Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/08/2015

"Văn hóa và con người xứ Nghệ - những bức chân dung" : râu nọ, cằm kia

Bài của Khải Đăng, vừa lên trên báo Nông nghiệp Việt Nam.


---


Râu nọ, cằm kia


Cập nhật: 07:40, Thứ 6, 21/08/2015

Đó là về cuốn “Văn hóa và con người xứ Nghệ - những bức chân dung”, do GS.VS Nguyễn Duy Quý và cử nhân Nguyễn Trọng Đệ thực hiện, NXB Văn hóa - Thông tin phát hành.

Bìa sách “Văn hóa và con người xứ Nghệ - những bức chân dung”
Sách dày 600 trang, khổ lớn 16x24 cm, do Lê Tiến Dũng chịu trách nhiệm xuất bản, Mai Hương biên tập.
Trong Lời giới thiệu (trang 5), các tác giả cho biết, đây là “một công trình được biên soạn công phu và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc”. Thời gian thực hiện là “sau hơn 10 năm nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn” (Lời cảm ơn, trang 588).
Tiếc thay, nó có quá nhiều sai sót và cẩu thả. Trang 6 cuốn này cho biết, sẽ còn chờ đợi tập 2 ra đời để bổ sung chân dung nhân vật lịch sử xứ Nghệ. Vì thế, bài viết này mong muốn các tác giả sẽ có sự điều chỉnh để các tập tiếp theo được chu toàn.

Những lỗi sơ đẳng

Một số lỗi sơ đẳng xin nhắc qua. Đó là ngay trang 7, chú thích về chính tác giả cuốn sách GS.VS Nguyễn Duy Quý, có ghi: “Ủy viên Trung ương Đảng khóa, Đại biểu Quốc hội”, bạn đọc không biết đó là khóa nào!
Hay như khi viết Hướng dẫn tra cứu sách, các tác giả viết rõ: “Mục sách tham khảo (STK) được ghi theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5 (STK 1, STK2...). Để tiện việc tra cứu và trong [in – PV thêm vào] ấn, khi chúng tôi trích dẫn từ sách tham khảo nào, chúng tôi sẽ chú thích: (STK 1, trang...; STK 2, trang...; STK 3, trang...)”.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, trong bài tổng luận “Xứ Nghệ là một vùng văn hóa đặc sắc trong lòng Tổ quốc Việt Nam” (trang 9-19) của hai tác giả, có đến 16 cuốn sách tham khảo không có nguồn.
 Ví dụ: (STK... trang 22), hoặc (STK..., trang...), hay (theo Nguyễn Đổng Chi - STK số... trang 6) thì quá bằng... đánh đố bạn đọc.
Phần “Những bức chân dung”, các tác giả không đưa ra tiêu chí và thống nhất phong cách thể hiện. Ở đây không phải phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, mà là tùy tiện cóp nhặt tứ xứ mang về kiểu “của người phúc ta”. Xin dẫn một số ví dụ:
Tiểu sử nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (trang 194-195), nhà thơ Huy Cận (trang 208), nhà văn Nguyễn Minh Châu (trang 215), GS Phan Cự Đệ (trang 262), PGS Cao Xuân Hạo (trang 290), nhà văn Hoài Thanh (trang 481)... là sao chép y nguyên trong cuốn "Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam" do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản.
Nhiều nhân vật không có tiểu sử, hành trạng như GS.NGND Nguyễn Đình Chú (trang 232-234). Bài viết này còn cắt bỏ cả tên tác giả (Phúc Sơn) và nguồn xuất bản (Bản tin ĐHSP Hà Nội, 2008).

Thông tin cũ và lạc hậu

Nhiều nội dung thông tin trong sách này cũ kỹ và lạc hậu. Trang 207, về GS Nguyễn Tài Cẩn, sách viết: “Từ 1961 đến nay: Công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là giáo viên khoa Ngữ văn”.
Trang 467, về GS Hà Văn Tấn: “1988 đến nay: Viện trưởng Viện Khảo cổ học”. Trang 513, về GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn: “Tháng 4-1976 đến nay là Thứ trưởng Bộ Giáo dục”. Trang 551, về GS Lê Xuân Tùng: “1987 đến nay: Làm trợ lý Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Tất cả các nhà quản lý, nhà khoa học nêu trên, đều đã nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước từ hơn 10 năm, làm sao còn “hiện nay” được!
Hoặc, PGS Cao Xuân Hạo đã mất từ năm 2007, nhưng sách vẫn viết: “Hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh”. Nhà thơ Minh Huệ (trang 304) mất từ năm 2003, nhà thơ Chính Hữu (trang 328) mất từ năm 2007, nhưng sách vẫn viết: “Nơi ở hiện nay...”. Nhà thơ Trần Hữu Thung đã mất từ năm 2000 nhưng vẫn ghi “Nơi ở hiện nay” và “Hiện nay nhà thơ đã nghỉ hưu” (trang 504).
Nhà văn Bùi Hiển qua đời năm 2008, sách vẫn viết: “Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam”. Trong khi đó, Bùi Hiển làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi khóa IV (1989-1995).
Bởi vậy, có lời bình rằng, khả năng các nhà văn, nhà thơ ở dưới địa phủ vẫn tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ quản lý như trên trần thế!

Tên người này, mặt người khác

Đây có lẽ là lỗi sai cơ bản nhất trong cuốn sách này khiến cho người đọc phiền lòng. Trang 249, viết về Xuân Diệu, sai cả năm sinh (1917), đã vậy, còn thay ảnh Xuân Diệu bằng ảnh... PGS.TS Đỗ Lai Thúy.
15-07-36_nh-2
Ảnh Xuân Diệu thay bằng ảnh Đỗ Lai Thúy
Việc thay ảnh tùy tiện này còn có trong tiểu sử Mai Thúc Loan mà ảnh lại là vua Minh Mạng (trang 368), tiểu sử Lê Hồng Sơn kèm chân dung Nguyễn Ái Quốc (trang 459);
Rồi ảnh chiến sĩ tù cộng sản Nguyễn Hữu Diên trong tiểu sử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (trang 496). Nguyễn Hữu Diên là bí danh của Nguyễn Thiếp (1894-1932), sinh sau La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp 170 năm, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
 Ông là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh (1930), bị mật thám bắt ở Vinh, rồi kết án 13 năm khổ sai và đày vào nhà lao Buôn Mê Thuột. Năm 1932, Nguyễn Thiếp đã trút hơi thở cuối cùng trong nhà lao này.
Xin nói thêm rằng, về tiểu sử Nguyễn Thiếp sách viết cũng sai. Các tác giả chuyển quê Nguyễn Thiếp sang Đức Thọ, Hà Tĩnh; trong khi đó, quê của ông là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc.
Thiết nghĩ, một cuốn sách viết về danh nhân đất nước mà cẩu thả đến như vậy là điều thật đáng buồn. Hơn nữa, cuốn sách này lại đứng tên của một vị GS.VS, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban KHXH (nay là Viện Hàn lâm KHXH) Việt Nam thì càng phải ngẫm nghĩ.
GS.VS Nguyễn Duy Quý, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Triết học trường ĐH Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ). Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII (1991-1996), khóa VIII (1996-2001), Đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997), khóa X (1997-2002), Tiến sĩ khoa học (1987), giáo sư Triết học (1988), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga.
Cử nhân Nguyễn Trọng Đệ quê xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Văn trường ĐHSP Vinh (tỉnh Nghệ An). Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục tỉnh Nghệ An, Ủy viên BCH Hội  Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam khóa 2.

Khải Đăng


 http://nongnghiep.vn/rau-no-cam-kia-post148277.html

5 nhận xét:

  1. Vụ này hay à nghen , đọc cười chết được , sao đã xuất bản 4 năm rồi giờ mới phát hiện ra những sai sót như vây ? Xứ Nghệ của Salam mà người ta làm ăn tắc trách như vậy

    XỨ NGHỆ

    Chập chờn ngủ vẫn nhận ra xứ Nghệ
    Tiếng xe lăn khó nhọc triền đồi
    Trong hơi gió nghe mặn mòi gió biển
    Bụi con đường đất đỏ lấm mồ hôi

    Nơi đây cỏ cũng cỗi cằn khắc khổ
    Tựa vai vào vách núi đỡ thiên tai
    Mặt gió nóng , lưng đã là bão lụt
    Cơm độn khoai , đắp đổi tháng năm dài

    Tiếng mộc mạc , nhận ra người xứ Nghệ
    Đi muôn nơi vẫn nói giọng quê nhà
    Bền chí lớn , chịu nhọc nhằn lam lũ
    Trên đất nghèo , mơ sải cánh bay xa

    Sống tằn tiện chắt chiu từng hạt muối
    Cần hy sinh , hiến hết cả gia tài
    Người xứ Nghệ rạch ròi yêu với ghét
    Đã hứa rồi chẳng chút dơn sai

    Đi tìm nhận đồng hương nơi đất khách
    Cứ ngỡ như gặp bạn cũ lâu ngày
    Một bát gạo cũng sẵn lòng chia sẻ
    Chim theo đàn , tay nối những cánh tay

    Thật kỳ lạ , mảnh đất cằn xứ Nghệ
    Mỗi cổng làng thành trang sử biên niên
    Nơi đòn gánh gồng hai đầu đất nước
    Nơi sinh ra những hào kiệt , thánh hiền

    ( Nguyễn huy Hoàng )

    Trả lờiXóa
  2. nxb Văn hóa - Thông tin thì có ..."truyền thống" rồi

    Trả lờiXóa
  3. Thân gửi các bạn người xứ Nghệ hay vào trang này đọc

    TIẾNG. NGHỆ

    Cái gầu thì bảo cái đài
    Ra sân thì bảo ra ngoài quét cươi
    Chộ tức là thấy mình ơi
    Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
    Thích chi thì bảo là sèm
    Nghe ai bảo đọi là đem bát vào
    Cá quả lại gọi cá tràu
    Vo trốc là bảo gội đầu đó em
    Nghe em giọng Bắc êm êm
    Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
    Răng chưa sang nhởi nhà choa
    Bà O đã nhốt con ga trong truồng
    Em cười bối rối mà thương
    Thương em một lại trăm đường thương quê
    Gió lào thổi rạc bờ tre
    Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
    Chắt từ đá sỏi khô cằn
    Nên yêu thương mới sâu đầm đó em

    (. Nguyễn bùi Vợi )

    ...nghe câu vè ví dặm
    Càng lắng lại càng sâu
    Như sông Lam chảy chậm
    Đọng bao thủa vui sầu

    Tình xứ Nghệ không mau
    Nhưng bén rồi sâu lắng
    Quen xứ Nghệ quen lâu
    Càng tình sâu nghĩa nặng
    .....................................
    ( Huy Cận )

    Trả lờiXóa
  4. Gửi thêm một bài thơ , một chút tình của một người con xứ Nghệ là Salam . Dù đi đâu , dù đi bất cứ nơi đâu vẫn đau đáu nhớ về một miền tuổi thơ đã từng sống nơi ấy...... là xứ Nghệ

    QUÊ EM MÙA VỤ

    Mùa nực với mùa gắt
    Kêu chắc đến rồi tề
    Dù sốt hơn bữa tê
    Khát khô mui nẻ họng

    Ung bứt tóc dới rọng
    Mụ cào ló trửa cươi
    Con chắt ả mô ruồi
    Hắn cỡi tru vô rú

    Bếp lạnh tanh mun trú
    Cho ga trọi ga bươi
    Nác chát ở mô ruồi
    Múc cho,tui, một đọi

    O tê ngong rành sọi
    Ả nớ chộ cũng tài
    O , Ả có thương ngài
    Nấu cho nồi nác chát

    Tui uống vô mát rọt
    Thứ chè Gay rành tài
    Nắng ra răng mặt trời
    Cũng thua nồi nác chát

    (. ST )

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.