Phát biểu của ông rất nhiệt huyết, chân thành, thật thà, cùng với sáng kiến đề xuất truyền thuyết hóa chuyện Tề Thiên Đại Thánh trong truyện của Ngô Thừa Ân bị đè ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) để thu hút du khách Trung Quốc. Ông Thương say sưa với ý tưởng sáng tạo truyền thuyết này, và đề nghị giám đốc Sở VHTTDL Ngô Quang Vinh tìm lại cuốn sách “Tề Thiên Đại Thánh” trước giải phóng, vì sách này có vẽ hình giống như 5 ngọn núi Ngũ Hành.

Hồn nhiên hơn, đại biểu Võ Văn Thương quả quyết: “Tôi biết tác phẩm Ngô Thừa Ân viết cách đây 500 năm, mà 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn của chúng ta có thể là lâu hơn tác phẩm của Ngô Thừa Ân nữa”.

Đại biểu Võ Văn Thương đã làm cho các đại biểu khác “sốc” và bật cười. Mà không cười sao đặng khi ông Thương lôi ông Tôn Ngộ Không bên Trung Quốc qua gắn vào núi Ngũ Hành Sơn của Việt Nam; không cười sao đặng khi ông Thương so sánh sự tồn tại của núi non từ khi tạo thiên lập địa với 500 năm của một cuốn tiểu thuyết; không cười sao đặng khi ông Thương đoan chắc hình vẽ ở một cuốn sách nào đó mà ông đã đọc trước giải phóng là căn cứ để khẳng định Tôn Ngộ Không bị đè ở Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng; không cười sao đặng khi ông Thương tin rằng truyền thuyết hóa việc Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn thì thu hút du khách?

Với sáng kiến hồn nhiên như vậy, thử hỏi ngành du lịch của đất nước đi về đâu?
Và với tư duy của một ông hội đồng như vậy, thử hỏi dân gửi gắm lòng tin vào đâu?

Xin thưa với đại biểu Võ Văn Thương, để du lịch phát triển không phải là phải bằng cách truyền thuyết hóa, tâm linh hóa chuyện Tề Thiên Đại Thánh như ông đề xuất, mà tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng.

Cũng xin lưu ý với ông hội đồng Thương thêm một việc, Ngũ Hành Sơn là của Việt Nam, không phải của Trung Quốc. Truyện “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân bên Trung Quốc không liên quan gì đến đất đai lãnh thổ của Việt Nam, văn hóa của Việt Nam.