Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

10/12/2022

Cập nhật tình hình 2021 - 2022 về miếu Thanh Cẩm ở Hà Thành (đình Trung Yên phố Hàng Bạc)

7 năm trước, vào tháng 5 năm 2015, Giao Blog đã điểm tin về miếu Thanh Cẩm thờ một vị tiến sĩ triều Mạc đã xả thân cứu vua Mạc (xem lại ở đây).

Chuyện được chép vào một bản Việt điện u linh, cũng được chép vào Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án.

Bây giờ là đưa một ít tin tức cập nhật tình hình.




Tháng 12 năm 2022,

Giao Blog






---

CẬP NHẬT


Tận dụng tối đa cấu kiện cổ và cũ khi tu bổ đình Trung Yên

24/10/2021 07:17 | 0

(HNM) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích đình Trung Yên, quận Hoàn Kiếm.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Trung Yên, với các nội dung cải tạo tầng 1 thành không gian sắp lễ, đón tiếp khách, sinh hoạt cộng đồng, khu phụ trợ…; tu bổ, tôn tạo tiền tế, hậu cung tại tầng 2; tôn tạo miếu Trung Yên và hạ tầng kỹ thuật tổng thể.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý chủ đầu tư nghiên cứu giải pháp gông bó để tái định vị các chi tiết nề ngõa còn khả năng sử dụng; phục hồi nguyên trạng hệ thống đại tự, câu đối; bổ sung biện pháp chắp, vá, nối để tu bổ cấu kiện gỗ nhằm tận dụng tối đa các cấu kiện gỗ cổ và cũ; không sơn thếp lại toàn bộ mà chỉ trám vá đồ thờ hiện có để bảo đảm giữ được vật liệu và màu sắc gốc của đồ thờ; cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc bổ sung, bài trí đồ thờ nội thất.

Đình Trung Yên tọa lạc trong khu dân cư đông đúc của Khu phố cổ Hà Nội với lối kiến trúc nhà ống trên tổng diện tích 70,5m2. Đình thờ một Ngự Sử đời Mạc, không rõ họ tên, đã hy sinh cản lối Triết Vương Trịnh Tùng, giúp chúa Mạc chạy thoát. Năm 2008, đình Trung Yên được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

Nguyễn Thanh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/825622/tan-dung-toi-da-cau-kien-co-va-cu-khi-tu-bo-dinh-trung-yen




..


Tháng 10 năm 2021

"

21 Tháng Mười, 2021

Thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Trung Yên, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ngày 20/10/2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội thỏa thuận về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Trung Yên, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Đình Trung Yên. Ảnh: BXD

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Tờ trình số 184/TTr-UBND  ngày 06/9/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề nghị thẩm  định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Trung Yên, tại số 10 ngõ Trung Yên,  phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (kèm theo hồ sơ). Sau khi nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thẩm định như sau:  Thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Trung Yên, nội dung: Cải tạo  tầng 1, số 10 ngõ Trung Yên thành không gian sắp lễ, đón tiếp khách, sinh hoạt  cộng đồng, khu phụ trợ…; tu bổ, tôn tạo Tiền tế, Hậu cung tại tầng 2; tôn tạo  miếu Trung Yên và hạ tầng kỹ thuật tổng thể.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Cần nghiên cứu giải pháp gông bó để tái định vị các chi tiết nề ngõa còn  khả năng sử dụng (lồng đèn trụ biểu, tượng nghê chầu, tấm lan can triện); phục
hồi nguyên trạng hệ thống đại tự, câu đối; Tận dụng tối đa các cấu kiện gỗ cổ và cũ. Giữ nguyên các cấu kiện gỗ cũ  còn tốt; gia cố, tu bổ đối với cấu kiện gỗ hư hỏng một phần; chỉ thay mới khi  cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn; Bổ sung biện pháp chắp, vá, nối để tu bổ cấu kiện gỗ; Không sơn thếp lại toàn bộ đồ thờ hiện có, chỉ trám vá, tu bổ đảm bảo giữ  được vật liệu và màu sắc gốc của đồ thờ. Việc bổ sung, bài trí đồ thờ nội thất cần  được nghiên cứu kỹ lưỡng trong giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công của Dự án.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban  nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ,  công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Đình Trung Yên được xây dựng trên mặt bằng hình ống đặc trưng của kiến trúc trong phố cổ Hà Nội với diện tích 70,5m2 và tọa lạc trong khu đông dân cư. Đình nằm trên tầng hai một căn nhà nhỏ trong ngõ Trung Yên, đình còn có tên là đền Thanh Cẩm, thờ một Ngự Sử đời Mạc, không rõ tên họ. Ông hy sinh cản lối Triết Vương Trịnh Tùng để chúa Mạc chạy thoát. Đình Trung Yên được công nhận là di tích quốc gia từ năm 2008.

H.A

"

http://sovhtt.hanoi.gov.vn/tham-dinh-du-an-tu-bo-ton-tao-di-tich-dinh-trung-yen-hoan-kiem-ha-noi/



---


BỔ SUNG



2. Sách Tang thương ngẫu lục

"


Cụ ngoại bảy đời của tôi là ông Bùi Thế Vinh, đỗ tiến sĩ trong năm Diên Thành ( 1566-1577), quan hàm Tự Khanh. Khi nhà Mục mất ngôi, ông lui về quê nhà, rồi cùng ông Đỗ Uông ở làng Đoàn Tùng, ông Nhữ Công Tông ở làng Nhữ Xá đều bị mời ra làm quan nữa, nhưng riêng ông Bùi Thế Vinh lấy dao con rạch đầu gối cáo bệnh không chịu ra. Nhân lúc ấy có bà Thường Quốc phu nhân tự thắt cổ tuẫn tiết. Hai người đều được người ta khen ngợi, nhân có lời ngạn:
“ Con dao Đông luân; dây thừng phu nhân”

Phụ lục: Ca dao bằng quốc âm:
Loài chi mày Thượng thông, Thượng nhữ(1)
Những dơ tuồng tặc tử gian thần
Nào dao lá trúc Đông Luân (2)
Nào thừng tiết nghĩa phu nhân kia là


Chú thích:
Thượng thông trỏ ông Đỗ Uông, Thượng Nhữ trỏ ông Như Công Công Tông
(2)   Đông Luân là tên làng ông Bùi Thế VInh

"

http://hocthuatphuongdong.vn/index.php?topic=4275.15




1. Sách Việt điện u linh (bản dịch Lê Hữu Mục)

"

  Huyện Thọ Xương, phường Đông Các, miếu Thanh Cẩm thờ vị thần Cố Mac Liệt Sĩ Mỗ Công.
 Ông tên họ không rõ, đậu tiến sĩ nhà Mạc, làm quan đến Đài Sảnh.
 Lúc bấy giờ Triết vương nhà Trịnh đem quân xuống phương Đông, vua nhà Mạc bỏ thành chạy về hướng Bắc, Triết vương vẫy quân đuổi theo, sự thế quá khẩn bức. Ông bèn bận bào gấm, đai vàng, do bên hồ Thái cực ra đường Đông Các, đón ngựa Triết vương lại. Vương ra lệnh tạm đình, họp các tướng lại nghị trảm. Xong lại gióng trống đuổi theo thì Mạc chúa đã qua bên kia sông rồi.
 Nghĩa quân Triết vương kéo về Tây, Mạc lại trở về chiếm cứ Đông Kinh, đến chỗ ông bị chém, dựng miếu thẳng theo đường cái, hương hỏa không ngớt.
 Vua Nhân vương khiến phá miếu ấy đi, dưới miếu có ngôi mộ chôn một cái đầu lâu, cả một cơ binh xúm lại kéo nhưng vẫn trơ trơ không chuyển động, rồi thôi, miếu không bị phá nữa.
 
 Tiếm bình
 Binh Trịnh thừa thắng, chúa Mạc chạy đêm, một gã thư sinh, thong dong áo quần đai vàng, cả gan xông đến chỗ tên đạn để làm kế hoãn binh, thật đáng thương thay! Tấm lòng này không khác chi tấm lòng của Kê Thị Trung và Lý Thị Lang vậy.

 Miếu mộ như cũ mà tên họ thất truyền, cái lỗi của nhà chép sử thật nhiều lắm thay!

"

http://www.sugia.vn/portfolio/detail/117/viet-dien-u-linh-tap.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.