Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/06/2021

Văn nghệ Thứ Bảy : dành cả một buổi chiều cuối tuần cho CCCD gắn chíp 2021

Đã quan tâm và chuẩn bị tâm thế đi làm CCCD (căn cước công dân) gắn chíp từ lâu, ví dụ ở đây (bắt đầu từ tháng 3 năm 2021). Bây giờ mới có điều kiện đi làm. Hoàn toàn không phải là sắp đến hạn 30/6, mà thực sự là bây giờ mới có điều kiện.

Chúng tôi tới Công an Quận lúc khoảng 7h30 sáng, thì được người bảo vệ ở cổng hướng dẫn đại khái: chiều hôm qua nói với bác là 7h30 sáng, nhưng bác hiểu lầm rồi, 7h30 là giờ phát số thứ tự, nên phải đến tầm 6h trở ra bác phải có mặt mới kịp có được số ! Bây giờ 7h30 là hết số rồi ! Bác về nhé, chiều ra sớm tầm hơn 12h trưa, để tầm 1h30 thì lại đến giờ phát số !

Buổi sáng Thứ Bảy khá mát mẻ, nhà lại gần Công an Quận, nên mình vui vẻ về nhà. 

Trên đường về, mới nhớ ra, hồi lâu lâu rồi, có lẽ tháng 4 gì đó, mình đã ra Công an Quận một lần, nhưng hôm đó người ta dán một tờ giấy A4 ở ngoài cổng đại ý bảo là hệ thống máy tính bị lỗi nên tạm ngưng làm CCCD. Đã chụp ảnh tờ A4 ấy và gửi vào nhóm zalo của tổ dân phố để mọi người cùng biết.

1. Buổi chiều, trời nóng lên nhiều, khác hẳn không khí buổi sáng. Mình đã có mặt ở trước cổng Công an Quận lúc khoảng 12h35 phút. Nhà gần mà. Họ cũng đã dặn kĩ như vậy lúc buổi sáng rồi.

(đang viết tiếp)






---

CẬP NHẬT


2.

Ngày mai, di sản hơn 50 năm của thời bao cấp sẽ bị xóa bỏ

TS Nguyễn Sĩ Dũng | 

Ngày mai, di sản hơn 50 năm của thời bao cấp sẽ bị xóa bỏ
TS Nguyễn Sĩ Dũng.

Ngày mai, 1/7/2021, khi Luật Cư trú (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực, một trong những di sản cuối cùng của thời kỳ bao cấp sẽ bị xóa bỏ.

Di sản đó chính là cuốn sổ hộ khẩu đã gắn bó với nhiều gia đình Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Thời bao cấp, sổ hộ khẩu đã từng không chỉ là công cụ để quản lý dân cư, mà còn là căn cứ để phân phối lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khan hiếm khác.

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, có hộ khẩu mới có sổ gạo, có chế độ tem phiếu. Hộ khẩu trở thành một thứ đặc quyền, đặc lợi của cư dân thành phố so với cư dân nông thôn.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Đất nước đã chuyển từ nền kinh tế trọng cung sang nền kinh tế trọng cầu. Trong nền kinh tế thị trường, sự khan hiếm đã được thay thế bằng sự dồi dào.

Lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm đã được cung ứng tràn ngập ở trên thị trường. Có cầu mới là quan trọng. Dân nhập cư vào thành phố càng tăng, thì cầu sẽ càng tăng. Cầu càng tăng, thì kinh tế càng phát triển.

Chức năng phục vụ phân phối của sổ hộ khẩu không còn. Chức năng quản lý dân cư cũng trở nên rất lỗi thời. Trong thời đại của chuyển đổi số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tiếp tục quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu quả thực là vừa quá lạc hậu vừa quá bất cập.

Trước hết, quản lý bằng sổ hộ khẩu hạn chế quyền tự do cư trú của người dân. Điều 23 của Hiến pháp năm 2013 quy đinh: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước". Thủ tục đăng ký hộ khẩu khó khăn, phức tạp chắc chắn cản trở người dân thực hiện quyền này của mình.

Thứ hai, quản lý bằng sổ hộ khẩu là rất dễ sai sót. Tại các thành phố lớn của nước ta, rất nhiều gia đình, nhiều cư dân, có hộ khẩu ở một nơi, nhưng lại sinh sống một nẻo.

Việc chuyển đổi nơi cư trú xảy ra thường xuyên và khá dễ dàng theo nhu cầu của cuộc sống, trong lúc đó việc chuyển đổi hộ khẩu lại thường rất khó khăn và nhiêu khê. Hậu quả là rất nhiều gia đình chuyển đến nơi ở mới, nhưng vẫn để hộ khẩu ở nơi cũ.

Thứ ba, việc cập nhật thông tin về những biến động liên quan đến chủ hộ và các thành viên khó khăn, chậm trễ.

Trên thực tế, quy trình, thủ tục để cập nhật thông tin không được quy định rõ ràng. Ý thức cập nhật thông tin của một bộ phận người dân là chưa cao. Tuy nhiên, nếu người dân có ý thức cập nhật thông tin, thì cách thức để làm được điều này là không dễ và không phải ai cũng biết.

Thứ tư, sổ hộ khẩu gây ra khó khăn, tốn kém cho người dân. Với rất nhiều thủ tục hành chính đòi hỏi phải cung cấp bản sao sổ hộ khẩu có xác thực. Người dân vừa mất tiền sao, tiền xác thực, vừa mất công sức, mất thời gian.

Thứ năm, sổ hộ khẩu tạo ra sự phân biệt đối xử và hạn chế các quyền của người dân. Như đã nói ở trên, rất nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, đến dịch vụ công đều đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu.

Không có sổ hộ khẩu, hàng triệu người lao động nhập cư nhanh chóng trở thành những công dân loại 2 trong các thành phố lớn. Con cái của họ tiếp cận các dịch vụ công liên quan đến giáo dục và y tế hết sức khó khăn, trong không ít các trường hợp là gần như không thể tiếp cận được.

Đó là chưa nói tới những đòi hỏi về thủ tục gần như tước bỏ các quyền cơ bản của con người, ví dụ như muốn đăng ký xe ô tô thì phải có hộ khẩu. Hay những quy định mang tính thách đố đối với người dân như kiểu "muốn được mua nhà thì phải có hộ khẩu, mà muốn có hộ khẩu thì phải có nhà".

Ngày mai, di sản hơn 50 năm của thời bao cấp sẽ bị xóa bỏ - Ảnh 2.

Thực ra, sổ hộ hộ khẩu là công cụ được sinh ra là để quản lý công dân theo nơi cư trú và để xác thực quan hệ nhân thân. Trong thời đại công nghệ số, một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn toàn có thể đảm nhận các chức năng trên hiệu quả gấp hàng chục lần.

Đó là chưa nói tới những lợi ích to lớn mà cơ sở dữ liệu này có thể mang lại cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển của đất nước.

Cơ sở dữ liệu này vừa chính thức được Thủ tướng Pham Minh Chính khai trương ngày 22/6/2021 vừa qua. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải phát huy tối đa lợi ích của cơ sở dữ liệu này không chỉ để quản lý dân cư, mà còn để cung cấp hàng loạt các dịch vụ khác như xác thực, tìm kiếm thông tin…

Ngoài ra, cũng cần nhanh chóng rà soát để hủy bỏ tất cả các quy định về thủ tục hành chính và thủ tục dân sự đòi hỏi phải có các bản in sao và xác thực sổ hộ khẩu.

Đó chính là một trong nhiều việc phải làm để người Việt Nam từng bước được hưởng thành quả của Chính phủ phục vụ và Chính phủ kiến tạo.


https://soha.vn/ngay-mai-di-san-hon-50-nam-cua-thoi-bao-cap-se-bi-xoa-bo-20210629223311023.htm?fbclid=IwAR28hG-N-yaiwJkkzIP3l5Au7xi-kTPPmnalTgCxPU1JkT13BS36QtXgOmo





1.



Mặc dù đã làm thủ tục nhưng nhiều người dân phải chờ 3-4 tháng chưa nhận được căn cước công dân gắn chip. Ảnh HN

Từ ngày 1.7, Luật Cư trú có hiệu lực, rất nhiều người đã làm đầy đủ thủ tục làm căn cước công dân gắn chíp nhưng 3-4 tháng trời vẫn không nhận được, khiến các hoạt động dân sự, giao dịch, việc khai báo tạm trú, tạm vắng bị ảnh hưởng lớn.

“Tôi làm căn cước công dân đến gần 2 tháng nay chưa được nhận lại trong khi căn cước công dân cũ đã hết hạn và bị thu hồi lại ngay khi đi làm căn cước công dân mới. Những thiệt hại do không có căn cước công dân để giao dịch ai là người chịu trách nhiệm đây?”

“Tôi làm căn cước công dân hơn 3 tháng mà vẫn chưa có, khi làm xong thì bộ phận công an nói rằng cứ về khi nào có sẽ báo, không có giấy hẹn, chứng minh nhân dân thì đã hết hạn, hỏi thì chỉ được trả lời là ngoài bộ chưa gửi vào”.

“Chưa làm thì suốt ngày giục đi làm, làm xong chờ vài tháng cũng không thấy trả thẻ. Đến bây giờ có việc cần đến căn cước công dân thì lại không có để mà làm giấy tờ”.

Đó là 3 trong số rất, rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về báo Lao Động phàn nàn về chuyện chậm trả thẻ căn cước công dân.

Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân gắn chíp phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho công dân trong thời hạn không quá 7 ngày tại thành phố, thị xã; không quá 20 ngày với các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo; không quá 15 ngày với các khu vực còn lại.

Cuối tháng 6, Bộ Công an đã thông thông tin việc chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân. Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đưa ra lý do: “Tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử, trong khi đó, Việt Nam phải nhập khẩu chip từ nước ngoài, nên đã tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ để trả cho người dân” và “Bộ Công an đang cố gắng sản xuất, trả thẻ cho người dân trong thời gian sớm nhất và đặt mục tiêu đến tháng 9.2021 sẽ in và trả toàn bộ số căn cước công dân gắn chip đã thu nhận hồ sơ”.

Vậy là vẫn phải chờ, trong khi việc giao dịch dân sự, làm thủ tục liên quan đến căn cước công dân diễn ra hàng ngày. Đặc biệt, Luật Cư trú chỉ 2 ngày nữa là có hiệu lực.

Không thể chỉ trả lời “cố gắng”, “trả thẻ trong thời gian sớm nhất” hoặc “đặt mục tiêu trong tháng 9” mà phải cam kết rõ ràng, quy trách nhiệm với từng bộ phận để trả lời một cách dứt khoát câu hỏi của hàng trăm nghìn, hàng triệu người dân: “Bao giờ có thẻ căn cước công dân gắn chíp?”.

LINH ANH

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dan-can-cau-tra-loi-dut-khoat-bao-gio-co-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-925330.ldo?fbclid=IwAR3UIn1PBSjxKQa8l0lIEc2_OGIFZslLpqpI80tnJBCg92sqFp53Y0shJWI

..

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.