Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/04/2015

Kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN là gì (bài Trương Đình Tuyển)

Bài của một bác là cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại. Bác viết hẳn ra thành bài thế này là hơn hẳn những bài phỏng vấn.

Bác Tuyển cũng vào luôn mạng trao đổi với bạn đọc.


Minh Toàn
Rất cám ơn phân tích của ông Tuyển. Thế nhưng với doanh nghiệp chúng tôi thì cái cần nhất là sự cụ thể để còn định hướng làm ăn lâu dài. Kinh tế thị trường hay xã hội chủ nghĩa đều là VN nhập khẩu từ nước ngoài. Và trong khi kinh tế thị trường đã rõ, dễ tìm hiểu kể cả mô hình, thì cái XHCN mà chúng ta đã biết, được học thì đã không còn ngay tại chính quốc. TQ cũng đã khẳng định họ theo con đường của chính họ. Vậy thì ta chỉ còn con đường của chính ta lựa chọn. Con đường của ta thì ta có thể nói rõ cho dân biết mà lần theo, sao cứ nhấp nháy cái mà ngay cả TBT đã từng phát biểu là chưa biết bao giờ xây dựng được?
Trương Đình Tuyển
Bạn Cường thân mến,
Tôi rất cám ơn sự quan tâm của bạn đến bài viết của tôi. Những vấn đề bạn đặt ra thực sự hữu ích. Có thể khẳng định: chủ nghĩa tư bản hiện đại không phải là tương lai của nhân loại. Loài người sẽ phải sống trong một xã hội khác mà người ta gọi là Chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, như trong bài viết của tôi đã chỉ rõ: Đây không phải là con đường dễ dàng. Nó đòi hỏi Đảng phải thực sự vì dân, dấn thân vì lợi ích dân tộc. Đồng thời Đảng phải có năng lực sáng tạo và tinh thần đổi mới. Đây cũng chính là điều kiện để ổn định mà không rơi vào trì trệ.
Trương Đình Tuyển
  
Cường
Phải nói là rất cảm ơn ông cùng nhiều nhà khoa học, quản lí đã luôn cố gắng làm rõ nhiều nội hàm của nền kinh tế VN. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn một số điều sau, mong được chỉ bảo.
"Kinh tế thị trường định hướng XHCN" "dựa trên một hệ tư tưởng đã trở thành chủ thuyết" mà ông nói chưa chắc đã đảm bảo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" nếu như chủ thuyết ấy quan niệm về kinh tế thị trường khác với những gì ông phân tích nên cần làm rõ chủ thuyết ấy là chủ thuyết gì, quan niệm thế nào về kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, ông cho rằng "kinh tế thị trường định hướng XHCN" khác kinh tế thị trường xã hội ở chỗ hướng đi là ổn định, do một đảng duy nhất lãnh đạo. Tuy nhiên ranh giới giữa sự ổn định và trì trệ rất khó phân biệt, làm sao đảm bảo sự ổn định đó không phải là một biểu hiện của việc thiếu nhạy bén, nắm bắt cơ hội, thậm chí là chậm đổi mới theo sự phát triển của thời đại?
Cuối cùng là, quan niệm của đại bộ phận (cả người dân và lãnh đạo) về định hướng XHCN vẫn còn mơ hồ, khó thay đổi trong thời gian ngắn, nên đưa nó vào khái niệm có khi lại tự trói chân mình trong khâu thực hiện. Vì vậy, tôi tin rằng việc đưa "định hướng XHCN" vào khái niệm "kinh tế thị trường" là lợi bất cập hại.
Xin cám ơn!
 Mời bạn đóng góp ý kiến




---
Kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN là gì?

Trương Đình Tuyển** Nguyên Bộ trưởng Thương mại
Thứ Bảy,  11/4/2015, 08:11 (GMT+7)



Con đường đi tới nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Ảnh Uyên Viễn.
(TBKTSG Online) - LTS: Hiện vẫn còn những tranh luận chung quanh cách hiểu khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiếp nối bài “Nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN?” của Trần Ngọc Thơ (TBKTSG số Tân Niên, ngày 5-3-2015),TBKTSG Online giới thiệu bài viết sau của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển viết riêng cho TBKTSG, để bạn đọc tham khảo.
Có một nội dung quan trọng đang được đặt ra: Chúng ta sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường như thế nào? Thế nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)?
Một định nghĩa vừa mới được đưa ra: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Qua trao đổi, có ý kiến đồng tình, có ý kiến băn khoăn về sự lựa chọn này, thậm chí, cũng có ý kiến không đồng tình.
Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có sự luận giải đầy đủ-ở cả những người đồng tình và cả những người phản đối- vì sao lại lựa chọn cách diễn đạt này và vì sao phản đối sự lựa chọn đó?
Bài viết này góp phần thảo luận về những ý kiến nêu trên.
Thế nào là một nền kinh tế thị trường hiện đại và sự cần thiết phải xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại.
I. Một nền kinh tế thị trường hiện đại trước hết phải là nền kinh tế “vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường”.
Tuy nhiên, do thời đại ngày nay đã có những thay đổi khác xa so với nhiều thập kỷ trước đây mà nổi bật là:
(1) Sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của khoa học- công nghê, dẫn đến sự phát triển lực lượng sản xuất ở một trình độ rất cao, tạo ra một khối lượng của cải vật chất khổng lồ; nhiều ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ với nhiều sản phẩm mới xuất hiện, tuổi đời của sản phẩm được rút ngắn. Điều này dẫn đến quá trình gia nhập, rút khỏi thị trường và tái cơ cấu sản xuất diễn ra liên tục, trên phạm vi rộng.
Chỉ có tín hiệu của thị trường mới có thể khả dĩ cung cấp thông tin chính xác cho các hoạt động này.
Khi cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ thấp hơn giá trị, kinh doanh bị lỗ. Chỉ có doanh nghiệp nào có giá thành thấp hơn giá thị trường mới tồn tại được. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm đạt được lợi nhuận tốt hơn. Nếu không, phải rút ra khỏi thị trường. Khi đó, nguồn cung sẽ giảm và một quan hệ cung-cầu mới được xác lập.
Trong trường hợp cung thấp hơn cầu, giá cả sẽ cao hơn giá trị; kinh doanh có lợi nhuận cao, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm nguồn lực để có lợi nhuận nhiều hơn; các nhà kinh doanh khác cũng có thể chuyển vốn vào đầu tư cho đến khi xác lập quan hệ cung cầu mới theo trục lợi nhuận bình quân.
Ở đây, trục xoay để phân bố nguồn lực – cũng có thể nói trục xoay của kinh tế thị trường là giá thị trường.
(2) Toàn cầu hóa với sự dịch chuyển tự do của các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hóa và dịch vụ từ nước này sang nước khác trên phạm vi toàn cầu, làm cho trường hoạt động của các chủ thể kinh tế mở rộng trong không gian và thay đổi theo thời gian với nhịp độ rất nhanh.
Trong trường hợp đó, sự can thiệp trực tiếp của nhà nước trở nên “bất khả thi” không những kém hiệu quả mà còn có thể gây ra những tác động tiêu cực.
Từ đó dẫn đến kết luận: thị trường là cơ sở để phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong điều kiện của thế giới hiện đại nhà nước không có khả năng làm tốt điều đó.
II. Kinh tế luôn gắn với những vấn đề xã hội và môi trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn chạy theo lợi nhuận của chính họ mà không quan tâm đầy đủ đến lợi ích xã hội và bảo vệ môi trường, dẫn đến sự phân cực xã hội rất nhanh và môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.
Bất bình đẳng, xã hội bị phân cực là nguyên nhân dẫn đến rối loạn, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Môi trường bị hủy hoại làm tăng trưởng phải trả giá đắt, không bảo đảm phát triển bền vững. Trong điều kiện bùng nổ nông tin, dân trí được nâng cao, ý thức đân chủ ngày càng mạnh mẽ dẫn đến các phong trào xã hội chống lại các hiện tượng này.
Mặt khác, trong điều kiện bất đối xứng về thông tin, các chủ thể không thể biết chính xác hành động của nhau nên thị trường mang tính tự phát rất cao,chưa kể đến sự đầu cơ, thao túng, rất dễ gây ra khủng hoảng và thực tế đã bị khủng hoảng.
Người ta tính rằng trong thế kỷ 20 và chỉ thập niên đầu của thế kỷ 21 đã có hàng trăm cuộc khủng hoảng lớn nhỏ, điển hình là cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 và cuốc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt dầu từ năm 2008 mà hậu quả  còn kéo dài cho đến ngày nay.
Như vậy, thị trường cũng bị thất bại và thực tế đã thất bai. Do đó, phải có vai trò của nhà nước. Vấn đề ở đây là nhà nước làm gì? Vai trò đến đâu? Và bằng cách nào thực hiện vai trò đó?
Trước đây, ngay cả những nước theo chủ nghĩa tư bản, nhà nước đã từng làm kinh tế thông qua những doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu. Đây là thời kỳ nhà nước sở hữu.
Nhưng thực tế chỉ ra rằng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thường kém hiệu quả, nhất là khi kinh tế phát triển, nhu cầu xã hội tăng lên, đòi hỏi số lượng và quy mô doanh nghiệp tăng theo, nhà nước không thể  “ôm” nổi. Chủ sở hữu nhà nước trở thành “vô chủ”.
Các nước đều phải thực hiện quá trình tư nhân hóa, chỉ giữ lại một số rất ít doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu chính sách mà tư nhân không muốn làm hoặc chưa đủ sức làm, thậm chí có khi chỉ là vì mục tiêu chính trị chứ không phải do tính tất yếu kinh tế. Nhà nước về cơ bản không còn giữ vai trò sở hữu nữa. Nhà nước chuyển sang đóng vai trò can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính (như quy định giá, quy định lãi suất…)
Nhưng như trên đã nói, trong thế giới hiện đại, lực lượng sản xuất đạt đến trình độ rất cao, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các mối quan hệ kinh tế ngày càng phức tạp, tính tùy thuộc giữa các nền kinh tế ngày càng chặt chẽ, sự  biến động của một nước tác động rất nhanh, rất mạnh đến nước khác; sự can thiệp hành chính của nhà nước trở nên kém hiệu quả, thậm chí trong không ít trường hợp còn gây rối loạn. Đây là thất bại của nhà nước. Nhà nước chuyển từ chức năng can thiệp sang chức năng điều tiết.
Trong  bài viết đầu năm 2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dùng khái niệm “Nhà nước kiến tạo phát triển” (Trong buổi hội thảo tại Bộ KH-ĐT, ông Tony  Blair, nguyên Thủ tướng Anh có nói đại ý: Nhà nước đã chuyển từ thời kỳ nhà nước sở hữu sang thời ký nhà nước can thiệp và nay đã là nhà nước điều tiết. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng  khái niệm “ nhà nước kiến tạo phát triển” có nội hàm rộng hơn và do đó đầy đủ hơn). Nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước bảo đảm:
- Môi trường vĩ mô ổn đinh, môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch, có thể tiên liệu được nhằm tạo thuận lợi nhất cho kinh doanh.
- Xây dựng hệ thống pháp luật, điều chỉnh hành vi của mọi tổ chức, cá nhân để: (i) bảo đảm quyền tự do kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư (ii) cạnh tranh công bằng (iii) Bảo vệ sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái…
- Coi trọng giáo dục và dào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ - yếu tố then chốt để nâng cao dân trí, tạo cơ hội việc làm,  tăng năng suất lao động, tăng thu nhập của dân cư.
- Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa nhằm nâng cao không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của nhân dân.
- Sử dụng nguồn lực của nhà nước và các công cụ điều tiết khác để thực hiện chiến lược “tăng trưởng bao trùm”nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, bảo đảm mọi vùng miền, moi tầng lớp dân cư đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng.
- Đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: trách nhiệm với cộng đồng và người lao động tại doanh nghiệp, trách nhiệm với môi trường và trách nhiệm chấp hành pháp luật (CSR).
III. Mặc dầu đã chuyển từ nhà nước sở hữu sang nhà nước can thiệp và từ nhà nước can thiệp sang nhà nước kiến tạo nhưng bản chất của nhà nước là quan liêu, nhà nước cũng thường bị những nhóm lợi ích chi phối, thao túng chính sách.
Vì vậy, cần đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Nhà nước đi đối với việc coi trọng vai trò của xã hội- trong đó có các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu độc lập tham gia vào quá trình phản biện, xây dựng chính sách.
Chính họ, bằng kiến thức và những trải nghiệm thực tiễn của mình sẽ cung cấp các kinh nghiệm thực chứng làm cho chính sách sát đúng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống hơn, nhằm hạn chế thất bại của thị trường và nhà nước. Họ cũng là người giám sát quá trình thực thi chính sách.
Tổng quát lại:  Nền kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường đồng thời phản ánh được xu thế phát triển của thời đại, hóa giải được những thách thức đặt ra trong thế giới hiện đại. Thể chế để tạo lập và vận hành nền kinh tế ấy phải dựa trên 3 trụ cột: thị trường, Nhà nước và xã hội.
Về hội nhập quốc tế
Ngay từ cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, Đảng đã xác định: Trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa là xu thế lớn, ngày càng cuốn hút các quốc gia, dân tộc vào tiến trình này. Đảng đã đề ra nhiều nghị quyết về hội nhập quốc tế. Như vậy, về nguyên tắc, hội nhập nằm ngay trong tính chất của thời đại.
Với cách lý giải về nền kinh tế thị trường hiện đại như trên thì không nhất thiết phải thêm cụm từ “hội nhập quốc tế” vào nội dung này. Tuy nhiên, đưa thêm cụm từ “hội nhập quốc tế” là để khẳng định một chủ trương đã có, cần thực hiện tốt hơn cũng không thừa. Hơn nữa, “hội nhập quốc tế” còn mang hàm ý là các văn bản quy phạm pháp luật trong nước phải tương thích với định chế của tổ chức mà nước ta đang hội nhập.
Theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Trên thế giới đã có nền kinh tế thị trường xã hội (ở các nước Bắc Âu, Cộng hòa Liên bang  Đức….). Trong các nền kinh tế này, Nhà nước dùng công cụ thuế (thuế thu nhập, thuế tài sản, thuế thừa kế…) được đánh ở mức cao nhằm điều tiết bớt thu nhập và tài sản của những người giàu, hình thành nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục, các công trình văn hóa, vận tải công cộng…), hình thành các quỹ an sinh, quỹ bảo hiểm (bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo,.. ) ở mức tương đối cao.
Nền kinh tế thị trường xã hội, theo các chính sách nêu trên chú ý đến sự phát triển xã hội và lợi ích cộng đồng ở một mức độ nhất định, phù hợp với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do thể chế chính trị đa đảng, các chính sách này không ổn định và tính hướng đích không cao do tùy thuộc vào chính sách của từng đảng. Khi đảng cầm quyền thay đổi thì các chính sách nêu trên cũng thay đổi (mức điều tiết thay đổi…).
Nền kinh tế thị trường định hướng  XHCN khác với nền kinh tế thị trường xã hội ở điểm nào? Và sự hợp lý khi đưa cụm từ này vào khái niệm nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng?
- Nói định hướng là nói sự vận động theo một hướng nào đấy, nhằm đạt tới một đích đến nào đấy. Con đường cụ thể để tới đích đến ấy có thể phải qua thời gian mới rõ dần, phải vừa đi vừa tìm, bước trước mở lối cho bước sau nhưng cứ phải nhằm hướng ấy mà đi. Hướng đi ấy-như nhiều lần Đảng đã khẳng định là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 -Nói “chủ nghĩa” là nói đến hệ thống những quan điểm, ý thức, hệ tư tưởng, làm cơ sở lý thuyết chi phối, hướng dẫn tư tưởng và hành động của con người. Hệ thống quan điểm đó có thể được khởi xuất từ một người, nhưng được một tập hợp người đi theo.
Như vậy, nói định hướng XHCN trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam là nền kinh tế đó được xây dựng trên cơ sở một hệ tư tưởng nhằm xác định hướng đi bảo đảm mục tiêu tổng quát là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nó khác với kinh tế thị trường xã hội ở chỗ hướng đi là ổn định, do một đảng duy nhất lãnh đạo, mục tiêu là cụ thể, chú trọng tính công bằng và dân chủ ở mức cao; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được coi trọng ngay trong từng chính sách phát triển và ngày càng tốt hơn theo từng nấc thang phát triển, dựa trên một hệ tư tưởng đã trở thành chủ thuyết.
Điều cần lưu ý ở đây là tính thời đại là nhân tố bao trùm. Một chủ thuyết muốn có sức sống lâu bền phải phản ánh được xu thế phát triển của thời đại, hóa giải được những thách thức mà thời đại đặt ra; không được giáo điều mà phải luôn bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện nó.
Tuy nhiên, phải thấy rằng đây không phải là con đường dễ dàng. Nó đòi hỏi Đảng phải thật sự trong sạch, dấn thân vì lợi ích của dân tộc; phải tạo được một cơ chế giám sát hiệu quả, đặt Đảng dưới sự giám sát của người dân; không được đặc quyền đặc lợi.Đảng phải có năng lực sáng tạo, tinh thần đổi mới.
Về quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường
Ở bất kỳ một nền kinh tế nào cũng có vai trò của nhà nước. Điều khác nhau là ở chỗ vai trò đó thể hiện thế nào, mức độ đến đâu? Nhà nước sở hữu, nhà nước can thiệp, hay nhà nước kiến tạo?
Ở trên đã làm rõ vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước và nhà nước là một trong ba trụ cột của một nền kinh tế thị trường hiện đại. Vì vậy, không cần thiết đưa thêm cụm từ  “có sự quản lý của nhà nước” vào nội dung đã nêu. Sử dụng cụm từ “có sự quản lý của Nhà nước” cũng không phản ánh chính xác vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Về sự lãnh đạo của Đảng
Sự lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013. Hơn nữa, Đảng lãnh đạo chủ yếu bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước. Mà, vai trò của Nhà nước đã được luận giải ở phần trên, không cần thiết thêm cụm từ “dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Mặt khác, nhà nước bằng các công cụ chính sách định hướng các lực lượng thị trường. Thị trường hiện đại - cũng theo luận giải ở trên bao gồm ba “trụ cột”. Trong đó “thị trường” hoạt động theo quy luật khách quan, đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh và quy luật lợi nhuận. Đưa thêm cụm từ “dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ xuất hiện câu hỏi: Đảng có lãnh đạo “thị trường” không và lãnh đạo theo phương thức nào?
Tổng quát lại: Nên xác định là “xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, theo định hướng XHCN” là đủ. Cũng có thể bổ sung thêm cụm từ “hội nhập quốc tế”, và thể hiện là: “xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế theo định hướng XHCN”.
Về kinh tế nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN
- Kinh tế nhà nước bao gồm tài nguyên thiên nhiên do nhà nước là chủ sở hữu, ngân sách nhà nước, các nguồn dự trữ nhà nước, và cả DNNN.
Kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất, cùng với các công cụ điều tiết và các chính sách khác để nhà nước thực hiện chiến lược tăng trưởng bao trùm, bảo đảm định hướng XHCN của sự phát triển. Vì vây,kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng. Trong đó, DNNN phải hoạt động hiệu quả, tài nguyên thiên nhiên phải được sử dụng tiết kiệm; ngân sách nhà nước phải càng ngày càng lớn cùng với sự phát triển của đất nước theo phương chậm “dân giàu- nước mạnh”. Dân có giàu thì nước mới mạnh và từ dân giàu để làm nên nước mạnh.
- Về DNNN: kinh tế thị trường không loại trừ DNNN nhưng DNNN cũng phải đặt trong môi trường cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đây là yếu tố quan trọng buộc hoạt động của DNNN phải minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, cần nhận thức đúng tính giai đoạn và vai trò giới hạn của DNNN vì thực tiễn lịch sử chỉ rõ DNNN là kém hiệu quả, nhất là khi quy mô kinh tế tăng lên, trường kinh doanh của doanh nghiệp được mở rộng, DNNN lại không được đặt trong môi trường cạnh tranh.
Vì vậy, trước khi dùng DNNN là công cụ thực hiện chinh sách cần đặt câu hỏi: Có lực lượng nào hoặc cơ chế nào thay thế tốt hơn không? Trong điều kiện nước ta, khi kinh tế tư nhân còn bé nhỏ, tiềm lực tài chính, đặc biệt là tiềm lực công nghệ còn rất yếu kém, (nhiều khi có tiền cũng chưa dám đầu tư vì rủi ro lớn) DNNN có thể và cần phải là công cụ để thực hiện  chính sách công nghiệp.
Thử hỏi trong điều kiện nước ta hiện nay, nếu cần (người viết nhấn mạnh) phát triển điện hạt nhân, có doanh nghiệp tư nhân nào có thể đầu tư vào lĩnh vực này. Và, không chỉ điện hạt nhân ngay cả những dàn khai thác dầu mà công ty dịch vụ cơ khí hàng hải thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang chế tạo, trong điều kiện nước ta hiện nay cũng khó có doanh nghiệp tư nhân (DNTN) nào làm nổi?
Mặc dầu khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước, trong đó có DNNN nhưng đối với nước ta, muốn phát triển nhanh, bảo đảm dân giàu nước mạnh, cùng với cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, phải lấy kinh tế tư nhân của người Việt Nam, thông qua doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần đại chúng làm động lực chủ yếu.
Để nền kinh tế thị trường hiện đại vận hành hiệu quả, cần:
- Bảo đảm sự phát triển đồng bộ các loại thị trường, các yếu tố của kinh tế thị trường. Không phát triển đồng bộ, các loại thị trường, các yếu tố của kinh tế thị trường sẽ cản trở, kìm hãm lẫn nhau.
- Phải đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Không đổi mới chính trị sẽ cản trở đổi mới kinh tế. Cần lưu ý rằng hệ thống chính trị không chỉ là những chủ thể thực thi chính sách kinh tế mà còn là đường dẫn cho các chính sách kinh tế đến với thị trường, doanh nghiệp.
- Tăng cường pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền.
- Phát triền cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin nhằm tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển các nguồn lực đến các khu vực có nhu cầu phát triển.
Cuối cùng, việc tham gia các hiệp định mậu dịch tự do mới sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại ở nước ta.

http://www.thesaigontimes.vn/128900/Kinh-te-thi-truong-hien-dai-theo-dinh-huong-XHCN-la-gi.html


---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:




Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 

2 nhận xét:

  1. Một cách nhìn của ông lão gần mươi bảo vệ cho cái sổ hưu thôi. Học thuyết nào cũng do con người tạo ra, nó phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Cái đúng sẽ được phổ quát và có giá trị trên toàn cầu. Đừng vì một hệ tư tưởng, một khái niệm mà kìm hãm thậm chí đẩy dân tộc tới sự diệt vong. Hãy thực tế và thực dụng như Lý Quang Diệu không ý thức hệ, tư tưởng lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Còn hết ý thức hệ này hay tư tưởng nọ nhưng dân vẫn đói bất bình đẳng xã hội tăng , chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm từng ngày thì có ích gì. Giết gà lấy trứng lấy đá nghè chân mà thôi

    Trả lờiXóa
  2. Vẫn không thể hình dung Kinh tế thị trường định hướng XHCN là cái gì.

    Kinh thế thị trường, ngay từ tên gọi, do thị trường quyết định, bị chi phối nặng bởi luật cung-cầu; kinh tế XHCN lấy chế độ công hữu về tư liệu sản xuất làm cơ sở, hoạt động dựa trên kế hoạch áp đặt từ trên xuống.

    Hai cái như nước với lửa, có cái này thì không có cái kia và ngược lại, vậy làm sao chúng có thể "lai" với nhau được?

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.