Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

17/09/2013

Có hai Hồ Chí Minh cùng xuất hiện ở Trung Quốc thời 1940s : Nhà văn họ Ngô rao bán "Hồ Chí Minh" năm 1947

Lần đầu tiên, hôm nay, ở entry này trên blog, tôi mới sử dụng nhãn/tags "Hồ Chí Minh" (thể hiện trên giao diện blog là THƯ MỤC TRA CỨU). Trước nay, tất cả, đều dùng nhãn "Nguyễn Ái Quốc". Sở dĩ dụng công như vậy, là vì, từ hôm nay, mới bàn đến sự xuất hiện của cái tên "Hồ Chí Minh".

Một góc quảng cáo cho cuốn Hồ Chí Minh (vừa ra lúc đó, của Ngô Trọc Lưu) trên tờ Dân báo (Đài Loan) số 557, ra ngày 16 tháng 1 năm Dân Quốc 36 (tức 1947). Cuốn Hồ Chí Minh này được viết bằng tiếng Nhật trước, sau mới có bản tiếng Trung Quốc. Vì vậy, lời quảng cáo được viết bằng tiếng Nhật (đại khái lời rao có nội dung là: sách khá hay đây, nên phải bán giá cao hơn bình thường, là 20 đồng, nhà tiểu thuyết cũng giống như độc giả cảm thấy xót nếu phải bỏ ra số tiền ấy !)


Đi một entry này để muốn nói với người cháu họ của cụ Hồ Tập Chương - là ông Hồ Tuấn Hùng đang sống ở Đài Loan và là tác giả của cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo xuất bản năm 2008 - một điều sau: Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết (của Ngô Trọc Lưu) với Hồ Chí Minh người thực việc thực chỉ vô tình trùng nhau về cái tên mà thôi. Nội dung hoàn toàn khác nhau. Cái tên Hồ Chí Minh người thực việc thực chính thức xuất hiện ở Cao Bằng (Việt Nam), và sớm hơn rất nhiều so với cái tên Hồ Chí Minh trên tiểu thuyết của một nhà văn Đài Loan từng ở Cao Hùng (Đài Loan). 

Người thực việc thực hoàn toàn khác với người chỉ ở trong tiểu thuyết, và ngược lại. Thế mà, ông Hồ Tuấn Hùng cứ đánh đồng làm một, để rồi nói lấy được rằng: cuộc đời Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Hồ Chí Minh của nhà văn Ngô Trọc Lưu chính là cuộc đời cách mạng của Hồ Tập Chương. Và Hồ Tập Chương này sau đã "nhập xác" thành ra Hồ Chí Minh ở Việt Nam ! 

Hồ Tuấn Hùng không quân tử ngay từ vạch xuất phát khi ông đã bỏ qua hẳn một việc quan trọng lẽ ra phải làm đầu tiên. Việc đó là: cần phải nói rõ cho người ta biết rằng, bản thân nhà tiểu thuyết Ngô Trọc Lưu đã đặt ra cái tên nhân vật là "Hồ Chí Minh" với ý tưởng rõ ràng từ đầu. "Hồ" là gì, "Chí" là gì, "Minh" là gì. Rồi ghép lại thì là gì. Tất cả, nhà văn Ngô Trọc Lưu đã viết cả ra rồi, rõ như ban ngày, mà sao ông Hồ Tuấn Hùng cố tình lờ đi nhỉ ? Để rồi lại hỏi vu vơ, và thật ra không kém phần gian lận, rằng: sao tiền bối Ngô Trọc Lưu lại cất công đặt ra cái tên Hồ Chí Minh như vậy. 

Định viết một lèo về chuyện này, nhưng e dài lòng thòng, lại quá rích rắc, nên ở entry này mới tạm nêu vấn đề. Đành phải từ từ vậy.

---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:





Họa sĩ vẽ chân dung Hồ Chủ tịch năm 1949 và sau đó (bìa sách xuất bản ở nước ngoài)

7 nhận xét:

  1. QUẢNG CÁO BẰNG TIẾNG NHẬT. HAY NHỈ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đài Loan vốn là thuộc địa cũ của Nhật, nên người Đài Loan phải học tiếng Nhật bắt buộc, nên viết tiểu thuyết bằng tiếng Nhật. Quảng cáo cho nó cũng viết luôn bằng tiếng Nhật.

      Xóa
  2. Các bác Học giả Đài Loan, chỉ nghe danh là đã giảm tin tưởng.

    Một trong nhưng khẳng định thiếu cơ sở của ông Hoàng Tuấn Hùng là Hồ Chí Minh - Lý Thụy (1933 về trước) thì không biết chữ Hán, còn Hồ Chí Minh 1933 trở về sau ( Hồ Tập Chương?) thì thành thạo, kể cả chữ "khách gia" (khó tương đương tiếng Quảng Nôm ở ta).

    Tôi nhớ hình như các cụ Phan Châu Trinh và/hoặc Phan Bội Châu có trao đổi thư từ với Nguyễn Ái Quốc, không rõ có phải bằng chữ Hán hay không? Nhưng mật thám Pháp có lưu giữ và dịch ra tiếng Tây, rồi ta lại dịch ra tiếng Ta chăng?

    Nhưng, trước 1933, Lý Thụy, hay già Vương đã từng soạn và in truyền đơn cho Nông hội đỏ ở Quảng Châu, hẳn phải bằng tiếng Tàu, hoặc đại loại như thế.

    Và, vai trò chính thức là phiên dịch cho Bô rô đin ở Trung Quốc, thì phiên dịch từ tiếng gì sang tiếng Nga, nếu không phải là tiếng Trung? Tháng 9/1925, ông còn dịch điện của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức từ tiếng Trung qua tiếng Anh, báo chí Quốc dân đảng (Tàu Tưởng) có đăng, theo Lý Minh Hán (Tàu cộng, cuốn Giải mã các tên mật của HCM, Thái Quang Sa dịch, bản thảo, chưa in).

    Chỉ một Bức thư gửi Tăng Tuyết Minh (có ảnh), nếu đúng là của Lý Thụy thì lý luận của ông Hùng đã sụp đổ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thư từ trao đổi giữa Nguyễn Ái Quốc với Phan Bội Châu thời kì hai người cùng ở Trung Quốc, đúng là bằng chữ Hán. Gần đây, Vĩnh Sính đã công bố tư liệu này.

      Xóa
  3. Học giả Hồ Tuấn Hùng chứ không phải Hoàng Tuấn Hùng, xin lỗi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ok, mình đã hiểu.

      Lập luận của Hồ Tuấn Hùng càng đọc càng đuối. Có cái hay là: ông ấy càng đưa chứng cớ kiểu của ông ấy ra, chúng ta càng hiểu rằng: Hồ Tập Chương là người hoàn toàn khác.

      Xóa
  4. Hồ Chí Minh ở Việt Nam chính xác là một người xứ nghệ, không thể lẫn với bất cứ nơi nào ở Việt Nam chứ đừng nói ở Trung Quốc.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.