanh từ phong cách sống

Chị Giao Giao là một người yêu màu xanh Tiffany. Với chị, đó là màu sắc đi suốt một thời tuổi trẻ. Tiffany là màu xanh da trời pha chút sắc lục nhẹ. Nó tượng trưng cho sự tự do đầy nữ tính và thư thái trong tâm hồn. Không chỉ riêng ngôi nhà, từ quần áo, phụ kiện thời trang của chị đều có khá nhiều item mang màu sắc ngọt dịu này.

Tiffany là màu xanh da trời pha chút lục nhẹ. Nó tượng trưng cho sự tự do, nữ tính đầy thư thái trong tâm hồn

Chị đặt nhiều cây xanh trong căn hộ của mình. Cây xanh mang lại không khí tươi vui, sự bình an và chất lượng sống trong gia đình. Bất cứ góc nào trong căn nhà cũng đều phải có cây xanh. “Điều quan trọng là phải yêu thiên nhiên, mang thiên nhiên vào cuộc sống của mình. Tôi không thích những thứ giả như hoa, thảm cỏ. Cái gì tự tay mình vun trồng, chăm sóc, thì tự có tình yêu thương”. Với chị chăm sóc cây xanh là một thú vui không mất nhiều thời gian, nhưng vô cùng thi vị. Mỗi tháng, chị đều gặp gỡ những chuyên gia về thực vật để trò chuyện, để hiểu hơn về cây trồng.

Không gian phòng khách của nhà chị Giao Giao

“Tôi là một người dễ có cảm tình với người yêu không gian xanh”, Giao Giao bộc bạch. “Cây xanh biến căn nhà trở nên đặc biệt, con người hướng thiện, bớt bực dọc, và dễ xích lại gần nhau hơn. Không khí trong nhà không bị ngột ngạt”.

>>> Xem thêm: NGÔI NHÀ GIỮA THIÊN NHIÊN XANH MÁT CỦA DOANH NHÂN NGUYỄN THỊ MINH KỲ

Chị Giao Giao cũng rất hạn chế sử dụng hóa chất trong nhà. Với chị, môi trường sạch xanh không phải chỉ dành riêng cho cá nhân mà còn là cách sống đối với xã hội. “Không gian đẹp là nơi bình an, được sống thật là mình, không gắng gượng thành ai khác. Không gian đẹp là khi mình trở thành một phiên bản tốt hơn trong không gian đó”.

Nuôi dưỡng tâm hồn

Một ngày của chị Giao bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng. Và việc đầu tiên, chị cho tâm hồn “tập thể dục”. Chị viết những mục nhỏ mang những chủ đề về phụ nữ, tình yêu và cuộc sống. Có thể chị sẽ post lên mạng xã hội hoặc cất cho riêng mình. “Mưa dầm thấm lâu, giờ tôi đã có cả một kho tàng có thể in sách được rồi. Cần mẫn sáng tác mỗi ngày cũng là một thú vui đấy”, chị vui vẻ khoe với Harper’s Bazaar.

Chị cho rằng chị là một người may mắn khi có anh Như Huy làm bạn đời. Anh còn là một dịch giả nổi tiếng, cũng như một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật. Anh là cả một kho tàng kiến thức đối với chị. Không những vậy, anh luôn là người tạo ra những không gian nghệ thuật riêng của hai người. Chẳng hạn như, anh đàn cho chị nghe mỗi ngày. Thậm chí anh sẵn sàng ngồi hằng giờ đồng hồ để thưởng trà và phân tích những quyển sách hay cho chị nghe.

Trong mỗi chuyến đi du lịch nước ngoài, anh Huy sẽ dắt chị đến những viện bảo tàng, gặp gỡ các nghệ sỹ, nghe họ chia sẻ về những dự án sáng tạo. Chị bộc bạch: “Nếu vợ chồng chỉ mải mê cơm áo gạo tiền thì cuộc sống vô cùng tẻ nhạt. Bằng một cách nào đó, chúng ta phải mang cái đẹp vào cuộc sống của mình, không chỉ đẹp ở phần nhìn, mà còn phần cảm nữa”.

>>> Xem thêm: LẮNG NGHE VẺ ĐẸP TÂM HỒN BÊN TRONG NGƯỜI PHỤ NỮ CÙNG NTK LI LAM

Vợ chồng chị Giao Giao rất đồng điệu trong cảm thụ nghệ thuật và cuộc sống.

Đối với vợ chồng chị Giao Giao, ngôi nhà chính là nhân dạng thứ hai của mỗi cá nhân. Vợ chồng chị đồng điệu ở tình yêu với cái đẹp và với nghệ thuật. Do đó, họ lan tỏa nguồn cảm hứng đó đến từng góc nhỏ trong ngôi nhà của mình. “Chúng tôi đầu tư vào không gian, vào tinh thần thư thái của căn nhà, hơn là những chi tiết trang trí cầu kỳ. Bấy nhiêu thôi là không gian sống đủ đẹp rồi”.

Harper’s Bazaar Việt Nam

https://bazaarvietnam.vn/cach-thiet-ke-can-ho-cheng-bao-phuong/#post-2467788

..



Chị Giao Giao: Người chữa lành tổn thương ở “Hội quán Tuyệt diệu”
 

Lần đầu tiên gặp người phụ nữ ấy, tôi đã bị thu hút hoàn toàn. Một sức hút cực kỳ đàn bà, người đàn bà đang ở độ đẹp nhất, đằm thắm, sắc sảo, thông minh, thấu hiểu, như bông hoa hồng vào độ mãn khai.




Chị Nguyễn Thị Thu Giao – Người có hơn 20 năm kinh nghiệm là giám đốc nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia như Kimberly - Clark, Interflour, AstraZeneca, Ngân hàng Quốc Tế, Diageo Việt Nam...

Là chuyên gia tư vấn chiến lược nhân sự và huấn luyện lãnh đạo cho các tập đoàn lớn, đã từ bỏ mức lương khủng với nhiều con số không để làm một việc mà chị yêu thích.

Đó là truyền cảm hứng hạnh phúc, giúp cho phụ nữ hạnh phúc và định hướng phong cách sống.

Chị Giao Giao: Người chữa lành tổn thương ở “Hội quán Tuyệt diệu”
Chị Thu Giao vẫn được mọi người thương mến gọi bằng cái tên Giao Giao

Chị Giao chính là người sáng lập ra G-Lounge, một hội quán dành riêng cho phụ nữ với các chương trình như “Trà chiều với Giao” “Đẹp sung sướng” “Chinh phục” “Sống chung với mẹ chồng” “Yêu thông thái”...

Chị luôn nhấn mạnh rằng: “Tôi không đấu tranh cho nữ quyền, tôi chỉ quảng bá cho vẻ đẹp nữ tính”. Theo chị, một phụ nữ biết yêu bản thân, họ sẽ biết tìm thấy hạnh phúc. Phụ nữ, dù có vất vả không bao giờ được bỏ mặc không chăm sóc bản thân mình. Sứ mệnh của phụ nữ, là đẹp toàn diện, đẹp đến mãn đời.

Mẹ chồng chính là người cho ta một cuộc sống hạnh phúc

Ngoài 40 tuổi với vẻ đẹp thanh lịch và viên mãn, chị Giao mang đến cho người đối diện sự tích cực, lạc quan và nụ cười tươi tắn.

Ít ai biết rằng, chị đã trải qua một cuộc hôn nhân thất bại, mười mấy năm tuổi trẻ trôi qua trong buồn bã và cô độc.

Thật may mắn, chị đã học được rất nhiều bài học từ cuộc hôn nhân đầu tiên, để tìm thấy hạnh phúc tràn đầy, trong một mối duyên mới.

Chị Giao Giao: Người chữa lành tổn thương ở “Hội quán Tuyệt diệu”

Chị có 1 người bạn đời từng trải, biết quý trọng hạnh phúc, quan tâm đến những điều nhỏ bé.

May mắn hơn nữa, chị gặp được một người mẹ thứ hai, một người mẹ chồng “trong mơ”, luôn gần gũi, yêu quý và thân thuộc với chị như một người bạn gái.

Chị chia sẻ, không giấu nổi tự hào: "Mẹ chồng của tôi là một người phụ nữ tuyệt vời, tôi thật may mắn khi gặp được bà, bà chính là người mang lại cho tôi một cuộc sống hạnh phúc, vì bà đã nuôi dạy con trai thành người tử tế, biết yêu thương, biết tôn trọng phụ nữ.

Gặp bà, tôi biết học được bí quyết để trở thành một người mẹ chồng hạnh phúc và một nàng dâu hạnh phúc. Tôi biết có rất nhiều phụ nữ đau khổ vì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, mà không biết rằng chính họ có thể thay đổi mối quan hệ này theo chiều hướng tích cực".

“Sống chung với mẹ chồng” – Phải chăng tưởng khó mà khó không tưởng?

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu thường là câu chuyện muôn thuở không có hồi kết.

Nàng dâu nào may mắn thì có được bà mẹ chồng tâm lý, thấu hiểu và hiện đại, còn nàng dâu nào xui xẻo như cô Vân trong phim "Sống chung với mẹ chồng” – một bộ phim đang làm mưa làm gió trên sóng truyền hình – thì sống với mẹ chồng quả đúng như “địa ngục trần gian”

Trong những sự kiện chị tổ chức, chị Giao gặp rất nhiều phụ nữ giỏi giang, thành đạt, xinh đẹp, là doanh nhân, hay chủ của những thương hiệu nổi tiếng...

Tưởng như cuộc sống của họ thật bằng phẳng, bình an, không có gì để lo lắng, thế nhưng, buồn thay, đa số, có những mối quan hệ thật căng thẳng và khó khăn với mẹ chồng, đến nỗi họ rơi vào trạng thái trầm cảm, tuyệt vọng và chán chường cuộc sống.

Hẳn chồng con hay chính mẹ chồng họ cũng buồn khổ không kém khi không thể cải thiện mối quan hệ này.

Chị Giao Giao đã tư vấn, huấn luyện và cùng họ vượt qua rất nhiều khó khăn, giúp cho nhiều phụ nữ tự tin hơn, biết cách ứng xử hơn và tạo lập mối quan hệ tốt hơn với mẹ chồng.

Chị Giao Giao: Người chữa lành tổn thương ở “Hội quán Tuyệt diệu”

Không chỉ dừng ở đấy, chị quyết định biến những giải pháp chị đã giúp những phụ nữ tìm ra cách hóa giải những bất hòa, chị đã đúc kết các kinh nghiệm và tình huống thường gặp của nàng dâu và mẹ chồng trong khóa học “Sống chung với mẹ chồng”.

Trong khóa học này, chị Giao Giao đã lý giải rất kỹ lý do vì sao có mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu và các nguyên tắc, bí quyết để giải quyết mâu thuẫn dưới góc độ tâm lý, làm sao để có thể xây dựng được nền tảng của mối quan hệ?

Cách để tôn trọng sự khác biệt? Làm gì để được nuôi dạy con theo ý mình?... Nắm được những nguyên tắc này, các nàng dâu như nắm được chìa khóa để mở cánh cửa hòa bình, hóa giải mâu thuẫn để có một cuộc sống bình an.

Đặc biệt, chị nhấn mạnh vai trò của người chồng – người đàn ông đứng giữa hai người phụ nữ là mẹ và vợ.

Người chồng nhận ra tầm quan trọng của mình, biết cách ứng xử để người mẹ vẫn cảm thấy mình là số 1 trong lòng con trai và vợ cảm thấy mình là nhất trong lòng chồng.

Người chồng khéo léo, biết ứng xử, yêu mẹ và thương vợ, sẽ biết cách hóa giải mọi mâu thuẫn, điều hòa những cơn nóng giận và mâu thuẫn trong gia đình.

Chị Giao Giao: Người chữa lành tổn thương ở “Hội quán Tuyệt diệu”

Cho ra đời khóa học “Sống chung với mẹ chồng” cùng bộ cẩm nang dành cho mẹ chồng, cho chồng và cho nàng dâu.

Chị Giao chia sẻ: “Giúp những người phụ nữ tìm thấy hạnh phúc, là một sứ mệnh lớn lao, khó khăn, tôi mong muốn giúp những người phụ nữ đang đau khổ và không tìm được lối thoát thấy được sự an ủi, sự tin cậy, chia sẻ, một cái nắm tay động viên từ những người phụ nữ đã từng trải qua khổ đau, để biết rằng họ luôn có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, và khóa học này ra đời cũng không nằm ngoài mục đích đó”.

Trong suốt thời gian được lắng nghe những chia sẻ từ người phụ nữ tươi tắn rạng ngời, tôi không hiểu sức mạnh ở đâu khiến người phụ nữ nhỏ bé ấy lại có thể làm được một công việc khó khăn, giúp xoa dịu và chữa lành những đau khổ.

Nhưng tôi tin, sức mạnh chính của chị là truyền cảm hứng hạnh phúc để phụ nữ biết yêu thương bản thân mình, biết sống đẹp và bởi vì chị đã dành cho phụ nữ quá nhiều tâm huyết và tình yêu.

PV Tổng hợp

https://tuoitrethudo.com.vn/chi-giao-giao-nguoi-chua-lanh-ton-thuong-o-hoi-quan-tuyet-dieu-29643.html?fbclid=IwAR3ktvRXefrA1KIX45khHV6FHuNHB7gg-5EJOt-w6ERFcIITcGJIUzeuY2E

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.