Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

01/09/2017

Ông giáo làng lên tiếng : tôi là học trò của thầy Nguyễn Lân

Ông giáo làng, thực ra là Ông Giáo Làng. Một blogger với bút danh như vậy, mà tên thực là Dương Đình Giao (trên Giao Blog từng đăng lại bài của ông, ở đây).

Bây giờ, ông giáo làng họ Dương viết về người thầy Nguyễn Lân của mình. Đại ý người học trò bảo rằng, thầy Lân của mình không có lỗi gì, vì lúc soạn từ điển cụ đã rất cao niên. Mà nếu có lỗi, thì đầu tiên, phải chỉ ra, chính là tại đám con cháu cụ.

Đại khái, lỗi của họ là: họ cứ giả điếc giả mù (trước bao nhiêu phê phán của bao nhiêu người) mà đem in sách của cụ quá nhiều trong nhiều năm qua ! Tạo ra cảm giác lạ: thiên hạ càng phê càng luận những chỗ sai chỗ nhầm của một cụ già, thì họ càng cho in nhiều ! Ra hiệu sách cứ thấy ngập đầy từ điển của Nguyễn Lân.

Ông giáo làng bàn về chữ Hiếu trong liên đới với các con cháu cụ Nguyễn Lân như sau:

"
Một trong những điều bất hiếu người xưa đã chỉ ra là con cái không biết khuyên cha mẹ làm những điều “không nên không phải” khi đã vào cái tuổi không còn được minh mẫn.
"

Thế thì nếu ông giáo làng nói rõ hơn ra, chỉ một chút nữa, sẽ gọi thẳng luôn: đám bất hiếu. Chứ còn gì.

Trong một luận bàn mấy năm trước, chúng tôi đã xác nhận là cụ Nguyễn Lân có tham gia soạn từ điển với nhóm Văn Tân (gọi là từ điển Văn Tân, in năm 1967). Đó là trước năm 1970 (xem lại các bình luận ở đây, tháng 9/2014). Bởi vậy, cụ Nguyễn Lân đã có duyên với công việc biên soạn từ điển từ lâu rồi.

Toàn văn bài của Ông Giáo Làng đọc ở dưới.




---




TÔI LÀ HỌC TRÒ CỦA THẦY NGUYỄN LÂN



 
55 năm trước, tôi học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vào năm thứ hai, chúng tôi được học môn Giáo dục học. Hơn nửa thế kỷ đã qua, tôi không còn nhớ Thầy Nguyễn Lân dạy phần nào, chương nào của chương trình, nhưng hình ảnh của Thầy tôi mãi mãi không quên. Với vóc người nhỏ nhắn, mái tóc đã điểm bạc, bất kể trời nóng như đổ lửa tháng 6 hay cái nắng “rám trái bưởi” của những ngày cuối hè đầu thu, khi lên lớp, Thầy đều nghiêm chỉnh trong bộ com-plê đầy đủ áo gi-lê và cra-vát. Sau khi đặt cái cặp vào dưới bục, Thầy bước ra giữa sân khấu, nghiêm trang cúi rất thấp chào toàn thể hàng nghìn sinh viên đủ các khoa trong cái hội trường toàn bằng tranh tre nứa lá. Suốt buổi học, chúng tôi ai cũng ra sức phe phẩy cái quạt hoặc cuốn vở để đỡ cái ngột ngạt, Thầy vẫn say mê với bài giảng, giọng nói sang sảng, một tay với cái khăn nhỏ luôn lau mồ hôi trên khuôn mặt đỏ bừng. Thái độ nghiêm cẩn và tôn trọng sinh viên của Thầy đã cho tôi bài học theo suốt cuộc đời gần 40 năm đứng trên bục giảng. Sau khi Thầy đã về hưu, tôi thỉnh thoảng lại được đọc những bài báo viết về Thầy. Nhớ nhất là chuyện Thầy luyện tập để có thể tắm được nước lạnh (khi mà điện còn bị cắt liên miên, chưa có cái bình nóng lạnh, củi than còn phải mua theo tem phiếu thì việc này vô cùng quan trọng) trong những ngày đông tháng giá. Ý chí, nghị lực của Thầy và nhiều  người khác cũng đã cho tôi những tấm gương sinh động để tu thân.
Tôi đã mua và đọc nhiều cuốn Từ điển Thầy biên soạn cả những cuốn đươcj viết  khi Thầy đã về hưu. Với sự hiểu biết còn hạn hẹp, tôi cũng đã phát hiện nhiều thiếu sót trong những cuốn sách đó,  tuy thế, những cuốn sách luôn luôn nhắc tôi một tấm gương làm việc miệt mài không để lãng phí thời gian. Tôi coi đây là kết quả của những năm tháng Thầy đã cao tuổi nhưng vẫn muốn góp chút công sức cho đời, không muốn sống những tháng năm nhàn rỗi “bèo dạt mây trôi”, Thầy vẫn muốn nêu tấm gương làm việc miệt mài ngay cả khi đã vào tuổi được nghỉ ngơi.
Việc xuất bản, gần đây lại còn tái bản những cuốn sách nhiều sai sót ấy không phải lỗi của Thầy. Tôi không muốn nói tới nguyên nhân mà nhiều người đã phân tích. Tới cái tuổi 90, người ta đâu còn đủ sáng suốt để quyết định những việc hệ trọng, nhất là khi không ít kẻ cơ hội luôn bám xung quanh để mong trục lợi.
Lỗi đầu tiên thuộc về những người con của Thầy, dù được Thầy nuôi ăn học đầy đủ, tất cả đều là những nhà khoa học, thậm chí còn nổi tiếng  nhưng họ đã thiếu thái độ khoa học khi để người cha đáng kính cho xuất bản, gần đây họ còn liều lĩnh cho tái bản những cuốn sách nhiều thiếu sót. Giá như họ chỉ cho in một số lượng nhỏ để ghi nhớ việc làm của người cha đáng kính rồi tặng bè bạn hay người thân của Thầy, việc làm này cũng có tác dụng động viên với người cao tuổi. Một trong những điều bất hiếu người xưa đã chỉ ra là con cái không biết khuyên cha mẹ làm những điều “không nên không phải” khi đã vào cái tuổi không còn được minh mẫn.
Lỗi tiếp theo là của những người chịu trách nhiệm xuất bản những cuốn sách ấy. Họ đã tắc trách khi thẩm định, biên tập để in ra những cuốn sách không nên có trên giá sách của nhiều người. Để có lương, để có việc làm, …  mà để cho những cuốn sách như thế xuất bản, họ không chỉ có lỗi với Thầy Nguyễn Lân mà còn có lỗi lớn với văn hóa nước nhà.
Thầy Nguyễn Lân không có lỗi. Xin phê phán những cuốn sách hoặc những người gây nên chuyện, càng không nên “chuyện nọ xọ chuyện kia”,  đừng xúc phạm tới người Thầy đáng kính của chúng tôi.
Và đây cũng là bài học cho tôi trước khi định “trình làng” một cái gì.

http://onggiaolang.com/toi-la-hoc-tro-cua-thay-nguyen-lan/

2 nhận xét:

  1. Khi đọc những bài đánh giá một người nào đó, của ai đó,tôi hay xem kỹ người viết là người nào?họ nhận xét ở góc độ nào?Chuyện đúng sai của ông Nguyễn Lân thì hãy phân tích cái sai của ông ấy.Mà nói cho cùng chả ai tài giỏi mà không có cái sai.Các vĩ nhân được loài người công nhận cũng đều có những lí lẽ sai đó thôi.Ở đây ông giáo làng bênh thầy Lân quý hóa quá rồi.Nhưng ông ấy lại đánh con cháu ông ấy cho họ là bất hiếu.Ông giáo muốn gì?Hình như ông ấy cũng muốn giải thiêng?Cho nên tốt đáy mà xấu ngay đấy

    Trả lờiXóa
  2. "Thầy Nguyễn Lân không có lỗi. Xin phê phán những cuốn sách hoặc những người gây nên chuyện, càng không nên “chuyện nọ xọ chuyện kia”, đừng xúc phạm tới người Thầy đáng kính của chúng tôi." Tôi thấy ông giáo làng đổ lỗi không đúng chỗ.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.