Bài của Dương Văn Hoàn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
---
Cập nhật lúc 22h39, ngày 23/02/2015
DƯƠNG VĂN HOÀN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Chùa Láng là một trong những ngôi danh lam cổ tự, đệ nhất tùng lâm của nước ta. Chùa có một quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng trên một khuôn viên thoáng rộng và đẹp đẽ, giữa những lùm cây cổ thụ bốn mùa rợp bóng trên phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiên tự. Ý nghĩa của tên chùa đã được giải thích rõ trong tấm bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc soạn và dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) rằng: "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền".
Tương truyền chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo thần tích, Từ Đạo Hạnh tên thật là Từ Lộ con của Thiền sư Từ Vinh làm đến chức Tăng quan Đô sát triều Lý và mẹ là Tăng Thị Loan ở hương Yên Lãng (tức làng Láng). Bẩm sinh Đạo Hạnh đã có tiên phong đạo cốt. Thủa nhỏ, sư ham chơi bời, tính tình hào hiệp phóng túng, có chí lớn, hành động cử chỉ người đời không thể lường được. Nhà sư đêm thì miệt mài đọc sách, còn ban ngày thì đá cầu thổi sáo, gá bạc làm vui, song nhà sư là người học giỏi, đi thi đỗ đầu khoa Bạch Liên nhưng không ra làm quan. Vì cha ông là Từ Vinh có hiềm khích với Diên Thành hầu, bị Diên Thành hầu nhờ pháp sư Đại Điên giết chết rồi quăng xác xuống sông Tô Lịch(1). Vì thế Từ Đạo Hạnh tìm đường sang Tây Trúc học đạo và tìm cách trả thù cho cha. Sau khi đắc đạo, và trả thù cho cha xong, Từ Đạo Hạnh đến tu hành ở chùa Thiên Phúc núi Phật Tích (tức chùa Thày trên núi Sài Sơn). Bấy giờ vua Lý Nhân Tông không có con trai bèn xuống chiếu tìm con cháu tôn thất để nối ngôi. Em vua Lý Nhân Tông là Sùng Hiền hầu gặp Từ Đạo Hạnh nói chuyện cầu tự và Thiền sư hứa sẽ giúp đỡ vợ chồng Sùng Hiền hầu, bằng cách như thần tích mô tả là “Khi đó phu nhân đang tắm gội ở nhà sau, bỗng thấy bóng Đạo Hạnh bay vụt qua rồi hiện hình trong chậu nước. Phu nhân sợ hãi đến nói với hầu. Hầu thừa rõ ý của Đạo Hạnh, nói khẽ với phu nhân rằng: “Bóng hiện trong thau nước tức là chân nhân đã nhập vào trong thai cung rồi, cẩn thận chớ có nghi ngờ sợ hãi”. Phu nhân trong lòng cảm thấy mình có mang”. Khi phu nhân của Sùng Hiền hầu sắp sinh thì Từ Đạo Hạnh tắm rửa và vào hang núi hóa thân (hang Thánh Hóa - Cắc Cớ). Sau đó vợ Sùng Hiền hầu sinh con trai đặt tên là Dương Hoán và được lập làm hoàng thái từ nối ngôi hoàng đế tức là Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 đến 1138), kiếp sau của Từ Đạo Hạnh. Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của Người là Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần, những lần quan trọng nhất là vào các đợt năm 1656, 1901 và 1986, 1995 và 2010 trùng tu tôn tạo lớn trong dịp đón chào Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội.
Cổng chùa bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, hơi giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa. Qua cổng là một sân gạch Bát Tràng, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan. Từ đây có con đường lát gạch dẫn đến cổng thứ ba. Qua cổng này ở giữa có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng Từ Đạo Hạnh. Qua nhà bát giác này mới đến các công trình chính trong chùa: bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng... Động thập điện Diêm Vương ở hai dãy hành lang khá đẹp, miêu tả những hình phạt ở các tầng địa ngục.
Ngoài các tượng Phật ở thượng điện, trong hậu cung còn có tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh và tượng vua Lý Thần Tông. Tượng Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn còn tượng Lý Thần Tông làm bằng gỗ mít. Dưới mái hành lang còn có hai dãy thập điện và 18 vị La Hán cùng nhiều tượng thờ có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trải dài từ đời Lê đến triều Nguyễn được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo tác rất sinh động mang tính nghệ thuật cao.
Chùa còn lưu giữ được 30 hoành phi, 31 câu đối, 2 quả chuông, 1 khánh lớn, 15 bia đá, 12 đạo sắc phong từ Lê Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đến Khải Định thứ 9 (1924).
Chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 313 – VH/VP ngày 28 tháng 4 năm 1962.
Hội chùa Láng được cử hành vào ngày mồng 7 tháng 3 Âm lịch, tương truyền là ngày hóa của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, cứ 15 năm mới mở hội lớn một lần và trở thành một hội lớn của cả vùng với sự tham gia của nhiều làng xung quanh. Việc chọn lựa và huấn luyện các đô tùy và những người tham dự vào cuộc rước chuẩn bị cho mỗi lần lễ hội khá công phu. Trong ngày hội, kiệu của Từ Đạo Hạnh được được 18 đô tùy rước đến cổng Cót, rồi sang chùa Hoa Lăng ở xã Dịch Vọng, nơi thờ bố mẹ ông.
Chùa Thầy ở Sơn Tây cũng thuộc hệ thống chùa thờ Từ Đạo Hạnh nên dân gian có câu rằng:
Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.
Hệ thống hoành phi câu đối ở chùa Láng rất đa dạng và có nhiều giá trị. Không chỉ với nét bút tài hoa, chạm khắc tinh tế mang tính thẩm mỹ cao mà nó còn chứa đựng những nội dung sâu sắc, uẩn áo, súc tích, cô đọng, cùng với các di văn khác đã góp phần làm nên linh hồn của di tích. Đặc biệt ở đây có đôi câu đối khảm sành trên cột đồng trụ ngoài cổng nghi môn mỗi vế dài đến 22 chữ đã cho thấy sự điêu luyện, tài hoa của người soạn.
Trong bài viết Chùa Láng và những bức hoành phi câu đối (Tạp chí Hán Nôm, số 6, 2005) tác giả Thế Anh đã giới thiệu nội dung 42 bức hoành phi câu đối tiêu biểu ở chùa Láng (trong đó có 28 bức hoành phi và 14 đôi câu đối).
Song từ trước đấy rất lâu, năm Tự Đức thứ 22 [1869] đã có người sao chép, ghi lại hoành phi câu đối của ngôi chùa nổi tiếng này. Vì cùng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nên các Hương dịch ở thôn Bình Lương xã Đình Loan huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh(2) đã lên chùa này (bấy giờ thuộc trại Yên Lãng) sao chép các hoành phi câu đối (hoành biển, đối liên) đưa về phụng sự tại chùa Ông(3) ở làng mình. Nội dung các bức hoành phi câu đối này được ghi lại trong bản Thần tích thôn Bình Lương xã Đình Loan, tổng Nghĩa Trai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chép trong Hưng Yên tỉnh Văn Lâm huyện Nghĩa Trai tổng các xã thôn thần tích, ký hiệu AEa3/13, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Có thể nói đây là tài liệu quý, giúp chúng ta biết được cho đến thời điểm bấy giờ (1869) ngôi chùa đã có 39 bức hoành phi câu đối (13 bức hoành phi và 28 đôi câu đối) với những nội dung phong phú. Từ đó, nếu đem đối chiếu với các bức hoành phi câu đối hiện có ở chùa, chúng ta có thể đưa ra những nét phác họa về lịch sử cũng như quá trình xuất nhập của các bức hoành phi câu đối chùa Láng, khi chúng được người dân tạo tác và cung tiến. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ nội dung của các bức hoành phi câu đối này để quý bạn đọc được biết:
a. Hoành biển:
1. Chiêu Thiền tự (Chùa Chiêu Thiền); 2. Hiển đế hóa thần (Khi hiển thì làm vua, khi hóa thì làm thần(4)); 3. Lý triều thánh đế (Vua thánh triều Lý); 4. Thiền thiên khải thánh ( Trời thiền sinh thánh); 5. Tuệ nhật (Ánh tuệ - Mặt trời trí tuệ(5)); 6. Từ vân (Mây lành(6)); 7. Vô dữ đẳng (Không gì sánh kịp); 8. Thất tịnh hoa (Hoa thất tịnh(30)); 9. Bát giải thủy(Nước bát giải(7)); 10. Khai kim thế giới (Thế giới mở hoàng kim); 11. Xuất ngọc lâu đài (Chốn lâu đài sinh ngọc); 12. Hậu thời lâu (Lầu đếm thời gian); 13. Trữ nguyệt đình (Đình chứa trăng).
b. Câu đối:
1. Không không sắc sắc viên tuệ quả ư bát bình, Yên Lãng tự di dung, vạn kỷ linh thanh, chiêm giả kính,
Hóa hóa sinh sinh thoát nạp y nhi cổn miện, Phật Tích sơn cổ động, thiên thu truyền ký, ngưỡng di cao.
Không không sắc sắc(8), viên thành quả tuệ(9) ở bát bình(10), chùa Yên Lãng di tích nơi đây, tiếng thiêng muôn đời, khách ngưỡng chiêm tỏ lòng kính cẩn,
Hóa hóa sinh sinh, cởi áo cà sa dùng cổn miện(11), núi Phật Tích động xưa vẫn đó, lưu truyền ngàn thủa, người xem ngắm phải phục càng cao(12).
2. Thiền gia nhi Nam quốc đế vương ư hồ bất hiển,
Thiệm ngoại diệc Tây thiên thế giới ngung nhược hữu phu.
Nhà sư mà lại là đế vương Nam quốc lẽ màu vi diệu
Cõi ngoài cũng là thế giới Tây thiên to lớn rõ ràng.
3. Bát diệp cơ đồ không hạo kiếp,
Nhất am tùng trúc độc thiên thu.
Cơ nghiệp tám đời(13) còn hoạn lớn,
Một am tùng trúc vẫn ngàn thu.
4. Danh sơn hình thuế hóa cơ huyền siêu phàm nhập thánh,
Cố lý đài cơ linh tích tại lịch cổ nhi kim.
Hình xác chốn danh sơn, cơ hóa huyền vi siêu phàm nhập thánh,
Nền đài nơi cố lý(14), tích thiêng còn đấy hết xưa lại nay.
5. Phạn vương nhi quốc vương đống vũ phỉ kim y tích,
Phụ thánh nhi tử thánh thanh danh diệu hậu quang tiền(15).
Làm phật lại làm vua, lầu điện có phải mới đâu, mà là cũ đấy,
Cha thánh rồi con thánh, tiếng tăm rạng rỡ đời trước, vẻ vang đời sau.
6. Tam miểu bản không hư, sắc tướng chỉ duy khai tục nhãn,
Lục như phi thực hữu, hinh hương liêu dĩ giác trần tâm.
Tam miểu(16) vốn hư không, sắc tướng chỉ thêm mờ mắt tục,
Lục như(17) nào thực hữu, hương thơm còn để giác lòng trần.
7. Đống vũ nguy nguy hiển ứng trường chiêu thần diệu thuật,
Môn quynh đãng đãng ngưỡng chiêm như kiến Phật chân tâm.
Cột mái nguy nga, phép diệu thần thông soi tỏ mãi
Cửa chùa lồng lộng, chân tâm đức Phật hiện nơi này.
8. Khoái lạc hương thôn quân hưởng hà linh chi khánh trạch,
Ưu du thương mại cửu hàm thánh vực chi tân nhai.
Làng xóm mừng vui, ơn phúc tuổi cao đều thụ hưởng,
Bán buôn thuận lợi, bến bờ nhà thánh mãi nương nhờ.
9. Nghĩa đại tiêm cừu, Tô Lịch trường lưu thiên thủy bích,
Cơ thần diệu hóa, Sài nham di tích thạch đài hương.
Nghĩa lớn giết thù, Tô Lịch sông trời xanh vẻ nước,
Cơ thần màu nhiệm, Sài Sơn dấu đá ngát hương rêu.
10. Hoạt phật(18) đan tiên(19), thạch ấn kim thân quang hải nhật(20),
Hóa thần hiển đế, đồng nghi(21) ngọc tướng tự vương xuân.
Tiên, phật nhiệm màu, ấn đá tượng vàng soi hải nhật,
Thần, vua hiển hách, đồ đồng mình ngọc nối trời xuân.
11. Phúc nhạc linh đan sắc sắc không không tiên tức phật,
Thiền môn diệu pháp sinh sinh hóa hóa thánh nhi vương.
Linh đan núi phúc, không không sắc sắc tiên là phật,
Diệu pháp cửa Thiền, hóa hóa sinh sinh thánh lại vương.
12. Ức niên cơ Từ thị tông banh phụ thánh hữu tử thánh,
Bát diệp diễn Lý triều tộ dận cổ sư tác kim sư.
Dòng giống họ Từ vững nền vạn thủa, cha thánh sinh con thánh,
Vận mệnh nhà Lý được phúc tám đời, thày xưa lại thày nay
13. Giác ngạn đăng hữu tam, quán trần thế thị tiên thị phật,
Thiền uyển lục vô nhị, siêu nhân hoàn nhi đế nhi vương.
Lên giác ngạn(22) có ba, khắp trần thế là tiên là phật,
Ghi vườn thiền chỉ một, vượt cõi người làm đế làm vương.
14.Tây phương hoạt phật, đan thanh ngọc điện ngiêm tạp tam thiên đế,
Sài động thần cơ, diệu ứng liên hoa hiển thập bát thánh vương.
Hoạt Phật Tây phương, điện ngọc huy hoàng ba mươi ba vị Thiên Đế uy nghiêm,
Thần cơ Sài động, bông sen linh diệu mười tám vị Thánh Vương hiển ứng.
15. Đế cư Nam quốc sơn hà, thập bát tử phân phương thùy phất thế,
Phật tổ Tây thiên đạo giáo, ức vạn niên chiêm ngưỡng vĩnh vô cùng.
Vua ở sông núi nước Nam, họ Lý ngát hương nghi ngút mãi không thôi,
Phật nguồn đạo giáo trời Tây, muôn vạn năm chiêm ngưỡng đến vô cùng.
16. Thần hóa biểu thiên thu, linh tích trường lưu sơn thạch cổ,
Tôn cư lâm ngũ vị, thiền cơ tham ngộ Phạm lâm gian.
Thần hóa tỏ ngàn thu, tích thiêng mãi còn in dấu trên núi đá cổ,
Ngôi cao vào ngũ vị(23), thiền cơ tham ngộ chốn Phạm lâm(24).
17. Sài sơn uyển trịch thạch ngấn, tiên thiên địa hóa sinh chi lý,
Tô thủy nghịch lưu trượng tích, đoạt quỷ thần huyền diệu chi cơ.
Dấu đá trút xác hang núi Thày, trước cả lẽ hóa sinh của trời đất,
Vết gậy trôi ngược dòng sông Tô, ăn đứt cơ huyền diệu của quỷ thần.
18. Nhi Phật giáo nhi tiên tông, Trúc quốc đồng thư minh bảo quyết,
Vi thế vương vi thiên chủ, Sài sơn thạch tích ấn kim thân.
Nào đạo Phật, nào phép tiên, sách đồng Thiên Trúc khắc ghi bảo quyết,
Làm vua người, làm chúa trời, dấu đá núi Thày in rõ kim thân.
19.Thánh bất khả tri, tự nhĩ nham yêu lưu thạch ấn,
Tôn vô dữ đối, nguy nhiên tử tọa trấn kim thân.
Thánh thiêng không thể biết, lưng núi cheo leo lưu dấu đá,
Ngôi cao nào sánh nổi, tòa tía nguy nga ánh sen vàng.
20. Kim Xỉ thụ kinh thần pháp diệu,
Ngọc Câu di tích hiển danh truyền.
Học kinh xứ Kim Xỉ pháp diệu thần kỳ,
Di tích đất Ngọc Câu tiếng truyền hiển hách.
21. Tâm trai ngịch luyện Tô giang trượng,
Hiếu đức chung thành Lý điện liên.
Lòng thành luyện phép đưa gậy ngược dòng sông Tô Lịch
Đức hiếu hun đúc nên đóa sen trong cung điện Lý triều.
22. Nùng sơn cố quốc lưu thần hóa,
Tô ngạn sùng từ nghiêm đế tôn.
Chốn cũ núi Nùng biến hóa thần thông
Đền cao sông Tô uy nghiêm ngôi đế.
23. Hương sinh quế điện y quan tập,
Xuân mãn quỳnh diên lễ nhạc hoàn.
Hương bay điện quế, mũ áo dập dìu,
Xuân khắp chiếu quỳnh, lễ nhạc du dương.
24. Sài Lĩnh hưởng truyền kim cổ độc,
Tô Giang phái dẫn thủy thiên trường
Tiếng vọng núi Thầy, xưa nay có một
Nước xuôi sông Tô, chảy mãi không cùng.
25. Thiên gia dĩ lôi chấn nhi cổ quần động,
Quân tử thính thạch thanh tắc tư tướng thần.
Nhà trời coi sấm sét(25) như trống khích lệ muôn loài
Quân tử nghe tiếng đá(26) thì muốn thành võ tướng(27).
26. Viện ngoại thanh phong hinh đạo vị,
Môn tiền minh nguyệt diệu thiền đăng.
Ngoài sân gió mát thơm mùi đạo,
Trước cửa trăng trong tỏ đèn thiền.
27. Bát diệp lâu đài xuân hữu mộng,
La thành cổ giác dạ vô thanh.
Lầu đài nhà Lý xuân có mộng,
Trống mõ Đại La bặt tiếng đêm(28).
28. Tô thủy giang đầu lưu nghịch trượng,
Nùng sơn thành ngoại tiết di âm.
Góc sông Tô Lịch gậy trôi ngược dòng,
Ngoài thành núi Nùng vang mãi âm thanh.
Ngoài ra, cũng theo tài liệu trên, các hương dịch còn chép được 6 bức hoành phi câu đối ở lăng Khải Thánh làng Nhân Mục thờ Từ Vinh cha của Từ Đạo Hạnh, nhân đây chúng tôi cũng xin được giới thiệu thêm. Các bức đó là:
Hoành biển:
1. Thông huyền hiển thánh (Vị thánh hiển hách thông hiểu lẽ màu)
2. Đế tỉnh kỳ sơn (Vua thăm núi này)
3. Lưu đồng thượng hạ (Mênh mang khắp trên dưới)
Câu đối:
1. Phương tung truyền Lý sử,
Linh tích hưởng Nhân hương.
Dấu thơm ghi truyền trong sử nhà Lý,
Tích thiêng vang vọng đất làng Nhân Mục.
2. Khai ngọc diệp ư Sài nham, Nhân lý biệt tiêu hoa thạch trụ,
Giáng kim thân vu Long Đỗ, cựu khê uất khởi thụy văn lan.
Sinh lá ngọc ở núi Thày, riêng Nhân Mục sừng sững cột đá chạm hoa,
Giáng kim thân nơi Long Đỗ(29), khắp khe xưa dậy sóng văn vận tươi tốt.
3. Nhạc kì khả tri, trúc vũ tùng sênh tương cổ đãng,
Đạo bất ngoại thị, xuyên ngư vân điểu cạnh du dương.
Nhạc có thể hiểu, trúc múa thông reo cùng réo rắt,
Đạo chẳng ở ngoài, cá nước chim trời đua múa lượn.
Chú thích:
(1). Trong bản thần tích này phần Từ Đại thánh linh tích dẫn nguyên toàn biên có cho biết nguyên do Từ Vinh bị nhà sư Đại Điên giết chết như sau: “Từ Vinh thủa nhỏ đi học, có chí khoa danh. Đến khi tuổi đã lớn mà nghiệp lớn không thành, bèn vứt bỏ Nho khoa, hướng theo Thiền giáo, tu trì ngày đêm, đã thành chính quả; đạo tam thừa, lục trí không gì không tinh thông, có được rất nhiều phép độn tích tàng hình xuất thần nhập thánh. Ông xuất gia ở chùa Yên Lãng phía tây kinh thành Thăng Long. Sau thi đỗ thứ hai khoa thiền Bạch Liên, và được sắc phong làm Đại giác Hòa thượng Thiền sư, Tăng quan Đô sát, thềm rồng bệ ngọc ra vào không cấm. Nhưng sắc tướng còn mắc, lòng trần chưa thôi. Nhân ra vào cung cấm, thấy các cung phi hầu hạ có vẻ xinh tươi kiều diễm, lộng lẫy đẹp tươi, dục tình trỗi dậy không thể kìm được, bèn làm phép diệu tàng hình, đêm đêm lén vào trong cung tư thông với cung nhân. Ngày thì ở chùa trì tụng, đêm lại lẻn vào cung vui thú…. Bấy giờ, chùa Cảnh Linh có một vị cao tăng họ Lê tên Đại Điên, pháp hiệu là Diệu Pháp Thiền sư rất mực tu theo chính đạo, học thấu suốt cả trời người…. Đến khi mặt trời khuất bóng, cũng vừa là lúc Từ Vinh quen mui thói cũ, lẻn vào trong cung gian díu bỡn cợt. Cung nhân giả làm ân ái, âm thầm lấy tơ ngũ sắc buộc vào lưng Từ Vinh rồi lớn tiếng hô hoán. Bên ngoài Đại Điên làm phép kết giới, Vinh không thể thoát ra, suy đi nghĩ lại cũng không có kế gì [thoát thân], tức thì toàn thân lắc lắc biến thành một con rết trắng chui thụt vào trong khe cột. Bấy giờ trong cung đèn đuốc sáng trưng tựa như ban ngày, còn bên ngoài binh lính lùng khắp, mãi mà không bắt được. Bỗng dưng thấy trên kẽ cột có dải lụa màu thò rủ ra ngoài, Đại Điên biết là Vinh dùng phép thuật ẩn vào trong khe cột, lập tức dùng tay ấn quyết làm phép lôi ra được một con rết trắng rất to, và dùng Thứu trượng[1] đánh vào, chân thân hiện ra thì chính là xác nhục Từ Vinh. Điên liền ra lệnh quăng xác Vinh xuống sông Tô Lịch để tỏ rõ tội tăng đồ mà phạm giới quy. Sau khi Đại Điên đã bắt được và đánh chết Từ Vinh, trở về tâu vua. Nhà vua cả mừng sai lấy vàng lụa trọng thưởng cho Đại Điên. Điên cố chối từ không nhận”.
(2). Nay là thôn Bình Lương, xã Tân Quang huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên.
(3). Chùa Ông có tên chữ là Bản Tịch tự.
(4). Cũng có thể hiểu câu này là “[Ngài là vị] vua hiển hách, [lại là vị] thần biến hóa”.
(5). Trí tuệ Phật có thể chiếu sáng những chỗ tăm tối ở thế gian. Bởi vậy trí tuệ đó như mặt trời.
(6). Lòng từ bi quảng đại của đức Phật như đám mây lành che chở cho chúng sinh.
(7). Tức “bát công đức thủy”, nước có tám công đức. Tám công đức đó là: Trừng tịnh: nước lắng sạch; Thanh lãnh: nước trong mát; Cam mỹ: nước ngon ngọt; Khinh nhuyễn: nước uống vào nhẹ nhàng; Nhuận trạch: nước uống nhuận trơn; An hòa: nước uống rồi vui vẻ hòa nhã; Trừ cơ cẩn: nước uống rồi trừ đói khát, bệnh hoạn; Trưởng dưỡng: nước uống vào thân thể tinh thần, khoan khái định lực tăng trưởng. Bát công đức thủy cũng gọi là Bát công đức trì (ao nước có tám công đức), Bát vị thủy (nước có tám vị). Nước bát giải: tu theo phép quán bát bội xả: 1. Nội hữu sắc tướng ngoại quân sắc: vì muốn diệt trừ lòng tham đắm, người tu hành trước phải quán thân mình là vật nhơ nhớp, nhưng vì còn lòng tham đối với thân người nên cũng phải quán cái thân người khác cũng như thế; 2. Nội vô sắc hướng ngoại quán sắc: mới diệt được sắc tướng trong thân, nhưng lòng tham dục đối với người ở cõi dục khó đoạn hết; 3. Tịnh bội xả thân tác chúng: đến đây không còn tham trước tướng bất tịnh ở ngoài, chỉ ở trong cảnh định luyện tập tâm sắc quang minh trong suốt (tịnh bội xả). Tâm đã sáng suốt thì vui càng tăng trưởng đầy khắp trong thân (thân bội xả); 4. Hư không xứ bội xả: người tu hành diệt được lòng ham muốn sắc thân bất tịnh của mình và của người được nhứt tâm duyên không (cùng với không tương ứng) tức nhập được định (vô biên hư không ứng); 5. Thức xứ bội xả: Do xả nên nói hư không xứ định, nhất tâm duyên thức. Lúc nhập định này tức quán định, nhàm chán không ưa đắm nữa; 6. Vô sở hữu xứ bội xả: Do xả thức xứ, nhất tâm duyên vô sở hữu xứ. Lúc nhập định này tức quán định y nơi năm uẩn đều không thật nên không còn ái trước nữa; 7. Phi hữu tưởng phi vô tưởng xử bội xả: Do xả vô sở hữu xử định, nhất tâm duyên phi hữu tưởng, phi vô tưởng. Lúc nhập định này y nơi năm uẩn đều không thật nên tâm sinh nhàm chán; 8. Diệt thọ tưởng bội xả: Vì nhàm chán cái tâm tán loạn nên nhập định cho diệt hẳn tâm ấy đi, khi đắc định cả rồi thì thành ra 8 đạo giải thoát nên gọi là bát giải.
(8). Không, sắc là quan niệm của nhà Phật. Không là cái vô hình, còn sắc là cái hữu hình. Trong Thiền tông thì cho rằng cả không và sắc đều là không cả, cùng một thể mà thôi. Trong Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh có câu đức Phật dặn thầy Xá Lợi là: Sắc bất dị không, không bất dị sắc, nghĩa là sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc.
(9). Quả tuệ: chứng được quả Bát Nhã, trí tuệ, tức thành đấng Phật.
(10). Bát bình: bát và bình: bát của nhà sư đi khất thực, thường làm bằng đồng, y bát hay dùng để truyền thừa tâm ấn; bình đựng nước, thường bắng sứ là một phương tiện chính của Bồ tát dùng để giải thoát chúng sinh khỏi khổ ải.
(11). Cổn miện: áo mũ của vua khi thiết triều.
(12). Câu này lấy điển trong sách Luận ngữ, học trò là Nhan Hồi khen đạo của thày Khổng Tử như sau: chiêm tại tiền, hốt nhiên tại hậu, ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên, nghĩa là: vừa trông thấy ở đằng trước thoắt cái lại hiện ở đằng sau, ngắm nhìn thì càng thấy cao, dùi vào thì càng thấy cứng.
(13). Tám đời: chỉ các vị vua nhà Lý truyền được 8 đời thì mất.
(14). Cố lý: làng cũ.
(15). Diệu hậu, quang tiền: làm cho rạng rỡ đời sau, vẻ vang đời trước. Bên dưới xin dịch thoát.
(16). Tam miểu: trong tam miểu tam bồ đề, là từ phiên âm tiếng Phạn Samyakasambodhi, chỉ “đẳng chính giác” mà đức Phật chứng ngộ được.
(17). Lục như: Phật giáo coi mộng, ảo, bào, ảnh, lộ, điện (tức giấc mơ, ảo giác, bọt nước, hình ảnh, giọt sương, sấm chớp) là những cái không ảo, vô thường của thế sự.
(18). Hoạt phật: phật sống, chỉ vị tăng cứu người độ thế.
(19). Đan tiên: chỉ phương sĩ luyện đan, tức đạo sĩ.
(20). Hải nhật: mặt trời chiếu trên biển.
(21). Đồng nghi: các đồ nghi trượng làm bằng đồng.
(22). Giác ngạn: bến bờ của sự giác ngộ, đối nghịch với mê tân là bến mê.
(23). Ngũ vị: tức ngôi cửu ngũ, chỉ ngôi vua.
(24). Phạm lâm: rừng thiền, chỉ chùa chiền.
(25). Lôi chấn: chỉ tiếng chuông đồng.
(26). Thạch thanh: chỉ tiếng khánh đá.
(27). Câu này dùng chữ trong chương Nhạc ký, sách Lễ ký, có câu: “Quân tử thính chung thanh tắc tư vũ thần,… quân tử thính khánh thanh tắc tư tử phong cương chi thần,… quân tử thính cổ bề chi thanh tắc tư tướng soái chi thần” (bậc quân tử nghe tiếng chuông thì nhớ đến tướng võ,…bậc quân tử nghe tiếng khánh thì muốn làm tướng thề chết nơi biên cương,… bậc quân tử nghe tiếng trống trận thì muốn trở thành tướng soái cầm quân).
(28). Ca ngợi cảnh thanh bình, không có tiếng trống mõ báo động canh phòng trộm cướp vào ban đêm.
(29). Long Đỗ: rốn rồng. Thần Long Đỗ hay thần Tô Lịch là thành hoàng của kinh thành Thăng Long.
(30). Hoa thất tịnh: 1. Giới tịnh: Động tác của tâm khẩu thanh tịnh; 2. Tâm tịnh: tâm thanh tịnh không còn nhiễm trước; 3. Kiến tịnh: thấy được chơn tánh, các pháp không còn khởi vọng chấp; 4. Độ nghi tịnh: Hiểu biết thấu đáo không còn ngờ vực; 5. Phân biệt đạo tịnh: Phân biệt rõ ràng chánh đạo tà đạo; 6. Hành đạo chi kiến tịnh: Chi kiến thật hành thiện pháp, các pháp ác bị đoạn trừ, được thanh tịnh sáng suốt; 7. Niết bàn tịnh: chứng được Niết bàn, xa lìa các cấu nhiễm.
Tài liệu tham khảo:
1.Thần tích thôn Bình Lương xã Đình Loan, tổng Nghĩa Trai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chép trong Hưng Yên tỉnh Văn Lâm huyện Nghĩa Trai tổng các xã thôn thần tích, ký hiệu AEa3/13, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2.Chùa Láng và những bức hoành phi câu đối, Thế Anh, Tạp chí Hán Nôm, số 6, 2005.
3.Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nxb. Văn học, 2003.
4.Từ điển địa danh văn hóa lịch sử Việt Nam, Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.693-694.
5.Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, 2006, tr.1296.
6.Thiền sư Từ Đạo Hạnh và ngôi chùa ông ở thôn Bình Lương, Tân Quang, Hưng Yên, Nguyễn Ngọc Nhuận - Nguyễn Đức Toàn, Văn hóa Nghệ An(http://vanhoanghean.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/4771-thien-su-tu-dao-hanh-va-ngoi-chua-ong-o-thon-binh-luong-tan-quang-hung-yen.html)
7.Tuyển tập văn bia Hà Nội. Quyển 1, Nxb. KHXH, H. 1978.
9.Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. KHXH, 2004.
(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.282-298)
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2390&Catid=940
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.