Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

02/10/2022

Ngôi đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở dưới chân đèo Hải Vân : làng chài Nam Ô cập nhật 2022

Làng chài Nam Ô vốn thuộc huyện Hòa Vang phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, Nam Ô thuộc quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng.

Về Nam Ô và ngôi đền thờ Mẫu Liễu, thì trên Giao Blog, có thể đọc lại ở đây - đây là lời kêu cứu, đúng như tên bài (bài lên Giao Blog vào ngày 24/3/2018, với tiêu đề "SOS: Miếu Bà Liễu Hạnh dưới chân Hải Vân có nguy cơ bị doanh nghiệp san phẳng ngay hôm nay").

Các dự án du lịch đã uy hiếp đến sự sinh tồn của làng chài Nam Ô. Có những lúc, tưởng như làng chài với nghề làm nước mắm Nam Ô nổi tiếng cùng nhiều đền miếu sẽ bị xóa sổ bởi dự án "tàn nhẫn với cư dân bản địa" và "tàn nhẫn với văn hóa".

Đại khái, báo chí hồi năm 2018 cũng đã vào cuộc kịp thời và quyết liệt. Vai trò xung kích của báo chí nói chung và báo chí xứ Quảng nói riêng đã có công lao lớn. Một ảnh ví dụ:

Cũng vào đầu năm 2018 đó, tôi đã viết trên Giao Blog nhân sự kiện thành phố Đà Nẵng (Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ) cho khai trương nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng, rằng:

"Xây được nhà trưng bày Hoàng Sa mà không giữ được Nam Ô thì chẳng có ý nghĩa gì. Hoàng Sa là chuyện còn phải tính xa xôi, nhưng Nam Ô thì cách vài bước chân. Vài bước chân còn chả giữ được, nói gì chuyện vạn dặm." (ngày 28/3/2018).



Nhấn mạnh thêm một lần nữa, cũng trên Giao Blog, ở đây (ngày 1/4/2018).

Ngày 17/4/2018, các cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng (Nguyễn Văn Minh, Văn Hữu Chiến) đã bị khởi tố do có liên quan đến vụ Vũ Nhôm (xem lại ở đây).

Ở thời điểm giữa tháng 4 năm 2018, Giao Blog đi bài "Mẫu Liễu ở làng chài cổ Nam Ô đang nổi giận, đúng ngày 3 tháng 3".

Tình hình chuyển biển cơ bản là từ giữa tháng 4 năm 2018. Có sự xuất hiện của các cá nhân lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, là các ông Trương Quang Nghĩa (đọc lại ở đây, đi tới khu vực Nam Ô ngày 22/3/2018) và Huỳnh Đức Thơ. Khu vực làng chài Nam Ô đã được thoát hiểm, ngôi đền thờ Mẫu Liễu và các di tích truyền thống khác ở Nam Ô đã được bảo lưu.

Ở thời điểm tháng 10 năm 2022, tại Đà Nẵng, điểm lại thì thấy:
- Nhà trưng bày Hoàng Sa đã được khai trương và đi vào hoạt động,
- Cụm đền miếu truyền thống (trong đó có miếu Bà Liễu Hạnh) của làng chài Nam Ô đã thoát hiểm, rồi được trùng tu tôn tạo khang trang.


Xem nhanh một cuốn phim ngắn năm 2018 của VTV8 (đưa lên mạng năm 2021) nói về cuộc sống của người Nam Ô từ năm 2010 (khi dự án du lịch được bắt đầu):

139 lượt xem 
12 thg 11, 2021
https://www.youtube.com/watch?v=1BwdHWFpIdE



Đến cuối năm 2021, thì tình hình như sau:

6 lượt xem 
2 thg 10, 2022
https://www.youtube.com/watch?v=mSl7wv7-s_E

1. Đại khái có thể tóm tắt các sự kiện chính trong thời gian gần đây ở Nam Ô, như sau (theo tóm lược của báo Dân Trí).


2. Về bằng xếp hạng di tích cấp thành phố cho Nam Ô, thì đại khái có ảnh như sau (ảnh đầu là của báo Dân Trí, ảnh sau là của bạn CVT gửi cho Giao Blog vào sáng ngày 1 tháng 10 năm 2022).

Người đứng bên cạnh bằng xếp hạng là một nhân vật đặc biệt của làng chài Nam Ô - bác Đặng Dùng (một tên khác là Phương Trứ), lâu nay được xem là sử gia địa phương về Nam Ô.

Ảnh của báo Dân Trí


Ảnh của Chu Văn Tuấn, chụp sáng 1/10/2022



3. Vào buổi sáng ngày 1/10/2022, nhờ có công nghệ thông tin hiện đại, lần đầu tiên Giao Blog đã tiếp cận được với làng Nam Ô và người Nam Ô. Cảm ơn bạn Chu Văn Tuấn và anh Nguyễn Thanh Lợi đã giúp kết nối qua zalo hình ảnh với bác Đặng Dùng. Đại khái từ Hà Nội, mà thật dễ dàng, Giao Blog đã có thể tiếp chuyện cùng bác Đặng Dùng, như tấm ảnh tạm thời ở dưới.

Một người đang ở Nam Ô (Đà Nẵng) và một người đang ở Hà Nội, sáng 1/10/2022


Việc tiếp xúc lần đầu tiên với Nam Ô, dù là mới gián tiếp qua zalo video, nhưng cũng là một duyên cớ quan trọng để Giao Blog bắt tay vào triển khai một bài viết mở đầu liên quan đến Nam Ô.

Hẹn Nam Ô ở lần gặp gỡ trực tiếp trong thời gian tới.

Tháng 10 năm 2022,
Giao Blog



---


BỔ SUNG



4.

Nam Ô miên man

Thứ Ba, 16/02/2021, 06:29 [GMT+7]


Tôi lang thang sân Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh. Trường nằm lọt giữa bốn bên làng chài Nam Ô, cổng chính của trường mở ra đường làng rộng chỉ vừa chiếc xe máy chạy lọt qua, chắc xưa kia là cát nay lót bê-tông. Những gốc bàng cao lớn, đổ xuống sân trường từng chùm nắng non ấm áp hiếm hoi sau bao mưa gió tơi bời. Nhớ chuyện với ông Đặng Dùng (người con của làng Nam Ô, có hơn 40 năm nghiên cứu văn hóa làng mình) khi nãy, rằng cuộc đất này chính là nơi tọa lạc Thành cung thời xa xưa. Ông Dùng như một “sử gia” chính hiệu của làng cổ Nam Ô, đất này mà khuyết sót ông, chắc không ít câu chuyện thú vị sẽ bị che lấp rồi dễ dàng phai quên.

Ông Đặng Dùng kể chuyện Nam Ô với sinh viên báo chí Đà Nẵng tại miếu Âm linh. Ảnh: TRẦN TUẤN
Ông Đặng Dùng kể chuyện Nam Ô với sinh viên báo chí Đà Nẵng tại miếu Âm linh. Ảnh: TRẦN TUẤN

Như về câu chuyện Thành cung Nam Ô mà ông đã viết bài trên Báo Đà Nẵng hồi mấy năm trước. Rằng Thành cung là cách người dân Nam Ô gọi nhà trạm Nam Ổ xưa - một trong 7 nhà trạm đi qua địa phận Quảng Nam dưới triều Nguyễn. Trạm Nam Ổ cũng được ghi trong sách “Đại Nam Nhất thống chí”, có chức năng như là trạm bưu chính, chuyển vận sắc chỉ, thư từ, công văn từ triều đình về các địa phương và ngược lại. Trong ký ức xa xưa, trạm Nam Ổ rộng rãi thành cao, hào sâu, có vọng lũy, chuồng ngựa lớn dùng cho phu trạm đưa thư, có giếng nước, nhà để quan dân dừng chân nghỉ ngơi... Thời xưa học trò xứ Quảng ra kinh đô Huế ứng thí đường sá xa xôi vẫn dừng nghỉ chân nơi đây, nên vùng này còn được gọi là Cồn Trò. Tương truyền, vua Minh Mạng những lần ngự du Ngũ Hành Sơn cũng dừng chân nghỉ tại Thành cung. Nên mới có tên Thành cung, do bên trong bố trí hành cung chăng? 

Vốn là cuộc đất “sang”, nên kể từ giai đoạn 1945 khi Thành cung bị triệt hạ, đất ấy không ai dám dựng nhà. Ông Dùng kể, những nhà dân lân cận, khi đào móng còn gặp bên dưới những đoạn tường đá, và cả cung, kiếm. Sau rồi một ngôi trường cho trẻ con Nam Ô được dựng lên ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và nay vẫn là trường học nơi tôi đang đứng đây. Giếng Thành cung, một trong số những giếng nước cổ, nước trong vắt nay vẫn còn, bên cạnh trường.

Học trò Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.Ảnh: TRẦN TUẤN
Học trò Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.Ảnh: TRẦN TUẤN

... Ngồi với ông Dùng bên ly cà phê đường rày nơi cổng làng Nam Ô lâu lâu còi ủ xình xịch chạy qua. Những thời khắc cuối cùng của năm, thấy thời gian trôi qua như bánh tàu vắng người mùa dịch giã. Ngó ra cái cặp căng phồng lấm lem màu vẽ, vôi tường trên chiếc xe máy ông dựng lề đường. Ông bảo đang trên đường đi vẽ. “Tay nghề tuy nghiệp dư nhưng lại là chuyên nghiệp”, ông nói về cái nghề mưu sinh chuyên vẽ bích họa, đắp phù điêu của mình mấy chục năm qua. Từ làng chài Tam Thanh (Núi Thành), các khu du lịch ở Hội An (Quảng Nam), đến các trường học, trường mẫu giáo ở Đà Nẵng. Ông vẽ những câu chuyện cổ tích, sinh hoạt dân gian. Ông nhận mình là một trong những người đầu tiên vẽ tranh ở các trường mẫu giáo. Vẽ từng mẩu chuyện cổ tích lên những khoảng tường loang lổ thời gian. Ông bảo ở Nam Ô, Tập đoàn Trung Thủy đang làm dự án Làng du lịch cộng đồng. Ông sẽ vẽ gánh gồng, cá mắm... Làng biển từ miền Trung tới Cần Giờ ông đều đặt chân, và nhận xét đường làng đều nhỏ hẹp, chật chội, mà bích họa muốn ngắm đẹp cần có không gian rộng. Nhưng với Nam Ô, ông sẽ có cách. 

Trường giữa làng. Ảnh: TRẦN TUẤN
Trường giữa làng. Ảnh: TRẦN TUẤN

Tôi chưa thấy ai yêu Nam Ô như ông Dùng. Hồi cuối tháng 11 mới đây, tôi đưa hơn 150 sinh viên báo chí của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng mà tôi đang thỉnh giảng đi thực tế ở làng Nam Ô. Ông sốt sắng nhận lời nói chuyện trao đổi với các em. Và quả thật, “lớp học” ngay tại... miếu Âm linh giữa nắng nôi ấy thật cuốn hút với những chuyện làng ông kể, không chỉ với những sinh viên báo chí năm cuối, mà ngay cả tôi cũng bất ngờ, thú vị với nhiều chi tiết. 

Ông bảo, Nam Ô và làng Nam Ô là di sản rất quý giá còn lại ở bên bờ tây vịnh Đà Nẵng. Làng cổ này biến thiên theo nhịp thời gian và nhịp thở của thiên nhiên, lại vừa có được một sinh mạng vững chãi. Cửa sông Nam Ô trước kia có khu rừng ngập mặn với bần giá, đước hoang sơ rất đẹp. Rất huyền bí với ngàn vạn cánh cò lợp trắng sông nước, bãi bờ. Du khách từ Tây tới ta mỗi lần qua Hải Vân ngang qua cửa sông này, từ cây cầu sắt xưa cũ đều bất chợt trầm trồ dừng chân chụp ảnh.

“Tôi đi nhiều nơi, hiếm thấy nơi nào sở hữu nhiều thứ quý giá như làng Nam Ô”. Bởi nơi này nằm trung độ cả nước giữa đường thiên lý Bắc Nam từ xa xưa đến nay. Từ xa xưa đến giờ, ai qua cũng đều dừng nghỉ chân. Nên đất này đã thâu góp được bao chuyện Đông Tây Nam Bắc, những nghiệp những nghề, nét văn hóa tập tính, ứng xử Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.

Như nghề pháo Nam Ô nổi tiếng ông tổ là cụ Cửu Mai người Quảng Ngãi. Cụ Ngô Mai trên đường “hành hóa” ngang qua làng Nam Ô, thấy phong thủy địa vật nơi đây tốt tươi, vượng khí đã quyết định ở lại, làm nghề bốc thuốc cứu người. Rồi cũng chính cụ đã sử dụng các khoáng chất thiên nhiên để chế ra các loại pháo nổ, pháo hoa. Giàn pháo hoa cụ thiết kế mừng lễ đại hôn của vua Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu (1934) đã khiến cả kinh đô ngỡ ngàng, thán phục. Cụ được vua ban hàm Chánh Cửu phẩm, nên từ đó dân làng gọi là cụ Cửu Mai. Hay như nghề làm guốc mộc nổi danh đất này từ trăm năm trước (nay đã mai một), “ông tổ” là một người Huế...

Nhớ bữa ấy, ông Dùng đọc gần như thuộc bài vè dân gian độc đáo mà ông sưu tầm được, kể về trận dân làng Nam Ô cùng các nghĩa binh Nghĩa hội Quảng Nam bất ngờ tập kích đồn lưu trú của Pháp ở trạm Nam Chơn vào nửa đêm 28-2-1886. Cuộc ấy, dân làng đã mang thủ cấp viên sĩ quan chỉ huy Pháp là Đại úy Besson về ngay miếu Âm linh này ngay trong đêm rằm để tế vong hồn bao nghĩa sĩ đã bỏ mình trước đó.

Đã bao phen đi, về và viết về đất Nam Ô, nhưng mãi cho đến cuộc cà phê bên vỉa hè đường rày bữa nọ với ông Dùng, tôi mới giật mình vỡ ra rằng chính mình và rất nhiều người có lẽ còn chưa hiểu đúng về hai chữ “Nam Ô”? Lâu nay, đến như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn suy đoán Nam Ô là “cửa ngõ phía Nam của châu Ô”. Nhưng ông Dùng lại bảo không phải “cửa ngõ” hay “cửa ô” gì cả. Tên xa xưa là Hoa Ổ (cồn hoa, nơi có nhiều hoa). “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã ghi rõ ràng tên các địa danh “Chân Sảng Tây thôn, giang niêm Hoa Ổ xã”. Sau vì kỵ húy với tên hoàng thái hậu vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị nên đổi thành Hóa Ổ. Dưới thời Minh Mạng được đổi thành Nam Ổ. Người Pháp đọc không có dấu, nên trại thành Nam Ô như ngày này.

Nghe vậy, tôi về mày mò, chợt nhận ra điều lâu nay cứ nghĩ theo thói quen. Chữ “Ổ” (塢) hiểu theo nghĩa là rẻo đất ở giữa thấp bằng, xung quanh cao, có núi bên nước. Như đôi câu thơ của Ngô Thì Nhậm: “Thương mang hoang ổ tiếp hàn sa/ Thủy tĩnh, phong vi, thạch thế tà” (Đá núi xanh thăm thẳm tiếp liền với bãi cát vàng/ Nước trong, gió nhẹ, thế đá nghiêng nghiêng - bài Tức cảnh kỳ 2). Địa thế, địa hình Nam Ô, nghĩa ấy chẳng hợp hơn sao?

Hay như đôi câu thơ nổi tiếng vốn gây nhiều tranh cãi của vua Lê Thánh Tông: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Canh ba đêm vắng trăng vằng vặc soi xuống vịnh Đồng Long/ Trống cầm canh văng vẳng gió đưa từ thuyền Lộ Hạc). Trong bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ”, khi nhà vua thân chinh cầm quân phạt Chiêm năm 1471, dừng chân nghỉ nơi cửa biển Hải Vân và ngự tác. “Đồng Long” hẳn là tên của vịnh Vũng Thùng phía Sơn Trà. Còn “Lộ Hạc”, trong “Lộ Hạc thuyền”, nhiều nhà nghiên cứu lâu nay cho rằng đó là “thuyền của thương nhân nước Lộ Hạc”. Nhưng lại loay hoay không rõ nước đó là nước nào?! “Sử gia” làng Nam Ô Đặng Dùng thì nhận diện Lộ Hạc ấy đơn giản chính là mỏm núi Lỗ Hạc, tức ghềnh đá Nam Ô. Ông dựa vào đôi câu văn tế lăng Tiền hiền Triệu Cơ của làng từ xa xưa truyền lại: “Chấn cung hình Lỗ Hạc triều dương/ Đông phương tượng Trà Sơn tác án” (Cung Chấn có mỏm núi Lỗ Hạc chầu mặt trời/ Hướng Đông có núi Sơn Trà làm án). Mỏm Hạc ấy đêm trăng trông như con thuyền gối bãi, thi cảnh đăng đối trong tầm nhìn của ông vua thi sĩ. Còn sự khác nhau của hai chữ “Lộ” và “Lỗ”, theo ông Dùng, đó là một dạng “dị bản” trong cách đọc của người Nam Ô thời xưa.

Những cô cậu bé Nam Ô đang chơi đùa giữa sân trường vốn được dựng trên đất Thành cung ấy, thấy tôi giương ống kính lập tức xúm xít lại đòi chụp ảnh. Chợt nhớ lại cảnh trong bộ phim “Le Village de Namo” đầu tiên về Việt Nam quay chính tại Nam Ô do hai anh em nhà Lumière (Pháp) thực hiện năm 1896. Cũng chính là một trong những bộ phim đầu tiên của thế giới, khi máy quay phim vừa được anh em nhà này sáng chế ra trước đó một năm (năm 1895). Trong bộ phim dài chỉ chừng một phút ấy, cũng tíu tít cảnh những đứa trẻ Nam Ô đứa áo dài lụng thụng, đứa mặc yếm, đứa trần truồng hớn hở chạy trước máy quay. Và thấp thoáng trong bộ phim ngắn ấy, là một đoạn tường đá của Thành cung. 

Con người và những gốc cổ thụ trong cảnh phim từ hơn một thế kỷ trước ấy nay đã tan vào bụi đất. Và cả Thành cung. Không cưỡng được thời gian.

Nam Ô đang hiện đại, đổi thay. Cuộc đổi dời dẫu thế nào, nhưng tôi hiểu một Nam Ô “phúc địa” vẫn là khao khát của mỗi cư dân ngôi làng cổ xưa nơi đầu sóng này, tôi đọc được trong đôi câu đối nơi đình làng, còn gọi là “Bách tính từ đường”. Rằng “Tiền hậu nhị thôn huynh đệ thanh minh tổng lệ trấn xuân thiên/ Cổ kim thập loại cô hồn tổng đạt tương âm phò an phúc địa”.

Đình làng ấy nhỏ bé rêu phong cũ kỹ nằm chen giữa nhà và người ấy hiện còn đang ôm mang tới hàng trăm nấm mộ của những nghĩa sĩ, dân binh đã ngã xuống trong cuộc kháng Pháp giữ gìn làng mạc, quê hương từ 150 năm trước. Nam Ô hiện có tới hai nghĩa trủng như vậy, tôi đã từng viết bài. Nhưng nay quay lại, thấy thời gian cứ như cây dại, như muốn phủ lấp vào lãng quên...

Nam Ô, 31-12-2020

TRẦN TUẤN


https://baodanang.vn/bao-xuan-2021/202102/nam-o-mien-man-3876784/




3.

14 tháng 8


Quản trị viên 


Ngày nay, nhiều địa phương phát động chiến dịch bảo vệ môi trường biển thì hàng trăm năm trước, các thế hệ người dân ở làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã xem trọng việc không được đánh rơi các vật dụng trên thuyền đánh cá xuống biển, bởi như vậy là đắc tội với biển, phải tới Điện Cô Cử, hoặc Miếu Âm Hồn để xin xả điều xúi quẩy.
“Hồi nớ tui đi biển thì anh em bạn chài thường dặn là không được để rớt bất cứ cái chi trên ghe xuống biển, chẳng hạn như làm rớt cái chén ăn cơm, đôi đũa, con dao... Như vậy thì xúi quẩy lắm và khi về phải tới Điện Bà để xem, vẽ lại đúng cái hình đồ vật bị rớt, rồi ra bờ biển đốt, thả tro xuống để xui rủi trôi đi” - ông Đinh Rễ, 72 tuổi, ngư dân một thời ở làng chài kể lại chuyện Nam Ô trong quá khứ và nhìn ra biển bằng ánh mắt bàng bạc, xa xăm. Phong tục đi biển không được ném đồ vật xuống nước, vì sẽ bị ông bà quở trách được các cụ già ở làng chài Nam Ô truyền từ đời này sang đời khác và mãi tới gần đây thì mới thôi không áp dụng. Nhưng suy cho cùng, đó là cách để các cụ già ở làng Nam Ô giáo dục con cháu bảo vệ môi trường biển.

Từ câu chuyện 70 năm trước, quay lại với thực tại, làng chài Nam Ô vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần, bóng cờ ngũ sắc bay lất phất trên cột cờ Miếu Bà Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, bà là con thứ 2 của Ngọc hoàng Thượng đế 3 lần giáng trần. Triều đình nhà Nguyễn sau này nhiều lần ban sắc phong cho bà là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Các cụ già đi qua Miếu Bà Liễu Hạnh và cho biết, nơi này từng được xem như là chốn linh thiêng nhất ở đất Đà Nẵng, nhiều chục năm trước, cư dân ở phố đều phải dồn về Nam Ô để làm thuê kiếm sống bằng nghề đánh cá cơm, vây cá trích. Thành quả có được hàng mấy trăm năm đó là nhờ ơn của bà Liễu Hạnh và Huyền Trân Công chúa ban phước cho dân lành có cuộc sống no đủ.

Ngày cuối năm, từ làng chài Nam Ô nhìn ra biển đầy những chiếc thuyền gắn máy nhỏ đang nằm im lìm sau một đêm ra biển đánh bắt. Thuyền nằm trải dài trên bờ vịnh cong cong như hình bán nguyệt ăn sâu vào đất liền.

Địa thế của Nam Ô chính là nguyên nhân từng biến nơi đây thành thủ phủ nghề cá của thành phố Đà Nẵng một thời. Do vịnh nước tương đối kín sóng, gió, mỗi đêm ngư dân kéo buồm đi khoảng gần 1 giờ ra biển, sau đó thả lưới đánh cá, sáng sớm thuyền lại trở về với cá đầy khoang. Nơi đây từng có một trạm để tiếp nhận thư từ, khiêng cáng quan lại từ Huế vào thành phố Đà Nẵng và ngược lại, vì vậy, chắc chắn Nam Ô là nơi tiếp nhận, giao thoa nhiều luồng văn hóa vùng miền. Dù là nơi sớm tiếp nhận nền văn minh của phương Tây, nhưng có những tục lệ như cúng tạ việc làm rơi đồ vật trên tàu xuống biển vẫn được người dân làng chài lưu giữ đến mãi về sau.

Khi đi biển, trừ chi phí của mỗi đêm đánh cá thì chủ thuyền được hưởng lợi tức 50%, còn một nửa chia đều cho bạn chài. Cuộc sống dù no đủ, nhưng cũng chỉ kéo dài từ tháng 1 tới tháng 7 là phải kéo thuyền lên bờ, đút chèo vô bụi. Vì sau thời gian trên, thời tiết bắt đầu thay đổi và không có phương tiện dự báo sớm nên người dân Nam Ô đành phải nghỉ đông 6 tháng, sau đó mới đi làm trở lại. Khi chủ thuyền tuyên bố nghỉ đông thì bạn chài ngơ ngác kiếm đường mưu sinh, vì số tiền chia ít ỏi không thể trang trải đủ cho gia đình với hàng chục đứa con (người dân Nam Ô một thời sinh con rất đông, nhiều gia đình có tới 10 người con) trong 6 tháng còn lại, vậy là họ kéo nhau đón xe vào vùng biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận để đi bạn. Miền Nam là vùng đất rất ít bị bão tố, nên ngư dân có cuộc sống bám biển quanh năm. Ở vùng đất phương Nam không có nhiều dinh miếu như tại làng chài Nam Ô, quan niệm và tục kiêng cữ của ngư dân làm biển cũng thoáng hơn, nhưng do quen với suy nghĩ ngưỡng vọng về ông bà, tổ tiên, nên ngư dân Nam Ô vẫn giữ tục lệ không đánh rơi vật dụng xuống biển.

“Không hiểu sao, thu nhập của ghe tui mấy bữa nay chẳng có. Chu, bạn bè hắn trên ghe làm rớt cái chén nên chắc cô bác quở, làm ăn không ra chi” - ông Rễ thuật lại đoạn đối thoại mà ông từng nghe từ ông chủ thuyền là Dương Hựu Thử đối đáp với cô Cử, là người chủ tế của điện thờ. Vậy rồi, cô Cử vẽ ngay một cái tô ra giấy và ông chủ thuyền vội vã chạy về bãi biển Nam Ô, lặng lẽ đốt rồi thổi tro xuống nước. Xong việc, buổi chiều đó, ông Thử lại hè anh em đi biển, nhưng dặn chừng, đừng để thêm cái chi rơi rớt xuống biển, vì biển mà nổi giận thì ngư dân cũng hết đường mưu sinh.
HQ Online - Lê Văn Chương

https://www.facebook.com/groups/220347731446019



2c.


Nam Ô - Nét di sản bên lề đô thị

Bờ biển Đà Nẵng uốn lượn gấp khúc qua nhiều làng xã, trong đó làng Nam Ô nằm ở mút đầu phía bắc của thành phố. Nơi đây vẫn còn nhiều nét xưa cũ pha lẫn vào hình hài đang từng ngày đô thị hóa mạnh mẽ. Sự đông đúc, chật chội của nhà cửa, cái nhộn nhịp của phố xá không át đi một Nam Ô với nét di sản văn hóa dựng xây từ bao đời. Mặc dù quá trình chỉnh trang đô thị đã làm biến đổi nhiều một vùng quê bình dị nhưng nhiều thiết chế tín ngưỡng văn hóa vẫn còn được bảo lưu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân sở tại.

Đình làng Nam Ô tọa lạc trên một khu đất cao ráo có tổng diện tích gần 1.000 m2, mặt tiền trông thẳng ra sông, hai phía tả, hữu giáp nhà dân, sau lưng là một đường bê tông nhỏ. Các bậc cao niên đoán định rằng đình được dựng vào thế kỉ XV, sau khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, lập ra thừa tuyên Quảng Nam. Ngôi đình hiện tại được tái dựng vào năm 1935. Xà cò nay vẫn còn khắc dòng chữ “Tuế thứ Ất Hợi Bảo Đại thập niên ngũ nguyệt thập nhất nhật bổn vạn đồng tái tạo” (Ngày 11 tháng 5 năm Ất Hợi, niên hiệu Bảo Đại thứ 10, bổn vạn đồng tái tạo). Đình là nơi linh thiêng, thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai ấp lập làng và các vị thần linh bảo trợ đời sống người dân. Bên trong tự sở, rất nhiều câu đối được đắp vẽ ca ngợi cảnh vật đất trời và con người Nam Ô:

正 氣 統 山 河 精 秀 隐 明 正 直 濯 灵 威

仁 声 皆 天 地 同 流 轉 相 载 成 洋 盛 軌

Chính khí thống sơn hà, tinh tú ẩn minh chính trực trạc linh uy,

Nhân thanh giai thiên địa đồng lưu chuyển tương tái thành dương thịnh quỹ.

(Chính khí trùm núi sông, ẩn tinh tú, sáng chính trực, ngời uy linh,

Tiếng nhân khắp trời đất, cùng lưu chuyển, cùng đổi thay, tràn thịnh vượng).

花 塢 新 基 人 傑 地 靈 留 勝 景

泳 城 舊 址 家 絲 户 誦 慶 重 光

Hoa Ổ tân cơ, nhân kiệt địa linh, lưu thắng cảnh.

Vịnh Thành cựu chỉ, gia ti hộ tụng khánh, trùng quang.

(Hoa Ổ nền mới, người tài đất linh, lưu thắng cảnh,

Vịnh Thành móng cũ, nhà ấm danh thơm, sáng muôn đời).

Hay như:

天 地 無 私 正 直 聡 明 鍾 旺 氣

江 山 有 主 巍 峩 赫 濯 著 神 庥

Thiên địa vô tư, chính trực thông minh, chung vượng khí,

Giang sơn hữu chủ, nguy nga hách trạc, trứ thần hưu.

(Trời đất vô tư, chính trực thông minh, chung vượng khí,

Giang sơn có chủ, nguy nga rực rỡ, nhờ ơn thần).

Trên tường chính điện còn có hai bài thơ chữ Hán mà theo ông Đặng Dùng, một người địa phương am hiểu về vùng đất này thì bài thơ tựa như lời đối đáp của hai vị khách đường xa dừng chân trú lại và có “lịch sử” cũng cả trăm năm có lẻ.

Bài thứ nhất

朝 西 含 苟 泳 城 中

鳳 即 形 容 五 水 逢

龍 虎 將 來 相 對 格

丁 財 文 载 悬 眞 客

Triều tây hàm cẩu Vịnh Thành trung

Phụng tức hình dung ngũ thủy phùng

Long hổ tương lai tương đối cách

Đinh tài văn tái huyễn chân khách.

(Ngóng phía tây bao quát được cả Vịnh Thành

Năm dòng chảy tụ lại tựa như hình chim phụng

Sau lại nhìn giống như hình rồng - hổ đối ứng

Mong gặp người giỏi văn chương, níu chân khách qua đường).

Bài thơ thứ hai

单 鳳 含 珠 半 月 修

案 前 堂 凸 起 三 星

朝 來 五 水 隆 清 白

文 武 丁 財 盛 發 明

(Đan phong hàm châu bán nguyệt tu

Án tiền đường đột khởi tam tinh

Triều lai ngũ thủy long thanh bạch

Văn võ đinh tài thịnh phát minh).

(Gió lành ngậm ngọc giữa đêm trăng khuyết

Trước cửa bỗng nổi lên ba ngôi sao

Trông như năm dòng chảy hội tụ trong vắt xanh biếc

Người giỏi văn võ, ắt có nhiều ý tưởng hay).

Nằm trên bãi cát trắng ven biển, Lăng Ông, giếng cổ và miếu Âm linh hợp thành một quần thể nối tiếp nhau với diện tích hơn 2.000m2. Hằng năm người dân Nam Ô đều đến đây tế lễ các vị thần linh, cầu mong một năm an bình, dân khang vật phụ. Câu đối và hoành phi ở Lăng Ông đã thể hiện niềm tin và sự kính ngưỡng uy linh thần thánh: 海 神 助 順 (Hải thần trợ thuận - Thần biển cứu trợ khiến được thuận lợi). 濯 厥 靈  (Trạc quyết linh - Sáng ngời thay anh linh đấng thần thánh. Hay như câu đối đặt trên lối đi hậu tẩm:

海 風 鸿 遇 神 灵 助

順 巨 莫 遊 水 族 攸

Hải phong hồng ngộ thần linh trợ,

Thuận cự mạc du thủy tộc du.

(Gặp gió lớn được thần linh trợ giúp,

Được thuận lợi gặp nơi có nhiều hải sản).

Hoành phi Lăng Ông (Tự Đức)

Miếu Âm linh nằm về phía tả của Lăng Ông, là nơi thờ các vong hồn chết vì ốm đau dịch bệnh, hay chiến trận, thiên tai lũ lụt. Mục đích lập miếu được khẳng định rõ trong bàn thờ chính điện:

往 前 漂 体 魄

今 從 慰 香 魂

Vãng tiền phiêu thể phách,

Kim tòng ủy hương hồn.

(Thể phách xưa phiêu dạt,

Nay ủy lạo hương hồn).

Còn đây như một lời nhắc nhủ về cuộc sống, về cái chết bất đắc kì tử không của riêng ai:

出 入 而 風 平 浪 静

貲 財 如 蒼 萬 霜 千

Xuất nhập nhi phong bình lãng tĩnh,

Ti tài như thương vạn sương thiên.

(Ra vào sóng lặng gió yên,

Của tiền ngàn vạn, tựa sương giữa trời).

Miếu Âm linh

Trong rất nhiều làng xã hiện nay, Nam Ô có lẽ là nơi thuộc số ít có miếu thờ bà Liễu Hạnh và bà Bô Bô. Miếu bà Liễu Hạnh nay khá khang trang, nằm gần khu du lịch sinh thái Nam Ô. Theo như người dân xung quanh, miếu này đươc dựng từ xưa, thời chống Pháp (đầu thế kỉ 20) đã xuất hiện, nhưng thời điểm chính xác thì không ai rõ. Câu đối sau đây phần nào cho thấy việc hương hỏa phụng sự bà là việc nối truyền từ nhiều đời:

萬 古 長 留 香 火 稔 從 於 來 連 於 今

千 秋 依 舊 江 山 祭 祀 有 終 還 有 始

Vạn cổ trường lưu hương hỏa, nhẫm tòng ư lai liên ư kim,

Thiên thu y cựu giang sơn, tế tự hữu chung hoàn hữu thủy.

(Vạn đời lưu truyền hương hỏa, nền nếp từ xưa nối tiếp đến ngày nay,

Ngàn năm giang sơn vững bền, tế tự trước sau như một chẳng đổi thay).

萬 古 爛 相 廸 姓 字

千 秋 其 尾 扥 虧 神

Vạn cổ lạn tương địch tính tự,

Thiên thu kì vĩ thác khuy thần.

(Vạn đời xán lạn, truyền nối tiếp,

Nghìn thu kì vĩ, thác nhờ thần).

Miếu này không chỉ thờ bà Liễu Hạnh mà còn phối tự nhiều vị thần khác. Sáu bài vị đặt ở đây gồm Tiên Sư chi thần vị, Chúa Tiên thần nữ chi vị, Đông Trù Tư Mệnh Táo quân thần vị, Hà Bá Thủy quan tôn thần, Cao Các Quảng Độ tôn thần, Đại Đức Long Vương tôn thần.

Khác với miếu thờ bà Liễu Hạnh được dựng mới trên nền đất ổn định, miếu thờ bà Bô Bô đã đổ nát và hoang tàn. Mặt dưới xà cò có dòng chữ Hán ghi thời gian cải tạo miếu là ngày tốt 20 tháng 6 năm Ất Tị. Mặt ngoài xà cò có khắc dòng chữ “Tự Đức thập lục niên tuế thứ Quý Hợi thập nguyệt kiến Quý Hợi sơ thập nhật [...][1] phụng tạo” (Ngày mồng 10 tháng 10 năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 phụng tạo). Nếu lấy mốc năm Quý Hợi (1863) thì chí ít miếu cũng có lịch sử gần 200 năm.

Đây có thể là ngôi miếu duy nhất hiện còn trên địa bàn thành phố thờ riêng nữ thần Bô Bô. Bà Bô Bô (còn gọi là Bồ Bồ), được người dân nhiều nơi phụng tự. Sự tích về bà mỗi nơi mỗi khác, có nơi xem là vị thần bảo trợ nông nghiệp, có nơi khẳng định là thần bảo trợ ngư nghiệp, cũng có nhiều người xem là một nữ tướng, lại có người cho rằng chỉ là tên gọi khác của thần Thiên Y Ana (Po Nagar). Nhưng dựa vào văn cúng cùng các thần vị được thờ ở đây thì rõ ràng Thiên Y Ana và Bô Bô phu nhân là hai vị thần khác biệt.

Miếu hiện còn nhiều phế tích Chăm như phiến đá sa thạch, chân tảng đá kê cột, gạch Chăm... Đặc biệt tại đây còn lưu lại 06 bài vị khắc chữ Hán thờ các vị thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi sắc tặng Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy thượng đẳng thần, Cao Các Quảng Độ sắc tặng Hồng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phu Hựu Trạc Dương Trác Vĩ thượng đẳng thần, Thành Hoàng bổn xã, sắc tặng mỹ hiệu Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần, Bô Bô phu nhân trung đẳng thần, Dương Giới Hồng Đức Thánh Phi tôn thần và Hỏa Đức Thánh Phi trung đẳng thần.

Bên cạnh các thiết chế tín ngưỡng văn hóa như trên, Nam Ô còn có Phật tự, nghĩa trủng, mộ tiền hiền là những nơi người dân sở tại thường đến thắp hương phúng viếng. Ghi nhận vốn di sản đáng quý nơi đây, vừa qua UBND thành phố đã có quyết định xếp hạng đối với quần thể di tích ở làng Nam Ô. Đây là cơ sở để có phương án tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa truyền thống.

T.L

http://vannghedanang.org.vn/nam-o-net-di-san-ben-le-do-thi-8604.html




2b



Sáng 27-3, UBND phường Hòa Hiệp Nam tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Cụm di tích lịch sử Nam Ô. Cụm di tích này bao gồm đình Nam Ô, lăng Ông, dinh Âm Linh, nghĩa trủng Nam Ô, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, giếng Lăng.

Theo đánh giá của ngành văn hoá, các di tích trong cụm di tích lịch sử Nam Ô mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử, là sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Mỗi di tích minh chứng cho những thời kỳ lịch sử khác nhau của mảnh đất Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung. Suốt gần 200 năm qua, vào dịp rằm tháng 2 âm lịch, người dân địa phương long trọng mở lễ tế tại lăng Ông.

Với những giá trị tiêu biểu, ngày 27-11-2020, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định xếp hạng Cụm di tích lịch sử Nam Ô là Di tích cấp thành phố.


Cụm di tích lịch sử Nam Ô đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố

Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết, Sở đã cơ bản hoàn thành các thủ tục đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích trong Cụm di tích lịch sử Nam Ô với mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm nay.

“Đây không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của chính quyền và nhân dân Nam Ô trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, ông Hà Vỹ nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần tiến hành một số việc như: thành lập Ban quản lý Cụm di tích Nam Ô; tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị di tích; phục hồi và duy trì thường xuyên các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích như lễ tế, lễ hội cầu ngư... nhằm giáo dục thế hệ sau và phối hợp với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình, kết nối các điểm đến khác trên địa bàn quận để đưa vào các tour du lịch.

Nguyên Thảo

https://www.danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=43027&_c=3


2.


 

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Linh thiêng mỏm Hạc

Hoàng Sơn

Dấu tích của miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa còn lại trên mỏm Hạc (Nam Ô, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) gắn với giai thoại về cuộc giải cứu vị công chúa Đại Việt khiến địa danh này càng trở nên linh thiêng.

Giai thoại ly kỳ

Khi đề cập đến mỏm Hạc, dãy núi thấp từ đất liền lấn ra biển tại khu vực Nam Ô, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, hào hứng kể lại giai thoại Huyền Trân công chúa từng ghé lại gành núi này để trú chân chờ cơ hội để trở lại Đại Việt. “Lịch sử đã chép, năm 1307, khi vua Chiêm Thành là Chế Mân qua đời, vua cha Trần Nhân Tông vì thương con, không muốn công chúa chết theo vua Chế Mân theo tục lệ đã cử thượng tướng Trần Khắc Chung vào giải cứu. Từ đó hình thành giai thoại đoàn quân giải cứu công chúa đã lưu lại Nam Ô trước khi trở về. Câu chuyện này gắn liền với những trầm tích của Nam Ô làm nên điều ly kỳ, thú vị cho mảnh đất này”, ông Thiện nói.

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Linh thiêng mỏm Hạc - ảnh 1

Bức bình phong đổ nát là một phần của miếu vọng Huyền Trân công chúa tại mỏm Hạc

HOÀNG SƠN

Theo lời chỉ dẫn của những cụ già trong làng, tôi men theo đường mòn băng vào mỏm Hạc. Vạch những lùm cây bên lối, đi từ bãi cát hướng ra phía biển chừng vài trăm mét, đập vào mắt là bức bình phong đổ nát, bị rễ cây xuyên qua chằng chịt. Theo cư dân địa phương, đây chính là miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa, được lập nên từ hàng trăm năm qua. Các cụ cao tuổi trong làng kể rằng cơn bão năm Ất Mão (1915) đã đánh sập hoàn toàn ngôi miếu để lại những tàn tích với nền móng chánh đường và hậu tẩm lộ trên mặt đất chừng 10 cm.

Mặc dù chính sử không ghi chép, nhưng những người thạo sử làng Nam Ô xưa nay đều lưu truyền truyền thuyết giải cứu Huyền Trân công chúa. Câu chuyện này được ông Đặng Dùng, người nghiên cứu sử Nam Ô, chép như sau: “Công chúa nhà Trần đào thoát từ kinh đô Chà Bàn nước Chiêm được thượng tướng Trần Khắc Chung và tùy tùng bảo vệ. Trải qua biết bao gian khổ, công chúa đã đến trú ngụ trong rừng gành mỏm Hạc, chờ đoàn soái thuyền của thượng tướng Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn thuận thiên thời ra rước”.

Trải qua mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt rồi đến “tháng Ba nồm rộ, tháng Tư nam non” như bài ca thời tiết mà các cụ thông truyền, công chúa ngày ngày nấp trong rừng Hạc… Khi gió nồm rộ biển, đoàn soái thuyền của sứ bộ Đại Việt theo hẹn cũng đậu ken dày trên cửa biển Hải Vân. Công chúa Huyền Trân lòng khấp khởi ôm con bước xuống “thuyền nhẹ ra thuyền lớn” để về cố quốc. Để tưởng nhớ công đức của vị công chúa góp công lao to lớn trong việc mở cõi qua cuộc hôn nhân chính trị, người làng Nam Ô từ xa xưa lập miếu thờ vọng.

Đất thiêng thần nữ

Ông Đặng Dùng bảo mặc dù những câu chuyện này không được kiểm chứng nhưng sử làng Nam Ô có những tình tiết liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của Huyền Trân công chúa tại mỏm Hạc trong lịch sử. Sau khi ngôi miếu thờ vọng công chúa tại mỏm Hạc sụp đổ, bài vị của bà đã được dân làng thỉnh về thờ chung tại miếu Bà Liễu Hạnh cách đó không xa. Ngày nay, tại di tích này còn thờ Ngũ hành nương nương với ngày lễ vía là 20.2 âm lịch hằng năm.

Trước đó, vào năm 1999, khi khởi công trùng tu miếu Bà Liễu Hạnh, dân làng Nam Ô đã đào được 3 bài vị bằng gỗ sơn huyết sau gần 100 năm bị chôn vùi nơi hậu tẩm. Ông Đặng Dùng cho biết bài vị có khắc Chúa tiên thần nữ. Theo lời kể các cụ trong làng, đó là thần hiệu của Huyền Trân công chúa. Đến nay, tại ngôi miếu thờ Bà Liễu Hạnh (đã được xếp hạng di tích cấp TP) cũng treo tấm bia “phối thờ Chúa tiên thần nữ”.

Liên quan đến miếu thờ vị công chúa, ngư dân Nam Ô lưu truyền bài thơ Vọng miếu từ hàng trăm năm qua với đại ý cầu an khi ra khơi, trong đó có đoạn:... “Khơi xang vũ lạo cầu Trai Tỉnh/Lộng xáp phong ba vái Nữ thần/Chẳng tiếc cành vàng dâng hiến nước/Thì gieo lá ngọc hộ trì dân/Trăm năm dân Ổ (tên làng Nam Ô cũ là Hoa Ổ - PV) còn hương khói/Biến vực ngư giao hóa thủy hàn”. Điều này càng khiến người ta tin vào sự linh thiêng của ngôi miếu cũng như tin vào giai thoại Huyền Trân công chúa được xiển dương là vị nữ thần của dân biển.

Cùng với những câu chuyện này, người dân Nam Ô còn tin vào những điều linh thiêng huyền bí ở mỏm Hạc. Địa danh này dù nằm sát biển với biết bao phong ba bão táp nhưng cây cối khi nào cũng xanh ngút ngàn. Từ bao đời qua, ngoài tên mỏm Hạc, người dân còn gọi đó là “rừng cấm” - cấm chặt cây, cấm nhặt đá. Bởi trong dân gian vẫn còn nhiều câu chuyện khó lý giải, như chặt cây làm miếu thì miếu đổ…

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng đối với đất Quảng, Huyền Trân công chúa là người góp phần mở cõi qua món quà sính lễ (vua Chế Mân tặng 2 châu Ô, Lý trong cuộc hôn nhân với công chúa Đại Việt”. Do vậy, ngoài việc bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân, 2 miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa tại Q.Liên Chiểu và Q.Ngũ Hành Sơn còn hàm ý lưu dấu nơi công chúa từng dừng chân. Ông Tiếng gợi mở với tư cách vợ vua Chế Mân, từ kinh đô Đồ Bàn, công chúa Đại Việt hoàn toàn có thể đến đây để ngoạn cảnh vịnh Nam Ô - thắng cảnh về mặt danh nghĩa đang thuộc quyền quản lý của Đại Việt, chỉ đang cách biên giới Champa một con sông - sông Thu Bồn.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay đơn vị đang làm hồ sơ đề nghị công nhận, xếp hạng danh thắng đối với mỏm Hạc - ghềnh Nam Ô. “Để xếp hạng danh thắng không phải đơn giản, nhưng dù khó chúng tôi cũng quyết làm. Đặc biệt, ghềnh Nam Ô gắn liền với giai thoại Huyền Trân công chúa trên đường hồi cố quốc đã trú chân. Câu chuyện này gắn liền với những trầm tích của Nam Ô sẽ là câu chuyện rất hút du khách”, ông Thiện nói. (còn tiếp)



https://thanhnien.vn/nam-o-ngoi-lang-huyen-su-ben-chan-song-linh-thieng-mom-hac-post1498652.html?io_utm_social=fanpage&fbclid=IwAR24xhTJhquVKRTehFcB7ZPTCKt7shPPoxttUDPkX4PCAQfCt1o50R9MQZk
..


 



Hoàng Sơn

Tại ngọn Kim Sơn (Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) có một ngôi miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa từ lâu đời.

Từ đây, nhiều người đặt ra giả thiết phải chăng năm xưa trên đường từ kinh đô Đồ Bàn của Champa về Đại Việt, công chúa đã dừng chân tại danh thắng này?

“Quốc tôn thần nữ vọng muôn thu”

Giới nghiên cứu gọi ngôi miếu cạnh chùa Thái Sơn (đường Sư Vạn Hạnh, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) là miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa. Còn người dân địa phương quen gọi ngôi miếu này là miếu Bà.

Ông Trần Văn Thuận (63 tuổi, trú tại tổ 20, P.Hòa Hải), người trông nom, nhang khói cho ngôi miếu, kể từ bao đời nay, vào ngày 16 tháng 2 âm lịch hằng năm, người dân đều đặn tổ chức cúng tế trang nghiêm tại ngôi miếu.

Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Nơi Huyền Trân công chúa từng dừng chân? - ảnh 1

Miếu thờ Huyền Trân công chúa tựa lưng vào hòn Kim Sơn

Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn dẫn bài viết Miếu công chúa Huyền Trân của tác giả Lê Hoàng Vinh và Lê Anh Dũng, cho biết riêng TP.Đà Nẵng, ở vùng Hóa Khuê cũ là tụ điểm dân cư Việt sớm nhất trong lịch sử bên sông Hàn. Tựa lưng vào núi Kim Sơn - trong quần thể Ngũ Hành Sơn, tổ tiên đã truyền lại miếu thờ bà Huyền Trân công chúa, xây dựng bằng gạch Chăm cổ, có văn bia và nơi thờ tự nghiêm chỉnh. “Tiếc rằng, khoảng những năm 1980, do trào lưu thực hành “bài trừ mê tín dị đoan” thiếu sáng suốt phân biệt, miếu Bà bao gồm văn bia đã bị đập phá san bằng, may còn lưu giữ một số dấu vết cũ”, bài viết nêu.

Theo ghi nhận, bên cạnh thiết kế truyền thống, khi xây dựng lại ngôi miếu, cư dân địa phương đã cố gắng bảo tồn nét xưa cũ bằng cách làm hàng rào cách điệu bằng gạch Chăm xưa. Để xiển dương công đức lớn lao của Huyền Trân công chúa bởi cuộc hôn nhân hòa hiếu chính trị của bà với vua Chế Mân (Champa) vào năm 1305, người dân địa phương cũng khắc 2 câu đối trước bàn thờ: Quốc tôn thần nữ vọng muôn thu/Thiên tạo Kim Sơn danh vạn thế. Nhờ bà mà một phần đất rộng lớn từ bờ nam sông Hiếu (Quảng Trị) đến bờ bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam) trở thành lãnh thổ của Đại Việt.

Lập miếu “hàm ý lưu dấu nơi dừng chân”

Trong bài viết Miếu công chúa Huyền Trân, các tác giả dẫn lại thông tin lịch sử mùa hạ, tháng 6 (năm Bính Ngọ 1305), nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân... Chẳng may, đến tháng 5 Đinh Mùi 1307, trong lúc công chúa đang có thai, vua Chế Mân bị bạo bệnh qua đời. Theo luật tục, hoàng hậu phải chịu hỏa thiêu chết theo vua. Hay tin, vua Trần Nhân Tông đã sai thượng tướng Trần Khắc Chung đưa theo hàng nghìn thủy thủ, tùy tùng đi thuyền sang Đồ Bàn (kinh đô Chiêm Thành, nay ở Bình Định) vào cuối năm 1307 để giải cứu công chúa.

Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Nơi Huyền Trân công chúa từng dừng chân? - ảnh 2

Người dân thường xuyên nhang khói tại miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa ở Ngũ Hành Sơn

HOÀNG SƠN

Đến nơi, đoàn sứ Việt xin lập trai đàn trên một số chiến thuyền được kết lại ở ngoài biển để làm lễ cho vua Chế Mân và xin đón hoàng hậu đích thân ra tới trai đàn cúng tế chiêu hồn cho chồng theo phong tục Việt, trước khi quay vào bờ lên giàn hỏa thiêu. Khi thuyền của hoàng hậu đang đi trên biển thì thủy quân Việt bất ngờ đón lấy giong buồm về phía bắc. Chính chi tiết này cùng với việc miếu Huyền Trân được lập tựa lưng vào hòn Kim Sơn mà có nhiều ý kiến cho rằng trên đường trở về Thăng Long, công chúa đã cập thuyền trên sông Cổ Cò và ghé lại Ngũ Hành Sơn.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, một người nghiên cứu văn hóa Ngũ Hành Sơn, cho rằng bao đời nay đã có miếu Bà thì không thể không tồn tại câu chuyện công chúa ghé chân. Dù vậy, đây là câu chuyện rất khó có thể chứng thực. Để làm phong phú các hoạt động văn hóa tại lễ hội Quán Thế Âm, năm 2017, thượng tọa đã hình tượng hóa Huyền Trân công chúa trong hội đua thuyền. Thượng tọa tái hiện cảnh quân Chiêm Thành đuổi theo sau khi thượng tướng Trần Khắc Chung lập mưu đưa công chúa về Đại Việt bằng thuyền. Từ đó các đội đua rất hứng thú khi phải nỗ lực đoạt cờ để cứu công chúa.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng việc nhân dân nhiều địa phương lập đền miếu thờ Huyền Trân công chúa thể hiện lòng tri ân của hậu thế đối với một công chúa Đại Việt đã góp phần phát triển tình hữu nghị láng giềng giữa Việt - Chăm. Do vậy, ngoài việc bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân, 2 miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa trên địa bàn Q.Liên Chiểu và Q.Ngũ Hành Sơn còn “hàm ý lưu dấu nơi công chúa từng dừng chân”.

“Tuy nhiên, chưa có tư liệu nào ghi nhận việc Huyền Trân công chúa đã đến vùng đất Đà Nẵng từ bao giờ và bao nhiêu lần. Theo tôi, Huyền Trân công chúa không nhất thiết chỉ dừng chân ở 2 quận trên khi đang trên đường rời Champa về lại Thăng Long. Điều đó có nghĩa là với tư cách vợ vua Chế Mân, từ kinh đô Đồ Bàn, công chúa Đại Việt hoàn toàn có thể đến đây để ngoạn cảnh núi Ngũ Hành và vịnh Nam Ô - những thắng cảnh về mặt danh nghĩa đang thuộc quyền quản lý của Đại Việt và cũng rất gần, chỉ cách biên giới Champa con sông Thu Bồn”, ông Tiếng phân tích thêm.

(còn tiếp)

https://thanhnien.vn/bi-an-ngu-hanh-son-noi-huyen-tran-cong-chua-tung-dung-chan-post1461741.html


1.



Không muốn lịch sử của ngôi làng cổ bị lãng quên, ông Đặng Dùng đã góp nhặt những câu chuyện của làng mình để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Người dân nơi đây thường gọi ông Dùng là "sử gia của làng".

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 1

Sinh ra và lớn lên ở làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), ông Đặng Dùng (SN 1949) không nhớ từ bao giờ đã rất quan tâm đến văn hóa, lịch sử của làng mình.

Nhiều người gọi ông là "sử gia của làng" hay "nhà Nam Ô học" nhưng ông chưa bao giờ nhận điều đó. Ông chỉ nhận mình là "người quan tâm quá đáng đến xứ sở mình đang sống".

Đi đâu, nghe những bậc cao niên trong làng kể chuyện, ông luôn chăm chú lắng nghe, ghi chép lại. Hễ tìm được cuốn sách nào nói về câu chuyện của làng mình, ông đem ra đối chiếu, nghiên cứu…

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 3

Như cái tên Nam Ô, nhiều người vẫn suy đoán Nam Ô là "cửa ngõ phía Nam của Châu Ô". Nhưng ông Dùng lại bảo không phải "cửa ngõ" hay "cửa ô" gì cả.

Theo ông Dùng, cái tên Nam Ô xuất phát từ Nam Ổ. Nam Ổ vốn là một nhà trạm - nhà công vụ được thiết lập bên cạnh đường cái từ thời Gia Long thứ 15. Từ Lạng Sơn đến Bình Thuận có cả thảy 98 nhà trạm để cho quan dân đi lại nghỉ ngơi và chuyển tiếp công văn, thư từ từ kinh đô đến các địa phương trong nước và ngược lại.

Tên Nam Ổ xuất hiện lần đầu vào năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) như Đại Nam Nhất Thống Chí trang 375 đã ghi trong mục nhà trạm: "Trạm Nam Ổ đặt ở xã Cu Đê, nguyên trước là trạm Cu Đê. Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên trạm Nam Hoa, Thiệu Trị (1841) như hiện nay".

Riêng từ Ổ thành từ Ô, tác giả Nguyễn Minh Triều ghi trong sách Quảng Nam - Đà Nẵng qua các triều đại phong kiến: "Nam Ô lần hồi các công văn, văn bản, bản đồ của người Pháp, tiếng Pháp không dấu thanh, cứ thế gọi Nam Ô lâu ngày thành quen".

Những cái giếng cổ ở làng cũng được ông Dùng tìm hiểu kỹ. Hiện tại làng Nam Ô còn lưu giữ nhiều giếng cổ. Giếng có 4 cạnh hình vuông được ghép bằng những tấm đá thanh dày độ trên 10cm, rộng 0,45cm, chồng ghép lên nhau từ mạch nước ngầm lên mặt đất.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 5

Có đến 8 cái giếng như thế gồm giếng Đình, giếng Thành Chung, giếng Lăng, giếng Chùa, giếng Cồn Trò, giếng Quán Hoa Ổ (bà Bang), giếng bến đò Cu Đê (ông Sõi), giếng Tú Lâm.

"Theo các cụ trong làng, những giếng ấy có tuổi đời trên dưới 300 năm nhờ dòng lưu khắc trên trụ mỗi giếng, những lạc khoản này đến bây giờ ta không đọc được bởi đã bị lớp vữa xi măng che khuất khi sau này người ta xây thêm để tránh nguy hiểm vì sự sụt lún của các giếng. Ngày nay, tại làng Nam Ô hiện chỉ còn 4 giếng hiện thấy trên mặt đất, dưới mắt nhìn", ông Dùng cho hay.

Ông Dùng cho biết thêm, nhiều nhà nghiên cứu khi đến Nam Ô khảo sát các giếng này đã đưa ra nhận định rằng đây là những giếng của người Chăm bản địa để lại trên đất này, nhưng cũng có người không thích yếu tố ngoại lai đã giành lại, bảo rằng đó là sản phẩm của người Đại Việt.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 7
Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 9

Ông Dùng đang ấp ủ kế hoạch xuất bản cuốn sách "Nam Ô và những chuyện kể" dài khoảng 400 trang do ông biên soạn. Tuy nhiên, việc in ấn cần kinh phí nên ông Dùng đang chờ sự tài trợ.

Sau khi sách được in ấn, sách không chỉ tặng bà con trong làng mà ông Dùng còn tặng bạn bè muôn phương để nhiều người biết đến lịch sử làng mình.

Quá trình tìm tòi, nghiên cứu về làng mình, ông Dùng cũng đã trả lời cho câu hỏi: "Tại sao những chuyện mang tính quốc gia đại sự lại gắn với làng mình?"

Theo ông Dùng, bởi làng Nam Ô nằm ở trung lộ của đất nước, bên lề lịch sử. Những đội nam chinh bắc chiến đều đi qua vùng đất này nên nhiều câu chuyện xảy ra gắn liền với sự kiện lớn trong lịch sử.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 11

Ông Lưu Anh Rô - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng - cho hay, làng Nam Ô là làng biển cổ nổi tiếng điển hình của TP Đà Nẵng. Ở đây hội tụ tất cả những các điểm nhấn đặc sắc, nơi có nhiều giá trị văn hóa lâu đời gắn kết, có sự giao lưu văn hóa Việt - Chăm, tạo bản lề cho Đại Việt tiến về phương Nam.

Điều này được thể hiện rất rõ qua những di tích lịch sử như Lăng Ông hay Miếu thờ bà Liễu Hạnh, Dinh Cô Hồn, Giếng làng…

 "Ông Dùng rất yêu vùng đất của mình, rất mong muốn tìm hiểu lịch sử cha ông, đặc biệt là chịu khó ghi chép lại những ký ức của bà con trong làng; chịu khó đọc lại những văn bản, giấy tờ, những ký ức còn sót lại trong các kế ước, gia phả, những bài văn cúng… Những cái đó đã tạo cho ông Dùng một hiểu biết rất sâu sắc về làng của mình", ông Rô nhận xét.

Ông Rô cho hay, ông Dùng có hình thành một bản thảo cuốn sách viết về làng Nam Ô. Hiện Hội khoa học lịch sử Việt Nam đang làm việc với Nhà xuất bản Đà Nẵng để giúp ông Dùng in ấn cuốn sách này.

"Việc làm của ông Dùng xét ở 2 góc độ là rất yêu quê hương và muốn ghi lại những ký ức của làng để lưu truyền. Đó không chỉ cho làng Nam Ô nhỏ bé của ông Dùng mà ghi lại nền văn hóa còn lại tương đối nguyên sơ của văn hóa biển Đà Nẵng. Nói đến Đà Nẵng không thể bỏ qua làng Nam Ô của ông Đặng Dùng. Chúng ta phải cảm ơn ông ấy ở 2 góc độ này", ông Rô cho biết thêm.

Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 13
Sử gia của làng chài cổ dưới chân núi Hải Vân - 15

Nội dung: Khánh Hồng

Thiết kế: Thủy Tiên

24/04/2022

https://dantri.com.vn/van-hoa/su-gia-cua-lang-chai-co-duoi-chan-nui-hai-van-20220422092450575.htm




0b.


Cập nhật lúc: 08:54 - 20/03/2020 Lượt xem: 445


Sáng ngày 18/3, ông Lê Trung Chinh, PCT UBND thành phố cùng các Sở, ban, ngành liên quan đã có chuyến khảo sát thực tế tại khu vực Nam Ô và làm việc với UBND quận Liên Chiểu để triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô.


PCT UBND TP làm việc với UBND quận

Tại buổi làm việc một số vướng mắc của Đề án cũng được tháo gỡ và đề xuất như: Bổ sung một số nhiệm vụ của các Sở vào Đề án gồm Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thêm vị trí xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nước mắm Nam Ô, nghiên cứu sản phẩm lưu niệm của địa phương… và hoàn thiện kế hoạch chung để Đề án sớm được triển khai.


Khảo sát tại biển Nam Ô

Được biết khu vực Nam Ô có sẵn lợi thế từ thiên nhiên (biển, ghềnh đá…), văn hóa làng nghề và các di tích văn hóa với nhiều câu chuyện kể, giai thoại. Bên cạnh đó, đây là khu vực làng chài xưa của thành phố với làng nghề truyền thống nước mắm đặc trưng và các món ăn dân dã truyền thống (hải sản tươi sống, gỏi cá, bún cá, rong biển…). Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô (do Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng làm Chủ đầu tư) với nhiều dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, giải trí đi kèm như: Trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng; Tắm biển; Tham quan tìm hiểu câu chuyện về các di tích; Tham quan bảo tàng ốc và trải nghiệm các hoạt động văn hóa; Tham quan làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực địa phương; Chụp ảnh tại khu vực ghềnh Nam Ô; Dịch vụ lưu trú homestay trải nghiệm tại nhà dân, tham quan làng bích họa; Đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô… với tổng kinh phí dự kiến thực hiện các gói sản phẩm, dịch vụ là 46,1 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn kinh phí xã hội hóa là 35,4 tỷ và nguồn ngân sách 10,7 tỷ đồng.


Xem người dân sản xuất mắm ruốc


Khảo sát tại ghềnh Nam Ô

 

H.Ng.

http://lienchieu.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?articleId=1547076


0a.


Làng Nam Ô, nằm dưới đèo Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là vùng đất của những câu chuyện nhuốm màu huyền sử, chứa đựng đời sống văn hóa tâm linh đặc sắc.

Miếu Âm linh nằm trơ trọi giữa ngổn ngang gạch đá. Ảnh: NGỌC HÀ
Miếu Âm linh nằm trơ trọi giữa ngổn ngang gạch đá. Ảnh: NGỌC HÀ

Kỳ bí phế tích miếu Bà

Nam Ô một ngày đầu tháng tư, sau lễ cầu ngư tại lăng Ông Nam Ô (16 tháng 2 âm lịch), người dân trong làng lại chuẩn bị sửa soạn mâm lễ cúng tại miếu bà Liễu Hạnh vào ngày 20-2 âm lịch. Bà Lê Thị Thu (54 tuổi, người dân trong làng) cho biết, đã trở thành tục lệ, mấy trăm năm nay, cứ đến ngày của Bà (bà Liễu Hạnh - PV) là người dân thành kính cúng bái.

Thời ông nội bà Thu, vốn là người lo chuyện lễ lộc của làng, ông không chỉ cúng bái trong miếu này mà còn mang lễ vật ra tận ngoài khơi nước (hòn Chảo nằm giữa vùng biển Đà Nẵng và Huế - PV) khấn vái, bởi dân làng tâm niệm Bà hiển hiện ở xung quanh vùng đất Nam Ô phù trợ cho người dân.

“Trong tâm thức người dân Nam Ô, Bà linh thiêng lắm. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn làm chi cũng tới khấn vái Bà”, bà Thu nói.

Cũng theo dân làng, miếu bà Liễu Hạnh hiện tại đã được xây dựng lại, còn miếu cũ mà người dân quen gọi là miễu lại nằm ở mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô. Để “mục sở thị” ngôi miễu này, chúng tôi theo chân lão ngư Huỳnh Văn Thắng (73 tuổi) men theo con đường nhỏ dẫn vào khu rừng rậm rạp, quanh co nhiều lối rẽ trên mỏm Hạc.

Không khó để lão ngư Huỳnh Văn Thắng tìm thấy phế tích miếu Bà năm xưa, hiện chỉ còn dấu tích bờ tường và bức bình phong hướng ra biển. Giữa tiếng sóng vỗ, tiếng rít của cây rừng, câu chuyện của lão Thắng càng huyền bí.

Từ khi lớn lên, ông đã nghe người trong làng truyền lại rằng miếu Bà trên mỏm Hạc có rất lâu đời, đến năm 1915, một cơn bão lớn càn quét qua làng khiến miếu Bà bị đánh sập. “10 năm sau, người dân lại xây miếu Bà, chính là phế tích này đây”, ông Thắng kể.

Vì xem Bà là nữ thần hộ mệnh cho làng nên dân làng Nam Ô khi xưa ra biển đều hướng đến miếu Bà cầu khẩn, bởi vậy mới lưu truyền bài thơ “Vọng miếu” mà các cụ trong làng hay ngâm nga trong các đêm tế lễ: Khơi lộng vào ra chốn hải tần/Vọng cầu linh miểu độ bình an/Khơi xang vũ lạo cầu Trai Tĩnh/Lộng xáp phong ba niệm Nữ Thần/Chẳng tiếc cành vàng dâng hiến nước/Thì gieo lá ngọc hộ trì dân/Trăm năm dân Ổ còn hương khói/Biến vực ngư giao hóa thủy hàn.

Lão ngư Huỳnh Văn Thắng bên cạnh phế tích miếu Bà trên mỏm Hạc.
Lão ngư Huỳnh Văn Thắng bên cạnh phế tích miếu Bà trên mỏm Hạc.

Theo ông Đặng Dùng – người được mệnh danh là “nhà sử học Nam Ô”, ráp nối lại các cứ liệu tìm thấy và tình tiết trong lịch sử, ông ngờ rằng phế tích trên mỏm Hạc cũng chính là miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa.

Hơn 700 năm trước, công chúa nhà Trần đã gạt lệ xuống thuyền làm dâu Chiêm quốc, đổi lấy hai châu Ô, Rý mở mang bờ cõi Đại Việt. Huyền Trân Công chúa về làm vợ vua Chiêm Thành hơn một năm thì vua chết.

Lo sợ Huyền Trân Công chúa phải hỏa thiêu theo chồng bởi tập tục của người Chiêm Thành, vua Trần Anh Tông mới sai Nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Vân cùng quân lính vào kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (vùng Bình Định ngày nay) cứu công chúa Huyền Trân.

Tương truyền, trên đường bôn tẩu thì khu rừng cấm Nam Ô chính là nơi dừng chân, trú ngụ cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trước khi lên thuyền về lại Đại Việt.

“Nhưng đến nay, việc công chúa Huyền Trân có ghé lại vùng đất này hay không vẫn không thấy ghi trong chính sử. Song điều này lưu truyền trong dân gian và người dân Nam Ô dựng miếu thờ vọng người phụ nữ đã có công mở mang bờ cõi”, ông Dùng phân tích.

Cũng theo ông Dùng, năm 1999, khi dân làng Nam Ô khởi công tôn tạo miếu bà Liễu Hạnh trên nền miếu đã hư hỏng tọa lạc tại phía tây núi gành Nam Ô thì tình cờ đào được một bộ ba bài vị bằng gỗ ròng sơn huyết còn khá nguyên vẹn, dưới nền móng một tàn tích miếu cổ cũng gọi là mếu Bà ở phía đông của núi này trên đầu mỏm Hạc, một tàn tích đã bị cơn bão khốc liệt năm Ất Mão (1915) tàn phá mà trong một bài vè địa phương có câu mô tả “xóm ngoài trôi mắm, xóm trong trôi đường”.

Khá ngạc nhiên là ba bài vị đã bị vùi trong cát đá vôi vữa nằm dưới tàn cây rậm rạp đã 84 năm (1915 - 1999) mà không hề sơ suyển, nét khắc trên các bài vị các thần hiệu vẫn rành rạnh sắc sảo gồm Chúa Tiên Thần Nữ Chi Vị, Hà Bá Thủy Quan Chi Vị, Táo Phủ Thần Quân Chi Vị. Các bài vị đã được dân làng cung thỉnh về miếu bà Liễu Hạnh.

“Sự kỳ bí của phế tích miếu Bà vẫn còn là câu hỏi. Nhưng ăn sâu vào tâm thức người dân Nam Ô, có một vị chúa tiên thần nữ là vị thần hộ mệnh cho dân làng. Vì thế dấu tích, phế tích miếu Bà trên mỏm Hạc hay miếu bà Liễu Hạnh ở vị trí hiện tại có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh”, ông Dùng nói.

Vị tiền hiền “mở cõi” và miếu âm linh... thờ tử sĩ

Cũng theo ông Dùng, điều huyền bí nữa ở Nam Ô mà không thấy ghi trong chính sử, đó là người dân lưu truyền rằng để bảo vệ Huyền Trân Công chúa lên thuyền an toàn về cố quốc, một viên tùy tướng của Trần Khắc Chung và nhiều binh lính đã ở lại chặn đường quân Chiêm Thành và nằm lại mãi mãi ở mảnh đất này.

Mộ của vị tùy tướng này hiện nằm sát bờ biển (nay ở gần Đồn Biên phòng Nam Ô) và thần vị được thờ tại đình làng. Các thế hệ người dân Nam Ô tôn ông là “tiền hiền triệu cơ”, nghĩa là “tiền hiền mở cõi”. Ở miền Trung, danh xưng “tiền hiền” dùng để chỉ những người có công khai khẩn, quy tụ dân chúng để lập làng, lập ấp; chứ chưa ai dùng để chỉ người “mở cõi”.

Như vậy, vị tướng này tuy không có công khai khẩn, nhưng tài đức của ông được nhớ đến và lập đền thờ, hằng năm cúng giỗ vào ngày 24-6 âm lịch. Suốt 700 năm qua, dân Nam Ô vẫn theo tục thờ cúng đó, không bỏ sót năm nào.

“Khó mà biết câu chuyện trên hư thực thế nào. Câu chuyện về Huyền Trân Công chúa hay vị tiền hiền triệu cơ vẫn là huyền sử nhưng hiển hiện trong tâm thức người dân Nam Ô là những người có công trong hành trình Nam tiến của người Việt.

Chỉ riêng chuyện Huyền Trân Công chúa chấp nhận về vương quốc Chăm để đổi lấy hai châu Ô, Rý cũng nói lên công trạng lớn lao của bà”, ông Dùng nói thêm.

Tương tự, tại Nam Ô có một miếu âm linh thờ tử sĩ rất linh thiêng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hầu hết các làng quê Nam Trung bộ, đặc biệt là các vùng ven biển đều có dinh, miếu, sở có tên gọi là âm linh tự, thờ âm linh (hay còn gọi là âm hồn) những người đã chết nói chung, nhất là chết mất xác ngoài biển khơi.

Do đó, việc dinh Cô Hồn còn được gọi miếu Âm Linh làng Nam Ô - nơi thờ tự các tử sĩ là một sự khác biệt, nói cách khác điều này minh chứng cho dấu ấn lịch sử của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Miếu Âm linh – nơi thờ tự những tử sĩ trận vong trong ngày đầu kháng Pháp.
Miếu Âm linh – nơi thờ tự những tử sĩ trận vong trong ngày đầu kháng Pháp.

Ngôn truyền qua các thế hệ bô lão, trong các trận chiến chống quân Pháp tại cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của hai đồn Nam Ô và Trấn biển Cu Đê cùng dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo.

Tại miếu Âm Linh có khá nhiều dòng chữ bi hùng như: Sa trường điếu cổ (Thương xót người xưa chết trên sa trường), Thiên thu hiển hách, Giai di tứ hải anh hùng, Trung quân hề ái quốc... được ghi từ thời Tự Đức và Thành Thái. Về sau, miếu Âm linh được mở rộng đối tượng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng.

“Bước vào miếu Âm Linh nhiều người nói với tôi rằng cảm thấy lành lạnh, nhưng tôi cho rằng đó là sự choáng ngợp trước những dòng chữ đầy bi hùng và tình cảm linh thiêng trước những người ngã xuống vì quê hương”, ông Đặng Dùng bày tỏ.

Nghề biển xuyên suốt từ thời Chăm sang Việt

Những dấu tích còn lại tại làng Nam Ô minh chứng nghề biển xuyên suốt từ nền văn hóa Chăm sang Việt. Các bô lão trong làng cho biết, không rõ làng Nam Ô có từ khi nào, nhưng có thể khẳng định chủ nhân xưa của làng là những người Chăm sống bằng nghề đi biển.

Cách đây hơn 7 thế kỷ, vùng đất này vẫn thuộc châu Ô của Vương quốc Chămpa. Minh chứng rõ nhất tại đây là những giếng nước theo kiến trúc thành vuông của người Chăm và đến nay người dân vẫn dùng nước ở giếng này sinh hoạt.

Các giếng nước này vẫn còn dấu tích tháp Chăm Xuân Dương. Sau này, người Việt đến đây sinh sống và hành nghề đi biển với tập tục thờ cá Ông. Cha ông của làng truyền lại, lăng Ông Nam Ô được xây dựng ngay trên nền đền thờ Hải thần của người Chăm từ thời Vua Gia Long yên định cơ đồ (1802) và lưu lại nhiều dấu tích từ xa xưa phản ánh tín ngưỡng của ngư dân làng biển này.

Trong đó, phải kể đến đòn tay ở chánh điện có hàng chữ lưu ký ghi Tự Đức nguyên niên, nơi hậu tẩm còn thờ một bài vị cổ ghi danh hiệu “Nam Hải cư tộc ngọc lân chi thần”, biển sắc “Long ngự chính trung” (tạm dịch Vua biển ở đây) trước tiền đình (khoảng năm 1934) và bức hoành Trạch Tuyết Linh (loài linh thiêng nhất trên vùng biển) vào khoảng năm 1851.

Hiếm có nơi nào người dân trong làng có thể kể rành rọt từ miếu Bà, miếu âm linh, lăng thờ thần Nam Hải… đến dấu tích Chămpa như ở Nam Ô. Mỗi câu chuyện chất chứa nhiều kỳ bí và đậm chất bi hùng. Bản thân ông Đặng Dùng liên tục khảo cứu, sưu tầm, viết lại thật nhiều những câu chuyện dân gian, những di tích và càng tìm hiểu ông càng nhận ra “huyền sử cứ nối dài”.

Huyền sử ấy phải chăng được dệt bằng chất liệu là những lăng, đền, miếu mạo có bề dày trầm tích văn hóa một thời Nam tiến của người Việt, bằng mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ người dân làng Nam Ô bảo vệ, giữ gìn. Vì thế, điều dân làng lo sợ nhất là mất đi những giá trị văn hóa, mất đi ký ức làng chài.

Nói như lão ngư Huỳnh Văn Thắng: “Cha ông bao đời chắt chiu gầy dựng mà bây giờ không gìn giữ được là có lỗi với tiền nhân. Nếu mất đi đền thờ, miếu mạo thì chẳng khác nào bán bổ thần linh, bán bổ tiền nhân. Ai gánh nổi tội này đây”.


Bài và ảnh : Ngọc Hà

https://baodanang.vn/phongsu-kysu/201804/huyen-su-nam-o-2594528/

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.