Địa giới "phường Đông Tác" thuộc Thăng Long trong lịch sử, là một vấn đề hóc búa. Sách địa chí ghi chép có nhiều điểm nhầm lần.
"Đông Tác" đâu đó như ở Kim Liên - Trung Tự.
"Đông Tác" lại đâu đó như ở khu Cửa Nam.
"Đông Tác" lại đâu đó như khu vực gần Hồ Hoàn Kiếm.
Bây giờ, đi một ít thông tin mà ít nhiều đã được biết đến.
Tháng 12 năm 2023,
Giao Blog
---
..
Vị đại khoa Nguyễn Trù là người có công bồi đắp nền văn, đặt nền tảng cho loại hình sách tham khảo dành cho sĩ tử.
Là một vị đại khoa, sau lại lĩnh trách nhiệm Tế tửu Quốc Tử Giám, Nguyễn Trù là người có công bồi đắp nền văn, đặt nền tảng cho loại hình sách tham khảo dành cho sĩ tử.
Nguyễn Trù sinh năm 1668, người phường Đông Tác, huyện Thọ Xương thuộc kinh thành Thăng Long (nay thuộc phường Trung Tự, Đống Đa - Hà Nội). Nguyễn Trù là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Đông Tác nổi tiếng trong lịch sử Thăng Long.
Dòng họ danh tiếng Thăng Long
Văn bia hình hộp 'Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt' do Hoàng giáp Nguyễn Trù soạn. |
Theo cuốn “Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị Thế phả”, soạn năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) thì dòng họ Nguyễn Đông Tác có nguồn gốc từ Gia Miêu ngoại trang, Thanh Hóa. Cụ sơ tổ của dòng họ là Nguyễn Chính Thiện. Con trai của tổ là Nguyễn Lương Phúc, giữ chức Quang Tiến Phụ quốc Thượng tướng quân.
Đến đời thứ 7, dòng họ Nguyễn Đông Tác có ông Nguyễn Hy Quang đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương khoa Đinh Dậu (1657), vào thi Hội trúng Tam trường, lại đỗ khoa Sĩ vọng (1670), được bổ chức Giáo thụ phủ Thường Tín. Chúa Trịnh Tạc biết tiếng ông, bèn triệu vào phủ làm thầy dạy Trịnh Vĩnh và Trịnh Bính.
Nguyễn Trù chính là cháu của Nguyễn Hy Quang. Năm 1697, Nguyễn Trù ứng thi khoa Đinh Sửu và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Cùng với Nguyễn Quyền, ông là một trong số hai người đỗ đầu kỳ thi Đình (nhị giáp).
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này ghi rằng: “Mùa Đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18, bủa lưới cầu hiền, mở trường thi tài kén kẻ sĩ. Bấy giờ các cống sĩ các nơi dồn về như mây hợp, số ứng thí tới 3.000 người. Qua trường bốn, chọn được hạng ưu tú 10 người.
Tháng Chạp vào thi Đình, Hoàng thượng đích thân ra bài hỏi về môn học tâm tính của con người. Hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển lên đọc, Hoàng thượng xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Quyền, Nguyễn Trù đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Quang Huân 8 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân…”.
Cuối bài ký còn ghi: “Kẻ sĩ may mắn sinh ra ở đời này, mừng gặp thời sáng, đội ơn tiên triều vẻ vang cất nhắc ngợi khen, nay lại được biểu dương nồng hậu, vậy phải nghĩ đền đáp thế nào? Ắt phải nguyện làm sao cho danh xứng với thực, nghĩ việc trước lo đến việc sau, giữ lòng trung ái, mài rèn đức hạnh liêm sỉ cho bản thân được như Cao, Tiết; vua mình được như Nghiêu, Thuấn. Nếu được như thế thì bia đá này, tên tuổi này càng lâu càng vẻ vang, càng xa càng nức tiếng vậy.
Còn nếu danh thực trái nhau, trước sau sai lệch, lo bon chen ganh ghét, theo thói dua nịnh, lòng chứa những chuyện tham lam nhũng nhiễu, ngậm miệng như bị đóng hàm, làm cho danh tiết bị nhơ bẩn, danh giáo bị ô nhục thì người đời sau tới xem, ắt sẽ chỉ vào tên mà khinh bỉ đức hạnh, công luận nghiêm buốt khó trốn, há chẳng xấu hổ lắm sao?
Thế thì bia đá này dựng lên thật có ý sâu sắc, sẽ làm cho rõ ràng xấu tốt, nêu cao sừng sững trước tai mắt mọi người, mài rèn danh tiết cho sĩ tử, bồi đắp nguyên khí của nước nhà, có quan hệ đến thế đạo, há phải nhỏ đâu!”.
Gia phả dòng họ Nguyễn Đông Tác (bản sao chép năm 1932). |
Bồi đắp nền học
Sau khi đỗ đại khoa, Nguyễn Trù được triều đình bổ dụng làm Đốc trấn Cao Bằng. Tại đây, ông nhận thấy việc phiên viễn có phần lơi lỏng nên đề xuất một số cải cách bằng việc cho phiên thần Thái Nguyên đem quân bản thổ luân chuyển đi thú.
Sách “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” ghi rằng, trước đây lính thổ ở Thái Nguyên hàng năm luân chuyển nhau đi thú thủ Cao Bằng nhưng đến năm Bảo Thái thứ 2 (1721), chúa Trịnh Cương cho rằng đất nước thừa hưởng thái bình đã lâu, cõi biên vô sự, quân lính ở tại (thổ trước) cũng đủ sức chống cự, bèn sai bỏ việc đồn thú... Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, tình hình nơi đây lại trở nên nóng bỏng. Theo lời đề xuất của Nguyễn Trù, việc này được nối lại, định lệ cứ mỗi năm một lần thay đổi.
Năm 1728, niên hiệu Bảo Thái thứ 9, Nguyễn Trù được triều đình bổ dụng giữ chức Hữu Thị lang bộ Hình, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, như Tiến sĩ Nguyễn Công Thể - người từng giữ cương vị Tể tướng và Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông được xem là một trong những “người thầy một đời, muôn đời”.
Năm Vĩnh Thịnh 9 (1713), ông đã chú thích và cho in cuốn “Sách học đề cương” của Chúc Nghiêu (Trung Quốc) gồm 10 quyển, 124 bài văn sách, đề tài lấy từ Kinh, Sử - bàn về tấm lòng vua, nhân đức, hiếu liêm, nho thuật hình pháp. Mục đích của sách này là để cho các sĩ tử tham khảo các đề tài và các cách làm bài luận khi thi Hội.
Trong lời bạt, Nguyễn Trù viết: “Sách này của Chúc Nghiêu tiên sinh là chính tông của môn sách học, lưu hành khắp nơi đã lâu năm. Hiềm vì sách thì có mà chú thích còn thiếu, tôi không tự lượng kiến thức hẹp hòi, kính đem những điều được biết chép ra để cho người mới học được tiện tra cứu”.
Các chú thích của Nguyễn Trù không tách ra phần riêng mà bám sát nguyên văn, gặp chữ khó, điển lạ thì chú giải bằng chữ nhỏ bên cạnh để giải thích. Những chú thích như vậy rất cần thiết để người đọc dễ lĩnh hội ý nghĩa và phương pháp của bài sách luận. Bàn về tác phẩm này, Phan Huy Chú đã đánh giá “chú thích rất kĩ lưỡng, xác đáng”.
Năm 1728, Nguyễn Trù cho hiệu đính và in lại tập sách “Quần hiền phú tập”, gồm 30 tác giả từ thế kỉ 14 - 18 như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn. Đây là tập phú cổ nhất của nước ta còn giữ được cho đến ngày nay.
Tập phú không những có giá trị cho việc dạy học, mà còn là một bộ sưu tập giữ lại được những tác phẩm phú chữ Hán trong thời kỳ thịnh đạt của thể loại, mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã khen là “khôi kỳ, hùng vĩ, lưu loát, đẹp đẽ”.
Danh sĩ thời Lê là Nguyễn Công Cơ cũng khen: “Bộ tuyển tập phú này nếu không có các bậc hiền xưa thì không có nghệ thuật thần diệu; nhưng các bậc hiền triết đó nếu không có ông Nguyễn (Nguyễn Trù) thì không để được văn phú cho đời sau”.
Ngoài ra, ông còn cho in sách “Truyền kỳ lục” - một tác phẩm thuộc thể loại hiếm quý của văn học Việt Nam. Nhận xét về Nguyễn Trù, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Trù là người học hỏi rộng rãi, thường sửa định, chú giải các sách học đề cương và Quần hiền phú... lưu hành ở đời”.
Di sản làng Trung Tự
Cửa Ngưỡng Chỉ đình Trung Tự. |
Nguyễn Trù cũng là người dựng văn bia “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” (Bia mốc giới thôn Trung Tự, phường Đông Tác) được hậu thế xem như một “cuốn sổ đỏ” bằng đá có một không hai ở Việt Nam. Hiện tấm văn bia này vẫn được bảo lưu và gìn giữ tại đình Trung Tự.
Để hiểu ngọn nguồn tấm văn bia này, theo người dân Trung Tự thì phải lần giở lịch sử vào thế kỷ 16, đất Đông Tác bị một số quan lại đương thời chiếm đoạt. Đến đời thứ 7, Nguyễn Hy Quang khi còn đang đi học cũng đã bày mưu kế cho dân làng tranh kiện đòi lại đất đai với các chức dịch.
Tên Hoàng giáp Nguyễn Trù trên bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1697. |
Trải qua 3, 4 lần xét xử, đến năm 1674 sau khoảng 80 năm phải “ở nhờ”, người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên mảnh đất cũ của tổ tiên. Trong năm này, Nguyễn Hy Quang bỏ tiền cùng dân làng Trung Tự sửa sang làng xóm. Biết đó là nơi nền đất yếu, Trịnh Bính cho quân dẫn theo đàn voi đến khu đất mà dậm nền nhà cho vững để trả ơn thầy.
Vào ngày 2 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733), văn bia này được soạn, trở thành một văn bản chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất của dân làng sau khi dân làng Trung Tự thắng kiện và đòi lại được đất đai bị chiếm dụng trong suốt 80 năm.
Trong lời mở đầu văn bia, Nguyễn Trù viết: “Ngày phục nghiệp của thôn ta, có một đạo “Khải của quan Phụng Sai”, lại thêm một đạo “Phán quyết của quan Cai Khám”.
Đây là những vật báu muôn đời, được cất giữ trong hòm quý đến nay vừa tròn 60 năm. Nay ta muốn truyền lại lâu dài, bèn cùng người làng tìm đá, chọn người để chép lại và khắc sâu, khiến cho trăm đời có bằng chứng, vạn năm không hư hỏng”.
Sau lời mở đầu, văn bia được khắc gồm có hai văn bản. Một là bài Khải soạn ngày 10 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức 2 (1673) của một viên quan phụng sai dâng lên chúa Trịnh trình bày ý kiến của viên quan này đề đạt lên chúa xin công nhận và trả lại cho dân thôn Trung Tự số ruộng đất đã bị chiếm đoạt.
Hai là một văn bản ra đời sau đó 4 năm, đề ngày 19/8, Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị 2 (1677), có tên là “Cai khám quan phó đoạn tích” (Quyết định của quan Cai Khám).
Nội dung là lời quan Cai Khám phán quyết về vụ kiện về tranh chấp đất đai giữa làng Trung Tự và làng láng giềng. Quan Khám phán quyết rằng: Sau khi thẩm tra và đối chiếu địa bạ, thấy làng láng giềng tố cao làng Trung Tự chiếm đất của mình là sai, vì các khu đất có từ lâu đã thuộc về làng Trung Tự. Làng láng giềng này phải nộp phạt 30 quan tiền về tội mạo chiếm.
Theo dân làng Trung Tự, “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” là một loại bia hộp vì có hình thù như một chiếc hộp, gồm hai phiến đá úp vào nhau. Cả hai phiến đều hình vuông kiểu triện vuông 76cm, tấm dưới dày 50cm, tấm trên 18cm. Hồ sơ xếp hạng di tích đình Trung Tự đánh giá: “Khối bia hộp duy nhất tìm thấy ở nội thành, một loại hình di vật độc đáo đặc biệt quý hiếm trong Di sản văn hóa nước nhà” (Quyết định 776/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 23/6/1992).
https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/vi-hoang-giap-co-cong-boi-dap-nen-hoc-khac-da-de-danh-48894.html
..
..
(HNM) - Trung Tự thuộc phường Đông Tác và Kim Hoa, sau đổi là Kim Liên, là hai làng cổ liền kề nhau thuộc huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên (tức Kinh thành Thăng Long). Ngày nay, Kim Liên và đại bộ phận làng Trung Tự cũ hợp thành một phường là Phương Liên. Từ lâu nhiều nét đẹp truyền thống của cả 2 làng đã được lưu truyền.
Đường Xã Đàn ngày nay thuộc địa phận làng Trung Tự cũ. Ảnh: Bảo Kha |
Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" Cuộc thi còn một đợt chấm giải vào tháng 10 năm 2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể. Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần. BTC |
https://hanoimoi.vn/cau-chuyen-lang-co-236232.html
..
MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ NHỮNG THÔNG TIN TRÊN TẤM BIA HỘP VÀ SÁCH PHẢ CỔ Ở LÀNG TRUNG TỰ, HÀ NỘI
NGUYỄN HẢI TRỪNG
Phố Đông Tác - Hà Nội
Một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Vĩnh Phúc, Vũ Tuấn Sán... đã viết về truyền thống văn hoá tốt đẹp của làng cổ Trung Tự, phường Đông Tác, Thăng Long. Đầu thế kỷ XX, khi bỏ cấp phường, làng Trung Tự có một thời gian được gọi là làng Đông Tác nay nằm trong địa bàn 3 phường Phương Liên, Kim Liên và Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Thế nhưng, trên báo Hà Nội Mới Chủ nhật, số 313, ngày 19/3/1995, trong bài "Phương Liên, hôm qua - hôm nay", Lê Duy Quang đã viết rằng trước đây chỉ có một làng mang tên Kim Liên (KL). KL có một ông trạng do khúc mắc với dân làng nên đưa bà con thân thuộc sang bên kia thành Đại La lập làng mới là Trung Tự (TT). Sau đó dân 2 làng cắt quan hệ với nhau. Ngoài ra có người còn đưa ra một thông tin không rõ xuất xứ cho rằng TT là một giáp của KL tách ra. Những việc trên chứng tỏ có sự hiểu không thống nhất về lịch sử của TT và KL. Vì vậy, việc tìm ra các chứng cứ có độ tin cậy cao để giải quyết là điều nên làm, và cũng là để góp phần nhỏ bé vào việc chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong các tư liệu mà chúng tôi sưu tầm được, có 2 di vật đáng chú ý là tấm bia hộp và một cuốn phả cổ 418 trang. Bia hiện nay được lưu giữ ở đình Trung Tự, cách ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt 500m về phía Tây Bắc, rất gần đình Kim Liên. Sở dĩ gọi là bia hộp vì đó là hai phiến đá vuông vắn úp lên nhau trông như một cái hộp, phiến dưới dày 31cm, phiến trên làm nắp dày 19cm. Mỗi phiến đã tạo thành một mặt bia, hình vuông, mỗi chiều gần 80 cm. Bia có tên là Đông Tác phường, Trung Tự thôn, địa giới kiệt (mốc giới đất đai thôn Trung Tự, phường Đông Tác) nên thoạt đầu tôi tưởng đơn thuần là nói về vấn đề đất đai. Sau khi nghiên cứu kỹ trên thác bản, tôi mới từng bước nhận thấy 2 văn bản pháp quy khô khan khắc trên bia chứa đựng nhiều thông tin quý. Kết hợp với tư liệu trong cuốn phả nói trên và các tư liệu khác, chúng tôi đã hiểu đúng hơn về lịch sử một làng khá cổ của Việt Nam, nhất là về việc vượt qua tai họa để trở thành một trong những đất học của Thăng Long, trong đó có dòng họ đã giữ được truyền thống đó hơn 300 năm nay.
Trước hết xin giới thiệu nội dung mặt bia ở phiến đá lớn nhất (đặt ở dưới). Mở đầu là mấy lời hậu sinh người làng Trung Tự là Hữu thị lang Bộ Hình, Xương Phái Hầu, Hoàng Giáp Nguyễn Trù (1668 - 1736) soạn. Ông cho biết là bia này khắc ngày 2 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức 2 (1733), để lưu truyền 2 văn bản liên quan đến việc phục nghiệp của làng Trung Tự, đã được cất kín trong hòm trước đó vừa tròn 60 năm. Cùng dự việc khắc bia này còn có Quận Công Lê Hữu Vũ là Phụng sai Đề Lĩnh Tú thành Quân vụ cùng Phủ doãn và Thiếu doãn phủ Phụng Thiên.
Tiếp đó là Văn bản pháp quy thứ nhất, tức là tờ Khải của Quan Phụng Sai, hơn 700 chữ, gồm 2 phần:
Phần 1: Là Tờ trình của dân thôn Trung Tự, phường Đông Tác gửi lên cửa quan. Xin dịch như sau:
"Nguyên đất thổ cư (gồm cả ao) của thôn chúng tôi, phía Đông giáp phường Kim Hoa; Đoài Giáp hai giáp Kiều Thượng, Kiều Hạ, Nam giáp hào ngoài thành Đại La; Bắc giáp (?) (trước đây) đã bị quân phòng chiếm ở, chỉ còn lại khu đền, khu chùa và một vài nhà dân làng ở ven hồ. Tuy nhân dân phải dựng nhà ở nơi khác nhưng việc thi cử, tuyển mộ hộ tịch vẫn theo lệ cũ. Nay ngửa trông thánh đức thương dân phiêu bạt thường cho triệu tập về nên dân làng được đội ơn trở về đất cũ khôi phục nghiệp tổ. Sau lời khai các khoảnh đất bị chiếm, tờ khải thiết tha mong được quan trên nghĩ đến tình cảnh dân làng, (cho) trả lại những đất đã bị chiếm cứ, giúp cho dân chúng tôi an cư phục nghiệp" (dịch).
Phần 2: Là ý kiến của Quan Phụng Sai sau khi trực tiếp thẩm tra tại chỗ và xem kỹ địa bạ của thôn TT: Các khu trên cộng là ba mẫu (phong tử), năm sào, hai thước, sáu thốn, nguyên là đất cũ của tổ tông thôn TT phường ĐT, dưới triều đại trước, mấy năm gần đây bị quân phòng chiếm, liền sau đó trở thành nơi ở của Hậu Hoà quân doanh. Hơn nữa xem kỹ địa bạ cũ, thấy địa phận các khu y hệt như đơn của dân phường đã trình... Kính xin chiếu chỉ chuẩn trả lại cho dân phường... trở về an cư phục nghiệp như trước kia.
Ngày 10 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức 2 (1673).
Văn bản pháp quy này có 2 điều đáng chú ý:
a. Đất thổ cư của thôn TT bị chiếm cứ đúng là đất cũ của tổ tông dân làng dưới triều cũ tức triều Mạc - tuy dân phải di dời đi nhưng sổ sách và các việc vẫn theo lệ cũ. Tức là trước khi mất đất, TT đã là một đơn vị hành chính nằm trong phường ĐT và hơn nữa cho đến khi xử kiện chưa lúc nào bị xoá tên.
b. Năm 1673, triều đình xử cho dân làng được lấy lại đất cũ trở về phục nghiệp.
Mặt bia ở phiến đã úp bên trên chép Văn bản pháp quy thứ 2, khoảng 600 chữ. Đó là lời phán quyết của Quan Hi sát Ngự sử đạo Thanh Hoa trong việc xét xử vụ tranh chấp đất đai giữa phường Kim Hoa (Kim Hoa), tên cũ của Kim Liên trước thời Thiệu Trị, với TT Đông Tác (ĐT).
Sau khi tra cứu địa bạ và trực tiếp điều tra, quan Ngự Sử đã phán quyết về từng khoảnh đất tranh chấp. " Xét kỹ thì rõ ràng đất ấy thuộc địa phận phường ĐT. Khu đất và ao ở ngoài hào thành Đại La, phải trả lại cho phường ĐT, đúng như số liệu đã đo đạc... Phường KH đã sai trái bán một số đất thượng hạng cho người ngoài. Theo pháp luật, có thể dung tha không? Phải phạt thường KH 30 quan tiền cổ về tội mạo chiếm.
Về vụ kiện này, nha môn Phủ Doãn cũng biết ĐT là đúng nhưng phán quyết chưa tình lý. Nha môn huyện quan xét đoán chưa triệt lý lẽ, phải chịu phạt tiền cổ 5 quan.
Ngày 19 tháng8 năm Đinh Tỵ, niện hiệu Vĩnh Trị 2 (1677) " (dịch).
Lời phán quyết thật là nghiêm, tuy vậy có một vấn đề nổi lên cần giải đáp trước, đó là cụ thể sự việc mất đất của TT như thế nào, vì Khải của quan Phụng Sai viết quá gọn: "một thời gian bị quân phòng chiếm, về sau quân doanh ở". Rất may sách Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị toàn phả của TS Nguyễn Văn Lý(1795 - 1868) đã cho khá nhiều thông tin. Đây là một bộ sách 3 tập, viết tay, chữ đẹp, tàng bản của dòng họ. Ở thư viện Viện Hán Nôm, sách có tên hơi khác là Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị Tông phả, 276 trang, ký hiệu VHv. 216, tương tự như tập I của bộ sách trên. Những người đã đọc bộ sách này đều nói sách viết công phu, cẩn trọng. Xin trích dẫn một đoạn ở mục nói về tổ đời thứ 3 của dòng họ là Chính Nghị, làm ở Cẩm Y Vệ triều Lê: "... Lúc bấy giờ có Thái Phó Việt Quận Công, đóng doanh ở Tây Bắc làng, hàng ngày hà hiếp chiếm đất. Dân làng phải phiêu dạt... nhưng sổ thi, hộ tịch vẫn giữ theo lệ cũ. (Cụ) sang trú ở quê vợ là phường KH, vào ngôi hương ẩm ở Giáp Đông" (dịch). Cuốn Phả họ Nguyễn Đông Tác, chữ quốc ngữ (xuất bản năm 1940 - trang 9) tác giả là Thiều Chửu (1902 - 1945) có thêm thông tin như sau: "Tập Gia phả nôm của cụ Đại vương chép rằng cụ Phúc Kỳ, con trai thứ 4 của cụ Chính Nghị, làm Lý trưởng gặp hồi Việt Quận công đóng dinh ở Tây Bắc làng, hiếp dân tranh đất, dân không yên ở, cụ thu xếp đem dân vào ở nhờ làng Kim Liên". (Cụ Đại vương tức là Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692), cháu gọi cụ Phúc Kỳ là ông nội).
Căn cứ theo tuổi của Chính Nghị và Phúc Kỳ (sinh năm 1545 và 1571) cũng như năm nhà Lê Trung Hưng thắng lợi trở về Thăng Long(1539), có thể đoán định việc làng TT bị chiếm đất xảy ra khoảng cuối thể kỷ 16 đầu 17. Chính sử cũng cung cấp minh chứng khi ghi rõ thời kỳ này một số công thần lớn và thân thích của vua chúa đã được lập quân doanh để thưởng công và có người đã lợi dụng để xâm lấn.
Tóm lại, theo chứng cứ trên bia và tông phả trên, làng TT đã là một đơn vị hành chính từ lâu, ít nhất cũng từ trước cuối thể kỷ 16 (là lúc làng bị chiếm đất phải sang trú ở KH), hơn nữa, Trung Tự thuộc phường Đông Tác. Năm 1673, triều đình xử cho TT được lấy lại đất cũ về phục nghiệp rồi lại xử vụ KH chiếm đất của TT. Điều đó bác bỏ hoàn toàn chuyện TT ra đời là do một số dân KH bỏ làng cũ hoặc do 1 giáp của KH tách ra.
Câu chuyện đất đai của Trung Tự, Kim Hoa là câu chuyện của lịch sử. Sự thật chỉ có một. Tuy nhiên hơn 300 năm đã qua đi. Sự thật lịch sử đó qua "bia miệng" đã mang nhiều sai lệch. Viết về lịch sử địa lý một địa danh như Kim Liên mà chỉ dựa vào lời "Các cụ kể lại" như tác giả bài báo Hà Nội mới chủ nhật ngày 19/3/1995 - Lê Duy Quang - thì sẽ khó mà trở thành một cứ liệu chắc chắn.
Trên cơ sở tấm bia và cuốn gia phả hiện còn chúng tôi viết bài này không ngoài mục đích trở lại sự thực lịch sử cho hai địa danh của Hà Nội là Kim Liên - Kim Hoa mà ở đó từ lâu đời vẫn có mối quan hệ đoàn kết gắn bó với nhau, không hề có sự mâu thuẫn như lời đồn của một bộ phận dân chúng.
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.559-564
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=272&Catid=374
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.