Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/01/2015

Chuyện khó tin : đúc súng bằng gang để bắn giặc Pháp (1950-1954)

Đúc súng bằng gang với các lò rèn thủ công. Có thực hay không ? Đây là đoạn ghi trong sử địa phương, một địa phương có nghề rèn truyền thống (nhưng chỉ là rèn thủ công, và đúc lưỡi cày bằng gang):



Tài liệu in năm 2009.

Về vũ khí trong thời Pháp, có thể đọc thêm ở đây.


Bổ sung 1 (13/1/2015): Một bài báo đã xuất hiện năm 2012. Và nhân chứng thì là các ông Long Thông và Nông Tào. Tuyền là kể lại của kể lại, của kể lại, của kể lại. Và đồng chí phụ trách Du lịch của tỉnh Cao Bằng thì lại họa thêm ra, như là quảng bá du lịch. Còn đồng chí chủ tịch xã thì lại sinh ra ở làng không có nghề rèn, hoàn toàn không có kĩ năng hay hiểu biết gì về nghề rèn. Rồi qua tay đồng chí nhà báo, bỗng nhiên ra làng sản xuất vũ khí.


Bí mật về làng sản xuất vũ khí


"Ngoài việc rèn nông cụ sản xuất, làng này còn làm được cả đại bác, súng thần công, lựu đạn..."
 - Làng rèn Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng lâu nay nổi tiếng là làng rèn dao, rựa lớn nhất khu vực Đông Bắc. Nhưng phía sau làng rèn này còn ẩn chứa những bí mật oai hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là việc chế tạo cả đại bác, thần công, súng kíp và lựu đạn.
Làng cung cấp vũ khí cho cuộc kháng chiến

Bà Nhan Thị Kim Thi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cao Bằng nói với chúng tôi: "Phúc Sen là một ngôi làng đặc biệt, là nơi cung cấp súng đạn, vũ khí, là linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Tây Bắc. Ngoài việc rèn nông cụ sản xuất, làng này còn làm được cả đại bác, súng thần công, lựu đạn...".

Theo sự chỉ dẫn của bà Thi, chúng tôi tìm đến làng rèn Phúc Sen, ngôi làng bình yên, trầm mặc nằm trải dài ven quốc lộ 3. Mặc cho trời mưa to, gió lớn, nhưng nhà nào cũng nung từng thanh sắt đỏ rực và đều tay quai búa. Nhìn cách rèn dao, rựa thủ công ở làng Phúc Sen chúng tôi không thể tin rằng bằng những công cụ hết sức thô sơ, người dân lại có thể chế tạo được cả những loại vũ khí hỏa lực mạnh như đại bác, súng thần công, lựu đạn... Nhưng khi gặp những người cao tuổi trong làng kể lại việc chế tạo đại bác chúng tôi mới tin điều đó là sự thật.

Ông Long Văn Thông, 62 tuổi, là một trong số ít người còn nhớ được lịch sử cùng cách chế tác vũ khí ở làng rèn Phúc Sen kể lại: "Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, làng rèn trở thành công xưởng chế tác vũ khí phục vụ kháng chiến, các loại vũ khí được sản xuất nhiều nhất là súng thần công, súng kíp, lựu đạn, đại bác. Những loại vũ khí này sản xuất xong, một phần được chuyển lên căn cứ Pác Bó, một phần được phát cho quân du kích đóng tại địa phương tập luyện. Ngoài ra, vũ khí ở đây còn chi viện cho chiến trường phía đông bắc để đánh lại giặc Pháp".

Cũng theo ông Thông: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làng rèn Phúc Sen có gần trăm hộ làm nghề rèn thì cả trăm hộ đều tham gia chế tạo vũ khí. Nhà nào chế tạo đại bác thì cả làng phải gom góp nguyên liệu cho nhà đó nấu, nhà nào làm súng kíp thì tự túc về nguyên liệu. Việc chế tạo súng kíp, nhà nào làm nhanh thì 2 - 3 ngày làm được một khẩu. Súng thần công và đại bác có thể làm 4 - 5 ngày được một khẩu. Nhà nào chế tạo vũ khí xong thì lập tức đem đi cất giấu, hoặc chuyển cho bộ đội để tránh bị phát hiện.

Mặc dù thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Phúc Sen sản xuất vũ khí với số lượng lớn nhưng lại có rất ít người biết đến. Những gia đình chế tạo vũ khí chỉ biết với nhau, tuyệt đối không nói với ai khác kể cả những người trong gia đình mình. Hàng xóm gặp nhau thì không bàn tán, không thắc mắc, hỏi han về chuyện chế tạo vũ khí. Những người nắm giữ bí quyết chế tạo thì phải tuyệt đối ẩn mình "sống để bụng, chết mang theo". Vì lý do đó, cho nên đến nay, ai là người đã sáng tạo hoặc đem kỹ thuật chế tạo đại bác, súng thần công về làng... không ai biết. Cũng vì lý do đó mà làng nghề Phúc Sen không có gia phả. Ông tổ nghề rèn là ai, hay làng nghề đã trải qua bao nhiêu năm đến nay không ai biết một cách chính xác.

Với những công cụ thô sơ, người dân Làng rèn Phúc Sen có thể làm được những khẩu súng thần công và đại bác...
Với những công cụ thô sơ, người dân Làng rèn Phúc Sen có thể làm được những khẩu súng thần công và đại bác...

Biến xoong, nồi thành... đại bác

Sau khi chiến thắng thực dân Pháp, việc chế tạo đại bác, súng thần công, súng kíp... ở làng rèn Phúc Sen mới dần được tiết lộ. Ông Long Văn Thông bảo: "Nói là bí mật được tiết lộ nhưng thực ra thông tin được truyền ra ngoài rất ít, chỉ có những người thợ làm vũ khí lành nghề mới kể lại cho người thân tín trong gia đình, dòng họ biết. Hiện nay, ở làng rèn Phúc Sen chỉ còn bốn, năm người biết và kể được thời kỳ cả làng làm đại bác, làm súng...".

Ông Long kể lại: "Thời kỳ chống thực dân Pháp, người Phúc Sen thường đi quyên góp những cái xoong gang, lưỡi cày gang... hễ vật gì bằng gang là thu mua hết. Những đồ gang vụn sau khi mua về được trộn với sắt đưa vào lò luyện gang cho đến khi chảy thành nước thì đổ vào một cái khuôn dùng để đúc đại bác, súng thần công. Khuôn đúc súng được làm từ một loại đất lấy trong các hang đá, loại đất này không ngót, không bị rạn nứt. Một khẩu đại bác đúc xong có chiều dài gần 3m, to như cột nhà và phải cần đến 6 - 8 người mới khiêng được một khẩu đại bác. Còn súng thần công thì bé hơn, chúng chỉ to bằng bắp chân người và có thể vác trên vai".

Theo ông Thông, việc chế tạo đạn đại bác và kim hỏa cũng rất phức tạp. Đạn đại bác là loại đạn ghém được làm từ gang và thuốc súng, người thợ phải đập miếng gang ra từng mảnh nhỏ để khi nổ sẽ có độ sát thương cao, đạn được gói lại và gắn với một dây cháy chậm. Khi đi đánh trận, công việc vất vả nhất là khiêng đại bác, một khẩu đại bác rất nặng nên khó di chuyển. Bộ đội và người dân phải khiêng đại bác đến một địa điểm nào đó, đợi cho quân Pháp đến đông rồi bắn. Do đại bác rất nặng nên có những trận đánh đại bác mới bắn được một, hai lần đã phải vứt đó để chạy vì quân Pháp quá đông. Chính vì nhược điểm này nên số lượng đại bác được làm ra rất ít so với súng kíp và súng thần công.

Ngoài việc đúc đại bác, súng thần công thì làng rèn Phúc Sen còn sản xuất cả súng kíp và vỏ lựu đạn phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo một số người cao tuổi ở làng rèn Phúc Sen thì súng kíp là loại được làm nhiều nhất trong thời kỳ chống thực dân Pháp, công đoạn khó nhất của việc làm súng là khoan nòng. Nòng súng được làm từ một khối thép tròn, người thợ rèn phải dùng một mũi khoan nhỏ để khoan vào chính giữa. Để có được một nòng súng người thợ phải khoan mất 1 - 2 ngày mới xong. Công đoạn còn lại là lắp kim hỏa và báng súng vào để tạo nên khẩu súng hoàn chỉnh để đưa ra chiến trường.

Đến nay, ở làng rèn Phúc Sen không còn nhiều người nhớ được kỹ thuật chế tạo đại bác, súng thần công... nhưng bí mật đó đã mãi đi vào huyền thoại của người dân Cao Bằng góp phần làm nên sự thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đến nay, người dân làng rèn Phúc Sen vẫn bám trụ với nghề.
Đến nay, người dân làng rèn Phúc Sen vẫn bám trụ với nghề.
"Việc làng rèn Phúc Sen làm súng kíp, đại bác để phục vụ kháng chiến là có thật. Tuy nhiên, việc này có rất ít người biết đến. Đến năm 1979, khi Trung Quốc xâm lược nước ta đã bắn pháo phá nát làng rèn Phúc Sen, những khuôn đúc đại bác, súng ống đều bị phá nát hoàn toàn. Mặc dù bị chiến tranh, bom đạn tàn nhưng truyền thống yêu nước theo cách mạng, ý chí chống giặc ngoại xâm của người làng Phúc Sen thì vẫn giữ nguyên như cũ".

Ông Linh Văn Phù (Chủ tịch UBND xã Phúc Sen)

Quách Dương
http://kienthuc.net.vn/phong-thuy/bi-mat-ve-lang-san-xuat-vu-khi-170718.html








Nghe nói chúng tôi có ý định vào làng rèn đao kiếm Phúc Sen, một anh bạn người bản địa bảo: "Các anh vào đó cẩn thận không có đường ra đâu". Chẳng biết câu nói của anh bạn là đùa hay thật nhưng nó khiến chúng tôi chùn chân khi bước vào ngôi làng có truyền thống rèn hàng trăm năm.

Làng rèn Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) bấy lâu nay được nhiều người biết đến không chỉ là làng rèn nông cụ lớn nhất Đông Bắc mà làng này còn sản xuất cả những loại đao, kiếm, thậm chí cả súng thần công, đại bác... Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi làng này là "lò" sản xuất đại bác nổi tiếng ở Việt Nam.
Đại công xưởng sản xuất vũ khí
Nghe nói chúng tôi có ý định vào làng rèn đao kiếm Phúc Sen, một anh bạn người bản địa bảo: "Các anh vào đó cẩn thận không có đường ra đâu". Chẳng biết câu nói của anh bạn là đùa hay thật nhưng nó khiến chúng tôi chùn chân khi bước vào ngôi làng có truyền thống rèn hàng trăm năm. Gạt bỏ nỗi sợ hãi, chúng tôi quyết tâm vào bằng được "kho vũ khí" lớn nhất vùng Đông Bắc. Dọc theo hai bên đường Quốc lộ 3 có chiều dài khoảng 6km, trước mắt chúng tôi là những hàng, quán bày bán các loại đao, kiếm, nông cụ sản xuất... Nhìn những thanh trường đao dài gần một mét bị gió thổi phát ra tiếng leng keng trên những giá đao, rồi tiếng búa cứ đều đều nện xuống những thanh sắt đỏ rực khiến chúng tôi nổi da gà.
Dưới sự chỉ dẫn của một thanh niên địa phương, chúng tôi bắt đầu cuộc thâm nhập vào "xưởng" rèn vũ khí lớn nhất vùng Đông Bắc. Trái ngược với lời "dọa" của ông bạn từ trước đó, chúng tôi đi đến đâu cũng nhận được những cái bắt tay, những nụ cười thân thiện của người dân nơi đây.
Anh Nông Văn Tào bên thanh trường kiếm vừa mới làm xong
Danh hiệu "công xưởng đao kiếm lớn nhất Đông Bắc" là do dân chúng đặt cho làng rèn Phúc Sen. Nghe danh là vậy nhưng khi tận mắt chứng khiến xưởng đao này chúng tôi cũng cảm thấy "choáng" về quy mô của nó. Anh Nông Văn Tào, một người dân ở làng rèn Phúc Sen tiết lộ: "Mỗi một thợ rèn ở làng Phúc Sen một ngày có thể rèn được 4 - 5 thanh đao, kiếm. Hiện nay, ở làng Phúc Sen có gần 160 hộ làm nghề rèn, trong khi đó có hộ cả gia đìnhcó 5 - 6 người thì tất cả đều là những thợ rèn lành nghề. Nếu đem con số thợ rèn ở làng Phúc Sen nhân 4 lần lên thì sẽ ra được số lượng đao kiếm sản xuất ra mỗi ngày".
Khoe với chúng tôi về những sản phẩm do mình làm ra, anh Nông Văn Tào lôi ra một thanh kiếm dài gần 1 mét. Anh bảo: Nghề rèn ở đây đang tiến lên một bước mới mang tầm nghệ thuật. Bây giờ, nếu muốn rèn một thanh kiếm thượng hạng, già thép, thì phải mất một hai ngày mới xong, còn những loại kiếm thường thì chỉ cần rèn vài tiếng là được. Ở lò rèn nhà anh Tào, khách chỉ cần mang bản vẽ mẫu đến, tùy vào độ cầu kỳ của bản thiết kế thanh kiếm mà anh Tào có thể hoàn thành nó trong vòng 1 - 2 ngày.
Khi chúng tôi thắc mắc về việc một lượng đao kiếm lớn khi sản xuất ra sẽ được bán về đâu, anh Nông Văn Tào thành thật bảo: "Đao kiếm ở đây chủ yếu đổ lên biên giới Trung Quốc, Tà Lùng, Trùng Khánh, rồi đến Bắc Kạn. Thậm chí, những xe khách đường dài còn đem đao kiếm xuống cả Hà Nội hoặc vào tận trong miền Nam để bán". Anh Tào bảo, đó là anh nghe những người lái xe khách hay tạt qua làng lấy hàng kể vậy chứ thực chất anh cũng chưa có cơ hội kiểm nghiệm độ chính xác của thông tin đó.
"Ngày trước, các chủ xe khách, xe tải đường dài mỗi khi đi qua đây thường mua một hai con dao thái chuối để phòng thân. Sau đó họ đặt chúng tôi làm những thanh kiếm có mẫu mã đẹp hơn. Dần dần việc này thành quen và nó trở thành trào lưu chung của cánh lái xe. Một thời gian sau đó, có nhiều người về đặt mua, chúng tôi cứ sản xuất ra để bán. Tuy nhiên năm nay, chính quyền địa phương đến từng hộ dân nhắc nhở là không được rèn đao, kiếm vì như thế là vi phạm pháp luật", anh Tào cho biết.
Chúng tôi rời xưởng rèn của gia đình anh Tào và di chuyển đến một xưởng khác. Khi ông chủ xưởng đang hướng dẫn chúng tôi cách làm một thanh kiếm tốt thì một chiếc xe khách chạy tuyến Cao Bằng - Hà Nội lao thẳng đến đỗ xịch trước cửa. Từ trên xe, một người tài xế dáng gầy gò, mặc một chiếc áo ba lỗ màu đen để lộ ra những hình xăm kỳ quái phủ kín cơ thể chạy xuống. Vừa bước vào nhà, người này hỏi mua 5 thanh kiếm và 3 thanh đao to. Ông chủ nhà lôi ra 5 thanh trường kiếm và thu 300 nghìn đồng/ thanh, còn 3 chiếc đao to mỗi chiếc có giá 120 ngàn đồng. Ông chủ xưởng hỏi người tài xế: "Bọn mày lấy đi đâu mà nhiều thế?". Người tài xế nói: "Lấy nhiều bố càng bán được hàng chứ sao. Con lấy cho mấy thằng em đưới Bắc Kạn để chúng nó đem vào mỏ vàng".
Những bàn tay phù thủy chế tạo đại bác
Theo ông Long Văn Thông, 62 tuổi, một trong số ít người còn nhớ được những câu chuyện về việc rèn đại bác thì thời kháng chiến chống Pháp, làng rèn Phúc Sen đã sản xuất được những loại đại bác, súng thần công, súng kíp, vỏ lựu đạn. Những vũ khí này khi sản xuất xong sẽ được vận chuyển lên căn cứ Pác Bó, một phần được phân phát cho dân quân du kích địa phương tập luyện và chiến đấu. Phần còn lại được chuyển về xuôi hoặc sang Đông Bắc để phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Pháp.
"Cái nôi" của các loại vũ khí "nóng"
Một trong những điều thú vị thôi thúc chúng tôi đến làng rèn Phúc Sen đó là bằng những dụng cụ hết sức thô sơ người dân nơi đây có thể chế tạo được cả những loại vũ khí hỏa lực mạnh như đại bác, súng thần công, súng kíp và cả vỏ lựu đạn. Bà Nhan Thị Kim Thi, phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng khẳng định: "Trong quá khứ, người làng Phúc Sen làm được cả các loại vũ khí hỏa lực mạnh phục vụ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trước đây, làng rèn Phúc Sen là cái nôi chuyên sản xuất súng đạn, đại bác phục vụ Việt Minh góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp".
Thời kỳ đó, làng rèn Phúc Sen trở thành đại công xưởng chế tạo vũ khí cho cách mạng. Cả làng có trên trăm hộ thì tất thảy đều góp công góp sức làm đại bác, súng thần công, súng kíp. Nếu gia đình nào làm đại bác, súng thần công thì phải mất 4 - 5 ngày mới làm ra được một khẩu, làm súng kíp thì chỉ mất 1 - 2 ngày là xong. Những sản phẩm này làm ra đến đâu giao nộp cho cách mạng đến đó chứ tuyệt đối không giữ lại trong nhà.
Để đảm bảo an toàn trong việc chế tạo vũ khí, người làng Phúc Sen ai nấy đều phải tuyệt đối giữ bí mật, "sống để bụng chết mang theo". Hàng xóm và kể cả người thân trong gia đình cũng không được bàn tán, thắc mắc hay nói chuyện với nhau về việc chế tạo vũ khí. Chính vì thế mà làng Phúc Sen không ai được lập gia phả làng nghề, ai là ông tổ nghề? Ai đã đưa kỹ thuật chế tạo đại bác, súng thần công về làng?. Chính vì thế, đến nay không một ai biết về gốc tích của cái nghề đó.
Sau kháng chiến chống Pháp và mãi đến năm 1960, những bí mật về việc chế tạo súng thần công mới được rò rỉ. Tuy nhiên, cũng chỉ có một số ít người biết được bí mật về kỹ thuật chế tác vũ khí. Hiện nay trong làng còn lại không quá 4 người nhớ được những bí mật này của làng rèn huyền thoại.
Khi chúng tôi đề nghị kể về những bí mật của làng rèn, ông Thông ngần ngại hồi lâu rồi chậm rãi kể về kỹ thuật làm đại bác bằng phương pháp thủ công. Theo đó, muốn làm được đại bác đầu tiên người dân phải đúc khuôn đại bác, súng thần công. Khuôn đại bác thường to như cái cột nhà và dài trên 3m. Trong khi đó, súng thần công thì khuôn bé bằng bắp chân và dài hơn 1m.
Ông Thông cho biết, khuôn đại bác, súng thần công được làm từ đất sét lấy trong các hang đá. Khi đã có đất, người dân đem về phơi khô sau đó trộn với nước giã cho đến khi đất dẻo quánh lại như bánh dày. Lúc này, đất được nặn thành khuôn và đem phơi khô dưới bóng mát. Làm khuôn xong, người dân phải đi xin, cóp nhặt xoong nồi gang, lưỡi cày gang về để đúc đại bác. Gang lấy về được đập nhỏ trộn với sắt và đưa vào lò luyện. Đến khi gang chảy thành nước thì đổ khuôn. Tiếp theo đó, thợ rèn phải đập vụn các mảnh gang ra trộn với thuốc súng sau đó gói lại thành đạn đại bác.
Vương Chân
http://www.nguoiduatin.vn/dot-nhap-xuong-ren-vu-khi-lon-nhat-vung-dong-bac-a58003.html





19 nhận xét:

  1. Về các công nghệ khác trong chế tạo vũ khí, trước hết phải kể đến công nghệ đúc. Công nghệ đúc kim loại màu được áp dụng cho nhiều bộ phận, kể cả những bộ phận tinh vi, chính xác trong nhiều loại vũ khí như ngòi đạn cối, ống nổ, ống phóng lựu đạn. Công nghệ đúc gang dùng phương pháp đúc đứng để sản xuất đạn cối được thử nghiệm có kết quả và được áp dụng phổ biến. Vỏ đạn cối đúc đứng vừa trong, vừa đảm bảo độ dày đồng đều, khi bắn đạn bay ổn định hơn. Công nghệ đúc vỏ đạn cối, lựu đạn, mìn còn phụ thuốc vào lò đúc, than đúc. Qua nhiều nơi và nhiều lần rút kinh nghiệm, loại lò chõ với dung tích 20-50 kg gang quạt gió chạy điện hoặc đạp chân tiết kiệm được than, ngày càng phổ cập. Than được khai thác ở một số mỏ hoặc dùng than củi.

    Về công nghệ rèn, lúc này có những kiểu lò kín dùng các loại than nung được sắt hoặc thép khá lớn. Dụng cụ rèn có thể đột, nong, dàn, tóp nòng súng cối cùng các khuôn rèn thân đạn cối, bazoka. Các loại búa máy nhỏ như búa ván, búa nhíp, cánh cung giảm được khá nhiều công sức đánh búa tay. Khâu rèn nòng súng cối dùng vỏ đầu đạn đại bác 105mm rèn nòng súng cối 60mm, 81mmm, vỏ đầu đạn đại bác 155 rèn nòng súng cối 120mm.

    Súng cối do quân giới VN sản xuất. http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/Coi-VM1949.jpg

    Mỗi quả đạn rèn thành từng đoạn, tiện ren để nối nhiều đoạn thành nòng và tiện tinh để bảo đảm cả sự đồng tâm và độ nhẵn bóng theo dung sai cần thiết. Lúc này ta có những thợ tiện giỏi đã giải quyết thành công những yêu cầu kỹ thuật này. Một xưởng của Liên khu 3 có sáng kiến nối nòng súng cối 120mm bằng cách chét nòng. Nòng súng này chịu được áp lục của liều 6 (1,2 kg thuốc đẩy là thuốc đen) là liều cao nhất mà không bị long khi bắn.

    Công nghệ dập có chày, cối, với máy dập nhỏ có thể dập chóp, côn đạn bazoka, đạn AT vừa nhanh, vừa không bị rách. Phương pháp dập sâu đã chế tạo thành công vỏ ống nổ thay thế đúc thiếc.

    Trích tài liệu từ cuốn sách "Vũ khí Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến." do Trung tướng Trương Khánh Châu chủ biên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Về làng nghề, có làng rèn Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng lâu nay nổi tiếng là làng rèn dao, rựa lớn nhất khu vực Đông Bắc, làng rèn này còn chế tạo cả đại bác, thần công, súng kíp và lựu đạn cung cấp vũ khí cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

      Người Phúc Sen thường đi quyên góp những cái xoong gang, lưỡi cày gang... hễ vật gì bằng gang là thu mua hết. Những đồ gang vụn sau khi mua về được trộn với sắt đưa vào lò luyện gang cho đến khi chảy thành nước thì đổ vào một cái khuôn dùng để đúc đại bác, súng thần công. Khuôn đúc súng được làm từ một loại đất lấy trong các hang đá, loại đất này không ngót, không bị rạn nứt. Một khẩu đại bác đúc xong có chiều dài gần 3m, to như cột nhà và phải cần đến 6 - 8 người mới khiêng được một khẩu đại bác. Còn súng thần công thì bé hơn, chúng chỉ to bằng bắp chân người và có thể vác trên vai.

      Việc chế tạo đạn đại bác và kim hỏa cũng rất phức tạp. Đạn đại bác là loại đạn ghém được làm từ gang và thuốc súng, người thợ phải đập miếng gang ra từng mảnh nhỏ để khi nổ sẽ có độ sát thương cao, đạn được gói lại và gắn với một dây cháy chậm. Khi đi đánh trận, công việc vất vả nhất là khiêng đại bác, một khẩu đại bác rất nặng nên khó di chuyển. Bộ đội và người dân phải khiêng đại bác đến một địa điểm nào đó, đợi cho quân Pháp đến đông rồi bắn. Do đại bác rất nặng nên có những trận đánh đại bác mới bắn được một, hai lần đã phải vứt đó để chạy vì quân Pháp quá đông. Chính vì nhược điểm này nên số lượng đại bác được làm ra rất ít so với súng kíp và súng thần công.

      Ngoài việc đúc đại bác, súng thần công thì làng rèn Phúc Sen còn sản xuất cả súng kíp và vỏ lựu đạn phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, súng kíp là loại được làm nhiều nhất trong thời kỳ chống thực dân Pháp, công đoạn khó nhất của việc làm súng là khoan nòng. Nòng súng được làm từ một khối thép tròn, người thợ rèn phải dùng một mũi khoan nhỏ để khoan vào chính giữa. Để có được một nòng súng người thợ phải khoan mất 1 - 2 ngày mới xong. Công đoạn còn lại là lắp kim hỏa và báng súng vào để tạo nên khẩu súng hoàn chỉnh để đưa ra chiến trường.

      Những loại vũ khí này sản xuất xong, một phần được chuyển lên căn cứ Pác Bó, một phần được phát cho quân du kích đóng tại địa phương tập luyện. Ngoài ra, vũ khí ở đây còn chi viện cho chiến trường phía đông bắc để đánh lại giặc Pháp.

      Năm 1979, khi Trung Quốc xâm lược nước ta đã bắn pháo phá nát làng rèn Phúc Sen, những khuôn đúc đại bác, súng ống đều bị phá nát hoàn toàn. Đến nay, ở làng rèn Phúc Sen không còn nhiều người nhớ được kỹ thuật chế tạo đại bác, súng thần công... nhưng bí mật đó đã mãi đi vào huyền thoại của người dân Cao Bằng góp phần làm nên sự thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

      (Tài liệu lưu trữ cá nhân, mất nguồn.)

      Xóa
    2. Cái này mới độc đáo này: http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/sungcoigo.jpg

      Xóa
    3. Há há, lời kể của một bác thợ giỏi tưởng tượng ở trong làng ! Lại được các nhà báo quen bịa, tiếp sức thêm.

      Xóa
    4. Ảnh súng kíp do Phan Trường Sơn chụp tại Triển lãm "Vũ khí thô sơ, tự tạo - Di sản văn hóa quân sự VN đặc sắc" tháng 9/2009

      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2052.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2053.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2054.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2055.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2056.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2057.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2057.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2058.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2059.jpg
      Câu súng bên dưới là súng chống tăng được phục dựng. Không có thuyết minh gì.
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2060.jpg
      Súng cối 50,8mm, không có thuyết minh của BT.
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2065.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2067.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2066.jpg

      Xóa
    5. Một trong những nhà báo kiểu ấy, và những bác thợ giỏi tượng tượng thì thấy ở đây:
      Đột nhập "xưởng" rèn vũ khí lớn nhất vùng Đông Bắc

      http://www.nguoiduatin.vn/dot-nhap-xuong-ren-vu-khi-lon-nhat-vung-dong-bac-a58003.html

      Xóa
    6. Nòng súng cối không phải chịu áp lực lớn như nòng pháo bác ạ, nó chủ là ống phóng nên đúc bằng gang cũng được, bác hình dung cái ống phóng pháo hoa bây giờ, cũng bằng gang là ra cái súng cối thôi, thậm chí còn cả bằng gỗ như hình bên trên.

      Cối "cò sống", không có thuyết minh. Cỡ nòng đo được khoảng 50mm, nòng dài khoảng 550mm.
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2068.jpg
      Không tìm được ký hiệu trên súng.
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2069.jpg
      http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/Trien%20lam%20vu%20khi%20tho%20so%20va%20tu%20tao/tn_IMG_2070.jpg

      Xóa
    7. Mình vừa ghi bổ sung 1 (bằng 2 bài báo của năm 2012).

      Bổ sung 1 (13/1/2015): Một bài báo đã xuất hiện năm 2012. Và nhân chứng thì là các ông Long Thông và Nông Tào. Tuyền là kể lại của kể lại, của kể lại, của kể lại. Và đồng chí phụ trách Du lịch của tỉnh Cao Bằng thì lại họa thêm ra, như là quảng bá du lịch. Còn đồng chí chủ tịch xã thì lại sinh ra ở làng không có nghề rèn, hoàn toàn không có kĩ năng hay hiểu biết gì về nghề rèn. Rồi qua tay đồng chí nhà báo, bỗng nhiên ra làng sản xuất vũ khí.

      Xóa
    8. Các bác thợ giỏi tượng tượng có thể nói khoác lên cho hoành tráng, nhưng súng thần công thì hoàn toàn đúc được, hoặc các bộ phận của súng cối, cú cho là không đúc được nòng thì cũng đúc đựoc các bộ phận khác như đế, bệ, càng .v.v. còn súng kíp thì tới gần đây, đồng bào vùng cao vẫn làm mà, ví dụ súng kíp người H'mông http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/100817174943-804-417.jpg

      Một loại giá khoan nòng súng, giá khoan đều như cái đà xẻ gỗ của người Kinh, tức là giá dựng đứng ở giữa, hai bên có hai đà nghiên để 2 thợ kéo, cái giá này dùng để khoan súng nòng to cỡ 15-18mm thường bắn đạn ria, còn loại súng săn thú chính xác nòng cỡ 10mm phải chôn chặt nòng xuống đất và hãm bởi các súc gỗ lớn, phôi nòng xiên qua các súc hãm đó. Súng kíp người H'mông cũng khoan theo nguyên tắc chung của phương Tây nửa đầu thế kỷ XIX về trước, tức là dùng lực nhẹ và đều ép lên cán khoan, nhờ vậy, cán khoan dài không biến dạng quá nhiều. Nhưng thiếu hợp kim tốt, người H'mông có khả năng thay thế máy móc bằng độ tinh tường chính xác đặc biệt của tay và mắt, vừa khoan vừa nhiệt liệu và tạo hình lại mũi khoan, mà không làm biến dạng nhiều cán khoan, đồng thời vừa lắp, khoan và hiệu chỉnh lại, cũng không làm biến dạng nhiều lỗ khoan. Người H'mông cũng đôi khi có áp dụng phương pháp khoan thô lỗ lõi và tiếp tục gia công chính xác bằng mũi khoan mở rộng, trong trường hợp này, mũi khoan được làm nguội rất tốt bằng nước, do nòng đã thông, phoi thoát tốt, ít mòn do chỉ cát gọt rộng ra, thời gian khoan chính xác ngắn, nên không làm biến dạng nhiều mũi khoan, không phải tháp cán khoan ra, và nòng chính xác hơn. Cái tay vô lăng ô-tô được kính trọng là vì vậy, nó có lỗ giữa sẵn, cũng như một số loại xà beng. http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/45206345-1.jpg

      Xóa
    9. ok ! Vấn đề là đúc như công trường cung cấp súng cho rất nhiều nơi, nghe cực hoành tráng, hay chỉ được mỗi một khẩu, chú ý là số 01 tròn trịa và độc nhất (như kiểu đúc thử xem nó thế nào, và rút cuộc, mỗi cái khẩu ấy cũng tự phế bỏ vì có dùng được đâu).

      Trong ghi chép của sử địa phương, mình tin mỗi thông tin là có hai đồng chí mang súng thật của Pháp về nạp cho cách mạng.

      Xóa
    10. Bễ đẩy truyền thống, trong hình là ảnh đáng yêu, người vợ là thợ phụ, vừa địu con vừa đẩy bễ http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/45188208-nguoi-dan-toc.jpg Và chàng này làm xiếc, vừa đẩy bễ vừa làm gì đó trong lò, song thủ hỗ bác http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/40107836_98994sm.jpg

      Khi rèn phôi và gia công bề ngoài sau khi khoan, bễ được dùng, trong khi khoan, mũi khoan được gia công toạ hình và nhiệt luyện lại liên tục. Người H'mông không được học nhưng nắm được lý thuyết về “thấm carbon” và “tôi”, cũng như “ủ non”. Cái phương pháp đặc biệt khi nhiệt luyện mũi khoan từ thép xây dựng (sắt tròn) rất mềm, nhờ đó, khi mũi mòn, nó được gia công ăn dần lên trên cán. Lớp thấm carbon ở cán khi càng tiến về mũi càng dầy, càng đậm carbon, càng ăn tôi, trong khi các lớp trên vẫn mềm không gây giòn gẫy.

      Có hai cách làm bịt đáy nòng là khoan thủng và khoan không thủng. Trong cách khoan không thủng, chỉ rất ít thợ làm được, thì tai đe, nơi đặt kíp, được gia công trước, sau khi khoan nòng như ý thì khoan lỗ tra kíp. Tai đe kíp cũng như Tây, đặt bên phải, ngắm mắt phải, và nhờ thế bới bịu bắn khi kíp nổ. http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/images2010288_a3.jpg Cách thông dụng làm bịt đáy nòng là khoan thủng. Sau khi khoan xuyên, được đường kính lỗ đồng đều, mới rèn bịt đáy nòng và rèn cái tai đe kíp, cũng như một vài bộ phận của các loại máy cò. Nhờ vậy, cái tai đe kíp và máy cò rất nhỏ gọn, ít rung, ưu việt hơn bộ máy cò bán rời. Gia công bịt đáy nòng, tai đe kíp, lỗ tra kíp... và các bộ phận phía sau nòng bằng công cụ ngày nay http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/images2010291_a4-1.jpg

      Xóa

    11. Công cụ xưa để khoan lỗ tra kíp, một chàng (hay nàng) phóng viên đã thuê được bác H'mông hạ từ nóc nhà xuống, nhưng không biểu diễn, và phóng viên không đủ xiền thuê bác H'mông dựng giá khoan lên chụp. http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/45188208-nguoi-dan-toc-1.jpg Tân cổ giao duyên. Cái máy khoan tự chế bằng phụ tùng tái chế của thời hiện đại, cho phép tốc độ khoan cao hơn cái máy khoan hiện đại toàn phần trên, được lỗ nhỏ. http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/40107836_98996sm.jpg

      Súng và nòng thì nhiều, nhưng vì thiếu kiến thức kỹ thuật, nên các bạn du lịch và phóng viên toàn chụp ảnh súng hỏng, được bán phế thải, làm kỷ niệm. Súng kíp trong bảo tàng thường là súng tây hay lai tây. Thông thường nhất là súng Tây lắp rây ông nọ bà kia. Thứ đến là các súng kíp lắp nòng Tây, do khoan nòng kiểu Mèo rất tốn công của. Rồi các súng kíp tây đã hỏng máy cò được cải dùng kíp lông vũ với máy cò nhỏ. Đáng tiếc, máy cò Mèo kiểu nhỏ, tinh vi và nhẹ có nhiều, trong 2 bảo tàng quân sự và dân tộc đều có. Trong bảo tàng dân tộc, ở nhà người H'mông, còn hình ảnh một cái giá khoan đang hoạt động hồi 198x. Ngày nay, người H'mông không tự khoan nữa, mà thuê người Kinh khoan máy hoặc cải lại súng quân sự, đều kinh tế và chất lượng hơn nhiều. Trong số báo chí, có tay phóng viên lôi được đống đồ nghề ra chụp, nhưng tiếc tiền, không thuê ông chủ lò dựng cái giá lên. Nhìn chung, do thiết kiến thức về súng ống và kim loại, các phóng viên không có ảnh và lời bình giá trị, đánh giá được những khó khăn và giải pháp. Ví dụ, cái hình đầu mũi khoan được thợ cả làm lại thường xuyên bằng yếu quyết quan trọng nhất, không hề có.

      Cả ba khẩu súng đây đều là cò lấy từ súng tây http://i972.photobucket.com/albums/ae209/huyphuc1981_nb_1/bai_sung/meo/1ec89482.jpg Khẩu thứ 3 từ dưới lên là cò nhỏ. Kiểu cò ưu việt gắn liền với nòng này có thể thấy rất nhiều trong bảo tàng quân sự, nhiều trong số đó là rèn hoặc hàn (bằng đúc) từ nòng súng tây hay quân sự hoán cải.

      Thậm chí cả bảo tàng cũng có nhầm lẫn, dùng một khẩu súng kíp (nạp đạn miệng nòng dùng hạt nổ) chú thích là súng trường Cao Thắng http://img.photobucket.com/albums/v11/thoky/Ancient%20rifles/Caothang-01.jpg Cái búa đập hạt nổ đặc trưng của người Mèo http://img.photobucket.com/albums/v11/thoky/Ancient%20rifles/Caothang-02.jpg http://img.photobucket.com/albums/v11/thoky/Ancient%20rifles/Caothang-03.jpg

      Hay cối 60mm được gắn chân của cối 81/82mm tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/tn_IMG_1907.jpg hay trong Nhà trưng bày đồi A1 http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/tn_IMG_0193.jpg Tiểu liên K50 nhưng lại xếp cùng băng đạn AK

      Xóa
    12. Đoạn này xem ra có lí Khoằm à. Là vì cánh phóng viên không thạo về súng đạn. Nghe câu được câu chăng, là bơm vá vút trời.

      Nên bây giờ, nói chung, người Việt Nam mình chỉ cùng lắm làm được nguyên chiếc xe đạp.Xe máy thì chắc gần được chiếc.

      Xóa
    13. Hồi nhỏ em có đọc cuốn sách nói thời 9 năm quân ta khoan trục tàu hỏa để làm nòng pháo, cũng với khiểu khoan của người Mèo, làm gì có máy móc hiện đại đâu, việc đúc súng thần công thì các cụ đã làm từ ngày xưa, hồi 9 năm không có lý gì không làm được, sách của Trung tướng Trương Khánh Châu có nói về việc đúc gang, cứ cho là bà con Tây Bắc không đúc được nòng cối đi, thì đúc đạn, đúc các thành phần khác có gì không được?

      Ngay việc luyện gang cũng trày vi tróc vảy mấy năm trời mới xong, em có ghi một chút tại đây https://www.facebook.com/notes/pham-duc-dinh/c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-v%C3%A0-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam-trong-kh%C3%A1ng-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-ph%C3%A1p/809719955727623

      Cụ Trần Đại Nghĩa trày vi tróc vảy mới làm ra Bazoka, các cụ khác làm SKZ, DKZ, cối các loại, có cả cối 187mm làm từ vỏ bình khí nén, cũng phần nhiều là thủ công, đúc, gò, hàn cả đấy chứ, một khi các cụ làm được súng mẫu, bắn được, thì là ra được cẩm nang đúc súng rồi phổ biến xuống địa phương, mỗi nơi làm một vài bộ phận rồi gom lại lắp thành súng có gì không được ạ?

      Xóa
    14. Súng ngựa trời ở Nam Bộ là một dạng thần công, nòng làm bằng ống sắt, nhồi thuốc súng trong cùng, nhồi đinh, mảnh sắt, mảnh gang thậm chí cả đá làm đạn, đốt bằng ngòi cháy chậm http://www.btlsqsvn.org.vn/tabid/89/post/243/Suu-tap-sung-bo-binh-do-Viet-Nam-san-xuat-tu-nam-1945-den-nam-1975.aspx sản xuất từ năm 1956 http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Kien-thuc-lich-su---van-hoa/2014/10/3A924325/

      Xóa
    15. Súng ngựa trời có hình con bọ ngựa, bắn các mảnh kim loại, đinh, miểng chai, đá vụn để sát thương địch. Cấu tạo gồm: Nòng súng bằng kim loại (ống nước, ống tôn), đáy nòng bịt kín (hàn hay đập dẹt) đặt trên hai chân chống, gần đáy nòng khoan một lỗ để lắp cơ cấu cò hay bộ phận phát hỏa đơn giản. Cơ cấu cò đơn giản kiểu bẫy chuột.

      Trong nòng nhồi thuốc phóng (thường dùng thuốc đen), tấm đệm bằng gỗ và các mảnh gang, sắt, mảnh sành, miểng chai, đinh, đá, bi xe đạp.... (ngâm nọc rắn, nước tiểu). Cự ly phóng mảnh tới 150 mét, sát thương địch khoảng cách tới 100 mét.

      Súng ngựa trời đã sơn sửa để trưng bày http://i202.photobucket.com/albums/aa10/brucelee1306/picture.jpg

      Súng thần công chính là súng thần cơ là phát minh lỗi lạc của hoàng thân Hồ Nguyên Trừng trong thời Hồ. Đây là kiểu đại bác đầu tiên ở VN, sử dụng đạn đúc bằng chì, gang hoặc đá, có sức công phá cao http://sohanews2.vcmedia.vn/2013/1362885320761.jpg

      Xóa
    16. Quân giới QĐNDVN trong KCCP đã sản xuất rất nhiều kiểu súng cối với nhiều cỡ nòng khác nhau, nhưng về cơ bản có 5 kiểu chính :

      Súng cối 50,8mm, sản xuất dựa trên súng cối 50,8mm M1937 Pháp.

      Súng cối 60mm, sản xuất dựa trên súng cối 60mm M1935 Pháp và M2 Mỹ.

      Súng cối 81mm, sản xuất dựa trên súng cối 81mm M1927/31 Pháp và M1 Mỹ.

      Súng cối 120mm, sản xuất dựa trên súng cối 120mm M1950/51 Pháp.

      Súng cối 187mm, sản xuất bằng vỏ bình oxy, đạn nặng 30kg, tầm bắn 2000m, trang bị cho các trung hoặc đại đoàn bộ binh chủ lực.


      Cối 187mm VN http://i33.photobucket.com/albums/d85/chiangshan/Vu%20khi%20KCCP/Coi_187mm_va_dan.jpg

      Xóa
  2. Sử Việt nghĩ cũng buồn. Cả một "đại công trường" sản xuất vũ khí của một thời không xa lắm mà chẳng thể lưu lại một mẩu tàn tích để đến nỗi anh chàng phóng viên nói về đại bác với thần công lại phải chớp lại dao với kiếm làm bằng chứng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đao với kiếm thì quả là "chứng cớ" phụ trợ hữu ích ! Nhưng trong bài cũng nào thấy có cái kiếm hay cái đao ?

      Mà mới có từ năm 1950 đến nay thôi đấy.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.