Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/10/2013

Góp phần làm nên ĐIỆN BIÊN PHỦ còn có một tướng quân VÕ NGUYÊN khác

Ở entry trước, đã có hình ảnh ấn triện chữ Hán của Võ Đại tướng. Ngoài ấn triện, còn có cả thủ bút chữ Hán của chính Đại tướng vào năm 1957. Chúng ta đã thấy 3 chữ Hán thể hiện tên của Đại tướng: VÕ NGUYÊN GIÁP (cũng đọc VŨ NGUYÊN GIÁP). 


Thêm nữa, để xác nhận, lại cũng đi lại một trang trong cuốn sách nổi tiếng của Trần Dân Tiên, đoạn có ghi 3 chữ "Võ Nguyên Giáp".


1. Lịch sử cận hiện đại Việt Nam có những trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng lại tựa như không phải ngẫu nhiên, hệt như sắp đặt sẵn mà không giải thích nổi. Dân gian lâu nay có lưu truyền câu ca dạng Bút Tre rằng:

"Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên"
(tạm thời chưa đọc tiếp, chỉ chú ý đến chữ Võ Nguyên chưa xuống hàng).

Cùng làm nên Điện Biên Phủ lẫy lừng, không chỉ có một Võ Nguyên. Chúng ta có tới hai Võ Nguyên. Ở đây, hoàn toàn nói nghĩa đen, không phải nghĩa bóng. Cũng không phải nói về hai con người/hai nhân cách nằm trong một con người sinh học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

2. Võ Nguyên thứ hai là một người thực hoàn toàn. Một danh tướng yêng hùng cõi nam cõi bắc. Sinh thời, ông cũng mang hàm cấp tướng.

Ông cũng giống như Phùng Chí Kiên, là một trong những người đồng chí nếm nằm gai cùng Nguyễn Ái Quốc từ thời những năm 1920. Được đào tạo chính qui về quân sự (cả Võ bị Hoàng Phố, cả Đại học Hồng Quân), trải qua bao nhiêu chiến tích huy hoàng. Tài cao không kém Bành Đức HoàiDiệp Kiếm Anh (những người anh em cùng lứa), chí nhớn không kém Đặng Tiểu Bình. Chỉ tiếc, người anh hùng mệnh yểu.

Do kém mấy tuổi, nên Nguyễn Ái Quốc gọi ông là "đệ" (em).

3. Nghe theo tiếng gọi của Nguyễn Ái Quốc, ông trở về sau Cách mạng Tháng Tám, giữ khu vực miền Trung.

Đường đường là danh tướng trên Vạn Lý Trường Thành, về đất Việt làm quân Pháp bạt vía, giỏi điều binh khiển tướng, lại là cây văn nghệ lừng danh, nhưng đến năm 1948, ông chỉ được sư huynh phong Thiếu tướng. Bất mãn, định bỏ đi luôn. Nguyễn Ái Quốc phải dùng điển tích Trung Hoa và uy thế của người anh để khuyên bảo, mới chịu ở lại.

4. Thôi chỉ cần tạm viết đến đây. Không viết thêm nữa. Người có quan tâm đã có thể hiểu Võ Nguyên thứ hai là ai, công lao của ông trong kháng chiến chống Pháp.

Sự ngẫu nhiên trùng hợp của hai vị Võ Nguyên, giúp chúng ta, sau hàng nửa thế kỉ, có cơ hội ngẫm lại thuật dùng người của Nguyễn Ái Quốc. Tư tưởng của ông nằm ngay trong đó.

---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

19 nhận xét:

  1. Tướng Nguyễn Sơn (Vũ Nguyên Bác) trở lại Trung Quốc sau chiến dịch Giải phóng biên giới Việt - Trung năm 1950, đến 1956 mới về lại Việt Nam, do đó bác Giao nói rằng "Cùng làm nên Điện Biên Phủ lẫy lừng, không chỉ có một Võ Nguyên. Chúng ta có tới hai Võ Nguyên" e rằng chưa được chuẩn lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý. Không hiểu tướng Nguyễn Sơn góp phần gì trong Điện Biên Phủ?

      Xóa
    2. Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị cả chục năm trời, không phải một sớm một chiều. Điện Biên Phủ ở entry này vừa là chiến dịch cụ thể Điện Biên Phủ, vừa là chỉ chung cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp gần 10 năm đó.

      Tướng Nguyễn Sơn trấn giữ cả vùng miền Trung để làm yên các vùng khác. Tại sao sư huynh nhờ đệ Sơn trấn giữ khúc ruột miền Trung, trong đó có quê nhà của cả mình và anh Văn, là phải nhìn tầm chiến lược trong dùng người của Cụ. Không thân tín như đệ Sơn, Cụ không giao vùng đó. Đó là lí do mà đệ Sơn đã cảm phục sư huynh, đồng lòng giúp sức.

      Thứ nữa, đệ Sơn cũng đã giúp sư huynh đào tạo nguồn nhân lực cho chiến trường. Người đầu tiên thành lập trường giáo dục quân sự chính qui ở Việt Nam, không ai khác, chính là đệ Sơn. Không có nguồn nhân lực ấy, rõ ràng, không làm nên được Điện Biên Phủ.

      Thứ nữa, việc trở lại Trung Quốc vào năm 1950, cũng là nhiệm vụ đấy. Không phải bỏ đi đâu. Đến trước khi từ trần, tướng Sơn và phu nhân còn hiến toàn bộ số tiền lớn mà phía Trung Quốc tặng ông (trước khi ông trở về Việt Nam để được mất tại chính quê hương).

      Xóa
  2. Họ Vũ và họ Võ thực ra là một.

    Trả lờiXóa
  3. Con gái cụ Võ Nguyên thứ hai mới ra một cuốn sách về cụ.

    Cô cũng là một sỹ quan quân đội, đã về hưu, dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn online đều đều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khoằm cho cái đường link hay cái gì đó, để mình có thể quan sát chút đi. Nếu con gái của cụ còn khỏe và còn tham gia mạng thì thật vui.

      Xóa
    2. Đây là facebook của cô http://www.facebook.com/hatuyen.ha.5

      Còn các tâm sự của cô về cụ Lưỡng quốc Tướng quân thì ở đây:

      Suy nghĩ của một người con -Phần 1
      Suy nghĩ của một người con - Phần 2
      Suy nghĩ của một người con - Phần 3
      Hổi ký của Phu nhân tướng Nguyễn Sơn - TRẦN KIẾM QUA do thành viên ạng Quân sử Việt Nam số hóa từ bản dịch của Nguyễn Đồng Thoại xuất bản tại NXB Văn học năm 2004 Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương với LỜI TỰA của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
      (Nguyên bản tiếng Việt)

      Tôi rất vui mừng được chị Trần Kiếm Qua, vợ anh Nguyễn Sơn nhờ viết lời tựa cho cuốn sách "Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương”. Ghi chép lại những hồi ức của chị, nó bất giác gợi cho tôi nhớ lại những ngày tháng sống và chiến đấu cùng anh Nguyễn Sơn.

      Anh Nguyễn Sơn từ nhỏ đã tham gia phong trào thanh niên và được vinh hạnh học tập tại trường quân sự nổi tiếng của Trung Quốc - Trường Quân sự Hoàng Phố. Khi anh Nguyễn Sơn về nước, thì quân Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nước ta cũng bước vào thời kỳ kháng chiến lâu dài. Trong cuộc họp của thường vụ, Bác Hồ, anh Trường Chinh và tôi yêu cầu anh Nguyễn Sơn vào miền Nam, nơi chiến sự ác liệt. Khi tôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ủy ban Quân sự toàn quốc (sau này đổi tên thành ủy ban Kháng chiến toàn quốc), anh Nguyễn Sơn được cử làm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Đây là một chức vụ cực kỳ quan trọng, thể hiện lòng tin của Đảng và Chính phủ đối với anh.

      Anh Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, là một tướng lĩnh có công với quân đội ta. Đặc biệt anh đã từng tham gia cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài ở Trung Quốc, là vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho nên khi các đồng chí láng giềng nhắc tới anh đều với một tình cảm tôn trọng và sâu nặng. Năm 1993, sang thăm Trung Quốc, được gặp vợ và các con anh Sơn, tôi rất vui và yên lòng khi thấy họ có một tinh thần lạc quan. Những đứa con bên đó cũng giống như những đứa con đang sống trong gia đình bên này, đều đã thực hiện được những điều mà thế hệ cha anh mong đợi, cần cù phấn đấu học tập và công tác.

      Do vậy, có thể nói tướng Nguyễn Sơn là một tấm gương sáng, là một chiến sĩ chủ nghĩa quốc tếcủa Cách mạng Việt Nam và Cách mạng Trung Quốc.

      Xóa
    3. Tướng Nguyễn Sơn là một chiến sĩ Cộng sản kiên định, là một người có khí phách và cũng là một vị tướng tài ba. Tài ba của anh Sơn không chỉ ở lĩnh vực quân sự, mà còn trong các lĩnh vực chính trị, tuyên truyền, văn nghệ. Nguyễn Sơn còn có một phong cách riêng, vô cùng độc đáo Ví dụ, khi làm chủ hôn đã yêu cầu cô dâu, chú rể làm thơ ngay tại hôn lễ, điều này chỉ có anh Nguyễn Sơn mới làm được.

      Cho dù ở Trường Lục quân Quảng Ngãi, hay ở Trường Quân chính Quân khu 4, anh Sơn luôn rất coi trọng đào tạo cán bộ. Trong phong trào luyện binh, anh đã rất thành công và đưa ra một hình thức huấn luyện được áp dụng trong toàn quân và nhân dân: "Đại Hội Tập".

      Anh tôn trọng bạn bè và mọi người, coi trọng bồi dưỡng đội ngủ xung quanh.

      Có thể nói, trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, Cách mạng Trung Quốc còn chưa giành được thắng lợi, Đảng và nhân dân ta đã phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chính quyền non trẻ trong điều kiện bị bao vây và cực kỳ khó khăn phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng, toàn dân đoàn kết, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, từ xây dựng dân quân đến xây dựng sư chủ lực đầu tiên. Chúng ta đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đã đứng vững và lớn mạnh, đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp thu và sử dụng có hiệu quả sự viện trợ hết lòng của các nước anh em, đặc biệt là Trung Quốc sau này. Tôi phải nhắc đến một tài liệu năm 1949 do Pháp công bố, trong tài liệu đó, Pháp đã buộc phải thừa nhận "dùng lực lượng quân sự không thể thắng nổi Việt Minh".

      Anh Sơn đã về nước chính vào những ngày khó khăn đó Anh đã tích cực tham gia các cuộc thảo luận về quân sự chiến tranh, đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc về vấn đề bồi dưỡng cán bộ, tác chiến, xây dựng bộ đội chủ lực, xây dựng lực lượng dân quân v.v... đặc biệt anh rất coi trọng vấn đề xây dựng dân quân. Trong các cuộc hội nghị, anh phát biểu rất sôi nổi và thu hút được sự chú ý của mọi người. Trong quan hệ với bạn bè, anh tôn trọng đồng chí, bạn chiến đấu, thường tâm sự với mọi người thâu đêm suốt sáng, làm mọi người có cảm giác thoải mái và quyến rũ.

      Thời gian về nước của anh không dài, nhưng anh đã có những đóng góp hết mình. Mùa hè năm 1950, do phân công công tác, anh đã đến Bắc Kinh. Mặc dù xa quê hương đã lâu, bôn ba hoạt động cho cách mạng ở bên ngoài, nhưng không có giờ phút nào anh không nhớ tới Tổ quốc mình. Khi bệnh tình nguy kịch, mặc dù đã được bạn bè hết lòng cứu chữa, thậm chí gửi sổ y bạ đi hội chẩn ở Liên Xô, nhưng anh không thể qua nổi. Theo nguyện vọng của anh, Đảng đã đón anh về nước. Anh đã từ trần trong niềm thương tiếc vô hạn của người thân, bạn bè chiến hữu trên mảnh đất quê hương.

      Mặc dù mất sớm, nhưng anh đã để lại hình ảnh của một người Cộng sản suốt đời cúc cung tận tụy cho sự nghiệp cách mạng nước ta và đất nước anh em hữu nghị, hình ảnh một đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết và hết sức chân thành. Anh mãi mãi được ghi nhớ trong trang lịch sử cách mạng Việt Nam và khắc sâu trong trái tim mỗi chúng ta.


      Hà Nội, ngày 22-12-1999
      Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

      Và những tâm sự về đời quân ngũ của cô Chuyện của lính "thối tai, chai đít"

      Xóa
  4. Năm ngoái, tớ được biếu (hehehe) cuốn sách ảnh về Tướng Nguyễn Sơn, thỉnh thoảng lại được tặng cả bản photo bản thảo.

    Và mới hôm kia 14/10 được tặng một cuốn về tướng Giáp, mới ra lò, (nộp lưu chiểu quý IV 2013, in có 1000 cuốn)

    Nguyễn Sơn, năm 1955 được Chu Ân Lai phong hàm Thiếu tướng với tên Trung Quốc là Hồng Thủy

    Mà ở bên bển cụ cũng lên bờ xuống ruộng chứ không được suôn sẻ, tuy vậy, tớ có cảm giác bên ấy người ta không quên Hồng Thủy trong khi bên ta, một thời gian Nguyễn Sơn bị lãng quên. Mấy năm gần đây mới thấy nhắc lại, còn trước đấy toàn vô tuyến truyền mồm.

    Lý lẽ của bác Giao về công lao của Võ Nguyên thứ hai với Điện Biên Phủ vẫn chưa thuyết phục lắm đối với tớ, nhưng Nguyễn Sơn quả thật đúng là một tướng tài, văn võ song toàn, có công đào tạo từ thiếu sinh quân đến cán bộ quân đội. Có tài liệu viết: chính ông đã dự đoán chính xác Pháp sẽ nhảy dù xuống Bắc Cạn để hốt ổ đầu não VM, trước khi sự kiện thực tế xảy ra mấy tháng .

    Sơn đệ vốn là đệ tử của Ông Cụ từ rất sớm, trước bác Giáp, thuộc loại kim vàng giọt lệ đời đầu, khi ông cụ lấy tên Lý Thụy, thì trong gia đình họ Lý, Nguyễn Sơn là Lý Hồng Thủy hoặc Lý Đức Lan.

    Chị Hà, nguyên trung tá thông tin, con gái tướng Nguyễn Sơn tham gia mạng Quân sử Việt Nam, có nhiều bài viết cảm động, mấy năm nay chị không được khỏe lắm nhưng vẫn rất năng nổ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kỷ niêm 105 năm ngày sinh của cụ, dưới sự giúp đỡ của nhà văn NTH (đã sắp xếp mạch lạc, hợp lý tất cả những chi tiết cô sưu tầm được trong những năm qua rồi gõ lên mạng Quân sử Việt Nam - là mấy link Khoằm đưa bên trên - thành cuốn sách hơn 500 trang) cô đã xuât bản cuốn sách mới về Lưỡng quốc Tướng quân tại nhà XBQĐ.

      Xóa
    2. Cảm tạ cả bác Lí và chú Khoằm ! Người đưa cách nghĩ khác để bổ sung, người đưa tư liệu để được quan sát.

      Tư liệu về Nguyễn Sơn, mình trước đọc qua tiếng Trung Quốc. Cũng lâu lâu rồi. Và cũng quên mất không chú tâm đến các bản dịch tiếng Việt. Nhờ có Khoằm chỉ dẫn, mình mới biết bản tiếng Việt cuốn sách của người vợ Trung Hoa (Trần Kim Qua) đã nằm sẵn trên mạng !

      Mình cũng lần đầu tiên biết đến việc người con gái của cụ vẫn online, dù đã tuổi cao và sức khỏe yếu. Cảm tạ chỉ dẫn luôn luôn chu đáo của Khoằm nhé.

      Thật ra, còn những việc mà có lẽ ngay phía gia đình của cụ Võ Nguyên thứ hai này chưa biết, đó là: người Nhật Bản cũng rất trọng nể cụ (dưới tên Hồng Thủy hay Nguyễn Sơn). Mình thì tin là cụ Võ Nguyên thứ hai còn biết tiếng Nhật. Có lẽ phải từ từ, nói từ từ mới được.

      Xóa
    3. Bác Lí hay được tặng sách nhỉ. Cuốn về cụ Võ Nguyên thứ nhất, hình như là bản in lại, đúng không bác ? Tôi nhớ, mấy năm trước, tôi cũng được nhận một bản, sách khổ to và dày. Đặc biệt, trong đó, tôi chú ý đến vài bài của tác giả Nhật Hoa Khanh. Sở dĩ chú ý, là vì, trước mình tưởng Nhật Hoa Khanh là một nhân vật nào đó, thì hóa ra, là nhân vật cũng lại viết về cụ Võ, nên chắc là có thật.

      Không biết cuốn của bác có những bài ấy không. Nếu không, thì lại là cuốn khác rồi (mà có lẽ tôi chưa có).

      Xóa
    4. Trong cuốn "Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân" do cô Nguyễn Thanh Hà và Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Hoàng Hạnh thực hiện, Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản năm 2006 (cuốn này chắc bác Lý có) có nói về quan hệ của cụ với người Nhật Bản (trích một đoạn):

      Nguyễn Sơn với trường lục quân trung học Quảng Ngãi 1946

      "Khoảng tháng 5 năm 1946, tôi ra Quảng Ngãi nộp giấy tờ vào học Trường Lục quân trung học. Tôi được biên chế vào tiểu đội 2, trung đội 2, đại đội 4. Học sinh của trường được gọi là sinh viên, có một huy hiệu tròn đeo ở ngực ghi rõ chữ "Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi" và số hiệu của mỗi người - tôi có số 354".

      Một nửa "sinh viên" là chiến sĩ đã chiến đấu ở các mặt trận phía Nam, số còn lại là học sinh, viên chức mới tòng quân. Trường có hơn 400 sinh viên, được chia làm 4 đại đội do 4 đại đội trưởng người Nhật "Việt Nam mới" mà Nguyễn Sơn đã chinh phục được họ làm đại đội trưởng. Đông Hưng phụ trách đại đội 1, Minh Ngọc đại đội 2, Phan Lai đại đội 3, Minh Tâm đại đội 4.

      Trong trường bàn tán nhiều về tài "thuyết phục" của Hiệu trưởng. Nghe đâu Hiệu trưởng đã chuyện trò với Yô-ka-ya-ma, Cố vấn tối cao của Nhật bên cạnh Bảo Đại, đã giao thiệp với nhiều sĩ quan Nhật, đặc biệt là I-ca-oa, sĩ quan cao cấp Nhật ở Trung Kỳ. Thông qua Đề-bút-chi, phiên dịch của I-ca-oa mà "cách mạng" đã biết trước nhiều hành động của quân Tàu Tưởng đóng tại Huế, đã chuyển được một số vàng, vũ khí cho các đồng chí Lào ở Savanakhét có chuyến bằng xe vận tải quân sự của Nhật.

      Người phiên dịch của I-ca-oa là Na-ca-ha-ra, có tên Việt Nam là Minh Ngọc (viên ngọc sáng). Khi quân đội Nhật có lệnh rút khỏi Đông Dương, I-ca-oa và Minh Ngọc đến gặp chính quyền ta, xin ở lại Việt Nam để cùng Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Pháp xâm lược.
      Sau đó I-ca-oa được chuyển từ Huế vào Liên khu V, "Nguyễn Sơn đã có mối quan hệ đặc biệt với I-ca-oa" và đã thu hút được 4 người Nhật về công tác tại trường.

      Ban Giám hiệu nhà trường gồm có: Nguyễn Sơn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam, Tổng đội trưởng là Phạm Kiệt - sau đó là Lê Thuỳ. Chính trị viên Tổng đội là Đoàn Khuê (nay là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).

      Chương trình quân sự do Hiệu trưởng lập ra, dạy từ cá nhân chiến đấu, lăn lê bò toài, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn theo kiểu Nhật, kiểu Pháp. Về chiến thuật, chỉ tập tiểu đội chiến đấu tấn công. Chiến thuật cấp trung đội chỉ được giới thiệu đại cương. Trong tình hình bấy giờ của Quảng Ngãi mới cướp được chính quyền, xa Trung ương, mà có một chương trình học tập, có giáo viên, trường sở... như vậy cũng không phải dễ ai cũng khắc phục được, chưa nói là ở tầm nhìn xa đào tạo cán bộ cho quân đội.
      .......

      Nguyễn Việt Hồng
      (Theo tài liệu của đồng chí Ung Răng và của gia đình đồng chí Nguyễn Sơn)

      Xóa
    5. Cảm tạ chỉ dẫn của Khoằm ! Tên của mấy vị Nhật Bản trong đoạn viết do bác Nguyễn Việt Hồng thuật lại có hơi nhầm một chút (do viết theo lối phiên âm tiếng Việt), nhưng cho thấy nét chính trong quan hệ của cụ với người Nhật lúc đó.

      Xóa
  5. 1. “…
    Dọc đường tôi có hỏi:.
    - Tại sao anh đòi trở lại Trung Quốc như vậy?
    - Trung Quốc mới là tổ quốc của tao.
    - Thế về Trung Quốc anh định làm gì?
    - Tao có ý định lập một đoàn kinh kịch! Tao sẽ làm trưởng đoàn dẫn quân đi diễn khắp các nước trên thế giới.
    Tôi hỏi:
    - Thế liệu anh anh có về Việt Nam diễn không?
    - Đi các nước thì đi chứ không thèm về Việt Nam.
    …”
    Tướng Nguyễn Sơn và tôi - Hồi ký Trần độ, Chương 11
    http://ngominh.vnweblogs.com/print/2246/430530

    2. Trong tiểu sử của Nguyễn Sơn, phần công lao chiến trận, chỉ tìm thấy có đoạn này; “Năm 1929, ông giữ chức vụ chính trị viên đại đội trong Trung đoàn 47, chỉ huy đại đội đánh nhiều trận ở Đông Giang.”
    Các việc khác mà ông đã làm, là:
    • “Chính ủy trung đoàn, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn
    • giảng dạy tại Trường Quân sự Chính trị Trung ương của Hồng quân
    • tham gia thành lập đoàn kịch đầu tiên của Hồng quân công nông và làm Đoàn trưởng.
    • Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa với tư cách là đại biểu "dân tộc ít người",
    • Ủy viên Chính phủ dân chủ công nông ở Khu Xô viết Trung ương.
    • người Việt Nam duy nhất đã đi hết cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân.
    • học khóa một Trường Đại học Hồng quân Trung Quốc
    • bí thư khu ủy Đông Dã, Trưởng Ban Tuyên truyền Địa ủy Đông bắc Sơn Tây.
    • chuyển về trường Quân chính Hồng quân,
    • Tổng Biên tập báo Kháng Địch biên khu Tấn Sát Ký.
    • Phó Chủ nhiệm Khoa giáo dục chính trị tại Phân hiệu 2 Đại học kháng Nhật “
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_S%C6%A1n

    3. Có 1 vị tướng nổi danh của Triều tiên (lâu ngày quên tên), có tham gia Vạn lý trường chinh, về sau commando của Trung Quốc phải nhảy vào Bình Nhưỡng để cứu ông ta khỏi Kim Nhật Thành.

    Trả lờiXóa
  6. xin lỗi, đọc đoạn này:
    "Võ Nguyên thứ hai ...
    , trải qua bao nhiêu chiến tích huy hoàng. Tài cao không kém Bành Đức Hoài và Diệp Kiếm Anh (những người anh em cùng lứa), chí nhớn không kém Đặng Tiểu Bình."

    thì e người Trung Hoa sẽ yêu cầu chúng ta đọc lại tích "Dạ Lang tự đại" thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Trung Hoa cũng chuộng kiểu hội họa "vẽ mây nẩy/nổi trăng" mà.

      Xóa
  7. Đồng ý với bác Buiduyzi.

    Đoạn ấy là của bác Giao "vẽ mây" mà, có phải của "trăng" đâu? Bác Giao mà "vẽ mây" đậm quá e rằng lấp hết cả "trăng" đấy.

    Nhưng Hồi ký TĐ thì chỉ nên tin một nửa thôi, hoặc "không thèm về Việt Nam" cũng có thật nhưng chỉ là lời nói trong lúc "giận lẫy". Mà bên mình thì ăn thua gì mà "giận lẫy", bên kia còn bị "nó" ba lần khai trừ Đảng, ba lần bị đấu tố, suýt tử hình cơ mà. Hơn nữa, sau khi tướng Sơn trở lại TQ, mẹ con bà Lê Hằng Huân vẫn thỉnh thoảng được Ông Cụ thăm hỏi, gọi vào ăn cơm cùng (bà Hà kể lại).

    Bác Giao: Cuốn tôi mới nhận được là cuốn "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đại tướng của Nhân dân, của Hòa Bình" do ba ông thư ký họ Nguyễn của Tướng Giáp sưu tầm biên soạn, NXB tổng hợp Tp. HCM phát hành, Quyết định xuất bản số 1287/QĐ-THTPHCM-2013 ký ngày 05/10/2013, chỉ một ngày sau khi tướng Gáp tạ thế, trong lời nói đầu viết: Cuốn sách này cũng là một nén hương lòng kính dâng lên Người.

    Có lẽ đây là cuốn có tốc độ xuất bản kỷ lục, nhưng cũng chính vì thế nên còn có hạn chế như nhóm biên soạn tự nhận, ví dụ phần ảnh, mặc dù lời nói đầu đã có giới thiệu, gồm một số ảnh của Trần Huy Khuông và Trần Hồng, nhưng thực tế chỉ có vài ảnh của Trần Huy Khuông, còn Trần Hồng không có ảnh nào.

    Bác Khoằm: Tôi cũng có cuốn "Lưỡng quốc ... " đó nhưng mà do mua còn cuốn sách ảnh thì có dòng chữ đỏ "gia đình kính biếu" đàng hoàng, mặc dù tôi không quen biết (kể cả qua mạng), chỉ là người dân thường ngưỡng mộ ông tướng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trăng thì khi mờ khi tỏ, mây khi thì vẩn vẩn khi thăng thăng. Đậm hay nhạt của mây còn bởi tỏ hay mờ của trăng nữa. Thủ pháp "vẽ mây nẩy trăng" cũng thực khó đó bác Lí làng ta à,

      - Đồng quan điểm với bác Lí về hồi kí của cụ Trần Độ. Nhưng đọc Trần Độ thì khoái ở chỗ là cụ viết rất dân dã, bình dị. Lúc đó, cụ Trần Độ còn rất trẻ, nên cụ Nguyễn Sơn coi như em út dạng mới nhớn, xưng mày mày tao tao rất chân tình. Ấy thế, mà chàng trai trẻ ấy lại cai quản mấy lão tướng của xứ văn nghệ Bắc Kí, cỡ Nguyễn Tuân với cả Nguyễn Công Hoan ! Toàn ở chân chầu rìa, nghe các cụ đàm luận.

      - Vậy là cuốn của bác Lí hoàn toàn mới rồi. Sách in siêu tốc ! Đúng là kỉ lục chưa thấy bao giờ !

      - Cuốn "Lưỡng quốc... " mà các bác đang có, tôi lại chưa có. Mà sao bác Lí làng ta toàn được tặng sách với lời đề tặng thân mật thế !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.