Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/08/2021

Học giả Nguyễn Hữu Tưởng (1954-2021) vừa từ trần

Chú Tưởng đã từ trần vào sáng ngày 4 tháng 8 năm 2021 (tức ngày 26 tháng 6 năm Tân Sửu), hưởng thọ 68 tuổi.

Nguồn ảnh : Fb Ngô Thế Long


Một ít hình ảnh của chú, với tư cách một học giả Hán Nôm lâu năm, trong một hội thảo quốc gia về Hán Nôm tổ chức năm 2016 (tại trụ sở số 1 Liễu Giai - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam):

Quang cảnh chung, học giả Nguyễn Hữu Tưởng ngồi ở gần trung tâm bức ảnh

Học giả Nguyễn Hữu Tưởng đang phát biểu ở phiên toàn thể

Video tôi quay đoạn phát biểu của chú Tưởng năm đó rất thú vị, nhất là đoạn chú nói về trữ lượng Hán Nôm ở khu vực làng xã.

Ông là một nhà Hán Nôm dân dã, đi nhiều vùng đất, thu lượm được nhiều kiến thức từ các làng xã. Với chúng tôi, ông là một người đàn anh dễ gần, luôn vui vẻ và rất thẳng thắn.

Tôi có một thời gian ngắn ở cùng một khu tập thể với chú, đó là nhà E12 ở Thanh Xuân Bắc - nhà tập thể của cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chú là nhà được phân ở tầng 5, còn tôi là nhà mua lại của một bác ở Viện Triết học dưới tầng 3. Các nhà thời kì đầu đều là quân Viện Hàn lâm cả, sau thì người ta bán đổi, nên nhiều người từ ngoài vào ở cùng. Lúc tôi rời nhà E12, thì chú ở vẫn ở tầng 5. Những khi về thăm nhà E12, tôi vẫn tranh thủ lên chào hay nói chuyện nhanh với chú.

Gần đây, tôi có sưu tập được và đang đọc một ít bài của chú về Cao Bằng - chú đã tới khảo sát ở mấy điểm, đưa những luận giải đáng chú ý về các di sản Hán Nôm tại vùng đất biên viễn này.

Ở dưới đây là sưu tập như mọi khi, dán dần lên.

Tháng 8 năm 2021,

Giao Blog


---

CẬP NHẬT


5.

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Một đêm họp online đưa ma Tưởng

Sáng nay, 5.8.2021 tây, tức 27 tháng 6 ta Tân Sửu, tức thêm tí nữa, năm thứ 2 dịch Vũ Hán, mới sáng bảnh mắt, đã nhận được cái tin không muốn nhận tí nào, từ bà đồ Trần Kim Anh, rằng Tưởng, Nguyễn Hữu Tưởng, vừa đi rồi. Sang thế giới bên kia. Lúc hơn 7 giờ, tính theo cách xưa nhằm giờ Thìn. Con rồng không chịu náu mãi chốn ao tù chật chội, đã bay đi.


K17 văn khoa có hai Tưởng. Một Ý Yên, Nam Định, một Gia Lâm, Hà Nội. Tưởng Ý Yên có thời bặt tăm, lặn hơi lâu, thậm chí loang tin đồn đã về giời làm cả bọn tiếc thương vô hạn. Tới khi bạn cụ í là nhà thơ Vũ Duy Chu la toáng lên chết đâu mà chết, còn đang hưu khỏe và làm thơ kia kìa, cả bọn mới thở phào. Năm 2016 đám nam thanh nữ tú U70 còn kéo nhau về tận nhà, được vợ chồng ổng đãi một chầu no xôi chán chè, thằng cháu ông Vũ Duy Chu xách sang can rượu quê 10 lít, lúc chiều muộn chia tay nhau rồi còn nhủng nhẳng hẹn về nữa. Hôm nọ vẫn í ới, hết dịch về Ý Yên chơi nhá.

Tưởng Gia Lâm vốn người tổng Trâu Quỳ huyện này. Chả hiểu sao ngày xưa người ta lại đặt tên là Trâu Quỳ. Nhà cháu vẫn có ý, định hôm nào gặp lão ta, vật ngửa ra, đổ rượu vào mồm như một dạng đút lót hối lộ, chỉ hỏi mỗn câu về ý nghĩa tên ấy. Nay thì không kịp rồi. Chỉ biết lúc nhớn lên nghe nói cứ ai đầu óc có vấn đề thì cho đi Trâu Quỳ. Chả là miền Bắc thời ấy có duy nhất bệnh viện tâm thần đặt ngay làng ông Tưởng. Có bệnh, nếu vào Việt Xô, 103, 108, Việt Đức… thì quá vinh hạnh, nhưng vào Trâu Quỳ hoặc Quỳnh Lập (chữa cùi, ở Nghệ An) phải giấu cho bằng được.

K17 văn năm 1972 nhập trường được chia thành 3 khối ngành văn, ngữ, hán nôm. Không có chuyện nhà chức việc như thầy Nhị, thầy Tu phân biệt đối xử chọn người giỏi, người nhỡ, người yếu cho khối này khối kia. Cá mè một lứa, sàn sàn nhau cả. Ngành Hán Nôm có 13 đứa bị túm vào, nhiều đứa la oai oái như cha chết, như bị bắt đi lính khố xanh khố đỏ. Nhưng “tạo hóa gây chi cuộc hí trường”, chả biết đâu mà lần. Trong khi phần lớn đám cử nhân văn, sau đó là ngữ, bị ném vào đời cứ ngáp ngáp nhạt dần không mấy để lại dấu tích, thì tiểu đội khố đỏ khố xanh Hán Nôm hầu hết lẫy lừng, vua biết mặt chúa biết tên. Chúng đã thành danh một cách oai hùng, chắc nịch, nhiều bạn bè đồng khóa, hậu khóa, nhiều đồng sự cùng cơ quan phải lắc đầu lè lưỡi kính nể. Có thể nói rằng, chưa có khóa ngành nào công thành danh toại như Hán Nôm K17. Đúng là khóa 1, khóa 1 đúng nghĩa. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều giỏi giang, thượng hạng.

Trong đám con giai Hán Nôm 1 ấy, nhiều tay rất cá tính, mạnh mẽ, ngang tàng, coi giời bằng vung. Những Đường, Viết, Sạch, Tưởng, Dũng, Quả luôn khiến đám văn-ngữ phải lác mắt bởi chúng như những anh hùng lương sơn bạc. Hình như việc được trang bị kiến thức hán nôm, thông kim bác cổ, làu làu chữ nho, nắm sâu lời lẽ thánh hiền đã góp phần tạo cho “chúng” cái tư thế ấy. Nhiều đứa, trong đó có tôi, sau này nắc nỏm tiếc, giá như buổi đầu Sát Thượng lưu luyến đó, mình “sáng suốt lựa chọn” nhào vào tiểu đội hán nôm thì đâu đến nỗi nhí nhố thế này. Nói vậy thôi, trời chọn cả.

Trong số anh hùng lương sơn bạc, nổi nhất là Dũng (Cao Tự Thanh) và Tưởng (Nguyễn Hữu Tưởng). Không to cao như Quả, Đường, không đẹp giai như Việt, Sạch, không thư sinh như Chính, không…, mà chỉ bé tí, quắt queo nhưng Dũng và Tưởng giống như hai cục nam châm, hút mạnh lắm. Thôi, Dũng để khi khác kể. Nhà cháu đã nhiều lần lẽo đẽo theo cụ Tưởng vượt tường rào sang sân bóng bên ngoại ngữ, coi y và Bá Tân, anh Trần Nam Việt, anh Hà Nam Tiến (K16), Trị đen (khoa Sử)… chơi bóng hay không khác gì Ba Đẻn. Y từng kể hồi còn học trường cấp 3 Gia Lâm, đá trên sân Trâu Quỳ, y chạy cả ngày không biết mệt. Sau này, Dũng còn kể, khi đã làm việc ở viện nơi nội thành rồi, không có chỗ ở, hằng ngày y (Tưởng) vẫn đạp xe hơn hai chục cây số tới cơ quan, đi về cả nửa trăm cây. Cứ thế ròng rã gần chục năm giời, vắt kiệt sức lực của ông đồ thân thể nhỏ thó. Thương vô cùng.

Sự thông minh của đồ Tưởng, cũng như của các đồ Hán Nôm 1, không cần phải bàn cãi, nhưng để “bè lũ” 13 tên nói ra sẽ chính xác hơn. Nhà cháu chỉ biên rằng Tưởng cá tính vậy nhưng hiền. Mấy lần đàn đúm hội hè, y chỉ ngồi cười hiền lành, ngó những đứa như… tôi mồm loa mép dải, phét lác. Lần đi Hòa Bình chơi hội khóa, lúc sắp về, y rủ tôi ra ngõ, bảo mày đi mí tao, tao phải mua cho con mẹ đĩ mấy gói măng Kim Bôi, không có tí gì về, nó tẩn bỏ mẹ.
 
Giờ thì thêm một tên trong tiểu đội 13 chiến binh đã lên đường. Cõi tạm này, Tưởng không chán, nhưng y xung phong đi tiền trạm chuẩn bị chỗ cho bạn bè. Chả biết nơi ấy có đá bóng không.
 
Lại nhớ hồi xưa có được đọc bài cụ Nguyễn Tuân viết về buổi hẹn hò cùng nhau qua sông Cái tiễn đưa Vũ Trọng Phụng, “Một đêm họp đưa ma Phụng”. Đám K17, biết bạn mình đi nhưng lúc dịch dã thế này, chỉ thể họp online đêm nay để tiễn đưa Tưởng sáng mai lên đường. Quê Tưởng cũng bên kia sông Cái. Nhà cháu xin mượn mấy chữ của cụ Nguyễn Tuân để ghi cái hoàn cảnh oái oăm như vậy.

Thôi, chia tay bạn. Gửi theo bạn vài chữ:
 
Gặp nhau trong cơn loạn lạc, khi Sát Thượng, lúc Mễ Trì, lặn ngụp chán chê, lại quay về quê cũ
Chia tay giữa ngày dịch dã, thuở hàn vi, ngày vinh hiển, chen nhau kể lể, rồi tìm tới năm xưa.

Nguyễn Thông

 
Ảnh: Hai chiến tướng từng lừng lẫy trên sân hàng chiếu ngoại ngữ ngày nào, Tưởng (trái), Bá Tân.


https://thongcao55.blogspot.com/2021/08/mot-em-hop-online-ua-ma-tuong.html



4.

Nguyễn Hữu Tưởng - đã rời cõi tạm vào 7h sáng hôm qua mùng 4 tháng Tám 2021.
Thương ông bạn quá khi ra đi đúng vào thời điểm đang thực hiện giãn cách xh, bạn bè ít người đến tiễn đưa được.
Trong thời gian Tưởng nằm bệnh, lớp HN bọn mình vẫn thường xuyên quan tâm thăm hỏi.
Tưởng là người thông minh, dí dỏm, chữ nghĩa sâu sắc, học một biết mười, là học trò đầy triển vọng của thầy Trần Đình Hượu. Nhưng tính thích tự do, chỉ mải mê chén rượu câu thơ mà không màng sự nghiệp.
Ảnh chụp ở nhà mình năm 2018.



https://www.facebook.com/kimanh.tran.9210/posts/4152214638180226



3.

Tôi thân với Chú Nguyễn Hữu Tưởng từ ngày cả hai Viện cùng ở 26 Lý Thường Kiệt. Những kỷ niệm với Tưởng, không kể hết được. Nhớ Chú vô cùng, kẻ thông minh nhưng tính ngang ngang đáng yêu. Thương Chú, mất vào ngày Cách ly Xã hội vì Covid Vũ Hán.

Tôi mới nhận được Bản Điếu văn do Pgs Nguyễn Tá Nhí viết trong tang lễ của Tưởng vào sáng mai, 6/8/2021.

ĐIẾU VĂN

- Kính thưa các cụ, các ông, các bà cùng toàn thể gia quyến họ Lê, họ Nguyễn!
- Kính thưa các vị đại diện cơ quan đoàn thể ở Viện Nghiên cứu, ở xí nghiệp cùng các bạn bè thân hữu xa gần và bà con khối phố ở Trung Tự, ở Mỗ Lao!

Hôm nay chúng ta cùng có mặt ở đây để làm lễ tang đưa tiễn nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Hữu Tưởng về cõi vĩnh hằng, xin cho phép chúng tôi thay mặt Ban tang lễ đọc lời văn tiễn biệt.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Hữu Tưởng sinh năm 1954 tại xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội trong một gia đình thuần nông chuyên nghề cày cấy.

Khi nhỏ tuổi ông thơ ngây chung sống với cha với mẹ;

Lúc lớn lên ông siêng cần theo học ở xã ở thôn.

Năm 1972 ông thi đỗ vào khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1976 ông tốt nghiệp Đại học, rồi được điều động đi công tác ở cơ quan chuyên môn.

Tháng 5 năm 1977 ông được nhận về làm việc tại Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Từ buổi ấy ông chuyên tâm vào việc nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu di sản văn hóa của dân tộc.

Hễ được giao việc lớn việc nhỏ ông đều hoàn thành xuất sắc;

Hễ được phân công đi thực tế ở gần ở xa ông đều thực hiện đủ đầy.

Nhớ mãi ngày ấy ông được điều động đi công tác ở Cổ Trai, Hải Phòng do ông Hoàng Lê làm trưởng đoàn và mấy người bạn, các ông đã kịp ghi lại bằng đôi câu đối thắm đượm tình người:

Hành hương về quê họ Mạc, tắm nước biển, ăn tôm hùm, gan ruột cồn cào như sát muối;
Tùy tòng theo đám Hoàng Lê, in văn bia, chép câu đối, chân tay nhem nhuốc tựa nhào than.

Khó khăn là thế, gian nan là thế, song ông đều đã vượt qua và để lại cho đời một số công trình nghiên cứu biên soạn có chất lượng, được anh em bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao.

Về sách có:
- Phạm Thận Duật cuộc đời và tác phẩm, năm 1986 (đồng tác giả)
- Đại Mão làng quê văn hiến, năm 1997 (đồng tác giả)
- Đặng gia phả ký, năm 1999 (đồng dịch giả)
- Kinh Dịch và quyết sách cuộc đời, năm 2005 (đồng dịch giả)
Về bài viết, có:
- Về niên đại và tác giả Thượng kinh phong vật chí, năm 1982, trong sách Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm.
- Về văn bản Đại Nam kỳ lục mới phát hiện, Thông báo Hán Nôm học năm 1996.
- Những bài thơ Nôm đầu thế kỷ 18 trong một cuốn gia phả, Thông báo Hán Nôm học năm 1997.
- Hai tấm bia Trạng Trình soạn mới phát hiện ở Thái Bình, Tạp chí Hán Nôm năm 2002.

Ông không chỉ chăm chỉ công tác nghiên cứu dịch thuật mà còn rất hăng hái tham dự các lớp học nâng cao. Năm 1983, ở tuổi Tam thập nhi lập ông đã tham dự lớp bổ túc kiến thức cho nghiên cứu với môn Chủ nghĩa Mác – Lê Nin do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 tổ chức, đã được Hiệu trưởng cấp chứng chỉ hoàn thành môn học Chủ nghĩa Mác - Lê Nin kết quả đạt loại khá.

Năm 2014 ông đã hoàn thành công việc, được nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí.

Những tưởng:
Có công với nghiệp với đời
Được hưởng tuổi trời tuổi hạc.

Nào ngờ:
Chuyện vô thường chẳng kể riêng ai
Kỳ đại hạn khiến người heo hắt.
Đến 7 giờ 15 phút ngày mồng 4 tháng 8 năm 2021 (nhằm ngày 26 tháng 6 năm Tân Sửu) ông đã thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 68 tuổi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, cho bạn hữu, cho bà con cô bác ở quê, ở phố.

Đau đớn lắm!
Vợ con ông ngơ ngác chạy ngược chạy xuôi;
Anh em ông lẩn thẩn tìm nam tìm bắc.
Vẫn biết xác thân này là giả, kiếp người có đấy rồi lại không?
Nào hay con tạo khéo trêu người, đùa bỡn làm chi mà quá quắt.
Thôi đành theo:
Cuộc thế vần xoay mãi, bãi bể lại nương dâu;
Chấp nhận lẽ vô thường, lòng đau như dao cắt.
Sách có câu Sinh ký tử quy
Lời chăng chối Mệnh trời sắp đặt.
Hỡi ôi!
Thương thay!
Chúc ông An giấc ngàn thu.

Thay mặt Ban tang lễ
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm
PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường




https://www.facebook.com/long.ngothe.12/posts/1638995729637249



2.

Sáng dậy nhận được hai tin buồn. Một là sự ra đi của thầy Nguyễn Hữu Tưởng, người thầy đã dạy cho tôi và rất nhiều anh chị em đồng nghiệp ở Khoa Sử cách đọc và tiếp cận các tư liệu lịch sử bằng Hán Nôm. Hai là giáo sư Dư Anh Thời, một nhà Hán học, một nhà sử học nổi tiếng, người đã từng là giáo sư danh dự của Đại học Princeton, giáo sư của các Đại học Harvard, Yale, Michigan, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học trung ương Đài Loan và là tác giả của rất nhiều cuốn sách mà tôi buộc phải đọc khi học lịch sử Trung Quốc. Thật khó để so sánh sự nghiệp của một thầy dạy Hán Nôm của Việt Nam với một vị giáo sư danh tiếng của nước Mỹ song với cá nhân tôi họ có một điểm chung là lúc sinh thời họ đều sống giản dị và hết mình với nghề. Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, có lẽ chỉ mong cả hai ông được yên nghỉ an lành.





https://www.facebook.com/vdluan/posts/10158396586168601

1.

Chú Nguyễn Hữu Tưởng, là nhà nghiên cứu Hán Nôm, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã nghỉ hưu. Chú là TIỀN BỐI của mình ở cơ quan công tác. Nhân duyên cõi thế tạm dừng, nên chú đã từ biệt dương thế, đi vào hư vô vào sáng nay (4.8.2021).
Vì dịch, không ai đến viếng được. Tuts, là nén tâm hương, tiễn biệt chú!
Từ nay, không được rót riệu mời chú nữa rồi!
Tuts, cũng là thông báo cho bạn bè - người biết chú ấy biết nữa!!!
Mô Phật!



https://www.facebook.com/Thienphongvien/posts/10227299778543284


..

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.