Viết cho ngày 13/3/2015
Du lãng vùng nông thôn Đà Nẵng hay Huế, vẫn gặp những làng Việt vốn ngày xưa là làng của người Chăm. Tức đất cũ của vương quốc Champa. Người Chăm đã bỏ đi, để lại những di vật nào đó. Lụi tàn, phế tích, hoang hoải. Nhiều khi tần ngần rất lâu bên một mảnh bia khắc chữ Chăm còn lạc trong vườn mía bạt ngàn. Ở đó, mình lại xem cách chế đường độc đáo. Chưa từng thấy ở đâu. Hẳn là kiểu làm đường của người Chăm thời xa xưa.
Thầy Daniel - giáo viên hướng dẫn ngày xưa của mình - là chuyên gia về phương pháp chế đường của người Trung Quốc. Dĩ nhiên là dưới góc nhìn dân tộc học lịch sử. Luận văn học vị của ông viết bằng tiếng Anh, dày cỡ một ngàn trang, là về phương pháp chế đường thời nhà Đường ! Rồi sau này, ông lấy luôn tên Trung Quốc là Đường Lập. Hẹn ông là một lần nào đó sẽ đưa ông tới vùng Đà Nẵng, xem người Chăm cổ sót lại từ thời nhà Đường đang làm đường ở cạnh đường đi như thế nào.
Dân của một số làng hệt như người Chăm xưa. Dĩ nhiên bây giờ là người Việt. Nhưng giọng nói, kiểu tóc, nước da, thì cứ bắt mình nghĩ một liên hệ nào đó giữa Hà Ô Lôi (thằng Lồi đen nào đó) với họ. Có thể xửa xưa họ là Chăm, lâu rồi, thì hóa Kinh.
Ở dưới là về làng Quảng Phương ở Quảng Bình, qua hai mẩu. Một của báo SGGP. Một của Nguyễn Quang Lập.
---
1. Bài của SGGP (từ 2010)
Độc đáo làng văn hóa ở Quảng Phương | |||||
Thứ ba, 20/04/2010, 09:34 (GMT+7) | |||||
Qua hàng trăm năm dựng làng, giữ đất, người dân xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tạo nên nét đẹp rất riêng của mình. Sống văn hóa là một trong những nét văn minh của làng tại Quảng Phương. Vậy nên, ở đây có 4 làng thì cả 4 làng đều được công nhận làng văn hóa cấp huyện.
Từ một điển hình
Quảng Phương có 4 mảnh làng quần tụ nhau hàng trăm năm có lẻ. Khi có chủ trương, lãnh đạo xã chọn làng Pháp Kệ xây dựng làng văn hóa đầu tiên. Đó là mảnh làng sống trên nền đất của người Chăm cổ. Gần một ngàn năm trở thành làng thuần Việt, những dòng họ ở Pháp Kệ đã hun đúc được gia tài văn hóa nổi trội cả vùng. Cư dân Pháp Kệ sống lề lối. Gia phong lễ tiết, truyền thống dòng tộc, họ hàng làng xóm từ xưa vẫn chảy trong huyết quản từng người nên việc dạy dỗ con cái luôn đem lại đạo đức cho con trẻ.
Ông Nguyễn Quốc Thuận (77 tuổi), người làng Pháp Kệ, hào sảng kể: “Làng tui được chọn đầu tiên. Lúc đầu các xóm dựng làng văn hóa bằng cách làm sạch vườn tược, phát quang lối đi. Cuối mỗi tuần, trưởng xóm cùng trưởng thôn đi từng ngõ làng kiểm tra vệ sinh để chấm điểm. Làng có 4 xóm, xóm nào ít điểm nhất bị “tuyên” lên loa truyền thanh. Lâu dần cả 4 xóm đều sạch đẹp”. Tiêu chí dựng làng văn hóa không có trộm cắp, đánh nhau, người làng Pháp Kệ giữ vững từ những năm bao cấp. Ngày huyện cấp bằng văn hóa, Pháp Kệ mở hội đầu làng, mời các làng bên cùng dự. Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Lâm hỏi: “Pháp Kệ làm được, các bậc trưởng thượng của 3 làng còn lại có đốc thúc con cháu dựng làng văn hóa?”. Những bậc bô lão đến dự, hoan hỉ đồng thanh nói to: “Nhất trí”.
Sôi nổi thi đua
Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Lâm nói, về cách dựng làng văn hóa để cả xã trở thành xã văn hóa là một cuộc thi đua sôi nổi. Ông nói: “Làng văn hóa là thương hiệu của thôn quê. Năm 2001 Pháp Kệ được công nhận làng văn hóa. Những làng khác nhìn vào, noi vào đó xem làng mình khiếm khuyết gì mà không được như Pháp Kệ”. Và một cuộc thi đua bền bỉ từ năm này qua năm khác được khởi động. Những trưởng thôn, trưởng xóm họp lại, quây quần cùng nông dân trên bờ xôi ruộng mật phân tích lý lẽ của cuộc sống văn hóa và phải phấn đấu để đạt được làng văn hóa.
Dần dà cuộc thi đua trên cũng đưa đến kết quả tốt nhất. Xã có 4 làng thì cả 4 được công nhận làng văn hóa cấp huyện (Pháp Kệ, Đông Dương, Hướng Phương, Tô Xá). Vui nhất là làng Hướng Phương, một làng có nhiều giáo dân sinh sống.
Hiện tại, xã Quảng Phương có đến 10 đơn vị văn hóa, ngoài 4 làng trù mật được công nhận, còn có 6 đơn vị khác là trường học và UBND xã cũng được công nhận đơn vị văn hóa cấp huyện. Đáng chú ý nhất là đơn vị văn hóa Dòng tu Mến thánh giá nữ Hướng Phương đang nuôi dưỡng hơn 100 cháu bé mồ côi không nơi nương tựa, một đơn vị văn hóa giàu lòng nhân ái.
Một người theo đạo Công giáo Hướng Phương nói: “Làng tui phấn đấu để cho bằng những làng khác. Ai cũng nghĩ làng tui khó lên, nhưng cả làng đồng tâm, đồng lòng. Chừ văn hóa rồi, làng sống không cãi cọ, chẳng trộm cắp, sống lành mạnh, trong sáng, sức làng như lớn thêm, dân làng như vui hơn”.
Ở Quảng Phương, theo lời Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Lâm: “Chưa có hộ giàu” nhưng đã làm được kỳ tích ngoạn mục của 8.000 con dân các làng.
MINH PHONG
|
http://sggp.org.vn/thongtincanuoc/2010/4/223961/
Người từng gặp 3
Những năm 1965- 1975 nhà mình sơ tán ở làng Đông Dương, cách Thị Trấn Ba Đồn có chục cây. Một cái làng rất hay, y như một mảnh đất Nam Bộ rơi xuống vậy, có hoa mai vàng, có rặng trâm bầu sau làng, còn tôm cá thì ê hề, vẫn có câu: Cơm Tô Xá, cá Đông Dương.
Chuyện làng Đông Dương thì nhỉều lắm, sau này từ từ sẽ kể.
Bây giờ kể chuyện anh Đ. thôi, vì anh này hay nhất trong kí ức của mình về cái làng này.
Anh Đ. lùn, đen, xấu. Anh Diệu nói cái mặt thằng Đ. chành bành giống cái l. trâu.
Anh Đ. sống với mẹ già, sau mẹ chết anh ở một mình. Nhà nghèo quá, 24, 25 tuổi rồi hỏi cô nào cũng bị chê.
Anh con liệt sĩ, lại con một, khỏi đi bộ đội. Con trai trong làng ai lớn đều đi bộ đội hết, còn lại dăm ba anh tuổi như anh thôi, chỉ có anh là chưa vợ.
Mẹ anh khóc lên khóc xuống , anh vẫn chẳng quan tâm đến chuyện vợ con. Cho đến khi mẹ anh chết anh vẫn độc thân.
Mình hỏi anh sao anh không lấy vợ. Anh nói tao để vậy để đàn bà nó thèm.
Anh nơm cá cực tài, cầm nơm úp nhoay nhoáy, hễ dừng lại mò là y như có một con cá to. Nghe tiếng đóng thành nơm, anh biết chắc cá nhỏ hay to, ngon hay dở để dừng lại bắt hay không. Chẳng bù cho mình, úp úp mò mò, tóm lại chỉ vài con cá diếc, cá rô.
Một lần úp nơm, bao giờ xâu cá của anh cũng dài nhất, đầy những con cá ngon, đắt tiền.
Mình dân Thị Trấn lên, thấy thế thì thích lắm, bám theo anh suốt ngày.
Anh chỉ làm hai việc: đi đập lúa thuê và nơm cá bán lấy tiền.
Cứ mùa lúa là anh đi đập lúa cho các gia đình có chồng con đi bộ đội, một đêm đập lúa được trả vài lon gạo. Thế cũng đủ sống, lại được tiếng giúp đỡ gia đình bộ đội.
Anh không đoàn đội. Hồi này ai không đoàn đội bị coi như thanh niên chậm tiến, con gái vì thế bụng thì chê nghèo nhưng miệng lại có cớ chê anh chậm tiến.
Hồi này ai bị chê chậm tiến thì sốt ruột lắm, phấn đấu như điên, anh tỉnh bơ, không quan tâm.
Hội họp cuộc nào anh cũng đến nhưng chỉ đứng sau nghe. Thanh niên làng tranh nhau lên nói toàn từ sáo rỗng- lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v.. Anh cười hậc, é he một tiếng to rồi phủi đít quần ra về.
Hôm sau họp anh lại đến, lại đứng sau, lại nghe lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v.. Anh lại cười hậc, é he một tiếng, phủi đít quần ra về.
Luôn luôn như thế.
Anh Cư gặp mình nói Lập ngoan, học giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, đừng quan hệ với thanh niên chậm tiến.
Mình dạ dạ nhưng vẫn chơi với anh Đ. như thường.
Đêm nào cũng vậy, con trai lớn chút trong làng đều đi đặt túm bẫy lươn, câu cá cặm. Đặt đầu hôm, bá bốn giờ sáng thì đi thăm.
Một đêm mình đi thăm túm lươn, hôm đó được nhiều, hơn chục con, mừng lắm hí hửng xách oi về thì gặp anh Đ. đi từ nhà chị Th. ra. Mình hỏi anh đi đâu, anh nói không.
Minh thấy anh mặc cái áo bộ đội dài gần đến gối ( anh lùn mà). Nghi nghi, mình kéo vạt áo anh lên, chim cò phơi ra cả, hoá ra anh không mặc quần. Mình ngạc nhiên nói sao vào nhà người ta lại không mặc quần, anh cười phì một tiếng rồi bỏ đi.
Nhà chị Th. một mẹ một con, chồng đi bộ đội, thằng cu con chị mới hơn 4 tuổi. Mình nghi lắm.
Mình lẻn theo anh Đ.
Anh Đ. lại vào nhà chị H. Chị H. có chồng hy sinh, vừa báo tử năm ngoái. Chị vẫn say sưa sinh hoạt đoàn, biến đau thương thành hành động cách mạng, hăng hái phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v. Bà con làng xóm khen lắm, vẫn nói với con gái con dâu: đó, sang nhà con H. mà coi.
Mình vào sau hồi nhà chị H. Tối quá không thấy gì, chỉ nghe chị kêu hệt như mèo kêu.
Mình chặn anh Đ. ở cổng nhà chị H. nói em biết rồi nha. Anh Đ. túm cổ áo mình nói mày nói tao giết.
Về sau, lần nào đi nơm anh vừa nơm suất của anh, vừa nơm suất của mình. Mạ mình toàn khen thằng Lập dạo này nơm cá giỏi. Hi hi.
Làng Đông Dương có chừng 4-5 trăm nóc nhà, hơn 1 trăm nóc là nhà hoặc là vợ bộ đội hoặc là vợ liệt sĩ. Không biết anh Đ. chui vào bao nhiêu nhà trong số 100 nóc nhà ấy, chỉ biết suốt cuộc chiến tranh 1965-1975, tối nào cứ đến 3-4 giờ sáng anh Đ. lại mặc cái áo bộ đội dài đến đầu gối, không thèm mặc quần, đi hết nhà này đến nhà kia, 5 giờ sáng thì về.
Mình hỏi sao anh không mặc quần. Anh nói mặc mần chi, cởi vô cởi ra mệt.
Hoà bình, anh Đ. hơn ba chục tuôỉ vẫn chưa vợ.
Một hôm làng tổ chức tuyên dương các mẹ các chị là vợ con bộ đội chung thuỷ đảm đang. Các mẹ các chị sắp hàng dài nhận phần thưởng, nhận giấy khen, mặt ai nấy hớn hở.
Anh Đ. cũng đến, đứng sau cùng, nghe chị H. đại diện phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v Anh Đ. cười hậc, é he một tiếng to rồi phủi đít quần ra về
http://www.tanvien.net/Presentation/nql_2.html
Cuộc sống vốn dĩ có hai mặt, mặt sáng và mặt tối . Nhiều người ngại đụng chạm không dám nhắc tới mặt tối,chỉ nói về mặt sáng vốn đã sáng sẵn . Bọ Lập thì không ,dám đụng tới những góc khuất,tăm tối nhất trong cuộc sống ,vì thế trong lòng độc giả có Bọ
Trả lờiXóaNhân vật Đ. H. Th.vừa đáng giận vừa đáng thương ,bởi vì trong cuộc sống điều gì cũng có thể xảy ra .Nhu cầu tình dục là bản năng của muôn loài ,con người cũng không ngoại lệ , phê phán hay cảm thông tuỳ thuộc vào cảm nghĩ của từng người. Những nhân vật trên đâu phải mỗi quê Bọ Lập mới có,mà nó có ở khắp mọi miền trong thời chiến và ngay thời hiện tại
Đọc đến đoạn cô H nhận huân chương rồi phát biểu này nọ nghe đắng chát trong lòng,đắng cho ngay thời bây giờ có nhiều người suốt ngày rao giảng đạo đưc cho thiên hạ mà bản thân mình thì làm ngược lại. .Nghĩ mà buồn
Đồng quan điểm với bác Salam là cuộc sống vốn có hai mặt, mà thường thì rất ngại động chạm đến mặt tối.
XóaNhà văn là người ghi lại những gì nó vốn có như thế trong cuộc sống.
Câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Quang Lập kể là một mẩu từ kí ức của ông, ở dạng ghi lại như vậy.
Tuy nhiên, sự thực câu chuyện đến đâu thì không hề biết. Sự cường điệu, thêm mắm thêm muối đến đâu, ta không thể biết, chỉ có thể tin tưởng vào "lương tâm" của nhà văn thôi.