"Chú Đăng" trong gia đình chúng tôi, tức là nhạc sĩ Hồng Đăng, vừa từ trần vào sáng sớm hôm nay (Thứ Hai, ngày 21 tháng 3 năm 2022).
Gần đây, sức khỏe của chú đã giảm sút nhiều, tôi đã dự cảm điều bất tường, nên đi nhanh một entry trên Giao Blog, ở đây (tháng 11 năm 2021). Nhưng lúc đó, mới chỉ đặt một entry vậy thôi mà chưa kịp đưa nội dung.
Tên thật của ông là Phan Đăng Hồng, là con trai của học giả Phan Đăng Tài. Cụ Phan Đăng Tài là em trai của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (1902-1941). Bởi vậy, về quan hệ thân tộc, nhạc sĩ Hồng Đăng là cháu gọi Phan Đăng Lưu là bác ruột.
Chú hay kể cho con cháu trong nhà nghe chuyện hồi trẻ chú đã đi bộ từ quê Yên Thành ra tận Vinh để mua cho bằng được một tập nhạc lí, đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn cậu bé trong gia đình Phan Đăng đến con đường âm nhạc.
Nhiều năm trước, mỗi dịp trong nhà có giỗ chạp là cô chú (chú Đăng cô Thúy) sẽ đến. Cha tôi và chú hàn huyên bao nhiêu chuyện. Có những chuyện như hồi nhỏ cha tôi và chú chơi trò gọi đồng chổi đồng chén (có bàn tay trẻ con in lên ván thật), chuyện tấm áo len Phan Đăng Lưu kỉ niệm lại em trai trước khi vào Nam rồi bị Pháp bắt, chuyện cụ Phan Đăng Tài trăn trở về các tài liệu của anh trai,...
Mấy năm nay, chú yếu đi nhiều, nên giỗ chạp ở phía nhà tôi, chú thường cử con trai đi thay. Sinh nhật lần cuối cùng của chú được tổ chức trước dịch covid-19, tại một nhà hàng mạn phố Ngô Quyền. Bạn hữu của chú tới dự đông. Chú bảo tôi nên ngồi cạnh ông bà Dương Tường. Lúc đó, nhà văn Dương Tường vẫn khỏe, kể nhiều chuyện thú vị.
Tang lễ của chú được tổ chức vào buổi trưa ngày 26/3/2022, tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng.
Tháng 3 năm 2022,
Giao Blog
Chân dung nhạc sỹ Hồng Đăng của Ba Tỉnh |
1 lượt xem
22 thg 3, 2022
---
Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời
HÀ NỘINhạc sĩ Hồng Đăng - người sáng tác bài "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay" - qua đời ở tuổi 86 vì bệnh tuổi già, sáng 21/3.
Bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ - cho biết ông mất vào 5h57 phút tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Từ đầu tháng 3, sức khỏe ông suy yếu, ăn ít. Nhạc sĩ nằm viện điều trị hơn một tuần, nhiều lần bị nhồi máu cơ tim.
Bà Anh Thúy nói: "Ông tuổi cao, bị suy tim và nhiều bệnh nền. Đến lúc ra đi là sức cùng lực kiệt. Tôi cùng gia đình đang liên hệ với hội nhạc sĩ và các cơ quan đoàn thể để lo liệu hậu sự cho ông".
Hồi tháng 10/2021, nhạc sĩ đoạt Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái với những sáng tác về Hà Nội nhưng không thể tới nhận do tuổi cao sức yếu.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 ở Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những năm 1950, khi còn là học sinh, ông đã sáng tác các ca khúc Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh... Ông là một trong những sinh viên đầu tiên của khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bản nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa - phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Lênh đênh -phim Đời hát rong, Biển hát chiều nay - trong nhiều phim về đề tài biển, Nỗi nhớ đêm đại dương - phim Những hạt muối của biển, Biển và cô gái tôi chưa quen - phim Những ngôi sao nhỏ, Không gian xanh - phim Vùng trời...
>>> 'Hoa sữa' - ca khúc gắn với mùa thu Hà Nội
Trong hơn 60 năm sống tại Hà Nội, ông sáng tác nhiều tác phẩm về nơi đây như: xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964, ca khúc Người sông Hồng, Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa- nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Ký ức đêm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ...
Ông phát hành nhiều album như Màu xanh chân trời (1978), Biển hát chiều nay (1985), Ca khúc Hồng Đăng (1994), Hoa sữa - Lênh đênh (1996), Lênh đênh biển (2008)... Ngoài sáng tác, ông giảng dạy, viết sách, báo... Ông là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa bốn, năm, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy.
- Nhạc sĩ Hồng Đăng đoạt giải Bùi Xuân Phái
- Nhạc sĩ Hồng Đăng hạnh phúc bên người vợ trẻ
- Nhạc sĩ Hồng Đăng khen Mỹ Tâm
Hiểu Nhân
https://vnexpress.net/nhac-si-hong-dang-qua-doi-4439881.html?fbclid=IwAR0Rhi7ducXz0GG94zI7xcCpaIEA2Gb__34Jd2xvdsqgN0YtMFu-rPC32eA
Thứ Năm, 24-03-2022, 05:28
Nhạc sĩ Hồng Ðăng tên thật là Phan Hồng Ðăng, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1936 tại huyện Yên Thành (Nghệ An), nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. "Cha đẻ" của những ca khúc nổi tiếng như "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"... đã ra đi lúc 5 giờ 57 phút ngày 21/3/2022 tại Bệnh viện Hữu Nghị, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng bạn bè, công chúng mến mộ.
Nhạc sĩ Hồng Ðăng là cháu ruột của nhà cách mạng Phan Ðăng Lưu. Lớn lên trong một gia đình trí thức xứ Nghệ, Hồng Ðăng bước chân vào đời với tâm thế của một người không ngừng học hỏi, cống hiến. Ông sớm đi theo âm nhạc, đã bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên khi còn là học sinh kháng chiến ở liên khu IV với những ca khúc đầu tay như "Nắng về Tây Bắc", "Nhớ ơn cụ Hồ"... Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại, Hồng Ðăng về Hà Nội và bắt đầu đi theo âm nhạc chuyên nghiệp. Ông là học viên của lớp học sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Rồi ông ở lại làm công tác giảng dạy, trở thành người thầy của những nhạc sĩ tên tuổi sau này như Tôn Thất Lập, Thuận Yến, Trần Long Ẩn, Phú Quang...
Sáng tác của Hồng Ðăng rất đa dạng từ khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu đến ca khúc và ở mỗi thể loại ông đều có thành tựu. Hồng Ðăng đã viết nhạc cho khoảng 70 bộ phim. Theo nhạc sĩ Cát Vận, thì đó là một "kỳ tích", bởi viết nhạc cho phim rất khó, phải am hiểu về âm nhạc và điện ảnh, phải có kiến thức sâu rộng về đời sống. Ðiều này giải thích vì sao Hồng Ðăng là nhạc sĩ đầu tiên trở thành hội viên Hội Ðiện ảnh Việt Nam.
Rất nhiều ca khúc viết cho phim của nhạc sĩ Hồng Ðăng đã xuất sắc vượt ra khỏi đời sống của một bộ phim để đứng vững trong đời sống âm nhạc, với tư cách là một tác phẩm độc lập, chẳng hạn như "Hoa sữa". Khởi đầu là ca khúc viết cho phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của đạo diễn Ðức Hoàn, nhưng sau đó, được nhiều ca sĩ tên tuổi từ bắc tới nam như Lê Dung, Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương... yêu mến thể hiện, và trở thành một "hiện tượng" trong đời sống nhạc nhẹ thập niên 80 của thế kỷ XX. "Hoa sữa" giản dị, mộc mạc, trong sáng trong ca từ nhưng thấm đẫm một tình yêu của người nghệ sĩ dành cho Hà Nội-nơi không sinh ra Hồng Ðăng nhưng là vùng đất cho tâm hồn nghệ thuật của ông cất cánh.
Vốn từ lâu đã có trên phố phường Hà Nội, nhưng phải đến khi ca khúc mang tên "Hoa sữa" được phổ biến thì loài hoa này mới thật sự đóng dấu một thương hiệu không thể tách rời, tỏa hương đậm đà trong văn hóa Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà "Hoa sữa" được đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Hồng Ðăng được trao giải thưởng lớn-Giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội (năm 2020) với chùm ca khúc "Hoa sữa", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", "Lênh đênh".
Ngoài chủ đề Hà Nội, một chủ đề khác trong âm nhạc được Hồng Ðăng viết nhiều, đó là biển. Bởi là người con xứ Nghệ, có tuổi thơ lang thang theo cha khắp các vùng ven biển miền trung, Hồng Ðăng đã sẵn có biển trong tâm hồn, để khi ông bước vào sáng tác, biển đã "hát lên" một cách tự nhiên không cần phải cố gắng. "Biển hát chiều nay" là một ca khúc tiêu biểu không chỉ trong sự nghiệp âm nhạc của Hồng Ðăng, mà còn của cả nền âm nhạc Việt Nam, ở chủ đề này. Nhạc sĩ từng tâm sự: "Tôi viết "Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam" rất đỗi tự hào như thế, là cảm xúc mãnh liệt khi được đi dọc bờ biển từ bắc chí nam, thấy biển quê ta đẹp nức lòng. Ca khúc này có thể được hát lên bất kỳ lúc nào khi người ta nghĩ về biển, quê hương đất nước, hay đơn giản người ta muốn hát để thể hiện tình đồng đội, tình người trong đời sống". "Biển hát chiều nay", cùng với các tác phẩm "Hoa sữa", "Quà tháng năm", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", và hợp xướng "Lửa rực cháy" đã mang về cho nhạc sĩ Hồng Ðăng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2001.
Nhạc sĩ Hồng Ðăng để lại một gia tài khoảng 700 ca khúc. Chỉ tiếc một điều, vì không có điều kiện, cho đến khi ông ra đi, mới chỉ có một phần rất nhỏ những ca khúc đó được vang lên. Phần lớn những ca khúc nhạc sĩ viết ra hiện vẫn còn trong im lặng, chờ được khám phá. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, nhạc sĩ cũng mới chỉ thực hiện được một số đĩa nhạc và một liveshow riêng mang tên "Lênh đênh biển".
Trong những năm tháng giữ cương vị quản lý phụ trách chuyên môn ở Hội Nhạc sĩ, rồi Tạp chí Âm nhạc, Hồng Ðăng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với anh em nghệ sĩ, đồng nghiệp. Ông có cái nhìn cởi mở, khích lệ sáng tác của các nhạc sĩ, luôn được thế hệ sau xem như người thầy lớn. Thời điểm những năm bắt đầu đổi mới, với tư cách đứng đầu công tác chuyên môn ở hội nghề nghiệp, nhạc sĩ Hồng Ðăng đã không ngại ngần bảo vệ cái mới, nâng đỡ các tài năng trẻ mới bắt đầu con đường nghệ thuật. Ông tỏ rõ là một người "thủ lĩnh" ủng hộ các khuynh hướng sáng tạo, với ý thức đưa âm nhạc Việt Nam dần hội nhập vào thế giới. Dấu ấn đậm nét nhất là thời điểm năm 1994, ông đã cùng với một số nhạc sĩ trẻ "dám" tổ chức một chương trình tầm cỡ: "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam". Không chỉ tại thời điểm đó, mà cho đến nay, chương trình tổng kết hoành tráng bốn đêm nhạc tại Nhà hát Lớn vẫn là một dấu son mỗi khi nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Mặc dù "tả xung hữu đột" như vậy, nhưng Hồng Ðăng chưa khi nào dư dả về vật chất. Có thể nói, nhạc sĩ đã sống thanh bạch một đời. Ông luôn giữ niềm vui, niềm lạc quan, không khi nào đắng cay, than vãn, dù cho không ít người nhận định rằng với những đóng góp lớn cho âm nhạc nước nhà, lẽ ra ông phải được nhận nhiều hơn những gì đang có. Dù không dư dả nhưng ông đối đãi với bạn bè luôn rộng rãi, hào hiệp, thích tặng quà, thích mang niềm vui nho nhỏ cho những người ông gặp.
Nhạc sĩ Hồng Ðăng trút hơi thở cuối cùng trong một sáng mùa xuân. Tiễn ông giây phút ấy không có "hoa sữa ngọt ngào đầu phố", không có tiếng ve "trên đường phố quen", chỉ có mưa xuân và hương bưởi thơm trên những gánh hàng rong đầu con ngõ nhỏ phố Hồng Hà, khu nhà của vợ chồng ông đang ở. Nhưng chắc chắn một điều rằng, người Hà Nội vẫn nhắc tên ông mỗi mùa thu hoa sữa trở về, mỗi mùa hè tiếng ve xao xuyến đến. Và biển Việt Nam bốn mùa "vẫn nhắc những lời yêu thương", cảm ơn vì những giai điệu vô cùng đẹp đẽ mà người nghệ sĩ đã gửi lại cho cuộc đời.
https://nhandan.vn/vanhoa/nhac-si-hong-ang-van-hat-nhung-loi-yeu-thuong--690383/?fbclid=IwAR2NeVjE1WXH1kgUR2DyzlpSsgM9G5UXLqCWx2Cwt7q9Mnyp6ls2gdiaBcY
---
CẬP NHẬT
2. Ngày 27/3/2022
"
"
https://www.facebook.com/batinh.vietnam/posts/10217577285098869
"
https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/4822264287808714
"
1.
Người thân, bạn bè tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng
Trong bối cảnh dịch bệnh, gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng không nhận vòng hoa viếng mà gia đình đã chuẩn bị sẵn để người thân, bạn bè tiễn đưa nhạc sĩ tài hoa về cõi vĩnh hằng.
Lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng diễn ra vào trưa 26/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra vào 13h45 cùng ngày. Sau đó, linh cữu được đưa đi an táng tại nghĩa trang Thiên Đức, Phù Ninh, Phú Thọ.
Bà Anh Thuý xúc động trong lễ tang của chồng. |
Ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tới viếng nhạc sĩ Hồng Đăng. |
Bạn bè bên tro cốt của nhạc sĩ Hồng Đăng. |
Nhạc sĩ Giáng Son. |
Nhạc sĩ Đỗ Bảo. |
Nhà báo Hồ Quang Lợi. |
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật Phan Hồng Đăng sinh ngày 1/1/1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Ông sáng tác hơn 700 tác phẩm gồm ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu.
Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 với cụm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy. Năm 2021, ông được vinh danh Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn. |
Ca sĩ Mỹ Linh hát ca khúc 'Hoa sữa' tại tang lễ nhạc sĩ Hồng Đăng. |
Vợ nhạc sĩ Hồng Đăng khóc ngất bên tro cốt chồng trước khi rời nhà tang lễ để về nơi an nghỉ cuối cùng.
Clip Mỹ Linh hát "Hoa sữa' trong đám tang nhạc sĩ Hồng Đăng:
Ban Giải trí
Ảnh: Phạm Hải
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/tang-le-nhac-si-hong-dang-825642.html#inner-article
..
1.
Trả lờiXóaNgười thân, bạn bè tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng
26/03/2022 12:25 GMT+7
Trong bối cảnh dịch bệnh, gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng không nhận vòng hoa viếng mà gia đình đã chuẩn bị sẵn để người thân, bạn bè tiễn đưa nhạc sĩ tài hoa về cõi vĩnh hằng.