Vào cuối tháng 7 năm 2020, điện Sùng Đức được chính thức khởi công. Giao Blog đã điểm tin sự kiện đáng nhớ đó, xem lại ở đây.
Bây giờ, vào đầu tháng 12 năm 2022, tức sau khoảng 2 năm rưỡi, điện Sùng Đức đã kiến thiết xong cơ bản. Vào ngày 8 tháng 12 (tức ngày 15 tháng 11 âm lịch), lễ khánh thành điện Sùng Đức đã được tổ chức long trọng.
Lấy bài đầu tiên từ trang của huyện Nam Sách.
Các thông tin cập nhật dần ở bên dưới.
Tháng 12 năm 2022,
Giao Blog
Nguồn
https://www.youtube.com/watch?v=gLMQkbahJC0
---
Giá trị lịch sử - văn hóa Điện Sùng Đức trong quần thể di tích Đền Long Động |
Ngày tạo: 08/12/2022 |
Sử cũ còn ghi lại, năm 1527, Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi sau khi lên ngôi đã dựng Điện Sùng Đức trên nền nhà cũ của Mạc Đĩnh Chi, cách Đền Long Động khoảng 300 mét về phía Đông bắc. Tuy nhiên do chiến tranh Nam Bắc Triều (1592-1593), Điện Sùng Đức và nhiều công trình tâm linh khác đã bị tàn phá. Năm 1999, dòng họ Mạc và nhân dân địa phương đã phục dựng trên nền đất cũ một ngôi điện nhỏ, kiến trúc đơn giản bằng chất liệu bê tông để con cháu họ Mạc và nhân dân thắp hương thờ tự kính bái. Năm 2015, hội thảo khoa học về Điện Sùng Đức được tổ chức thành công một lần nữa khẳng định tính lịch sử của điện Sùng Đức.
Trong những năm qua, chính quyền địa phương và con cháu họ Mạc cùng nhân dân đã cùng nhau phục dựng, nâng cấp công trình Điện Sùng Đức để xứng tầm với quần thể di tích quốc gia. Cùng với sự vào cuộc của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương, Đảng ủy, Chính quyền xã Nam Tân đã thực hiện các bước theo quy trình và đã được UBND tỉnh Hải Dương, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch thống nhất quy hoạch khoanh vùng bảo vệ và thẩm định cho phép phục dựng Điện Sùng Đức nhằm phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống văn hóa của quê hương cho hậu thế.
Tháng 5/2020, công trình phục dựng Điện Sùng Đức được khởi công. Để có kinh phí xây dựng, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam cùng Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chi họ Mạc và gốc Mạc trong toàn quốc và ở nước ngoài; các cá nhân, doanh nghiệp đã tự tâm công đức, hưng công góp của. Nổi bật là các tập đoàn TH Truemilk (ở tỉnh Nghệ An) và tập đoàn Phương Trang (ở thành phố Hồ Chí Minh), mỗi tập đoàn đóng góp 7 tỉ đồng. Cùng với con em dòng họ Mạc tại quê nhà và người dân xã Nam Tân đã đóng góp tích cực cho việc phục dựng ngôi Điện. Ông Mạc Văn Khắc, Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích Đền thờ Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Nam Tân có 2 chi họ Mạc, mọi người đều tích cực góp công góp của, nhất là những người thành đạt đã sẵn sàng góp từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để phục dựng Điện Sùng Đức. Người ở tại quê hương - kể cả không phải trong họ Mạc cũng thường xuyên tham gia lao động dọn dẹp, vệ sinh các hạng mục đã thi công xong. Nhân dân thôn Long Động nói riêng, nhân dân xã Nam Tân nói chung đều rất phấn khởi, tự hào về truyền thống của ông cha, của quê hương”.
Sau hơn 2 năm xây dựng, công trình phục dựng Điện Sùng Đức đã hoàn thành với quy mô khang trang trong khuôn viên rộng hơn 6000m2, tọa tây ghé nam hướng đông ghé bắc, phía trước là sông Kinh Thày uốn lượn, hai bên là làng mạc trù phú, phía sau trông xa có dãy núi Dương Nham nối mạch, phù trì vận nước vững bền. Ngôi chính điện thờ các Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng tộc triều Mạc. Nhà tiền tế có diện tích 259m2 thờ Thủy tổ cùng tổ các chi họ Mạc và gốc Mạc. Hậu cung rộng 90m2 thờ Đức thánh Khởi tổ, Đức thánh Thủy tổ, Đức thánh Viễn tổ, Tổ mẫu, Tổ thúc họ Mạc Việt Nam. Ngoài sân dựng bia tri ân tiên tổ; nghi môn sừng sững, vững chãi. Tổng kinh phí xây dựng đến thời điểm này là gần 40 tỉ đồng, còn nhiều hạng mục khác tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Ngày 08/12/2022 (tức ngày 15 tháng 11 âm lịch), Điện Sùng Đức chính thức được khánh thành.
Điện Sùng Đức – Tổ đường Mạc tộc Việt Nam đã hoàn thành khang trang, to đẹp góp phần nâng cao vị thế của quần thể di tích quốc gia Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, một trong những điểm du lịch tâm linh của huyện Nam Sách vừa đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân cũng như con cháu họ Mạc và toàn thể du khách xa gần trong xu thế hội nhập và phát triển chung của đất nước.
Trần Mai Anh
http://namsach.haiduong.info.vn/ViewDetail/5524.aspx?fbclid=IwAR3JxGy6NSvVswGsh0G656u7M1yzGHE5x8tNGZTkiUiL7qNZLmsKO0hmcyc#
Ngày tạo: 08/12/2022 |
Tới dự có Thượng tọa Thích Thanh Vân- Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương; đồng chí Vũ Quang Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo phòng Văn hóa Thông tin cùng một số ngành liên quan của huyện, chính quyền địa phương; đại diện Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương cùng bà con họ Mạc và gốc Mạc đang sinh sống trên 30 tỉnh, thành trong cả nước và nhân dân xã Nam Tân.
Theo sử cũ còn ghi lại, năm 1527, Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi, sau khi lên ngôi đã dựng Điện Sùng Đức trên nền nhà cũ của Mạc Đĩnh Chi, cách Đền Long Động khoảng 300 mét về phía đông bắc. Do biến cố thăng trầm của thời gian, Điện Sùng Đức đã bị tàn phá. Năm 1999, dòng họ Mạc và nhân dân địa phương đã phục dựng trên nền đất cũ một ngôi điện nhỏ, đơn giản để con cháu họ Mạc và nhân dân thắp hương thờ tự kính bái.
Thể theo nguyện vọng của chính quyền địa phương cũng như con cháu họ Mạc và nhân dân là phục dựng công trình Điện Sùng Đức xứng tầm với quần thể di tích quốc gia, tháng 5/2020, công trình phục dựng Điện Sùng Đức được khởi công. Nguồn kinh phí xây dựng hoàn toàn do Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương cùng các chi họ Mạc và gốc Mạc trong toàn quốc và ở nước ngoài; các cá nhân, doanh nghiệp tự tâm công đức. Nổi bật là tập đoàn Phương Trang (ở thành phố Hồ Chí Minh) công đức 10 tỉ đồng, Tập đoàn TH True mil (ở Nghệ An) công đức trên 7 tỉ đồng.
Sau hơn 2 năm xây dựng, công trình phục dựng Điện Sùng Đức đã hoàn thành với quy mô khang trang trong khuôn viên rộng hơn 6000m2 gồm: ngôi chính điện và nhà tiền tế đều có diện tích 259m2, hậu cung rộng 90m2, cổng tam quan cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí xây dựng đến thời điểm này là gần 40 tỉ đồng, còn một số hạng mục khác tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vũ Quang Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện đã ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nam Tân, Hội đồng Mạc tộc và con cháu họ Mạc trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, đặc biệt là đã đóng góp tinh thần và vật chất để xây dựng, tu bổ di tích Đền Long Động nói chung, Điện Sùng Đức nói riêng để cụm di tích không chỉ là điểm hội tụ tâm linh của dòng họ Mạc mà còn là một điểm du lịch tâm linh của tỉnh Hải Dương và huyện Nam Sách, nơi nhân dân cùng khách thập phương chiêm bái, thành kính tôn vinh danh nhân, sự học.
Mai Anh - Đức Trung
http://namsach.haiduong.info.vn/ViewDetail/5532.aspx#
..
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.