Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/10/2016

Chín Cần (1924-2016) ở Long An, và đột phá xé rào đêm trước Đổi Mới


Trước tôi chỉ nghe loáng thoáng, tới khoảng 15 năm rồi, rằng: bác Cao Tự Thanh là con một cụ cốp nào đó. Bác Thanh tự nghỉ biên chế, ra ngoài, sống độc lập. Chuyện nghe từ một người bạn của bác, hồi người bạn ấy tới Đông Kinh.

Nghe và chỉ biết đại khái thế. Không tìm hiểu thêm.

Quả thực, đến bây giờ mới biết cụ thân sinh ra bác Thanh là Chín Cần. Một nhân vật của Đổi Mới. Cụ tên thật là Cao Văn Chánh.

Tên "Chín Cần" của cụ đã xuất hiện trong tư liệu nghiên cứu về Đổi Mới ở nước ngoài từ năm 1996.

Cụ vừa ra đi.

Một số bài ông Chín Cần, lấy từ các nơi, bổ sung dần.



---




Bài đầu tiên

31/10/2016 - 09:59 AM

Các nhóm học sinh miền Nam ở Sài Gòn cả ngày chủ nhật 30.10 truyền cho nhau tin chú Nguyễn Văn Chính tức Chín Cần vừa qua đời chiều 29.10.2016. Họ hẹn nhau trưa 31.10 đi viếng chú tại Nhà tang lễ 25 Lê Quý Đôn.

Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) là ba của Cao Dũng (Cao Văn Dũng), tức nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu có giá trị, mới nhất là cuốn sách vừa phát hành trong tháng 10 do anh chủ biên "Học sinh Miền Nam - tư liệu và kỷ niệm". Hơn thế nữa, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông cũng từng là trưởng ban tiếp đón học sinh miền Nam từ miền bắc trở về.
Ông Chín Cần. Ảnh: TL


Nhiều học sinh miền Nam không thể quên những ngày đầu trở lại miền Nam, lòng dạ họ xáo trộn đến thế nào khi sắp gặp lại gia đình mẹ cha sau bấy nhiêu năm xa cách. Chính ông Chín Cần, bằng sự ân cần thương yêu của một người cha, đã giúp họ xóa dần tâm lý hồi hộp xen lẫn bỡ ngỡ ấy, đã tổ chức đưa họ đoàn tụ êm ấm với gia đình. 

Còn trong mắt các nhà báo thì ông Chín Cần chính là một trong các nhà khởi xướng Đổi Mới ở Việt Nam sau năm 1975.

Chính xác hơn, ông là người tiên phong thực hiện việc xóa bỏ bao cấp trong phân phối lưu thông, xóa bỏ cơ chế hai giá.

Là Bí thư Tỉnh ủy Long An trong giai đoạn 1976 - 1983, ông Chín Cần đã chỉ đạo và cùng tỉnh ủy tiến hành mở mũi đột phá đổi mới khâu phân phối lưu thông (hồi đó thường gọi tắt là giá - lương - tiền). Nhờ có cơ chế giá mới, người sản xuất có thể chủ động mua được vật tư nguyên liệu cần thiết thay vì ngồi chờ sự phân phối kém hiệu quả của Nhà nước; người tiêu dùng có thể mua được các loại hàng thiết yếu cho đời sống thay vì phụ thuộc vào mạng lưới phân phối của Nhà nước vừa chậm chạp vừa thiếu thốn.

Nhờ vào cơ chế giá mới, Long An đã thu mua hết nông sản của nông dân, qua đó Nhà nước nắm được hàng và tiền, làm chủ lưu thông, góp phần tạo sự kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng lương thực và thu mua lương thực cũng như sản lượng hàng vải dệt của Long An 5 năm liền (1980 - 1985) tăng từ gấp đôi đến gấp ba so với trước đó. 

Nhiều người còn nhớ rõ, cái hồi “ngăn sông cấm chợ” phổ biến ở khắp các tỉnh miền nam thì chỉ có Long An là không có trạm kiểm soát lưu thông nào hết! Cái không khí thị trường trở lại với miền nam sau năm 1975 có thể nói bắt đầu sớm nhất ở Long An.

Và, cũng chỉ có Long An ngay từ thời khó khăn ấy thực hiện được chính sách cấp học bổng cho con em trong tỉnh đi học cao đẳng, đại học ở Sài Gòn. Ít ai ngờ, ngay từ hồi đó ông Chín Cần đã nghĩ thoáng như vầy: “Mình lo cho các cháu đi học không có nghĩa là tụi nó nhất định đều phải trở về tỉnh phục vụ. Nếu có nơi nào phát huy được kiến thức chuyên môn đã học, cũng nên để các cháu được quyền chọn lựa”. Một đồng liêu với ông Chín Cần, ông Lưu Quang Tuyến – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An đã từng kể lại cho người viết bài này nghe câu chuyện ấy với vẻ khâm phục không che giấu.

Sau thời gian được điều động về Chính phủ với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (danh xưng của chức vụ Phó Thủ tướng hiện nay), ông Chín Cần lại được điều động lần nữa về Hội Nông Dân Việt Nam. Có người bày tỏ băn khoăn với ông: “ Về đó liệu ông có còn năng động được như trước? ”. Trong lòng nghĩ gì thì không biết, nhưng ông Chín đã trả lời bằng vẻ bình thản rất chân thành trong một cuộc gặp gỡ thân mật ở số 8 Chu Văn An giữa các cán bộ phía Nam đang làm việc tại Hà Nội: “Nếu có ai đó nghĩ mình sẽ ngồi chơi xơi nước, không còn phát huy được sự năng động nữa thì mình đừng có để cho điều đó xảy ra”. 

Nói là làm. Chính trong thời kỳ này, với cương vị Chủ tịch Hội, ông Chín Cần một lần nữa trở thành người xốc xáo lại công việc mà sự thụ động tưởng đã thành nếp. Những đề xuất của ông sau những lần tự mình khảo sát thực tiễn đã đưa tới những thay đổi hết sức quan trọng cho phương thức hoạt động của Hội. Cùng với Thường trực Hội khóa II, ông Chín Cần đã kiên quyết đổi mới phương pháp tập hợp nông dân vào Hội, nghĩa là không chỉ tập hợp theo địa bàn dân cư mà còn theo ngành nghề, tạo tiền đề cho nông dân xây dựng các hình thức hợp tác nhằm tăng cường nguồn lực sản xuất - phân phối sản phẩm cho nông dân do Hội Nông dân làm nòng cốt. Quỹ Hỗ trợ Nông dân được thành lập vào thời kỳ này cũng do chính ông Chín Cần khởi xướng. 

Ông Chín Cần sinh ngày 1.3.1924, tham gia cách mạng năm 1943, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 2010. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 4,5,6,7. Có thể nhiều người trong chúng ta hôm nay không còn nhớ các danh hiệu, chức vụ của ông Chín Cần. Thậm chí nhiều người trẻ hôm nay có thể không biết ông Chín Cần là ai. Ông Chín về nghỉ hưu đã lâu, vì sức khỏe và cũng vì cá tính lâu nay ông gần như không xuất hiện ở các diễn đàn lớn, nhỏ.

Người ta quên ông, không biết nhiều về ông là điều có thể hiểu và cũng không quá quan trọng đối với ông và gia đình - nơi ông và các thành viên luôn tâm niệm rằng, làm việc cho nước, cho dân không phải là để cho người ta ghi công mình, nhớ đến mình. Nhưng những người nông dân Long An, các doanh nghiệp ở Long An - và rộng hơn là ở Đồng bằng sông Cửu Long thì vẫn còn mãi truyền đi câu chuyện về ông như một trong những người lãnh đạo hiếm hoi, ở cái thời mà đời sống và sản xuất bị dồn vào chân tường, dám đột phá đổi mới và dám chịu trách nhiệm về đột phá ấy chỉ với một mục đích để người dân và doanh nghiệp có thể sống còn, có thể thể phát triển.

Cán bộ lãnh đạo Long An các thời kỳ không ai từng lâm vào cảnh khó xử vì phải giải quyết chính sách đất đai, nhà cửa, dự án cho gia đình ông – một người có nhiều công lao với tỉnh. Người ta chỉ nhớ rõ ông Chín Cần là người có gan làm những chuyện động trời trước đó chưa ai dám làm: tiên phong đột phá tấn công vào cơ chế cũ – cái cơ chế cản trở cuộc sống và gây khó dễ cho người dân.

Với ông - một người lính từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, một người trong hòa bình được vinh danh "người tiên phong xóa bao cấp", được ghi nhận thế thôi là đủ.

Nguyễn Thế Thanh

http://nguoidothi.vn/vn/news/nguoi-tre/loi-song/5701/vinh-biet-ong-chin-can-mot-nguoi-tien-phong-doi-moi.ndt

---




BỔ SUNG

.

4.

Chia tay người tiên phong Đổi mới

01/11/2016 10:26 - T. H
Ông Nguyễn Văn Chính, vẫn được mọi người gọi một cách thân thiết và trìu mến là Chín Cần, đã ra đi. Theo nhận định của GS Đặng Phong, thông qua việc thực hiện thành công mô hình bỏ bao cấp, bỏ tem phiếu, áp dụng chế độ một giá ở Long An vào những năm cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, ông đã trở thành một trong những người đi tiên phong thời kỳ Đổi mới.

Ông Chín Cần (1924-2016). Ảnh: motthegioi.vn
Sinh thời, ông Chín Cần là một người dám nghĩ, dám làm. Trong cuốn sách "Phá rào" trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới, GS Đặng Phong đã đề cập đến Long An, một trong những mô hình đi đầu trong Đổi mới, và linh hồn của mô hình này người bí thư tỉnh ủy Long An lúc đó - ông Chín Cần - đã "đặt lại vấn đề một cách táo bạo": Phải tìm những biện pháp kinh tế chứ không phải hành chính để làm chủ lưu thông, phải nắm cho được hàng và tiền bằng cách cải tiến phương thức mua - bán và bằng giá mua - bán hợp lý. Đây chính là yếu tố cốt lõi để Long An áp dụng chế độ một giá thành công. Ông từng thẳng thắn nói lên quan điểm của mình với lãnh đạo trung ương: “Cơ chế gì tôi không biết, tôi chỉ cần biết tôi phải mua thế nào mà nông dân bán cho tôi, và tôi bán ra thì không lỗ. Các anh giao nhiệm vụ thì tôi cố gắng làm và chấp hành, các anh không cho mua của đồng bào nữa thì chúng tôi cũng chấp hành thôi, nhưng thâm tâm tôi phản đối ý kiến đó...”.
Chính vì quan điểm “làm rồi rút kinh nghiệm, tổng kết để củng cố phương án cho hoàn thiện… làm thử để xem xét kỹ thêm tình hình thị trường giá cả", ông Chín Cần và các cán bộ tâm huyết ở Long An đã xây dựng, triển khai mô hình Long An thành công và tạo sức lan tỏa trong xã hội. GS Đặng Phong nhận xét, qua báo cáo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 năm 1984 bàn về đổi mới cơ chế, kinh nghiệm của Long An được nhiều người coi như “lối ra cho nền kinh tế”. Đây cũng là một trong những cơ sở để một năm sau đó, Hội nghị Trung ương 8 ra Nghị quyết về việc cải cách giá và bù giá vào lương trên phạm vi cả nước.
Có người sau đó đã hỏi ông Chín Cần vì sao lại dám “liều” đi tiên phong, ông trả lời: “Tôi không to gan như các anh tưởng đâu. Tôi sợ lắm chứ. Nhưng trong nhiều cái đáng sợ, thì tôi sợ nhất là nếu cứ để cho tiếp tục khủng hoảng như thế này thì dân chết, mà Đảng cũng chết. Tôi sợ cái đó nhất, nên tôi phải nghĩ cách tránh."
Với cái tâm vì dân và tinh thần táo bạo dám đương đầu với thử thách, ông Chín Cần đã trở thành một người đi tiên phong trong Đổi mới như thế. Sau này, khi đã đảm trách nhiều chức vụ cao cấp, ông vẫn là người lãnh đạo gần dân, vì dân, như PGS. TS Phan Xuân Biên (Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) nhận định trong bài “Ông Chín Cần đổi mới vì dân” (Báo Thanh Niên).
Ông Nguyễn Văn Chính (tên khai sinh là Cao Văn Chánh) sinh ngày 1-3-1924, quê quán xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ông là nguyên ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX; nguyên bí thư Tỉnh ủy Long An; Khu ủy viên Khu 8, bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang); bộ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ NN&PTNT); phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là phó thủ tướng Chính phủ) kiêm chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ); phó trưởng Ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương; chủ tịch Hội Nông dân VN; huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Kháng chiến hạng Nhì, huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông đã từ trần hồi 16 giờ ngày 29-10-2016 (tức ngày 29-9 năm Bính Thân) tại BV Thống Nhất, TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi.
---------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Long An - mũi đột phá vào kinh tế thị trường (Đặng Phong - Ngọc Thanh)
2. "Phá rào" trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Đặng Phong)

http://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Chia-tay-nguoi-tien-phong-Doi-moi--10159




3. Bạn học của con trai (Cao Tự Thanh) viết trên Fb

"

Kim Anh TranさんはHoàng Thị Ngọさんと一緒です。
9時間前
Một bài viết về bác Chín Cần, ba của Cao Dũng, mình cóp về cho các bạn cùng đọc.
Một nhà lãnh đạo tiên phong
Ông Chín Cần, một ngọn cờ đổi mới, đã ra đi.

Ông thuộc thế hệ những nhà lãnh đạo địa phương có đóng góp to lớn vào cục diện thay đổi của đất nước sau 1975.

"Bù giá vào lương", cuộc cải cách cơ chế "phân phối lưu thông" ở tỉnh Long An do ông lãnh đạo, thực chất là áp dụng thị trường trong xử lý mối quan hệ tiền tệ, hàng hoá và giá cả, một tử huyệt của lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ ở Việt Nam.

Cuộc cải cách ấy ở Long An, cùng với những cải cách ở TP.HCM do ông Võ Văn Kiệt lãnh đạo, đã có đóng góp quyết định hình thành đường lối đổi mới do ông Trường Chinh khởi thảo vả trình bày ở đại hội VI của đảng vào 1986.
Trên chính trường ông nổi lên như một nhà lãnh đạo địa phương nổi bật. Có lẽ cũng vì vậy ông được điều ra trung ương, trải qua nhiều vị trí, được những nhà lãnh đạo cấp cao chuẩn bị để đảm đương vị trí Trưởng ban Tổ chức TƯ.

Nhưng sự nghiệp chính trị của ông không đạt đến đỉnh cao như người đồng liêu Võ Văn Kiệt. Phút cuối ông không được ông Nguyễn Văn Linh "cơ cấu" như ông Linh đã trao đổi trước với ông. Nội tình của đêm trước đại hội này dường như ông chỉ chia sẻ với một người bạn thâm giao là nhà báo Thái Duy.
Tôi có duyên được hầu chuyện với ông nhiều lần, nhiều phần là do ông quí mến các nhà báo, nhất là một nhà báo trẻ từ miền Nam ra thường trú ở Hà Nội. 

Thuở ấy ông ở một biệt thự công vụ trên phố Nguyễn Cảnh Chân. Những khi có quà quê Nam Bộ, nhất là khô cá sặc, ông thường gọi đến ăn cơm. Cả buổi cơm, rồi suốt tuần trà sau đó, ông chỉ nói hết chuyện Tam Quốc đến chuyện đời xưa bằng một giọng kể ngắt quãng. Cho đến khi những người giúp việc, từ cận vệ cho đến cần vụ xin phép ra về thì ông mới bắt đầu giọng điệu sôi nổi, hai chú cháu nói chuyện "quốc sự".

Thường thì ông hỏi về thái độ của dân chúng trong Nam về ông Trường Chinh, ông Linh, ông Kiệt. Ông cũng thường xuyên hỏi thăm về các trí thức nổi tiếng ở Sài Gòn, về các nhà báo mà ông tỏ ra ưu ái như Kim Hạnh, Thế Thanh...

Sau này, trong quá trình tìm kiếm tư liệu về đổi mới, có dịp nhớ lại những gì ông trò chuyện tôi mới chợt nhận ra, tôi đã được ông kể cho nghe về quá trình vận động bên trong của công cuộc đổi mới, về những khúc mắc mà không khí đổi mới tưởng rất sôi nổi nhưng liền sau 1986 đã đột nhiên khựng lại đến 3 năm. 

Ông là người khẳng định vai trò của ông Trường Chinh trong việc quyết định đường lối Đổi Mới. Từ việc ông Trường Chinh xuống Long An tim hiểu tinh hình, khi về lại TPHCM, tới ranh giới Bình Chánh, đích thân ông xuống xe bắt tay ông Chín Cần thật chặt rồi nhỏ nhẹ nói cám ơn Long An đã cung cấp cho ông một thực tiễn sinh động, tươi tốt.

Trong câu chuyện của ông, tôi đã biết về một nhân vật được ông coi là bà đỡ của đổi mới , ông Hoàng Hữu Nhân, Trưởng ban Công nghiệp TƯ, người dám phản biện những chủ trương, đường lối lớn, từ dời thủ đô khỏi Hà Nội được chính Bác Hồ đồng ý, rồi tập thể hoá nông nghiệp, cho đến cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam. Ông khẳng khái tranh luận phản bác cả ý kiến của ông Lê Duẩn, sẵn sàng phát biểu ủng hộ những sáng kiến đổi mới ở cơ sở.

Cũng có những lần ông hỏi dân trong Nam đánh giá gì về ông Đỗ Mười. Có lần ông nói thẳng, ông không biết ông Đỗ Mười đổi mới từ khi nào, chứ ít nhất ngay sau hội nghị TƯ lần thứ hai của nhiệm kỳ đại hội VI, chính ông Đỗ Mười đã tung ra một tài liệu xem xét lại các quyết sách trao quyền tự chủ nhiều hơn cho xí nghiệp, phê phán các quan điểm bung ra, xé rào...Sau đó, đổi mới đã không còn không khí hồ hởi của đại hội VI mà ở trong tình trạng giằng co, trì trệ đến tận cuối 1988 khi tình hình đã trở nên nghẹt thở. 

Ông cũng cho rằng lựa chọn thích hợp nhất cho vai trò tổng bí thư sau đại hội VI là ông Võ Văn Kiệt. Với ông Chín Cần, người đã nhiều năm làm công tác tổ chức, từng giữ vị trí phó trưởng ban thứ nhất ban Tổ chức TƯ, ông Kiệt thích hợp làm tổng bí thư hơn làm thủ tướng.

Có lẽ sự rõ ràng trong quan điểm đổi mới và với con người đổi mới đã khiến quan lộ của ông đi ngang. Nhưng ở vị trí nào ông cũng có đóng góp bằng tâm thế đổi mới. Làm bộ trưởng bộ Lương thực ông là người giúp tượng hình cơ chế thương mại cho lương thực, nhất là lúa gạo. Làm Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Chính phủ ông trực diện phanh phui những sai trái của một bộ trưởng kỳ cựu. Làm chủ tịch Hội Nông Dân, ông đã làm sống động lại đoàn thể này sau nhiều năm cơ chế bao cấp gần như biến tổ chức này thành một bình hoa trang trí. Chừng ấy, cộng với nếp sống thanh bạch, liêm khiết và gần gũi dân chúng đã khiến nhiều người dè chừng ông.

Ông về hưu ở TPHCM, được nhà nước hoá giá một biệt thự trên đường Điện Biên Phủ. Về già ông bán căn nhà đó chia cho hai người con trai. 

Một trong hai người con trai đó đã từ chối nhận phần được chia với lý do cực sốc, không muốn dính vào cuộc phân chia chiến lợi phẩm! 

Người con trai ấy từ rất sớm đã rời bỏ môi trường nhà nước để làm một nhà nghiên cứu tự do. Anh chọn ở nhà thuê trong một hẽm nghèo Gò Vấp, dịch sách mướn kiếm sống và thực hiện theo ý mình những công trình nghiên cứu văn hoá - xã hội. Anh là nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, một chuyên gia Hán Nôm ở vào hàng top của giới nghiên cứu. 

Cao Tự Thanh ít khi nói về người cha của mình với những người thân quen bằng đại từ ba tôi hay cha tôi. Nói về ông Chín anh gọi là đương sự. Anh không tỏ ra rung động khi người ta bàn tán đến công tích của cha mình. Với anh, ông Chín Cần là cha anh, ông Cao Văn Chính. Anh như không có liên hệ nào với ông Chín Cần, phó thủ tướng Nguyễn Văn Chính. 

Ông Chín Cần và Cao Tự Thanh khắc khẩu. Ông dường như cũng để mặc Cao Tự Thanh cứ tự xưng mình Thanh Tự Cao và không cần đến sự giúp đỡ của ông. Nhưng khi có người quen biết con trai mình, ông không giữ được nét tự hào. Thường thì ông rung đùi, tỏ ra khoái chí khi nghe trầm trồ về những lựa chọn ngang ngạnh của con trai.


Lớp Hán Nôm 1 được bác Chín mời đến nhà ăn cơm (tại Lê Cảnh Chân). Giản dị và thân thiện là ấn tượng khó quên của mọi người về bác.


いいね!
コメントする

"
https://www.facebook.com/kimanh.tran.9210/posts/1096571180411269






2.


Thứ Hai, ngày 31 tháng 10 năm 2016


"Nhân vật đổi mới" của Việt Nam hiện hành nghĩa là gì?
>> 'Tham nhũng nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật'
>> Bao giờ TP.HCM hết ngập?
>> Cây Hà Nội mới trồng chết khô hàng loạt
>> Hãy cẩn thận khi dùng những từ tinh giản, tái cơ cấu, nhậm chức
>> Tranh lấy hàng tiêu hủy: Món hàng fake đè bẹp lòng tự trọng


FB Bổn Đình Nguyễn

Qua cái chết của một ông cán bộ cộng sản gạo cội, báo chí VN lại tôn xưng ông là người "tiên phong đổi mới", giống như từng ca ngợi ông này ông kia là "đổi mới", có "tầm nhìn vượt thoát thời đại".

Nếu nghe những từ ngữ vinh danh choáng ngợp kia, chúng ta dễ nhầm tưởng các nhân vật này đã cống hiến cho nhân loại, hoặc ít nhất cũng cho dân Việt những tư tưởng vĩ đại, hoàn toàn chưa có tiền lệ. Nhưng thật ra đó là các "tư tưởng" gì?

Hóa ra nó chẳng có gì hết, ngoài việc những nhân vật này (có một chút can đảm) trả lại cho sự vận hành một số cơ chế trở lại... bình thường, ví dụ như xóa bỏ hình thức cưỡng ép vào hợp tác xã, xóa bỏ cấm chợ ngăn sông, hay cách định giá phi lý. Nói chung là trả lại sự vận hành tự nhiên, đúng qui luật của thị trường!

Chỉ vậy thôi, đã được xem như nhà tiên phong, bởi cái thể chế này luôn muốn đi ngược với qui luật.

Đó là nói về kinh tế, chớ về chính trị, nếu thể chế này có một nhân vật dám làm cho nó trở về bình thường như sự vận hành chung của thế giới dân chủ là đa nguyên, tam quyền phân lập, tự do báo chí... thì có bình thường cách mấy tôi cũng tôn xưng nhân vật đó là anh hùng dân tộc!

http://www.phuocbeo.info/2016/10/nhan-vat-oi-moi-cua-viet-nam-hien-hanh.html





Qua cái chết của một ông cán bộ cộng sản gạo cội, báo chí VN lại tôn xưng ông là người "tiên phong đổi mới", giống như từng ca ngợi ông này ông kia là "đổi mới", có "tầm nhìn vượt thoát thời đại".
Nếu nghe những từ ngữ vinh danh choáng ngợp kia, chúng ta dễ nhầm tưởng các nhân vật này đã cống hiến cho nhân loại, hoặc ít nhất cũng cho dân Việt những tư tưởng vĩ đại, hoàn toàn chưa có tiền lệ. Nhưng thật ra đó là các "tư tưởng" gì?
Hóa ra nó chẳng có gì hết, ngoài việc những nhân vật này (có một chút can đảm) trả lại cho sự vận hành một số cơ chế trở lại... bình thường, ví dụ như xóa bỏ hình thức cưỡng ép vào hợp tác xã, xóa bỏ cấm chợ ngăn sông, hay cách định giá phi lý. Nói chung là trả lại sự vận hành tự nhiên, đúng qui luật của thị trường!
Chỉ vậy thôi, đã được xem như nhà tiên phong, bởi cái thể chế này luôn muốn đi ngược với qui luật.
Đó là nói về kinh tế, chớ về chính trị, nếu thể chế này có một nhân vật dám làm cho nó trở về bình thường như sự vận hành chung của thế giới dân chủ là đa nguyên, tam quyền phân lập, tự do báo chí... thì có bình thường cách mấy tôi cũng tôn xưng nhân vật đó là anh hùng dân tộc!

https://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon/posts/1239119812809001?pnref=story





1.


Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) từ trần












Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ viếng


Ông Nguyễn Văn Chinh đã từ trần hồi 16 giờ ngày 29.10.2016 (tức ngày 29.9 năm Bính Thân) tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi.

Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN; Quốc hội nước CHXHCN VN; Chủ tịch nước CHXHCN VN; Chính phủ nước CHXHCN VN; Ủy ban T.Ư MTTQ VN và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Ông Nguyễn Văn Chính (tên khai sinh Cao Văn Chánh), tên thường gọi là Chín Cần, sinh ngày 1.3.1924, quê quán xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM; ông tham gia cách mạng năm 1945, vào Đảng ngày 15.8.1946; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng các khóa IV, V, VI, VII; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An; Khu ủy viên Khu 8, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang); Bộ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ NN-PTNT); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Tổng thanh tra Chính phủ); Phó trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức T.Ư; Chủ tịch Hội Nông dân VN; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần hồi 16 giờ ngày 29.10.2016 (tức ngày 29.9 năm Bính Thân) tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi.
Lễ tang ông Nguyễn Văn Chính được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp nhà nước. Ban lễ tang gồm 20 người, do ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực, làm trưởng ban.
Linh cữu ông Nguyễn Văn Chính quàn tại Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. Lễ viếng tổ chức từ 16 giờ 30 phút ngày 30.10.2016. Lễ truy điệu hồi 4 giờ 30 phút ngày 2.11.2016. Lễ di quan vào hồi 5 giờ và sau đó lễ an táng vào hồi 6 giờ 20 phút ngày 2.11.2016, tại Nghĩa trang TP.HCM, Q.Thủ Đức.
Chiều 30.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ tới viếng ông Nguyễn Văn Chính.
TTXVN
http://thanhnien.vn/thoi-su/ong-nguyen-van-chinh-chin-can-tu-tran-760364.html






---



Những entry liên quan đã đi trên blog này:









 

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.