Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/02/2016

Săn học bổng sau đại học ở Mĩ (kinh nghiệm Châu Thành Vũ)

Lấy nguyên từ VnEx về.


---


Thứ ba, 16/2/2016 | 11:26 GMT+7



Tuyển sinh tiến sĩ ở Mỹ giống thi Giọng hát Việt


'Sau khi một thí sinh tỏa sáng và được nhiều huấn luyện viên lựa chọn, thí sinh đó sẽ nhận được sự khen ngợi... Ở kỳ tuyển sinh PhD, mọi chuyện cũng xảy ra như thế đối với tôi', Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh Đại học Harvard (Mỹ) chia sẻ.
Tôi rất thích xem Giọng hát Việt (và cả The Voice của Mỹ nữa). Tôi thích chương trình này vì format rất thú vị của nó. Mở đầu với vòng Giấu mặt, mỗi thí sinh phải bước lên sân khấu và hát bài mình chọn, trong khi 4 huấn luyện viên (giám khảo) phải quay mặt lại và không được nhìn vào thí sinh. Khi nghe hát, các huấn luyện viên (HLV) phải quyết định xem có chọn thí sinh đó vào đội của họ không. Nếu được nhiều hơn một huấn luyện viên chọn thì đến lượt thí sinh được quyền chọn huấn luyện viên cho mình, sau khi các huấn luyện viên đấu khẩu và giành giật thí sinh với nhau.
tuyen-sinh-tien-si-o-my-giong-thi-giong-hat-viet
Châu Thanh Vũ (24 tuổi), học bổng toàn phần Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Harvard, Mỹ. 
Tôi thấy format này hấp dẫn vì hai lý do. Thứ nhất, giám khảo không nhìn thấy thí sinh, do vậy cái nhìn không quan trọng mà chỉ có giọng hát là tiêu chí duy nhất. Thứ hai, thực ra chuyện thí sinh có hát hay hay không, không phải là điều quan trọng nhất. Có rất nhiều thí sinh hát hay. Tuy nhiên, cái cần thiết là một giây phút bùng cháy nào đó trên sân khấu tạo đủ sức hấp dẫn để khiến các huấn luyện viên muốn chọn ngay lập tức. Tôi đã thấy nhiều người hát hay đều đều, nhưng không được chọn, trong khi một số hát kém hơn lại được chọn, vì họ có sự đột phá đúng lúc.
Có nhiều điểm chung đến mức đáng sợ giữa cuộc thi The Voice và quá trình tuyển sinh tiến sĩ.
Trong quá trình tuyển sinh, các chương trình PhD (tiến sĩ) phải chọn 30 người từ khoảng 900 đơn mà không hề biết các thí sinh này là ai. Ban tuyển sinh (BTS) chỉ có thể nhìn thấy điểm số và đọc được thư giới thiệu của các giáo sư khác. Không có điều gì đảm bảo là người được chọn sẽ phù hợp với chương trình PhD của trường đó, hay họ có tiếp tục giỏi như thế hay không. Điều này giống như điểm thứ nhất mà tôi nói ở trên. Ngoài ra, đối với các khoa xếp hạng hàng đầu, việc một người có thành tích giỏi đều đều không quan trọng, ngược lại họ thích những người nổi bật, có một điểm lóe sáng ở đâu đó. Điều này giống như điểm thứ hai mà tôi nói ở trên.
Tuy nhiên, còn nhiều điểm tương đồng hơn giữa hai cuộc thi này. Sau khi một thí sinh tỏa sáng và được nhiều HLV lựa chọn, thí sinh đó sẽ nhận được sự khen ngợi, trầm trồ của các vị HLV; nhận được những lời có cánh rằng giọng hát của thí sinh đó thật tốt, rằng họ sẽ đi đến đích cuối cùng của cuộc thi... Một số người thực sự xứng đáng với các lời khen này, phần lớn số khác thì không. Tuy nhiên, khi đứng trên sân khấu và được các nghệ sĩ tài năng khen ngợi, một người non kinh nghiệm rất dễ cả tin vào những lời có cánh kia và tin rằng mình giỏi thật.
Ở kỳ tuyển sinh PhD, mọi chuyện cũng đã xảy ra như thế đối với tôi. Rất nhiều trường, Harvard, MIT, Stanford, Princeton… tất cả trường mà tôi chỉ biết nằm mơ để được vào giờ đây lại không dừng lại ở điều gì để mời tôi đến với chương trình của họ.
Một giáo sư của Harvard, một người mà tôi rất kính trọng, gọi điện cho tôi khi tôi đang đi thăm Stanford để thông báo Harvard sẽ tăng thêm tiền học bổng, sẽ cho tôi tham gia nhóm nghiên cứu cùng, rồi chốt lại bằng câu hỏi: "Tôi phải nói gì nữa thì mới thuyết phục được em chọn Harvard?". Tôi chết lặng ở câu hỏi ấy.
Tất cả những điều này có khiến tôi thấy đặc biệt hay không? Có chứ! Những điều này là một phần thưởng lớn cho nỗ lực của bản thân trong nhiều năm qua của tôi. Nhưng tôi đã có cảm giác là nó hơi quá. Đâu đó ở trong tôi nhận ra rằng tôi đáng giá ít hơn những gì mà họ đang cố gắng trả cho mình và tôi sẽ phải cố gắng hơn để xứng đáng với cái danh dự mà họ đang cho mình.
Tôi muốn gọi giai đoạn này là "giai đoạn tuần trăng mật" cho cả cuộc thi The Voice và kỳ tuyển sinh PhD. Mọi thứ quá suôn sẻ, quá tốt đẹp đến nỗi nó có thể thuyết phục bất cứ ai rằng mọi thứ từ này về sau sẽ cực kỳ đơn giản.
Nhưng mọi thứ không đơn giản như thế. Ví dụ trong cuộc thi Giọng hát Việt, một khi đã vào vòng Đối đầu hoặc đi xa hơn, hầu hết mọi người sẽ lần lượt bị loại, dù trước kia họ có được ca tụng, được khen ngợi bao nhiêu đi chăng nữa. Một số người được khuyên rằng nếu chọn đúng HLV, họ có thể thắng toàn bộ cuộc thi. Rồi họ chọn người HLV ấy, chỉ để bị loại bởi chính người HLV đó ở ngay vòng tiếp theo một cách không thương tiếc.
Điều tương tự cũng đúng cho các chương trình tiến sĩ. Đầu tiên, sau khi được nhận và trước khi vào học, bạn sẽ được ca tụng như một thần đồng. Thế rồi, ngay sau khi chọn một trường nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng có 25 người nữa cũng đặc biệt và thiên tài như kiểu mà các giáo sư đã ca ngợi bạn. Cứ mỗi khoa có khoảng 25 người, tính riêng nội 10 trường top đã đào tạo chừng 250 tiến sĩ kinh tế mỗi năm. Cuối cùng, chỉ khoảng 10% xuất sắc nhất trong số này sẽ có một sự nghiệp thành công. Như vậy, ở các chương trình tiến sĩ, sau 5 năm, sự loại và đào thải cũng khắc nghiệt như một cuộc thi hát như The Voice vậy. Chỉ những ai có cả tài năng, sự nỗ lực, bền bỉ, và may mắn mới thành công đường dài.
Tất nhiên, còn có một điểm chung giữa hai cuộc thi nữa là "bạn không nhất thiết phải đứng ở vị trí đầu tiên để thành công". Thực ra ngay cả ở The Voice, những người thắng trận chung kết chưa chắc đã thành công và có sự nghiệp tốt hơn những người bị loại trước. Theo quan điểm của tôi, thành công hay không đòi hỏi một người phải biết đi qua "giai đoạn tuần trăng mật", tự thức tỉnh bản thân càng sớm càng tốt; phải có một mục đích phấn đấu cụ thể, và phải làm việc cật lực để đạt được mục đích đó.
Con đường phía trước khá đáng sợ, nhưng nghĩ lại thì việc được ở một trường tốt là một khởi đầu khá thuận lợi. Bây giờ, tôi chỉ cần tập trung vào công việc của mình thay vì sự tự hào, danh dự, hay sự nổi tiếng là được.
Châu Thanh Vũ
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Kinh tế, Đại học Harvard
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/du-hoc/tuyen-sinh-tien-si-o-my-giong-thi-giong-hat-viet-3355889.html








Thứ bảy, 11/4/2015 | 16:30 GMT+7


Nam sinh Việt giành học bổng tiến sĩ 5 năm của đại học Harvard


Vượt qua hàng trăm đối thủ, Châu Thanh Vũ trở thành một trong số ít người giành được học bổng tiến sĩ kinh tế toàn phần tại đại học Harvard, Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong bảng thành tích đồ sộ của chàng trai quê Ninh Thuận.
vu3.jpg
Châu Thanh Vũ tại quê nhà Ninh Thuận. 
Học bổng mà Châu Thanh Vũ nhận được từ trường Harvard trị giá 79.000 USD/năm, bao gồm học phí, ăn ở, y tế và tiêu vặt.
Tuy nhiên, ngôi trường mơ ước của bao người này vẫn chưa phải là lựa chọn cuối cùng của Vũ, bởi ngoài Harvard, anh chàng còn nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần tại 7 trường được xếp hạng cao nhất về môn kinh tế của Mỹ, gồm Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Princeton, ĐH Stanford, ĐH Chicago, ĐH Yale, ĐH Columbia và ĐH Minnesota.
Trong đó, MIT được đánh giá là trường có khoa kinh tế tốt nhất của Mỹ và thế giới. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều nhà kinh tế nổi tiếng, trong đó có Ben Bernanke, cựu thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Mario Draghi, thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, và nhiều nhà kinh tế đoạt giải Nobel.
Từ tin học đến kinh tế
Nhận được nhiều học bổng lớn về ngành kinh tế, ít ai ngờ được niềm đam mê từ bé của nam sinh 22 tuổi này lại là công nghệ thông tin. 
Vũ sinh ra và lớn lên ở thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, Vũ khăn gói lên TP.HCM học chuyên Tin tại trường Phổ Thông Năng Khiếu để theo đuổi ước mơ từ bé là trở thành kỹ sư phần mềm ở thung lũng Silicon của Mỹ.
Năm lớp 11, một bước ngoặt mở ra khi chàng trai này được tổ chức United World College (UWC) (tạm dịch là Trường Liên kết Thế Giới) của Việt Nam trao học bổng toàn phần để theo học hai năm cuối phổ thông ở Mỹ. Đây là một ngôi trường rất đặc biệt, chỉ có tất cả 200 học sinh nhưng đến từ hơn 80 quốc gia. Chủ tịch danh dự của UWC là cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, và chủ tịch đương nhiệm là nữ hoàng Jordan.
Hai năm ở UWC đã thay đổi nhận thức của Vũ mạnh mẽ và giúp chàng trai này khám phá ra mục đích mới của mình: trở thành một nhà Kinh tế học để thay đổi cuộc sống của mọi người. Từ chỉ học cho mình, cho gia đình, Vũ quyết tâm học cho cả xã hội và những người xung quanh. 
"Trở thành một nhà kinh tế vĩ mô có thể dễ dàng thay đổi trực tiếp cuộc sống của nhiều người", Vũ nói. "Không thể phủ nhận thay đổi lớn lao và tích cực mà những công ty như Facebook hay Google mang đến cho hàng tỷ người trên Trái đất, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ những người trong xã hội, khái niệm thay đổi đối với họ không thể bắt đầu bằng một chiếc điện thoại cầm tay đời mới mà là một chính sách hỗ trợ lao động, chính sách giá, chính sách thuế đúng đắn". 
Ảnh chụp cùng với các bạn sinh viên Princeton, giáo sư của ĐH Princeton và ĐH Tokyo, cùng với người dân của một ngôi làng bị tàn phá bởi động đất/sóng thần năm 2011. Đây là chuyến đi kéo dài 6 tuần của ĐH Princeton vào mùa hè 2012 để tụi mình học về kinh tế/chính trị Nhật và cách Nhật đối phó với thảm họa. Tụi mình dành ra 1 tuần để đi biểu diễn văn nghệ, hát hò, hỏi thăm, động viên những nạn nhân sóng thần. Trong tấm ảnh này, tụi mình vừa trồng hoa vào một khu vườn cộng đồng của ngôi làng này để cải tạo cảnh quan
Vũ cùng các sinh viên, giáo sư của ĐH Princeton, ĐH Tokyo, và người dân của một ngôi làng bị tàn phá bởi thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Chuyến đi kéo dài 6 tuần của ĐH Princeton vào mùa hè năm 2012 để học về kinh tế-chính trị Nhật và cách nước này đối phó với thảm họa. 
Tự tin với mục đích đầy ý nghĩa này, Vũ bỏ qua học bổng đại học toàn phần của gần chục trường ở Mỹ, Đức và Canada, để rẽ sang con đường khác. Trên con đường đó, Vũ luôn có sự động viên và chia sẻ của gia đình. 
"Từ nhỏ đến lớn, bố mẹ chưa bao giờ ép mình theo nghề nghiệp nào hay đặt nặng chuyện điểm số, mà chỉ góp ý, định hướng", Vũ kể. "Khi mình quyết định chuyển sang theo đuổi ngành kinh tế, bố mình đã dành một buổi tối để phân tích những điều bất cập và khó khăn khi đổi sang học một ngành mới mà mình không có tí kinh nghiệm nào, nhưng sau đó bố vẫn tin tưởng vào quyết định này.”
4 năm qua, Vũ chưa một lần hối tiếc khi theo học ở ĐH Princeton, một trong những trường có khoa kinh tế tốt nhất của Mỹ.
Săn học bổng tiến sĩ
Để theo đuổi ước mơ trở thành nhà kinh tế học, Vũ đã bắt đầu quá trình chuẩn bị để săn học bổng tiến sĩ từ năm thứ 2 ở Princeton. 
Khi còn là sinh viên, Vũ đã theo học một số lớp kinh tế dành cho nghiên cứu sinh năm 1 và 2 của trường. Với thành tích học tập tốt, anh chàng cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình của nhiều giáo sư đầu ngành từ cách làm nghiên cứu, gợi ý chủ đề đến nên học môn nào hay nộp đơn vào trường nào.
Tiêu chí lựa chọn để cấp học bổng tiến sĩ của trường Harvard bao gồm 3 lá thư giới thiệu của 3 giáo sư từng dạy hoặc làm việc, điểm trung bình đại học, độ khó của các môn toán và kinh tế đã học, bài nghiên cứu mẫu và một số tiêu chí khác. Trong đó, thư giới thiệu của các giáo sư có vai trò quan trọng vì đó là những người nắm rõ tiềm năng của sinh viên. 
"Mình may mắn được 3 giáo sư kinh tế rất nổi tiếng của Mỹ viết thư giới thiệu", Vũ chia sẻ. 
Vũ nộp đơn xin học bổng tiến sĩ ở Harvard vào đầu tháng 12 năm ngoái và hai tháng sau có kết quả trúng tuyển. Mỗi năm Harvard nhận được 700-800 đơn xin theo học tiến sĩ ngành kinh tế và chỉ tiếp nhận khoảng 30-35 người để đảm bảo mỗi nghiên cứu sinh sẽ được hướng dẫn và làm việc trực tiếp với một giáo sư. Năm nay, Vũ lọt vào danh sách 33 người được chọn. 
"Sau khi lấy bằng tiến sĩ, mình muốn kết hợp giữa việc làm giáo sư với tư vấn chính sách cho một tổ chức công như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, hay chính phủ Việt Nam", Vũ cho biết. "Mình dự định trở về Việt Nam sớm nhất có thể, vì mục tiêu của mình khi theo học môn kinh tế là để hiểu rõ hơn và góp phần giúp kinh tế Việt Nam ổn định". 
'Không nên du học bằng mọi giá'
Là người đã có kinh nghiệm 6 năm du học và sẽ học thêm 5 năm nữa, Vũ cho rằng các bạn trẻ nên suy nghĩ kĩ mình du học để làm gì, chứ không nên có tư tưởng là phải du học bằng mọi giá.
Du học đem lại rất nhiều lợi ích như cơ hội tiếp cận với môi trường học tập mới, tư duy mới, phương pháp học hiện đại..., nhưng du học hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc vào việc học ở trường nào, cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp ra sao, chi phí bao nhiêu… 
"Bố thường dặn rằng nếu mình chăm học thì học ở đâu cũng tốt. Ngược lại, nếu mình lười biếng thì học ở đâu cũng không có ý nghĩa gì", Vũ nói. "Mình tin rằng nếu các bạn sẵn sàng học hết sức thì chắc chắn việc du học sẽ mang lại lợi ích rất lớn".
Vũ và các thực tập viên của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) ở thành phố Pisa, Italy, năm 2012.
Vũ và các thực tập viên của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) ở thành phố Pisa, Italy, năm 2012. 
Từ một học sinh tỉnh lẻ lên TP.HCM rồi sớm đi du học ở một trường phổ thông với học sinh đến từ hơn 80 nước khác nhau, Vũ từng trải qua một giai đoạn "sốc văn hóa".
"Có lần mẹ mình hỏi tại sao khi chụp hình, các bạn châu Phi lại ôm eo mình thân mật như thế, mình kể cho mẹ rằng có nhiều bạn nữ châu Âu chào buổi sáng con bằng một nụ hôn trên má nữa cơ", Vũ vui vẻ nhớ lại. Cách giúp Vũ vượt qua cú "sốc văn hóa" nhanh chóng mà vẫn giữ những quan điểm truyền thống của bản thân là học cách tiếp nhận các nền văn hóa đó.
Ngoài những lúc bận rộn với việc học tập và nghiên cứu, chàng trai có đôi mắt cười này vẫn sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa và xã hội. Vũ từng là tình nguyện viên cho tổ chức UNICEF, thành viên tổ chức Big Brothers Big Sisters của Mỹ và sáng lập ra một tổ chức để cải thiện việc dạy toán cho học sinh tiểu học ở thành phố Las Vegas. 
Vũ còn thể hiện sự đa tài khi tham gia từ các môn thể thao như cầu lồng, yoga, đến hát trong dàn hợp xướng và nhóm acapella của trường, học guitar cổ điển và tập sáng tác nhạc mỗi khi có thời gian. 
"Mình nghĩ điều quan trọng nhất đối với bất cứ ai là nhận ra rằng mình đam mê điều gì và theo đuổi niềm đam mê đó, dù mọi người có nói gì đi nữa", Vũ nói. 
Bảng thành tích của Châu Thanh Vũ:
- Học bổng Lawrence S.Ting cho học sinh xuất sắc năm 2008, 2009.
- HCB Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 10, HCV Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 11. Giải Nhì HSG Tin học TP.HCM năm 2009.
- Giải Nhì HSG Tin học Quốc gia năm 2009.
- Học bổng toàn phần tại trường Liên kết Thế giới UWC tại New Mexico, Mỹ trong hai năm 2009-2011.
- Học bổng toàn phần tại 7 trường ĐH của Mỹ, một ở Đức và một ở Canada.
- Học bổng toàn phần của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Các khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về kinh tế - chính trị tại Nhật Bản năm 2012.
- Học bổng toàn phần để thực tập tại Khoa Thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) năm 2013.
- Học bổng toàn phần để tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu, nhóm nghiên cứu được thành lập bởi các giáo sư ở Princeton, cũng như thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập hè 2014.
- Làm việc ở khoa nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi tại thủ đô Pretoria năm 2014.
- Danh hiệu sinh viên năm 3 xuất sắc nhất khoa kinh tế của ĐH Princeton.
- Học bổng toàn phần tiến sĩ kinh tế tại 8 trường của Mỹ.
Anh Ngọc

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/nam-sinh-viet-gianh-hoc-bong-tien-si-5-nam-cua-dai-hoc-harvard-3181417.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.