Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/03/2022

Những vấn đề làng xã truyền thống (ghi chép và phổ biến của Bùi Xuân Đính)

Học giả Bùi Xuân Đính của Viện Dân tộc là một trong những chuyên gia về cơ cấu tổ chức làng xã và văn hóa làng xã.

Gần đây, ông có tham gia làng Facebook Việt và đưa dần những ghi chép của ông về chủ đề trên lên lưới trời.

Tôi sẽ mở những entry để vớt những bài mà học giả họ Bùi đưa lên, lưu tại Giao Blog này. Hôm nay, mẩu đầu tiên là về hiện tượng chạy biệt xã (tách ra xã mới). Ở dưới mẩu đầu tiên này sẽ dán bổ sung dần (theo thứ tự ABC).

Bao giờ entry cũ đầy, thì sẽ mở các entry mới (đánh số thứ tự 1-2-3).

Tháng 3 năm 2022,

Giao Blog


Học giả Bùi Xuân Đính trong những ngày chống dịch tháng 8 năm 2021
(xem ảnh và lời tự thuật ở đây - ngày 31/8/2021)



---


Ngày 1/7/2022

****************
LỄ HẠ ĐIỀN (Lễ Xuống đồng).
Một nghi thức của tín ngưỡng nông nghiệp, cũng là một lễ thức, một công đoạn trong sản xuất nông nghiệp của cộng đồng làng Việt, mở đầu vụ cấy lúa, thời điểm cụ thể tùy thuộc vụ lúa Chiêm hay lúa Mùa. Các làng đồng mùa thường tiến hành vào một ngày tốt, giáp tiết Tiểu thử (đầu tháng Sáu), đúng một tháng sau lễ gieo mạ. Câu ca “Tua rua đi bắc mạ mùa, Tiểu thử đi bừa cấy ruộng nông sâu” thể hiện thời điểm tiến hành hai lễ tiết Bá cốc (gieo mạ) và Hạ điền ở các làng đồng mùa. Ở các làng đồng chiêm, lễ Hạ điền thường tiến hành khoảng đầu tháng Một, hai tháng sau lễ Gieo mạ.
Có sự chênh lệch về khoảng cách thời gian từ lễ Bá cốc (gieo mạ) đến lễ Hạ điền (cấy lúa) giữa vụ Mùa và vụ Chiêm là do đặc điểm của cây mạ và cây lúa của hai vụ, được dân gian đúc kết “Mạ Chiêm ba tháng chưa già/Mạ mùa tháng rưỡi ắt là chẳng non”. Điều này liên quan đến tiết trời, thời tiết diễn ra mùa vụ.
Lễ Hạ điền có vai trò quan trọng nhất và được tổ chức quy mô nhất trong các lễ thức nông nghiệp ở phần đông các làng. Trước hết phải cày bừa kỹ thửa ruộng công thuộc hạng “nhất đẳng điền” ở gần bệ Thần nông hoặc gần khu cư trú của làng. Trên ruộng, cắm một cây nêu là một cây tre bánh tẻ, cao, thẳng, đủ ngọn, cành, không bị sâu bệnh ở giữa; xung quanh cây nêu cắm một ít cây khoai nước và để một số bó mạ. Cùng với việc chuẩn bị ruộng cấy, còn phải cử Chúa đồng (hay người xuống đồng), phải là một lão nông tri điền, khỏe mạnh, không dị tật, song toàn, đông còn nhiều cháu (đủ cả nam nữ), gia đình khá giả. Sau lễ tế (hoặc lễ cầu) thần nông tại ruộng (hoặc ở đình), chúa đồng mặc áo đỏ, chít khăn đỏ, cấy một vài cây mạ quanh cây nêu. Trên bờ, đông đảo dân làng đánh trống, té nước, huýt sáo…, tượng trưng cho tiếng sấm, gió và mưa, ngụ ý cầu mưa thuận gió hòa, để cho lúa sinh trưởng tốt, mùa màng bội thu. Ở làng Yên Lộ (huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; nay thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội), sau lễ tế thần, mỗi giáp cử hai người ở món thôn, một đóng vai thợ mạ, một đóng vai thợ cấy. Thợ mạ ra nhổ mạ, vừa nhổ vừa hát ví mấy câu trêu thợ cấy. Thợ cấy hát đáp trả, vừa hát vừa té nước vào thợ mạ rồi đem mạ xuống ruộng cấy. Thợ mạ cũng té nước và hát đối lại. Cấy xong, tế chủ (một cụ già phúc hậu, đông con nhiều cháu, “có nếp có tẻ”, biết tính toán làm ăn) cắm một cành tre tươi, có ngọn, nhiều lá xuống ruộng, xung quanh lại cắm những cây khoai nước, ngụ ý cầu mong lúa đẻ nhiều, sai bông trĩu hạt. Sau khi làm lễ này, các gia đình mới tiến hành cấy lúa (Tư liệu điền dã, 1996).
Đặc biệt, ở làng làng Xuân Trạch (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) trong Lễ Hạ điền tổ chức vào ngày tốt đầu tháng Sáu vẫn còn hình ảnh của “mẹ lúa” (1), song lại được chọn từ nam giới, là khỏe mạnh, không có biểu hiện dị tật trên cơ thể, song toàn, đông con nhiều cháu, làm ăn khá giả. Sau lễ tế Thần nông ở ngay bên bờ ruộng, chủ tế cất lời xướng:
Kính lạy càn khôn
Cho làng cây mạ
Xanh mượt như dâu
Lúa tốt ngang đầu
Sai bông trĩu quả
Mưa thuận gió hòa
Không sâu không bệnh
Lúa về Xuân Trạch
Năm nay bội thu
Dân làng no ấm.
Người đóng vai mẹ lúa “Ờ” một tiếng, rồi lội xuống cấy vài dảnh mạ xuống ruộng. Ở trên bờ, mọi người hò reo, té nước vào các “mẹ lúa”, ngụ ý cây lúa sẽ luôn được đủ nước. Chiêng trống dồn dập thúc giục, biểu tượng cho tiếng sấm, cùng với những làn nước té lên, biểu hiện cho sự mong muốn mưa thuận gió hòa để lúa phát triển tốt. Không khí náo nhiệt cả khu đồng. Khi những dảnh mạ cuối cùng được cắm xuống ruộng, chủ lễ mang một cây nêu cắm vào giữa khoảnh lúa vừa cấy. Trên ngọn cây nêu treo hai sợi lạt cuộn tròn núc sẵn, tượng trưng cho bó mạ đã được cấy xuống ruộng. Khi nêu vừa được cắm xuống ruộng, một hồi trống nổi lên, Lễ Hạ điền kết thúc. Các giáp cùng các “mẹ lúa” về thụ lộc. Sau lễ này, các gia đình mới tiến hành cấy lúa (Tư liệu điền dã, 2011).
Làng Phượng Dực (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội), Lễ Hạ điền tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Chạp - ngày mở đầu cấy lúa chiêm. Sau lễ tế thần nông ở đình, một thanh niên được làng lựa chọn (tiêu chuẩn: khỏe mạnh, chạy nhanh, gia đình lương thiện, không có tang trở, kinh tế không thuộc diện giàu có, nhưng cũng không nghèo) cầm một cành tre ở đình chạy về phía cánh đồng cuối làng, giáp làng Xuân La. Ra khỏi làng, người thanh niên này phải chạy thật nhanh để không một người nào trong làng ở phía sau đuổi kịp. Đến thửa ruộng cuối đồng đã chọn và đã được cày bừa kỹ, người thanh niên trên cắm cành tre ở giữa ruộng, lý trưởng làng sau đó xuống cấy vài cây mạ tượng trưng. Dân làng tin rằng, người thanh niên này chạy càng nhanh, không ai đuổi kịp thì vụ chiêm không chỉ cấy nhanh mà lúa còn phát triển tốt, được mùa. Ngày hôm sau, các gia đình trong làng mới tiến hành cấy lúa (Tư liệu điền dã, 2021).
Sau khi làng làm lễ Hạ điền, các gia đình mới được cấy lúa.
Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đến hòa bình lập lại, Lễ Hạ điền chỉ được tổ chức ở một số địa phương. Từ khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp, nghi lễ Hạ điền không còn tồn tại, thay vào đó là lễ phát động thi đua “cấy nhanh, trước thời hạn”. Từ giữa thập niên 1960, các làng xã tiến hành công cuộc thủy lợi hóa, cải tạo đồng ruộng, các đàn thờ Thần nông ở ngoài đồng không còn, một số làng chuyển về một góc khuôn viên đình hoặc đưa ban thờ Thần nông ở gian bên của tiền tế đình. Gần đây, nhiều địa phương tổ chức lại lễ Xuống đồng.
Ảnh 1 : Bệ thờ Thần nông làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Đức, HN) trước ở ngoài đồng, nay chuyển về đình, tác giả chụp 2021. Các ảnh khác copy trên mạng.
CHÚ THÍCH

Mẹ lúa: các tư liệu Dân tộc học khẳng định, xa xưa, vào thời kỳ con người còn ở chế độ mẫu quyền, phụ nữ đã tìm ra cây lúa, nên là người “thu hồn lúa”, các nghi lễ liên quan đến gieo hạt (lúa nương) hoặc cấy (lúa nước) và gặt đều do phụ nữ đảm nhiệm hoặc thực hiện đầu tiên. Sau khi chế độ phụ quyền ra đời, nam giới đảm nhiệm vai mẹ lúa trong các nghi lễ gieo cấy, gặt lúa.











https://www.facebook.com/buixuandinhdth/posts/pfbid02x7fG1BFBRuAVKxmmB8cfuPqjLpLtuYxhsSr2qSumVjfbk8tS1hYVK4WasBoNEQQ7l




..

Ngày 19/3/2022

Lời tác giả: mấy ngày trước, mình đăng loạt bài "Chia làng" nói về hiện tượng chia một làng thành 2 làng theo các kiểu dạng khác nhau. Hôm nay, đăng bài "Chạy biệt xã", viết về một hiện tượng đòi tách làng, gắn với tách xã, nhưng không thành công để các bạn thấy được sự đa dạng trong quan hệ giữa các làng xã cũng như nội bộ một làng thời phong kiến.
CHẠY BIỆT XÃ
Là hiện tượng các thôn (làng) cùng nằm trong một xã xin tách ra thành xã riêng (hay xã độc lập). Về nguyên tắc, theo quy định được ban bố vào tháng Tư năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông (tháng 5/ 1490), khi một xã có trên 500 hộ mà số hộ dư đạt 100 hộ trở lên thì cho tách ra thành xã mới (Đại Việt sử ký toàn thư,/ 2, tr. 418). Tuy nhiên, trên thực tế, đến cuối những năm 20 của thế kỷ XX, bình quân mỗi làng/xã ở Bắc Bộ là 910 người, tương ứng với khoảng 200 - 220 hộ, rất nhiều làng chỉ có khoảng trên 100 hộ, thậm chí dưới con số đó, nên phải “nằm” chung một xã với làng khác, đã tìm cách tách ra thành xã riêng. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là do tâm lý làng. Tại các xã có hai làng trở lên, các làng có dân số ít, không có nhiều người làm quan (đương chức hoặc đã hưu trí), hay người mạnh về kinh tế, hoặc có học thức, thường bị “lép vế”, thậm chí bị chèn ép trong giải quyết các công việc của xã, nhất là trong việc giành được các chức vụ trong bộ máy chức dịch (lý trưởng, phó lý…), nên luôn mang tâm lý và ý định phải tách ra thành xã riêng biệt, cả với những thôn/làng nhỏ, không đủ số đinh, có tiềm lực kinh tế yếu, cư dân không có nhiều mối quan hệ với bên ngoài. Việc xin tách xã không đơn giản vì các thôn làng này cần phải có điều kiện tối thiểu là đủ số đinh theo quy định, song nhiều khi đủ số đinh, vẫn khó được tách xã, vì bị làng lớn nằm trong xã khiếu kiện; hoặc nội bộ của thôn/làng không thống nhất; quan trên thường lợi dụng việc này để làm khó dễ, trục lợi; làng phải tìm cách để giải quyết việc tách xã, nên gọi là Chạy biệt xã. Đứng đầu việc Chạy biệt xã là những người có ảnh hưởng lớn trong các dòng họ có thế lực trong làng, thường lợi dụng quan trên, các mối quan hệ của người làng đã hoặc đang làm quan ở các cấp để giải quyết việc tách xã.
Có trường hợp, việc Chạy biệt xã gắn với việc “biệt làng, tách làng”, tức một cụm dân cư xin/đòi tách khỏi làng gốc, đồng thời cũng nhằm lập thành xã riêng biệt. Điển hình cho hiện tượng “tách làng biệt xã” này là khu trại Đồng Nhân của làng La Phù, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, trấn Sơn Tây; nay là thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Khu này vốn gồm 2 xóm trại ở trong đê và 6 xóm ngoài bãi của làng La Phù ở ven sông Đáy, hình thành từ khoảng cuối thể XVII. Vào đầu những năm 1920, một số người có thế lực của các xóm bãi này, chủ yếu thuộc thành phần buôn bán (buôn bè) đã đứng ra vận động “Chạy biệt xã” với làng gốc La Phù. Ý định của họ là lập một xã mang tên Tân Độ, bao gồm 6 xóm bãi, tức là toàn bộ phần đất của La Phù từ đê ra sông Đáy (không kể 2 xóm trại ở trong đồng/trong đê Đáy), đồng thời nhằm chuyển 27 mẫu thổ cư là đất công châu thổ sang đất tư hữu. Để việc tách xã được suôn sẻ, những người trên đã dựa vào thế lực Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, làm áp lực với quan chức trong phủ Hoài Đức cho tách xã. Các thủ tục hành chính đã xong, chỉ còn việc lập bản đồ. Nhưng toàn bộ dân xóm Bến Trung với 26 suất đinh và một số người các xóm khác không đồng ý tách biệt đã khiếu nại. Việc tách xã vì thế không thành. Tuy việc “chạy biệt xã” không thành, nhưng các quan phủ Hoài Đức dưới áp lực của Hoàng Trọng Phu đã phải để cho số đất 27 mẫu thổ cư - công châu thổ của các xóm bãi được thành đất thổ cư và chịu mức thuế 1 hào 6 xu/ một sào (thấp hơn mức thuế chung là 5 hào). Vì lẽ đó, dân các xóm bãi “tạ ơn” Hoàng Trọng Phu bằng cách sửa sang lại ngôi đền thờ “Thánh Nhà Bè” thành ngôi đình chữ “Tam” (tòa ngoài 5 gian, hai tòa trong mỗi tòa 3 gian) và xin thờ Hoàng Cao Khải (!?), mở hội đón “thành hoàng mới” vào ngày 18 tháng Ba. Vợ chồng Hoàng Trọng Phu đã về đình dự hội. Khu trại này về sau tồn tại như một làng, gần như tách khỏi với các sinh hoạt của làng gốc. Vì thế, sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khu trại này được lập thành một thôn, nay là thôn Đồng Nhân thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Đây là hiện tượng xin chạy biệt xã không thành công (Tư liệu điền dã của tác giả, 1992).
P/s: Trại Đồng Nhân gồm 2 khu trại, một khu gồm 2 xóm ở trong đê và một khu gồm 6 xóm ở ngoài bãi. Sau khi việc chạy biệt xã vào đầu thập niên 1920 không thành, cả 2 khu trại vẫn thuộc làng/ xã La Phù. Sau Cách mạng Tháng Tám, trở thành khu Đồng Nhân, lần lượt thuộc xã Nguyễn Văn Chiêm, Đại La. Hòa bình lập lại, thuộc xã Đông - La - Nhân, Hoàng Văn Thụ (từ 1971 đổi tên là xã Đông La), huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Ngôi đình thờ "Thánh Nhà bè" và bố Hoàng Trọng Phu năm 1962 bị phá đi để lấy vậy liệu xây một số công trình công cộng.
Ảnh 1: Cổng trại Đồng Nhân (trên đồng, tác giả chụp 2005)
Các ảnh còn lại : Trại Đồng Nhân (La Phù Bãi) ngày nay, ảnh Lê Đức Vịnh.
















https://www.facebook.com/buixuandinhdth/posts/1139860903416227

..



BỔ SUNG



. CHIA LÀNG

Ngày 7/3/2022

Vậy là tròn một tháng (7/2 - 7/3), mình rời trang “Làng Việt xưa và nay” cùng hầu hết các trang khác, để về gia cố “trang /trại” BÙI XUÂN ĐÍNH - LÀNG VÀ LỊCH SỬ của mình. Cũng thấy nhiều điều thú vị.
Một tháng qua, mình đã đưa lên “trang/trại” 18 bài, trong đó có 8 bài về chủ đề làng và được khá đông bạn (cả bạn chưa kết nối Fb) quan tâm, nhìn chung là hoan nghênh, cổ vũ; nhiều bài được đông bạn chia sẻ. Cũng có một số bạn góp ý, trao đổi về một số nhận định, thông tin, tư liệu trong một số bài viết, nhưng với tinh thần vui vẻ. Đó là niềm động viên, khích lệ lớn, để mình tiếp tục gia cố “trang/trại”, hy vọng đây sẽ là một “kênh” tra cứu thông tin tư liệu, trao đổi hữu ích về các khía cạnh của đời sống làng xã cổ truyền.
Vì thế, mình có mấy đề nghị:
1. Bạn nào bình luận bài viết của mình, nhất là chỉ ra những điểm sai/ hay chưa đúng về thông tin, tư liệu, nhận định trong bài viết, xin hoan nghênh, song xin được nói với nhau trên tinh thần vui vẻ. Các ý kiến của các bạn mình đều đánh dấu THÍCH (….), còn có thể trao đổi lại hay không, tùy thuộc ý trao đổi của các bạn, tùy điều kiện thời gian của mình. Mong các bạn thông cảm.
2. Một số bạn, nhất là các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên…, nếu có sử dụng các bài viết (thông tin tư liệu, nhận định) trong các bài viết của mình, cần tuân thủ đúng nguyên tắc trích dẫn khoa học, không thì phiền cho các bạn sau này.
3. Một số bạn đã chia sẻ bài viết của mình đã để chế độ ẩn (không “lộ” ra tên người chia sẻ trên Fb của tôi, hay “vì thiết lập quyền riêng tư”). Theo mình, nên công khai, vì đây là tư liệu, ý tưởng và là tài sản riêng của tôi. Bạn nào chia sẻ bài viết của tôi trên trang Fb cá nhân hay trang mạng chung, cần kiểm soát những lời bình luận từ những người khác, cần loại bỏ những bình luận khiếm nhã, xúc phạm (rất có thể xảy ra).
Với mấy lời như trên, mình hy vọng, trang “BÙI XUÂN ĐÍNH - LÀNG VÀ LỊCH SỬ” sẽ có thêm nhiều bạn quan tâm.
Còn hôm nay, đăng gì nhỉ? Nhân hôm kia (5/3), trang Fb của Nguyễn Phan Khiêm có bài giới thiệu sơ bộ sách “BÁCH KHOA THƯ LÀNG VIỆT CỔ TRUYỀN” của mình (Xin cảm ơn bạn), có nói về từ “CHẠY BIỆT XÔ, nhiều bạn gọi điện, viết thư hỏi tôi về từ đó. Tôi nói sẽ trao đổi trên Fb. Tuy nhiên, để hiểu rõ từ này, trước hết cần phải hiểu từ “CHIA LÀNG”. Vậy xin giới thiệu mục từ này trước. Vì mục từ rất dài (8 trang sách), nên xin tách thành hai kỳ đăng.
Trân trọng cảm ơn!
Là hiện tượng một làng trong quá trình phát triển đã chia thành hai hay ba làng mới. Việc này thường xảy ra khi dân số đông, trong cộng đồng nảy sinh mâu thuẫn không thể điều hòa, hoặc do những cách trở về địa lý của nhóm cư dân từ làng gốc đi lập nơi ở mới. Việc chia/tách làng được diễn ra tự nhiên, do cộng đồng cư dân chấp thuận, nhà nước phong kiến thường ít can thiệp (trừ trường hợp có khiếu kiện và chia làng gắn với chia xã, tức lập thêm một xã mới).
1. CHIA LÀNG KHÔNG GẮN VỚI TÁCH XÃ, có các dạng:
1.1. Chia một làng thành hai làng xác định được ranh giới
Trường hợp này thường diễn ra theo 2 hướng:
- Hoặc từng cụm dân cư lập chùa thờ Phật và miếu thờ thành hoàng riêng (thành hoàng được thờ có thể là thành hoàng làng gốc, song nhiều trường hợp là thành hoàng mới, khác), tiến tới lập đình riêng.
- Trường hợp trước khi Chia làng không đủ khả năng dựng đình và chùa riêng cho mỗi cộng đồng, hai bên điều đình để chia đình, chùa vốn có. Sau đó, tùy tình hình cụ thể mà có thể xin tách thành hai xã hoặc vẫn chung một xã; và tùy tình hình thực tế mà Nhà nước phong kiến có thể chấp nhận hay không chấp nhận việc chia tách đó. Dưới đây là một vài ví dụ điển hình.
* Làng (cũng là xã) Nghĩa Lộ vào thời Lê thuộc huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), năm Bảo Thái thứ tư (Quý Mão, 1723) cắt chuyển về huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây. Vào cuối thời Lê, do những mâu thuẫn nội bộ, làng đã chia thành hai làng nhỏ:
+ Làng Thọ Vực (còn gọi là Nghĩa Trên, ở phía Bắc, giáp làng Yên Lộ), gồm các xóm: Làng, Đồng, Chùa và xóm Lẻ vốn là một bộ phận xóm Đồng tách ra.
+ Làng Yên Định (Nghĩa Dưới, ở phía Nam, giáp làng Tuân Lộ), gồm các xóm: Cống, Đình, Giữa.
Ranh giới giữa hai làng lúc đầu là khu ruộng rộng khoảng 100 mét, nay đã trở thành khu dân cư. Tục truyền, khi phân chia, làng Trên được nhận đình cùng hương án, làng Dưới được nhận chùa và kiệu (tương truyền là kiệu của Chúa Trịnh Sâm và bà phi Dương Thị Ngọc Hoan cho làng?). Có thể nói, trường hợp chia làng này dễ giải quyết, không diễn biến phức tạp vì các làng mới được hình thành theo địa vực có ranh giới xác định.
* Làng Nga My (nay thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội) cũng là ví dụ về việc chia một làng thành hai làng hoàn chỉnh, xác định được ranh giới và không đi liền với tách xã, Khoảng giữa thế kỷ XVII, làng chia thành hai làng nhỏ là Nga My Thượng (tên Nôm là Mai Giữa, tên chữ là Thượng thôn, nay là thôn My Thượng) và Nga My Hạ (tên Nôm là Mai Chợ, tên chữ là Thị thôn; hoặc Hạ thôn, nay là thôn My Hạ), với xóm ngõ, giáp, bộ máy quản lý riêng, đình chùa riêng và tổ chức hội riêng; theo nguyên tắc “Đinh quân tam, điền quân ngũ” (đinh chia làm ba, điền chia làm năm). Cả hai làng vẫn nằm trong xã Nga My.
1.2 Chia một làng thành nhiều làng gắn với việc chuyển giáp mang tính địa vực thành làng
Đây là trường hợp của làng Sét (Thịnh Liệt), thời Lê thuộc huyện, Thanh Trì, trấn Sơn Nam; nay thuộc quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội). Từ xa xưa, làng Sét - Thịnh Liệt có 9 giáp (từ giáp Nhất đến giáp Cửu). Về sau, giáp Cửu do khi tổ chức hội họp, đình đám chung thường bị “lép vế” nên đã đứng ra tổ chức tế lễ riêng, rồi vận động quan trên cho tách thành làng, cũng là thành xã riêng, tức làng Phương Liệt (Vọng), nay là phường Phương Liệt. Thịnh Liệt chỉ còn lại 8 giáp, sau cũng lần lượt tách thành 8 làng (có đình chùa, thành hoàng, lệ tục riêng), song tên làng vẫn giữ được yếu tố “giáp” là Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tam v. v... tục gọi là tám làng Sét, hợp thành xã Thịnh Liệt; đầu thế kỷ XIX thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đầu thế kỷ XX, chỉ còn lại Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ; Giáp Lục và Giáp Bát vì Giáp Tam và Giáp Ngũ nhập vào Giáp Nhị, Giáp Thất nhập vào Giáp Bát. Năm thôn này được nâng lên thành 5 xã độc lập, cùng với xã Tương Mai hợp thành tổng Thịnh Liệt, dân gian gọi là tổng Sét thuộc huyện Thanh Trì. Ngày nay, Giáp Bát trở thành phường riêng, Giáp Lục thuộc phường Tân Mai (quận Hai Bà Trưng; còn Giáp Nhất, Giáp Nhị và Giáp Tứ thuộc phường Thịnh Liệt, tất cả đều thuộc quận Hoàng Mai.
Hiện tượng từ giáp có tính địa vực chuyển thành làng còn thấy ở làng Bạch Sam. Làng (xã) này xưa thuộc tổng Bạch Sam (huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nay là thị xã Duy Tiên cùng tỉnh), chia thành 6 giáp: Nhất, Nhì, Ba, Tư, Ngũ và Thủy Chú. Về sau, các giáp phát triển thành làng với đình chùa, thành hoàng, hương ước riêng, song không chuyển thành xã như ở Thịnh Liệt mà vẫn chỉ là những thôn nằm trong xã gốc.
Việc các giáp mang tính chất địa vực chuyển thành làng là hiện tượng dân tộc học khá lý thú trong lịch sử làng xã người Việt trên vùng châu thổ Bắc Bộ chưa được quan tâm nghiên cứu.
1.3. Chia một làng thành hai không xác định được ranh giới hay chia làng theo giáp
Trong các trường hợp chia làng (gắn hoặc không gắn với tách xã), nếu các phe phái đòi chia làng cùng sinh sống trong một khu vực, thì việc phân chia không phức tạp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người của các các phe phái thuộc nhiều dòng họ khác nhau, “nằm” ở các xóm ngõ khác nhau, không có một ranh giới nhất định. Để đạt được mục đích chia làng và ít nhiều điều hòa được mâu thuẫn giã các phe phái, trong đó thường có 2 phe “cầm đầu”, giải pháp tốt nhất là chia làng theo giáp. Với kiểu chia này, làng không xác định được ranh giới rõ ràng trong khuôn viên của làng gốc.
Làng Tả Thanh Oai (nay thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) cũng là điển hình cho việc chia làng theo giáp và làng mới được chia ra không xác định được ranh giới. Từ xa xưa, làng là một khối thống nhất với 12 giáp. Theo cuốn Lư sử điển yếu điều lệ (sách chữ Hán soạn vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 - 1794, hiện lưu ở đình Hoa Xá), vào niên hiệu Cảnh Thống đời Vua Lê Hiến Tông (1498 - 1505), làng đã chia thành hai làng Hoa Xá và Tổ Thị với đình riêng, trong đó, 8 giáp theo đình (cũng là làng) Hoa Xá là Đức Lâm (Đông, Tây), Phúc Lâm (Đông, Tây), Đường Khôi (Đông, Tây) và Hoa Xá (Đông, Tây); 4 theo đình (cũng là làng) Tổ Thị là Đông Thượng, Tây Thượng, Đông Trung, Tây Trung. Mỗi làng có tổ chức tế tự riêng, có quan viên kỳ mục riêng, tổ chức tế lễ riêng, ngôi thứ riêng. Dù chia làng như vậy, nhưng hai khối cư dân vẫn nằm trong khối thống nhất (về ruộng đất và hành chính) của làng (cũng là xã) Tả Thanh Oai (Tư liệu điền dã - TLĐD, 2000).
1.4. Từ một trại phát triển thành một làng hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh
Các làng ven sông có các bãi bồi ngoài đê. Để giữ đất và hoa màu ở các cánh bãi xa khu dân cư gốc, các làng cử người đi lập trại, lúc đầu thường cử những gia đình có đông con trai theo các giáp hoặc các xóm, vừa coi là một nghĩa vụ của những gia đình này đối với làng, vừa để họ giải quyết được khâu đất ở. Từ một vài gia đình ban đầu, sau nhiều người khác (thường là những người nghèo và những gia đình đông con trai) lần lượt chuyển xuống trại ở, song họ vẫn sinh hoạt với cư dân trong làng (sinh hoạt, ăn chịu đóng góp với làng theo giáp hoặc xóm gốc). Về sau, trại đông dần, những người “đi ở trại” này có khuynh hướng tách khỏi cộng đồng cư dân gốc để trở thành làng riêng biệt. Trường hợp trại La Phù (Đồng Nhân) của làng La Phù (nay thuộc huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội) là điển hình cho việc chuyển trại thành một làng nhưng là làng không hoàn chỉnh. Khoảng đầu thế kỷ XVII, một bộ phận dân làng chuyển xuống ở tại khu bãi ven sông Đáy, cư dân ngày càng đông đúc ở 5 xóm Bến là: Bến Chính, Bến Trung, Bến Thượng, Bến Hạ và Bến Tân, sau đó lập thêm một xóm nữa, cách khu bãi này khoảng gần 1 cây số, gọi là xóm Chùa, hợp với 5 xóm Bến gọi là La Phù Bãi. Về sau, các xóm phát triển đông đúc, cư dân dựng chùa riêng, miếu thờ thổ thần riêng, nhưng vẫn sinh hoạt theo hàng giáp mà từ đó họ ra đi lập trại. Do sống tương đối xa làng gốc (La Phù Đồng) nên dần dần, dân các xóm bãi ít nhiều thể hiện xu hướng “biệt lập”, như nhiều người không tham dự hàng giáp và các “món” (ngôi thứ) ở đình trên làng, cùng nhau dựng đình riêng, thờ “Thánh nhà bè” (thủy thần). Xu hướng “biệt lập” càng trở nên rõ nét vào đầu thế kỷ XX và lên đến “đỉnh điểm” vào đầu những năm 1920, khi một số chức sắc, chức dịch và nhà giàu đứng ra vận động “chạy biệt xã”. Để công việc được suôn sẻ, những người đứng đầu đã dựa vào thế lực của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, xin thờ Hoàng Cao Khải (bố Hoàng Trong Phu) làm thành hoàng (!?) Tuy nhiên, việc xin tách thành làng gắn với “chạy biệt xã” này không thành công. Các xóm bãi La Phù vẫn nằm trong trại Đồng Nhân thuộc làng/ xã La Phù. Cư dân vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ theo lệ tục làng và theo hành chính của xã La Phù, cho dù có đình - chùa riêng, thành hoàng riêng.
(Còn tiếp).






Ảnh : Đình và chùa các thôn My Thượng và My Hạ, vốn từ làng Nga My tách ra vào giữa thế kỷ XVIII, song vẫn thuộc xã Nga My, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam; chụp lại từ sách "Nghĩa tình Vặn Phúc - Thanh Mai" do tác giả biên soạn (năm 2011).

https://www.facebook.com/buixuandinhdth/posts/1132376507498000




1. CHIA LÀNG KHÔNG GẮN VỚI TÁCH XÃ, có các dạng:
1.1. Chia một làng thành hai làng xác định được ranh giới
1.2. Chia một làng thành nhiều làng gắn với việc chuyển giáp mang tính địa vực thành làng
1.3. Chia một làng thành hai không xác định được ranh giới hay chia làng theo giáp
1.4. Từ một trại phát triển thành một làng hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh
1.5. Chia làng không hoàn chỉnh : trường hợp điển hình: LÀNG CHUÔNG
Đây là hiện tượng các khối cư dân trong một làng, đứng đầu là các chức sắc, chức dịch mâu thuẫn với nhau, muốn tách ra thành làng riêng biệt, song ý định tách làng không đạt được kết quả, hay tách thành làng không hoàn chỉnh.
Điển hình cho trường hợp chia làng không thành công là làng (cũng là xã) Phương Trung, tên Nôm là làng Chuông; nay là xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội). Đây là một làng lớn (năm 1926 có 5.595 nhân khẩu, là một trong 58 làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ có dân số trên 5.000 ngư¬ờ (Pièrre Gourou, 2003, tr. 224) kết hợp với những mâu thuẫn phe phái trong làng, nên vào đầu những năm 1920, các chức sắc, chức dịch đã có ý định chia làng.
Bắt đầu vào năm Tân Dậu, 1921, một số chức sắc, chức dịch thuộc 3 giáp (chưa rõ những giáp nào) đứng ra lập thành giáp riêng, gọi là Tam giáp, độc lập với khối trai đinh còn lại của Ngũ giáp (5 giáp trong làng). Ý định của họ là tách Tam giáp thành một làng riêng, thậm chí trở thành một xã riêng, có đủ hội đồng kỳ mục và bộ máy chức dịch, đ¬ược “biệt thu biệt nạp”, tổ chức tế lễ riêng và tiến tới vận động để dựng đình chùa riêng. Ý định tách làng được Tri huyện Thanh Oai ủng hộ, vì khi đó, các công việc của làng/xã Phương Trung, nhất là chia ruộng đất công bị các chánh tổng, lý trưởng đều là người họ Lê lộng quyền.
Việc “Tam giáp” hình thành và ly khai khỏi “Ngũ giáp” đạt được kết quả bước đầu. “Tam giáp” được tổ chức tế lễ riêng và tổ chức hội trước phái “Ngũ giáp” (cụ thể, trong hội tháng Giêng, Tam giáp tế và rước ngày 30 tháng Giêng và mồng 1 tháng Hai; Ngũ giáp tế và rước ngày mồng 3 và mồng 4 tháng Hai; còn ở hội tháng Ba, Tam giáp tổ chức ngày 10 và 11; Ngũ giáp ngày 12, 13). Đến năm 1922, phái Tam giáp xây trụ sở làm việc, họp hành riêng. Trụ sở là ngôi nhà 3 gian, hiện vẫn còn ở xóm Bồ Hòn. Trên nóc của trụ sở còn dòng chữ Hán “Hoàng triều Khải Định Nhâm Tuất niên, Trọng Xuân nguyệt, Trung tuần, Tam giáp đồng cung tạo” (Trung tuần tháng Hai năm Nhâm Tuất đời Vua Khải Định - 1922, Tam giáp cùng xây dựng).
Tuy nhiên, việc đòi tách thành làng riêng (có hội đồng kỳ mục) và đòi quyền “biệt thu, biệt nạp” trong thu thuế (tức tách thành thôn hoặc xã riêng) không được quan trên phê chuẩn. Việc chia giáp dẫn đến “chia làng” không triệt để (được tổ chức tế lễ riêng nhưng vẫn chung đình, chùa, chung đồ tế khí v.v.) dẫn đến những bất cập trước sự thái quá của một số người ở cả hai phái mỗi khi có công việc ở đình. Gần 10 năm sau, năm 1931, phái “Ngũ giáp” cũng xây nhà Hội đồng riêng, hiện vẫn còn ở xóm Ngõ Vỹ, được dùng làm Hội trường của Trường Tiểu học xã Phương Trung. Trên nóc của nhà vẫn còn hàng chữ Hán “Phương Trung xã, Ngũ giáp Hội đồng sở” (Nhà Hội đồng của Ngũ giáp xã Phương Trung).
Sau khi Tam giáp tách ra, những người đứng đầu họ Lê trong Ngũ giáp tiếp tục lộng quyền, thao túng việc chia và đấu thầu phần ruộng đất công còn lại, bức ép các dòng họ “yếu thế”. Bất bình trước việc đó, năm 1935, một số chức sắc, chức dịch chưa tách khỏi “Ngũ giáp” với sự hỗ trợ của những người buôn bán giàu có đã khởi kiện phái “họ Lê Ngũ giáp” và đòi tách ra thành giáp riêng, được đông đảo trai đinh, cả một số người “bình dân” của dòng họ Lê Văn ủng hộ. Các quan phủ Ứng Hòa đã xử thắng cho phái này: cho lập tổ chức Tam giáp mới, gọi là Tam giáp Hạ” (“Tam giáp” lập năm 1921 đến đây gọi là “Tam giáp Thượng”), cho được chia lại ruộng công và tổ chức tế lễ riêng (hội tháng Giêng: tế và rước vào ngày mồng 5 và mồng 6 tháng Hai; hội tháng Ba tế và rước vào ngày 14 và 15).
Bốn năm sau (năm 1939) Tam giáp Hạ mới xây trụ sở để hội họp riêng tại xóm Ngõa Kiều, năm sau hoàn thành. Trên nóc nhà (hiện do một nhà dân quản lý) vẫn còn hàng chữ Hán “Hoàng triều Bảo Đại thập tứ niên, thập nhị nguyệt, nhị thập ngũ nhật” (ngày 25 tháng Chạp năm Bảo Đại thứ 14, đầu năm 1940), cùng hai hàng chữ ở câu đầu bên trái “Bảo Đại thập ngũ niên” và bên phải “Canh Thìn Trọng Xuân tạo” (làm tháng Hai năm Canh Thìn, năm Bảo Đại thứ 15 - 1940) cho thấy điều đó.
Từ một khối dân cư tương đối thống nhất, đến năm 1940, làng Chuông đã “phân ly” thành ba khối (Ngũ giáp, Tam giáp Thượng và Tam giáp Hạ) với trụ sở làm việc và hội họp riêng, tổ chức tế lễ riêng; một phần tài sản (ruộng đất công) cũng được chia thành ba khối. Tuy vậy, cả ba khối vẫn chưa trở thành những làng hoàn chỉnh và biệt lập, vì vẫn chung đình, chùa, tuy có trụ sở riêng để họp hành, nhưng vẫn chung một hội đồng tộc biểu (hoặc hội đồng kỳ mục, tùy thời điểm), các chức danh đứng đầu hội đồng (tiên chỉ, thứ chỉ hay chánh hội, phó hội) theo truyền thống là người có phẩm hàm, chức tước cao nhất trước khi về hưu, có thể ở bất kỳ khối nào; mỗi khối có một vài thành viên của hội đồng tộc biểu hay kỳ mục. Về phương diện hành chính, cả 3 khối vẫn nằm trong xã Phương Trung, có chung bộ máy chức dịch (Tư liệu điền dã, - TLĐD, 2006).
2. CHIA MỘT LÀNG THÀNH HAI LÀNG GẮN VỚI TÁCH XÃ, gồm các dạng:
2.1. Chia một làng thành hai làng - hai xã xác định được ranh giới
Hiện tượng này diễn ra ở các làng lớn, sớm hình thành hai khối cư dân có những khác biệt về tính cách, lối sống, dẫn đến chia làng gắn với tách xã. Điển hình là trường hợp của làng Giá (Yên Sở, Đắc Sở) thuộc huyện Đan Phượng (nay thuộc huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội). Từ cuối thế kỷ XVI, từ một làng Giá ban đầu mang tên Cổ Sở đã chia thành 2 làng là Giá Thượng (hay Giá Trên, hay Giá Lụa) tức Yên Sở và Giá Hạ (hay Giá Dưới hay Giá Chợ), tức Đắc Sở (TLĐD, 1980). Việc chia làng này chủ yếu do dân đông, gây khó khăn cho quản lý, diễn ra sau năm Hồng Đức thứ 21 (1490), khi Vua Lê Thánh Tông ban hành quy định tách xã [những đại xã, tức xã lớn, có trên 500 hộ, nếu có số dư trên 100 hộ thì cho phép tách số hộ dư này cho lập xã mới, khi được quan trên xem xét thì các bên phải chia số ruộng đất và tài sản chung trong làng, không được tranh giành nhau xem "Đại Việt sử ký toàn thư" / 2, tr. 418). Cổ Sở từ xa xưa là một làng đông dân. Đầu thế kỷ XX, riêng làng Yên Sở là một trong 58 làng trên vùng châu thổ Bắc Bộ có trên 5.000 người.
2.2. Chia một làng thành hai làng - hai xã không xác định được ranh giới,
Đây là trường hợp chia làng theo giáp đi liền với tách xã (lập thành các làng và các xã mới): các làng/xã mới “đồng canh, hỗn cư” hoặc “hỗn canh hỗn cư” (cùng ở trong một khu cư trú, không xác định được ranh giới của một làng), vì mỗi giáp thường tập hợp các thành viên của các dòng họ, sinh sống ở các xóm ngõ khác nhau; còn ở khu canh tác, đương nhiên cũng không xác định được địa giới cụ thể của từng làng/xã, vì tính chất “xôi đỗ” của các chủ ruộng trong một xứ đồng và liên xứ đồng (không tính các trường hợp “xâm canh”). Một số trường hợp điển hình cho hiện tượng chia một làng thành hai làng - hai xã không xác định được ranh giới này:
- Làng La Cả thời Lê Sơ thuộc huyện Từ Liêm, thừa tuyên Sơn Tây (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Ngoài thiết chế giáp, làng còn có “Thôn” - một tổ chức ở trên giáp. Làng chia thành 7 "thôn", mỗi "thôn" có 3 giáp. Theo Hoa Nghiêm tự bi lập ngày 20 tháng Năm năm Sùng Khang thứ 10 đời Mạc Mậu Hợp (6 - 6 - 1577), vào thời điểm này, làng đã chia thành 2 làng (cũng là 2 xã) La Nội và Ỷ La. Làng (xã) La Nội gồm 3 “thôn” Thượng Thanh, Hoà Lạc, Đồng Tỉnh; Làng (xã) Ỷ La gồm 4 “thôn”: Đông Đại, Trung Thôn, Thượng Nguyễn và Nguyễn Thôn. Tuy nhiên, hai làng vẫn chung ngôi chùa (chùa Hoa Nghiêm, hay chùa Cả), về sau dựng chung đình (gian giữa hai làng dựng chung, 2 gian và 1 chái phía bên trái, theo hướng đình do làng La Nội dựng và khi hội họp, các chức sắc, chức dịch của làng ngồi tại bên này; 2 gian và 1 chái phía bên phải (theo hướng đình) do làng Ỷ La dựng và đây là chỗ ngồi của các chức sắc, chức dịch làng ngồi họp). Hai làng vẫn có chung bản hương ước (bản Hương lệ lập năm Cảnh Hưng thứ 13, Nhâm Thân, 1752 hiện vẫn còn lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm), thờ chung thành hoàng và cùng tổ chức các lễ thức thờ cúng hàng năm, hội làng vào năm được mùa.
- Làng An Ninh (nay thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) vào những năm cuối của thế kỷ XIX chia thành 2 làng (cũng là 2 xã) An Đông và An Đoài. Làng An Đông gồm 4 giáp: Nghiêm Tả, Nghiêm Hữu, Nam Trung, Nam Thuận. Làng An Đoài gồm 4 giáp: Đông Tả, Đông Hữu, Kính, Thuận. Tuy chia thành 2 cộng đồng tự quản, cũng là 2 đơn vị hành chính độc lập, nhưng cả hai khối cư dân vẫn chung đình, chung chùa, tổ chức chung hội hàng năm (TLĐD, 1993; Lương Viết Uyên, 1994, tr. 135).
- Làng La Khê (nay thuộc phường La Khê (quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) vào thời Đồng Khánh (1886 - 1888) chia thành 4 làng (cũng là 4 xã): La Khê Đông, La Khê Nam, La Khê Tây, La Khê Bắc (TLĐD, 1982).
- Làng Tứ Xã, nay thuộc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ): từ một làng gốc “Kẻ Gáp” đã chia thành “Tứ dân”, tức 4 làng, cũng là 4 xã: Thạch Cáp, Vân Cáp, Hùng Lãm và Chân Vĩ. Tên “Tứ Xã” xuất phát từ đó. Mỗi làng - xã này được tập hợp lại trên cơ sở một số giáp. Về sau, Thạch Cáp lại tách ra thành 2 làng (cũng là 2 xã) chia theo các giáp là Thạch Cáp và Đông Thịnh. Từ “Tứ Xã” đến đây thành “Ngũ Xã”. Cả 5 làng - xã này tồn tại theo nguyên tắc “hỗn canh hỗn cư”, giống như trường hợp các làng An Ninh, La Khê, La Cả nêu trên (TLĐD, 2001).
Kết quả của những hiện tượng chia làng thành công hay không thành công, hoàn chỉnh hay không hoàn chỉnh cho thấy, yếu tố tâm linh và lệ tục có vai trò hay có sức “níu kéo” rất mạnh mẽ. Phần lớn các làng được tách ra, thậm chí trở thành các xã riêng biệt, nhưng vẫn chung đình, chùa, đền miếu, chung lệ tục/ hương ước. Đây chính là sức sống của tâm linh và lệ tục (TRÍCH :"Bách khoa thư làng Việt cổ truyền", NXB. CTQG, 2021, tr. 527 - 534)
Ảnh : Đình làng La Cả (phường Dương Nội, quận Hà Đông, HN). Làng La Cả từ thời Mạc đã chia thành hai làng - cũng là hai xã La Nội và Ỷ La, "hỗn cư", nhưng vẫn chung đình, chung chùa, chung hương ước, cùng tổ chức các lễ thức, hội làng (Tác giả chụp 2005).

P/S : đến chiều tối hôm qua, đã có 45 bạn Fb đăng ký mua sách "Bách khoa thư làng Việt cổ truyền". Mời các bạn khác đăng ký mua và các bạn đã mua giới thiệu giúp thêm người mua; càng có nhiều người mua, giá sách sẽ hạ. TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!






https://www.facebook.com/buixuandinhdth/posts/1134119137323737

..

..


1 nhận xét:

  1. Ngày 1/7/2022

    Bùi Xuân Đính
    LỄ HẠ ĐIỀN (tiếp mạch bài "THÁNG SÁU ĐÃ SANG" đăng ngày 29/6/2022); dẫn lại trong BÁCH KHOA THƯ LÀNG VIỆT CỔ TRUYỀN.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.