Ở chỗ chốt lại vấn đề, bác cựu nghị Phước nói về "tứ đại sai". Bác này, hay sử dụng cách nói tổng quát "tứ đại..." (bốn cái lớn), ví dụ "tứ đại ngu" (bốn cái ngu lớn) hay "tứ đại sai" (bốn cái sai lớn).
Bài phân tích vừa xuất hiện trên blog HHP.
Tạm đưa về đây.
Bổ sung gì thì dán ở dưới như mọi khi.
---
Cao Cấp Lý Luận Chính Trị
Hoàng Hữu Phước, MIB
20-10-2019
“Cao cấp lý luận chính trị” là cụm từ hấp dẫn tôi nhiều chục năm qua, đơn giản vì 5 lý do kiểu “cao cấp lý sự” của tôi rằng
(a) lý luận chính trị là một môn thuần nghiên cứu về chính trị chứ không bao giờ là một hoạt động đào tạo nhằm rèn nên những nhà lý luận chính trị cao cấp để làm lãnh đạo tư tưởng/lãnh đạo quốc gia, rằng
(b) lý luận chính trị tự thân đòi hỏi phải sở hữu năng khiếu thiên bẩm như một nền tảng mang tính xuất phát điểm chứ không phải đó là thành quả từ tác động ngoại vi của đào tạo, rằng
(c) năng khiếu thiên bẩm ấy không bao giờ là thứ có thể cùng tồn tại đại trà dồi dào nơi hàng trăm hàng ngàn hàng chục ngàn hàng trăm ngàn đảng viên, rằng
(d) quốc gia chưa hề xuất hiện ở mức độ đại trà những nhà hùng biện chính trị là đảng viên đã qua các lớp “cao cấp lý luận chính trị” dù ở lĩnh vực báo chí truyền thông hay tuyên giáo hoặc chính quyền hay quản trị doanh nghiệp Nhà Nước và lực lượng vũ trang dù tổng số đã qua các lớp “cao cấp lý luận chính trị” đương nhiên là rất lớn, và rằng
(e) làm gì có bất kỳ ai ở bất kỳ lĩnh vực nào ở Việt Nam đã qua các lớp các lớp “cao cấp lý luận chính trị” lại có thể hùng biện bằng tiếng Việt hay tiếng Anh giỏi bằng hoặc giỏi hơn công dân ngoài Đảng Hoàng Hữu Phước.
Các lý do trên thôi thúc sự tò mò nơi tôi phải đi tìm câu trả lời cho vấn nạn vì sao dưới ánh hào quang của “cao cấp lý luận chính trị” vẫn ngập tràn bao khoảng tối tiêu cực u mê ám chướng tẩu hỏa nhập ma về trình độ tư duy chính đạo và năng lực hiện thực hóa tư duy chính đạo ấy của những cán bộ Đảng đặc biệt ở lĩnh vực tuyên giáo, báo chí truyền thông, quản trị chiến lược, quản trị quốc gia, và sử-dụng-hùng-biện-trong-phụng-quốc-và-vệ-quốc của những cán bộ cấp cao đã có bằng cấp “cao cấp lý luận chính trị”.
Các tài liệu sau không đóng dấu “Mật” hay “Tối Mật” hoặc “Tài Liệu Mật” hoặc “Cấm Sờ Vào Hiện Vật” của một nam đảng viên nghị sĩ Khóa XIII lãnh đạo của một tỉnh Miền Tây Nam Bộ. Tài liệu gồm các câu hỏi và bài làm đồng dạng luôn dài đúng 4 trang giấy khổ A4 của nghị sĩ ấy trả lời cho từng câu hỏi một. Dưới đây chỉ tải đăng chi tiết nguyên văn các câu hỏi, và sau đó là phần nhận định của Hoàng Hữu Phước đối với các câu hỏi và các bài làm dù không đăng các nội dung bài làm của nghị sĩ lãnh đạo ấy.
I- Nội Dung Tài Liệu Cao Cấp Lý Luận Chính Trị
A) DUY VẬT LỊCH SỬ:
Câu 1 : Nội dung của quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất vời trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Vận dụng để phân tích khuyết điểm, yếu kém trong việc nhận thức và vận dụng quy luật này trong thời kỳ trước đổi mới và để phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta “Đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Văn Kiện 9-Trang 87)
Câu 2 : Nội dung của quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất vời trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Vận dụng để phân tích khuyết điểm, yếu kém trong việc nhận thức và vận dụng quy luật này trong thời kỳ trước đổi mới và để phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta “Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất trên cả 3 mặt : sở hữu, quản lý và phân phối” (Văn Kiện 9-Trang 87)
Câu 3 : Trình bày học thuyết Mác xít về hình thái kinh tế xã hội. Vận dụng để phân tích những sai lầm khuyết điểm trong việc nhận thức và vận dụng học thuyết này trong thời kỳ trước đổi mới và để phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta “Xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội bỏ qua chế độ Tư Bản Chủ Nghĩa tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả lĩnh vực là một sự nghiệp rất khó khăn phức tạp cho nên phải trãi qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế – xã hội có tính chất quá độ”. (Văn Kiện 9-Trang 85)
Câu 4 : Học thuyết Mác xít về đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hộivà vận dụng để phân tích những khuynh hướng sai lầm cực đoan trong việc nhận thức và vận dụng học thuyết Mác xít, về đấu tranh giai cấp và để phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta : “Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp hiện nay là thực hiện thắng lợi Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại Hóa theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo kém phát triển thực hiện công bằng xã hội chống áp bức bất công, đấu tranh ngăn chặn khắc phục những tư tưởng, hành động, tiêu cực sai trái, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ độc lập, dân tộc, xây dựng đối với nước ta thành nước Xã Hội Chủ Nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”
Câu 5 : Học thuyết Mác về Nhà nước và vận dụng để phân tích, phê phán những yếu kém, khuyết điểm trong việc tổ chức phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nói chung của Nhà nước nói riêng thời kỳ trước đổi mới và để phân tích phương hướng sau đây của Đảng ta : “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” (Văn Kiện 9-Trang 131).
Câu 6 : Trình bày học thuyết Mác Xít về con người và vận dụng để phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta : “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.” (Cương lĩnh Đại hội 7- Trang 9).
Câu 7 : Lý luận MácXít về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Bài học lấy dân làm gốc và vận dụng để phân tích luận điểm sau đây của Đảng ta : “Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn luôn luôn sáng tạo” (Văn kiện Đại Hội IX, trang 81)
Câu 8 : Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, vận dụng để phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta “Tăng trưởng kinh tế đi lên gắn liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường xã hội” (Văn kiện Đại Hội IX, trang 89)
B) DUY VẬT BIỆN CHỨNG:
Vấn đề 1 : Đồng chí hãy sử dụng lý luận Triết học duy vật biện chứng về mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức cùng với thực tiễn cách mạng Việt Nam để phân tích, phê phán bệnh chủ quan duy ý chí, bệnh bảo thủ trì trệ, từ đó chỉ ra phương hướng khắc phục các bệnh đó theo tinh thần đổi mới của Đảng ta.
Vấn đề 2 : Đồng chí hãy vận dụng lý luận triết học về mối quan hệ vật chất và ý thức để phân tích phê phán bệnh chủ quan duy ý chí và phân tích bài học kinh nghiệm sau đây của Đảng ta : “Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắng của Đảng” (Văn kiện Đại hội IX, trang 30)
Vấn đề 3 : Phân tích nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, từ đó rút ra quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử cụ thể và vận dụng các quan điểm đó để phân tích, phê phán bệnh phiến diện, bệnh giáo điều, đồng thời phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta : “Đổi mới toàn diện, đồng bộ triệt để với những bước đi, hình thức, cách làm phù hợp” (Văn kiện Đại hội IX, trang 81)
Vấn đề 4 : Nội dung nguyên lý về sự phát triển, từ đó rút ra quan điểm phát triển và vận dụng quan điểm đó để phân tích, phê phán các bệnh : bảo thủ trì trệ, bệnh giáo điều và để phân tích nhận định sau đây của Đảng ta “Chủ Nghĩa Xã Hội trên thế giới từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ những khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” (Văn kiện Đại hội IX, trang 65)
Vấn đề 5 : Nội dung của quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại. Vận dụng quy luật trên để phân tích, phê phán khuynh hướng sai lầm nếu không nhận thức và áp dụng đúng quy luật này và phân tích chủ trương đổi mới sau đây của Đảng ta :”Con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt”. (Văn kiện Đại hội IX, trang 91)
Vấn đề 6 : Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả. Vận dụng để phân tích vai trò của những nguyên nhân chủ quan, những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội trước đổi mới cũng như nguyên nhân của những thành tựu khởi đầu, những yếu kém và khuyết điểm sau hơn 15 năm đổi mới (chủ yếu phân tích những nguyên nhân chủ quan, những yếu kém trong lãnh đạo của Đảng)
Vấn đề 7 : Phân tích mối liên hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, từ đó rút ra quan điểm thực tiễn; vận dụng quan điểm đó để phân tích, phê phán bệnh kinh nghiệm, giáo điều và để phân tích phương hướng đổi mới sau đây của Đảng ta : “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; từng bước cụ thể hóa, bổ sung phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đấu tranh với khuynh hướng, tư tưởng sai trái”(Văn kiện Đại hội IX, trang 141)
Vấn đề 8 : Phân tích mối liên hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, từ đó rút ra quan điểm thực tiễn; vận dụng quan điểm đó để phân tích, phê phán bệnh kinh nghiệm, giáo điều và để phân tích luận điểm sau đây của Đảng ta : “Tiến hành đổi mới, xuất phát từ thực tiễn và cuộc sống của xã hội Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm tốt của thế giới, không sao chép bất cứ một mô hình có sẳn nào” (Văn kiện Đại hội IX, trang 141)
Đề thi : Trong văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần IV có đoạn viết : “Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng” (Văn kiện Đại hội lần IX, Nhà Xuất Bản Sự thật – Hà Nội 1987, trang 30). Đồng chí hãy phân tích cơ sở lý luận triết học của luận điểm trên và liên hệ thực tiễn cách mạng nước ta.
C) TÂM LÝ HỌC LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ:
Câu 1: Phân tích ý nghĩa của việc nghiên cứu môn Tâm lý học lãnh đạo quản lý :
Bài làm:
1. Nêu khái quát
2. Đối tượng, nhiệm vụ của môn Tâm lý học lãnh đạo quản lý
3. Ý nghĩa (nêu 5 nội dung)
Câu 2 : Phân tích mối quan hệ giữa đức và tài
Bài làm:
1. Khái niệm nhân cách
2. Bốn nội dung đức (cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư) và tài
3. Hai mặt của đức tài, mối quan hệ giữa đức và tài
4. Phương hướng hoàn thiện nhân cách người cán bộ quản lý
5. Phương hướng hoạt động thực tiễn của người cán bộ quản lý thông qua hoạt động, học tập, rèn luyện tập thể
Câu 3: Trình bày và phân tích vấn đề uy tín lãnh đạo.
Bài làm:
Phân tích như nôi dung câu 2 (bài nhân cách). Chú ý liên hệ với Nghị quyết
Câu 4 : Sẽ trích một câu trong Nghị quyết về công tác cán bộ
Bài làm:
1. Nhận xét đánh giá cán bộ
2. Công tác quy hoạch cán bộ
3. Bố trí sử dụng cán bộ
4. Luân chuyển cán bộ
(Chú ý : phân tích làm rõ sức ỳ làm cản trở công tác cán bộ)
II- Nhận Định Của Nhà Lý Luận Chính Trị Thạc Sĩ Hoàng Hữu Phước
Tất cả các cán bộ Đảng đã qua các lớp “cao cấp lý luận chính trị” đã không thể nào trở thành những nhà hùng biện phụng quốc và vệ quốc do nội dung “cao cấp lý luận chính trị” nếu quả thật chỉ về các hội dung trên đã hoàn toàn sai về nhận thức cơ bản của các vấn đề sau – mà một khi đã không trên cơ sở nhận thức đúng sẽ chỉ đưa đến 6 hệ lụy của
(a) không còn khả năng phân biệt đúng-sai khi thực hiện,
(b) không dám thực hiện nếu không bị cấp trên sai bảo hoặc không thấy bản thân có thực quyền sai bảo cấp dưới,
(c) không còn khả năng hùng biện lý luận trong đời sống thực và môi trường công tác thực của thời gian thực,
(d) không thể đạt sự “tâm phục khẩu phục” nơi bản thân,
(e) không còn khả năng tin tưởng vào cái “cao cấp” đã học, và
(f) rối loạn nhân cách do mắc kẹt giữa hỗn mang của lý tưởng chủ quan ban đầu + lý luận mở rộng chỉ để bám chặt vào giáo điều + diễn biến thực tế phi chủ quan và phản giáo điều) :
A) Duy Vật Lịch Sử và Duy Vật Biện Chứng
Chủ Nghĩa Duy Vật Lịch Sử (historical materialism) và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng (dialectical materialism) đều có cùng xuất phát điểm từ phương pháp luận của Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng hình thành từ chủ nghĩa duy vật và biện chứng pháp tạo nên Triết học Mác-Xít. Khi bảo rằng Chủ Nghĩa Mác-Lênin (tức Mác-xít – Lê-nin-nít hay Mác-Lê Marxism-Leninism) được cấu thành từ ba bộ phận lý luận cơ bản không thể tách rời nhau của Triết Học Mác-Lênin, Kinh Tế Chính Trị Học Mác-Lênin, và Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học, tuyệt đại đa số các nhà triết học và nhà tư tưởng trong nhân loại xem tất cả như một hệ thống triết thuyết, một hệ tư tưởng kinh tế-chính trị mới nhất, có cách nhìn thấu đáo toàn vẹn mang tính hệ thống nhất, và có sức thuyết phục nhất của nhân loại.
Tại Việt Nam Cộng Hòa, chương trình của Ban C Văn Chương lớp Tú tài 1 và Tú Tài 2 (tức lớp 11 và lớp 12) có ba môn trọng tâm chiếm nhiều giờ học hơn cả gồm Văn Chương Việt, Tiếng Anh Văn-Thơ-Kịch (Ban A Sinh Hóa và B Toán Lý lớp Tú Tài 2 chỉ phải học đến phần Tiếng Anh Khoa Học-Xã Hội tức phần mà học sinh Ban C đã học xong lúc họ ở lớp 10) , và Triết Học (gồm Tâm Lý 1, Tâm Lý 2, Phân Tâm Học, Luận Lý Học, Đạo Đức Học, và Siêu Hình Học). Đặc biệt môn Siêu Hình Học có bài về Chủ Nghĩa Vô Thần và Chủ Nghĩa Cộng Sản. Ban C học ít giờ về các môn Toán/Lý/Hóa/Sinh, học rất nhiều giờ về các môn Việt/Anh/Pháp/Triết. Ban A và B học ít giờ về các môn Việt/Anh/Pháp/Triết để tập trung nhiều hơn cho Sinh/Hóa và Toán/Lý. Khi thi Tú Tài 1 và Tú Tài 2, tất cả các môn nào đã học đều phải thi, chỉ khác ở hệ số vì hệ số cao hơn (tức nhân cho 2 hoặc nhân cho 3) dành cho các môn trọng tâm của “Ban” và hệ số 1 dành cho các môn khác.
Như vậy, các “chủ nghĩa” được xem như “triết học” và được lồng vào môn Triết Học. Đây là điều tuyệt đối đúng đắn của nền học thuật hàn lâm Việt Nam Cộng Hòa.
Dù ý đồ luôn hiển hiện nơi “phe” nắm quyền bính về giáo dục nên các khai thác của giáo dục Việt Nam Cộng Hòa tập trung vào quan điểm “vô thần” của Chủ Nghĩa Cộng Sản nhằm khéo léo ẩn dấu sự kích hoạt một chống đối từ “hữu thần” và “đa thần”, vẫn không hề có bất kỳ bài học nào về “chủ nghĩa tư bản” nghĩa là “chủ nghĩa tư bản” đã không được hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa liệt vào hệ thống triết thuyết triết học của nhân loại để học hỏi/nghiên cứu nên không hề có bất kỳ sự ca tụng tôn vinh nào dành cho “chủ nghĩa tư bản” cả. Đây cũng là điều tuyệt đối đúng đắn vì trong thực tế lịch sử thì bản thân “chủ nghĩa tư bản” phát sinh, tồn tại, phát triển hoàn toàn không dựa vào một phát kiến triết học bất kỳ để dẫn lối đưa đường, thậm chí còn có thể nói “chủ nghĩa tư bản” hiện hình rõ nét trong quá trình hình thành đại tác phẩm Tư Bản Luận của Karl Marx để được nhân loại hiểu ra, nhận diện, và biết đến để “đấu tranh giai cấp”.
Ngược lại, những triết thuyết về chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mác-Lê, lại không được các nước tôn thờ các chủ nghĩa này xem như những triết thuyết để nghiên cứu tìm hiểu hoặc nghiên cứu chọn lọc mà lại xem chúng như những giáo điều bất biến bất di bất dịch để áp dụng triệt để. Đây là điểm hoàn toàn sai, như đã được diễn giải rất nhiều lần qua nhiều bài viết của Hoàng Hữu Phước tại blog này, mà các luận điểm chính có thể nêu tóm tắt như sau:
a- Tóm Tắt 1: Kinh tế-Chính trị không bao giờ có thể bất biến bất di bất dịch đối với sự vận hành nền kinh tế quốc dân vốn không bao giờ độc lập tự chủ tồn tại tách biệt khỏi hoạt động sôi động cộng đồng mang tính quyết định giao thương thế giới mặc cho có cái “thế giới đại đồng” hay không có cái “toàn cầu hóa”.
b- Tóm Tắt 2: Vì vậy, hành động đúng trong kinh tế-chính trị ở Việt Nam chỉ có thể là tổng hợp của sự chắt lọc các tinh túy mang tính chân lý của Chủ Nghĩa Mác-Lê/Chủ Nghĩa Cộng Sản trong bảo đảm đem lại cuộc sống hạnh phúc nhất và đời sống sung túc nhất cho toàn dân, và sự chắt lọc các tinh túy chân lý của Chủ Nghĩa Tư Bản trong xây dựng tư bản và khuếch trương tư bản để phục vụ tốt nhất cho sự bảo đảm quá lý tưởng ấy. Biến các tinh túy mang tính chân lý của Chủ Nghĩa Mác-Lê/Chủ Nghĩa Cộng Sản thành giáo điều để khăng khăng từ chối mô phỏng các ưu việt mang tính chân lý của phía đối nghịch ý thức hệ, hoặc cố giải biện rằng các mô phỏng ngoại lai hoặc đổi thay nội tại đang diễn ra đều là những “vận dụng sáng tạo các giáo điều” đều sai vì đó là nỗ lực tự giam hảm tư duy vốn là điều trái nghịch hoàn toàn với hành trạng tư duy triết học.
c- Tóm Tắt 3: Vì rằng thế giới tư bản dựa theo các cảnh báo thấu thị của Tư Bản Luận cũng như rút kinh nghiệm từ thực tế sự vùng lên thắng thế của chủ nghĩa xã hội/chủ nghĩa cộng sản, đã có những hành động quyết liệt và rất hiệu quả trong o bế giai cấp lao động qua tạo giao quyền lực thực sự cho các công đoàn ngành tức xé vụn từ “tổng công đoàn” mô hình cộng sản chủ nghĩa, gia tăng cao nhất hấp dẫn nhất phúc lợi xã hội, và triệt hạ triệt để triệt tiêu thành công các quốc gia xã hội chủ nghĩa “đầu đàn”, khiến chủ nghĩa cộng sản/chủ nghĩa xã hội không bao giờ còn ở vị thế thượng phong thực tế về kinh tế-chính trị trong xã hội loài người, khiến việc xem các thấu thị của Karl Marx là giáo điều duy-nhất-đúng đã trở thành không bao giờ còn sức thuyết phục đối với người dân Việt Nam và người lao động toàn cầu.
d- Kết Luận: Toàn bộ các nội dung về Triết Học Mác-Lênin (bao gồm biện chứng pháp, duy vật lịch sử và duy vật biện chứng), Kinh Tế Chính Trị Học Mác-Lênin, và Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học, đều chỉ là các môn học xứng đáng cho một bằng cấp đại học/sau đại học về triết học.
Bằng cấp ấy đáp ứng duy chỉ 2 nhu cầu gồm nhu cầu cá nhân người học như một nhà nghiên cứu, và nhu cầu cán bộ giảng dạy các môn học ấy trong ngành triết học tại một trường đại học khoa học xã hội và nhân văn.
Học Triết Học Mác-Lênin (bao gồm biện chứng pháp, duy vật lịch sử và duy vật biện chứng), Kinh Tế Chính Trị Học Mác-Lênin, và Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học để được xem như đủ trình độ “cao cấp lý luận chính trị” để tham chính, trị quốc, quản lý cấp cao ở tất cả các ngành, chỉ đạo tất cả các lĩnh vực, sẽ là điều quái đản không thể tiếp tục được chấp nhận ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hậu quả nhãn tiền là: chưa hề có bất kỳ đảng viên nào “được” học cao cấp lý luận chính trị mà có tên trong danh sách nhân tài đã/đang tham chính, đã/đang trị quốc, đã/đang quản lý cấp cao ở tất cả các ngành, hay đã/đang chỉ đạo ở tất cả các lĩnh vực. Có chăng là danh sách ngày càng dài hơn những tên tội pham làm nghèo đất nước, làm quốc gia bị ô danh, làm Đảng ngày càng suy yếu, và luôn sẵn sàng bỏ Đảng/chống Đảng/đào tẩu.
Hãy để nhà chính trị Hoàng Hữu Phước biên tập lại toàn bộ chương trình cao cấp lý luận chính trị để Đảng Cộng Sản Việt Nam may ra lần đầu tiên có được những đảng viên là những nhà chính trị giỏi hùng biện phụng quốc và vệ quốc.
B) Tâm Lý Học Lãnh Đạo Quản Lý:
Hãy để nhà chính trị thiên Khổng Hoàng Hữu Phước biên tập lại toàn bộ chương trình Tâm Lý Học Lãnh Đạo Quản Lý của Cao Cấp Lý Luận Chính Trị để Đảng Cộng Sản Việt Nam may ra lần đầu tiên sẽ có được những nhà lãnh đạo tương lai vững vàng, trong sạch, gương mẫu, vì rằng
1- Người dạy Cao Cấp Lý Luận Chính Trị theo nội dung đang có của Đảng Cộng Sản Việt Nam phải có nhân cách/đức/tài/kinh nghiệm thực tiễn để dạy nhân cách/đức/tài nhưng trong thực tế hiện nay toàn bộ các đảng viên tuyên giáo không có bất kỳ ai như vậy để giảng dạy Cao Cấp Lý Luận Chính Trị theo nội dung đang có của Đảng Cộng Sản Việt Nam;
2- Người dạy Cao Cấp Lý Luận Chính Trị theo nội dung đang có của Đảng Cộng Sản Việt Nam phải có sự thông tuệ và thần uy để trấn áp tất cả các manh nha tư duy tiêu cực nơi học viên, trong khi các đảng viên tuyên giáo không có bất kỳ ai như vậy để giảng dạy Cao Cấp Lý Luận Chính Trị theo nội dung đang có của Đảng Cộng Sản Việt Nam;
3– Bốn nội dung của “đức” là chưa đủ và nhất thiết phải bổ sung rất nhiều “đức” khác của nhà lãnh đạo;
4- Để có “bốn nội dung” ấy của “đức” nhất thiết trước hết đảng viên dự học phải xuất thân từ gia đình gia giáo thiên Khổng;
5– Sự làm ngơ trước 4 điều trên chỉ sẽ làm tiếp diễn cảnh hý hước rằng không ai có “cao cấp lý luận chính trị” theo nội dung đang có của Đảng Cộng Sản Việt Nam có khả năng lý luận chính trị để phụng quốc, vệ Đảng; cũng như không ai có “cao cấp lý luận chính trị” làm bài thi đạt yêu cầu về tâm lý học lãnh đạo quản lý mà có đức có tài có nhân cách như các bài đã học cả.
Học phải đi đôi với hành. Hành luôn tốt hơn học và làm vinh danh sự học, khuếch trương sự học, tỏa lan sự học.
Hành sai do học bậy từ chương trình bậy và do người dạy bậy.
Sự thật về sự suy sụp thực tế của báo chí truyền thông là do báo chí truyền thông chỉ có toàn những người đã được đào tạo bài bản từ nội dung “cao cấp lý luận chính trị” hoàn toàn sai, khiến biến mất các xã luận lý luận đẳng cấp cao về chính trị mà thay vào đó toàn là những đưa tin lúc thì theo kiểu miễn-phê-bình, lúc lại theo kiểu phỏng-vấn-phe-nhóm, lúc lại theo kiểu nhồi-nhét-thồn-tọng-chữ-vào-mồm-người khác, lúc lại theo khuynh-hướng-văn-học tức thuần sáng tác mà nhà lý luận chính trị siêu cao cấp Donald Trump gọi là Fake News.
Sự thật về danh sách dày hơn những tiêu cực tham nhũng nơi đảng viên cấp cao là bằng chứng thuyết phục nhất rằng nội dung “cao cấp lý luận chính trị để tạo nên cấp lãnh đạo” là hoàn toàn sai và người dạy “cao cấp lý luận chính trị để tạo nên cấp lãnh đạo” là hoàn toàn bất tài vô dụng không biết cái mình đang dạy là thứ chỉ làm người học bị tẩu hỏa nhập ma.
Sai mà không tự biết đó là cái sai là cái đại sai thứ nhất.
Sai mà không biết ai là người để cậy nhờ sửa sai là cái đại sai thứ nhị.
Sai mà không sửa ngay khi được vạch ra cho biết là cái đại sai thứ tam.
Và sai mà đem cái sai ấy làm giấy chứng nhận có đủ trình độ trị quốc cho những người học bậy là cái đại sai thứ tứ.
Đó gọi là Tứ Đại Sai vậy.
Tác giả bài viết này cùng tất cả sinh viên Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh đều đã học tất cả các nội dung của “cao cấp lý luận chính trị” (như duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác-Lê, chủ nghĩa cộng sản khoa học, kinh tế-chính trị Mác-Lê), vậy đương nhiên ông ta lẽ ra cũng phải được giao trọng trách trị quốc hoặc thấp nhất tầm thường nhất cũng là giảng dạy “cao cấp lý luận chính trị” cho các đảng viên cộng sản mới là đạo lý công bằng mà Karl Marx ước ao thực thi được trên cõi ta bà này.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.