Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/11/2018

"Linh Hựu quán" ở kinh thành Huế - một cơ sở Đạo giáo bị Tây phá bỏ


Bài trên trang nhà của cụ NĐX.

Cuối cùng ghi năm hoàn thành là 2001.




---



22/08/2012

Mặc dù nhà Nguyễn chỉ quan tâm đến đạo Nho của Khổng Tử, nhưng các vua Nguyễn cũng không thể phủ nhận được thực tế là xã hội Việt Nam đầu Thế kỷ XIX vẫn còn giữ tinh thần Tam giáo đồng nguyên (Phật, Lão, Nho). Do đó, ngoài Văn Thánh thờ Khổng Tử, nhà Nguyễn còn cho sửa sang nhiều ngôi quốc tự để thờ Phật, xây dựng Linh Hựu Quán để thờ Lão Tử. Văn Thánh được dựng ở Kinh đô và nhiều địa phương trong cả nước, các chùa thờ Phật thì có khắp nơi, riêng Linh Hựu Quán thờ Lão Tử thì chỉ có ở Kinh đô Huế và chỉ có một mà thôi.


Linh Hựu Quán - cảnh thứ 13 trong Ngự Đế Danh Thắng Đồ Hội Thi Tập của vua Thiệu Trị


Sách Đại Nam Nhất Thống Chi viết thời Tự Đức (Bản dịch Nxb KHXH, HN 1969. t.1, tr.71) và soạn lại dưới thời Duy Tân (Bản dịch , tập Kinh sư, bản dịch, Bộ QGGD, SG. 1960, tr.87) đếu có chép di tích Linh Hựu Quán đứng đầu trong mục Tự Quán (chùa quán). Vua Thiệu Trị - ông vua thứ ba của triều Nguyễn, cho rằng: ”Nước ta vốn có tiếng là văn hiến” và “ văn vật ở nước ta không kém gì Trung Quốc” (ĐNTL, tập XXIV, tr.137 và 409). Tiêu biểu cho văn hiến Việt Nam ở chốn Kinh Kỳ là 20 thắng cảnh mà nhà vua đã làm thơ “tức cảnh” và cho minh hoạ rồi tập hợp lại trong Ngự Đề Danh Thắng Đồ Hội Thi Tập. Đồng thời cho khắc bia dựng ở từng thắng cảnh để lưu truyền hậu thế. Trong 20 bài thơ tức cảnh ấy, có bài Linh Quán Khánh Vận (Tiếng khánh ở quán Linh Hựu) viết về Linh Hựu Quán với  số thứ tự thứ 13. Điều đó chứng tỏ Linh Hựu Quán nổi tiếng giống như Hồ Tịnh Tâm (bài số 3), sông Hương (bài số 11), núi Ngự Bình (bài số 12), chùa Thiên Mụ (bài số 14). . . Nhưng rất tiếc từ rất lâu di tích Linh Hựu Quán đã biến mất, chỉ còn một số người rất ít biết Linh Hựu Quán qua thư tịch mà thôi.  Vì thế bài viết nầy xin giới thiệu đôi nét về Linh Hựu Quán.

Linh Hựu Quán là nhà thờ của Đạo sĩ. Triều Nguyễn xây dựng Linh Hựu Quán như đã nói trên là để thờ Lão Tử. Các pháp sư, đạo sĩ làm việc ở quán đều do triều đình bổ nhiệm và cấp bổng lộc. Quán toạ lạc tại phường Ân Thạnh (sau đổi thành Tây Linh), phía bắc sông Ngự Hà, phía tây Trấn Bình Đài (Mang Cá) trong Kinh thành (Xem sơ đồ do L.Cadière thực hiện). Quán được xây dựng vào năm thứ 10 triều Minh Mạng (1829) trên một khu đất khá rộng. Công trình gồm có điện Trùng Tiêu 5 gian nằm ở chính giữa, bên trái có gác Từ Vân, bên phải có gác Tường Quang. Hai gác nầy có kiến trúc giống nhau, tầng dưới một gian hai chái, tầng trên một gian. Hai bên điện Trùng Tiêu  có hai dãy hành lang, mỗi bên dài 5 gian nối với hai gác Từ Vân và Tường Quang. Trước quán dựng Tam quan ba gian, có vọng lâu xinh xắn. Cuối con dường dẫn từ Quán ra sông Ngự Hà có Phường môn Linh Tinh. (Xem tranh khắc minh hoạ trong Ngự Đề Danh Thắng Đồ Hội Thi Tập)
Đầu thế kỷ 19, khi xây dựng Kinh thành Huế, nhà Nguyễn lập Trấn Bình Đài để bảo vệ Kinh đô từ phía đông bắc. Do đó, trong quá trình đánh Huế, thực dân Pháp tìm mọi cách chiếm hữu Trấn Bình Đài. Điều 5, Hiệp ước Giáp thân (6.1884), thực dân Pháp ép triều đình Huế phải nhượng Trấn Bình Đài cho Pháp đóng quân. Từ đó dân Huế gọi Trấn Bình Đài là đồn Mang Cá. Trong  biến cố Thất thủ Kinh đô năm 1885, quân đội Pháp đánh chiếm khu vực Linh Hựu Quán và một số công trình khác của triều đình (như cung Bảo Định). Qua năm 1886, Toàn quyền Paul Bert với sự tham mưu của Trương Vĩnh Ký lại ép triều Đồng Khánh nhượng tiếp khu đất nằm giữa Trấn Bình Đài và Linh Hựu Quán để  Pháp xây dựng thêm doanh trại, đồn bót, nhà thương, kho hậu cần…Linh Hựu Quán bị triệt giải. Dân Huế gọi khu nhượng địa mới nầy là Mang Cá Lớn, khu Trấn Bình Đài cũ là Mang Cá Nhỏ. Lúc bấy giờ có một số dân theo đạo Thiên chúa ở thôn Cự Lại (vùng Thuận An) lên sinh sống chung quanh doanh trại Pháp ở khu Mang Cá, họ làm bồi bếp, nấu ăn, buôn bán. . .Lấy lý do giúp đỡ những giáo dân nầy về mặt tôn giáo, linh mục Eugène Marie - Joseph Allys (1852-1936) xin cất một nhà thờ trên đất Linh Hựu Quán để giáo dân “có nơi đọc kinh sớm tối, lễ lạc Chúa nhật”. Nhưng vì luật lệ của Triều đình cấm xây dựng Nhà thờ Thiên chúa giáo trong Kinh thành nên chuyện không thành. Sau đó dưới triều Thành Thái Duy Tân, do sự vận động của Thượng Thị vệ  Ngô Đình Khả (1857-1923), một nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng trên đất của Linh Hựu Quán, lấy tên là Họ Cầu Kho. Theo sách Nhân vật giáo phận Huế (tập I, tr.241, chú thích 15) của Lê Ngọc Bích, nhà thờ ấy “chỉ được lợp tranh tre” mà thôi. . . .Dưới thời Ngô Đình Diệm (1954-1963), chính quyền cho phép triệt hạ nhà thờ cũ để làm trường Tín Đức (ngày nay là Trường PTCS Thuận Lộc) nhà thờ mới được xây dựng khang trang vào đúng vị trí Linh Hựu Quán ngày xưa(1). Đó là Nhà thờ Giáo xứ Tây Linh trên đường Thái Phiên phường Thuận Lộc ngày nay (Xem ảnh). Theo L. Cadière địa danh Tây Linh có chữ Linh gốc từ Linh Hựu Quán. Tấm bia khắc bài Linh Quán Khánh Vận không rõ biến mất từ thời nào. Trước năm 1933, L.Cadière cố công đi tìm vẫn không thấy. Hiện nay tại số 57 Nguyễn Chí Thanh thuộc phường Phú Hiệp có một kiến trúc gỗ, chính đường ba gian hai chái, tiền đường dài 7m, rộng 3m, mang tên Quán Linh Hựu, ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XX, bên trong thờ Phật, thờ Mẫu. . .Phải chăng sau khi Linh Hựu Quán bị dẹp bỏ người ta xây dựng địa điểm mới nầy để lưu danh ? Và, để tranh thủ được nhiều tín đồ, thay vì thờ Lão Tử dần dần người ta thờ Phật và thờ Mẫu?
Ngày nay đạo Lão không còn được ai theo, trong lúc nhiều di tích lịch sử quan trọng chưa có ngân sách để trùng tu tôn tạo, đặt vấn đề phục hồi lại Linh Hựu Quán là một chuyện xa vời. Với tư cách là một người nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, tôi nghĩ tất cả những di tích của Kinh đô Huế cũ ta cần phải sưu tập tư liệu, hình ảnh, phải nghiên cứu giới thiệu một cách khoa học để chống lại sự lãng quên. Riêng Linh Hựu Quán không những là một công trình kiến trúc đẹp quan trọng ở Kinh đô, được vua Thiệu Trị làm thơ ca ngợi mà nó còn là một di tích minh chứng cho thời kỳ Tam giáo đồng nguyên của xã hội Việt Nam xưa. Không có tư liệu về Linh Hựu Quán thì lấy gì để chứng minh điều? Nếu chưa đủ khả năng phục hồi lại di tích cũ thì ít ra cũng cần có đủ tư liệu để dựng lại một mô hình Linh Hựu Quán phục vụ khách du lịch và con cháu sau nầy!

Gác Thọ Lộc, 10.2001
Nguyễn Đắc Xuân




Tài liệu tham khảo

Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, tập I và tập II (Huế 2000, lưu hành nội bộ)

Léopole Cadière, La Citadelle de Hué, Onomastique, BAVH. Janvier-Juin 1933

Phan Thuận An, Kinh Thành Huế, Nxb Thuận Hoá, H.1999

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí;
- Bản Tự Đức, bản dịch, t.1, Nxb KHXH, HN 1969.
- Bản Duy Tân, bản dịch, tập Kinh sư, Bộ QGGD, SG. 1960

Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam, Nguồn Sống, SG.1960;

Vua Thiệu Trị, Thần Kinh Nhị Thập Cảnh, TTBTDTCĐ Huế, Thuận Hoá, H.1997

(1) Sau lưng nhà thờ còn lưu lại một cái hồ mà người trong vùng gọi là Hồ Chùa (Linh Hựu). Đó là dấu tích độc nhất của Linh Hựu Quán còn sót lại cho đến ngày nay

http://www.gactholoc.com/c15/t15-52/linh-huu-quan-nha-tho-lao-tu-doc-nhat-o-kinh-do-hue-xua.html?fbclid=IwAR0lH5_R3ih9oDInKAitloCkxjERhcnDTIlqZHN2Q5-r9XCLHwljHzbZ9PQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.