Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/10/2018

Gió lạnh đầu mùa, hiện lên rõ ràng là hình ảnh chị lao công gần nhà lưu niệm Tố Hữu

Buổi sáng của những ngày đầu tiên có gió lạnh ở Hà Nội, đưa trẻ con đi học và từ đó trở ra, thì hình ảnh nổi bật, hóa ra là các chị lao công trên các con đường góc phố.

Các chị bỗng nổi bật so với thường ngày.

Là bởi gió làm xào xạc lá, rác không tĩnh lặng như mấy hôm chưa có heo may mà cứ bay bay tứ tung. Vẫn những cái chổi tre ấy, độ một tuần trước, còn chưa chú ý, thì hôm nay cứ khua lên tứ tung. Người đi bộ, người cưỡi xe, qua lại, hầu như không làm các chị phải vướng bận gì với những cú khua lên tứ phía ấy. Rác từ dưới đất bay cả vào mặt người ta, cũng không hay.

Chổi tre chắc vẫn cứ thế từ hồi cụ Tố Hữu.

Một thành phố sau hơn 30 năm Đổi Mới vẫn thịnh hành xẻng hót rác và xe chở rác loại đặc chủng, chắc trên thế giới chỉ ở đây duy nhất có.

Cái khu đô thị mới dựng lên độ mười lăm năm trước, với tên gọi quốc tế gì đó gắn thêm, bây giờ ngả màu cũ kĩ quá chừng. Ai đó bảo là ghẻ lở hắc lào. Ừ, các chung cư ở Hà Nội về cơ bản là chỉ sau khoảng 10 năm thì mắc chứng ấy đại trà. Một ông bạn doanh nhân đã phải bỏ văn phòng thuê trong khu trên đường Hoàng Đạo Thúy cũng đang ghẻ lở hắc lào sâu sắc. Rác thì bay tứ tung. Các đầu phố ngã ba ngã tư đều án ngữ trịnh trọng là những tiểu khu tập kết rác với những hàng xe chở rác đặc chủng nằm đủ các hướng, chúng được quấn bạt để đỡ bốc mùi.

Thi thoảng có thời gian chớp mắt thì có thấy cái biển chỉ báo nhà lưu niệm cụ Tố Hữu ở chỗ đó. Một hôm nào đó, sẽ ghé thăm. Cũng rắng với nhau thế mà tới cả mười năm rồi chưa tiện dịp. Hiện còn chưa nhớ ra tên chính xác, là "nhà lưu niệm" hay "nhà tưởng niệm" hay gì nữa.

Hà Nội, tháng 10 năm 2018
Giao Blog


---

BỔ SUNG








Bà Vũ Thị Thanh, phu nhân nhà thơ Tố Hữu (người mặc áo đen,
đứng giữa hàng đầu) cùng con cháu và bè bạn.







5.


Chân dung

Một hôm mình đọc bài của Nguyễn Quang Thiều viết về Tố Hữu, thấy nó viết hay kinh. Những chuyện nó kể mình đều biết cả nhưng chưa bao giờ dám viết ra. Thế mà nó viết ngon trớt, đọc nghe êm ru, lại còn cảm động nữa. Đọc bài nó xong, mình ngồi thừ, thấy tiếc. Thằng Thiều cũng gặp Tố Hữu loáng thoáng như mình thôi, thậm chí chẳng bằng mình thế mà nó có bài ngon lành, còn mình thì không. Mình cú, định viết bài đấu lại nó, nhưng lại nghĩ xưa ông sống thì không viết, giờ ông chết rồi có viết kiểu gì người ta cũng cho mình nói phét, nên thôi. Nhưng sáng nay tự nhiên muốn viết về ông quá, định bụng 5,6 giờ chiều mới viết, nhưng mót viết chịu không nổi. Thế là víêt luôn.

Mình có tính cục bộ, phàm ai là người Quảng Bình họăc yêu quí Quảng Bình mình đều quí mến cả. Thời chiến tranh Tố Hữu còn quá người Qúảng Bình, ăn dầm ở dề trong bom đạn với dân Đồng Hới, dân Bảo Ninh có khi cả năm trời. Tiếng là ngựa xe chứ chỉ xe U oat thôi, xe volga đường chiến tranh làm sao đi được. Thứ xe U oat bây giờ có đem cho tụi trẻ chúng nó còn mắng cho. Còn yến tiệc thì nói cho sang, thực ra mấy miếng thịt lợn, thịt bò kho kho xào xào, trẻ con nhà mình dỗ mãi chúng nó mới chịu ăn. Vì thế dù ai nói đông nói tây mình vẫn qúi Tố Hữu như thường.

Thời chiến tranh dượng Thành ( Cổ Kim Thành) làm chủ tịch tỉnh, mỗi lần vào Đồng Hới mình đều đến nhà dượng chơi, vì nhà dượng gần nhà chú Lình, chú ruột mình, và cũng vì có thằng Vượng là bạn học cũ. Nó là con thứ 3 của dượng Thành, học cùng lớp 1 với mình. Sau dượng vô Đồng Hới làm chủ tịch tỉnh nó cũng vô theo.

Một hôm đến nhà dượng Thành, mình thấy một người đang ngồi với dượng nói chuyện gì đó rất hăng. Cả nhà đi lại cứ nem nép. Mình kéo thằng Vượng ra sân hỏi nhỏ, ai đó? Nó bảo, Tố Hữu. Mình lạnh người, đứng lặng ngắt. Quá vinh hạnh thấy được Tố Hữu bằng xương bằng thịt. Mình đứng nép trong buồng nhìn ra, ngắm ông say sưa cho đến khi ông đi rồi vẫn đứng lặng ngắt. Mình về Ba Đồn khoe gặp Tố Hữu với tụi bạn, bóc phét nói Tố Hữu ôm mình, cho ngồi lên đùi dặn này nọ, tụi bạn ngưỡng mộ mình lắm. Thực ra có gặp cóc khô đâu, chỉ nhìn trộm ông thôi, hi hi.

Gần ba chục năm sau về làm báo Văn Nghệ mình mới thực sự gặp ông. Báo Văn nghệ có tục cứ đến 28, 29 tết là tổ chức ăn tết toàn cơ quan. Vị khách số 1 không bao giờ vắng là Tố Hữu, vì ông là sư tổ của báo. Thực ra trước đó mình cũng đã thấy ông nhưng chỉ thấy xa xa. Những lần đại hội nhà văn, vài ba hội nghị văn học ông đều là yếu nhân. Ông chưa đến cuộc họp chưa bắt đầu. Tố Hữu đứng đâu người ta đều chỉ trỏ thì thầm, nói, Tố Hữu đó kià... Tố Hữu đó kìa. Ông bắt tay người nọ, vỗ vai người kia rất vui vẻ. Lên diễn đàn nói chuyện cũng vui, không lý luận cao siêu gì, cứ như đứng kể chuyện chơi vậy thôi nhưng thỉnh thoảng đá ngang vài câu làm ai nấy lạnh sườn.

Chương trình đón tết báo Văn Nghệ bao giờ anh Quốc ( Bế Kiến Quốc) cũng chủ trò, đôi khi có anh Duật (Phạm Tiến Duật) nữa nhưng chủ yếu vẫn anh Quốc. Mình hỏi anh Quốc, cụ Tố Hữu có đến không? Anh nói, đến chứ, năm nào cụ chả đến. Anh cười cười vỗ vai mình, mày thích ngồi với cụ hả, để rồi anh bố trí. Mình cưởi không nói gì nhưng trong bụng thì mừng lắm, được nói chuyện với Tố Hữu còn gì bằng.

Chương trình có 3 phần, năm nào cũng giống năm nào, đầu tiên là nhậu nhẹt, sau đó nghe Tố Hữu nói chuyện, cuối cùng là chơi trò đố vui có thưởng. Hồi đó Tố Hữu đã rời chính trường, nghe nói phụ trách ban chiến lược quốc gia gì đó nhưng thực ra là ngồi chơi xơi nước thôi. Nhậu nhẹt bao giờ cũng vui, ăn uống chẳng có gì nhưng đám văn ngồi đâu tất ở đó rôm rả. Mình thấy lạ là hễ Tố Hữu ngồi mâm nào, mấy ông anh trong báo kính cẩn khúm núm nhưng mắt trước mắt sau chuồn đi cả. Hữu Thỉnh chỉ ngồi với ông có 5 phút rồi nhảy đi mâm nọ mâm kia chúc mừng anh em, kì thực là để tránh nói chuyện với ông.

Nhìn đi nhìn lại không thấy ai, ông đi đến mâm mình, khi đó cũng chỉ mình và vài người. Mấy người này kính cẩn “dạ anh” rồi cũng lẹ làng biến đi, chỉ còn mình trơ khấc. Ông không hỏi mình tên gì mà hỏi mình quê đâu. Mình nói, thưa chú cháu quê Quảng Bình. Mắt ông sáng lên và ông bắt đầu nói. Ông nói về Đồng Hới, về Quán Hàu, về Mẹ Suốt, chị Lý ( anh hùng Trần Thị Lý), về Lệ Ninh, về Nhật Lệ, về Đào Duy Từ… đủ thứ chuyện.

Ông nói nhỏ, đều đêu, hết đông sang tây, hết chuyện Quảng Bình sang chuyện thế sự. Ông nói chuyện thế sự hệt mấy ông hưu trí phường nói chuyện thế sự, đại khái ngày xưa thế này thế kia, bây giờ mấy ông trên kia… ông chỉ ngón tay chỉ chỉ lên trời, lăc đầu, rồi dừng lời. Lúc đầu mình nghe rất hào hứng, dù gì cũng được Tố Hữu cho nói chuyện, nhưng sau ông nói dài quá, lặp nhiều quá, đâm nản. Quanh đi quẩn lại cũng ngày xưa thế này thế kia, bây giờ mấy ông trên kia…Mình nghe thêm một tiếng nữa, các mâm nhậu cũng đã giải tán hết nhưng xem chừng ông vẫn không muốn kết thúc câu chuyện. Y như đang ngồi nghe cụ Nguyễn Xuân Sanh nói. Mình đã từng ngồi hứng chuyện cụ Nguyễn Xuân Sanh rồi, khiếp đến già, hi hi.

Bảo Ninh thấy mình chịu trận, đứng nép ở cửa cười thích chí, dẩu mồm nói thầm, cho mày chết... cho mày chết! Tức khí mình nhảy ra kéo Bảo Ninh vào mâm, nói, dạ thưa chú đây cũng là nhà văn Bảo Ninh, người Quảng Bình, con bác Hoàng Tuệ. Tố Hữu bắt tay Bảo Ninh, nói, à Bảo Ninh… à, Hoàng Tuệ! Mình tót lẹ ra cửa đứng nép nhìn Bảo Ninh chịu trận, cười khoái trá. Bảo Ninh khúm núm nghe, nói, à dạ vâng rồi tranh thủ ông không để ý, ngoảnh về phía mình chửi thầm, sư bố mẹ mày! Rồi vội vàng ngoảnh lại ông, nói, à dạ vâng. Bất kể Tố Hữu đang nói gì, có khi ông chưa nói xong câu nó đã à dạ vâng rồi lại ngoảnh về phía mình chửi thầm, sư bố mày! Nó càng chửi mình càng sướng he he.

Mãi sau, nó vừa à dạ vâng vừa chắp tay giấu dưới gầm bàn lạy mình như tế sao, xin mình cứu cho. Cuối cùng mình cũng đi vào nói, thưa chú anh Hữu Thỉnh đang đợi chú rồi dìu ông vào phòng Hữu Thỉnh. Hửu Thỉnh đang ngồi đọc cái gì đó, vò đầu bứt tai ( cái anh này lúc nào cũng đọc được, rảnh phút nào là nhảy vào phòng đọc bài ngay), thấy Tố Hữu vào anh vụt đứng dậy reo to, A... anh! Tiếng reo mừng hồ hởi phấn khởi như thấy bố anh từ vạn kiếp trở về. Hi hi.

Năm sau vẫn vậy, đầu tiên là nhậu nhẹt, sau đó Tố Hữu nói chuỷện, cuối cùng là đố vui có thưởng. Món đố vui có thưởng anh em rất thích, ai cũng muốn mình kiếm được giải thưởng tranh Thành Chương về treo. Nhưng Tố Hữu nói dài quá. Mặc dù Hữu Thỉnh đã nhắc khéo, nói, anh Tố Hữu đang rất rất bận, anh chỉ nói chuyện với anh em có 10 phút thôi. Nhưng Tố Hữu đâu có thèm chấp, ông chơi cả 100 phút không dừng. Anh em nói chuyện ồn ào như vỡ chợ ông vẫn cứ nói. Đã gần 10 h rồi mà còn một tiết mục nữa. Trương Vĩnh Tuấn đi vào đi ra mặt nhăn như bị, nói, ông Thỉnh sao không nhắc cụ một tiếng nhỉ, chết chết.

Bỗng có ai đó tắt phụt micro, tưởng ông dừng hoá ra ông vẫn không thèm chấp, vẫn cứ nói. Cho đến khi ai đó cúp cầu dao điện, cả toà soạn tối om, ông mời dừng. Hữu Thỉnh đưa ông xuống cầu thang, mình lúc cúc chạy theo sau. Hữu Thỉnh nói, tiếc quá anh nói đang hay lại mất điện. Tố Hữu không nói gì, chắc ông cũng biết, vì cả khu Trần Quốc Toản điện đóm vẫn sáng trưng.

Thực lòng khi đó mình rất thương ông. Vẫn biết mình đến tuổi như ông thì còn lẫn gấp 10 ông nữa nhưng vẫn thương ông quá. Giá ông đừng làm quan, chỉ làm thơ thì hay biết bao nhiêu.

https://khovanbolap.blogspot.com/2017/12/nho-to-huu.html?fbclid=IwAR1rrJ92Taw4EFMkrE0m9XNSHdnu6aLY-BZxQxMfRp67esLuXeRylOv5abA




4.


Xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu là một việc làm cần thiết thể hiện tấm lòng yêu mến của Đảng, nhân dân, giới văn học nghệ thuật cả nước đối với sự nghiệp cao quý của nhà thơ.

Nhà lưu niệm trưng bày những hiện vật, những tác phẩm sinh thời của cố nhà thơ Tố Hữu chính thức khánh thành sáng 4/10 nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của ông (4/10/1920 – 4/10/2009)
Đến dự buổi lễ khánh thành Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, có ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng đông đảo những người yêu thơ Tố Hữu.
khanh thanh nha luu niem nha tho to huu  hinh 1
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi tặng gia đình bức ảnh kỷ niệm của ông và nhà thơ Tố Hữu  đang chỉ đạo chống lụt ở Hải Dương tháng 8/1971
Cố nhà thơ Tố Hữu là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, nhiều năm phụ trách công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng, người học trò lớn của Bác Hồ, nhà thơ lớn của dân tộc. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, dù ở vị trí nào, ông cũng nên cao tấm gương tận tụy quên mình một lòng hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn trên mặt trận chính trị, tư tưởng và văn hóa. Tố Hữu là ngọn cờ đầu cho thơ ca cách mạng Việt Nam.
khanh thanh nha luu niem nha tho to huu  hinh 2
Ông Phạm Quang Nghị tham quan nhà lưu niệm
Thông qua Lễ khánh thành nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, từ tháng 9/2008, học bổng mang tên Tố Hữu đã được thành lập. Học bổng không chỉ trao hàng năm cho các em học sinh giỏi vượt khó vươn lên của hai trường phổ thông mang tên nhà thơ tại Thành phố Huế và huyện Quảng Điền – Thừa Thiên Huế mà học bổng còn được trao tặng cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và thi tốt nghiệp của khoa Văn, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh: “Với nhà lưu niệm này, người dân Việt Nam sẽ lưu giữ mãi tinh thần cách mạng, sự sáng tạo cao đẹp của nhà thơ để lại cho muôn đời sau”.
Cũng tại buổi lễ này, bạn bè của nhà thơ thắp nén hương lên bàn thờ ông. Ông Tô Huy Rứa cùng Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và bà Vũ Thị Thanh đã kéo tấm khăn đỏ chính thức mở cửa Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu.
Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu được xây trong khuôn viên của gia đình cố nhà thơ tại D9, làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Với diện tích gần 120mgồm 2 tầng, nhà lưu niệm mang tên Tố Hữu là nơi giữ gìn và trưng bày những hình ảnh và tư liệu về nhà thơ trong suốt 82 năm của cuộc đời Nhà thơ – chiến sĩ của ông.
Tầng một là nơi trưng bày những bức ảnh, trích đoạn thơ cùng những phác thảo, ghi chép của Tô Hữu. Tầng hai là một vài góc quen thuộc trong cuộc sống đời thường của nhà thơ Tố Hữu khi ông cùng gia đình còn sống tại ngôi nhà số 76 phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Đó là một góc của phòng khách, bàn làm việc của ông những năm cuối đời, giá sách với một phần tiêu biểu từ kho tàng sách lớn của ông… Bên cạnh hiện vật, nhà lưu niệm còn trưng bày các tư liệu (ảnh, thơ, bút tích của Tố Hữu và thư từ của bạn bè trong và ngoài nước…).
Ngoài ra trong khuôn viên quanh nhà lưu niệm cũng được trồng các loại cây, hoa mà sinh thời Nhà thơ hằng yêu thích./.
Việt Đức



https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/khanh-thanh-nha-luu-niem-nha-tho-to-huu-123400.vov#ref-https://www.facebook.com/




3.


16/10/16 09:05 GMT+7

Cách đây 7 năm (2009), cũng vào dịp tháng 10 ở Hà Nội, qua sự giới thiệu của nhà văn, nhà báo Châu La Việt, tôi đã được hân hạnh trò chuyện với nữ tiến sĩ Nguyễn Thanh Hoa cùng phu quân của chị là nhà toán học người Việt nổi tiếng thế giới Lê Khánh Châu, con út của nữ ca sĩ nổi tiếng Tân Nhân (anh Triệu Phong là con trai đầu của bà Tân Nhân). Cuộc trò chuyện chủ yếu xoay quanh những ký ức của chị Hoa về người cha của mình, nhà thơ Tố Hữu.

Dạo đó, vợ chồng chị Hoa (từ lâu định cư ở Đức, nơi GS Lê Khánh Châu đang có giảng dạy tại Đại học Bochun) về nước để khánh thành nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu tại làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ở đó, trong ngôi nhà hai tầng với tổng diện tích mặt bằng khoảng 240 m2 tập trung rất nhiều bức ảnh và tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác nghệ thuật của nhà thơ.
Những thông tin mà TS Nguyễn Thanh Hoa đã chia sẻ cùng tôi có thể giúp chúng ta hiểu thêm hơn tầm vóc và tâm hồn của một trong những nhà thơ Việt hàng đầu trong thế kỷ XX. Nhân kỷ niệm 96 năm ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 9/12/2002), xin giới thiệu lại cuộc trò chuyện đó.
Nhà thơ Tố Hữu thời trẻ.
Hồng Thanh Quang: Bây giờ, ở khoảng lùi 7 năm sau khi nhà thơ Tố Hữu đã qua đời, chị đang nhớ gì nhất về người cha của mình?
TS Nguyễn Thanh Hoa: Nhớ gì nhất ư? Thú thật với anh là không bao giờ tôi quên ba cả. Tức là nếu mà nói thật ra là, chỉ trừ những lúc làm những việc sự vụ hằng ngày, những việc cơm nước cho chồng con... thì thời gian còn lại trong ngày, tôi lúc nào cũng có cảm giác là, dù không còn nhìn thấy ba mình nữa, không còn được gặp ba mình nữa, nhưng lúc nào tôi cũng có một sợi dây liên hệ nào đấy với ba. Lúc nào tôi cũng có cảm giác nhớ ba. Nhưng nếu anh hỏi tôi nhớ gì nhất về ba thì khó nói lắm (thở dài). Bởi lẽ, làm gì, nói gì, đối nhân xử thế như thế nào, dù không tự ý thức ngay được nhưng thực ra tôi đều theo những điều ba tôi đã dạy, đã dặn dò ngày xưa. Nghĩ cho cùng, ngồi phân tích cho cùng thì là như vậy…
Chị là con lớn của hai bác. Thông thường trong các gia đình ở Việt Nam ta, người con gái lớn hay vất vả lắm, vì phải giúp cha mẹ trông nom dạy dỗ các em. Chị hồi bé có phải chịu sự vất vả với tư cách bà chị với những người em của mình không?
- Chắc là không…
Khi có chị, bác Tố Hữu đã ở tuổi 36 rồi, như vậy không phải là sớm. Khi ấy, bác Tố Hữu đã là một nhà thơ nổi tiếng, một cán bộ cao cấp của Nhà nước. Chị có nhớ, lúc chị còn nhỏ, quan hệ cha con như thế nào, có khoảng cách gì không?
- Có lẽ là không. Tôi nhớ, có lần ba tôi nói đùa rằng, ba là giống mẹ mà mẹ thì giống ba. Bởi vì ba tôi thì rất thích ngâm thơ, rất thích đọc thơ, thành thử ra là nếu trong nhà có ai đó ru tôi mà tôi vẫn nhớ thì người ấy chính là ba.
Hồi xưa, bác Tố Hữu ngâm thơ ru chị những bài gì? Có phải bài: “Núi cao bởi có đất bồi/ Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu” hay “Mình về với bác đường xuôi/ Thưa rằng Việt Bắc không nguôi nhớ Người”?
- Nói đùa thì anh đừng cười, hồi tôi lên 5 - 6 tuổi, tôi cũng thuộc một số đoạn trong bài “30 năm đời ta có Đảng” và đi đâu cũng đọc. Nhưng cứ đến câu “Trùng trùng cách mạng ra quân” thì không hiểu sao tôi cứ dứt khoát đọc là “Tùng tùng cách mạng ra quân”, làm ba tôi cứ cười mãi… (cười).
(Cười): Cứ như tiếng trống trung thu...
- Thực ra, ba tôi khi ru tôi thì lại hay đọc thơ của Xuân Diệu, đọc thơ của Huy Cận hay của mấy bài của Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên... Ông rất thích thơ Chế Lan Viên...
Thời “Điêu tàn”…
- Không chỉ riêng thời “Điêu tàn”. Khi đọc thơ, ba tôi rất ít khi đọc thơ mình mà hay đọc thơ của các nhà thơ khác, đồng thời với mình hay thơ trích từ “Chinh phụ ngâm”…
Những bài thơ cổ, truyện Kiều, ca dao?
- Đúng thế, ba tôi thuộc nhiều ca dao lắm. Mà giọng ông đọc thơ nghe rất là thích.
Giọng Huế sinh ra là để đọc thơ và hát dân ca. Bác Tố Hữu hát dân ca Huế có hay không? Giọng Huế nói chung cứ vang lên đã như là hát rồi.
- Đối với tôi thì là hay.
Ba mình hát mà, phải là hay rồi (cười)
- (Cũng cười): …
Bác Tố Hữu chắc chắn là luôn bận nhiều việc rồi. Thế khi chị còn bé bác có giúp chị học hành hay là kiểm tra bài vở không? Có đủ thời gian để quan tâm đến việc học tập cho con cái hay chủ yếu là bác gái chăm lo việc ấy?
- Thực ra ba tôi cũng bận nên nếu gọi là giáo dục theo nghĩa chính thống thì là do mẹ tôi đảm trách. Nhưng dạy chữ thì ông đã dạy cho cả ba chị em chúng tôi lẫn các cháu nội ngoại sau này. Ba tôi tự nhận là ông dốt toán lắm nên không bao giờ ông dạy toán đâu. Nhưng mà dạy chữ thì ông lại dạy vì đối với ông, ông quan niệm rằng, học chữ tức là học ngay từ đầu để đọc sách, để học làm người. Ngay từ khi ba chị em tôi và các đứa cháu sau này mới lên 4-5 tuổi đã được bố và ông dạy chữ. Và với tôi, lớp 1-2 phải đi sơ tán thì không kể nhưng từ khi lên lớp 3 là mọi sách đọc đều do ba chọn lựa cho.
Bác Tố Hữu chọn cho chị những cuốn sách cần đọc trong từng thời kỳ?
- Ba tôi chọn. Nhất là những dịp nghỉ hè, những cuộc đi chơi hoặc ở với ông lâu lâu. Vì hồi xưa tuổi tụi mình là đi sơ tán ngay từ năm lớp 2, đúng không anh, tức là lúc 8 tuổi đấy…
Đó là vào những năm 65, 66…
- Đúng rồi, năm 1965 đấy. Thì trong các kỳ nghỉ hè, mình được về nhà, gần với ba. Thời gian đấy là thời gian ông đưa cả xếp sách và ông bảo là, đọc hết cái này!
Ví dụ như quyển sách gì?
- Ví dụ như năm tôi học lớp 3, ông đưa cho tôi đọc 2 tập, 3 tập của Maxim Gorki.
“Những trường đại học của tôi”?
- “Những trường đại học của tôi” và “Kiếm sống”… À mà không, đầu tiên là “Kiếm sống”. Còn cuốn “Những trường đại học của tôi” thì thực ra ông bảo, cứ từ từ rồi đọc. Sau đấy mới đến Liev Tolstoi.
“Chiến tranh và hòa bình” hay là...
- “Chiến tranh và hòa bình”.
Chứ không phải “Phục sinh” với thân phận nàng Kiều của nước Nga Sa hoàng Maslova? (cười)
- (Cũng cười): Không phải “Phục sinh”. Còn cuốn “Anna Karelina” thì đến tận năm tôi học lớp 8, ông mới cho đọc. Ông rất là kỹ những chuyện đấy. Đọc xong thì nói chuyện với ông. Cho nên thực ra thì chính là mình học từ những cái đấy cũng nhiều. Mà ông cũng kiểm tra tôi tư cách đạo đức có tốt hay không cũng qua những buổi nói chuyện đấy thôi, chứ không bao giờ ông nói trực diện cả... Mà ông cũng toàn nói bâng quơ để qua những cái đấy thì ông biết ngay mình thế nào rồi.
Tức là bác Tố Hữu dạy con không bằng cách nói thẳng ra tất cả những áp đặt, những định đề, giáo huấn, giáo lý mà thông qua đọc sách, thông qua trò chuyện bằng sự tế nhị để tiếp cận cái điều bác cần biết chứ ít khi bày tỏ thẳng thừng?
- Ông ít khi nói thẳng.
Đấy cũng là phẩm chất cần có của các nhà chính trị (cười)
- (Cũng cười): Cần có của những nhà thơ!
Nhà thơ cũng thế, hay sử dụng hình ảnh, hình tượng để bày tỏ tình cảm, “đường gần anh cứ đi vòng cho xa” như Nguyễn Bính từng viết.
- Nếu mà đã làm thơ thì không nói thẳng, đúng không anh?
Phải dùng hình ảnh, nếu chỉ nói là tôi yêu đất nước thì nó lại đơn giản, nói yêu con cái cũng thế. Phải dùng hình ảnh, hình tượng để toát lên cái đó mới là thơ… Xin được hỏi chị tiếp, sau này chị sang học Liên Xô là vào năm 1972?
- Năm 1974 anh ạ.
Ngày xưa mình đi học nước ngoài là được tuyển hay là phải thi?
- Trước năm tôi tốt nghiệp phổ thông một năm thì bắt đầu có chính sách thi toàn miền Bắc rồi lấy đi học ở nước ngoài theo cách tính điểm từ trên xuống. Ví dụ Bộ Đại học mình có hiệp định với Liên Xô một năm đưa bao nhiêu sinh viên đấy thì họ lấy từ trên xuống, tất nhiên là cộng thêm điểm ưu tiên, như là với con em miền Nam, con em miền núi… Mình không phải con em miền Nam cũng chả phải người miền núi được xét như bình thường thôi, theo đúng số điểm mình đã được…
Với sức học của chị thì cũng thừa điểm, có đúng không ạ?
- Không phải thừa điểm nhưng cũng đủ điểm đi học ở Liên Xô.
Bà Vũ Thị Thanh, phu nhân nhà thơ Tố Hữu (người mặc áo đen,

đứng giữa hàng đầu) cùng con cháu và bè bạn.
Các nhà thơ, tất nhiên bác Tố Hữu không chỉ là nhà thơ, bác còn là một nhà lãnh đạo, nhưng mà theo chị, phong cách nhà thơ ngoài chuyện dạy con theo một cách bóng bẩy ấy, thì có thể hiện trong sinh hoạt hằng ngày mà chị quan sát được không bằng sự tinh tế của người con gái trưởng trong gia đình? Hay là lúc ấy mình cũng bé quá nên không nhận thấy? Và sau này trở thành một người phụ nữ có gia đình rồi, gần với ba mình, chị có nhận xét gì về phẩm chất vốn có của các thi sĩ ở bác Tố Hữu?
- Tôi có được trích dẫn lời con gái của tôi không nhỉ?
(cười): Tất nhiên là có!
- Con gái tôi bảo rằng, con rất là ghen tị với mẹ vì mẹ có một người cha như vậy. Vì thực ra đối với tôi, cái quan trọng nhất không phải việc ba tôi có hoạt động chính trị hay không hay như thế nào. Tôi nhớ, nói mọi người không tin tôi cũng đành chịu, hồi bé, lúc mới 6-7 tuổi thôi, đã có lần tôi giãy nảy, tôi bảo với ba rằng, con không thích ba làm Trung ương đâu!
Vì sao?
- Nhìn từ bên ngoài thì thấy có vẻ như mình cũng có những quyền lợi nào đó...
Ưu thế nào đấy…
- Nhưng thực ra, làm con của ông, theo tôi, là một cái nghĩa vụ không phải dễ dàng mà đôi khi rất khó khăn, anh ạ.
Đúng, chị nói đúng, tôi hiểu điều đó.
- Nhất là đối với người nào cũng muốn khẳng định mình một tí, mình muốn có một cái riêng một tí…
Mình là giá trị độc lập, mình phấn đấu bằng nỗ lực của mình, năng lực của mình, chứ không phải dựa vào “cây cao bóng cả”!
- Vâng, thì cái đấy rất là khó khăn anh ạ, vì cái định kiến của xã hội, không phải chỉ ở nước mình đâu mà ở nước nào cũng vậy. Cho nên tôi quan niệm rằng làm con của ba thực ra là khó khăn.
Thực sự cái đó rất đúng, xã hội nào cũng thế…
- Nói đi, rồi cũng phải nói lại, tôi cũng rất là tự hào.
Cái đó tôi hiểu. Xã hội nào cũng đòi hỏi rất cao ở con của các đồng chí lãnh đạo, con những người nổi tiếng... Trong tuổi thơ của chị, chị còn nhớ đã xảy ra trường hợp nào vì những lý do như thế mà chị phải ức đến phát khóc lên được không? Có khi nào những người xung quanh đòi hỏi ở chị những yêu cầu cao quá chỉ vì chị là con của nhà thơ Tố Hữu, mà chị đã cố gắng hết sức mà cũng vẫn chưa chắc làm hợp ý người ta được, có chuyện nào như thế không, thưa chị?
- Nếu mình gặp trường hợp đột ngột thì mình sẽ rất là bột phát. Nhưng nếu mình đã sinh ra và lớn lên trong một điều kiện như thế thì mình lại có một cách xử thế khác, đúng không anh?
Bản năng tự vệ khác, đã được đào luyện...
- Và một khi đã có một bản năng khác rồi thì tôi nghĩ chưa chắc đã dở đâu, vì ...
Mình đã được rèn luyện nhiều…
- Vâng. Thì nếu bây giờ anh đứng trên sân khấu hay là anh đứng ở chỗ người ta nhìn anh thì rõ ràng anh không thể tùy tiện được rồi, và một khi anh đã có bản lĩnh như thế thì có thể cái đấy cũng không phải là dở.
Tức là ngay từ hồi chưa lớn hẳn, chị đã ý thức được vị trí của mình, ý thức rằng xã hội đang nhìn mình bằng một con mắt khắt khe hơn bình thường và chị đã quen dần với điều đó để có một cách ứng xử tương ứng?
- Hồi đi học, bạn bè người ta cứ hơi một tí thì bảo, con ông Tố Hữu mà thế. Vậy tức là bản thân mình không chỉ chịu trách nhiệm cho mỗi mình mình, mà còn chịu trách nhiệm vì những gì mình làm có thể ảnh hưởng đến ba, mà nếu mình yêu ba thì tất nhiên mình không nên làm cái đấy.
Hồi ấy, chị học Trường Chu Văn An?
- Hồi bé tôi học ở Trường Phan Đình Phùng.
Ở Cửa Bắc…
- Ở Cửa Bắc. Sau chuyển sang Trường Nguyễn Trãi, nhưng chỉ học ở đấy một năm sau đi sơ tán. Chính thời gian sơ tán là thời gian sung sướng nhất.
Hồi đó chị đi sơ tán ở đâu?
- Mỗi năm một nơi anh ạ. Nhưng lúc đấy để giữ bí mật nữa vì đi sơ tán cùng một số gia đình khác cho nên không nói là con ai cả. Tôi cho rằng đấy là thời kỳ sướng nhất bởi vì mình chẳng phải giấu giếm gì hết (cười).
Mình sống hoàn toàn thích ứng với tuổi thơ của mình…
- Trong lý lịch cứ đề, bố là cán bộ cách mạng, mẹ là cán bộ cách mạng, thế là xong.
Chị hồi học phổ thông có thích văn học không, hay chỉ giỏi những môn tự nhiên? Hay là học đều đều cả các môn tự nhiên và xã hội?
- Thực ra mà nói, tôi chả có tí gien nào của ba cả. Nhưng mà cái sự ham mê thích tìm hiểu tâm lý, tâm tư con người thì chắc là tôi được thừa hưởng từ ba. Và mặc dù tôi không có năng khiếu làm thơ nhưng học văn thì hình như tôi cũng được điểm khá đấy.
Khá bởi vì là con của nhà thơ Tố Hữu hay là khá bởi vì chính những bài tập làm văn chị viết?
- Không, là con nhà thơ Tố Hữu thì còn bị đòi hỏi cao hơn. Có một lần hồi lớp 8, tôi tí nữa điểm trung bình thấp, cô giáo định cho tôi gỡ điểm bằng cách đọc thuộc lòng. Cô gọi tôi lên cô bảo rằng, thôi bây giờ, em đọc một bài thơ Tố Hữu. Và tôi phải nghĩ mãi, một lúc bảo, thưa cô, em đọc bài “Trăng trối”…
TS Nguyễn Thanh Hoa và gia đình trong ngày cưới con gái Lê Thanh Ly.
“Từ thuở ấy quăng thân vào gió bụi/ Đến hôm nay phút chết đã kề bên/ Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên/ Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu…”.
- Đúng rồi. Nhưng khi đó, tôi hình như mới đọc được một nửa hay một phần ba mà tôi quên không nhớ những đoạn tiếp nữa (cười).
(Cười): Con của rất nhiều nhà thơ khác cũng không thuộc hết thơ của bố mình, cái đó không làm sao cả. Sau này hai người em của chị cũng đi học ở Liên Xô, có đúng không ạ?
- Không, người em thứ hai học ở C500. Tôi nghĩ chắc là ba mẹ tôi chọn con đường đấy cho em cũng đúng.
Đi rèn luyện, học trong an ninh cũng rất tốt.
- Còn người em thứ ba thì khi thi đại học, theo bảng điểm hồi đấy là đủ điểm đi nước ngoài nếu là con thứ nhất nhưng vì tôi đã đi rồi nên em tôi phải học ở nhà.
Không có sự ưu tiên cho con nhà thơ Tố Hữu? (cười).
- Không có sự ưu tiên nào cả. Cho nên em thứ ba của tôi đã học ở Khoa Vô tuyến ở Bách Khoa…
Công việc của bác Tố Hữu kể cả với tư cách nhà thơ lẫn trên cương vị một nhà lãnh đạo thì rất nặng nề. Thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế thôi, không phải lúc nào cũng suôn sẻ… Có bao giờ chị cảm thấy, với tư cách người con, áp lực công việc đối với bác lại truyền về tới các con ở nhà không? Hay bác không bao giờ để cho áp lực công việc cơ quan ảnh hưởng đến những người thương yêu của mình?
- Ba tôi luôn luôn bận, ba tôi luôn luôn rất nhiều suy tư. Cả lúc mà gọi theo cách ở nước mình là trên cao trào trong sự nghiệp chính trị cũng như sau này lúc nghỉ… Có những lúc buồn, có rất nhiều trăn trở. Nhưng bản thân tôi không bao giờ cảm thấy ông đi lùi. Những trăn trở của mình, có thể ông đã chia sẻ với bà nhưng với các con thì không.
Không để cho các con nhận thấy điều đó?
- Đúng thế.
Sông có khúc và người có lúc. Với cá nhân tôi, lúc nào tôi cũng thấy di sản thi ca của nhà thơ Tố Hữu luôn là cực kỳ quý báu của cách mạng mình, của đất nước mình, của nhân dân mình. Nhưng có một giai đoạn nào đấy, tác động của nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng sự đánh giá đối với thơ Tố Hữu. Chị nhìn nhận tất cả chuyện đấy như thế nào? Điều ấy có ảnh hưởng gì đến chị trong giao tiếp xã hội không, hay là chị không để ý vì chị vẫn yêu cha mình như vậy?
- Không, không phải tôi không để ý mà tôi yêu cha. Mà thực ra... Sáng hôm nay, hai mẹ con cũng đùa và nói chuyện với nhau về thơ của cha tôi. Nói thực, tôi nghe thơ ông từ nhỏ và tôi biết ông. Thực ra thơ ông thế nào thì con người ông như thế chứ không phải là... Có những người hô khẩu hiệu mà mình thấy đó là hô khẩu hiệu. Còn với thơ ông, tôi cũng lại xin trích lại có một số người nói, thơ ông hô khẩu hiệu mà vẫn có tấm lòng, có cái tình trong đấy. Thì mẹ con nói đùa với nhau rằng, tôi đã nghe ông hô khẩu hiệu từ bé rồi, ông không phải hô trên thơ mà ông nói cả với chúng tôi như thế nữa.
Nhưng đấy là xuất phát từ trái tim ông.
- Vâng, cái đấy nó đã ngấm trong máu của tôi rồi và tôi tin cái đấy. Giờ vẫn rất nhiều bạn bè tôi đọc bài thơ bây giờ gọi là thơ khẩu hiệu và họ rất thích. Nhiều lúc, nói thật với anh, thì thôi vô duyên, cha hát con khen hay, nhưng mà tôi vẫn thấy cảm động khi đọc lại thơ ông. Thực sự tôi đọc, tôi lại cảm động... Tại vì tôi biết lúc ấy ông viết từ...
Trái tim…
- Nó trào ra như thế chứ không phải vì ông hô khẩu hiệu như thế mà nó từ lòng ông ra.
Những sự chân thành từ trái tim chắc chắn kiểu gì cũng làm trái tim rung động.
- Tôi vẫn nghĩ rằng, với thơ thì người này thích thế này, người kia thích thế kia, nhưng mà vẫn có rất nhiều người yêu thơ ông, yêu những câu thơ mà có thể ai đó đang chê. Nhưng với tôi và không ít người, chúng tôi vẫn thuộc và vẫn yêu những câu thơ ấy của ông. Nên nói cho cùng, những sự đánh giá nào đó khác về thơ cha tôi không làm ảnh hưởng đến tôi được đâu.
Con gái của chị có đọc thơ ông và ở xa Tổ quốc như thế, cháu có hình dung được rằng có một người ông vĩ đại với những câu thơ tuyệt vời như thế không?
- Nó là con tôi mà, là con cả về sản phẩm, cả về sinh học lẫn sản phẩm tinh thần. Có một quyển thơ mà trong bảo tàng lưu niệm không có chính là quyển thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Đức. Bởi vì, khi con gái tôi nó đọc, nó bảo, ông ơi thế này họ giết thơ ông rồi, cho nên con xin phép con mang sang con dịch lại. Cháu cũng thử dịch một số bài và đang rất cố gắng. Tất nhiên, bản dịch của cháu thế nào thì phải để xem xét đã…
Xin phép hỏi thế này, với tư cách người con gái của nhà thơ Tố Hữu, chị có cảm thấy hài lòng với cả việc xã hội hiện nay đang ứng xử, đang tôn vinh bác Tố Hữu hay là theo chị, chúng ta cần phải làm thêm điều gì nữa để thực sự xứng đáng với tất cả đóng góp của bác, với sự cống hiến của bác cho thi ca, cho cả sự nghiệp chính trị của cả đời sống đất nước nữa? Nhà mình có điều kiện, nhà mình tự dựng lên nhà tưởng niệm cho bác, đó là việc rất đúng và rất tốt rồi nhưng về mặt xã hội, theo chị, nên cần phải làm gì thêm nữa để xứng đáng với ký ức rất tốt đẹp về thơ và con người bác Tố Hữu?
- Thực ra, khi làm nhà lưu niệm này, trước hết mẹ và chị em chúng tôi muốn đầu tiên là có ý thức gìn giữ những kỷ vật, kỷ niệm về ba, đầu tiên là gìn giữ đã, cái đấy là một cái về sau nếu mà mình không giữ sẽ mất. Cái đấy đối với gia đình là vô giá, còn lại đối với xã hội thì nếu những người, những độc giả nào, hoặc bạn bè vẫn yêu ông thì là một nơi để họ tới, để biết thêm về ông. Cũng có thể nhiều người biết thơ ông mà không biết con người của ông thì gia đình cũng cố gắng giúp đỡ, cái đấy thì không có một bảo tàng quốc gia nào có thể làm được, trừ những người thân trong gia đình. Tất nhiên có những cái về mặt chuyên môn có thể không đúng bằng hoặc không quy củ bằng, nhưng những người trong gia đình mà làm thì mình có thể thể hiện được khía cạnh nào…
Mà nó chân thực hơn, cảm động hơn...
- Của con người ông. Nhà lưu niệm của ông cũng chỉ với mục đích như thế thôi…
Còn với xã hội thì để mọi người tự quyết định về cách mà họ sẽ biểu lộ tình yêu với mình như thế nào...
- Vâng. Đúng rồi, chứ mình không thể nào yêu cầu được..
Vâng, tôi hiểu. Rất cảm ơn chị.
Hồng Thanh Quang (thực hiện)

https://baomoi.com/nha-tho-to-huu-trong-ky-uc-cua-truong-nu-ts-nguyen-thanh-hoa-tho-ong-trao-len-tu-trai-tim/c/20583773.epi





2.







Nước mình nghèo đến nỗi như thế này cũng từ những chính sách chế độ thiếu nhất quán.

Vào năm nào đó tôi cũng quên rồi, chỉ biết khi đó nhà ông Tố Hữu ở phố Hồ Xuân Hương được hoá giá rẻ như cho sau khi họ trả nhà công vụ ở Phan Đình Phùng, HN . Báo Tiền phong đã có bài phàn nàn về một cố ủy viên Bộ chính trị , nhà thơ lớn Tỗ Hữu không có chỗ để lập bàn thờ. Mới nghe, ai cũng mủi lòng thương cảm với ông. Nhiều người tỏ ra bất bình với Đảng và nhà nước sao lại đối xử phũ với một bậc lão thành như vây. 

Do bị áp lực của dư luận, Ban Tư tưởng Văn hoá buộc phải công bố sự thật của một nhân vật nổi tiếng , đáng trân trọng nhưng người thân của ông thì đã làm hại thanh danh ông tại một buổi giao ban báo chí định kỳ mà tôi có dự và được Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá ngày đó là nhà báo Hữu Thọ được phép của cấp trên ” nói lại cho rõ” .

Số là sau khi gia đình ông Tố Hữu chuyển về phố Hồ Xuân Hương, gia đình nhà thơ đã cho một hãng dầu nhờn nước ngoài thuê, lấy mỗi tháng tới 8 ngàn đô la. Vì thế, bà Thanh, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, vợ cố nhà thơ Tố Hữu phải về nhà con ở tại phường Thành Công ở nhờ để tiếp tục xin thêm chế độ nhà theo tiêu chuẩn ngang thứ trưởng riêng bà . Vì có chật nên bàn thờ không được đàng hoàng như nhà biệt thự nếu ở phố Hồ Xuân Hương mà gia định được mua rẻ. Lỗi này đâu phải do Đảng không chăm sóc chu đáo ? Báo Tiền phong bữa đó bị hớ to .

Từ ngôi biệt thự ở Hồ Xuân Hương, sau này gia đình bán cho ông Phạm Nhật Vũ Cty AVG, nghe đâu cả chục ngàn cây vàng. Điều này thì tôi ko nắm được mà nay đọc bài sau đây mới biết. 

Từ chuyện gia đình ông Tố Hữu vừa chuẩn bị xây nhà lưu niệm tai quê bằng tiền ngân sách , tôi thấy buồn cho gia đình các quan chức , họ không hiểu rằng, tiền nhiều bao nhiêu cũng không đổi được thanh danh vốn người thân của họ được cả xã hội một thời trân trọng.
https://www.facebook.com/quoc.phong.5?__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARBPsdvc8dYM7nEuwqsZorjKhtHEyZFGrLhO6gIsX-PbRHne4tWYfKKG-1I7uKnwbzrbvPfY4S6yFj10&hc_ref=ARSNsbEag4ckxoSn-c_bUQykMVsqZ472u4funiIprFRHsfdxpK1_KLnnxjs8jMeVs1A&fref=nf



1.

 11:36:27 - Thứ bảy, 24/11/2018

Khởi công Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu vào năm 2019

Thực hiện Nghị quyết của HĐND, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ vừa ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền nhằm tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, góp phần giáo dục truyền thống và tạo điểm tham quan góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Khởi công Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu vào năm 2019
Nhà thơ Tố Hữu và người anh cả ( áo trắng). Ảnh: tư liệu.
Ngoài  san nền tạo mặt bằng phần diện tích khoảng 4.220 m2, Khu lưu niệm sẽ  xây dựng mới nhà lưu niệm diện tích khoảng 262 m2; 1 nhà thờ diện tích khoảng 54 m2; 3 chòi thơ diện tích khoảng 66 m2 (22 m2/nhà). Xây dựng các hạng mục phụ trợ: Đường vào và bãi đỗ xe khoảng 300 m2; sân đường nội bộ khoảng 1.363 m2; kè bờ sông Bồ và bến nước khoảng 90 m; cổng, hàng rào khoảng 240 m; không gian cây xanh, sân vườn; hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy đảm bảo yêu cầu. 
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 28 tỷ đồng.
Công trình sẽ được thực hiện và hoàn thành năm 2019 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác do UBND huyện Quảng Điền làm chủ đầu tư. 
Hữu Thu
http://daidoanket.vn/van-hoa/khoi-cong-khu-luu-niem-nha-tho-to-huu-vao-nam-2019-tintuc423512?fbclid=IwAR1VQs57EZQefNrYZ4wE61zufczMHvYOlu5tiJn24XxQNsvR7iLHUx7tUMs

1 nhận xét:


  1. Quoc Phong
    22 giờ ·

    Chuyện bây giờ mới kể

    Nước mình nghèo đến nỗi như thế này cũng từ những chính sách chế độ thiếu nhất quán.

    Vào năm nào đó tôi cũng quên rồi, chỉ biết khi đó nhà ông Tố Hữu ở phố Hồ Xuân Hương được hoá giá rẻ như cho sau khi họ trả nhà công vụ ở Phan Đình Phùng, HN . Báo Tiền phong đã có bài phàn nàn về một cố ủy viên Bộ chính trị , nhà thơ lớn Tỗ Hữu không có chỗ để lập bàn thờ. Mới nghe, ai cũng mủi lòng thương cảm với ông. Nhiều người tỏ ra bất bình với Đảng và nhà nước sao lại đối xử phũ với một bậc lão thành như vây.

    Do bị áp lực của dư luận, Ban Tư tưởng Văn hoá buộc phải công bố sự thật của một nhân vật nổi tiếng , đáng trân trọng nhưng người thân của ông thì đã làm hại thanh danh ông tại một buổi giao ban báo chí định kỳ mà tôi có dự và được Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá ngày đó là nhà báo Hữu Thọ được phép của cấp trên ” nói lại cho rõ” .

    Số là sau khi gia đình ông Tố Hữu chuyển về phố Hồ Xuân Hương, gia đình nhà thơ đã cho một hãng dầu nhờn nước ngoài thuê, lấy mỗi tháng tới 8 ngàn đô la. Vì thế, bà Thanh, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, vợ cố nhà thơ Tố Hữu phải về nhà con ở tại phường Thành Công ở nhờ để tiếp tục xin thêm chế độ nhà theo tiêu chuẩn ngang thứ trưởng riêng bà . Vì có chật nên bàn thờ không được đàng hoàng như nhà biệt thự nếu ở phố Hồ Xuân Hương mà gia định được mua rẻ. Lỗi này đâu phải do Đảng không chăm sóc chu đáo ? Báo Tiền phong bữa đó bị hớ to .

    Từ ngôi biệt thự ở Hồ Xuân Hương, sau này gia đình bán cho ông Phạm Nhật Vũ Cty AVG, nghe đâu cả chục ngàn cây vàng. Điều này thì tôi ko nắm được mà nay đọc bài sau đây mới biết.

    Từ chuyện gia đình ông Tố Hữu vừa chuẩn bị xây nhà lưu niệm tai quê bằng tiền ngân sách , tôi thấy buồn cho gia đình các quan chức , họ không hiểu rằng, tiền nhiều bao nhiêu cũng không đổi được thanh danh vốn người thân của họ được cả xã hội một thời trân trọng.
    https://www.facebook.com/quoc.phong.5?__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARBPsdvc8dYM7nEuwqsZorjKhtHEyZFGrLhO6gIsX-PbRHne4tWYfKKG-1I7uKnwbzrbvPfY4S6yFj10&hc_ref=ARSNsbEag4ckxoSn-c_bUQykMVsqZ472u4funiIprFRHsfdxpK1_KLnnxjs8jMeVs1A&fref=nf

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.