Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/09/2014

Số phận kỳ lạ của bản thảo tập thơ "Ngục trung nhật ký" (bài Song Thành, 2013)

Bài đã lên trang của Nxb Chính trị Quốc gia năm 2013.

Tác giả Song Thành sử dụng chữ "Cụ" (viết hoa).

Từ đây trở xuống là chép nguyên về.


---

Số phận kỳ lạ của bản thảo tập thơ "Ngục trung nhật ký"

Thứ hai, ngày 23 Tháng 9 năm 2013 15:23



Cụ Hồ Chí Minh không chủ tâm làm văn chương, toàn bộ tâm trí của Cụ dành cho sự nghiệp đuổi giặc, cứu nước. Nhưng cũng như nhiều anh hùng dân tộc trong lịch sử, Hồ Chí Minh “trong khi đuổi giặc vẫn làm thơ”. Nhật ký trong tù, tập hợp hơn 100 bài thơ do Cụ sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ trong nhà tù Quảng Tây, Trung Quốc là một minh chứng sinh động, thể hiện phẩm chất, tâm hồn của một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nghệ sĩ lớn, có tấm lòng nhân ái bao la.
     Anh bai So phan ky la cua ban thao Nguc trung nhat kySáng tác văn chương của Hồ Chí Minh rải ra từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX cho đến lúc Cụ qua đời. Có bài được viết bằng tiếng Pháp, có bài bằng tiếng Việt, có bài bằng chữ Hán, tất cả đều xoay quanh một chủ đề “cứu nước, giải phóng dân tộc”, song không có bài nào vắng bóng con người. Khát vọng tự do, công lý, chính nghĩa, cơm áo, hòa bình… là những nội dung chủ yếu của thơ văn Hồ Chí Minh.
     Trong những sáng tác văn chương đó, Ngục trung nhật kýcó một vị trí đặc biệt. Đó là những bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh oái oăm - hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt, nhiều khi ra đời chỉ như là kết quả của một ngẫu hứng nào đó nhằm ghi lại một cảnh sinh hoạt, một tâm tư trong tù. Thế mà sau khi được tập hợp và dịch ra, công bố rộng rãi với thế giới, những sản phẩm “thơ của một thời” ấy bỗng trở thành “thơ của muôn đời”, như lời một nhà xuất bản Pháp viết, đã làm “xáo trộn cả tâm hồn nhân loại” bởi những giá trị nhân văn cao quý, tỏa sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Đã có nhiều nhà nghiên cứu làm rõ những giá trị bất hủ này. Ở đây không bàn lại.
      Duy bản thảo tập thơ lại có một số phận kỳ lạ, kỳ lạ như chính cuộc đời của tác giả, nghĩa là đã trải qua một thời kỳ thất lạc hơn mười năm, tưởng như đã mất hút, không thể có mặt trên văn đàn! Lợi dụng điều này, đã có một vài tiếng nói lạc điệu, cố tình đổi trắng thay đen, tung ra luận điệu về “lai lịch bất minh của Ngục trung nhật ký” hòng thực hiện ý đồ: phủ nhận “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký”, nhằm chống lại sự tôn vinh của UNESCO đối với những cống hiến của Hồ Chí Minh vào kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại. Nếu đây là luận điệu của những người nặng đầu óc hận thù, chuyên nghề bồi bút thì không đáng chấp, nhưng trong số những người xuyên tạc này lại có người mang danh “giáo sư, tiến sĩ, học giả” nên có thể gây ra những hoài nghi nhất định trong một số đồng bào ta ở xa Tổ quốc. Vì vậy, nói lại một cách rõ ràng về “lai lịch” của tập thơ, để độc giả trong nước, nhất là đồng bào ở hải ngoại, có điều kiện hiểu đầy đủ và chính xác hơn về thi phẩm giá trị này là rất cần thiết.
Hoàn cảnh sáng tác, quá trình thất lạc của "Ngục trung nhật ký"
    1. Như chúng ta đã biết, tháng 8-1942, Hồ Chí Minh lên đường sang Trùng Khánh với mục đích “kiến yếu nhân” (Thế lộ nan)1, nghĩa là dự định thông qua sự giới thiệu của bà Tống Khánh Linh để tiếp kiến Tưởng Giới Thạch, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Trung Quốc đối với tổ chức cách mạng và cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật của nhân dân Việt Nam.
    Lúc này, Nhật đã chiếm gần hết miền duyên hải phía đông của Trung Quốc và toàn bộ bán đảo Đông Dương, đặt ách thống trị lên Việt Nam. Hai dân tộc Hoa - Việt có một kẻ thù chung là bọn quân phiệt Nhật. Ở Trung Quốc, do đòi hỏi của tình hình, vì lợi ích chung của cả dân tộc, Tưởng Giới Thạch đã buộc phải hợp tác với Đảng Cộng sản để chống Nhật. Trên thế giới, Anh, Pháp, Mỹ cũng đã hợp tác với Liên Xô để chống lại phe phát xít Đức - Ý - Nhật. Việt Nam và Trung Hoa cần phải hợp tác với nhau chống kẻ thù chung, đó là đòi hỏi khách quan của tình hình và phù hợp với lợi ích chung của cả hai dân tộc. Nhu cầu đó buộc Hồ Chí Minh phải đích thân đi Trung Quốc, nhằm tiếp xúc với Tưởng Giới Thạch, nhằm cải thiện quan hệ giữa hai dân tộc, phối hợp đấu tranh chống kẻ thù chung. Nhưng khi Hồ Chí Minh vừa vượt biên giới, đến phố Túc Vinh, huyện Tĩnh Tây, thì Cụ bị lính của Trung tướng Trần Bảo Thương, Chủ nhiệm Cục Tình báo Trung ương Quốc dân Đảng, lúc đó đóng ở Tĩnh Tây, bắt giam, vì “tình nghi Cụ là gián điệp!”.
Tại sao Cụ Hồ bị giải tới, giải lui hàng năm trời mà không nơi nào chịu xét xử?
    Thực ra, một đơn vị quân tình báo (chuyên thu thập tin tức về quân đội Nhật ở Việt Nam) không có quyền ra lệnh bắt người, nhất là trên đất Quảng Tây, nơi có chính quyền riêng, tòa án riêng, vì vậy Trần Bảo Thương bắt người không được chính quyền Quảng Tây chấp nhận. Điều đó giải thích tại sao Cụ Hồ Chí Minh cứ bị giải tới giải lui hàng năm trời mà không có nơi nào chịu nhận xét xử.
   Chặng thứ nhất, họ giải Cụ Hồ từ Tĩnh Tây đi Thiên Bảo, Điền Đông, Quả Đức, Long An, Đồng Chính rồi tới Nam Ninh - nơi đóng các cơ quan đầu tỉnh. Nhưng tòa án Nam Ninh không nhận xử, vì vụ này không phải do chính quyền tỉnh Quảng Tây ra lệnh bắt giam. Vì thế, họ lại giải Cụ về Vũ Minh. Cụ đã nói lên nỗi bất bình của mình trong bài Giải đi Vũ Minh:
Đã giải đến Nam Ninh,
Lại giải về Vũ Minh;
Giải đi quanh quẹo mãi,
Kéo dài cả hành trình.
                               (Bất bình!)2
Do bắt một người nước ngoài, vu cho là gián điệp mà không có chứng cớ gì, không một tòa án nào dám xét xử; từ Nam Ninh họ lại giải Cụ đi tiếp qua Thiên Giang, Lai Tân đến Liễu Châu, nơi đặt bản doanh của Đệ tứ chiến khu do Trương Phát Khuê làm tư lệnh. Trong bài Đến Liễu Châu (9-12), Cụ viết:
Muôn cay ngàn đắng đâu vô hạn,
Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu;
Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng,
Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu3.
Nhưng bộ tư lệnh quân khu đâu có phải là tòa án, vả lại việc bắt Hồ Chí Minh chẳng liên quan gì đến Bộ Tư lệnh Quân khu Quảng Tây, nên họ giam Cụ Hồ tại đây khá lâu, rồi lại giải Cụ đi tiếp lên Quế Lâm, định bàn giao cho Lý Tế Thâm, lúc đó là Chủ nhiệm hành dinh Quế Lâm, để xét xử. Nhưng Lý nói: “Ông Hồ Chí Minh là người Việt Nam, thì cứ đưa về Liễu Châu, ở đó có Hội Việt Nam Cách mệnh đồng minh của người Việt Nam, mà xét xử”. Thế là Hồ Chí Minh lại bị giải trở lại Liễu Châu. Nỗi bất bình của Người đã lên đến cao điểm:
Liễu Châu, Quế Lâm lại Liễu Châu,
Đá qua đá lại, bóng chuyền nhau;
Quảng Tây đi khắp, lòng oan ức,
Giải đến bao giờ, giải tới đâu?4.
Tại sao họ lại trả Hồ Chí Minh về Liễu Châu?
    Có thể, cuốn Độc lập đặc san do tổ chức cách mạng ở trong nước biên soạn và phát hành, đã được gửi tới các cơ quan trung ương của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh và cả cơ quan đại diện Hãng thông tấn UPI của Mỹ ở đó. Trong lời giới thiệu, đặc san có viết rõ: “Hồ đại biểu là đại biểu của Hội quốc tế chống xâm lược - Phân hội Việt Nam. Mục đích của Hồ đại biểu là tới Trùng Khánh để gặp Tống Khánh Linh phu nhân, nhờ bà giới thiệu với Tưởng Ủy viên trưởng để thương lượng về việc hợp tác chống Nhật ở Việt Nam...”. Qua đó, họ biết Hồ Chí Minh là lãnh tụ phái tả của cách mạng Việt Nam, một nhân vật có uy tín, có thực lực. Điều này, giới lãnh đạo cao cấp Trung Hoa ở Trùng Khánh đã biết và qua tổ chức OSS, người Mỹ cũng biết. Họ thấy cần phải tranh thủ Hồ Chí Minh.
    Thời gian này, Trung Quốc đang bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” để khi Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, hoặc chiến tranh thế giới kết thúc, họ có ngay một tổ chức chính trị của người Việt Nam lưu vong từ Trung Quốc về - dù là một mặt trận liên hiệp lỏng lẻo - cũng sẽ tạo một thuận lợi về chính trị cho họ khi đem quân vào Việt Nam. Vì thế, họ đã thay đổi thái độ đối với Hồ Chí Minh.
     Hồ Chí Minh về tới Liễu Châu vào thời điểm Hội Việt Nam Cách mạng đồng minh đang chuẩn bị họp đại hội toàn quốc. Họ muốn Hồ Chí Minh giúp họ tham gia cải tổ tổ chức này, nên lập tức Cụ Hồ được thăm hỏi, ưu đãi, được tặng sách, cấp quần áo rét, từng bước nới lỏng rồi dần dần trả tự do cho Cụ, mời Cụ tham gia Ban trù bị Đại hội, rồi lại được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành của Đồng minh Hội!
     Ngục trung nhật ký ra đời trong bối cảnh đó (từ cuối năm 1942 đến cuối năm 1943). Trước hết nó là cuốn nhật ký ghi lại cuộc hành trình gian khổ “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã ở qua”5, bị giải đi bốn, năm chục cây số một ngày, bị ăn đói, mặc rét, bị ghẻ lở, bệnh tật, chấy rận, muỗi rệp hoành hành, nhiều đêm “Không ngủ được”, phải “ngồi trên hố xí đợi ban mai6.
     Ngục trung nhật ký cũng phản ảnh nhiều sự kiện chính trị thế giới, Trung Quốc và Việt Nam diễn ra trong thời kỳ 1942-1943, gắn liền với các địa danh của tỉnh Quảng Tây, với các nhân vật có họ tên, chức vụ cụ thể trong Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Quảng Tây (nghĩa là không có cái gì liên quan đến nhân vật và sự kiện ở Hồng Kông thời kỳ 1931-1933, như có người xưng là “học giả” đã bịa đặt!).
     Ngục trung nhật ký còn phản ánh tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng của một nhà cách mạng đã vượt lên mọi sự đày ải của kẻ thù, giữ vững khí phách kiên cường, tinh thần lạc quan và lòng nhân ái bao la của một nhà cách mạng đối với nhân loại đau thương, bất kể họ là ai, nguồn gốc thế nào, hễ bị đau khổ là Cụ thương cảm.
     Bản thảo Ngục trung nhật ký ban đầu được viết bằng bút chì, trên mép trắng cắt ra từ những mảnh báo, khâu lại bằng sợi chỉ, bên ngoài đề là Ngục trung sinh hoạt cốt để không gây chú ý cho bọn gác ngục. Sau khi được trả tự do, rời khỏi Đệ tứ chiến khu, về sống ở trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng đồng minh trên đường Ngư Phong, thành phố Liễu Châu, Cụ Hồ mới có thời giờ xem lại, sửa chữa, hoàn thiện bản thảo vốn được ghi vội bằng bút chì trên các mẩu giấy báo, chép lại sạch sẽ bằng bút lông vào một cuốn sổ tay khổ 9,5 x 12,5 và đặt lại tên là Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). Trong quá trình chép lại có sửa chữa vào cuốn sổ, người đọc nhận thấy có bài đã được tác giả đặt tên mà chưa kịp chép thơ và ngược lại, có hai bài đã chép thơ mà chưa kịp đặt tên, cho thấy tác giả vẫn đang còn tiếp tục cân nhắc.
      Như đã nói, Ngục trung nhật ký không chỉ ghi lại những cảnh sinh hoạt trong tù, mà khách quan còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù vô nhân đạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch, nên về thời gian sáng tác, ở đầu cuốn sổ, Hồ Chí Minh vẫn cẩn thận viết chệch đi 10 năm: 29-8-1932 - 10-9-19337; nhưng cuối tập thơ, trang 53, trên chữ “hoàn” (hết), Cụ vẫn đề rõ cùng một thứ chữ: 29-8-1942 - 10-9-1943.
      Một số nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc thời đó, như các ông Lê Tùng Sơn, Hồ Đức Thành... trong thời gian dự Đại hội các tổ chức cách mạng ở hải ngoại, tháng 3-1944 tại Liễu Châu, đã được tiếp xúc, trò chuyện với Cụ Hồ Chí Minh, trong lúc trà dư tửu hậu, đã được nghe Cụ đọc thơ hoặc cho xem bản thảo tập Ngục trung sinh hoạt, trong đó có một số câu, một số chữ có khác với chính bản đã được tác giả sửa chữa và công bố sau này.
     2. Sau Đại hội các tổ chức cách mạng ở hải ngoại, tháng 8-1944, Hồ Chí Minh được tướng Trương Phát Khuê cho về nước cùng với 18 thanh niên do Cụ lựa chọn. Trên đường về, Cụ dừng lại nghỉ ở làng Hạ Đống (thuộc huyện Long Châu). Rời Hạ Đống, “Người đã gửi lại một chiếc vali mây, trong đó có tấm chăn quân dụng và một số sách vở giấy tờ, nhờ gia đình Nông Kỳ Chấn giữ hộ” (Hoàng Tranh dẫn theo hồi ký của Nông Kỳ Chấn)8.
    Về nước, công việc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 diễn ra rất khẩn trương, kẻ địch tăng cường lùng sục, Cụ Hồ phải liên tục chuyển địa điểm, nhiều lần phải tạm lánh sang các xã thuộc huyện Long Châu bên Trung Quốc, đồ đạc, giấy tờ, trong đó có cuốn sổ tay thơ, được gửi lại nhà nào, Cụ không còn nhớ nữa (nhưng không có chuyện giắt lên mái tranh như có người đã viết, bởi Cụ Hồ là người rất cẩn thận). Cuốn sổ tay thơ của Cụ bị thất lạc từ đó. Rồi công việc cách mạng khẩn trương đã cuốn Cụ đi, bởi công việc làm thơ đối với Cụ, nói như GS. Đặng Thai Mai, chẳng qua “chỉ là một cử chỉ đánh rớt vào thơ”, nên Cụ chẳng có thời giờ để nhớ đến nó.
    Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, theo ông Tạ Quang Chiến - một người giúp việc lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Văn phòng Chủ tịch nước, kể lại: Một hôm vào khoảng giữa năm 1955, ông đang ngồi nhận công văn do các nơi gửi đến, thì thấy trong đó có một phong bì dày cộm hơn các phong bì khác, trên phong bì không đề tên người gửi, mà chỉ có dòng chữ: Gửi Văn phòng Chủ tịch phủ để trình lên Bác Hồ. Mở phong bì ra, ông thấy có một cuốn sổ nhỏ viết bằng chữ Hán rất sạch sẽ, không có chỗ nào gạch xóa, ông đem trình lên Bác Hồ. Nhận cuốn sổ tay, xem qua một lượt, niềm vui hiện rõ trên nét mặt, Người nắm chặt tay ông Tạ Quang Chiến và nói: “Bác cảm ơn chú!” và dặn phải có thư cảm ơn và tặng thưởng cho người có công giữ gìn và chuyển lại cuốn sổ này9.
    Tháng 9-1955, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một cuộc triển lãm lớn về cải cách ruộng đất đã được tổ chức tại phố Bích Câu, Hà Nội. Ngày 6-9-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm triển lãm. Nói chuyện với cán bộ, nhân viên triển lãm, Cụ khen triển lãm công phu, gây được ảnh hưởng tốt trong nhân dân, và hứa sẽ có quà thưởng cho Ban tổ chức. Một cán bộ được cử lên Phủ Chủ tịch nhận quà. Quà là một cuốn sổ tay gáy bọc vải đen, bìa màu xanh đã nhạt và một tấm thẻ đại biểu (phù hiệu dự Đại hội các tổ chức cách mạng ở hải ngoại, họp tại Liễu Châu tháng 3-1944) cũng màu xanh lam, trên có ghi tên Hồ Chí Minh bằng chữ Hán. Người dặn: “Các chú có thể dùng để trưng bày, giới thiệu cho mọi người biết, trừ hai hàng chữ nhỏ viết dọc bìa sau và hai phần ghi chép phía sau cuốn sổ”10.
   Cuốn sổ và tấm phù hiệu đã được Ban tổ chức kịp thời đem ra trưng bày ngay trong Triển lãm cải cách ruộng đất. Báo Nhân dân số ra ngày 13-9-1955 đã có bài viết về sự kiện này của phóng viên Phan Quang: “Chúng tôi có được xem cuốn sổ tay Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch ghi từ ngày 29-8-1942 đến 10-9-1943 trong khi Người từ Chiến khu Việt Bắc trở ra nước ngoài hoạt động và bị… giam giữ hơn một năm... Cuốn nhật ký khổ nhỏ, giấy bản màu vàng. Trang đầu có hình vẽ hai nắm tay rắn rỏi giơ lên phá tan xiềng xích...”.
    Như vậy, lần đầu tiên trong triển lãm này, đông đảo đồng bào ta đã tận mắt nhìn thấy cuốn sổ tay, bản thảo gốc của tác phẩm Nhật ký trong tù. Còn việc nghe nói đến hoặc nhìn thấy tập thơ thì có một vài người đã được biết từ sớm hơn. Báo Đồng Minh, tuần báo tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng đồng minh, xuất bản tại Hà Nội, số 43 ra ngày 16-6-1946, có đăng bài Quyển nhật ký thơ của Cụ Hồ của T.S11. Bài báo cho biết: “Nhân một bữa đến Liễu Châu để cổ động cho tờ báo trong các anh em Việt kiều ở đây, tôi đã được gặp Cụ Hồ Chí Minh. Cuộc đời tù hãm đã làm Cụ kém sắc nhiều, nhưng trong khi bắt tay Cụ, tôi thấy gân cốt Cụ còn rắn rỏi, mạnh mẽ. Cụ biết tôi viết ở báoĐồng Minh nên Cụ bảo: “Chú là người hay thơ vậy tôi có bài thơ này tặng chú”. Rồi Cụ ứng khẩu đọc luôn bài thơ Tặng cụ Đinh Chương Dương, Liễu Châu, 1943”. “Có ai ngờ Cụ là một người rất sính thơ. Mỗi một việc, mỗi một cử chỉ của đời sống hằng ngày là một đầu đề cho thơ của Cụ. Tất cả những bài thơ ấy, cụ chép trong một cuốn sổ nhỏ. Cuốn sổ ấy hầu như là quyển nhật ký của Cụ. Sau khi tặng tôi bài thơ trên, Cụ đưa tôi xem quyển thơ kia mà ít người được Cụ cho biết. Đó là một quyển sổ đóng bằng giấy bản hạng tốt, vừa to bằng bàn tay, nhan đề là Ngục trung nhật ký. Trang bìa ngoài vẽ hai bàn tay bị trói, do chính Cụ vẽ...”12.
     Sau này, trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch13, Trần Dân Tiên cho biết: trong thời gian bị nhà cầm quyền Quảng Tây bắt giam và giải đi khắp nơi, tuy gian khổ là vậy, “nhưng Cụ vẫn vui vẻ, vừa đi vừa ngâm nga. Thỉnh thoảng Cụ Hồ làm thơ”; song không thấy nói cụ thể gì hơn về tập thơ.
    Năm 1957, báo Nhân dân số ra ngày 19-5-1957 có bài viết về Quyển Nhật ký trong tù của Bác Hồ, của tác giả Nguyễn Tâm, đoạn mở đầu cho biết: “Tại phòng triển lãm14 những tài liệu cách mạng, có một quyển vở nhỏ bằng giấy bồi, ngoài bìa có bốn chữ Ngục trung nhật ký. Quyển nhật ký có hơn trăm bài thơ bằng chữ nho, ghi lại tình trạng Bác ở tù”. Bài báo kể lại tình trạng Cụ Hồ bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam hơn một năm, bị giải từ Tĩnh Tây lên Quế Lâm rồi lại đưa trở về Liễu Châu, với bao đày ải, gian nan, thiếu thốn, chỉ nghe nói lại đã thấy ghê người: đói rét, chấy, rận, rệp, muỗi, ghẻ lở... tù chính trị phải ở chung với kẻ giết người, cướp của... Tuy nhiên, Người vẫn vượt qua tất cả và tập nhật ký bằng thơ vẫn cứ tiếp tục...”.
     Lần đầu tiên, bài báo này đưa ra bản dịch bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn (Mới ra tù tập leo núi) do Cụ Hồ làm sau khi ra tù, bản dịch tạm của tác giả bài báo như sau:
Mây ngoài mây, núi ngoài làn núi,
Lặng như gương, không bụi lòng sông.
Bốn bề phong cảnh mênh mông,
Nhìn về Tổ quốc, bận lòng cố nhân.
    Bài báo kết luận: “Quyển nhật ký ấy là một đoạn trong lịch sử hơn 40 năm đấu tranh gian khổ của Bác Hồ”. Tuy nhiên, đến thời điểm đó (1957), tập thơ vẫn chưa được dịch và giới thiệu với đông đảo người đọc.
    3. Theo lời kể của ông Trần Đắc Thọ (trong băng ghi âm gửi cho Bảo tàng Hồ Chí Minh): mãi đến năm 1959, ông Phạm Văn Bình, lúc đó là Trưởng ban Giáo vụ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, một lần đến Kho lưu trữ của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, khi đó chưa khai trương, hiện vật cũng tạm lưu trữ ở phố Phan Bội Châu, để tìm tư liệu tham khảo về lịch sử Đảng, ông tình cờ thấy trong số tài liệu lưu trữ có một cuốn sổ gáy đen, bìa màu xanh nhạt, mở ra thấy bốn chữ Hán Ngục trung nhật ký, biết ngay là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đề nghị cho mượn về để dịch. Ông Văn Phụng - cán bộ phiên dịch của trường - dịch nghĩa, dựa vào đó ông Phạm Văn Bình (bút danh Văn Trực) dịch ra thơ và đã gửi đăng một số bài trên báo Văn nghệ số 84, tháng 5-1959. Xong việc, ông đem kết quả này báo cáo lên ông Trường Chinh và ông Tố Hữu. Một hội đồng dịch thuật tác phẩm Ngục trung nhật ký được thành lập, do ông Nam Trân, nhà thơ đồng thời là nhà Hán học uyên thâm, phụ trách với sự tham gia của ông Văn Trực và vài người khác nữa.
     Tháng 5-1960, bản dịch đầu tiên đã kịp ra mắt bạn đọc rộng rãi nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với số lượng in chưa từng có: hơn 10 vạn bản mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc.
    Vì nhiều lý do, bản dịch đầu tiên mới chỉ chọn dịch, đưa in có 114 bài trong tổng số 134 bài củaNgục trung nhật ký (không kể bài Mới ra tù tập leo núi vốn ở ngoài sổ tay nhật ký). Trong các lần xuất bản sau, bản dịch đã có sự chỉnh lý và dịch bổ sung thêm một số bài nữa, đến chuyên khảo Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1993) thì toàn bộ 134 bài của tập nhật ký đều đã được dịch, từ bài Đề từ, Khai quyển... đến bài Kết luận (thực ra, nếu tính cả bài Mới ra tù tập leo núi cũng chỉ là 134 bài vì bài Liễu Châu ngục (đánh số 100 trong nguyên cảo) có đầu đề nhưng tác giả chưa kịp chép bài thơ vào.

Đôi lời về những điều xuyên tạc vụng về, kém cỏi
    1. Đáng tiếc, người phủ nhận “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký”!20 lại mang danh một giáo sư, tiến sĩ, học giả!
    Học giả trước hết phải là người đi tìm sự thật. Sự thật ấy đã được ông Lê Hữu Mục thừa biết từ những năm ông còn ở trong nước, và ông đã không chỉ nghiên cứu rất kỹ mà tự mình còn có một bản dịch riêng tập thơ đó ra tiếng Việt - nếu không phải là thơ của Hồ Chí Minh và không yêu thích nó, chẳng ai bỏ công sức ra làm một việc dày công như thế (tuy nhiên, bản dịch của ông Mục cũng chẳng có gì hơn là sự thay đổi một số chữ, một vài vần so với bản dịch đã công bố của Viện Văn học). Nhưng đã muốn xuyên tạc thì phải bịa đặt, cho nên cuốn sách đó chỉ là một sự tập hợp những điều ngụy tạo, với những lập luận thô thiển, không phải là ngôn luận của một “học giả”, vì vậy cũng không đánh lừa được mấy ai.
   Tóm tắt mấy “luận điểm” chính của ông Lê Hữu Mục:
   Ông Lê Hữu Mục viết: Bản chụp bìa sách Ngục trung nhật ký đề niên đại rõ   ràng 29-8-1932 - 10-9-1933, mà “người ta” lại gán cho Hồ Chí Minh sáng tác vào những năm 1942-1943, là một điều không đúng sự thật! Theo ông ta, vào thời gian ấy (1932-1933) Hồ Chí Minh chưa đủ thành thạo chữ Hán để làm thơ! Thơ đó là của Già Lý, một tướng cướp già, giỏi chữ Hán, biết làm thơ, bị giam chung với Nguyễn Ái Quốc trong nhà tù Victoria ở Hồng Kông, thời kỳ 1931-1933 - vậy thơ đó là thơ của Già Lý! Hai người đã bút đàm, xướng họa với nhau (Một sự ngụy tạo vô lý vì luật pháp nước Anh không cho phép tù chính trị giam chung với một tên tướng cướp giết người nguy hiểm, nên không hề có cuộc “bút đàm”, “xướng họa” nào giữa hai người như ông Mục tưởng tượng và viết ra trong cuốn sách của mình, tr. 73-75).
    Sau niên đại, ông đi vào nội dung, từ ngữ, phong cách thơ nhật ký... để so sánh, đối chiếu. Ví dụ, ông ta lập luận:
    - Già Lý là người Hán nên mới viết: mình bị “hiềm nghi là Hán gian. Tết Song thập (10-10) là quốc khánh của người Trung Quốc, nên tác giả mới viết: Quốc khánh reo vui cả nước mừng!”.
   - Ngục trung nhật ký có nhiều bài thơ đề cao sức mạnh tinh thần, tâm linh, thượng giới, thuyết tuần hoàn, định mệnh, v.v.. Hồ Chí Minh là người duy vật nên đó không phải là thơ của một người cộng sản, mà là thơ của Già Lý!
   - Lại có một số bài sặc mùi phong kiến, quan lại khi ví mình với quan võ, khanh tướng, đại tướng anh hùng... Một số bài thể hiện quan điểm “siêu giai cấp”: tình thương lan rộng đến cả cây cỏ, loài vật như bài Phu làm đường, Nửa đêm... đó không phải là ngôn ngữ của người cộng sản, của nhà cách mạng lão thành! Nhiều bài thơ nói đến gia đình, Hồ Chí Minh có gia đình đâu mà nhớ!...
   - Về phong cách thơ, Lê Hữu Mục bịa ra câu chuyện “bút đàm”, “xướng họa” trong tù giữa Hồ Chí Minh và Già Lý. Quả là muốn bịa đặt phải có trí tưởng tượng phong phú! Nhưng cái khó cho Lê Hữu Mục là ở chỗ: trong Ngục trung nhật ký lại có một vài chỗ nhà thơ tự xưng mình là người Việt Nam, nói đến đất Việt, một số từ được viết bằng chữ quốc ngữ: Oa...! Oa...! Oa...!, bọn quỷ Nadi (trong nguyên văn), v.v. như những câu:
Ta là đại biểu dân Việt Nam,
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm…
“Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh,
“Nội thương” đất Việt cảnh lầm than...21.
     Do đó, từ chỗ khẳng định “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký”, ông Lê Hữu Mục tự lâm vào mâu thuẫn: thừa nhận Ngục trung nhật ký có hai tác giả: một Hoa, một Việt! Theo ông ta, thơ Ngục trung nhật ký có hai loại. Những bài Đường thi trữ tình, sâu sắc, đẹp, có giá trị là thơ của Già Lý. Nhân vật này lại tự coi mình là anh hùng, oai phong như quan võ, lẫm liệt như khanh tướng, thường ví mình như một con rồng, “mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới”... Đó là một tay giang hồ phóng túng, thích ngao du vào buổi sáng, thưởng thức hơi ấm bao la của vũ trụ. Địa bàn hoạt động của anh ta là rừng xanh, núi đỏ, có chim rừng về tổ, em gái xay ngô, có tiếng chuông chùa đổ chiều hôm, có tiếng sáo trẻ dắt trâu về...22. Số bài thơ trữ tình Đường thi này chiếm 3/4 tập thơ, đó là thơ của Già Lý! Phần còn lại, toàn thơ tự sự, đó là thơ của Hồ Chí Minh! Vườn thơ Hồ Chí Minh là ngôi vườn nhỏ, toàn thơ tứ tuyệt; khác với thất ngôn bát cú thiên về bộc lộ nội tâm, thơ tứ tuyệt chú trọng miêu tả ngoại cảnh, không hồi tưởng, không hoài niệm..., toàn ghi lại những sự việc hết sức bình thường, không chải chuốt, không có tính nghệ thuật!
     Lê Hữu Mục đối lập máy móc tự sự với trữ tình, coi đó là hai phong cách tách rời nhau, như không bao giờ kết hợp với nhau để cố tình gò ép vào lập luận áp đặt của ông ta: đó là thơ của hai người, hai phong cách!
      Bằng những lý giải vừa thô thiển vừa tự mâu thuẫn kiểu đó, ông ta nâng lên thành một nghi án văn chương, rồi lại còn dùng thủ đoạn trích dẫn cắt xén, bóp méo, giải thích xuyên tạc bài viết của các nhà nghiên cứu tên tuổi trong nước như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Lê Trí Viễn... để trắng trợn nói rằng các vị đó cũng hoài nghi, thắc mắc như tâm địa của ông ta!
     2. Ông Lê Hữu Mục tự xưng là nhà văn bản học, đã dùng phương pháp văn bản học để xác định xem ai là tác giả Ngục trung nhật ký. Vậy phương pháp văn bản học đòi hỏi gì?
     - Phải đối chiếu văn bản, bút tích (nét chữ của hai tác giả) để xác định tác phẩm là của ai.
    - Phải so sánh nội dung tác phẩm về không gian, thời gian, nhân vật, sự kiện... được đề cập đến trong thơ của hai người, để xác định được viết ở đâu, vào lúc nào.
    - Phải so sánh về tư tưởng, ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật, v.v. để tìm ra đặc trưng thi pháp của mỗi người.
    Như vậy, muốn bênh vực Ngục trung nhật ký là của Già Lý bằng phương pháp so sánh văn bản học, ông Lê Hữu Mục phải trả lời bằng cách so sánh, chứng minh dựa theo các yếu tố như đã nói ở trên:
    Phải đưa ra được văn bản gốc để chứng minh
   Theo ông Lê Hữu Mục, Già Lý cũng là một nhà thơ, từng có tác phẩm đã được công bố, nhưng bị thất lạc; thơ đó có nội dung, phong cách gần giống với Ngục trung nhật ký, có người đương thời nào đó đã từng đọc và xác nhận điều này. Như vậy, điều kiện cần là phải có văn bản, bút tích kèm theo để so sánh, đối chiếu nhằm đi tới kết luận như ông Lê Hữu Mục mong muốn.
    Nhưng ông ta không thể đưa ra một tài liệu gốc nào cả, mà chỉ dựa vào một chi tiết lấy từ Trần Dân Tiên trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, trong đó có kể rằng ở nhà ngục Victoria, nơi ông Nguyễn bị giam tại Hồng Kông, có một tướng cướp già họ Lý, giỏi chữ Trung Quốc, làm được thơ, có một cô con gái nuôi là Bành Hương…, thế là ông Lê Hữu Mục vội vơ lấy để khẳng định Già Lý biết làm thơ và thơ đó là thơ của Già Lý, rồi lớn tiếng kêu gọi: “Bành Hương hãy làm chứng cho cha”!!!
    Rõ ràng, việc không đưa ra được một cơ sở cứ liệu nào đã cho thấy ông Lê Hữu Mục không phải là một người biết về văn bản học mà chỉ là một người xuyên tạc tầm thường.
    Phải so sánh về nội dung tác phẩm
   Ông Lê Hữu Mục cho rằng Ngục trung nhật ký ra đời từ năm 1932-1933, do Già Lý viết ở Hồng Kông, trong ngục Victoria, chứ không phải ở Quảng Tây; thế nhưng toàn bộ nội dung của Ngục trung nhật ký lại xảy ra tại Quảng Tây, vào thời gian 1942-1943:
   Mọi địa danh trong tác phẩm đều thuộc Quảng Tây (không có một phố nào ở Hồng Kông cả): Túc Vinh, Tĩnh Tây, Long Tuyền, Điền Đông, Thiên Bảo, Quả Đức, Đồng Chính, Long An, Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm… đúng như câu thơ Hồ Chí Minh viết: Quảng Tây đi khắp mười ba huyện, còn ở Hồng Kông, ông Nguyễn chỉ bị giam một nơi trong ngục mà thôi, không có chuyện “ngao du” rừng xanh, núi đỏ như ông Mục viết.
   Thời gian ghi ở bìa đầu sách được tác giả viết lùi lại 10 năm, như đã nói ở trên, là do nội dung tập thơ khách quan có tác dụng lên án chế độ nhà tù vô nhân đạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch nên phải lùi lại để tránh phiền hà, nếu lính canh phát hiện ra, nhưng ở trang 53, cuối tập thơ, tác giả vẫn đề rõ cũng một thứ chữ: 29-8-1942 - 10-9-1943 (xem bản chụp).
    Thời gian Hồ Chí Minh bị bắt giam ở Quảng Tây là gần 13 tháng, còn ở Hồng Kông, ông Nguyễn bị giam mất gần 19 tháng (6-1931 - 12-1932); còn khi ông Nguyễn vào ngục Victoria, Lý đã bị giam gần 7 năm, sau vụ giết tên cai ngục người Anh, lại lãnh thêm án tù 7 năm nữa! Vì vậy, những con số 29-8-1932 - 10-9-1933 chẳng có liên quan gì đến những năm tháng bị tù (và chưa được tha) của Già Lý cả!
   Bị bắt giam vô cớ vào lúc “lịch sử đang trên đầu ngọn thác”, Cụ Hồ “tiếc ngày giờ”, Người đếm thời gian từng canh:
   “Một canh... hai canh... lại ba canh” (Không ngủ được); đếm từng ngày: “Ngoảnh lại, hơn trăm ngày ác mộng” (Đến Liễu Châu); đếm từng tháng: “Sống khác loài người vừa bốn tháng” (Bốn tháng rồi), “Trời xanh cố ý hãm anh hùng/ Cùm xích tiêu ma tám tháng ròng” (Tiếc ngày giờ); đếm bằng năm: “Ở tù năm trọn thân vô tội/ Hòa lệ thành thơ tả nỗi này” (Đêm thu).
   Già Lý ở tù đã 7 năm, vì giết viên cai ngục lại bị lĩnh thêm án 7 năm nữa, Lý có việc gì mà phải đếm thời gian?
   Toàn bộ sự kiện được đề cập trong tập thơ đều xảy ra trong thời gian 1942-1943. Ví dụ: sự kiện báo chí Trung Hoa đưa tin hoan nghênh W. Willkie, đại biểu Mỹ đến Trùng Khánh; hai bài thơ gửi Nehru; bài Việt Nam có bạo động... Tin trên báo Ung Ninh ngày 14-11; câu thơ “Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh”23 (cho biết Chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra ác liệt); “Trung Hoa kháng chiến 6 năm chầy”24 (tính từ vụ Lư Cầu Kiều 7-7-1937 đến 1943 là 6 năm); “Bọn quỷ Nadi tội đứng đầu”25(lên án tội ác Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai), v.v..
  - Về nhân vật, Ngục trung nhật ký có nhắc đến tên của nhiều nhân vật lúc bấy giờ: Willkie, Nehru, Dương Đào, ông Mạc, ông Quách, Hoàng Khoa Viên, Trần Khoa Viên, Trung tướng Lương Hoa Thịnh, Thiếu tướng Hầu Chí Minh... (cần nói thêm: trong phần phụ lục cuốn sách của ông Mục - phần tự dịch thơ - Lê Hữu Mục biết đây là điểm yếu, bất lợi cho mình nên đã cố tình lờ đi, không dám đưa ra các bài dịch có nhắc đến Việt Nam, hoặc có tên các nhân vật đương thời, nhất là hai bài thơ gửi cho J.Nehru!).
   Phải so sánh về tư tưởng, phong cách tư duy và nghệ thuật
     Ông Lê Hữu Mục khẳng định Ngục trung nhật ký là của Già Lý, nhưng ông ta không chứng minh được những tư tưởng, phong cách tư duy của Già Lý thể hiện trong tác phẩm này. Chúng ta đều biết tư tưởng của vĩ nhân là một hệ thống nhất quán, dù thể hiện ở hình thức diễn đạt nào (nghị luận hay trữ tình) thì sự nhất quán đó vẫn cứ bộc lộ ra. Không khó khăn gì để nhận ra những suy nghĩ dưới đây là cùng một phong cách tư duy:
    Nói về vai trò chiến sĩ của người nghệ sĩ cách mạng, Ngục trung nhật ký viết:
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
                 (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”)26.
     Trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa 1951, Cụ Hồ viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”27.
    Cùng một ý chí sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Ngục trung nhật ký viết:
Thà chết chẳng cam nô lệ mãi,
Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền.
           (Việt Nam có bạo động)28.
     Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Cụ Hồ viết: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ !”29.
     Cùng khẳng định một chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (1967), năm 1942 trong Ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh đã viết:
Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do?
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ,
Để cho người dắt tựa trâu bò!
(Cảnh binh khiêng lợn cùng đi, bài II)30.
      Một tên tướng cướp giết người có thể có ngôn luận như vậy không?
     Còn có thể dẫn ra nhiều chi tiết nữa để nói lên sự nhất quán về tư tưởng, phong cách tư duy và ngôn ngữ giữa Ngục trung nhật ký với những sáng tác khác của Cụ Hồ. Nếu như chỉ dựa vào hai phương thức biểu hiện là tự sự và trữ tình để phân biệt phong cách nghệ thuật của một nhà thơ thì thật không gì thô thiển hơn. Ai cũng biết: một nghệ sĩ đa tài thường vẫn là đa phong cách và cũng rất phong phú về cách thức biểu hiện. Đa dạng mà vẫn nhất quán. Cái nhất quán trong phong cách nghệ thuật thơ văn Hồ Chí Minh - như các nhà bình luận văn học của thế giới đã chỉ ra, đó là chân thực, giản dị, tự nhiên, hấp dẫn mà không hào nhoáng, mộc mạc mà không tầm thường. Đó cũng là những chuẩn mực về cái đẹp thường thấy ở những tài năng đã vượt qua khỏi “cái đỉnh cao nhất của kỹ xảo điêu luyện để trở thành một nghệ thuật hầu như tự nhiên”.
     Thiên chức của nhà khoa học có lương tâm bao giờ cũng hướng về chân lý, chính nghĩa, truy tìm sự thật, chứ không mượn danh khoa học để lừa dối người đọc bằng những điều ngụy tạo. Hoàn cảnh đã buộc một người có học vấn như ông Lê Hữu Mục phải làm cái việc đổi trắng, thay đen, trái với thâm tâm mình, đó là điều đáng buồn cho ông. Tuy câu chuyện đã cũ và nay ông Mục cũng đã không còn, việc phải trình bày lại một cách rành rọt là bất đắc dĩ đối với người viết, không phải để nhằm vào người đã khuất mà chỉ muốn góp phần giúp đồng bào ta đang sống ở trong nước hay hải ngoại tránh được những ngộ nhận do một số người còn nặng lòng hận thù, hiện vẫn đang lợi dụng những điều ngụy tạo do ông Lê Hữu Mục bịa ra để tiếp tục xuyên tạc về tác giả một thi phẩm lớn của văn hóa dân tộc, đã được cả loài người tiến bộ hết lời ca ngợi.
***
     Ngay trong năm 1960, Trung Quốc đã chọn in 100 bài (nhất bách thủ) trong nguyên cảo của tác giả, xuất bản để chào mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, Nhật ký trong tù đã lần lượt được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới: Nga (Mátxcơva, 1960), Mông Cổ (Ulan Bato, 1962), Ba Lan (Warsaw, 1962), Pháp (Paris, 1963), Hunggari (Budapest, 1969), Đan Mạch (Copenhaghen, 1970), Mỹ (1971), Tiệp Khắc (Praha, 1973), Nam Tư (Zagreb, 1975), Cộng hòa dân chủ Đức (Berlin, 1976), Anh (xuất bản hai lần, 1962 và 1972), ngoài ra tập thơ cũng đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Ảrập, tiếng Espéranto, và có lẽ còn nhiều thứ tiếng khác nữa mà chúng tôi chưa được biết.
    Tập thơ ra đời đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn quốc tế. Nhà thơ lớn Trung Quốc Quách Mạt Nhược viết: “Một trăm bài thơ hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường - ấy là đồng chí Hồ Chí Minh. Thật là, “thi ư kỳ nhân” - thơ như người vậy... Có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào một tập thơ của các thi nhân Đường - Tống thì cũng khó phân biệt”15.
    Nhà thơ Nga Pavel Antokolski - người dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Nga - đã viết về tính chân thực của tập thơ như sau: “Trước mắt chúng ta là hơn một trăm bài thơ tứ tuyệt có sức thuyết phục lớn lao đối với lòng người và có sức mạnh nghệ thuật ghê gớm. Sự chân thành của tác giả, tính chân thật, chất phác của Người đã chinh phục được người đọc... Tác giả đã kể về những đau khổ, bất hạnh của mình một cách đơn giản, mộc mạc, bình thản và chính xác, không cường điệu, không úp mở, không nói bóng gió... Người muốn vẽ lên những bộ mặt của con người và những mối liên hệ qua lại - cảm hứng chủ đạo nghệ thuật của tác giả chính là ở đó”16.
    G.Boudarel cho rằng: “tất cả những bài thơ ngẫu hứng ấy... đều thấm nhuần tư tưởng nhân văn là cái tạo nên sự thống nhất của nhà thơ... Dù là ghi chép những chi tiết một cách thô sơ gặp trên đường hay miêu tả tỉ mỉ phong cảnh như một nhà phong cảnh học, dù là thể thơ châm biếm sâu cay hay là thể thơ hài hước hiền hòa, dù đó là thơ cổ điển hay thơ hiện đại, Cụ Hồ Chí Minh đều sử dụng chúng một cách thành thạo”17.
     Jean Lacouture cũng viết: “Tính đôn hậu nhân văn có một không hai toát lên ở hầu khắp các bài thơ... Có một cái gì tự hào và dịu dàng xuyên qua các câu chữ, trong đó tính nhạy cảm châu Á và tính lãng mạn Pháp hòa hợp với nhau. Nhân cách, học vấn và số phận kỳ lạ của Cụ Hồ được thể hiện một cách khác thường trong các bài thơ ấy...”18.
     Tiến sĩ Phêcanxơ Xơilaghi, Tổng Biên tập tạp chí văn học của Thụy Điển Lăng kính phương Bắc,đọc xong Nhật ký trong tù, rút ra kết luận: “Đây là một cuốn sách mà tất cả mọi người yêu thơ đều nên đọc, vô luận người đọc ấy mang chính kiến như thế nào”19.
    Sở dĩ phải dẫn ra dài dòng về quá trình sáng tác, thất lạc, tìm lại, rồi được dịch ra và giới thiệu với đông đảo bạn đọc trong nước và thế giới cùng với tiếng vang của nó trong lòng bạn đọc... là để bác lại ý kiến về cái gọi là “lai lịch bất minh của Ngục trung nhật ký”, nhằm tiếp tay cho những người âm mưu chống lại Nghị quyết của UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

GS. SONG THÀNH
Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh
và các lãnh tụ của Đảng
***
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 21, 23, 24, 25, 26, 28, 30. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.309, 340, 411, 423, 424, 393, 311-319, 370, 385, 385, 451, 391, 366.
7. Xem Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, mục Biên niên sự kiện, tr.279, 282.
8. Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, 1990, tr. 189 và chú thích số 185 cuối sách.
9. Theo Hồng Khanh: Niềm vui của Bác Hồ khi nhận lại bản thảo Nhật ký trong tù, viết theo lời kể của ông Tạ Quang Chiến, báo Nhân dân, số ra ngày 17-5-2003.
10. Theo lời kể của ông Hà Văn Kỉnh, cán bộ Ban tổ chức triển lãm, người trực tiếp lên nhận quà, hồi ký, hiện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
11. T.S. có thể là bút danh của Lê Tùng Sơn, một nhà cách mạng hoạt động lâu năm ở Trung Quốc, phụ trách báo Đồng Minh. Xem số ra ngày 16-6-1946, hiện lưu tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội.
12. Nguyễn Hữu Viêm: Bài báo đầu tiên giới thiệu “Nhật ký trong tù”, báo Lao động, số 13, ngày 29-3-1990. Xem thêm bộ sưu tập báo Đồng Minh lưu tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội.
13.Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn nghệ, Hà Nội, 1955, tr.95.
14. Ý nói triển lãm cải cách ruộng đất, tháng 4-1955.
15. Quách Mạt Nhược: Nay ở trong thơ nên có thép (Cảm tưởng sau khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù), báo Nhân dân, ngày 13-11-1960.
16. Pavel Antokolski: Gặp tác giả Nhật ký trong tù, trích trong tập Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1981, tr.500-501.
17. G. Boudarel: Lời giới thiệu “Nhật ký trong tù”, in trong sách Ho của D.Halberstam, Paris, 1971.
18. J. Lacouture: Ho Chi Minh, Seuil, Paris, 1967, p.62-63.
19. Báo Thống nhất, ngày 7-11-1969.
20, 22. Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Nghị luận của Lê Hữu Mục, Văn bút Việt Nam Hải ngoại xuất bản, tháng 11-1990, Làng Văn (Canađa) ấn loát và tổng phát hành.
27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, 246.
29. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.534.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.