Bây giờ, bước đầu tìm hiểu về phái võ Lâm Sơn Động của võ sư Lương Ngọc Huỳnh.
Nguyên chú: Những môn sinh Lâm Sơn Động rèn luyện võ thuật. Ảnh: Lê Hiếu |
Đầu tiên là một ít tư liệu của báo chí (báo chí cũ). Tư liệu được xếp ngược.
---
2. Một bài trên TP, tháng 8 năm 2015
09:24 ngày 11 tháng 08 năm 2015
2. Một bài trên TP, tháng 8 năm 2015
09:24 ngày 11 tháng 08 năm 2015
Rợn người với màn khí công đóng đinh vào người kéo xe ô tô
TPO - Võ sư dùng búa đóng hai đinh vào vai, sau đó vận nội công kéo chiếc xe 16 chỗ, có trọng lượng khoảng 2 tấn. Màn trình diễn khí công đặc sắc này vừa diễn ra tại Đại hội Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam.
Phần trình diễn vô cùng đặc sắc của phái Lâm Sơn Động, Hà Nội. Võ sư dùng búa đóng hai đinh vào vai, sau đó vận nội công kéo chiếc xe 16 chỗ, có trọng lượng khoảng 2 tấn.
Võ sư đóng đinh vào người để chuẩn bị cho màn biểu diễn.
Không kém phần hấp dẫn là phần thi khí công của nữ võ sĩ 15 tuổi đoàn Thái Nguyên. Nữ võ sĩ này dùng bụng kéo xe ô tô 7 chỗ.
Võ sĩ nước ngoài thi triển nội công với bài biểu diễn cho xe cán qua người.
Một thí sinh đang điều khí sau khi thực hiện màn biểu diễn cho ô tô đi qua người.
Chiếc ván đinh được chuẩn bị cho phần thi vô cùng mạo hiểm.
Võ sĩ của đoàn Quảng Ninh trình diễn màn khí công nằm trên ván đinh cho xe khách chèn qua người.
"Khí công" là công phu của việc dùng khí, chữ "công" là thực hiện việc đó trải qua một thời gian có thể có nổ lực và khó khăn mới đạt được. Chữ "khí" thì như khí trong 'không khí' vậy nên gọi là "khí" của dòng khí chuyển động trong cơ thể. Khí công võ thuật: sử dụng phép vận khí, tụ khí (khí được xem là một loại năng lượng trong cơ thể) để tăng khả năng chống đỡ các đòn đánh, nâng cao khả năng võ thuật. Thường các phép dẫn khí là do người thầy truyền dạy cho đệ tử và hướng dẫn cụ thể để vận khí. Khả năng chống đỡ các đòn đánh có thể đạt đến như đập một khúc gỗ lớn lực mạnh vào người, đâm thương yết hầu (đầu thương không quá nhọn). Phần lớn kỹ thuật vận khí trong võ thuật không được tiết lộ ra bên ngoài.
Khí công tu luyện: Khí công tu luyện gồm có các trường phái như khí công Đạo gia, khí công Phật gia. Khí công tu luyện chú trọng về những điều vượt khỏi tầng thứ chữa bệnh khoẻ người, giảng về tầng thứ cao hơn, chú trọng về hàm dưỡng và tâm tính.
http://www.tienphong.vn/The-Thao/ron-nguoi-voi-man-khi-cong-dong-dinh-vao-nguoi-keo-xe-o-to-894913.tpo
1. Một bài năm 2010 trên NLĐ
Kỳ nhân Lâm Sơn Động
17/10/2010 00:30
Sang Nga truyền bá võ thuật và chữa bệnh chưa được 10 năm, võ sư Lương Ngọc Huỳnh, chưởng môn phái Lâm Sơn Động, đã được vinh danh trong bách khoa thư giới thiệu 72 nhân vật xuất sắc, có nhiều đóng góp cho nước này
Cuốn bách khoa thư Những con người của thiên niên kỷ chúng ta do NXB Tuyến đường mới của Nga ấn hành năm 2008 đã giới thiệu 72 nhân vật có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Trong đó, hai người VN là võ sư - bác sĩ - viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh và bác sĩ Lã Đình Quang được vinh danh bên cạnh những nhân vật nổi tiếng khác của Nga, như: Thủ tướng Putin, Thị trưởng Moscow Luzhkov...
Từng chết đi, sống lại
Trong bài viết có tựa đề Người thừa kế những kiến thức vĩ đại, võ sư Lương Ngọc Huỳnh được miêu tả là người đã kết hợp nhuần nhuyễn võ thuật và y học để chữa bệnh, cứu hàng ngàn bệnh nhân tại Nga trở lại bình thường. Ít ai biết rằng thuở nhỏ, vị kỳ nhân của môn phái Lâm Sơn Động này rất còi cọc và đã từng chết đi, sống lại.
Nghe tôi nhắc lại chuyện này nhân dịp võ sư Lương Ngọc Huỳnh trở về VN thăm gia đình mới đây, ông kể: “Lúc mới sinh, năm 1966, tôi bị nhiễm trùng uốn ván và đã “chết” sau đó gần một tuần. Khi gia đình vừa chôn cất tôi xong, bà nội đi chơi xa trở về một mực đòi coi mặt cháu trai lần cuối. Tôi được bới từ đất lên và dần dần thở lại trong vòng tay bà nội. Nhiều năm sau đó, bà nội đã tìm cách chữa trị hết những chứng bệnh trên cơ thể tôi”.
Bảy đời gần đây, dòng họ Lương của Huỳnh luôn có những người văn võ song toàn mà quanh vùng Đồng Quang, Quốc Oai - Hà Tây ai ai cũng biết tiếng. Tinh hoa võ học được thế hệ trước truyền lại rất có hệ thống nên thế hệ sau không những được duy trì mà còn luôn tìm tòi, bổ sung những bí quyết mới để đạt tới đẳng cấp uyên thâm.
Chiến tranh loạn lạc, nhiều lúc tưởng chừng không thể duy trì được việc truyền dạy võ học trong dòng tộc nhưng bằng nhiều nỗ lực, môn võ gia truyền này đã đạt nhiều đỉnh cao mới, nhất là vào thời Lương Ngọc Huỳnh. “Người ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp võ thuật và y học của tôi chính là bà nội. Bà đã sớm nhận ra những phẩm chất của tôi ngay từ khi còn nhỏ nên đã tập trung trí lực để truyền dạy võ thuật và cả âm nhạc” – võ sư Huỳnh tâm sự.
Võ sư Lương Ngọc Huỳnh (bên trái) và tác giả bài viết. Ảnh: Đỗ Du
Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Huỳnh tiếp tục học hỏi võ thuật và y thuật nâng cao. Đến ngày 23-9-1990, Huỳnh đứng ra thành lập môn phái Lâm Sơn Động và giữ chức vị chưởng môn phái.
Chẳng bao lâu, Huỳnh được Sở TDTT Hà Tây (cũ) cho phép truyền bá võ thuật trong toàn tỉnh và học viên của ông lên tới hàng chục ngàn người. Tiếp đó, ông được nhận vào dạy võ cho công an các xã và Công an huyện Quốc Oai, dạy cả cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Ông bắt đầu phát triển Lâm Sơn Động ra các tỉnh, TP lân cận Hà Tây như Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội...
Cạnh tranh với Thiếu Lâm, Võ Đang
Võ sư Huỳnh sang Nga từ năm 2001 chỉ với hơn 200 USD dằn túi để truyền bá võ thuật và phát triển nghề thuốc. Ông mở võ đường ở Trung tâm Thương mại Sông Hồng tại thủ đô Moscow, nơi tập trung đông người gốc Việt sinh sống.
Thời điểm ấy, Lâm Sơn Động mà võ sư Huỳnh mang sang Nga là môn võ đầy mới lạ. Đó cũng là lúc mà các môn phái lừng danh của Trung Quốc như Thiếu Lâm Tự, Võ Đang... dù đã xâm nhập Nga từ lâu nhưng vẫn chưa được phép truyền dạy phổ biến.
Để người Việt tại Moscow và cả người dân bản địa biết tới mình cùng môn võ Lâm Sơn Động, ông đã phải tìm mọi cách để tiếp cận họ. Võ sư Huỳnh tiết lộ: “Tôi cho đăng thông tin quảng cáo trên cả những tờ báo lá cải của Nga về những buổi biểu diễn mà tôi, với chiều cao khiêm tốn và chỉ nặng 53 kg, đã cố gắng biểu diễn những chiêu “độc”, lạ, mạnh mẽ”.
Võ sư Huỳnh cho biết lúc ấy, giữa những ngày mùa đông giá lạnh, nhiệt độ xuống tới âm chục độ C nhưng ông vẫn cố gắng thực hiện các tiết mục đầy khó khăn, như: cởi trần ngồi thiền, thổi sáo suốt nhiều giờ ngoài trời tuyết rơi đầy...
Những môn sinh Lâm Sơn Động rèn luyện võ thuật. Ảnh: Lê Hiếu
Tiếp đó, võ sư Huỳnh lên các đài truyền hình ở Nga tìm đối thủ hạng cân từ 80 kg trở xuống thách đấu. Điều này khiến Igore, nhà vô địch Sambo (môn võ tự do của Nga, võ sĩ không được móc mắt và cắn đối thủ), nóng mặt.
Igore lập tức gửi thông điệp thách đấu tới võ sư Huỳnh. Trước lúc giao đấu vài giờ, Igore tìm tới võ đường Lâm Sơn Động của Huỳnh trong tư thế ngạo nghễ. Cả ngàn người hiếu kỳ đã kéo tới xem. Võ sư Huỳnh bước ra xin thử sức với Igore vài chiêu trước khi giao đấu chính thức. Tuy cao to lực lưỡng, nặng gần 120 kg nhưng những cú ra đòn của Igore đều bị võ sư Huỳnh nhanh như sóc né tránh và đáp trả bằng những chiêu trời giáng.
“Đến giờ giao đấu, Igore đã lẩn mất dạng và 3 tháng sau thì trở lại xin tôi nhận làm đệ tử” - võ sư Huỳnh cho biết. Từ đó, các môn sinh tìm tới võ đường Lâm Sơn Động của võ sư Huỳnh ngày càng đông.
Chữa bệnh cho ông chủ Chelsea
Võ sư Huỳnh bắt đầu việc chữa bệnh tại Nga thông qua chính những võ sinh của mình. Những người tập võ bị thương hoặc đau nhức đều được ông chữa trị bằng liệu pháp riêng rất hiệu nghiệm. Người này mách người kia, rồi từ những chứng giản đơn đến các bệnh khó trị như thoái hóa cột sống, mỡ trong máu..., nhiều bệnh nhân được ông điều trị đã bớt hẳn hoặc thuyên giảm nhiều phần. Đối với những bệnh nhân nghèo khó, ông vui vẻ chữa trị miễn phí.
Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm đến ngày càng đông và võ sư Huỳnh quyết định mở phòng khám để nâng cao khả năng và điều kiện điều trị. Ông học tại Trường ĐH Y khoa Moscow để lấy bằng bác sĩ dân tộc; sau đó học thêm chuyên khoa thần kinh, dược học rồi mày mò nghiên cứu các phương pháp bắt mạch, kết hợp với những bài thuốc gia truyền mà bà nội chỉ dạy thuở nào. Võ sư Huỳnh quyết định chọn Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ để gửi đề án về cách dùng khí công chữa bệnh. Trải qua nhiều lần kiểm tra, cuối cùng ông đã được viện này công nhận là viện sĩ.
Tiếng tăm của võ sư - bác sĩ - viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh ngày càng vang xa. Nhiều quan chức sinh sống tại Nga đã tìm tới ông nhờ chữa trị những chứng bệnh thường gặp. Không ít thương gia, chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus, Jordan... còn dùng cả chuyên cơ để đưa ông đến chữa bệnh.
Thị trưởng Moscow Y. Luzhkov và tổng thống nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây cũng thường xuyên lui tới nhờ võ sư Huỳnh khám bệnh, kê toa. Nhờ những lần khám bệnh, kê toa chữa bệnh chuẩn xác cho các VIP, ông được giới thiệu tới nhiều cấp lãnh đạo tại Nga và làm việc tại Bệnh viện Tổng thống, được cấp phòng riêng để chữa bệnh...
Trong những VIP mà võ sư Huỳnh đã chữa trị bệnh, có tỉ phú Roman Abramovich, ông chủ của CLB bóng đá Chelsea - Anh. “Hiện tôi đang điều hành 3 phòng khám, trong đó có một phòng do tỉ phú Abramovich tặng. Tôi đã từng khám và chữa một chứng bệnh cho Abramovich nên được ông ấy quý mến, tặng một phòng khám để có điều kiện chữa trị thêm cho nhiều người khác” – võ sư Huỳnh tiết lộ.
Dễ dàng hạ HLV võ thuật FBI
Giữa năm 1998, một đoàn võ thuật Pháp đã sang TPHCM tìm một võ sư giỏi để mời sang nước này giao lưu, giảng dạy.
Nhiều cuộc thử đấu đã diễn ra nhưng không ai chịu nổi những cú ra đòn sấm sét của võ sư Benoit người Pháp, từng vô địch võ thuật tự do châu Âu.
Sau đó, có người giới thiệu, 3 vị võ sư trong đoàn Pháp đã tìm và xin giao đấu với võ sư Lương Ngọc Huỳnh. Thoạt tiên, võ sư Huỳnh đấu với Benoit, sau đó với cả 3...
Các võ sư trong đoàn Pháp rất thích thú và mời luôn chưởng môn phái Lâm Sơn Động sang Trung tâm Võ thuật Paris giao lưu. Tại Pháp, nhiều đài truyền hình đã làm các phóng sự về môn võ của ông.
Sau đó không lâu, Đội Cảnh sát Đặc biệt Pháp (GIGN) mời võ sư Huỳnh dạy võ. Buổi đầu tiên đến trụ sở GIGN, ông gặp Philippe - HLV võ thuật Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), từng học võ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một võ sư khác là HLV võ thuật của Cảnh sát Israel.
Philippe lúc ấy nặng trên 120 kg, nhìn võ sư Huỳnh nghi ngờ: “Tôi không tin một người nhỏ thó như anh có thể giỏi võ”.
Trận đấu giao hữu giữa võ sư Huỳnh và HLV Philippe diễn ra ngay sau đó. Vị kỳ nhân môn phái Lâm Sơn Động nhớ lại: “Tôi vừa né những cú ra đòn vừa tìm điểm yếu của Philippe để đánh trả.
Philippe quá cao to, tấn công ở phần trên không được, tôi bèn tung những cú đá như búa bổ vào ống chân của anh ta. Dồn dập một hồi, Philippe đứng không vững và xin thua. Cuộc đấu chỉ diễn ra trong khoảng hơn 1 phút”.
|
Phùng Kha
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ky-nhan-lam-son-dong-20101017123011511.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.