Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/03/2019

Nương nhờ bóng Phật : hậu sự những mảnh đời xấu số trên đất Phù Tang (tháng 3 năm 2019)

Ngay đầu tháng 3, theo thông tin của sư cô Thích Tâm Trí ở Nhật Bản, đã có liền mấy học sinh Việt Nam trẻ tuổi vừa tử nạn. Các ngôi chùa Việt Nam tại Nhật Bản đã giang tay cứu rỗi, đứng ra lo hậu sự cho các em.  

Ngày 5 tháng 3 là hậu sự của một em tên Đạt người Thái Bình. Thì lại chuẩn bị là hậu sự của một em tên Cương người Hải Phòng.


Chép nguyên thông tin từ Fb của sư cô.

---

"

Sáng nay chùa Nisshinkutsu vừa tiển hương linh em Đạt về nước, chiều ngày mai lại cúng cầu siêu và hoả táng cho em Cương tại nhà hoả táng: 東京都品川区西五反田5-32-20

Liên tục các em trẻ tuổi mất tại NBản. 

Vũ Văn Cương sinh 23/3/1996, mất ngày 4/3/2019 hưởng dương 23 tuổi, quê ở Đông Hưng - Tiên Lãng- thành phố Hải Phòng. Em mất do tai nạn lao động làm dàn giáo k mhông may bị ngã xuống từ tầng 20. Sáng mai bác ruột và bạn của em sẽ bay từ Hà Nội sang NBản để làm lễ hoả táng.

Em là thực tập sinh hiện đang sống và làm việc tại Saitama-Nhật Bản . Sang bên nhật làm việc mới được hơn năm. Học hết cấp 3 em đi bộ đội rồi về sang Nhật lao động muốn cuộc sống tốt hơn để phụ giúp gia đình a là con trai cả . Một người con ngoan hiếu thảo
Lúc 2h chiều ngày 28-2-2019 trong lúc làm việc không may xảy ra tai nạn dàn giáo e bị ngã từ tầng 20 e đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện東京女子医科大学東医療センター Nhật Bản 
đến sáng hơn 7h ngày 4-3-2019 e đã không qua khỏi , e đã chút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện tokyo.
Gia đình khó khăn bố em ở nhà mới gặp tai nạn vẫn chưa khỏi.
Mẹ em thì thương con khóc ngất lên ngất xuống 
Hiện tại gia đình gặp rất nhiều khó khăn mong muốn sớm được đưa hài cốt của em về với quê hương, gia đình. Rất mong được sự giúp đỡ của tất cả mọi người bớt chút lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình để e sớm được về với đất mẹ. Bố chờ-Mẹ đợi Rất mong mọi người giúp đỡ và chia sẻ bài viết
Thay mặt các gia đình có các em mất
Xin Chân Thành Cảm Ơn
(Sẽ bàn bạc với gia đình em Đạt xin chia sẻ chút ít phúng viếng em Cương nếu được).

Vừa qua trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản lại có thêm một người mới qua đời đó là hương linh Nguyễn Vương Đạt sanh ngày 14/4/1996, mất ngày 27/2/2019, thụ tam quy giới pháp danh Đức Hạnh, hưởng dương 23 tuổi. 
Hôm qua ngày 4/3/2019 vào lúc 9h sáng, thi thể của em Đạt đã được hoả táng tại nhà tang lễ Hogogaya - Yokohama. Trước khi hỏa thiêu, bên nhà tang lễ đã mở nắp hòm cho mọi người đặt hoa và nhìn mặt em Đạt lần cuối. Cô bạn của Đạt đã nhẹ nhàng đặt lòng bàn tay lên má Đạt và nói rằng: “ A hãy yên nghỉ a nhé, em sẽ thay a sống hết phần đời còn lại”. Câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng nhìn hành động, lời nói của bạn gái khiến người thân và bạn bè của Đạt vô cùng xúc động.
Sau khi hỏa táng xong, hũ cốt bài vị di ảnh của em đã được an trí tại Chùa Nisshin Kutsu, vì Phật sự đa đoan nên buổi cúng cầu siêu cho hương linh Nguyễn Vương Đạt, Tâm Trí đã liên lạc từ xa, nhờ Thầy Thích Phương Bình làm chủ lễ. 
Buổi chiều và tối hôm qua, mặc dù thời tiết mưa to, gió lớn nhưng đông đảo bạn bè trong các đội bóng đá, bạn bè tại trường học và cộng đồng bà con gần xa đã đến viếng lễ thắp hương niệm kinh chia buồn tới người nhà của em Đạt. 
Người nhà gồm Thảo là (cháu gái), bạn bè của Đạt trú trọ một đêm tại Chùa để sáng hôm nay trên chuyến bay lúc 9:30 sáng từ sân bay Narita về Sân Bay Nội Bài- Hà Nội. 
Em Đạt ra đi là một nỗi đau không thể bù đắp được đối với gia đình, anh chị em bạn bè ở lại.
Mấy ngày nay, trong bầu trời ảm đạm âm u, ngoài trời mưa to, tiếng mưa rơi cũng như tiếng lòng, tiếng gọi khóc thầm trên gương mặt của tất cả mọi người.
Từ ngàn xưa, dẫu biết rằng sinh ly tử biệt không ai tránh khỏi. Nhưng nơi đất khách quê người, không gia đình, cha mẹ anh chị em.... Chứng kiến cảnh ngộ đó không ai lại không chạnh lòng thương tiếc.
Trong những ngày qua, xin tri ân công đức của cả nhà FB đã dùng năng lượng yêu thương, chia sẻ tấm lòng, hộ niệm cho hương linh Nguyễn Vương Đạt sớm siêu sanh về miền cực lạc. Chiều nay người nhà của Đạt đã gọi điện thoại sang cho Chùa Nisshin Kutsu, hài cốt di ảnh bài bị của em Đạt đã về tới nhà an toàn.
Số tiền của chư vị ủng hộ cho gia đình em Đạt sẽ được tổng kết và thông báo cho mọi người sau trong thời gian sớm nhất.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát 

https://www.facebook.com/tamtri.thich/posts/2082877491793333
"


1. Hậu sự em Đạt



















2. Thông tin về em Cương




---



BỔ SUNG


1. Bài trên BBC vào cuối tháng 4 năm 2019

Ngôi chùa thắp hương cho thực tập sinh Việt chết ở Nhật Bản

Sư cô Thích Tâm Trí thắp hương
Image captionSư cô Thích Tâm Trí thắp hương trên ban thờ đặt nhiều bài vị của các thực tập sinh và du học sinh Việt
Ngôi chùa Nisshinkutsu ở Tokyo trở thành một tâm điểm chú ý của truyền thông Nhật từ tháng 10/2018, sau khi có thông tin chùa là nơi đặt bài vị của nhiều du học sinh và thực tập sinh (TTS) Việt không may qua đời tại đất nước mặt trời mọc.
Sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật Tử Việt Nam tại Nhật Bản, đồng ý tiếp nhóm phóng viên BBC vào một buổi sáng mùa xuân ấm áp.
Vào trong chùa, chúng tôi bước vào căn phòng rộng đặt điện thờ chính, nơi Phật tử đến cúng lễ và học lớp tu hàng tháng. Phía sau là một căn phòng nhỏ nơi có ban thờ đặt nhiều bài vị khắc trên gỗ.
Ngoài bài vị của vài người nước ngoài và một số người Việt tỵ nạn lâu năm mất ở Nhật, đa số các bài vị là của các du học sinh, thực tập sinh người Việt đã mất ở Nhật từ năm 2012.
Tuổi của các em, được khắc trên bia gỗ, còn rất trẻ - chỉ ngoài 20 hay 30. Chúng tôi, có lẽ cũng như nhiều người tới thăm chùa, không khỏi buồn và muốn biết vì sao các em đã chết trẻ ở đất nước nổi tiếng phát triển và hiện đại này.

Chết đột tử đứng đầu các nguyên nhân tử vong

Cộng đồng người Việt ở Nhật hiện nay có trên 300 ngàn người, trong đó TTS sinh chiếm đại đa số, sau đó đến du học sinh.
Sư cô Thích Tâm Trí cho chúng tôi biết trong vòng 6 năm qua đã có hơn 100, và chỉ riêng năm 2018, đã có hơn 40 trường hợp TTS và du học sinh Việt mất trên đất nước Nhật Bản. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, đã có 12 trường hợp tử vong.
Sư Cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật Tử Việt Nam tại Nhật Bản.
Image captionSư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật Tử Việt Nam tại Nhật Bản
Khi hỗ trợ làm thủ tục cho các em không may bị mất tại Nhật, nhà chùa cùng các hội đoàn và sứ quán Việt Nam cần thu thập ba loại chứng từ: giấy chứng nghiệm tử thi, giấy chứng tử và giấy hỏa táng.
Theo những thông tin trong giấy chứng nghiệm tử thi, chết đột quỵ và đột tử là nguyên nhân được ghi nhiều nhất, sư cô Thích Tâm Trí nói.
"Người Nhật chỉ nói nguyên nhân chết là bị nhồi máu cơ tim hoặc co thắt tim, hay chết đột tử thôi, chứ hoàn toàn không có ghi là chết vì làm việc quá sức, hay "karoshi" trong tiếng Nhật.
"Ngoài ra còn có một số trường hợp bị tai nạn, hay bị bệnh chết, và còn có một số trường hợp tự tử.
"Chúng tôi vẫn cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao các em lại chết đột tử và đột quỵ."

Điều gì dẫn đến tử vong?

Tôi hỏi sư cô những nguyên nhân nào khiến các em du học sinh và thực tập sinh tử vong trên nước Nhật.
Sư cô cho biết:
"Nhìn nhận từ phương diện chung, tìm hiểu vì sao các em còn trẻ, còn khỏe, chỉ trong vòng 20, 30 tuổi mà đã tử vong, chúng tôi rút ra được bảy nguyên nhân chính:
"Thứ nhất, các em trước khi sang đây, chưa chuẩn mực được tiếng Nhật. Các em cần học tiếng Nhật cho giỏi để giao tiếp trong cuộc sống, và biết được những nội dung trong công việc."
Sư cô kể thêm có những thực tập sinh chỉ biết tiếng Nhật bập bẹ, nhưng khi người Nhật hỏi thì cứ trả lời "Hai, wakarimashita" ("Vâng, tôi hiểu rồi".) Vậy nên các em được người trong công ty giao hết việc, nhưng không làm được và bị la mắng.
"Dần dần, các em có suy nghĩ tại sao mình qua đây đi làm mà mình lại bị la mắng, lại bị coi như nô lệ, bị người ta mắng nhiếc rồi đánh đập v.v."
Nguyên nhân thứ hai, theo sư cô, là ít quan hệ và khó thích nghi với môi trường sống.
"Ví dụ các em không nói chuyện được, thì cái môi trường sống, sự tiếp cận với những người xung quanh sẽ dần xấu đi. Khi quan hệ xấu như vậy, các em sẽ dẫn đến bị trầm cảm, hụt hẫng và mọi thứ xung quanh dường như không có lối thoát. Dẫn tới nguyên nhân thứ ba là các em bị bế tắc tới đường cùng."
Nhiều thực tập sinh Việt Nam sang Nhật khó thích nghi với môi trường sống vì Tiếng Nhật yếu.
Image captionNhiều thực tập sinh Việt Nam sang Nhật khó thích nghi với môi trường sống vì tiếng Nhật yếu
Thiếu chất dinh dưỡng được sư cô liệt kê là nguyên nhân thứ tư dẫn đến các trường hợp tử vong
"Có những em thực tập sinh làm việc từ sáng sớm tới chiều tối, từ thứ Hai đến thứ bảy, thậm chí Chủ nhật. Làm việc rất siêng năng nhưng các em ăn uống không điều độ.
"Tối về thì có thể là mệt quá, hoặc là lướt Facebook hoặc là chơi game. Ăn uống thì có gì ăn nấy. Nấu cơm thôi, rồi thông thường là các em chỉ chiên trứng hay một miếng thịt là xong để tiết kiệm tiền.
Nguyên nhân thứ năm, theo sư cô, là áp lực phải tiết kiệm để trả nợ.
"Hầu như tiền làm được là các em gửi về cho gia đình để trả nợ. Trước khi qua đây, đa số thực tập sinh vay mượn rất nhiều. Tổng cộng số tiền học sáu tháng ở trong nước, vừa tiền thủ tục làm visa nhập cảnh, mua vé máy bay, rồi tiền thế chân…tất tần tật chúng tôi nghe được, các em phải mất tới 100 hay 120 man. [1 man = 10.000 Yên Nhật. Tại thời điểm viết bài, 100 man = khoảng 204 triệu đồng Việt Nam.]
"Các em đi làm có lương nhưng chịu áp lực phải tiết kiệm dành dụm để gửi về cho gia đình, một gánh nặng và khó khăn lớn cho các em."
Làm việc quá sức, quá giờ và ỷ lại vào sức khỏe là nguyên nhân thứ sáu sư cô kể tới.
"Mới gần đây, chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Abe mới ra luật đưa người lao động nước ngoài sang Nhật Bản làm việc. Sẽ có những thay đổi về luật cho phép người lao động ở lại được 5 năm. Sau đó nếu làm việc tốt, tiếng Nhật tốt, thi cử về chuyên môn cao, thì sẽ ở lại được tiếp 5 năm nữa. Nhưng luật này chỉ mới ra thôi.
"Từ trước tới nay, các em chỉ được ở ba năm nên tận dụng thời gian đó để làm việc, dẫn tới lao lực và sinh bệnh. Khi bị bệnh họ cố gắng và không chịu đi bệnh viện.
"Các em cứ nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe, nếu có bị ốm thì chỉ là cảm sơ sơ, nằm ngủ chút xíu là sẽ bớt đi.
"Nhưng có trường hợp các em bị sốt lên, rồi xuất huyết não, rồi phải nhập viện và sau đó là tử vong.
Nhật Bản có phong cảnh đẹp nhưng thời tiết khí hậu dễ thay đổi.
Image captionNhật Bản có phong cảnh đẹp nhưng thời tiết khí hậu dễ thay đổi
Nguyên nhân thứ bảy, theo sư cô, là thời tiết, khí hậu ở Nhật Bản dễ thay đổi.
"Hôm nay lạnh, ngày mai nóng. Các em chủ quan về sức khỏe, mùa đông cũng mặc áo ngắn tay trong nhà. Khi ra đường thì thời tiết thay đổi, nên các em bị nhồi máu cơ tim, hay co thắt tim."

Thông điệp cho người lao động Việt

Trước khi dừng cuộc phỏng vấn, tôi hỏi Sư cô Thích Tâm Trí bà có thông điệp gì gửi cho những em muốn sang Nhật du học hay làm thực tập sinh.
"Điều mà thầy mong muốn cho tất cả các em chuẩn bị tốt, đó là kiến thức tiếng Nhật và trình độ chuyên môn của mình.
"Thứ hai là các em phải đảm bảo được sức khỏe và để ý tới các vấn đề xung quanh.
"Thứ ba, các em nên cố gắng nâng cao trình độ kỹ thuật của mình để sau này về Việt Nam có thể có công ăn việc làm ổn định hơn."

Công ty Nhật nên đối xử tốt và đừng trả lương quá rẻ

Sư cô cũng muốn gửi thông điệp tới người Nhật và tất cả những ai đang sống trên nước Nhật:
"Đằng sau đời sống hạnh phúc, và những công cụ, phương tiện để phục vụ cuộc sống tiện ích của chúng ta, là sự hy sinh rất lớn của các em TTS, du học sinh nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam.
"Thầy muốn gửi thông điệp đến những người trong công ty hãng xưởng nghiệp đoàn Nhật rằng họ nên đối xử trịnh trọng đối với các em lao động về cử chỉ, hành động, lời nói. Họ nên quan tâm hơn nữa đến đời sống của các em, và nới lỏng hơn nữa về mặt thời gian lao động.
"Chẳng hạn, những em muốn đi làm thêm, họ phải xét xem sức khỏe có bình ổn không. Còn có những trường hợp không muốn làm thêm giờ nhưng vẫn phải làm, thì nên xem xét tăng lương tăng bổng cho họ.
"Đừng nên trả lương quá rẻ, nó không phù hợp với sức lao động của người Việt Nam chúng ta.
"Về luật lao động, không thể đánh đồng người lao động nước ngoài với người Nhật Bản được, vì tinh thần, thể chất và ý chí của người Nhật rất là kiên cường.
"Người nước ngoài sang đây học tập và làm việc, ít nhiều cũng sẽ nghịch về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, về hoàn cảnh môi trường xung quanh và nhất là khí hậu và thời tiết."
Sư Cô Thích Tâm Trí kể về một số trường hợp thực tập sinh Việt tử vong tại Nhật.
Image captionSư cô Thích Tâm Trí kể về một số trường hợp thực tập sinh Việt tử vong tại Nhật
Chúng tôi khẩn trương hoàn thành việc quay phim trong chùa vì được biết đầu giờ chiều nhà chùa còn phải tiếp một hãng truyền thông Nhật.
Sư cô nói với tôi thực ra bà cũng không muốn kể lại những câu chuyện buồn này, nhưng bà mong rằng nếu số phận của các em lao động Việt được đưa tin rộng rãi trên truyền thông, mọi người sẽ hiểu hơn về thực trạng của lao động nước ngoài ở Nhật, đặc biệt là lao động Việt.
"Thầy mong mỏi làm sao tính mạng của các em được chu toàn. Và mong mỏi có tình thương, tình cảm giữa con người và con người trong cuộc sống này."
Quý vị đón theo dõi loạt bài và video của BBC về chủ đề người Việt ở Nhật Bản trong những tuần tới.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48036542?ocid=socialflow_facebook&fbclid=IwAR3KUq0cYKv4j_HIB17JG6kcPjKT_0OwVM5fUvhlnJAkQu8bCSyfiTwGB1k

1 nhận xét:

  1. 1. Bài trên BBC vào cuối tháng 4 năm 2019

    Ngôi chùa thắp hương cho thực tập sinh Việt chết ở Nhật Bản
    Minh Thư
    BBC News Tiếng Việt từ Tokyo

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.