Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/10/2017

Hệ thống nhà văn hóa cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh ở Thái Bình (qua nhận định của Trần Độ)

Khi Trần Độ viết bài, thì nhà văn hóa mới phổ cập đến cấp xã. Chưa đến cấp thôn như hiện nay. Ông viết:

"Thái Bình là tỉnh đầu tiên đang hình thành hệ thống văn hoá từ tỉnh đến xã và vài năm nữa sẽ là tỉnh đầu tiên có các nhà văn hoá huyện đều khắp. Đây là điều kiện để đổi thay bộ mặt văn hoá của một tỉnh. Tình hình này đặt ra những vấn đề mới cho việc xây dựng nền văn hoá mới. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thoả mãn nhu cầu văn hoá ở mức độ cao cho mọi người nông dân tập thể và việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá sẽ mở ra một phương hướng mới để phát triển sự nghiệp văn hoá.".

Toàn văn ở dưới lấy về từ trang Trần Độ. 

Không biết cụ thể về thời gian ông viết và nơi đầu tiên đăng tải. Chỉ biết được đưa vào tuyển tập đã ấn hành năm 2012.



---




Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017


Về mối quan hệ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc, chủ nghĩa duy vật lịch sử đã chỉ rõ: toàn bộ hệ tư tưởng, đạo đức, chính trị… của một chế độ sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu được thông qua hoạt động của các tổ chức xã hội. Các thiết chế này được xếp vào thượng tầng kiến trúc nhưng bản thân nó lại chứa đựng những yếu tố vật chất thuộc hạ tầng cơ sở.

        Và vì thế, thực là duy tâm, nếu quan niệm xây dựng văn hoá chỉ cần phát triển các yếu tố tinh thần mà quên rằng cơ sở vật chất sẽ là nền tảng cho sự phát triển văn hoá.
Lại càng phải nhấn mạnh điều đó, bởi, ngày nay chúng ta đang xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng một hệ thống thiết chế văn hoá từ Trung ương đến địa phương.
Từ mấy năm nay, tỉnh Thái Bình đã bước đầu xây dựng mạng lưới nhà văn hoá từ cơ sở lên tới tỉnh, trong đó yếu tố thành công nổi bật là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo.
Qua khảo sát thực tế, xin nêu lên hai vấn đề cần tập trung lưu ý. Đó là:
1. Cơ chế hoạt động của hệ thống văn hoá từ cấp tỉnh đến huyện và xã.
2. Quan niệm toàn diện về nhà văn hoá.
Sẽ không đáp ứng, hướng dẫn được nhu cầu văn hoá phát triển một cách toàn diện và thường xuyên của nhân dân, nếu hoạt động văn hoá chỉ trông vào phong trào quần chúng tự phát. Vì thế phải có cơ chế hoạt động và xương sống của nó là hệ thống nhà văn hoá ở địa phương từ cấp tỉnh đến xã.
Sự phong phú trong hoạt động của nhà văn hoá sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, để từng bước xoá bỏ sự cách biệt giữa văn hoá nông thôn và văn hoá đô thị, để người nông dân tập thể được hưởng thụ những loại hình văn hoá cao và điều này góp phần phát triển con người toàn diện.
Đưa văn hoá nông thôn nhích gần văn hoá đô thị bằng hệ thống thiết chế văn hoá, đó là chức năng của một bộ máy tổ chức có trình độ nghiệp vụ cao.
Sự ra đời và hoạt động của nhà văn hoá huyện trong mấy năm qua đã kích thích sự hình thành hàng loạt nhà văn hoá xã. Đây chính là yêu cầu hợp lý của người lao động. Các cấp, các ngành cần quan tâm, tạo điều kiện cho nhà văn hoá xã trở thành thiết thực, có ích. Việc xuất hiện những nhà văn hoá xã đã đòi hỏi nhà văn hoá huyện phải mau chóng trưởng thành để đủ sức chỉ đạo nghiệp vụ cho các nhà văn hoá xã. Đồng thời yêu cầu phát triển của nhà văn hoá huyện trở thành trung tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế. Đây là sự tác động lẫn nhau của một hệ thống cơ chế văn hoá trong toàn tỉnh. Như vậy, nhà văn hoá huyện mới có sức sống, có địa bàn hoạt động, có sự hướng dẫn nghiệp vụ. Đây là quy luật để phát triển hệ thống nhà văn hoá.
Trước những yêu cầu đó, cần xây dựng bộ máy cấp tỉnh (có giám đốc, có các tổ nghiệp vụ) để hướng dẫn các hoạt động cho cấp huyện. Trong khi chưa có cơ sở vật chất và để tránh lãng phí, cấp tỉnh chưa cần có ngay một cái nhà cụ thể. Tình trạng nhà văn hoá Đông Hưng được xây dựng cách đây 4 năm, đã mở cửa được hơn hai năm, nhưng hoạt động còn quá nghèo nàn là một thực tế mà chúng ta không nên lặp lại. Tất nhiên, ở đây còn có cả lỗi của Ty Văn hoá và thông tin (nay là Sở Văn hoá và Thông tin) là chưa chỉ đạo nghiệp vụ cho nó.
Nhà văn hoá huyện có ý nghĩa hết sức chiến lược vì nó trực tiếp chỉ đạo văn hoá các cơ sở xã, hợp tác xã, các nông trường. Đồng thời nó là trung tâm sự nghiệp của văn hoá huyện, nên một vấn đề đặt ra là Ty Văn hoá và thông tin phải điều hành hệ thống này thật tốt, để phát huy tác dụng nhiều mặt của nó.
Đối với các xã, muốn xây dựng nhà văn hoá, cần có các điều kiện:
1. Phải có sự quyết tâm của Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân; có yêu cầu thực sự của nhân dân.
2. Có sẵn một phong trào văn hoá, có số cán bộ cần thiết để có thể tổ chức bộ máy.
3. Có cơ sở tài chính và vật tư.
Tuy nhiên cần khẳng định, nhu cầu xây dựng nhà văn hoá của các địa phương là hết sức chính đáng. Nhưng cần căn cứ vào điều kiện cụ thể mà khẳng định cho phù hợp với thực tế. Như vậy sẽ hình thành hai loại quản lý văn hoá:
- Loại quản lý có tính chất nghiệp vụ (hệ thống nhà văn hoá),
- Loại quản lý có tính chất hành chính (hệ thống Ty, Phòng, Ban).
Vấn đề thứ hai cần được nhận thức một cách đầy đủ: đó là quan niệm toàn diện về nhà văn hoá, biểu hiện trên các phương diện:
- Kiến trúc,
- Bộ máy hoạt động,
- Nội dung, phương thức hoạt động,
- Tài chính.
Hiện nay, nhiều địa phương có tình trạng đầy nhiệt tình xây dựng nhà văn hoá, nhưng lại chưa quan niệm được một cách toàn diện về hoạt động của nhà văn hoá. Tình trạng này dẫn đến sự thiếu đồng bộ: làm cho nhà văn hoá chưa phát huy được tác dụng. Chẳng hạn nhà văn hoá Đông Hưng chỉ có nơi biểu diễn, chưa có phòng giải trí, phòng huấn luyện nghiệp vụ. Do đó, việc tìm hiểu một mẫu thiết kế đúng với tính chất hoạt động của nhà văn hoá, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương là khâu không thể bỏ qua được.
Sự hiểu biết về bộ máy nhà văn hoá không thể chỉ đặt ra cho cán bộ ngành văn hoá mà các cấp lãnh đạo chính quyền cũng phải hiểu rõ. Bộ máy ấy chỉ có từ 5 đến 7 người nhưng mạng lưới của nó có hàng trăm cộng tác viên do Quỹ văn hoá trả. Ở đây cần nhìn nhận hoạt động văn hoá như một phương thức sản xuất. Cần sử dụng các trí thức công tác ở huyện. Các kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, … sẽ là nguồn cung cấp tại chỗ cộng tác viên cho nhà văn hoá huyện. Điều đó cũng có nghĩa là cần tìm những hình thức thích hợp để xây dựng mạng lưới, lực lượng nòng cốt cho nhà văn hoá.
Hiện nay, nhà văn hoá huyện Đông Hưng chỉ hoạt động 90 ngày trong một năm. Nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn và chỉ có 5 cộng tác viên – trong khi số trí thức ở huyện có tới hàng ngàn. Đó là điều cần suy nghĩ và rút kinh nghiệm. Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý là nhất thiết không đợi đến khi có nhà, mới tổ chức bộ máy mà phải tiến hành đồng thời xây dựng bộ máy hoạt động trong quá trình xây dựng nhà văn hoá. Xuất phát từ tình hình thực tế, nhà văn hoá phải là đơn vị có tài chính độc lập, có kế hoạch chi, thu riêng trên cơ sở hoạt động có tính chất đặc thù của mình. Nó phải thực sự đóng vai trò mẫu mực và nghiệp vụ cho cơ sở, đồng thời đáp ứng yêu cầu tổ chức đời sống văn hoá cho nhân dân sở tại.
        Thái Bình là tỉnh đầu tiên đang hình thành hệ thống văn hoá từ tỉnh đến xã và vài năm nữa sẽ là tỉnh đầu tiên có các nhà văn hoá huyện đều khắp. Đây là điều kiện để đổi thay bộ mặt văn hoá của một tỉnh. Tình hình này đặt ra những vấn đề mới cho việc xây dựng nền văn hoá mới. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thoả mãn nhu cầu văn hoá ở mức độ cao cho mọi người nông dân tập thể và việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá sẽ mở ra một phương hướng mới để phát triển sự nghiệp văn hoá.

      (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội nhà văn, 2012)

http://trandotacpham.blogspot.com/2017/10/van-e-xay-dung-he-thong-thiet-che-van.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.