Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/07/2017

Chuyến đi Pháp hồi đầu thế kỉ XX của nhà khoa bảng Trần Tán Bình

Đó là những năm 1905-1906. Tức ngang với thời điểm cụ Phan Bội Châu bắt đầu xuất du sang Nhật, khởi động phong trào Đông Du.

Lúc đó cụ Trần Tán Bình  đang giữ chức Tri phủ Hoài Đức. Cụ là một trong những vị quan Việt Nam đầu tiên sang Pháp theo chương trình của chính phủ bảo hộ. Mới tầm khoảng 40 tuổi (Trần Tán Bình sinh năm 1868, mất năm 1937).

Mấy năm sau nữa thì cụ Phan Chu Trinh mới có điều kiện tới Pháp.

Từ mấy năm trước, khoảng năm 2013, tôi đã viết về chuyến đi này của cụ Trần và ảnh hưởng của nó với xã hội Việt Nam thời đầu thế kỉ XX. Sẽ bổ sung sau khi bài mới nhất về Trần Tán Bình ra lò sắp tới.

Tạm thời, ở entry này lấy một bài từ trang của Tuyet Tran (một người Việt đang ở Pháp) giới thiệu về chuyến đi Pháp năm đó của Trần Tán Bình. Tác giả có nhầm lẫn một chút về thời gian ở Pháp của Trần Tán Bình, cũng như lí do vì sao lại có bài đăng trên BEFEO năm 1907 nói về phát biểu của cụ khi từ Pháp trở về.





---





©Mathilde Tuyết Trần, France 2015, www.mttuyet.fr
Dưới thời nhà Nguyễn, chức Tri phủ đứng đầu một đơn vị hành chính phong kiến gọi là một « phủ », tương đương với một huyện, thuộc hàng chánh lục phẩm trong quan chế cửu phẩm của triều đình, thấp nhất là chánh cửu phẩm, cao nhất là chánh nhất phẩm. Thượng thư đứng đầu lục bộ, thuộc về phía quan văn, cũng chỉ là hàng chánh nhị phẩm. Nên chức « tri phủ » đã là thuộc hạng quyền cao chức trọng, sinh sát trong tay.
Cuối năm 1905 chính phủ bảo hộ Pháp mở một chương trình chính trị mới, đặt tên là « Nhiệm vụ thường trực Đông Dương tại Pháp » (Mission permanante indochinoise en France) cho phép một số quan lại triều đình được lựa chọn, thực hiện một cuộc « du học » tại Pháp trong suốt một năm. Chương trình du học này được thực hiện tại bốn thành phố lớn nhất của Pháp là Paris, Lyon, Nancy và Marseille, dưới quyền trách nhiệm của một công chức Pháp tại mỗi nơi. Nhóm du học đầu tiên bắt đầu vào tháng 2 năm 1906 gồm có quan lại người Việt và người Cam bốt. Nhóm thứ hai có thêm một số thầy thông ngôn. *
Trong nhóm đầu tiên có quan tri phủ Trần Tán Bình, tri phủ ở Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Đông, một trong số 10 người được đi du học đầu năm 1906. Năm năm sau, 1911, thì Phan Chu Trinh mới được sang Pháp, nhưng có thể nói là cùng một giai đoạn thời gian.
Năm 1906 thì nhà nước bảo hộ Pháp đã biết đến danh tiếng của Phan Chu Trinh vì ông đã không ngần ngại nói thẳng với chính quyền Pháp những điều sai trái trong xã hội thời ấy, mà tính cách lại ôn hòa, không phải đạp để đổ, mà đạp để xây dựng. Cái nhìn của Phan Chu Trinh là một cái nhìn xa về tương lai, nhưng thận trọng vì ông biết những điểm yếu kém của dân tộc gồm có hai mươi triệu người thời ấy, vì đổ rồi thì sau đó làm gì, ai làm, để xây dựng nên cái mới ? phải có con người có trí tuệ, hiểu biết, có tấm lòng và phải có thời gian để thay đổi, hành động, xã hội Việt Nam thời ấy chưa có đủ người có khả năng để có thể làm thay đổi cả một guồng máy quản lý cai trị, tuy rằng hướng đi của Phan Chu Trinh là đấu tranh ôn hòa để dành lại độc lập và tự chủ, thoát ra khỏi chế độ thuộc địa, bảo hộ của Pháp. Cách nhìn của quan tri phủ Bình được người Pháp so sánh, đối chứng với cách nhìn của Phan Chu Trinh.
Trong chừng mực nào đó, cái nhìn của quan tri phủ Bình có những điểm nhận xét tương đồng, tích cực, có những ghi nhận, những đề nghị canh tân, nhưng cái khác của quan tri phủ Bình là ở chỗ, là ông muốn canh tân trong guồng máy cũ, vì ông là một bộ phận của guồng máy ấy, có chỗ đứng thế lực và quyền lợi, một guồng máy có hai phía đối lập nhau: dân và quan.
Trong khi đó Phan Chu Trinh cáo quan, rũ bỏ guồng máy quan lại và đi xa hơn trên con đường đòi hỏi quyền bình đẳng và dân chủ, tố cáo, lên án chính guồng máy quan lại phong kiến hủ bại tàn nhẫn nằm trong tay các quan viên người Việt đã bóc lột, hành hạ, đầy ải dân chúng, gây ra rất nhiều bất công xã hội, thí dụ như sưu cao, thuế nặng cho chính người dân Việt. Chính vì bài viết thẳng thắn, rất sắc xảo của Phan Chu Trinh năm 1907 gởi toàn quyền Paul Beau suýt làm cho ông bị mất mạng khi phong trào kháng thuế miền Trung nổ ra năm 1908.
Tuy thế, cái nhìn của quan tri phủ Bình không phải là hoàn toàn sai, một năm du học tại Pháp đã khiến cho ông nhận ra những cái khiếm khuyết trầm trọng của xã hội Việt Nam còn bị đè nặng bởi ảnh hưởng Khổng Nho phong kiến thời đấy, và ông viết, kể ra, những dòng ý tưởng « nẩy lửa » so với nguồn gốc nho giáo, học để làm quan, xuất thân tri phủ của ông. Một trăm lẻ chín năm sau đọc lại những điều quan tri phủ Bình viết năm 1906 mới thấy là thú vị:
« Trong tinh thần quan lại truyền thống của tôi, tôi đã luôn luôn có quan niệm là một đất nước như một đám dân điều khiển bởi một vài nhân vật, mà mệnh Trời đã ban cho họ một ưu đãi là dẫn dắt đám dân theo ý muốn của họ, để lấy trên công sức thành quả lao động của nông dân một phần quyền lợi thiêng liêng đó để làm giầu cho chính mình, đem lại hạnh phúc cho gia đình mình. Lần đầu tiên tôi đọc, trong một quyển sách phương tây được dịch ra tiếng hán, chữ « Cộng Hòa », tôi chưa thể hình dung ra làm sao một quốc gia có thể tồn tại mà không có « Vua » ra lệnh, không có những « cha và mẹ của dân » đánh đập những đứa con mình bằng roi tre. Khái niệm « công bộc của dân » mà những nhà cải cách hán gắn cho nhân viên guồng máy của họ, tôi nghe sao chói tai. Làm sao, tôi tự hỏi, những người quân tử học hành cả bao nhiêu năm trời để thi đậu các kỳ thi của triều đình (hương, hội, đình), lại có thể được sử dụng một cách bất công để phục vụ một đám dân ngu dốt, hèn hạ ? Làm sao, họ không phải là những người cao trọng hơn những người khác ? Các khái niệm « bình đẳng » và « tương trợ giữa tất cả mọi người » gây sốc dữ dội trong tai tôi. Làm sao mà, tôi tự hỏi, người nông phu chai cứng cả hai bàn tay để kéo, đẩy cày bừa, người đi cấy hai chân bì bõm trong nước ruộng, người bán rong những con trâu, con bò, người thợ cột kèo đeo cái hộp dụng cụ ở đầu một cây rìu, người thợ hồ xây tường, làm sao tất cả những người này lại có thể bình đẳng với tôi, anh em tương trợ với tôi, tôi, một người đã nhồi vào óc não bốn quyển tứ thư, năm quyển kinh điển và những điều khác cần thiết để có thể hưởng được ơn Trời, để được ngồi trên trảng kỷ chạm khắc nhận những lời chào kính cẩn của đám ngu dân, để phân phát những trận đòn roi cho những kẻ nào tôi không ưa, để đi dạo trên võng, trên ghế có người khuân và hai người che lọng hai bên, để nghe một đám « dạ » rân vang khi tôi muốn hút một điếu thuốc lào ? Làm sao tôi có thể xem những quyền lợi ấy là những điều sai trái bất công ?… »
Một trong những nguyên nhân cản trở sự tiến bộ của xã hôi Việt Nam thời ấy đã được quan tri phủ Bình nhận định là cái « lũy tre làng ». Ông viết: "Người ở Đình Bảng thì không thể sống ở Phú Liên, vì khác biệt về phong tục tập quán. Chẳng thà họ mua đắt gấp hai lần một sào ruộng trong làng họ còn hơn là đi mua cùng một diện tích đất rẻ hơn ở làng bên cạnh. Tinh thần yêu nước của họ dừng lại ở cái cổng làng, từ rất ít quan hệ xã hội nẩy sinh ra sự thiếu vắng mọi tình cảm đoàn kết, nẩy sinh ra một sự không thể làm được sự kiện gì lớn hơn, không thể đồng ý với nhau cùng là công dân với nhau để khuếch trương thương mại, kỹ nghệ hay điều gì khác, họ bỏ lúng bốn phần năm ruộng đất canh tác, họ không quan tâm đến những gì xảy ra ngoài cái làng nơi có cái túp lều của họ. »
Nguyên nhân thứ hai, sâu đậm hơn, nặng nề hơn cho xã hội Việt Nam là sự áp đặt giáo điều Khổng Nho là chữ viết chính thức và là đạo lý luân lý giáo dục nền tảng của triều đình nhà Nguyễn, mãi cho đến đời vua Thành Thái, người đã có ý thức chuyển nền giáo dục sang chữ quốc ngữ.
Tri phủ Bình nhận định: "Sự lụn bại của trí thức an nam nằm ở chỗ chúng ta dùng chữ Hán. Điều cản trở sự phát triển trí tuệ của chúng ta là sự bắt buộc phải viết và sử dụng ngôn ngữ hán. Họ chỉ yêu cầu chúng ta một điều duy nhất: trí nhớ, chúng ta chỉ có trí nhớ. Họ phải thay đổi chương trình thi cử triều đình, thi hương, thi hội, thi đình, và thay vì bắt chúng ta phải thuộc lòng những điều Khổng tử và Mạnh tử đã phán xét những việc này, việc kia từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn (Trung Hoa), thì họ để cho chúng ta nói những gì chúng ta nghĩ về những việc đang xảy ra trước mắt, rồi họ sẽ thấy là chúng ta có khả năng suy nghĩ hay không…Nhưng phải nhận thấy rằng không phải là một điều mơn trớn cho một dân tộc bị coi là dân tộc trẻ con khi dân tộc đó có 4.700 năm tuổi. Trẻ con trong công việc, chúng ta vui chơi trên mọi lãnh vực. Trẻ con trong giáo dục, chúng ta vui chơi với trí nhớ. Trong thương mại, chúng ta vui chơi với bán hàng. Trong chính trị, chúng ta vui chơi với quan chức. Tất cả chỉ là hài kịch. Trong gia đình, chúng ta vui chơi làm cha và làm con. Chúng ta diễn hài kịch khi chôn cất cha mình, khi cưới hỏi, khắp nơi và trong mọi tình huống. »
Sự tôn trọng và áp đặt khoa cử kinh điển tứ thư, ngũ kinh, học thuộc lòng, vận động trí nhớ nhưng không vận động trí thức, tư duy, tìm hiểu, phán xét, lý luận, nghiên cứu…, học để làm quan, nên xã hội Việt Nam cũng bị cản trở về tâm lý của cả xã hội, xem mọi công việc lao động chân tay, lao động trí thức là hạ tiện.
Quan tri phủ Bình viết tỉ mỉ:  "Đúng thật là người Pháp có những điểm yếu kém. Ở Pháp cũng như ở mọi nơi, cũng có những người say sưa nghiện rượu, hút thuốc, nói láo, ăn cắp, thất nghiệp, phản bội nhưng đó chỉ là số ít trong một dân tộc cẩn cù siêng năng, thông mình và phát triển kỹ nghệ ! Trong mười người thì có chín người lao động, mà lao động cực nhọc thực sự. Một kẻ mơ mộng loại « thầy đồ » của chúng ta, không những chỉ là một con vật kỳ lạ, mà sự hiện hữu của nó là không thể có được. Ở Pháp, cái miệng không có gì ăn nếu cái tay nằm yên. »
Quan tri phủ Bình kêu gọi: "Chỉ cống hiến duy nhất vào sự học về quá khứ (về sự lụn bại của nhà Tần, sự nổi dậy của nhà Hán, những sai lầm của vua Trụ, những đức hạnh của vua Nghiêu, vua Thuấn…) mà quên đi tương lai và hiện tại, là một sự trốn tránh trách nhiệm vô nghĩa lý nhất… »
Lối thoát thức thời theo quan tri phủ Bình là con đường hợp tác phát triển thương mại của hai quốc gia Pháp/Việt, đồng thời chấp nhận sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương, trong chiều hướng nâng cao tri thức (của người Việt), phát triển khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước, mài giũa sự tự trọng để một ngày nào đó, chúng ta không còn là những người bị bảo hộ, mà là những đồng minh kết hợp bởi quyền lợi của cả đôi bên.
Lịch sử hôm nay đã sang trang. Công bằng mà nói những người như quan tri phủ Trần Tán Bình cũng có góp phần của ông vào sự nhận thức cần phải đổi mới, tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật, kỹ nghệ.
Sự việc nhang khói khấn vái thờ phượng Khổng tử hiện nay, nếu chỉ mang ý nghĩa một sự mê tín dị đoan, cầu chữ xin chữ cho những người thích hoài cổ, thích chữ hán, như « hài kịch » theo ý của quan tri phủ Bình đã nhận định, thì không có gì đáng nói, không phải đi thụt lùi trở về con đường của vua Nghiêu, vua Thuấn của quá khứ hủ nho xa vời mấy ngàn năm trước.
Sự sống còn của một dân tộc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nâng cao trình độ dân trí và mở rộng tầm nhìn hướng về hiện tại và tương lai là một công việc cấp bách nhất của mọi thế hệ, một trọng trách hàng đầu của bộ phận giáo dục, văn hóa dân tộc. Có ý thức, tri thức và kiến thức thì mới có hành động và phát triển. MTT
Chú thích : * Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Tome 7, 1907
http://mttuyet.fr/2015/05/bai-hoc-cua-quan-tri-phu-hoai-duc/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.