Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

13/01/2022

Ghi nhớ tại Phủ Chính Tiên Hương (Nam Định) : đã ghi rõ "năm 1683" vào ngày 13/1/2022

Cần ghi nhớ điều này, vào chính ngày hôm nay (Thứ Năm, ngày 13 tháng 1 năm 2022), viết rõ bằng bút bi màu đen, tại sân Phủ Chính Tiên Hương.

Chúng tôi cùng nhau xuất phát sớm từ Hà Nội. Mưa bay bay trên đường đi và khắp cả vùng Phủ Giầy/Dầy. Chỉ có một ít phút hửng lên vào khoảng giờ Ngọ - lúc quay những thước phim cuối cùng, rồi sau đó là nghỉ ăn trưa.

Đây là ghi chú quan trọng về một đạo sắc phong mang niên đại Chính Hòa 4 (1683) của triều đình nhà Lê Trịnh cho Liễu Hạnh công chúa. Cụ thể như sau.

1. Về đạo sắc phong này, tôi đã phát hiện trực tiếp tại Phủ Giầy vào mùa hè năm 2017. Hôm đó, cùng đi với tôi, có nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Trung Sơn (thành phố Quảng Châu - Quảng Đông - Trung Quốc) do học giả Ngưu Quân Khải dẫn đầu. Đại khái một bức ảnh chụp kỉ niệm vào mùa hè năm 2017 ấy, là như sau (đã nhắc năm 2019, ở đây): 





2. Sau đó một thời gian, vào tháng 5 năm 2018, tôi đã công bố về việc phát hiện đạo sắc phong mang niên đại 1683 tại hội thảo quốc tế tổ chức tại Quảng Châu (hội thảo do Khoa Lịch sử - Đại học Trung Sơn chủ trì). Tin nhanh về hội thảo này ở đây ở đây.

Sau hội thảo Quảng Châu, tôi đã cho đăng bài viết thành 2 kì dài trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 5 năm 2018 và số 1 năm 2019).





3. Ngày 13 tháng 1 năm 2022, tôi lại có mặt ở khu vực Phủ Giầy, có cơ hội được khảo sát kĩ lưỡng sắc phong 1683 này thêm một lần nữa. Đây là lần thứ 2 tôi được tiếp xúc trực tiếp với tư liệu vô giá này. Cũng là lần thứ 2 tôi được chụp ảnh đạo sắc.

Lần khảo sát vào mùa hè năm 2017, chúng tôi chỉ được làm việc với đạo sắc (xem kĩ lưỡng, chụp ảnh, quay phim) ở bên trong Phủ Nội, nên có cảm giác bị thiếu ánh sáng. Tôi chụp bằng máy ảnh hiệu Canon, nhóm Ngưu Quân Khải thì chụp bằng điện thoại thông minh. 

Còn lần khảo sát tháng 1 năm 2022 này, chúng tôi được làm việc với đạo sắc ở bên ngoài trời (khu vực sân có mái che của Phủ Tiên Hương), nên cảm giác là đủ ảnh sáng, thuận lợi cho việc quay phim, chụp ảnh.

Đại khái quang cảnh như sau:

Quang cảnh làm việc tại Phủ Chính Tiên Hương ngày 13/1/2022

4. Trong lúc làm việc với đạo sắc, các cụ dòng họ Trần Lê và cán bộ Bảo tàng Nam Định cùng xác nhận là: ở mặt sau của đạo sắc 1683 có một dòng ghi bằng chữ quốc ngữ của dòng họ Trần Lê với ý nghĩa để đánh dấu. Dòng đó như sau: Sắc phong cho Liễu Hạnh công chúa. Niên đại: Cảnh Hưng 4 (1743). Có nghĩa là, các cụ dòng họ Trần Lê đánh dấu rằng, đây là sắc phong mang niên đại Cảnh Hưng 4 (1743) và là phong cho Liễu Hạnh Mã Vàng công chúa.

Dòng chữ quốc ngữ được ghi ở mặt sau của sắc phong 1683.
Nội dung ghi là: "Sắc phong cho Liễu Hạnh Mã Vàng công chúa. Niên đại : Cảnh Hưng 4 (1743)"

Mặt sau hiện nay của đạo sắc 1683 là một tờ giấy bản mới (do đạo sắc đã hư hại nhiều nên cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Nam Định phải xử lí theo phương pháp tu chỉnh tài liệu cổ - họ có bồi một tờ giấy bản xuống dưới làm đáy). Bởi vậy, việc ghi thêm bằng chữ quốc ngữ để đánh dấu như hiện thấy là không ảnh hưởng gì tới phần nguyên bản của đạo sắc phong.

5. Dòng ghi bằng quốc ngữ ở mặt sau trên đây là dựa vào kết quả khảo sát - nghiên cứu nhóm sắc phong đang được dòng họ Trần Lê ở Phủ Giầy lưu giữ do Bảo tàng Nam Định thực hiện hơn 10 năm về trước (các năm 2009-2011). 

Kết quả khảo sát - nghiên cứu đã được Bảo tàng Nam Định văn bản hóa (bao gồm cả phiên âm, dịch nghĩa sắc phong), đóng dấu công, rồi trao cho dòng họ Trần Lê ngay sau khi công việc hoàn thành. Tập tư liệu đó hiện lưu một bản trong dòng họ Trần Lê.

Người của dòng họ Trần Lê đã dựa theo kết quả khảo sát - nghiên cứu của Bảo tàng Nam Định mà ghi thêm dòng chữ quốc ngữ vào mặt sau của sắc phong (nhắc lại: là với mục đích đánh dấu rằng đó là sắc phong cho ai và niên đại là năm bao nhiêu).

6. Tại hiện trường vào sáng ngày 13/1/2022, trước sự chứng kiến của các cụ dòng họ Trần Lê, phía cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Nam Định đã thừa nhận đọc sai dòng niên đại (niên đại đúng phải là Chính Hòa 4, tức năm 1683).

Cán bộ Bảo tàng Nam Định đã đọc sai, nên dòng ghi bằng quốc ngữ đó của dòng họ Trần Lê cũng đã sai.

Sở dĩ, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Nam Định đã đọc sai, là bởi: thật ra, chữ Chính Hòa trong lòng sắc bị tàn khuyết (không thấy hoàn toàn chữ Chính Hòa, bởi nó đã bị tàn khuyết) ! Họ đọc nhầm thành Cảnh Hưng. Từ nhầm lẫn này, sắc phong có niên đại thực sự là 1683 (Chính Hòa 4) đã bị lùi xuống tận năm 1743 (Cảnh Hưng 4).

7. Do biết nhầm rồi, nên ngay tại hiện trường lúc đó, các cụ dòng họ Trần Lê và các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Nam Định đề nghị tôi (chủ nhân Giao Blog) viết một dòng đính chính ở bên dưới dòng quốc ngữ trên.

Vậy là, tôi mạnh dạn ghi thêm một dòng như sau bằng bút bi màu đen: Nhầm - Đúng là Chính Hòa 4 (1683) - CXG ghi ngày 13/1/2022.

Dòng cải chính của CXG ghi ngày 13/1/2022


Như vậy là tôi đã ghi cụ thể ba nội dung sau: 1). Khẳng định dòng ghi cũ là không đúng (nhầm); 2). Khẳng định niên đại đúng của sắc phong là năm 1683; 3). Dòng ghi đó do tôi (CXG = Chu Xuân Giao) thực hiện vào ngày 13/1/2022.

Đại khái vậy, tôi đã hoàn thành việc đánh dấu lại niên đại sắc phong từ lời đề nghị của các cụ dòng họ Trần Lê và cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Nam Định.

Ngày 13 tháng 1 năm 2022,
Giao Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.