Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/11/2022

Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam 1934 (qua tự thuật của nhà sư Trí Hải)

Tự thuật được viết xong ngày 19 tháng 5 năm 1965. Lúc đó, nhà sư đã vừa 60 tuổi. Tự thuật đã được in thành sách.

Gần đây sách đó đã được lên mạng, như ở dưới.




Tháng 11 năm 2022,

Giao Blog


---

Mục lục

Chân dung tác giả

Trang kế

Thay lời tựa

Lời nói đầu

Quá trình hình thành Hội Phật Giáo Việt Nam 1934

Thời kỳ thứ nhất : Lục hòa tịnh lữ

Thời kỳ thứ hai : Phật học tùng thư

Thời kỳ thứ ba : Chùa Quán Sứ - Hội Bắc kỳ Phật giáo

Thời kỳ thứ tư : Hội Phật giáo Việt Nam

Thời kỳ thứ năm : Tổng hội Phật giáo Việt Nam

Thời kỳ thứ sáu : Giáo Hội Tăng già Việt Nam

Kết luận

Nhân duyên xuất gia

Ai cảm

http://ahvinhnghiem.org/trihai/mucluc.html

---

LỜI NÓI ĐẦU

 

Từ trước đến nay trong giới Phật giáo cũng như các bậc trí thức ở ngoài có nhiều vị đọc cuốn "Việt Nam Phật Giáo Sử Lược" của Thượng Tọa Mật Thể biên soạn, thấy trong chương X ghi: " Ở Bắc có tôi (Trí Hải) cùng các vị Tăng Ni cư sĩ thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam.

 

Phong trào chấn hưng Phật giáo đã có trên 50 năm nay, bắt nguồn từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng đó, nước ta có Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập ở Sài Gòn năm 1931; Hội An Nam Phật học thành lập ở Huế năm 1932. Mãi cuối năm 1934 ở Hà Nội mới thành lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo.

 

Do đó, nhiều vị muốn tìm hiểu nguyên nhân thành lập Hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị tôi ghi chép lại để người sau biết được nguồn gốc sự việc.

 

Quá trình thành lập Hội Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến nay đã trải qua bao diễn biến phức tạp: thuận lợi cũng có mà trở ngại cũng nhiều. Trong khi đó, trí nhớ của tôi hiện nay lại có hạn. Song, không viết thì lại sợ phụ lòng những vị yêu mến. Nên tôi cố gắng sưu tầm trong sách vở của các hội Phật giáo trước và nhớ lại những việc chính tôi đã tham gia thực hiện, cũng như những điều mắt thấy tai nghe trong Phật giáo để viết thành cuốn sách nhỏ này; ước mong đền đáp phần nào sự quan tâm tha thiết và khuyến khích của quý vị. Nhưng cũng không sao tránh khỏi thiếu sót, mong chư vị thấy chỗ nào chưa ổn, thể lòng từ bi hỷ xả mà chỉ chính. Xin chân thành cảm ơn!

 

Viết tại Hải Phòng,

Ngày 19 tháng 5 năm Ất Tị (1965),

 

Trí Hải

http://ahvinhnghiem.org/trihai/loinoidau.html

..

NHÂN DUYÊN XUẤT GIA

 

Quê tôi ở xã Hải Trung (Quần Phương Trung), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (Nam Định). Thân phụ là Đoàn Văn Đích tự Phúc Thực, thân mẫu là Nguyễn Thị Tuất hiệu Diệu Mậu chuyên nghề làm ruộng và dệt vải.

 

Tôi, Đoàn Văn Tảo sinh năm 1906 đúng giờ Mậu Dần ngày Ất Mão (19) tháng Giáp Ngọ (Năm) năm Bính Ngọ. Dưới tôi còn có hai người em gái. Vì cảnh nhà nghèo không có ruộng đất nên mãi đến năm 12 tuổi tôi mới được đi học chữ Nho ở ngay chùa bản quán. Chùa này bấy giờ rất thịnh vượng, ruộng có tới gần 30 mẫu, đình đám cúng lễ rất sầm uất, có đông các sư ở nên đón thầy đồ về dạy học thêm cho các sư chú, sư bác và cho cả con em dân làng ra học. Vì nhân duyên trên mà tôi được thân cận chư Tăng. Hằng ngày, ngoài thời giờ học tập ra, tôi thường theo dõi các khóa lễ cúng, tụng niệm, rồi thấy vui mà lân la. Tôi cũng học Đạo, đọc tụng theo. Có nhiều bài thông thường đã trở nên thuộc lòng bao giờ không biết, dần dà am hiểu theo với các Sư chú, Sư bác, cả đến khóa tụng và khóa cúng... sinh ra mến cảnh chùa, cảm thấy ở đời chỉ có các vị xuất gia là giải thoát nhất: quan bất phiền, dân bất nhiễu. Tôi có bốn câu cảm hoài như sau:

 

"Chữ phiền phó mặc khách trần gian

Nhờ Phật quanh năm một chữ nhàn

Đèn sách sẵn sàng, cơm áo đủ

Dễ ai quấy nhiễu, dễ ai ghen.".

 

Năm tôi 17 tuổi, nhân có Sư cụ Phạm Thanh Dương xuất gia ở Hà Nam (hiện nay trụ trì chùa Phú Tư, huyện Lý Nhân, Hà Nam), cũng là người Hải Trung, về thăm quê, nghỉ ở chùa. Có một hôm, Sư cụ hỏi tôi:

 

- Cháu có muốn xuất gia không?

- Dạ có, cháu cũng muốn đi nhưng chưa biết đi đâu.

- Còn phải đi đâu nữa? Ở ngày chùa nhà có hơn không?

- Cháu thấy không tiện vì Sư cụ bản tự ở đây là em con chú với thầy ở nhà, vậy là chỗ con cháu. Cháu thấy ở đây đối với các sư không tiện, hơn nữa gần nhà có khi cũng không tốt.

- Cháu muốn đi xa thì tôi đưa lên Hà Nam ở với các sư, quý lắm. Nếu đồng ý thì về hỏi thầy mẹ ở nhà xem có bằng lòng cho đi hay không mới được.

 

Tôi về thưa với phụ mẫu thì cha mẹ không ai bằng lòng với lý do tuy sinh được ba con nhưng chỉ có mình tôi là con trai. Tôi thưa: "Cha mẹ đã sinh ra con thì dù con ở nhà hay xuất gia cũng vẫn là con của cha mẹ. có phải đi xuất gia là mất đâu? Xem ngay ở xã nhà, không nhà nào, xóm nào là không có người xuất gia làm Tăng hay Ni. Hiện nay có hàng trăm vị. Ngay trong họ nhà, ở trên như cụ Hòa Thượng Phổ Tụ, trụ trì chùa Tuế Xuyên, huyện Lý Nhân, Hà Nam, trong giới Phật giáo không đâu là không nghe tiếng ngài. Dân xã nhà có việc thỉnh ngài về làm lễ thì đón rước long trọng như thế nào chắc chán thầy mẹ hãy còn nhớ; ở dưới thì có Sư cụ trụ trì chùa xã nhà, hiện nay có bao nhiêu sư ở với Cụ. Như thế có phải đi xuất gia là mất đâu? Con thấy các vị ấy đi được, tu được thì con cũng có thể theo được. Xin thầy mẹ cho con đi. Nếu con ở nhà mà không may con có thế nào, thầy mẹ coi như không có con. Lúc ấy càng phiền não khổ sở hơn. Xin thầy mẹ cứ vui lòng cho con đi. Con sẽ theo kịp với các sư, xin thầy mẹ đừng ngại.". Cuối cùng thầy mẹ cũng hoan hỷ cho tôi đi.

 

Hôm ấy là ngày 27 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1922), Tôi đi theo Sư cụ Thanh Dương. Cụ còn đưa đi chơi nhiều nơi nên mãi đến một tháng sau, ngày 27 tháng 10 mới về tới chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Sư cụ Trụ trì bấy giờ là Thích Thông Dũng, đệ tử Hòa Thượng Phổ Trinh ở chùa Lương Khô cùng huyện, là anh nhà chùa Sư cụ Thanh Dương. Sư cụ Thanh Dương đưa tôi tới, xin cho tôi làm đệ tử. Cụ rất hoan hỉ. Hỏi thăm quê quán cùng sự học hành xong. Cụ vui lòng nhận ngay.

 

Ngày 1 tháng 11, Sư cụ làm lễ thế phát cho tôi thành người xuất gia. Về phần nghi thức tụng niêm hằng ngày tôi đã học cũng gần đầy đủ, theo kịp với các sư nên ngày 1 tháng 12 năm ấy, ở chốn Tổ Tế Xuyên có đàn giới, Sư cụ cho tôi thọ giới Sa di (Sư bác). Sư cụ cũng hết lòng phù trì, dạy bảo, cho tôi luôn được đi học, đi nhập Hạ theo với chư tăng, không nghỉ khóa nào.

 

Ngày 21 tháng 8 năm Ất Sửu (1925), Sư cụ đứng ra tổ chức Đàn giới cho tất cả các sư sơ tiến thụ giới, tôi cũng lại được thụ giới vào Đàn giới này. Tất cả Tăng Ni có hơn 30 vị, tôi được đứng đầu. Đúng giờ Tuất hôm ấy, tôi được đăng đàn thụ giới Tỉ Khiêu.

 

Hòa Thượng Phổ Tụ trụ trì chùa Tế Xuyên bấy giờ đã hơn 80 tuổi, ngài lên làm Hòa Thượng truyền giới cho Đàn giới này lần cuối cùng. Ngày 17 tháng 8 năm sau tức năm Bính Dần (1926) ngài thị tịch tại nhà của người mà thân phụ của tôi gọi bằng bác.

 

Thụ giới xong tôi vẫn tiếp tục đi học và đi Hạ. Tính đến nay tôi vừa 60 tuổi đã đi được 29 Hạ.

 

Ngày 15 tháng Chạp năm Canh Ngọ (1930), tôi bắt đầu ra trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, Hà Nam. Sang năm Tân Mùi (1931), Sư cụ thầy tôi ở chùa Mai Xá viên tịch nên tôi lại trở về trông coi chùa Mai Xá. Năm ấy tôi có thỉnh chư Tăng Ni về Hạ để hồi hướng cho Sư cụ tôi. Năm Giáp Tuất (1934) tôi lên ở chùa Quán Sứ, Hà Nội để lo công việc Giáo hội... Thời gian kế tiếp đã được ghi trong quyển Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nay ghi lại đây để nhớ từ hồi còn nhỏ.

 

Trí Hải tự thuật

http://ahvinhnghiem.org/trihai/xuatgia.html

..

QUẢ TRÌNH THÀNH LẬP

HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (1934)

 

Quá trình thành lập Hội Phật giáo Việt Nam (1934-1958) mà chính tôi đã tham gia góp phần thực hiện, có thể được chia làm sáu thời kỳ như sau:

 

I. Thời kỳ thứ nhất: Lục hòa tịnh lữ

II. Thời  kỳ thứ hai: Phật học tùng thư

III. Thời kỳ thứ ba: Chùa Quán Sứ - Hội Bắc Kỳ Phật giáo

IV. Thời  kỳ thứ tư: Hội Phật giáo Việt Nam

V. Thời kỳ thứ năm: Tổng Hội Phật giáo Việt Nam

VI. Thời kỳ thứ sáu: Giáo Hội Tăng Già Việt Nam

..

THỜI KỲ THỨ NHẤT:

 

LỤC HÒA TỊNH LỮ

 

Hai năm sau khi xuất gia tức năm 1924, bước vào tuổi 19, tôi mới được học về phần nghi thức tụng niêm lễ bái thông thường hằng ngày. Song nhờ được học ít chữ Hán từ trước nên cũng hiểu đại khái đôi chút nghĩa lý trong các kinh sách và các bài tụng niệm mà tôi đã học.

 

Tôi nhận thấy tinh thần Phật giáo rất thiết thực, lợi ích cho tất cả chúng sinh trong đời hiện tại và vị lai như bài phát nguyện trong khóa lễ buổi sáng sớm có câu: "Tật dịch thế nhi hiện vi dược thảo cứu liệu trầm kha, cơ cận thời nhi hóa tác đạo lương tế chư bần nỗi, đãn hữu lợi ích vô bất hưng sùng". Nghĩa là: "Gặp lúc người đời bị đau ốm nặng, nguyện hóa ra thuốc men để cứu chữa, khi nhân dân đói khổ, nguyện hóa ra lúa gạo để giúp đỡ, bất cứ việc gì đem lại lợi ích cho chúng sinh đều làm cả.". Nguyện thứ 11 trong Kinh Dược Sư: "Nếu những chúng sinh bị đói khát khổ não, vì tìm kiếm miếng ăn mà phải gây ra tội ác, trước hết ta hãy đem các thứ ăn uống rất ngon lành làm cho thân thể được no đủ rồi sau mới đem những phương pháp mầu nhiệm dạy bảo cho được hoàn toàn sung sướng yên vui". Kinh Địa Tạng dạy: "Còn có chúng sinh nào ở nơi khổ não (địa ngục) thì ta không thành Phật v.v...".

 

Trên đây chỉ trích dẫn vài ba câu chứ chưa nói đến nghĩa lý cao sâu mầu nhiệm trong thiên kinh vạn quyển vốn không thể nào tả xiết cho được. Song rất tiếc là đọc tụng toàn bằng Hán văn nên có nhiều người đọc tụng hằng ngày cho đến thuộc òng mà không hiểu nghĩa lý ra sao, không biết đọc tụng để làm gì. Trừ một số rất ít các vị cao tăng trí thức, còn phần đông tự mình không hiểu thấu nghĩa lý chân chính để tu hành tự lợi và giáo hóa cho người giác ngộ. Như thế thì làm gì mà không đưa nhau vào con đường mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng xấu cho toàn thể Phật giáo?

 

Cứ xem ngay hình thức của Phật giáo hiện nay. Tuy mỗi làng có một ngôi chùa, có làng tới hai, ba, bốn, năm ngôi; trừ những nơi danh lam cổ tự ra, còn hầu hết đã biến tướng rất nhiều, không còn thuần túy là Phật giáo nữa. Từ nơi thờ phụng cho đến nghi thức lễ bái, không đâu giống đâu. Không những thờ Phật, Bồ tát mà còn thờ tất cả Thánh Thần; thậm chí có nơi còn thờ cả hổ, rắn, chó đá, bình vôi v.v... ; trong nhà không thờ hết đem ra cả ngoài sân, gốc cây.

 

Nếu có các bậc trí thức hay người ngoại quốc nào tới tham quan, khảo cứu và hỏi vị trụ trì ở những nơi đấy thì không biết vị trụ trì ấy sẽ trả lời ra sao? Có những cảnh tượng đáng tiếc này chẳng qua cũng chỉ vì đa số Tăng, Ni thất học. Vì thế cần phải nhanh chóng chấn chỉnh lại. Nếu không, tinh thần Phật giáo không bao lâu nữa sẽ đi đến chỗ diệt vong. Muốn duy  trì Phật giáo, muốn bảo tồn tinh thần dân tộc thì trước hết làm thế nào trong giới Tăng Ni phải có nhiều người đủ tài đức để duy trì việc hoằng hóa; phải trừ sạch những điều mê tín dị đoan đã pha trộn vào Phật giáo như tệ hại về vàng mã, đồng bóng chẳng hạn. Phải làm cho tình thần từ bi, trí tuệ, bình đẳng, dũng mãnh, tinh tiến của Phật giáo được phát huy để bồi bổ cho tinh thần Dân tộc Việt Nam đã có từ ngàn xưa như đời Đinh, Lê, Lý, Trần chẳng hạn. Những thời đại Phật giáo thịnh hành thì khí thế Dân tộc Việt Nam lúc ấy như thế nào? Ai là người hiểu biết đều rõ.

 

Muốn khôi phục lại những lợi ích chân chính, muốn cải cách, bài trừ những tệ hại dị đoan đã ăn sâu vào trí não của dân chúng, trở thành tập quán lâu đời, nhất là đối với những người chỉ biết tín ngưỡng mà không chịu suy xét là cả một vấn đề nan giải. Thật không phải là việc mà một, hai người trong một thời gian ngăn ngủi có thể làm xong được.

 

Trải qua bao đời, khắp thành thị đến thôn quê, từ trên rừng xuống dưới biển, ngay đến thâm sơn cùng cóc, không đâu là không có người tin theo Phật giáo. Nay muốn chấn hưng Phật giáo mà không vận động, kết hợp được đại đa số quần chúng đồng tâm hiệp lực, kiên trì chấn chỉnh, tổ chức cho có quy củ, hệ thống hẳn hoi, tất không thể nào thành công được. Cũng có người bảo: Hệ thống tổ chức của Phật giáo xưa nay vẫn có các sơn môn đời đời nối dõi cho tới ngày nay, như thế chả bền vững là gì?

 

Xem bề ngoài thì có thế thật. Song xét kỹ đến thực chất bên trong thì lại khác hẳn. Tìm hiểu sâu vào vấn đề sơn môn ta sẽ thấy không có gì là vững chắc. Như nhiều người đã thấy: Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, hễ có người đủ tài, đủ đức, được quần chúng tôn sùng ngưỡng mộ thì ở đấy sơn môn được hình thành. Nhưng, nếu ở đấy không có người tài, đức kế tiếp thì sẽ dần dần đi đến chỗ tuyệt tích!

 

Nay muốn cải tổ cần có phương hướng, mục đích, có tổ chức sâu rộng vững chắc, cần được tất cả các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, ủng hộ mới mong có kết quả thành công. Muốn thế, ban đầu cần phải lập thành một hội công khai có phép tắc hẳn hoi mới dễ bề hoạt động và phát triển.

 

Với suy nghĩ như vậy, từ đấy, ngoài thời giờ học tập, những lúc có việc đi đâu, nhất là đến các đám hội hè hay giỗ tổ, có đông đủ các vị Tăng Ni, tôi đều đem ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo nuớc nhà ra trao đổi. Kiểm điểm lại, trong suốt thời gian sáu năm (1924-1929), ý kiến chấn hưng Phật giáo được rất nhiều vị đồng ý tán thành, cho là nếu làm thành việc này thì không còn gì bằng. Song, các vị cũng nhận định rằng đây là việc rất khó, phải làm thế nào được các cơ quan trên giúp đỡ mới thành tựu được. Chính đức Phật Thích Ca lúc sắp thị tịch cũng còn phó chúc cho quốc vương, đại thần ngoại hộ Phật pháp, huống chi bây giời đương ở vào thời kỳ mạt pháp: Phật cao một thước, ma cao nghìn trượng, người làm thì ít kẻ phá thì nhiều. Nếu không, có thể bị người ta ghép tội hoạt động hội kín, lại càng nguy hiểm cho các sư. Do vậy, có nhiều vị có lòng hưởng ứng nhưng không dám làm theo.

 

Thế là nhiều vị tỏ vẻ lo sợ. Chính Sư cụ - Thầy nuôi tôi, thấy tôi hay bàn đến việc này, cũng thường nói với các sư: "Chú ấy (tôi) học hành và chí khí xem cũng khá nhưng không khéo sẽ nguy cho chú ấy".

 

Vận động với các vị trên suốt năm, sáu năm rồi vẫn không thấy kết quả: Chưa có vị nào chịu đứng ra xây dựng. Chẳng lẽ việc có lợi ích chung cho toàn thể, việc cần phải làm mà đành phải chịu buông bỏ? Như người khát nước ra tới bờ sông, không lẽ lại chịu đứng nhìn ròi quay trở về? Đương khi nghĩ ngợi, tôi sực nhớ đến câu: "Đương nhân bất nhượng ư sư.". Câu này có nghĩa: Việc phải làm, việc tốt, việc nhân nghĩa, việc lợi ích, việc cần làm thì dù là người đệ tử cũng không nhường thầy.

 

Từ đấy chúng tôi quyết chí tìm phương cách thành lập Hội Phật giáo. Nhưng nếu không có phép tắc hẳn hoi thì rất dễ bị ghép tội hoạt động bất hợp pháp và sẽ dẫn đến tan vỡ. Bấy giờ chúng tôi phỏng theo lối tổ chức Hội Liên xã ở các sơn môn vẫn có xưa nay. Đại ý: Góp mỗi người một ít tiền làm vốn cho vay, hằng năm trích ra một số lời để làm một tuần lễ siêu tiến tứ ân phụ mẫu, Chỉ có thế thôi.

 

Có điều khác là chúng tôi không lấy tên hội. Vì từ "hội" có vẻ to tát quá, nên chúng tôi lấy tên là "Lục hòa tịnh lữ"; có nghĩa là những người trong sạch làm bạn cùng nhau, tu theo Sáu phép hòa thuận của đức Phật:

 

1. Thân hòa đồng trụ: Thân hòa cùng ở (sống chung tập thể)

2. Khẩu hòa vô tránh: Nói năng hòa nhã, không tranh cãi nhau.

3. Ý hòa đồng duyệt: Một lòng một dạ không trái ý nhau.

4. Kiến hòa đồng giải: Hiểu biết thông cảm nhau.

5. Giới hòa đồng tu: Giữ chung một kỷ luật.

6. Lợi hòa đồng quân: Có gì chia đều nhau cùng hưởng.

 

A) Mục đích

 

1) Khuyến khích, giúp đỡ nhau về đường tu học.

2. Giúp đỡ nhau trong các công việc cần thiết như khi có sư trưởng, phụ mẫu mất, cùng giúp nhau trong việc làm chùa, tô tượng, đúc chuông v.v...

 

Mỗi khi đồng đạo có việc gì, người nào có việc gì thì tất cả mọi người đều coi như là việc của mình, có trách nhiệm trông coi, lo liệu về mọi phương diện, tận tâm, tận lực làm cho thành tựu mà không quản ngại nề hà gì.

 

B) Tổ chức

 

Tùy theo địa phương như ở sơn môn hay địa phương nào có từ năm đến mười lăm người thì thành lập riêng một đoàn, nhiều nhất là hai mươi người. Nếu quá hai mươi người lại chia làm đôi để dễ dàng đi lại, liên lạc với nhau. Khi người nào có công việc gì thì tất cả những người trong địa phương ấy trực tiếp lo liệu giúp đỡ mọi việc, còn ở các nơi khác chỉ cử đại biểu đến thôi.

 

C) Tài chính

 

Mỗi người góp 5 đồng một năm, chia ra đóng làm bốn kỳ: Tháng giêng 2 đồng, tháng tư 1 đồng, tháng tám 1 đồng và tháng mười một 1 đồng. Ở đâu giữ riêng ở đấy. Khi người nào có việc như trên thì trích ra 5 đồng để mua lễ vật và làm một đôi câu đối mừng hoặc viếng. Chỉ trong phạm vi 5 đồng này thôi. Lạc khoản câu đối đề là "Lục hòa tịnh lữ kính mừng (hay kính viếng)" để tiêu biểu cho tổ chức của đồng bạn.

 

Đóng góp mỗi năm có 5 đồng mà phải chia ra làm bốn kỳ là vì thời bấy giờ chúng tôi còn làm tiểu ở với thầy, phải bòn dần từng xu, từng hào do các vị trên mừng tuổi hoặc cho mới có; hay đi cúng được tiền hồi hướng chẳng hạn.

 

Bấy giờ ở sơn môn Tế Xuyên huyện Lý Nhân, Hà Nam chưa được các vị trên hưởng ứng, chỉ mới có tôi là người nhiều tuổi nhất (25 tuổi). Còn các sư bên dưới, có người mới có 15 hoặc 18 tuổi chẳng hạn. Lúc đầu, thấy chúng tôi làm, các vị trên, có nhiều vị còn chế giễu là "Hội trẻ con, hội chấp tác" (lao động phục vụ). Vì chúng tôi không nề hà gì khi đồng bạn có việc.

 

Mỗi khi có việc chỉ chi tiêu có 5 đồng. Số tiền còn lại chủ yếu dùng để thỉnh kinh sách và giúp đỡ nhau trong việc học tập như giúp đỡ những người đi học xa mà thiếu thốn.

 

Dần dần, thấy chúng tôi làm việc tích cực, có kết quả trong vài đám, các vị trên cũng có vị hoan hỷ tán thành, hưởng ứng, tham gia như Thượng Tọa Thái Hòa; Sư cụ Thông Thuận ở chùa Hà Mặc; Sư cụ Thanh Lạc ở chùa Vị Hà, Bình Lục; Sư cụ Thanh Lịch, hiện nay ở chùa Hải Trung, Hải Hậu, Nam Hà. Dần dần lan sang Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định; không những riêng bên Tăng mà có nhiều vị bên Ni giới cũng hưởng ứng, tham gia.

 

Bấy giờ chúng tôi chuyên theo học Hòa thượng Phổ Hài ở chùa Tế Cát (Hà Nam). Những lúc thư nhàn tôi đem việc này thưa lên Hòa thượng. Lúc đầu, Hòa thượng nghĩ là khó, không thể làm được, cho rằng tôi không đủ sức và Hòa thượng khuyên: "Hãy chịu khó học nhiều đi đã.". Nhưng dần dần Hòa thượng cũng hoan hỷ. Chúng tôi liền thỉnh Hòa thượng làm chứng minh cho công việc, được Hòa thượng chấp thuận.

 

Từ đấy, tên "Hội trẻ con và chấp tác" dần dần biến mất và càng ngày càng có nhiều vị hưởng ứng. Năm 1931, được tin Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập ở Sài gòn, xuất bản báo Từ Bi Âm, chúng tôi liền mua đọc. Thấy trong báo nói có mở trường Phật học để đào tạo các sư thanh niên, tôi liền viết thư vào hỏi điều kiện nhập học như thế nào. Được ít lâu, trong ấy trả lời: "Lúc đầu chưa tổ chức được đầy đủ nên chỉ mới nhận những học sinh là đệ tử của những vị hội viên mà thôi.". Chúng tôi liền trích tiền quỹ ra đóng cho Hòa thượng Phổ Hài gia nhập Hội để lấy đường gửi người vào học sau này. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy tin trường mở cửa.

 

Năm 1932, lại được tin Hội An Nam Phật học thành lập ở Huế và xuất bản báo Viên Âm, tiếng vang khắp trong nước. Lại nữa, các báo chí ở Hà Nội cũng luôn luôn nhắc tới việc chấn hưng Phật giáo. Đọc những tin tức đó, chúng tôi càng hồi hộp, phấn khởi và tin tưởng rằng ước mơ từ lâu của chúng tôi chắc chắn sẽ thành hiện thực. Từ đấy, chúng tôi lại càng tích cực đi cổ động khắp các nơi, đem cả báo chí đọc cho các Hòa thượng cùng Tăng Ni. Các vị ấy rất hoan hỷ. Nhiều vị ước mong ngoài Bắc ta cũng mau chóng thành lập được hội Phật giáo. Chúng tôi lại đem công việc mà Lục hòa tịnh lữ làm được thưa cùng các vị. Nghe xong, ai nấy đều hoan hỷ tán thành và hỏi bản quy tắc để các vị tổ chức ngay tại địa phương của mình.

 

Khi lên Hà Nội, vào thăm các chùa danh tiếng như Bà Đá, Hòe Nhai, Liên Phái v.v... chúng tôi đều trình bày việc chấn hưng Phật giáo. Nhưng bấy giờ chúng tôi còn nhỏ lại vào các chùa lớn nói những việc mới lạ nên có nhiều vị tỏ ý khinh rẻ,cho là viển vông. Các vị ấy nói: "Phật giáo vẫn hưng thịnh, chùa vẫn làm, tượng vẫn tô, chuông vẫn đúc, khách thập phương vẫn đi lại đông đúc, tấp nập vui vẻ, có gì sứt mẻ đâu mà phải chấn hưng?". Phía tán thành tuy có nhưng rất ít, không bằng các tỉnh nhỏ. Do đó, chúng tôi quay ra tìm sự hợp tác của phía cư sĩ (tại gia).

 

Đọc báo trung Bắc Tân Văn thấy có ông Lê Toại thường đăng các bài nói về việc chấn hưng Phật giáo, chúng tôi hỏi thăm về ông ta, được biết ông đang làm việc tại Sở Đốc lý – Hà Nội, là người rất thành tâm mộ đạo Phật. Ông đọc sách Phật bằng Pháp văn và Hán văn, có dịch và xuất bản cuốn Phật học sơ giải. Chúng tôi bèn tìm đến thăm ông. Mới gặp nhau lần đầu, vừa trao đổi ý kiến đã thấy ý hợp tâm đầu. Ông đưa chúng tôi tới thăm ông Trần Văn Giác, người Trà Vinh, Nam Bộ, ra làm việc ở Sở Thương Chính – Hà Nội. Cả hai vợ chồng đều là người rất mộ đạo Phật, có thờ Phật tại nhà, đều ăn chay và cũng là hội viên Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Kế đến, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu). Ông là con cụ cử ở Đông Tác. Bấy giờ ông đã ngót 30 tuổi mà vẫn không lập gia đình, rất chăm chỉ học Phật và đang dịch bộ Phật học đại từ điển. Mới gặp nhau mà hình như đã quen từ bao nhiêu đời trước. Vừa nói đến việc chấn hưng Phật giáo thì ông liền tán thành. Một hôm, ông cùng chúng tôi đến gặp ông Vũ Đình Chung, nhà ở phổ Ngô Trạm – Hà Nội, hiện dang làm Hội trưởng Hội Đông Dương liên hữu tương tế (Hội Ái hữu công chức). Ông cũng là người giao thiệp rộng và hay làm việc nghĩa. Khi gặp nhau, chúng tôi nói về việc vận động chấn hưng Phật giáo, ông rất vui vẻ, tán thành và hứa sẽ hết sức phục vụ cho công việc được mau đạt kết quả. Ông còn hứa sẽ vận động trong Hội Đông Dương liên hữu tuơng tế của ông vì Hội này cũng có rất nhiều người tin theo đạo Phật, nhất là các bạn ở Miên, Lào.

 

Sau một thời gian đi lại, trao đổi, chúng tôi soạn thảo điều lệ để chuẩn bị xin phép lập hội. Bấy giờ thường hay hội họp ở nhà ông Chung. Khi thảo thành điều lệ chung, chúng tôi cũng có bạch với tất cả các cụ Hòa thượng, chư Tăng ở Hà Nội. Bấy giờ, có cụ Đinh Quang Lạc trụ trì chùa Vũ thạch ở Hà Nội là người giao thiệp rộng vào bậc nhất. Cụ thân với cả Đốc lý và Hoàng Trọng Phu cùng các quan lại khác nên cụ nói gì tất cả các sư ở Hà Nội đều tin theo hết.

 

Ngay khi mới tới Hà Nội, tôi đã đến ngay chùa Vũ Thạch, đem việc này bàn với cụ. Cụ rất niềm nở và tiếp đón rất nồng hậu. Tuy nhiên, bề ngoài thì cụ hết sức tán thành nhưng trong thâm tâm thì tìm mọi cách ngăn trở không cho thành lập. Cụ thường nói rằng việc này để hỏi ý kiến cụ lớn Võ (Hoàng Trọng Phu) và cụ Thiếu Nguyễn (Nguyễn Năng Quốc) xem các cụ báo sao đã.

 

Chúng tôi kiên trì đi lại vân động, chờ đợi mãi mà vẫn không thấy tia hy vọng nào. Cuối năm 1932, chúng tôi cương quyết tiến hành, bèn họp nhau tại nhà ông Vũ Đình Chung, cùng ký tên vào bản điều lệ để xin phép và bầu ông Chung làm Hội trưởng. Tin này vừa truyền ra, lập tức Sư cụ chùa Vũ Thạch triệu tập tất cả sư trong các sơn môn ở Hà Nội về chùa Bà Đá để bàn việc đối phó, ngăn cản, quyết không cho chúng tôi thành lập hội. Các cụ cho rằng nếu để cho hội Phật giáo thành lập sẽ khó cho các sư. Bấy giờ chúng tôi vẫn đi lại cả hai bên: Cả bên thuận và bên chống. Sau đấy vài hôm, tôi đến chùa Vũ Thạch. Xem ý bên trong cụ không bằng lòng nhưng bề ngoài cụ vẫn tỏ vẻ niềm nở. Vừa gặp tôi, cụ nói: "A! Sư huynh đã đến. Việc này chắc sư huynh biết rõ. Mình phải ngăn họ, không thể để cho họ quấy rối đạo Phật của mình được...".

 

Biết ý sự đối kháng của cụ đã lên tới cao độ nhưng tôi vẫn tỏ vẻ bình tỉnh, nói: "Bạch cụ con vừa ở Hà Nam lên, chưa biết việc gì cả. Vậy, có việc gì xin cụ hoan hỷ cho con biết.".

 

- Sư huynh chưa biết thật à? Nghe nói bọn mấy người họ đã ký tên vào bản điều lệ để xin phép lập hội Phật giáo rồi đấy.

 

- Con tin chắc việc này thế nào họ cũng phải thưa với chư Tăng nhất là với cụ chứ? Nếu không thì họ làm với ai? Ai là người theo họ?

 

- Có, có. Họ vẫn đến luôn. Nhưng tôi vẫn bảo họ là để tôi hỏi lại ý các cụ lớn xem sao đã. Chưa đâu ra đâu cả mà họ đã hấp tấp như thế, không khéo sẽ phải ăn cơm nắm cả lũ cho mà xem (đe là sẽ cho vào tù). Sư huynh có thể tìm hiểu xem công việc của bọn họ làm thế nào, về đây cho tôi biết thì hay lắm.

 

Tôi lại trở về bàn với bên thuận. Chúng tôi nhận định: Phản ứng của các sư có thể mạnh hơn, việc chúng ta làm có thể không thành, nay cần phải làm thế nào cho mọi người tưởng là chúng ta không làm nữa, để dư luận lắng xuống đã. Cuối cùng đưa ra kế sách: Bề ngoài phao tin là việc làm này đã thôi hẳn rồi nhưng bên trong cứ tiến hành xin phép. Khi được phép thành lập rồi sẽ tuyên bố. Lúc ấy không ai làm gì được nữa.

 

Chúng tôi bèn cho dánh máy lại tờ cuối cùng của bản điều lệ có ghi tên chức vụ trong ban trị sự lâm thời và ký giả vào đấy để mang đến cho Sư cụ chùa Vũ Thạch xem và nói là bản điều lệ định xin phép đã hủy đi rồi. Chỉ cốt đưa mình Sư cụ chùa Vũ thạch xem là đủ rồi vì tất cả các sư ở Hà Nội đều tin ở Sư cụ ấy cả.

 

Làm xong, tôi đem mấy tờ giấy ấy đến trình Sư cụ chùa Vũ Thạch xem và nói rằng việc này đã thôi hẳn rồi, không còn tiến hành nữa, đây là những tờ cuối của bản điều lệ, còn có các chữ ký của ban trị sự đứng ra xin phép đây. Cụ bèn cầm lấy, đeo kính lên xem, và tỏ vẻ đắc ý lắm. Cho là đã phá được việc này, cụ gật gù nói: "May mà có sư huynh. Nếu không thì họ rầy rà các sư và quấy rối đạo Phật  chứ bọn họ thì làm gì được. Sư huynh để mấy tờ giấy này ở đây cho tôi...".

 

Tôi bèn thưa: " Bạch cụ, đây là những tờ giấy bỏ đi, cụ giữ làm gì? Đốt quách đi cho xong.". Nói xong tôi liền cầm diêm đánh, đốt ngay trước mặt Sư cụ. Từ đấy trở đi, mỗi khi đến Hà Nội, tôi rất ít ra vào chùa Vũ Thạch.

 

Biết công việc còn nhiều trở ngại, khó khăn nhưng tôi vẫn ở lại Hà Nội để tìm phương cách khác. Tôi nghĩ: Thế nào cũng có ngày thành tựu kết quả nên quyết không chịu lùi bước. Cũng như con cá sống, càng bị ngược nước càng cố tiến lên, việc có khó mới là những việc của người có chí lớn: "Thua keo này bày keo khác.".

http://ahvinhnghiem.org/trihai/thunhat.html

..

(đang lấy tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.