Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/04/2020

Văn nghệ Thứ Bảy : cảm giác Cầu Giấy xa lắc xa lơ của người Hà Nội thời chống Mỹ

Nhà văn Nguyễn Bảo Sinh mới đưa lên một đoạn kí ức của ông về ô Cầu Giấy ở Hà Nội thời chiến tranh chống Mĩ. 

Hồi ấy, Cầu Giấy tựa như một vùng quê mùa ở rất xa, nhà văn viết:
"Từ Ô Cầu Giấy vào thăm thủ đô, phải chờ tầu điện ở gần Voi Phục. Tàu điện từ Bờ Hồ tới đây là hết đường. Cuối đường tàu có barierre chắn lại. Barierre làm bằng tà vẹt Tầu. Kỷ niệm khó quên của sinh viên trường Đại học Sư phạm là đoạn đường từ trường tới bến tầu dài đến gần 2km, sinh viên phải cuốc bộ. Voi Phục thời 1950 đối với người Hà Nội coi như xa lắc. Học sinh Hà Nội đi cắm trại ở Voi Phục có cảm tưởng như ngày nay ta lên tận Sapa."
(tôi có mạo muội chỉnh mấy con chữ cho đúng chuẩn chính tả hiện nay)


1. Nguyễn Bảo Sinh cũng kể đại khái, hồi ấy, ở khu phố Kim Mã với khách sạn Daewoo (ngày nay) có doanh trại bộ đội án ngữ, mà đặc biệt là bên trong có một "chốn thần tiên" gọi là chiêu đãi sở. Chốn ấy là dành cho các anh lính có vợ rồi, khi vợ lên thăm thì được "chiêu đãi" nhau ở các phòng riêng. Thú vị là chi tiết các phòng riêng trong chốn thần tiên đều có lỗ thủng !

Lỗ thủng dạng ấy, tôi hay nghe kể thậm chí là thấy luôn "hiện vật" khi điều tra điền dã ở vùng nông thôn Nhật Bản. Là vì, nhà truyền thống Nhật Bản ngày trước thường có cửa sổ phất giấy bản. Bọn thanh niên choai choai ngày trước hay tinh nghịch đi đục một vài chỗ ở các cửa sổ phòng cưới của những đôi vợ chồng trẻ trong làng, để rồi chúng sẽ tụm lại nhòm trộm vào bên trong ! Vì là giấy, nên việc đục một vài lỗ rất dễ. Khoái nhất là, hóa ra, các đôi vợ chồng trẻ đều biết, nhưng cứ để mặc các lỗ thủng ấy. Bởi vì, chính các đôi ấy khi còn choai choai cũng từng đi đục lỗ phòng cưới của anh chị lớp trên mà !

2. Chuyện thú vị hơn nữa, là trong cái chốn thần tiên chiêu đãi sở ấy, ở Hà Nội thời chiến, theo kí ức của Nguyễn Bảo Sinh thì, từng có chuyện các anh lính bạo dạn chơi trò đổi vợ ! Không biết có bao nhiêu cặp đã đổi chéo thành công, nhưng cũng có trường hợp đã thất bại mà cùng phải ra tòa án binh.

Việc đổi vợ ấy, ngày xưa, chính bản thân tôi cũng đã từng nghe thấy ở các thôn xóm miền Bắc Việt Nam. Lúc ấy, mình còn nhỏ, và bối cảnh là trước Đổi Mới, nên chỉ còn nhớ mang máng. Người lớn người ta nói chuyện về những vụ đổi vợ trong đám thanh niên ở các thôn xóm, mình là trẻ con thì chỉ nghe trộm vậy. Cũng chỉ biết vậy.

Không biết là cái việc đổi vợ ấy có phổ biến nữa hay không. Nó có là truyền thống trong lịch sử hay không. Hiện chưa rõ.

3. Vẫn về cái chốn thần tiên chiêu đãi sở của quân đội nhân dân Việt Nam thời Hà Nội chống Mỹ qua lời kể của bác Nguyễn Bảo Sinh hôm nay, bất giác, làm tôi nhớ đến cái gọi là ủy an sở của quân đội Nhật Bản trong đại chiến thế giới 2.

Ủy an sở của quân đội Nhật, thì trên Giao Blog có thể đọc lại lời kể của một người lính cũ - cụ Koyama ở tỉnh Gunma (bản năm 2010 ở đây; bản năm 2011 ở đây; bản năm 2014 ở đây).

Có một đoạn như sau trong lời kể của cụ Koyama (cụ kể với nhà báo năm 2007, khi ấy cụ đã 92 tuổi nhưng còn rất mạnh khỏe):

"(Khi 20 tuổi, nhập ngũ, rồi đóng quân ở Nam Kinh). Ở gần chỗ đóng quân, tôi nhớ là có Nhà động viên (tiếng Nhật gọi là Ủy-an-sở, tức là chỗ-động-viên, chỗ-an-ủi — Giao chú thích: nói trắng ra, đó là Nhà thổ của quân đội Nhật). Cái Nhà động viên (Nhà thổ) ấy là do bộ đội của quân đội Nhật Bản quản lí, vì thế, tôi từng thấy cảnh: nhiều lính trở về từ chiến trường, lập tức ngày hôm sau sẽ đến Nhà động viên.

Cái dãy Nhà động viên ấy được thiết kế thành những phòng nhỏ ngăn vách, trông giông giống như là chuồng lợn, xung quanh rào dây thép gai, không được tự tiện vào hay ra !
Lính được tới đó, sẽ xuất trình thẻ quân đội ở bàn lễ tân, nhận số, rồi vào phòng theo số. Trong đó, thấy có rất nhiều "em" ở tuổi teen (10s) hay 20s, là người Trung Quốc hay Triều Tiên.
Họ bị lừa dẫn tới đây với lời rủ rê rằng "Đi vào vùng chiến sẽ có nhiều điều hay lắm", bị trông coi nghiêm cẩn để không thể trốn thoát, và bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho binh lính. Đến bây giờ, Koyama tôi vẫn nhớ như in cảnh sầu thảm đáng thương của những phụ nữ bị đối xử như lợn/gia súc".
Cụ Koyama (1915 - 2008), ảnh chụp năm 2007


4. Đoạn kí ức (xem ở dưới đây) của Nguyễn Bảo Sinh thì có một số chỗ nhầm lần. Khi nào tiện, tôi sẽ trở lại cụ thể sau. Nhưng hôm nay, thì đăng nguyên văn đã.



Tháng 4 năm 2020,
Giao Blog




---





Từ Ô Cầu Giấy vào thăm Thủ đô, phải chờ Tầu điện ở gần Voi Phục. Tầu điện từ Bờ Hồ tới đây là hết đường. Cuối đường Tầu có barierre chắn lại. Barierre làm bằng Tà vẹt Tầu. Kỷ niệm khó quên của sinh viên trường Đại học Sư phạm là đoạn đường từ trường tới bến Tầu dài đến gần 2km, sinh viên phải cuốc bộ. Voi Phục thời 1950 đối với người Hà Nội coi như xa lắc. Học sinh Hà Nội đi cắm trại ở Voi Phục có cảm tưởng như ngày nay ta lên tận Sa pa.

Ô Cầu Giấy có nhánh bên phải về Ô Chợ Dừa. Mọi người cũng khó hiểu tại sao hai lần Fran- xi- gác- nhiê và Hăng- ri- vi- e kéo hơn trăm lính ra Bắc Hà chiếm Hà Nội như bỡn. Mặc dầu, lúc đó trấn thủ trong thành Hà Nội có đến hàng vạn quân mà Nguyễn Tri Phương thì tử thương, còn Hoàng Diệu thì tự tử. Thế mà cái đội quân Pháp bách chiến bách thắng lại bị quân cờ đen chặt đầu dễ như củ chuối, vào năm 1874-1884. Có lẽ người Pháp thấy nhục cho nên cũng không nhắc nhở tới hai tên bại tướng này. Sau đó ngôi mộ này ta đào đi mà dân cũng chẳng biết ở xó xỉnh nào, Pháp cũng chẳng nhắc tới. Chứ không như gò Đống Đa, người Tầu thì thờ Tôn Sỹ Nghị coi như kẻ anh hùng nghĩa khí. Ta lại tự hào vì chiến thắng và bức tử được kẻ anh hùng Tôn Sỹ Nghị. Một trận đánh mà hai bên cùng thắng, ngược lại với Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và Pháp thì hai bên cùng thua.

Giữa khách sạn Daewoo và Trúc Sơn Dạ Quán xưa là cái gò dài, có con đường mòn đi bộ hoặc xe đạp ở giữa. Cái gò này cách đường xe điện Cầu Giấy gần 200m, gò có hàng muỗm cổ thụ cao chót vót. Chân hàng muỗm kéo đến đường nhựa là ruộng rau muống. Hàng ngày bà con vẫn ra hái đem vào Hà Nội bán. Hàng cây muỗm cổ thụ bên ruộng rau muống thu hút khá nhiều loại chim đến đậu, song trẻ con không thể dùng súng cao su bắn. Súng cao su bắn rất có hiệu quả khi buổi tối chim sẻ bay về ngủ ở các loại cây thấp như cây cơm nguội, cây bàng… Đặc biệt, nếu đêm soi đèn pin dùng ống sì đồng bắn thì có mà được hàng sâu chim. Ống sì đồng bắn không tiếng động, ta có thể hạ gục từng con một, còn súng cao su dễ gây tiếng động, chỉ bắn được một phát là tất cả chim bay đi hết.

Rồi cảnh dâu chìm bể nổi, khu cây cổ thụ bị đốn đổ để trở thành trung đoàn bộ của pháo cao xạ 234 bảo vệ Thủ đô, khu hậu cần gần sát khách sạn Daewoo, rồi đến ban tham mưu, ban chính trị, khu anh nuôi, khu chiêu đãi sở kề sát với Trúc Sơn Dạ Quán, Trường Sơn Dạ Quán bây giờ.

Đặc biệt khu chiêu đãi sở để dành cho vợ lính lên thăm chồng. Các chàng bộ đội khệ nệ bưng cơm lên bồi dưỡng vợ trước sự chọc ghẹo và thèm khát của đồng đội. Tất cả phòng chiêu đãi sở nếu ta quan sát kỹ thế nào cũng thấy bị đục một số lỗ để có thể lính tráng từ ngoài nhìn trộm cảnh làm tình của cảnh lính xa nhà gặp vợ.

Cũng có trường hợp hai cậu lính ngứa nghề hợp đồng đổi vợ. Một cậu đêm vào phòng vợ bạn hoàn thành tốt hợp đồng. Một cậu kia theo hợp đồng đêm mò vào phòng vợ bạn bị phát hiện, hô hoán ầm lên. Kết quả là hai anh lính này đều phải ra toà án binh.

Nhiều người còn được chứng kiến cảnh tượng hy hữu. Trước khi máy bay A3J rơi xuống phố Lê Trực, có một chị nông dân nghe báo động, bom đạn choáng tai hốt hoảng ngồi thụp bên hè phố, lấy nón che người, mặt xanh lét. Đồng chí dân phòng đeo băng đỏ vội dắt chị nông dân xuống hầm công cộng. Máy bay A3J rơi ngay xuống cạnh cửa hầm, phá nát ô tô chở xăng, ngọn lửa bùng cao tới nóc nhà và chùm vào chiếc hầm công cộng. Chị nông dân như ngọn đuốc Lê Văn Tám chạy sang đường túm lấy ông bảo vệ chỉ kịp nói:
- Nếu ông không bắt sang hầm có phải tôi vẫn sống không!
Nói xong, chị nông dân gục xuống. Một lúc sau chỉ còn là một đống than. Không ai biết nạn nhân ở đâu để báo cho gia đình biết.

Dân quân ở nhà máy in Tiến Bộ tiếp đạn cho trận địa pháo C35 đóng ở cạnh sân vận động Hàng Đẫy reo mừng vỡ trời khi thấy máy bay Mỹ rơi gần trận địa tưởng là đơn vị mình bắn trúng. Thật ra thì trận chiến đấu đó, đơn vị C35 chỉ bắn tan dãy đèn cao áp cao ngất ngưởng trên sân vận động Hàng Đẫy thôi!


TRÍCH BÁT PHỐ

..





---






BỔ SUNG



1. Bạn đọc bình luận trên Fb Nguyễn Bảo Sinh (ngày 18/4/2020)


"
  • Khánh Mai Văn Chuyện của cụ vui quá đi thôi
  • Sơn Vũ Cụ Nguyễn Bảo Sinh
    Sầm Nghi Đống tự vẫn ở Gò Đống Đa chứ cụ, còn họ Tôn chuồn về sau bị CL biếm chức!
  • Hải Đặng Bài viết hay , đọc rất thú vị.....
  • Anh Tran Tuan Mộ 2 người Pháp sau đưa về Pháp
  • Nguyen Chau "... Sau đó ngôi mộ này ta đào đi mà dân cũng chẳng biết ở xó xỉnh nào, Pháp cũng chẳng nhắc tới..."- Ngôi mộ này nằm ngay bên đường từ cầu Giấy tới xóm Quan hoa, có bia đá cao tầm 70-80cm, những năm 60 vẫn còn thấy. Nghe nói tầm 80 thì được đưa về Pháp.
  • Dzung Nguyễn Hay, nhưng xem ra chuyện Rivie và Gacnie bị giết ở Cầu Giấy có nhiều uẩn khúc. Đặc biệt là quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc khi ấy như thế nào? Bọn này khi đó theo nhà Thanh hay giúp nhà Nguyễn đánh Pháp? Chính sử mù mờ! Học trò bị bịt mắt và toàn học gạo!
"




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.