Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/11/2014

Cảm giác về bỏ phiếu, và về tín nhiệm

Bỏ phiếu.

Ở đây là nói về cảm giác mang tính ngôn ngữ. Giữa tiếng Việt và tiếng Nhật. 


Trong cảm thức tiếng Nhật, tai của người nghe hay vướng, tức là đọng lại ở u u quanh đâu đó, là chữ "bỏ phiếu bất tín nhiệm". Mà rút gọn, vướng lại chữ "bất tín nhiệm". Cái này, ở Nhật rất hay vướng vào tai, mà thật ra là dễ đọng lại trong tai, một cảm thức ngôn ngữ. Bởi, quả thực, quốc hội Nhật luôn là bỏ phiếu bất tín nhiệm

Còn trong tiếng Việt hiện tại, chữ "tín nhiệm" được nổi trội. Bằng cảm thức ngôn ngữ, nó định vào trong tai của chúng ta. Dù là anh lơ đãng, điếc lác về thời đàm đi nữa, chỉ liếc xem tivi hàng ngày cơm ba bữa.

Tựa như chữ "bất tín nhiệm" bị kiêng tránh. Bởi vậy, phải là ba cấp độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Kiểu gì cũng là "tín nhiệm" cả. Một sáng tạo đặc biệt, không thể thấy ở đâu.

Giữa Nhật Bản và Việt Nam là khác vậy. Bởi, kết cấu xã hội khác nhau. Cảm thức ngôn ngữ sẽ khác. Cái tai của người bình thường cũng khác. Lí do tự thỏa đáng với kết cấu từng xã hội. Ở đây, chỉ nói về sự khác. Đa dạng và cùng tồn tại, là bởi khác.

Mà cái khác là đã định vị từ hàng trăm năm trước. Lúc Nhật Bản cải cách rồi đi vào con đường đế quốc, thì Việt Nam lại bị đô hộ bởi đế quốc.

Lúc quân đội Nhật tiến vào Lạng Sơn, thì cụ Phan Bội Châu đã không còn. Nếu còn tại thế, chắc cụ sẽ hết sức bất ngờ. Cái chung "máu đỏ da vàng" không cản được bước tiến của con ngựa Mãn Châu.

---
LƯU TƯ LIỆU

Các bổ sung ở dưới đây thể hiện những cái nhìn khác nhau về kết quả lấy phiếu tín nhiệm của ngày 15/11/2014.


Bổ sung 6 (21/11/2014): Một số đại biểu quốc hội đã lên tiếng, đề nghị chỉ còn hai mức rõ ràng là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".

Thứ năm, 20/11/2014 | 20:58 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: 'Tại sao ấn định lãnh đạo đều được tín nhiệm?'


Phần lớn ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đề nghị chỉ nên quy định 2 mức phiếu "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" khi đánh giá các vị trí chức danh lãnh đạo cấp cao.


Báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội nội dung dự thảo Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chiều 20/11, Ủy ban thường vụ Quốc hội giữ nguyên 3 mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” và chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ.
Phản đối nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp cho rằng, quy định 3 mức tín nhiệm dẫn đến hệ quả, chưa cần tiến hành lấy phiếu đã mặc định kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp.
nga1-4753-1416499464.jpg
Phó chủ nhiệm UB Tư Pháp Lê Thị Nga: "Dựa trên căn cứ nào mà Quốc hội ấn định tất cả người đứng đầu đều được tín nhiệm". Ảnh: Tiền phong
"Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?", bà Nga đặt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị cần phải có mức phiếu “không tín nhiệm” để phù hợp với quy định đánh giá cán bộ “không hoàn thành nhiệm vụ” thể hiện tại Điều 29 Luật cán bộ, công chức. Nếu không có quy định “không tín nhiệm” thì vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu Quốc hội, hạn chế luôn cả quyền của cử tri vì lá phiếu đánh giá là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình vì nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ.
"Chỉ cần quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm và không tín nhiệm”, bà Nga đề xuất.
DBQH-TP-Ha-Noi-Chu-Son-Ha-phat-8284-5264
Đại biểu Chu Sơn Hà. Ảnh: TTX.
Chia sẻ với bà Nga, đại biểu Võ Thị Dung nêu câu hỏi, việc sửa đổi này phải chăng là đã quá lo cho sự “an toàn” của người được lấy phiếu? "Tôi tha thiết đề nghị nên thể hiện hai mức 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm' khi lấy phiếu", bà Dung đề xuất.
Đa số đại biểu cũng không đồng tình với quy định trong dự thảo khi chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong cả một nhiệm kỳ. Đại biểu Chu Sơn Hà cho biết, rất đông cử tri đề nghị mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần. Lần thứ nhất là cuối năm thứ 2 và lần thứ 2 là cuối năm thứ 4. Quá trình giãn ra đủ để những người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
"Lấy phiếu tín nhiệm lần 2 tương tự như tái giám sát các cuộc giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội. Lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm, lần thứ 2 tái giám sát để xem các vị đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội ra sao, chuyển biến như thế nào", ông Hà phân tích.
Theo vị đại biểu Hà Nội, lần đầu lấy phiếu tín nhiệm nên là cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ. Lúc này, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã có đủ thời gian để nắm bắt công việc và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao. Hai năm tiếp theo, căn cứ vào kết quả tín nhiệm, những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ khắc phục, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ. Và lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai được tổ chức vào cuối năm thứ 4 để lấy kết quả phục vụ cho đại hội Đảng các cấp. Đây là một kênh quan trọng để người dân có căn cứ đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Thị Nga phân tích, nếu kết quả lấy phiếu lần đầu cho kết quả tín nhiệm đối với một chức danh không cao thì lần thứ 2 ghi nhận nỗ lực, chuyển biến của nhiều Bộ trưởng. "Vậy tại sao chúng ta tự tước đi quyền ghi nhận của Quốc hội, quyền được ghi nhận các chức danh về nỗ lực khắc phục hạn chế? Họ sẽ mãi mãi mang tiếng là bị tín nhiệm thấp?", bà Nga phân tích.
Đại biểu Bùi Thị An cũng thống nhất, nếu chỉ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm một lần mỗi nhiệm kỳ thì sự theo dõi, đánh giá các chức danh không liên tục, người được lấy phiếu không khắc phục được khiếm khuyết của mình.
“Lãnh đạo có tầm, có tâm sẽ coi lấy phiếu là cơ hội để khắc phục khuyết điểm”, đại biểu An nhấn mạnh.
Hoàng Thuỳ


Bổ sung 5 (17/11/2014): Trịnh Hữu Long và Đoan Trang tổng hợp.




Posted on Nov 17, 2014 in Tìm hiểu Pháp luật | 0 comments

Trịnh Hữu Long – Đoan Trang 
Ngày 15/11, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành cuộc “lấy phiếu tín nhiệm” lần thứ hai trong lịch sử của mình. Vì đây là một hoạt động mới mẻ ở nước ta, có thể có những điều bạn chưa biết về cơ chế đánh giá tín nhiệm thường được gọi là “bỏ phiếu bất tín nhiệm” này. Chẳng hạn, bạn có tin là Tổng thống Pháp được miễn trừ khỏi các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm? Sau đây là năm điều lý thú mà Luật Khoa tạp chí đã chọn ra để chuyển tải đến bạn đọc.
1. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới đã diễn ra cách đây… 232 năm
Tháng 10/1781, quân Anh bại trận ở Yorktown trong một cuộc chiến với Mỹ. Quốc hội Anh liền bỏ phiếu để tuyên bố rằng họ “không còn có thể tin tưởng vào các vị bộ trưởng hiện tại nữa”. Tháng 3/1782, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trong lịch sử diễn ra ở Anh. Phản ứng của Thủ tướng Lord North là yêu cầu vua George đệ Tam chấp nhận cho ông từ chức. Cho tới giữa thế kỷ 19, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm để giải tán chính phủ đã trở thành một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra ở Anh. Trong lịch sử, Liên hiệp Vương quốc Anh đã có tới 11 thủ tướng bị mất chức vì bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà gần đây nhất là James Callaghan (1979).
2. Bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể đồng thời bầu ra một lãnh đạo mới
Thông thường, các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể dẫn đến hậu quả là một thủ tướng phải từ chức, một chính phủ bị sụp đổ và một cuộc bầu cử mới có thể được tiến hành sau đó.
Tuy nhiên, ở một số nước như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hungary, Slovenia và Lesotho, các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người đứng đầu chính phủ phải đồng thời đi kèm với việc bầu ra được một lãnh đạo mới (đồng nghĩa với việc thiết lập một chính phủ mới). Điều đó có nghĩa là, bà Angela Markel, Thủ tướng đương nhiệm của Đức, chỉ mất chức nếu quốc hội bầu ra được một người khác thay thế bà ngay trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Khái niệm này được gọi là “bỏ phiếu bất tín nhiệm có tính xây dựng” (constructive vote of no confidence) và cũng chính người Đức đã khởi xướng ra khái niệm này.
Ngày 1/10/1982, Thủ tướng Helmut Schmidt của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã mất chức vào tay ông Helmut Kohl của đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) theo cách như vậy.
Trước đó 10 năm, ngày 27/4/1972, Thủ tướng Willy Brandt của đảng SPD lại thoát nạn khỏi một cuộc bỏ phiếu tương tự nhờ nhỉnh hơn phe đối lập… hai phiếu.
3. Nước Mỹ không có bỏ phiếu bất tín nhiệm
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thậm chí còn không có bất cứ thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm nào. Thay vào đó, họ dùng các “nghị quyết” (resolution) để bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với một quan chức chính phủ nào đó.
Chẳng hạn, vào năm 1950, Ngoại trưởng Dean Acheson đã bị Quốc hội lên án bằng một nghị quyết như vậy vì đã không nỗ lực đủ để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Nghị quyết này không mang lại một hậu quả pháp lý nào, vì Dean Acheson vẫn giữ ghế ngoại trưởng cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống Harry Truman vào năm 1953. Các nghị quyết này, do đó, chỉ mang tính biểu tượng, răn đe hoặc cảnh cáo.
4. Tổng thống Pháp được miễn trừ khỏi các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ít nguyên thủ quốc gia nào có quyền lực rộng rãi như vị tổng thống của nền Cộng hòa thứ Năm của nước Pháp hiện nay. Ông được miễn trừ mọi trách nhiệm hình sự (ngoại trừ tội phản quốc) và không thể bị cách chức hay miễn nhiệm bởi bất cứ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào.
Việc này xuất phát từ cuộc khủng hoảng của nền Cộng hòa thứ Tư vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, khi một Chính phủ Pháp yếu kém lúc đó không thể giải quyết được vấn đề độc lập của Algeria và đứng trước bờ vực của một cuộc nội chiến. Tướng Charles de Gaulle, khi đó đã nghỉ hưu, nhận lời mời trở lại chính trường với điều kiện phải cho ông khởi thảo một bản hiến pháp mới tập trung quyền lực vào tay tổng thống. Cuộc phúc quyết hiến pháp ngày 29/8/1958 đã hiện thực hóa ý tưởng đó của ông với 79,2% số phiếu chấp thuận của toàn dân, mở ra nền Cộng hòa thứ Năm của đất nước này.
Ngày nay, người Pháp có vẻ đã bắt đầu mệt mỏi với những vị tổng thống không-thể-bị-đụng-tới đó. Một dự luật mới trao cho quốc hội và tòa án Tối cao quyền luận tội và cách chức tổng thống đã được lưỡng viện Quốc hội Pháp thông qua vào cuối tháng 10-2014 và đang được Hội đồng Bảo hiến Quốc gia xem xét trước khi có thể trở thành luật.
5. Bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể bị trì hoãn bằng cách cho quốc hội… tạm nghỉ việc
Đó là chuyện đã xảy ra ở Canada vào cuối năm 2008. Vào thời điểm đó, trước sự chỉ trích của phe đối lập, Thủ tướng Stephen Harper phải đối mặt với hai rủi ro chính trị: một là từ chức, hai là bị bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập khởi xướng. Tình thế lúc đó cho thấy là Harper nắm chắc phần thua nếu để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được diễn ra.
Ông đã khôn ngoan lách qua tình thế hiểm nghèo này bằng cách đề nghị Tổng Toàn quyền (Governor General, đại diện của Nữ hoàng Anh ở Canada) tạm dừng hoạt động của Nghị viện cho đến ngày 26/1/2009 và trở thành thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Canada làm như vậy.
Đề nghị của Harper được chấp thuận vào ngày 4/12/2008, bốn ngày trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến diễn ra. Khoảng thời gian gần hai tháng Nghị viện ngừng hoạt động đó đủ để Harper cứu vãn tình hình và giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tổ chức vào ngày 29/1/2009.



Bổ sung 4 (16/11/2014): Phân tích của chuyên gia thống kê.

Nguyễn Văn Tuấn



Saturday, November 15, 2014


Đọc kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội

Thế là Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 nhân vật trong Chính phủ (1). Đọc qua kết quả này cũng thú vị. Nhưng nếu phân tích như cách làm của VNexpress thì sẽ không nói hết "câu chuyện" được, vì chưa xem xét đến trọng số của 3 loại phiếu tín nhiệm, và chưa so sánh với kết quả năm ngoái. Tôi thử đọc lại kết quả năm nay và so sánh với năm ngoái thì thấy một xu hướng rất thú vị: 16 (35%) người có điểm giảm, 2 người không thay đổi, và 28 người (61%) có điểm gia tăng.


Xin nhắc lại là cách mà QH lấy phiếu tín nhiệm là rất lạ lùng (nhưng chúng ta phải sống với cách làm đó). Thang điểm tín nhiệm chỉ có 3 điểm: 

• Tín nhiệm cao
• Tín nhiệm 
• Tín nhiệm thấp

Phóng viên Reuter mỉa mai gọi cách lấy phiếu như thế này là phường tuồng (2). Nhưng cách họ làm khá nhất quán với năm 2013, và điều đó rất tốt để công chúng có thể so sánh xem các nhân vật trong Chính phủ "làm ăn" ra sao sau một năm bị cho điểm.

Báo chí có vẻ lấy số phần trăm “Tín nhiệm cao” để so sánh, nhưng cách làm này không công bằng. Để minh hoạ, chúng ta có thể xem hai trường hợp sau đây: Ông Phạm Bình Minh và ông Nguyễn Tấn Dũng đều có 320 phiếu "tín nhiệm cao", nhưng không thể nói họ có tín nhiệm tương đương nhau, vì chưa xem xét đến số phiếu "Tín nhiệm" mà ông Minh có 146 và ông Dũng có 96 phiếu; và số phiếu "Tín nhiệm thấp" của ông Minh là 19 so với của ông Dũng là 68.

Do đó, để so sánh công bằng, cần phải định lượng cho từng cá nhân. Ở đây, mấy người trong Quốc hội chỉ cho các điểm “tích cực” (tín nhiệm), nhưng chúng ta có thể hiểu rằng những người đánh giá điểm “Tín nhiệm thấp” có nghĩa là “Không tín nhiệm” và “Rất không tín nhiệm”. Những người cho điểm “Tín nhiệm” có thể phản ảnh cả đánh giá “Không tín nhiệm”. Giả định đằng sau của thang điểm Likert là có một biến số liên tục. Trong trường hợp chúng ta đang bàn, từ “Rất không tín nhiệm” đến “Rất tín nhiệm” là một dãy số liên tục từ -1 đến +1 (trung bình là 0).

• Rất tín nhiệm cao: trọng số từ 0.5 đến 1 (trung bình là 0.75). 
• Tín nhiệm: trọng số từ 0 đến 0.5 (trung bình 0.25)
• Tín nhiệm thấp: trọng số 0 đến -1 (trung bình -0.50)

Do đó, trong trường hợp ông Phạm Bình Minh, với 320 phiếu “Tín nhiệm cao”, 146 phiếu “Tín nhiệm”, và 19 “Tín nhiệm thấp”, chúng ta có thể tính điểm quân bình là:

(320*0.75 + 146*0.25 –19*0.50) / 480 = 0.55

và ông Nguyễn Tấn Dũng:

(320*0.75 + 96*0.25 – 68*0.50) / 491 = 0.48

Nói cách khác, điểm của ông Phạm Bình Minh cao hơn ông Nguyễn Tấn Dũng 0.07 điểm. 

Tính tương tự, tôi có bảng sau đây. Bảng này cũng so sánh điểm năm 2014 và 2013, dĩ nhiên là cùng một cách tính. Bảng xếp hạng (theo điểm 2014) có khác biệt khá nhiều so với bảng của VNexpress vì cách tính của tôi có trọng số. Có thể rút ra vài điểm chính từ bảng này như sau:

Tính trung bình, điểm tín nhiệm của năm 2014 chỉ 0.42 với độ lệch chuẩn là 015. Con số điểm trung bình này tăng 0.03 điểm so với 2013. Tuy nhiên, mức độ tăng rất thấp nếu so với độ lệch chuẩn. Nói theo ngôn ngữ "effect size" thì đây là ảnh hưởng rất thấp.

Năm 2014, bà Kim Ngân có điểm cao nhất (0.64), kế đến là ông Trương Tấn Sang (0.61) và Trương Thị Mai (0.61). Tất cả những người còn lại đều có điểm dưới 0.60. Riêng ngài Thủ tướng thì có điểm 0.48, đứng hạng 23/50. Người "đội sổ" năm 2014 là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (điểm chỉ 0.05)! Người có số điểm thấp khác là ông Bộ trưởng Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh (0.10) và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình (0.11).

Phân tích theo nhóm thì những thành viên Chính phủ có điểm thấp hơn thành viên Quốc hội. Điểm trung bình của các thành viên Chính phủ năm 2014 là 0.37, còn của các thành viên Quốc hội là 0.51.

So sánh với điểm năm 2013, tôi thấy điểm năm 2014 có nhiều dao động. Biểu đồ sau đây cho thấy đa số là có tăng điểm (những điểm nằm trên đường màu đỏ). Thật vậy, trong số 46 người có điểm 2 năm liền (vì ông Nguyễn Thiện Nhân không có trong danh sách năm 2014) thì có đến 28 người (tức 61%) có điểm tăng. Ngược lại, có 16 (35%) người bị giảm điểm, và 2 người không thay đổi.

Người có điểm tăng "ấn tượng" nhất là ông Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình! Năm 2013 ông này đứng cuối bảng (điểm chỉ 0.02), nhưng chẳng hiểu sao năm 2014, ông này có điểm tăng vọt lên 0.52! Có thể nói ông là người có mức độ tiến bộ cao nhất. Người kế tiếp có điểm tăng cao là ông Đinh La Thăng (tăng 0.29 điểm), Nguyễn Tấn Dũng (tăng 0.26 điểm), Trịnh Đình Dũng (tăng 0.19), Bùi Quang Vinh (tăng 0.16), và Nguyễn Xuân Phúc (tăng 0.13).

Người có điểm giảm mạnh nhất là ông Nguyễn Thái Bình, từ 0.24 năm 2013 xuống còn 0.11 năm 2014. Một người trước đây từng có điểm rất thấp là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng giảm từ 0.13 năm 2013 xuống chỉ còn 0.05 năm 2014. Bà Kim Tiến có đến 192 phiếu (tức 40%) "tín nhiệm thấp".

Đứng trước một kết quả phân tích, chúng ta thường có 3 câu hỏi: kết quả này có đáng tin cậy không, chúng ta nên diễn giải kết quả này như thế nào, và chúng ta phải làm gì? Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất là đáng tin cậy, vì số liệu này của Quốc hội cung cấp. Tuy có vài vấn đề nghiêm trọng về sách thức soạn thang điểm, nhưng nhìn chung nó cũng cho chúng ta một "câu chuyện" đằng sau những con số. Chẳng hạn như con số "Tín nhiệm thấp" chắc chắn có thể đọc là "Không tín nhiệm". Bởi vì người ta không được phép lựa chọn "Không tín nhiệm" nên phải dồn hết cho "Tín nhiệm thấp". Kể ra cách thức soạn thang điểm như thế này chẳng những phi khoa học, mà còn thể hiện một sự ngạo mạn và khinh thường công chúng. Ngạo mạn là vì thang điểm là cách nói "Chúng tôi làm như thế, các anh làm gì được tôi". Khinh thường là vì có thể người soạn thang điểm nghĩ rằng công chúng đều ngu dốt, nên mới dám cho ra thang điểm 1 chiều.

Diễn giải kết quả như thế nào? Theo qui ước tính của tôi thì điểm tối đa là 0.75, tức là điểm "tín nhiệm cao". Do đó, con số điểm trung bình 0.42 năm 2014 có nghĩa là chỉ đạt 56% điểm tối đa, tức chỉ trên trung bình một chút. Ngay cả người có phiếu tín nhiệm cao nhất (bà Kim Ngân) cũng chỉ đạt 85% điểm tối đa. Thông thường, điểm ~90% điểm tối đa được xem là "xuất sắc", và chiếu theo qui tắc này thì không một ai trong 50 người chủ chốt của chế độ được điểm xuất sắc.

Tôi thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm nay (2014) có phần tăng nhẹ so với năm 2013. Điều này hơi khó giải thích vì tình hình kinh tế - xã hội trong năm qua không được khả quan mấy, vậy mà các đại biểu QH lại cho điểm tăng! Chẳng hạn như trường hợp ông Nguyễn Văn Bình (nhân vật quan trọng trong nền kinh tế), dù nước còn nợ nần chồng chất, nhưng điểm của ông tăng cao nhất. Như vậy, có thể nói rằng những gì đại biểu QH đánh giá chưa chắc tương đồng với cảm nhận của người dân.

Có một điều khá thú vị là số điểm dường như có tương quan nghịch đảo với thực quyền. Nhìn vào bảng điểm, chúng ta dễ nhận ra những người đứng đầu bảng là người ít có quyền (như thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, v.v.), nhưng những người có điểm thấp toàn là người có quyền executive bên Chinh phủ. Chẳng hạn như người có ít thực quyền executive nhất (?) là bà Kim Ngân) cũng là người có điểm cao nhất; ngược lại, người có thực quyền cao nhất về giáo dục và y tế lại là người có điểm thấp nhất. Điều này có thể nói lên rằng đại biểu Quốc hội cho điểm cao những người nói và làm luật, chứ họ không "ấn tượng" với người làm.

Câu hỏi thứ ba có lẽ là quan trọng nhất: phải làm gì với kết quả này? Chẳng lẽ chỉ công bố con số rồi ngưng ở đó, thì hoá ra chỉ là trò chơi tốn tiền. Tuy nhiên, chúng ta là công chúng, không ở vị trí để quyết định, nên chỉ đọc để biết "những điều mắt thấy mà đau đớn lòng". Nhưng các vị ở vị trí quyết định (decision makers) nên suy nghĩ phải làm gì với những người với điểm tín nhiệm chẳng những đã thấp mà còn giảm so với năm trước. "Nhất quá tam", chẳng lẽ để các vị ấy bị đánh giá thấp một lần nữa?

Tóm lại, điểm tín nhiệm năm nay (2014) tuy có khá hơn so với năm trước, nhưng mức độ cải tiến còn quá khiêm tốn. Phân tích ở mức độ cá nhân cho thấy những người có điểm tăng mạnh là ông Nguyễn Văn Bình và Đinh La Thăng, và những người có điểm giảm mạnh là bà Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Nguyễn Thái Bình. Số còn lại thì tăng/giảm không đáng kể. Điều thú vị là tính trung bình điểm tín nhiệm của các vị trong Chính phủ thấp hẳn so với điểm của các vị trong Quốc hội. Tuy nhiên, không một vị lãnh đạo nào được đánh giá xuất sắc (đạt 90% điểm tối đa).

=====



Biểu đồ điểm tín nhiệm cho năm 2014 (trục tung) và 2013 (trục hoành). Mỗi điểm dot là 1 cá nhân. Đường màu đỏ là "line of identity" (đường tham chiếu), có nghĩa là nếu điểm của năm 2013 và 2014 bằng nhau thì tất cả các điểm nằm trên đường này. Điểm nằm trên đường tham chiếu là thể hiện tăng, dưới đường tham chiếu là thể hiện giảm. Vì dụ như bà Kim Tiến, điểm năm 2013 là 0.13 và giảm xuống còn 0.05 trong năm 2014, nên bà "nằm" dưới đường tham chiếu. Còn ông Nguyễn Văn Bình thì "nằm" trên đường tham chiếu khá cao.




Bảng điểm tổng hợp cho năm 2014 và 2014 cho từng nhân vật (chỉ tính những người có 2 điểm trong 2 năm). Trọng số là 0.75 cho "Tín nhiệm cao", 0.25 cho điểm "Tín nhiệm", và -0.5 cho điểm "Tín nhiệm thấp". 




---
Bổ sung 3 (16/11/2014): Ý kiến ông Dương Trung Quốc.





Ông Dương Trung Quốc: Cơ sở nào để tin kết quả lấy phiếu tín nhiệm?

(GDVN) - Chống tham nhũng như tập trận giả hiện nay sẽ rất khó cho các Đại biểu Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm chính xác với từng Bộ trưởng.


Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp chiều 10/11, Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn hình thức. Để bỏ phiếu chính xác thì Đại biểu Quốc hội rất cần nhiều thông tin cụ thể, đặc biệt là tài sản của người được lấy phiếu.
Chưa có cơ sở dữ liệu tốt để đánh giá chính xác tín nhiệm
Ông có cho rằng, ở lần lấy phiếu thứ hai này, các Đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá chính xác hơn về mức độ tín nhiệm của các Bộ trưởng?
Ông Dương Trung Quốc: Sau một khoảng chững để điều chỉnh lại thì cơ bản người ta thấy được hiệu ứng tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, phiếu tín nhiệm vẫn để ở 3 mức, điều đó thể hiện những người thực hiện chủ trương muốn nhấn mạnh đây không phải là một cuộc bỏ phiếu mà chủ yếu cho thấy những hiệu ứng tích cực từ lần bỏ phiếu trước.
Chúng ta cũng chú ý tới khuynh hướng khi bàn về luật tổ chức chính phủ đã xây dựng một lộ trình cho việc từ chức, điều đó thể hiện sự giám sát của Quốc hội đối với những cá nhân, đối tượng được dân bầu trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đòi hỏi phải đạt được kết quả như ý muốn ngay trong một thời gian ngắn là rất khó. Tôi nghĩ hãy chờ thêm một lần lấy phiếu này nữa để xem nó thế nào. Tôi vẫn thấy rằng có hình thức lấy phiếu này cùng với hình thức chất vấn tại Quốc hội thì các Bộ trưởng cũng quan tâm hơn đến những phản ánh.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh, phải có một cơ sở dữ liệu tốt thì mới có thể đánh giá chính xác phiếu tín nhiệm. Ảnh: Ngọc Quang
Ông có cho rằng việc lấy phiếu như vậy nhìn ở góc độ nào đó thì vẫn còn hình thức?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ cũng không hoàn toàn như thế. Nó vẫn có những hiệu ứng nhất định. Chúng ta đòi hỏi ngay một lúc mà có kết quả như mong muốn thì không được. Bản thân tôi là Đại biểu Quốc hội được tham gia bỏ phiếu cũng rất cân nhắc. Mình không có đủ dữ liệu, vì chỉ qua dư luận xã hội, chỉ qua báo chí nên không đủ thông tin để thực hiện quyền lực của mình theo đòi hỏi, mong muốn của người dân.
Để có đủ thông tin giúp đại biểu đánh giá chính xác, theo ông cần có đề xuất gì?
Ông Dương Trung Quốc: Muốn có một cách bỏ phiếu mang tính khẳng định như thông lệ các nước trên thế giới thì nó phải có một cơ sở dữ liệu thật tốt. Khi đó, người bỏ phiếu mới cảm thấy điều mình làm là có trách nhiệm.
Ví dụ chuyện chống tham nhũng, hình như là tập trận giả. Vì quan trọng nhất của chống tham nhũng là phải kiểm soát được tài sản; phải giám sát được phương thức thanh toán của xã hội. Lâu nay, ta vẫn duy trì cách dùng đồng tiền như hiện nay thì không có cách gì có thể ngăn chặn được.
Đó là yếu tố tiên quyết, nhưng chưa bao giờ thấy nhà nước quan tâm đến chuyện đó một cách ráo riết và có lộ trình bao nhiêu năm thì có thể giám sát được. Nếu không đi theo điều đó thì quyết định của mỗi đại biểu ở lá phiếu chỉ có thể thỏa mãn phần nào ý muốn của dân chúng, nhưng tính chính xác thì tôi rất e ngại.
Muốn đánh giá tốt, nó phải kèm theo các yếu tố rất cụ thể để Đại biểu Quốc hội quyết định lá phiếu của mình một cách có trách nhiệm, không cảm tính. Tôi lấy vị dụ một câu chuyện đơn giản về tài sản của Chủ tịch tỉnh Bình Dương mà không có ai có thể kết luận là đúng hay sai. Nói ông ấy có 2 khối tài sản, ngoài cái nhà là cái đồn điền cao su. Nhưng lại nói nhờ cái đồn điền mà ông ấy xây cái nhà là bình thường. Cách nhìn nhận vẫn còn loanh quanh.
Làm sao để Đại biểu bỏ phiếu không cảm tính?
Việc lấy phiếu tín nhiệm lại bao gồm cả khối hành pháp và tư pháp lẫn vào nhau. Như vậy liệu có công bằng không? Khối hành pháp bao giờ cũng va vấp hơn khối lập pháp, nói nôm na như bỏ cùng một giỏ?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi không nghĩ đây là bỏ cùng một giỏ, vì ở đây vẫn có 3 mức đấy thôi. Bản thân một Đại biểu Quốc hội có hiểu hết công việc trách nhiệm của người đó không là một vấn đề không đơn giản.
Càng đặt vấn đề đó bao nhiêu thì năng lực của đại biểu càng phải cao bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng đại biểu rất dễ cảm tính. Khi mình quyết định, mình rất lưỡng lự chuyện ấy. Không biết là có chính xác hay không.
Bộ trưởng Đinh La Thăng được dư luận xã hội đánh giá cao trong thời gian gần đây.
Hiến pháp quy định rất rõ là chỉ có bỏ phiếu. Quốc hội mình lại nghĩ ra có thêm bước lấy phiếu. Có nên 2 bước như hiện nay không?
Ông Dương Trung Quốc: Nếu để 2 mức là theo thông lệ quốc tế. Đấy là bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm thì các nước cũng không ai làm đại trà như mình.
Ở các nước có thể chỉ bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ thôi. Ông Thủ tướng có quyền thay đổi lại nội các của mình hoặc Thủ tướng bị truất quyền, tùy theo cách đặt vấn đề.
Triển khai bỏ phiếu tín nhiệm thế nào theo tôi nghĩ nó cũng có một quá trình. Cần có một quá trình chứ không nên ngay thể lúc. Dân chủ thì ai cũng muốn, nhưng năng lực để thực hiện công cụ ấy cũng không hề đơn giản.
Nói thế cũng không phải mình bàn lùi, nhưng tự thân mình khi đánh giá người kia sẽ nổi lên là nể nang nhau, cảm tính, thậm chí không liên quan đến yếu tố mình phải đánh giá mà là cái khác. Dẫu sao theo tôi nên một vài lần nữa xem thế nào. Vì cái này hoàn toàn điều chỉnh được và thực hiện đúng Hiến pháp.
Trân trọng cảm ơn ông!



---
Bổ sung 2 (16/11/2014): Đại biểu Quốc hội chia sẻ.

15/11/2014 19:01 GMT+7

'Kết quả tín nhiệm rất hay'

 Kết quả "hay" ở chỗ những người năm ngoái nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì lần này có sức bật vươn lên rất mạnh mẽ. Điển hình trong đó là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - ĐB Trần Thị Quốc Khánh.
Theo ghi nhận các ý kiến bên hành lang QH chiều nay, kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, QH đã phản ánh đúng với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và mong đợi của cử tri.
phiếu tín nhiệm, Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT, Đinh La Thăng, Thống đốc NHNN
Phiên lấy phiếu tín nhiệm diễn ra sáng nay, 15/11. Ảnh: Minh Thăng
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cơ bản kết quả phản ánh đúng đánh giá của cử tri và ĐBQH. Một số lĩnh vực kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần trước còn một số hạn chế và mức độ tín nhiệm chưa được cao như ngân hàng, giao thông. Thời gian vừa rồi các chuyển biến ở lĩnh vực này đánh giá rất rõ nét, tích cực.
"Kết quả lấy phiếu với các đồng chí phụ trách ở lĩnh vực này có sự đánh giá khá cao. Một số lĩnh vực các đồng chí chịu trách nhiệm còn có mức độ tín nhiệm thấp như Y tế, VH-TT-DL hay Nội vụ. Tôi nghĩ mỗi lĩnh vực cũng phải đánh giá thật kỹ, rõ những hạn chế, yếu kém để tới đây có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn".
Ông Hùng cũng cho rằng, không thể nói các bộ trưởng phụ trách ở lĩnh vực có tín nhiệm thấp chưa cố gắng, nhưng có thể nói rằng các lĩnh vực đó đều đòi hỏi một sự đầu tư, có những khó khăn nhất định, như Y tế.
"Tôi nghĩ mỗi ĐBQH thể hiện chính kiến của mình trong phiếu tín nhiệm, nhưng thái độ chung là sự động viên và mong muốn QH, cử tri sẽ hỗ trợ để mỗi ngành đó sẽ có chuyển biến trong thời gian tới".
phiếu tín nhiệm, Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT, Đinh La Thăng, Thống đốc NHNN
Phấn khởi với kết quả phiếu tín nhiệm. Ảnh: XĐ
Gỡ dần chứ không thể gỡ ngay
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) bình luận ngay vào trường hợp Bộ trưởng GTVT như một kết quả đột phá.
"Lần 1 Bộ trưởng Thăng không thấp lắm, khối hành pháp Bộ trưởng Thăng cao nhất, phản ánh đúng nỗ lực của đồng chí được cử tri cả nước ghi nhận. Ghi nhận của cử tri cả nước đã thông qua ĐBQH trên cơ sở thể hiện lá phiếu. 
Thống đốc NHNN đợt trước là người có tín nhiệm cao thấp nhất thì đồng chí đã đạt được tín nhiệm khá cao ở lần này. Điều đó thể hiện cử tri, đại biểu đã thể hiện tín nhiệm đối với họ" - bà phát biểu.
ĐB Hà Nội cũng cho rằng, những người có tín nhiệm thấp là những người quản lý những mảng liên quan đến cộng đồng rất lớn.
"Phải có giải pháp phát triển dần dần, những việc cũng là hậu quả của nhiều năm rồi nên phải khắc phục dần dần, yêu cầu ngay cũng không thể hết được. Mong các đồng chí nỗ lực và có giải pháp hữu hiệu để làm, yêu cầu ngay trước mắt ngày một ngày hai là không làm được".
ĐB An bày tỏ mong muốn các vị trưởng ngành cố gắng nhìn lại lĩnh vực mình được giao. Đó là những lĩnh vực rất khó, liên quan đến mọi người dân, nên mong các bộ trưởng cố gắng tìm giải pháp hữu hiệu gỡ những khó khăn trong giai đoạn trước mắt.
"Gỡ dần chứ không thể gỡ ngay vì rất khó khăn. Và cũng hy vọng các đồng chí có tín nhiệm cao luôn rèn luyện mình và có sự nhạy bén với tình hình thực tiễn để điều chỉnh tiếp".
Trao đổi với báo chí, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, kết quả "hay" ở chỗ những người trước đây nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì lần này có sức bật vươn lên rất mạnh mẽ. Điển hình trong đó là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đại biểu tín nhiệm rất cao.
Với một số bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp đợt này cũng vì đó là lĩnh vực rất khó dù họ đã quyết tâm trong công việc, đi sâu sát thực tế - bà Khánh nhận định.
H.Nhì - L.Thư ghi


---
Bổ sung 1 (16/11/2014): Tin của VNN.




6 nhận xét:

  1. Có một chút hiểm hóc trong tiếng Việt, hiện giờ là "lấy phiếu tín nhiệm", có nghĩa là một dạng khảo sát, kết quả chỉ dùng để tham khảo. Còn "bỏ phiếu tín nhiệm" thì lại có nghĩa là một dạng bình bầu, kết quả lập tức dẫn đến chế tài là mất chức. Tiếng Việt rất hiểm hóc ở chỗ đó. Do lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một dạng khảo sát nên câu hỏi phải thiết kế tương đối trung tính, không quá aggressive để tránh gây tâm lý e ngại của người trả lời khảo sát. Ngược lại, bình bầu thì phải aggressive để người chọn hiểu rõ họ đang lựa chọn cái gì.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với Nỡm, tiếng Việt có chữ "lấy" quá tinh tế ! Không phải là "bỏ", mà "lấy", nên quả là chỉ để tham khảo thôi. Về mặt tâm lí, tiếng Việt có những chỗ tế vi tuyệt đấy !

      Xóa
  2. Riêng chuyện đế quốc thì cũng có một chút khác. Nếu bác nghe người Đông Nam Á nói chuyện thì sẽ biết họ gọi Việt Nam là tiểu bá phương Đông (đại bá là Trung Quốc). Họ cho rằng so với Trung Quốc thì Việt Nam còn nguy hiểm hơn, vì Việt Nam ở vào cái thế buộc phải tiến về phương Nam tức là chiếm đất của họ, trong khi đó Việt Nam lại chặn đường tiến về phía Nam của Trung Quốc mà cả ngàn năm nay Trung Quốc chưa tiến thêm được mét đất nào. Phe chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines vẫn suốt ngày tố cáo Việt Nam chiếm lãnh thổ của họ.

    Nếu giờ có chiến tranh thì điều mà các nước Đông Nam Á sợ nhất không phải là Trung Quốc mà sợ Việt Nam tiên hạ thủ vi cường, đánh các nước nhỏ trước để lấy thế lực đương đầu với Trung Quốc.

    Địa thế hiểm yếu nhất Đông Nam Á bây giờ là Campuchia, các nước đế quốc lớn từ Mỹ đến Trung Quốc, các nước khu vực giờ đều tìm cách để xúi bẩy Campuchia đánh nhau với Việt Nam. Đối với họ, một nước Việt Nam suy yếu thì tốt hơn một nước Việt Nam mạnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình đang "ngâm cứu" các liên đới khu vực Mê Công và Mê Công mở rộng, thấy là từ năm 2004, tỉnh Quảng Tây gia nhập (phía Trung Quốc đề nghị, chứ lúc đầu họ chỉ có Vân Nam tham gia).

      Nhìn tổng thể, Việt Nam mình ở dưới hạ lưu, bọn ở trên chúng tha hồ chặn, tha hồ nắn dòng. Âu cũng là kiềm chế ông Việt Nam mình.

      Mặt trái của phát triển vùng là tự nhiên mình phải đưa chân vào chung một cái gì đó.

      Hồi trước, Nhật với Đức muốn ăn mảnh riêng, là phải tuyên bố rút chân khỏi liên hợp quốc.

      Nhìn chung, nhiều thứ rất lằng nhằng. Mà quả là anh Căm-bốt đang lên !

      Xóa
  3. Các bổ sung ở dưới đây thể hiện những cái nhìn khác nhau về kết quả lấy phiếu tín nhiệm của ngày 15/11/2014.

    Trả lờiXóa
  4. Bổ sung 6 (21/11/2014): Một số đại biểu quốc hội đã lên tiếng, đề nghị chỉ còn hai mức rõ ràng là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.