Chùa Xiển Pháp hiện chỉ còn phế tích trong khu vực dân cư ở ngõ 20 đường Cát Linh (Hà Nội). Đây vốn là một ngôi chùa lớn, được định vị là nằm ở bên trái chủa Cát Linh và bên phải Văn Miếu, đại khái ở khu vực sân vận động Hàng Đẫy ngày nay.
Liên quan đến chùa Xiển Pháp, hồi đầu năm 2021, tôi đã giới thiệu một cuốn kinh diễn âm thú vị được in tại chùa này hồi cuối thế kỉ 19, ở đây.
Tên dân gian của Xiển Pháp tự (đến nay vẫn gọi) là chùa Trại. Đến ngõ 20 đường Cát Linh ngày nay, nếu hỏi chùa Xiển Pháp thì có khi người dân không biết. Còn hỏi chùa Trại thì người ta sẽ chỉ đến khu nhà dân còn đang lưu các phế tích --- sẽ nói rõ ở một dịp khác.
Xiển Pháp là ngôi chùa gắn với với tên tuổi vị sư danh tiếng Tính Định (1842-1901). Sư Tính Định và các nhà sư chùa Xiển Pháp đã tổ chức khắc in nhiều bộ kinh vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Đặc biệt, trong đó, có nhiều cuốn kinh được diễn Nôm (tức là dùng chữ Nôm để diễn ý của kinh điển Phật giáo).
Hôm nay, Giao Blog giới thiệu bài của ni sư Thích Đàm Vân.
Tháng 1 năm 2022,
Giao Blog
Chủ nhân Giao Blog đang ở bên cạnh hai tấm bia đá của chủa Xiển Pháp hiện đang ở trong phòng ngủ nhà dân ngõ 20 đường Cát Linh (Hà Nội) (ảnh của PVT, chụp ngày 15/1/2022) |
---
(Thuộc thiền phái Tào Động)
Tỷ khiêu ni THÍCH ĐÀM VÂN*
Trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi du nhập vào Việt Nam, Đạo Phật luôn gắn bó cùng dân tộc, luôn là điểm sáng tâm linh đối với người dân Việt Nam nói chung và tín đồ Đạo Phật nói riêng. Ngày nay, tuy khoa học phát triển nhưng người ta vẫn cần đến Đạo Phật như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Đó là thành quả từ tinh thần Từ Bi Hỉ Xả và trí tuệ của Đạo Phật, song chúng ta cũng không thể quên và phủ nhận những công lao to lớn của các bậc Danh Tăng, các vị Sư trụ trì tại các tự viện trải qua các thế hệ – những người đã duy trì chính pháp, đem tinh thần Phật pháp hòa quyện trong dân gian... Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu vài nét sơ lược về chân dung và hành trạng của một vị Tổ Sư pháp danh Tính Định(1) cùng ngôi chùa do Ngài khai sáng thuộc Thiền phái Tào Động đã từng hiện hữu giữa chốn Hà Thành mang tên “Xiển Pháp Tự”.
1. Chân dung, hành trạng của Tổ Sư khai sáng chùa Xiển Pháp:
Theo 紀念碑記 “Kỷ niệm bi ký”(2) ký hiệu N0 25223/24, được khắc năm Bảo Đại, Đinh Mão 1927, hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số nguồn thông tin đáng tin cậy(3) cho biết: Ngài họ Hàn, tên Thái Ninh, tự Tâm Châu pháp danh là Tính Định (1842 – 1901) thọ 62 tuổi. Quê hương tại làng Đồng Dương – tổng Đồng Dương- phủ Thanh Oai nay là làng Đồng Dương, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ngài xuất gia tại chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) Hà Nội, là đệ tử của Sư tổ Thích Chính Bỉnh đời thứ mười một thuộc thiền phái Tào Động Việt Nam, một trong hai tông phái lớn nhất (Lâm Tế và Tào Động) của Phật giáo miền Bắc Việt Nam. Ngài sinh ra trong một gia đình khá giả giàu lòng mộ đạo. Từ nhỏ, Ngài đã có lòng từ bi và tướng mạo hơn người. Vốn bản tính thông minh, Ngài được song thân hết mực thương yêu nuôi dưỡng và cho học hành đầy đủ chữ nghĩa văn chương. Đến khi Ngài trưởng thành và xuất gia thì sự siêu phàm ấy càng khiến cho người đời tôn kính. Trong khoa cúng Tổ chùa Linh Quang Tự(4) tả về dung mạo của Ngài: “三亭平滿, 堂堂出 世天姿, 五體圓明, 肅肅度人福相” (Tam đình bình mãn, đường đường xuất thế thiên tư, ngũ thể viên minh, túc túc độ nhân phúc tướng). Tạm dịch: “Thân hình vạm vỡ, hiên ngang tư chất siêu phàm, năm vóc đầy đặn sáng ngời, đoan nghiêm đầy đủ phúc tướng độ người.”
Sinh thời, Ngài độ được 5 vị đệ tử, tất cả đều thành đạt và có danh tiếng. Đệ tử thứ nhất của Ngài là Hòa thượng Thích Thanh Thức về sau kế đăng chùa Đồng Dương; Đệ tử thứ hai là Hòa thượng Thích Thanh Tri (cháu ruột của Ngài) kế đăng chùa Xiển Pháp; Đệ tử thứ ba là Hòa thượng Thích Thanh Chư khai sáng chùa Đông Tân(5); Đệ tử thứ tư là Hòa thượng Thích Thanh Mai khai sáng chùa Quang Minh, Đống Đa, Hà Nội; Đệ tử thứ năm là Hòa thượng Thích Thanh Hợp kế đăng chùa Cầu Nôm và chùa Đồng Tỉnh- xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (có di ảnh và Tháp thờ Hòa Thượng Thanh Hợp tại chùa này).
Tổ Tính Định tự Tâm Châu là một bậc chân tu, đạo hạnh trang nghiêm, tinh thông kinh điển, Ngài là người đầu tiên thành lập đạo tràng, viết nhiều kinh sách, xiển dương pháp môn Tịnh Độ tại Miền bắc. Thời gian trụ trì tại chùa Xiển Pháp, Ngài đã cho khắc in rất nhiều các bộ Kinh sách nhà Phật. Trong bài viết Chùa Xiển Pháp, Hà Nội- ngôi chùa và những cuốn kinh Phật, TS Vương Thị Hường cho biết: Chùa Xiển Pháp là một trong những địa chỉ in ấn nổi tiếng vào đầu thế kỉ XIX. Tổng số kinh Phật mà chùa Xiển Pháp in là 20 cuốn, hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ 15 cuốn. Trong số 20 cuốn đó thì có tới 7 cuốn được diễn âm bằng chữ Nôm, chiếm 1/3 tổng lượng sách được in(6). Theo bài 諸經演音引“Chư kinh diễn âm dẫn” của Tổ Tính Định, kinh diễn Nôm do Ngài khắc in có đến tám quyển chứ không phải bảy quyển. Bài “Chư Kinh Diễn Âm dẫn” viết: “Kinh quốc âm này tám quyển, là nhiều nghĩa Kinh Nhân Quả, biết rằng những đời trước làm thiện thì đời này được phúc, trước làm ác đời này chịu khổ để mà suy nhân. Kinh Bố Thí để mà biết sang hèn giàu nghèo; Kinh Mục Liên để mà biết ba đường dữ khổ. Kinh Di Đà để mà biết sung sướng lâu dài khỏi phải đày thân đói cốc; kinh Ngũ Vương để mà biết ở đời khổ, đói, như chiêm bao; kinh Xuất Gia biết rằng tu một ngày mà công đức cũng rộng lớn, kinh Thập Lục Quán để mà dễ tu, như thiền định, trí tuệ đại thừa càng rõ lắm. Còn Tịnh Độ là đường tu tắt, trăm nghìn người cũng chẳng sót ai. Lại có bài Bất Tịnh Quán để mà biết phép tu thiền định, lại kệ Vô Tướng Chân Không để sinh trí tuệ thẳng đến vô thượng Bồ Đề. Tám quyển này đủ cả pháp tu, lại chữ dễ học, dễ làm, dễ biết…”. Như vậy, rất có thể còn một quyển nữa đang bị thất lạc.
Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu các bản kinh diễn Nôm được khắc in tại chùa Xiển Pháp, chúng tôi được biết những bản Kinh Phật trích yếu diễn âm này đều cùng một tác giả đó là Tổ Tính Định. Văn phong của Ngài giản dị, trong sáng, nghĩa lý thì cô đọng, dễ hiểu và dễ nhớ. Những cuốn sách Ngài đã khắc in, cùng các bài kinh Phật Ngài đã diễn Nôm, hiện là những di sản văn hóa, có giá trị rất cao về văn hóa và tâm linh, đang trở thành tài liệu quý hiếm cho các nhà nghiên cứu khoa học nói chung và giới tu sĩ Phật giáo nói riêng. Việc làm của Ngài không phải người xuất gia nào cũng có thể làm được.
Song song với việc in ấn kinh sách Ngài đã xây chùa, tô tượng đúc chuông, khai tràng thuyết pháp, xiển dương pháp môn Tịnh độ. Theo sự lưu truyền của sơn môn pháp phái chùa Xiển Pháp, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết: hai chữ “Xiển Pháp” chính là “Tông chỉ” của Sơn môn cũng chính là ý nghĩa của hai câu đối trước đây ghi tại chùa Xiển Pháp, nay được ghi trước Tổ đường chùa Cự Đà(7)): “闡淨土宗, 斯世易修还易証 - 法無上說, 信根難解且難 行”. Âm: “Xiển Tịnh Độ Tông, tư thế dị tu hoàn dị chứng- Pháp vô thượng thuyết, tín căn nan giải thả nan hành”. Tạm dịch: Xiển dương pháp môn Tịnh độ, thì đời dễ tu mà lại dễ chứng đắc. Diễn nói pháp môn vô thượng, vừa khó phát được lòng tin lại khó thực hành.
Trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp- dân tộc, Ngài đã đứng lên xây dựng được 4 ngôi chùa: Một là chùa Xiển Pháp tức chùa Trại (đã bị phá mất trong thời chiến tranh); Hai là chùa Đồng Dương, tổng Đồng Dương- Phủ Thanh Oai nay là chùa Đồng Dương, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; Ba là chùa Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội; Bốn là chùa Đồng Tỉnh nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Tất cả các chùa mà Ngài xây dựng như chùa Xiển Pháp, chùa Đồng Dương, chùa Ước Lễ, chùa Đồng Tỉnh đều được thiết kế và bài trí tượng Phật theo tư tưởng Tịnh Độ tông, chính điện Tam Bảo không có các tượng: Phật Tam Thế, Phật Di Lặc, Tuyết Sơn… như những chùa thông thường khác ở miền Bắc, mà chỉ có tượng “Tây Phương Tam Thánh” tức Phật Di Đà (chính giữa) và tượng Bồ tát Quan Âm, Thế Chí thị giả hai bên, điều này thể hiện sự nhất quán trong pháp môn tu Tịnh độ của Ngài.
2. Chùa Xiển Pháp- dấu tích còn lưu
Trong quá trình tìm hiểu về hành trạng của Tổ Tính Định và chùa Xiển Pháp, chúng tôi đã trực tiếp tìm đến địa danh mảnh đất trước đây đã xây chùa.
Theo thông tin ghi trên cuốn sách kí hiệu AB.98(8) “Xiển Pháp tự, tả cận Văn Miếu, hữu cận Cát Linh…”, chúng tôi đã đến khu vực sân vận động Hàng Đẫy, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để hỏi thăm nhưng không ai biết về chùa Xiển Pháp. Chúng tôi lại tiếp tục cuộc tìm kiếm và cuối cùng có người cho biết: “tìm chùa Trại phải đến ngõ 20 phố Cát Linh…”. Khi chúng tôi đến ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, ngay từ đầu ngõ chúng tôi đã được người dân cho biết: “nhà chùa đi thẳng đây, rẽ phải rồi rẽ trái mấy nhà trong đó đều ở trên đất chùa Trại…”. Đi vào phía trong ngõ chúng tôi được một ông cụ khoảng ngoài 70 tuổi chỉ dẫn: “nhà số 1 ngách 2 là chùa đấy, nhà có tấm bia đá thò ra ngoài đường, đó chính là chùa...”
Chúng tôi theo hướng chỉ đi đến nơi, nhìn phía bên ngoài thì đúng là đầu hồi chùa, kiến trúc và hoa văn hiện vẫn còn, tường được xây bằng gạch cũ kích cỡ khoảng 20cm x 16cm, gạch đã bị hư mục nên nét cổ kính lại càng hiện rõ. Bên dưới chân tường có một phiến đá hình dạng giống như tấm bia lộ hẳn ra ngoài lối đi (đây chính là mặt sau của tấm bia). Chúng tôi được chủ nhà mời vào trong nhà xem bia.
“Căn nhà”(9) quá chật hẹp, rộng chừng 2 mét, dài chừng 6 mét, chủ nhà kê 1 chiếc giường nhỏ, chỗ đất dư vừa để “xoay chân”, chỗ xoay chân ấy nhìn lên chính là 2 tấm bia. Một tấm bia tên 闡法寺碑記 “Xiển Pháp tự bi ký” tấm còn lại không có tên bia. Hai tấm bia này được lập cùng một thời gian, vào thời Tự Đức thứ 34 tức năm Tân Tị (1881).
闡法寺碑記 “Xiển Pháp tự bi ký” ghi: “Tự Đức tam thập tứ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhật lập”, tức là bia được khắc vào ngày 20 tháng 11 năm Tự Đức thứ 34 (1881). “Xiển Pháp tự bi ký” nói về tiểu sử lập chùa, không đề tên người lập bia. Phần do bia khắc đã lâu năm, nay lại ở ngay cạnh giường ngủ của gia đình nên tấm bia này bị mờ, vết gạch xóa rất nhiều không thể đọc hết từng chữ. Nội dung bia cho biết: Đất nơi dựng chùa Xiển Pháp trước kia vốn là vườn cũ của quan tổng đốc, thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Mùa xuân năm Nhâm Thân niên hiệu Tự Đức (1872), cụ Hàn Thái Ninh (tức Tổ Tính Định) đã đến đất này và cảm thấy nơi đây còn thiếu cảnh Phật, nên bàn với các đệ tử mua đất này (vườn của quan Tổng đốc) để làm chùa. Ngày mùng 2 tháng 5 năm Tự Đức thứ 25 (1875), thì lập xong khế ước mua đất và giao đầy đủ theo giá tiền là 20 quan…
Tấm bia còn lại vì không có tên nên chúng tôi tạm gọi là bia Vô đề. Nội dung bia vô đề phần trước nói về nhân duyên Tổ Tính Định ngộ đạo, phần sau miêu tả hệ thống kiến trúc của chùa Xiển Pháp và tên một số người phát tâm cúng tiền xây dựng chùa. Bia ghi: “Dư hạnh hữu duyên ư Phật giáo, ngộ đạo hữu quan Tâm Bình vị dư: “tụng kinh Lăng Nghiêm, tức năng liễu ngộ”. Dư độc chi, hậu tri kỳ như mĩ, như hoạch minh châu, ý dục xuất gia tu trì Phật giáo. Kinh hưng thượng thuyết, Xá Vệ Quốc hữu nhất trưởng giả, dĩ hoàng kim bố địa mãi đắc Thái tử Kỳ viên, thỉnh đắc Thế Tôn thuyết pháp. Dư hiện dữ trưởng giả tâm thậm tàm quý hà năng kiến tự, văn pháp. Ư Nhâm Thân niên, chư nhân khuyến mãi thị địa, chí Ất Hợi niên khởi nội điện nhất tòa tam gian, trung phụng A Di Đà Phật tượng, lưỡng biên Quan Âm, Thế Chí nhị vị Bồ Tát. Tả phụng Thánh Tăng Phật tượng, hữu phụng Thổ địa thần tượng. Tự danh Xiển Pháp, chính dục xiển dương Phật Pháp ư vô cùng dã. Kỉ Mão niên, trùng tu ngoại điện nhất tòa ngũ gian cập Tổ đường, trú gia ốc, chung cổ, tịnh thực thụ mộc hoa, cơ chỉ tạp thành hiệp thô vi nhất tiểu tùng lâm. Nghi lập bi ký, vĩnh cửu vân lạc trợ khởi tạo thiện tín tính danh liệt vu thạch, quan Tâm Bình hựu cúng tiền tứ bách quan, Đức Hanh hiệu tam thứ cúng tiền nhất bách quan, Công Thiện hội cúng tiền thất thập quan, Trần Quảng Xương cúng tiền nhị bách quan, Nguyên Ký cúng Sư Tử nhất song, tồn giả Hàn thị, Ngô thị cập thập phương cúng…
Bản tự trụ trì Bồ Tát giới Hàn Thái Ninh pháp danh Tính Định ký”.
Tạm dịch: “Tôi thật may mắn có duyên với Phật giáo, gặp đạo hữu quan Tâm Bình khuyên tôi tụng kinh Lăng Nghiêm thì có khả năng liễu ngộ. Tôi tụng rồi mới thấy rằng kinh Lăng Nghiêm thật tuyệt vời, giống như có được viên ngọc minh châu. Tôi liền muốn đi xuất gia tu trì theo Phật giáo. Trong kinh có nói: Ở nước Xá Vệ, có một trưởng giả, lấy vàng dải đất, mua được vườn của Thái tử Kỳ Đà, thỉnh được đức Thế Tôn thuyết pháp. Tôi bây giờ so với tâm của trưởng giả kia thật là xấu hổ, làm sao có khả năng xây chùa nghe pháp. Vào năm Nhâm Thân, khuyến hóa mọi người mua mảnh đất này, đến năm Ất Hợi bắt đầu xây ngôi Tam Bảo (nội điện) một tòa ba gian. Giữa thờ đức Phật A Di Đà, hai bên thờ Bồ Tát Quán Âm và Bồ Tát Thế Chí, bên trái thờ tượng Thánh Tăng (ngài A Nan), bên phải thờ tượng Thần Thổ Địa (Đức Ông). Đặt tên chùa là Xiển Pháp chính vì muốn Phật pháp được xiển dương mãi mãi vậy. Năm Kỉ Mão, lại xây thêm một tòa 5 gian tiền đường, và Nhà Tổ, phòng ở, gác chuông và trồng cây cối, hoa cỏ… tất cả gây dựng hợp lại cũng tạm gọi là một tiểu tùng lâm. Cũng nên làm bia đá để mãi mãi ghi lại tên tuổi của các thiện hữu đã hoan hỉ phát tâm cúng dàng trong những buổi đầu khởi tạo. Quan Tâm Bình lại cúng tiền bốn trăm quan, cửa hiệu Đức Hanh ba lần cúng tiền là một trăm quan, hội Công Thiện cúng tiền bảy mươi quan, Trần Quảng Xương cúng hai trăm quan, Nguyên Ký cúng một đôi Sư Tử, còn lại họ Hàn và họ Ngô cùng thập phương cúng dàng…
Bản tự trụ trì Bồ Tát giới Hàn Thái Ninh pháp danh Tính Định ghi”.
Qua nội dung 2 tấm bia trên chúng tôi có thể đưa ra một vài kết luận như sau:
- Người khai sáng chùa Xiển Pháp là Bồ Tát giới pháp danh Tính Định, thế danh Hàn Thái Ninh, Ngài cũng chính là tác giả của các bản kinh diễn âm.
- Chùa Xiển Pháp chính thức được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 25, tức năm Ất Hợi (1875).
- Hai tấm bia hiện còn tại số nhà 01 ngách 2 ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, được khắc vào năm Tự Đức thứ 34, tức năm Tân Tị (1881) sau chín năm kể từ khi bắt đầu xây dựng chùa.
- Theo địa danh trước đây trên bản đồ địa chính, chùa Xiển Pháp thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Nay địa phận đó được xác định tại khu vực số nhà 01 ngách 2 ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Trên đây là những thông tin mà chúng tôi đã tìm hiểu được về ngôi chùa mang tên “Xiển Pháp Tự”.
Trong quá trình trò chuyện, chủ nhà và những người dân ở đây đã kể cho chúng tôi nghe: chùa Xiển Pháp trước đây đất đai rất rộng, Tam Bảo, nhà Tổ… được xây dựng nguy nga, cây cối xanh tươi, cảnh chùa sầm uất… Trong thời chiến tranh chống Pháp chùa đã bị bom đạn tàn phá, bộ đội cách mạng từng lưu trú nơi đây. Khi đó thầy chùa cũng phải đi sơ tán. Sau khi hết chiến tranh, nhân dân sơ tán trở về thì cảnh chùa tan hoang không còn như trước nữa, người dân tự dựng lều ở nơi đất chùa, rồi sau này thì nhà nước cấp giấy tờ phân chia đất chùa cho họ…
Nghe xong câu truyện về chùa Xiển Pháp, trong tôi trào dâng lòng cảm kích đan xen đôi chút ngậm ngùi. Cảm kích trước tài đức, trí tuệ và công lao của Tổ, lại ngậm ngùi oán ghét sự chiến tranh… Đúng là “cuộc đời vô thường, cõi nước mong manh”, nhưng trong cái “vô thường” kia vẫn còn có cái “thường”, cái mà người dân ngày nay còn nhắc tới, cái mà chúng tôi đang ngày đêm mải mê để kiếm tìm, tìm về cuội nguồn, tìm về nguồn pháp nhũ năm xưa…
Trong bài viết này chúng tôi đã giới thiệu sơ lược đến các độc giả về hành trạng và chân dung của Tổ Tính Định tự Tâm Châu, đồng thời cung cấp cho các độc giả, các nhà nghiên cứu một số thông tin về ngôi chùa mang tên “Xiển Pháp Tự”. Tuy nhiên, đây chỉ là một số thông tin chúng tôi tìm hiểu được, do dung lượng của số trang nên các vấn đề khác xin được tiếp tục nghiên cứu và trao đổi ở những bài viết sau để độc giả có cái nhìn bao quát hơn về một bậc chân tu - bậc thầy mô phạm đã dốc lòng vì Phật Pháp.
Tài liệu tham khảo:
- Vương Thị Hường, (2013), Chùa Xiển Pháp, Hà Nội- Ngôi chùa và những cuốn sách kinh Phật, Tạp chí Hán Nôm (120).
- Nguyễn Thúy Nga- Nguyễn Văn Nguyên (chủ biên) (2007), Địa chí Thăng Long Hà Nội trong Thư tịch Hán Nôm, NXB Viện KHXHVN- Viện nghiên cứu Hán Nôm.
- Nhóm tác giả, (1991), Danh mục thác bản văn khắc Hán Nôm - Viện Hán Nôm (Lưu hành nội bộ).
- Mai Hồng- Nguyễn Hữu Mùi: Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1986.
- 諸經演音引“Chư kinh diễn âm dẫn” ký hiệu: AB.98. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- 紀念碑記 “Kỷ niệm bi ký” ký hiệu: N0 25223/24. Viện nghiên cứu Hán Nôm
- 闡法寺碑記 “Xiển Pháp tự bi ký” và Vô đề. Thực địa tại số nhà 01 ngách 2 ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
* NCS. Đại Học Sư phạm I Hà Nội.
(1) Tổ Tính Định tự Tâm Châu thuộc đời thứ 12 Thiền phái Tào Động Việt Nam.
(2) Bia này hiện vẫn còn tại chùa Đồng Dương, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
(3) Thông tin có được từ Thượng tọa Thích Thanh Chính hiện đang trụ trì chùa Đồng Dương và Thượng tọa Thích Tiến Đạt- hậu duệ của Tổ Tính Định.
(4) Còn gọi là chùa Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Tp Hà Nội.
(5) Về sau đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Chư về trụ trì chùa Linh Quang, làng Vũ Lăng, trong khoa cúng Tổ của chùa Linh Quang, đường thỉnh đệ nhất Tổ sư là Ngài Tính Định, đệ nhị Tổ là Hòa thượng Thích Thanh Chư…
(6) Vương Thị Hường, Chùa Xiển Pháp và những cuốn sách kinh Phật. Tạp chí Hán Nôm số 5 (2013), tr 62-67.
(7) ) Linh Minh Tự- xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, nơi Thượng tọa Thích Tiến Đạt đang trụ trì.
(8) Sách đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(9) Chỗ này chúng tôi nghi là cái dĩ đầu hồi chùa, vì trước đây chùa được xây theo kiến trúc kiểu chữ Nhị.
http://chuaxaloi.vn/thong-tin/vai-net-so-luoc-ve-chua-xien-phap-va-vi-to-su-khai-sang/2585.html
---
BỔ SUNG
1.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TÓM TẮT
Xiển Pháp là ngôi chùa được nhắc tới trong các nghiên cứu lịch sử Phật giáo và văn hóa in ấn truyền thống sử dụng mộc bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, tư liệu trực tiếp đề cập tới lịch sử của ngôi chùa này là hai tấm bia đá hiện đang nằm tại nền chùa cũ lại chưa từng được tìm hiểu một cách đầy đủ. Nghiên cứu này, thông qua việc tìm hiểu kỹ lưỡng hai tấm bia này kết hợp với một số tư liệu Hán Nôm hữu quan, tái dựng lịch sử hình thành của ngôi chùa Xiển Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đồng thời đặt ra nghi vấn về cuộc đời tu hành của Hàn Thái Ninh – vị trụ trì chùa Xiển Pháp.
Từ khóa: Chùa Xiển Pháp, Tính Định, Hàn Thái Ninh, Văn bia, Tịnh Độ tông.
ABSTRACT
Xien Phap monastery is mentioned in the studies of Buddhist history and its woodblocks printing culture in Vietnam. However, the two steles, which are the direct reference to the history of this monastery, located at the foundation of the old temple have never been fully studied. This article by studying thoroughly these two steles together with related Sino-Nom sources, has reconstructed the history of the formation of Xien Phap monastery in the late nineteenth century, and questions the life of Han Thai Ninh – the abbot of this monastery.
Keywords: Xien Phap Monastery, Tinh Dinh, Han Thai Ninh, Stele, Pure Land School.
x
x x
1. Chùa Xiển Pháp qua những nghiên cứu đã công bố
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, đã xuất hiện một số nghiên cứu về các cơ sở in ấn nói chung và cơ sở in ấn của Phật giáo nói riêng2 trong phạm vi chủ đề nghiên cứu lịch sử Phật giáo và văn hóa in ấn truyền thống sử dụng mộc bản tại Việt Nam. Tại bài viết đầu tiên của mạch nghiên cứu đó, Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi (1989) đã nhắc tới tên chùa Xiển Pháp 闡法 với như là một cơ sở in ấn Phật giáo lớn ở Hà Nội “giữ vai trò quan trọng trong lịch sử in ấn của nước ta” thời cận đại, hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 1882-1898, in được 15 tác phẩm kinh Phật. Vương Thị Hường (2013: 62-67) cũng đã công bố một danh mục sách in ấn tại chùa Xiển Pháp gồm 20 tác phẩm.
Trong những nghiên cứu nêu trên, các tác giả mới chỉ đề cập tới lượng sách được khắc in ở chùa Xiển Pháp, lịch sử của ngôi chùa này tới năm 2014 mới hé lộ được một phần qua nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuận Ở chương 1 của nghiên cứu, tác giả đã cung cấp đôi nét thông tin về vị trụ trì “Bồ Tát giới pháp danh Tính Định” và thông tin về chùa qua hai tấm bia đá còn lưu lại. Tính Định được giới thiệu là người làng Đồng Dương 桐楊 (Hà Đông), tên thật là Hàn Thái Ninh 韓泰寧 (1842-1901), xuất gia với sư tổ Thích Chính Bỉnh 釋正秉 tông Tào Động ở chùa Hòe Nhai 槐街, tự là Tâm Châu 心珠1, pháp danh Tính Định 性定 (Nguyễn Thị Thuận, 2014: 12). Hai tấm bia đá của chùa Xiển Pháp nằm trong ngôi nhà số 1, ngách 2, ngõ 20, phố Cát Linh (Hà Nội), gắn trên tường cũ của chùa (nơi đây người dân đã chia nhau làm đất ở). Một tấm bia được giới thiệu có tên là Xiển Pháp tự bi ký 《闡法寺碑記》, tấm còn lại vô danh. Phụ lục của nghiên cứu bao gồm ảnh màu của hai tấm bia này. Tác giả không dịch toàn văn bia Xiển Pháp tự bi ký 《闡法寺碑記》, chỉ giới thiệu sơ lược một số nội dung nói về “tiểu sử lập chùa” và hiện trạng bia “vết gạch xóa rất nhiều không thể đọc hết từng chữ” (Nguyễn Thị Thuận, 2014: 16).
Đối với tấm bia vô danh, Nguyễn Thị Thuận mô tả nội dung “phần trước nói về nhân duyên Ngài ngộ đạo, phần sau miêu tả hệ thống kiến trúc chùa Xiển Pháp, và có tên một số người phát tâm cúng tiền xây chùa” (Nguyễn Thị Thuận, 2014: 16), kèm theo đó là phiên âm và bản dịch của một đoạn trong văn bia (Nguyễn Thị Thuận, 2014: 16-17)2.
2. Điền dã thu thập tư liệu văn bia chùa Xiển Pháp
Nghiên cứu lịch sử in ấn của một ngôi chùa, cần phải tái hiện được diện mạo của ngôi chùa đó qua các thông tin về người trụ trì, tông chỉ tu hành, nguồn sách vở, quan điểm khắc in… Với trường hợp chùa Xiển Pháp, tư liệu trực tiếp nhất có thể gợi mở những thông tin đó chính là hai tấm bia còn lại ở nền chùa cũ. Vì hai tấm bia này chưa được dịch trọn vẹn nên chúng tôi thấy rằng cần phải sưu tầm tư liệu này, phiên dịch và phác họa một hình ảnh chân xác hơn về ngôi chùa Xiển Pháp.
Theo chủ nhân ngôi nhà nơi có hai tấm bia, gia đình đã chuyển về đây sinh sống vào khoảng những năm 1980. Khi đó, hai tấm bia đá được gắn trên tường ở vị trí đó từ trước.
Cả hai tấm bia cùng có tên là Xiển Pháp tự bi ký 《闡法寺碑記》2, đều được dựng vào năm 1881. Một số hàng cuối cùng của cả hai tấm bia hiện không thấy chữ do bị tường xây lên che lấp.
Tấm bia thứ nhất có trán bia cong, kích thước 78×58 cm, có 18 dòng, mỗi dòng có khoảng 40-50 chữ. Bề mặt ở gần chân bia có những vết vỡ khá lớn. Nội dung tấm bia này là khoán ước mua bán đất giữa các ông Hàn Thái Ninh, Quan Tâm Bình 關心平, Lục Trung Hòa 陸中和 và bà Doãn Thị Xuyến 尹氏釧 để mua mảnh đất tại thôn An Trạch 安宅 với mục đích dựng chùa. Chúng tôi tạm gọi đây là bia khoán ước.
Tấm bia thứ hai có hình chữ nhật, kích thước 80×58 cm, có 18 dòng, mỗi dòng khoảng 38-40 chữ, tương ứng với tấm bia vô danh đã được nhắc tới trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuận (2014). Tấm bia này chữ khá mờ, có nhiều vết sứt do va đập. Nội dung bia nói về ý nghĩa pháp môn Tịnh Độ, nhân duyên ngộ đạo của Bồ Tát giới Tính Định, việc xây chùa, danh sách người cúng tiền. Chúng tôi tạm gọi đây là bia dựng chùa.
Sáng ngày 05/12/2019, được sự đồng ý của chủ nhà, chúng tôi đã tới in rập hai tấm bia này. Việc in rập gặp khá nhiều khó khăn do đồ đạc trong nhà nằm sát tấm bia không thể dịch chuyển ra ngoài, bia có hiện tượng nứt vỡ bề mặt, chữ bị mờ nhiều. Vì những lý do đó, bản rập không thể hiện được toàn bộ nội dung của hai tấm bia, chúng tôi tạm bỏ qua hoặc phỏng đoán theo tự dạng còn lại kết hợp với mạch văn để nhận diện những trường hợp chữ quá mờ, hoặc đã bị sứt vỡ.
3. Bản dịch hai tấm bia chùa Xiển Pháp1
Trên cơ sở tư liệu thu thập được, chúng tôi đã dịch nghĩa, chú thích một số nội dung trong hai tấm bia trên với mong muốn cung cấp cho độc giả một bản dịch tương đối đầy đủ.
3.1. Xiển Pháp tự bi ký 闡法寺碑記 (bia khoán ước):
“Bia ký chùa Xiển Pháp
Vườn và đất của chùa này là nhà cũ của Tổng đốc Ninh Thái. Mùa Xuân năm Nhâm Thân niên hiệu Tự Đức (1872), ta cùng đạo hữu là Quan Tâm Bình, Lục Trung Hòa tham thiền lễ Phật […] chủ họ Doãn nói rằng: “Mảnh đất này có thể xây chùa được. Các ông đã là Phật tử, tôi [] mảnh đất này nhượng cho […] giá tiền vốn do tiền tăng là Quang Lư2 cùng với tại gia Bồ Tát là Hoàng thị [][] thiện nữ […], nay lấy […] ắt nhiều. Lúc đó, đạo hữu Quan Tâm Bình cúng tiền 443 quan tiền. Tôi tự khuyến hóa được 1.600 quan tiền. Văn khế giao […] đại nhân là quan huyện ở huyện này đã đóng triện, kỳ mục trong thôn đã ký tên. Văn khế ấy cùng các thửa ruộng liệt kê []:
Việc bà Doãn Thị Xuyến ở thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục Cựu, tổng Khương Đình […] phủ Thường Tín, Hà Nội lập [văn khế] bán đứt nhà ở, đất, ao, ruộng, vườn để lập chùa Phật như sau:
Năm Tự Đức thứ 14 (1861) mua được từ bà Lê Thị Đoàn là vợ của cố Tổng đốc Ninh Thái họ Nguyễn và con trai là Nguyễn Đình Trụ (nguyên quán ở Thanh Hóa [][], nay ngụ ở thôn An Trạch, tổng An Thành, huyện Vĩnh Thuận bản tỉnh) một mảnh đất ở gồm một tòa nhà, hai nhà lá, cùng một khu đất, ao, ruộng, vườn tổng cộng 21 mẫu 8 sào 4 thước 6 tấc 7 ly, tọa lạc phía bắc [] An Trạch, theo giá tiền là 4.200 quan, có đầy đủ triện và chữ ký của lý trưởng cùng thôn ấy. Mảnh đất này được mua là để xây dựng chùa Phật […] có thể xây dựng. Nay thấy các ông Quan Tâm Bình, Lục Trung Hòa, Hàn Thái Ninh ở phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương là người có hằng tâm, muốn xây dựng chùa. [Doãn] thị lại đem đất ấy […] ruộng vườn bán đứt cho Quan Tâm Bình, Lục Trung Hòa, Hàn Thái Ninh, theo giá 2.000 quan tiền, lập văn khế giao nhận đã đủ. Đất, vườn, ao, ruộng của nhà ấy [] chủ mua trông nom, xây dựng chùa Phật để thành quả phúc, vĩnh viễn vạn năm về sau. Nếu có ám muội làm sai tự dụng thì sẽ có phép [] nước […].
Ngày mồng 2 tháng 5 năm Tự Đức thứ 25 (1872) lập văn khế.
Các thửa ruộng đất gồm 6 mẫu 4 sào 7 thước 1 thốn 5 phân:
Một thửa 9 sào 4 thước 9 thốn 4 phân 6 ly (Đông, Tây, Bắc giáp […]).
Một thửa 1 mẫu 3 sào 12 thước 33 ly ([…]).
Một thửa 2 mẫu 2 sào 1 thước ([…]).
Một thửa 4 sào 2 thước 5 thốn (Đông Tây Nam Bắc đều giáp Cổ [] []).
Một thửa 1 mẫu 3 sào 1 thước 6 tấc.
Một thửa 2 mẫu 2 sào 1 thước (Đông, Bắc đều giáp […]).
Một thửa 4 sào 2 thước 5 tấc (Đông, Tây, Nam, Bắc đều giáp Cổ [][]).
Một thửa 1 mẫu 3 sào 1 thước 6 tấc (Đông, Bắc […] Tây, Nam […] Cát Linh […]).
Một thửa rộng 5 mẫu 3 sào 12 thước ([…]).
[…] 2 mẫu 1 thước 7 tấc (Đông, Bắc đều giáp […]).
[…]
Doãn Thị Xuyến điểm chỉ. Viết văn khế […]
Ngày mồng 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 34 (1881)”.
3.2. Xiển Pháp tự bi ký 闡法寺碑記 (bia dựng chùa):
“Bia ký chùa Xiển Pháp
[…] nước Thiên Trúc […] luân hồi ở thế gian [] cõi […] xuất hiện [] ở trên hoa sen trong ao bảy báu 1, đưa tay phải lên, cất tiếng hống sư tử rằng: “Ta là bậc cao quý nhất ở trong hết thảy trời người, sinh tử vô lượng kiếp tới nay đã hết, kiếp sống này lợi ích hết thảy trời người”. Lúc ấy bốn vị Thiên vương lấy lụa trời […] phun hương thơm kỳ diệu. Vua trời nâng chậu vàng tắm rửa thân (Thái tử). Phạm vương cầm phất đứng ở bên. Thế giới [] các phương chấn động, phóng ra ánh sáng lớn. Lúc [] ra đời có ánh sáng vàng rất kỳ lạ quý báu […] rất trang nghiêm. Người con trai đó tới năm 19 tuổi xuất gia tu hành2, 6 năm thành Phật, ở đời thuyết pháp 49 năm, cứu thoát được ức triệu chúng sinh ở cõi trời và cõi người. Kinh chú có 3.000 bộ (đại sư Huyền Trang đời Đường […] 57 bộ […] 170 bộ […] biết rằng số kinh tới nước Nam rất ít)3, số mục chia làm tam thừa, trí lượng rộng lớn bao gồm hết thảy, người thường không thể tính lường được. [] bốn biển […] hết sức khen ngợi, làm cho tứ sinh lục đạo cùng giác ngộ, cùng được thấm nhuần sóng ân. Vậy nên xứng đáng là cha lành của tứ sinh, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Lúc đó, Phật lại thuyết kinh A Di Đà Phật rằng: phương Tây có Phật hiệu là A Di Đà, tên nước của Ngài ấy là Cực Lạc, có ao bảy báu, nước tám công đức1, bảy tầng lan can, bảy lớp cây trồng theo hàng lối […]2 đều lấy số bảy mà lập thành. Trăm nghìn thứ âm nhạc không đánh tự vang. Chim Anh Vũ, chim Ca Lăng3 cùng cất lên lời pháp ngữ. Đồ ăn thức uống và quần áo tùy theo ý nghĩ mà tự có. Mọi thứ rộng lớn như trong kinh nói, khen ngợi không cùng. Lại nữa, trong kinh nói rằng vị Phật đó khi còn thực hành Bồ Tát đạo, có bốn […] thệ nguyện4, lời nguyện nào cũng là cứu vớt chúng sinh, muốn cho họ đều được thành Phật. Trong đó, có một lời nguyện rằng: nếu có chúng sinh nào muốn sinh vào nước của ta, đến mười niệm nếu chưa được sinh, thì [ta] không lên ngôi Chính giác. Lấy nhân duyên đó khiến cho [chúng sinh] nhập vào […] [niệm] Phật cứu sinh cõi Tây phương, ta cũng như vậy. Vì sao vậy? Vì đức Phật A Di Đà nguyện lực rộng lớn, nên chúng sinh được nhập vào trong thệ hải của Như Lai5. Nếu Phật chẳng có tâm đại từ đại bi thì sao có thể thành Phật. Niệm Phật vãng sinh […].
Ta may có duyên với Phật giáo, gặp đạo hữu là Quan Tâm Bình bảo ta tụng kinh Lăng Nghiêm sẽ có thể liễu ngộ. Ta đọc [kinh Lăng Nghiêm] [] thấy được sự đẹp đẽ kỳ diệu của kinh đó, như nhặt được minh châu, ý muốn xuất gia tu trì Phật […] rằng: ở nước Xá Vệ có một vị trưởng giả, lấy vàng rải đất, mua được vườn Kì của thái tử, mời được Thế Tôn thuyết pháp. Ta sánh với vị trưởng giả kia thì thấy thật xấu hổ, làm sao có thể xây chùa nghe pháp. Năm Nhâm Thân (1872) […] mua mảnh đất này. Tới năm Ất Hợi (1875) xây một tòa nội điện ba gian, trong thờ tượng Phật A Di Đà, hai bên là hai vị Bồ Tát Quán Âm và Thế Chí, bên phải thờ Thánh tăng […], bên trái thờ tượng Thổ địa. Tên chùa là Xiển Pháp, nghĩa là [] xiển dương Phật Pháp không ngừng nghỉ vậy. Năm Kỷ Mão (1879) lại trùng tu năm gian ngoại điện, cùng Tổ đường, nơi ở, chuông trống, cùng […] hoa quả […], nền móng dần hình thành, cũng có thể coi là một tiểu tùng lâm, nên lập bia để ghi chép lại vĩnh viễn.
Tên họ của thiện tín quyên góp giúp đỡkhởi công liệt kê ở dưới:
Quan Tâm Bình [] cúng tiền 400 quan.
Hiệu Đức Hanh cúng tiền 3 lần […] quan.
Hội Công Thiện cúng tiền 70 quan.
Trần Quảng Xương cúng tiền 200 quan.
Hiệu […] cúng [][] sư tử.
Còn lại do họ Hàn, họ Ngô cùng thập phương cúng.
Trụ trì bản tự Bồ Tát giới Hàn Thái Ninh pháp danh là Tính Định ký.
Ngày lành tháng Tư năm Tân Tỵ niên hiệu Tự Đức (1881)”.
4. Một số vấn đề về lịch sử chùa Xiển Pháp từ những mảnh ghép tư liệu
4.1. Tái lập quá trình xây dựng chùa Xiển Pháp
So với nhiều ngôi chùa khác ở miền Bắc, chùa Xiển Pháp có lịch sử hình thành khá muộn (cuối thế kỷ XIX). Tuy nhiên, việc tái lập lịch sử của ngôi chùa này từ trước tới nay gặp khá nhiều khó khăn do các tư liệu đã công bố không cung cấp được nhiều thông tin. Rất may mắn là hai tấm bia đá của chùa vẫn còn lưu lại, dù cho nội dung không còn nguyên vẹn. Từ những mảnh thông tin còn lại trên hai tấm bia đó, chúng tôi tạm thời tái lập được quá trình hình thành ngôi chùa Xiển Pháp. Cơ bản có những điểm đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, chùa Xiển Pháp nằm ở thôn An Trạch, ở phía bên phải Văn Miếu. Đây không phải là một ngôi chùa làng truyền thống, mà được xây dựng lần đầu vào cuối thế kỷ XIX. Kinh phí xây dựng ngôi chùa này có nguồn từ một nhóm ba người “cùng tham thiền lễ Phật” và một số đại thí chủ, đoàn thể khác mà không phải do người dân địa phương đóng góp.
Thứ hai, đất dựng chùa vốn là đất cũ của Tổng đốc Ninh Thái 寧太總督, gồm có “một tòa nhà, hai nhà lá, cùng một khu đất, ao, ruộng, vườn tổng cộng 21 mẫu 8 sào 4 thước 6 tấc 7 ly”. Vào năm 1861, bà Doãn Thị Xuyến (ở thôn Hạ Đình 下亭, xã Nhân Mục Cựu 仁睦舊 , tổng Khương Đình 姜亭[…] phủ Thường Tín 常信, Hà Nội 河內)1 đã mua lại mảnh đất này từ vợ và con quan cố Tổng đốc Ninh Thái (nguyên quán Thanh Hóa 清化) với giá 4.200 quan tiền. Tới năm 1872, các ông Hàn Thái Ninh, Quan Tâm Bình, Lục Trung Hòa (ở phường Hà Khẩu 河口, tổng Đông Thọ 東壽, huyện Thọ Xương 壽昌) đã mua lại mảnh đất này của bà Doãn Thị Xuyến với giá 2.000 quan tiền. Việc bán đất với giá chỉ rẻ bằng một nửa giá mua này được giao hẹn là để xây dựng chùa trên mảnh đất ấy. Quá trình mua bán này có sự tham gia của một vị tăng tông Tào Động 漕洞 là hòa thượng Quang Lư 光盧. Theo nội dung bia khoán ước, vị Tổng đốc Ninh Thái này qua đời năm 1872. Kết hợp với thông tin nguyên quán của ông ở Thanh Hóa, con trai ông là Nguyễn Đình Trụ 阮廷柱, chúng tôi đưa ra giả thuyết vị quan được nhắc tới trong tấm bia này là Nguyễn Đình Phổ. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Hải (2009), thời điểm năm 1831 đã có một nhân vật là Tổng đốc Ninh Thái Nguyễn Đình Phổ về viếng mộ tổ Nguyễn Đình Hoán ở thôn Kiến Trung, xã Vạn Hà, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (nay là Tiểu khu 9, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cũng theo thông tin trong bài viết, họ Nguyễn Đình làng Lam Vỹ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa còn giữ một bản gia phả có thông tin về Nguyễn Đình Hoán.
Thứ ba, tới năm 1875, Hàn Thái Ninh cho xây dựng một tòa nội điện ba gian để thờ Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Thế Chí, Thánh Tăng, Thổ địa; đặt tên chùa là Xiển Pháp. Năm 1879, ông lại cho trùng tu năm gian ngoại điện, xây Tổ đường, dựng nơi ở, đặt chuông trống… Quy mô của chùa Xiển Pháp cơ bản thành hình.
Thứ tư, năm 1881, Hàn Thái Ninh (tự xưng là Bồ Tát giới pháp danh Tính Định) cho dựng hai tấm bia ghi lại quá trình mua đất lập chùa, trong đó đề cao pháp môn Tịnh Độ. Liên hệ với bài viết của Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi (1989) đã đề cập ở trên, trong giai đoạn 1882-1898, Bồ Tát giới pháp danh Tính Định đã cho khắc in nhiều bộ sách tại ngôi chùa Xiển Pháp này1. Các tác phẩm in tại Xiển Pháp đều không có thông tin phương danh pháp cúng, tức là người đứng ra khắc in không cần vận động tài chính cho công việc khắc ván đó. Danh sách này một mặt thể hiện cuộc quyên góp cho một hoạt động tiêu tốn nhiều tiền bạc, đồng thời phản ánh quan hệ theo sơn môn và theo địa vực giữa cộng đồng tu sĩ, giữa nhà chùa, và quần chúng bình dân. Sự thiếu vắng nội dung phương danh pháp cúng ở cuối sách một mặt cho thấy tiềm lực tài chính dồi dào của cá nhân Bồ Tát giới Tính Định cũng như chùa Xiển Pháp trong suốt gần 20 năm khắc ván in kinh, nhưng mặt khác cũng cho thấy quan hệ có phần lỏng lẻo giữa ngôi chùa này với cộng đồng tu sĩ, tín đồ địa phương. Có lẽ vì vậy nên chùa Xiển Pháp cũng dần mai một sau khi Bồ Tát giới Tính Định qua đời năm 1901, không được cộng đồng làng xã bảo vệ như đa phần các ngôi chùa làng truyền thống khác.
4.2. Tồn nghi về cuộc đời tu hành của Hàn Thái Ninh
Trong bia dựng tại chùa, Hàn Thái Ninh được nhắc tới với pháp danh “Tính Định” và danh hiệu “Bồ Tát giới”. Trên cơ ở nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuận (2014), chúng tôi mở rộng tra cứu những tư liệu liên quan tới nhân vật Hàn Thái Ninh tại chùa Đồng Dương (chùa tại quê của ông, được ông đứng ra xây dựng). Trong tấm bia kỷ niệm Bồ Tát giới Tính Định đặt tại chùa Đồng Dương 桐楊 (No.25224, VNCHN), và trên quả chuông Đồng Dương tự chung 《桐楊寺鐘》 (No.25222, VNCHN), nhân vật này đều được nhắc tới với tên gọi “Bồ Tát giới pháp danh Tính Định”, sinh năm Nhâm Dần và mất năm Tân Sửu (1842-1901). Ở mặt bia No.25223 (VNCHN), những người đứng ra lập bia đã nhắc tới Hàn Thái Ninh với tên gọi “cụ Hàn 具韓”. Ở đường thỉnh tổ đệ nhất trong khoa cúng Vĩnh Khánh tự cúng chư tổ sư khoa 《永慶寺供諸祖師科》2 ghi tôn hiệu của nhân vật này là: “Nam mô Xiển Pháp phái đệ nhất thế tổ Bồ Tát giới tự Tính Định, hiệu Tâm Châu, húy Hàn Thái Ninh đại sư Thiền tọa hạ” 南無闡法派弟一世祖菩薩戒字性定號心珠諱韓泰寧大師禪座下. Như vậy, các văn bản chính thức của chùa Xiển Pháp và sơn môn Xiển Pháp đều thống nhất gọi vị này là một vị “Bồ Tát giới”, “pháp danh Tính Định”, “cụ Hàn”, và thường được nhắc tên thật là “Hàn Thái Ninh”. Riêng trong khoa cúng chùa Vĩnh Khánh có đề cập tới hiệu “Tâm Châu” 心珠.
Nghiên cứu đối chiếu những tên gọi tự xưng và được gọi của Hàn Thái Ninh như trên và những thông tin về hành trạng của vị này trên hai tấm bia được giới thiệu trong bài, chúng tôi đặt ra nghi vấn đề cuộc đời tu hành của nhân vật này:
(1) Trong khoán ước năm 1872, ba người mua đất được xếp tên cạnh nhau là Hàn – Quan – Lục, không nhắc tới pháp danh hay vai trò nào đặc biệt hơn của nhân vật họ Hàn so với hai người còn lại; địa chỉ của ba người này ở phường Hà Khẩu không liên quan tới chùa Hòe Nhai1. Có thể đoán định vào thời điểm mua đất xây chùa Xiển Pháp, Hàn Thái Ninh có lẽ chưa xuất gia.
(2) Tư liệu chữ Hán liên quan đều thống nhất gọi nhân vật họ Hàn là “Bồ Tát giới”. Giới Bồ Tát có thể truyền cho đệ tử xuất gia hoặc tại gia của Phật giáo, nội dung giới truyền cho hai hàng đệ tử có một số khác biệt. Tuy nhiên, nếu là một vị xuất gia thực thụ, người đó sẽ tự xưng là “Tỉ khiêu 比丘” hoặc “Sa di 沙彌”. Trong giới hạn hiểu biết của mình, chúng tôi chưa thấy có trường hợp một vị tu sĩ nào tự xưng mình là “Bồ Tát giới 菩薩戒”. Vĩnh Khánh tự cúng chư tổ sư khoa cũng thống nhất tên gọi như vậy, và không đưa thông tin cụ thể về bản sư của Tính Định.
(3) Theo thông tin từ nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuận (2014), Bồ Tát giới Tính Định xuất gia với thiền sư Chính Bỉnh Thích Bình Bình 正秉釋平平2. Trong văn bia khoán ước có nhắc tới một vị khác thuộc đời thứ chín tông Tào Động là “tiền tăng 前僧” Quang Lư Thích Đường Đường 光盧釋堂堂. Thứ tự truyền pháp của tông Tào Động ở Việt Nam được xếp theo bài kệ:
“Từ Tính Hải Khoan
Giác Đạo Sinh Quang
Chính Tâm Mật Hạnh
…”.
Nếu Hàn Thái Ninh là đệ tử xuất gia của thiền sư Quang Lư thì pháp danh của ông phải ở hàng chữ Chính 正, nếu xuất gia với thiền sư Chính Bỉnh thì pháp danh của ông phải ở hàng chữ Tâm 心. Tuy nhiên, trong các tư liệu hiện tồn đều thống nhất ghi pháp danh của ông là Tính Định, chỉ có khoa cúng tổ chùa Vĩnh Khánh nhắc tới hiệu Tâm Châu3. Việc xếp Bồ Tát giới Tính Định vào dòng mạch truyền pháp của tông Tào Động có nhiều điểm không hợp lý. Từ những nghi vấn trên, chúng tôi đưa ra một giả thuyết rằng: Hàn Thái Ninh chỉ thụ Bồ Tát giới chứ không thụ đại giới, và là một trường hợp đặc biệt trong truyền thừa tông Tào Động ở Việt Nam. “Thân phận” này ít nhiều có ảnh hưởng tới việc lựa chọn hoằng pháp, lựa chọn in ấn kinh điển của Bồ Tát giới Tính Định trong thời gian ở chùa Xiển Pháp.
5. Kết luận
Qua bản dịch hai tấm bia cùng mang tên Xiển Pháp tự bi ký, bài viết đã tái lập được những mốc thời gian quan trọng trong quá trình hình thành chùa Xiển Pháp cuối thế kỷ XIX, từ sự kiện mua đất, tới dựng chùa, và kết thúc là việc lập hai tấm bia đá vào năm 1881. Đây là một ngôi chùa không thuộc phạm vi làng xã, có quan hệ với tông Tào Động ở chùa Hồng Phúc Hòe Nhai, được một số vị thí chủ lớn dưới sự kêu gọi của Hàn Thái Ninh bỏ tiền ra mua đất xây dựng. Tông chỉ tu hành của chùa Xiển Pháp là pháp môn Tịnh Độ. Ngôi chùa này, nhờ có một nguồn tài chính dồi dào, đã trở thành trung tâm khắc ván in kinh chữ Hán và chữ Nôm lớn ở Hà Nội trong khoảng thời gian những năm 1882-1898. Dựa trên tư liệu văn bia cùng một số tư liệu Hán Nôm hữu quan với nhân vật “Bồ Tát giới Hàn Thái Ninh pháp danh Tính Định”, bài viết cũng đưa ra giả thuyết Tính Định – người khai sáng ngôi chùa Xiển Pháp – chưa từng thụ đại giới của Tỉ khiêu mà chỉ được thụ Bồ Tát giới.
_________
1. Bài viết nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 “Nghiên cứu di văn chùa Xiển Pháp” do TS. Nguyễn Tô Lan làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì.
2. Xem thêm: Mai Hồng, Nguyễn Hữu Mùi (1989), “Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm”, Tạp chí Hán Nôm, số 1, tr. 43-55, công bố một danh sách gồm 318 nhà in ở Việt Nam trong quá khứ, kèm thông tin về khoảng thời gian hoạt động, số lượng sách in, chủ đề in; Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược (2000), Đồ họa cổ Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, bổ sung thêm 18 cơ sở in sách so với nghiên cứu của Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi.
1. Không có nguồn tư liệu đối chiếu nào cho biết vị này tên tự là Tâm Châu 心珠.
2. Bản dịch này là đoạn “Dư hạnh hữu duyên ư Phật giáo…” tới cuối tấm bia, không có niên đại. Nửa đầu bia không được dịch.
3. Khác với thông tin một tấm bia vô danh như trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuận (2014).
1. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng một số ký hiệu biểu thị những chữ bị mất hoặc mờ: ký hiệu [] để chỉ một chữ mất, ký hiệu [….] chỉ nhiều chữ bị mất.
2. Quang Lư 光盧: Thích Đường Đường 釋堂堂, hiệu Như Như 如如, hay còn được gọi là Tổ Quạ. Thiền sư là đệ tử đời thứ 9 tông Tào Động ở miền Bắc Việt Nam, thuộc pháp phái Hồng Phúc Hòe Nhai 洪福槐街, sống vào khoảng thế kỷ XIX. Thiền sư Quang Lư khai sơn chùa Thiên Trúc (Mễ Trì, Hà Nội).
1. Ao bảy báu (七寶池): theo kinh A Di Đà 《阿彌陀經》 thì ao làm bằng bảy thứ đồ quý là vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xà cừ, mã não; nước trong ao cũng do bảy thứ báu hóa thành.
2. Trong kinh Quá khứ hiện tại nhân quả kinh 《過去現在因果經》và một số kinh khác thì Phật xuất gia năm 19 tuổi. Nhiều bản kinh khác lại chép Phật xuất gia năm 29 tuổi. Hiện nay, thuyết thứ hai phổ biến hơn.
3. Đoạn này ghi chú bằng chữ nhỏ, đại ý thống kê Đại tạng kinh 《大藏經》 chia thành các mục cùng số quyển tương ứng, hiện chữ trên bia bị mờ không thể đọc được. Trong số sách in ở chùa Xiển Pháp có một bản Đại tạng kinh mục lục 《大藏經目錄》 (AC.516, VNCHN) chép: “西國大藏一部總計八萬四千四百卷,內有三千八百三十二卷譯在唐土” (Đại tạng kinh ở Tây Trúc có một bộ gồm 84.400 quyển, trong đó có 3.832 quyển dịch ở Đường). Trong cuốn Đại tạng kinh mục lục cũng thống kê các loại kinh, số bản có ở Tây Trúc, số bản mang về Trung Quốc thời Đường. Có thể căn cứ vào thông tin cuốn sách trên để hình dung về con số 3.000 bộ kinh và phần chữ bị mất ở trong bia.
1. Nước tám công đức (八功德水): nước chứa đầy đủ tám phẩm chất tốt đẹp: trong sạch hoàn toàn; mát mẻ; ôn hòa, nhẹ nhàng; tươi nhuận; an hòa, uống vào trừ được đói khát và hết thảy bệnh tật; uống vào có thể nuôi dưỡng các căn tứ đại, tăng thêm chủng chủng thiện căn tốt lành.
2. Trong kinh còn nhắc tới “thất trùng la võng” 七重羅網 (bảy tầng lưới giăng).
3. Chim Ca Lăng: Kalainka – Ca Lăng Tần Già. Tên một loài chim sống ở Tuyết Sơn, có giọng hót rất hay, có thể hót từ khi còn trong trứng. Trong kinh điển Phật giáo thường ví tiếng hót của loài chim này với diệu âm của chư Phật và Bồ Tát.
4. Trong kinh Đại thừa Vô lượng thọ 《大乘無量壽》 nói rằng Phật A Di Đà khi còn là tỉ khiêu Pháp Tạng đã phát 48 lời nguyện.
5. Thệ hải của Như Lai (如來誓海): vì 48 lời nguyện của Phật A Di Đà rộng lớn như biển nên gọi là thệ hải.
1. Nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
1. Thống kê này dựa trên các văn bản in tại chùa Xiển Pháp có ghi niên đại. Đa phần các văn bản in tại đây đều không có lời tựa bạt, và niên đại.
2. Khoa cúng do Thượng tọa Thích Tiến Đạt (đệ tử của sơn môn Xiển Pháp) sao chép. Chúng tôi xin chân thành cám ơn thầy Thích Đàm Vân (Nguyễn Thị Thuận) đã cung cấp bản photocopy tư liệu này.
1. Chùa Hòe Nhai nằm ở thôn Hòe Nhai 槐街 – tổng Thượng 上- huyện Vĩnh Thuận 永順 (nay nằm trên phố Hàng Than, Hà Nội). Địa chỉ của ba người Hàn – Quan – Lục là ở phường Hà Khẩu – tổng Đông Thọ – huyện Thọ Xương (nay là khu Chợ Gạo, Hàng Buồm), có đền Bạch Mã và hội quán Quảng Đông, trước đây có đông người Hoa sinh sống, buôn bán.
2. Tổ sư đời thứ mười tông Tào Động ở Việt Nam.
3. Khoa cúng này cũng đã nhắc tới tên tự là Tính Định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại thừa Vô lượng thọ 《大乘無量壽》,
http://21dzk.l.u-tokyo.ac.jp/SAT/satdb2015.php
2. Đại tạng kinh mục lục 《大藏經目錄》 (AC.516, VNCHN).
3. Nguyễn Văn Hải (2009), “Bức “minh tinh” ghi về một vị quận công đặt trong ngôi mộ cổ ở thị trấn Vạn Hà huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa”, Tạp chí Hán Nôm, số 6 (97), tr. 72 – 76.
4. Mai Hồng, Nguyễn Hữu Mùi (1989), “Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm”, Tạp chí Hán Nôm, số 1, tr.43-55.
5. Vương Thị Hường (2013), “Chùa Xiển Pháp – Ngôi chùa và những cuốn sách kinh Phật”, Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120), tr. 62-67.
6. Quá khứ hiện tại nhân quả kinh 《過去現在因果經》,
http://21dzk.l.u-tokyo.ac.jp/SAT/satdb2015.php
7. Sắc kiến Ninh Phúc tự tháp bi ký 《勅建寧福寺塔碑記》 (No.02894, VNCHN).
8. Tào Động chính tông lịch đại tổ sư khoa《漕洞正宗歷代祖師科》(bản chùa Ngọc Quán sao chép lại từ bản chính chùa Hồng Phúc Hòe Nhai, tư liệu do nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt cung cấp).
9. Nguyễn Thị Thuận (Thích Đàm Vân) (2014), Nghiên cứu nhóm tác phẩm diễn Nôm của Bồ Tát giới pháp danh Tính Định, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
10. Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược (2000), Đồ họa cổ Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.
11. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (2017), Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn – Tập 1: Bắc Kỳ, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
12. Viện Nghiên cứu Phật học (2011), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
13. Vĩnh Khánh tự cúng chư tổ sư khoa 《永慶寺供諸祖師科》.
Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 4, năm 2020
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tái dựng lịch sử ngôi chùa Xiển Pháp qua văn bia và tài liệu Hán Nôm liên quan (Tác giả: ThS. Nguyễn Đình Hưng)
https://thanhdiavietnamhoc.com/tai-dung-lich-su-ngoi-chua-xien-phap-qua-van-bia-va-tai-lieu-han-nom-lien-quan/
..
1.
Trả lờiXóaTái dựng lịch sử ngôi chùa Xiển Pháp qua văn bia và tài liệu Hán Nôm liên quan (1)