Vào năm 1994, ở tuổi ngoài 50 một chút, trong bối cảnh không khí hồ hởi của Đổi Mời đã thấm sâu vào xã hội Việt Nam, nhà thơ Hoàng Hưng viết về "bản sắc dân tộc" và "hậu hiện đại" như dưới đây. Đi một ít trích dẫn.
"Bản sắc Việt Nam 1000 năm qua gắn chặt với văn
hóa làng, 100 năm cuối cùng chứng kiến sự rạn vỡ của văn hóa làng trước sự xâm
nhập của văn hóa á-hiện-đại Âu Mỹ, sự cưỡng hôn đẻ ra văn hóa tiểu-đô-thị-nửa mùa. Sắp ập tới thiên niên kỷ thứ ba, thế giới bước vào hậu-hiện-đại, Việt Nam bước vào hiện đại hóa chủ động mở cửa cầu hôn, ai biết được
thế hệ năm 2010 sẽ nhìn cái "bản lai diện mục Việt Nam" ra sao".
"Sẽ đến lúc bản
sắc dân tộc không phải được hình dung như một gương mặt trung-bình-cộng khuyết
danh của cộng đồng, mà được đúc kết từ những cá tính sáng tạo độc đáo, mạnh
mẽ nhất".
"60 năm sau cuộc Cách mạng Thơ Mới, thơ Việt
Nam
lại đứng trước một thách đố lớn lao trước bước chuyển lớn của lịch
sử. Lại thêm một dịp để thấy bản sắc dân tộc không hình thành một lần rồi xong.
Bản sắc dân tộc có nên được giữ gìn theo kiểu người già giữ bát hương
trong khi dân tộc đang ở tư thế chàng trai xông vào trận mới? Trong thể
hai mặt của bản sắc dân tộc, nhà thơ chúng ta chọn vị thế nào?".
Đó là năm 1994. Khi Hoàng Hưng viết những dòng ấy và đọc lên trong một diễn đàn, rồi cho in trên tạp chí, thì chúng tôi - thế hệ con cháu của Hoàng Cầm và của Hoàng Hưng - mới chập chững bước vào đời. Bản thân tôi là lúc chuẩn bị tốt nghiệp đại học.
Khoảng thời gian ấy, tôi đã lần đầu tiên gặp trực tiếp nhà thơ Hoàng Cầm, tại một buổi ra mắt tờ báo của Bộ Y Tế.
Chân dung nhà thơ Hoàng Hưng (nguồn ở đây)
Khoảng đầu thập niên 1990 ấy, người ta còn đang hiểu nhầm là Bắc Đảo của Trung Quốc là một nữ thi sĩ. Nên giữa thủ đô nước Pháp, một tạp chí văn nghệ của người Việt đã đăng bài về Bắc Đảo, hồn nhiên biến ông ấy thành một người phụ nữ rất đổi duyên dáng (đọc lại ở đây).
Dẫn lại sự kiện "nữ thi sĩ Bắc Đảo" này, để nói rằng, tâm trạng "mở cửa" của người Việt lúc ấy là tâm trạng chung, dù là trong nước hay hải ngoại. Mà mới là hé mở cửa, ngó ra bên ngoài, rồi lại tự nhìn lại mình.
Hoàng Hưng nói về "bản sắc dân tộc" trong thơ Việt Nam là trong tâm trạng như vậy.
1. Trước Đổi Mới, có thể Hoàng Hưng đã suy nghĩ như vậy về bản sắc dân tộc, và ông cùng nhóm văn nghệ Hà Nội đã có những thể nghiệm trong nội bộ nhóm, mà không hề được công chúng biết tới. Phải sau khi Đổi Mới đã thực sự đã lan tỏa trong đời sống đô thị và nông thôn, thì ông mới văn bản hóa được nó ra giấy.
2. Ông đã trình bày văn bản đó ở một diễn đàn. Sau thì cho đăng ở tờ Sông Hương trong nước, và ở tờ Tạp chí Thơ hải ngoại.
3. Tôi đọc bài này của ông lần đầu tiên là trên Tạp chí Thơ, vào khoảng đầu những năm 2000, lúc tôi đang ở Tokyo. Rất nhớ là lúc đó thấy thú vị, bởi luận đề mà thi sĩ Hoàng Hưng ở trong nước năm 1994 đã đưa ra như vậy. Vì là "trong nước" và vì là "năm 1994", nên thấy thú vị, nhưng nhìn ra khu vực ở thời điểm đó thì đã là sự chậm trễ quá rồi. Nhất là ở kết luận, ông chỉ đưa một câu hỏi lửng lơ. Không có sự dứt khoát.
Hôm nay, tạm đưa bản word lấy về từ Fb Hoàng Hưng (vừa đưa lên ngày 27/2/2021) và bản in ra từ Tạp chí Thơ số 2 (ra năm 1994 ở hải ngoại).
Có gì bổ sung thì dán ở bên dưới như mọi khi.
Tháng 2 năm 2021,
Giao Blog
---
Bản word từ Fb Hoàng Hưng (ngày 27 tháng 2 năm 2021)
"
Bài tham luận được hoan nghênh nhiệt liệt, được tạp chí Nghiên cứu VH quảng cáo sẽ đăng, rùi… ko thấy, sau chuyến An ninh Văn hoá đến thăm TBT báo Lao Động nơi tui làm việc. Nhưng tạp chí Sông Hương lại đăng hihi!
VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC VÀ THƠ HÔM NAY
I. Mười ba ý kiến về thơ, về dân tộc và hiện đại.
1. Bản sắc Việt Nam 1.000 năm qua gắn chặt với “văn hóa làng”. 100 năm cuối cùng chứng kiến sự rạn vỡ của văn hóa làng trước sự xâm nhập của văn hóa “á - hiện đại” Âu Mỹ, sự cưỡng hôn đẻ ra văn hóa “tiểu đô thị nửa mùa”. Sắp ập tới thiên kỉ thứ ba, thế giới bước vào hậu hiện đại. Việt Nam bước vào hiện đại hóa chủ động mở cửa cầu hôn, ai biết được thế hệ năm 2010 sẽ nhìn cái "bản lai diện mục Việt Nam" ra sao.
2. Người phương Tây thích coi múa rối nước, một trò vui kì lạ đối với đời sống tiện nghi của họ. Tôi rùng mình khi thấy những nữ nghệ sĩ của chúng ta ngâm mình trong nước bẩn và lạnh để giữ gìn những kỉ niệm thi vị của một quá khứ đau khổ!
3. Có sự khác nhau căn bản giữa cuộc chiến đấu của một dân tộc chống lại nguy cơ vong quốc với cuộc chiến đấu của mỗi cá thế chống lại nguy cơ vong thân trong xã hội hiện đại. Cuộc trước hào hùng, tập thể, còn cuộc sau âm thầm, đơn độc. Để đạt tới giác ngộ, không có con đường chung, mỗi người có một công án riêng cho mình.
4. Tất cả các cuộc cách mạng, cách tân thi pháp trên thế giới 100 năm nay chỉ có một ý nghĩa: giải phóng nhà thơ khỏi mọi khuôn thước nhanh chóng trở thành cứng nhắc trước sự biến động và phân hóa ngày càng tăng tốc của xã hội hiện đại. Thi pháp của thời hiện đại là thi pháp của từng nhà thơ, thậm chí của từng thời khắc trong nhà thơ.
5. Sẽ đến lúc bản sắc dân tộc không phải được hình dung như một gương mặt trung bình cộng khuyết danh của cộng đồng, mà được đúc kết từ những cá tính sáng tạo độc đáo, mạnh mẽ nhất.
6. Thơ hiện đại là nỗi khao khát tự nhận thức triệt để của con người hiện đại. Muốn đào tới "gốc rễ của tiếng kêu" (Lorca). Không còn tin ở những kết luận, giải thích minh thị sau khi mọi dữ kiện tâm linh đã đi qua cái computer chương trình hóa có tên là “lí trí”, nó đòi ghi hình trực tiếp diễn biến vật lộn, sinh thành trong bóng tối của bản năng.
7. Sự "cô đơn toàn phần" (Đặng Đình Hưng), hiện diện im lặng của vô thức tạo cho thơ hiện đại một thứ quyền lực mà thơ trước đó có lẽ chưa biết tớí, ám ảnh đến mức gây bất an.
8. Lật đổ chuyên chế của lí trí, nghệ thuật hiện đại phương Tây phát hiện được mặt nạ ma thuật châu Phi và con mắt thứ ba của Thiền. Sự hội nhập Đông Tây là một đặc trưng của tinh thần hiện đại.
9. Dân ca hát vào buổi sáng, thơ cổ điển viết ban ngày, thơ lãng mạng chiều tà, thơ tượng trưng lúc tối, thơ siêu thực nửa đêm, thơ đương đại viết lúc không đêm không ngày không chiều không sáng.
10. Không Lộ thiền sư kể chuyện ông tìm được đất tốt, lai láng tình quê, có khi ông lên thẳng đỉnh núi kêu dài một tiếng lạnh cả thái hư. Nhà thơ hiện đại chẳng phân giải gì cả. Tự nhiên hét lên một tiếng. Tiếng hét ấy là thơ hay khoảng im lặng sau đó là thơ?.
11. Thơ Việt Nam sẽ là bộ phận văn hóa gìn giữ được bản sắc dân tộc vững vàng nhất, vì nó ít thực dụng nhất, vì nó bấu víu vào cái phương tiện mang tính dân tộc triệt để nhất là ngôn ngữ.
12. 100 năm qua, tiếng Việt biến đổi rất nhiều về từ vựng và cú pháp - những yếu tố gắn nhiều với chức năng thông tin giao tiếp thực dụng, nhưng nhạc tính của nó - yếu tố ít tính thực dụng nhất, thì không thay đổi. Nhiều bài thơ lúc đầu bị kêu "đặc Tây" rồi lại được chấp nhận như di sản văn hóa dân tộc, là nhờ nhạc tính của từ ngữ. Cũng như nhiều ca khúc, hòa âm khúc thức "đặc Tây" nhưng vẫn Việt Nam nhờ ca từ bám vào đặc điểm đơn âm đa thanh của tiếng Việt.
Nắm vững những bí mật của nhạc tính tiếng Việt là bảo đảm chắc chắn nhất bản sắc dân tộc của thơ.
13. Trong các quan niệm của thơ hiện đại, có quan niệm đề cao, thậm chí tuyệt đối hóa, mục đích sáng tạo ngôn ngữ của thơ. Có người gọi đó là "dòng chữ" (để đối lập với "dòng nghĩa" là dòng xem trọng nội dung ý nghĩa của thơ). "Dòng chữ" muốn cất bỏ cho ngôn ngữ thơ cái ách ngữ nghĩa lắm khi biến nó thành con bò chở thông tin thông tục, muốn tạo nghĩa mới cho con chữ, muốn sống lại sự trinh nguyên của con âm. Tiếng Việt là một trong số ít ngôn ngữ có cả một không gian cho những phút tự do bay bổng đầy khoái cảm của ngữ âm, với sức khơi gợi những cảm giác - liên tưởng, những trạng thái tâm linh chưa có tên gọi. Hình như chính cái đặc sắc này của tiếng Việt tạo ra chất "mông lung duy cảm" của thơ Việt. Phải chăng đó là bản sắc của thơ Việt Nam?
II. Thử nói về bản sắc dân tộc của một bài thơ hiện đại.
Bến lạ của Đặng Đình Hưng là bài thơ đáng coi là hiện đại cả về quan niệm lẫn thi pháp. Đó là bài thơ văn xuôi dài viết khoảng cuối những năm 1970, khi Đặng Đình Hưng ngoài 50 tuổi, sau chặng đường hơn 25 năm âm thầm thể nghiệm một con đường thơ riêng với ảnh hưởng của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Đây cũng là lúc ông phát hiện ung thư trong phổi.
Bài thơ là một độc thoại trong nỗi cô đơn khó lòng chia sẻ. Một cuộc "tổng tảo mộ" ở cuối cuộc đời đầy bi kịch và thất bại, một dòng tâm thức rối bời những tia kí ức khi tỏ khi mờ, những khát khao thèm thuồng vô vọng từ tầm thường đến siêu hình, những lời tự phát xét không thiếu mỉa mai chua chát, thỉnh thoảng lại nhói lên những vết đau phải kêu thành tiếng, và ám ảnh tất cả là hình ảnh cái "Bến lạ" bí mật quyến rũ phấp phỏng lời hứa hẹn đa nghĩa ở cuối cuộc ra đi sau chót.
Một cuộc phơi bày tận cùng bản ngã trong một bút pháp rất gần với lối "viết tự động" (écriture automatique) mà trường phái siêu thực đã thể nghiệm, để ngòi bút dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, khiến đồng hiện bên nhau những mảnh vụn thực tại xa cách về không gian thời gian giống như trong giấc mơ, hòa tấu những ngôn ngữ của trí tuệ, tình cảm, trực giác, tiềm thức và tâm linh. Nhưng thực ra, Đặng Đình Hưng biết phối hợp sự buột miệng tình cờ với lao động kĩ lưỡng trên từng con chữ, từng cách ngắt câu xuống dòng để tạo hiệu quả tổng lực cho bài thơ.
Đường lối hiện đại ấy chẳng hề làm hư hại bản sắc Việt Nam của bài thơ.
Việt Nam ở toàn bộ không khí gợi những không gian thời gian cụ thể với những thực tế của đời sống người Việt, đời sống tác giả.
"Tôi lại đi...
Giữa cái nong hình dáng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, dính dính... những con 8 lộn dọc nhẵn thín nam châm gói trong hạt thóc giống của không biết.
Tôi khắc biết mênh mông một cái bẹn Epicure ngập chìa truồng bốn phía cơn mưa tu lơ khơ xanh đỏ con sập sành - bọ ngựa bám vào nhảy tung! Cõng đi chơi trên lưng Nilông - Cactông của Định mệnh!
Tôi hề biết
Kể cả quả mít nứt
Tôi đã tìm ở sau cái gương/ cũng không có gì hết
Tôi đã tiếp đau thương những nhỏ nhỏ thường thường
Đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt mềm mềm
và rất ngon
Tôi đã bưng
Nhẹ thôi
/ Một nong nghiêng cơn mưa ở trên lưng alfa
cõng tôi Uynh đơ toa... tôi cõng phạt alfa.
Có lẽ dẹt. Bởi trên ngực, cứ thình thình một tiếng đập.”
ĐỈng Đình Hưng đã điềm nhiên đưa những từ ngữ, khái niệm hiện đại và quốc tế như "Epicure, tu lơ khơ, nilông-cactông, alfa, Uynh đơ toa" vào chung sống với những "cái nong, hạt thóc giống, con sập sành bọ ngựa, quả mít"... thuần Việt, đúng như sự chung sống của quá khứ và hiện đại trong thực trạng đời sống. Với thế hệ sinh ra và lớn lên ở những đô thị lớn, chắc từ "nilông - cactông" quen thuộc chẳng kém gì "quả mít", và dĩ nhiên quen thuộc hơn "cái nong", còn những hình ảnh "cõng phạt" và "cơn mưa tu lơ khơ" chỉ có thể gợi cảm với những ai có tuổi thơ trường tiểu học trước và sau cách mạng rồi lớn lên trong đời sống tập thể kháng chiến và miền Bắc trước 1975. Chính những giới hạn cụ thể ấy khiến bài thơ không sa vào "lieu commun".
Bản sắc Việt Nam của Bến lạ ở cú pháp không duy lí, những kết hợp trong đó chức năng các chữ lấn vào nhau tạo thành một trường đa tương tác gây nên tính đa nghĩa của câu thơ:
"một nong nghiêng cơn mưa ở trên lưng alfa cõng tôi".
Bản sắc Việt Nam ở sự thực thể hóa tài chính và bất ngờ những cái trừu tượng:
"hạt thóc giống của không biết"
"đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt mềm mềm"
(Sự ra đi trong mơ tưởng bất lực của kẻ nằm khuôn lưng cái nong, có thể húp từng bát, mới vô vị làm sao. Nhưng sau khi ngẫm nghĩ, bỗng buông lời tự dối: "Và rất ngon").
"Cõng đi chơi trên lưng nilông-cáctông của Định mênh" (Định mệnh này hóa ra cũng đò bỏ, đồ chơi).
"Hễ mưa
một cái túi to
tôi ra đường vồ sẹo"
(Tai họa nhiều như ếch sau mưa, con người hóa cái túi đựng tai ương).
"Bao giờ về quê trong
Khoanh một cái ao giặt áo cả ngày" (Ô mai)
(đời đục quá, phải khoanh một cái ao tâm tưởng).
Bản sắc Việt Nam ở những kết cấu đặc biệt của tiếng Việt được dùng với sáng tạo bất ngờ "tôi quên, là quên hết..." "mỗi ăn xong lại một rửa mồm".
Và trên hết, bản sắc Việt Nam ở nhạc tính bên trong thật phong phú nhờ phối âm các từ ngữ, nhất là khai thác khả năng gợi cảm của ngữ âm các từ láy, các từ tự tạo:
"Thứ bảy giờ dâng
Mâng lại mùa mâng (Ô mai)
(Thời gian biến thành không gian, thời gian chín như nỗi niềm da thịt).
"Hôm qua, tôi ghé alfa
Alfa không có nhà
ồ gặp nhau rồi, sao vẫn cứ li
một nắm hột khuya rắc rối vào bến lạ
Đời gì
Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về Bến Lạ!"
(Nhạc tính ám ảnh của đoạn kết Bến lạ dựa trên hai chđ âm "a" và "i" lặp đi lặp lại như những bước chân buông hờ hững đều đều về cõi khác trong khi lòng còn chưa nguôi thắc mắc về sự phi lí của kiếp người).
60 năm sau cuộc Cách mạng thơ mới, thơ Việt Nam lại đứng trước một thách đố lớn lao trước bước chuyển lớn của lịch sư. Lại thêm một dịp để thấy bản sắc dân tộc không hình thành một lần xong.
Bản sắc dân tộc có nên được giữ gìn theo kiểu người già giữ bát hương trong khi dân tộc đang ở tư thế chàng trai xông vào trận mới? Trong thế hai mặt của bản sắc dân tộc, nhà thơ chúng ta chọn vị thế nào?
(Tham luận tại Hội thảo “Bản sắc dân tộc của thơ Việt Nam”, trường Viết văn Nguyễn Du 1994. Đăng trên tạp chí Sông Hương (Huế) và Tạp chí Thơ (Mỹ) cùng năm)
"
https://www.facebook.com/nhavandoclap/posts/1088973981615474
Bản in trên Tạp chí Thơ (năm 1994)
..
Nhà thơ Hoàng Hưng tên thật là Hoàng Thụy Hưng, sinh năm 1942 tại thị xã Hưng Yên.
Ông tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965. Từ năm 1973 đến năm 1982 ông là phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo. Bị bắt giam và tập trung cải tạo vì cầm tập bản thảo thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm và những bài phác thảo thơ trong nhật ký của mình (8/1982-10/1985). Từ năm 1987 ông tiếp tục làm ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao động trong 13 năm từ 1990 đến khi nghỉ hưu vào năm 2003. Sau khi nghỉ hưu ông thường được mời nói chuyện thơ ở nhiều nước như Pháp, Đức, Hoa Kỳ. Tham gia BBT các báo mạng talawas.org (Đức), Boxitvietnam.net (Hà Nội), vanviet.info (Sài Gòn).
Năm 2014 ông cùng các nhà văn, nhà thơ Nguyên Ngọc, Lê Phú Khải, Hoàng Dũng, Ý Nhi… lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập VN và trang mạng vanviet.info. Năm 2015 ông bắt đầu tổ chức Giải Văn Việt thường niên và giữ trách nhiệm Thường trực Hội đồng Giải.
Các tác phẩm Thơ đã công bố: Đất nắng (in chung với Trang Nghị) 1970, Ngựa biển 1988, Người đi tìm mặt 1994, Hành trình 2005, Ác mộng 2006 (online, talawas.org), 36 bài thơ 2008, Thơ và các bài viết về Thơ HH 2012 (HHEBOOK), Các bài viết về Thơ 2012 (HHEBOOK), Poetry & Memoirs 2012 (International Poetry Library SF), Ác mộng (Nightmares) thơ song ngữ 2018 (Văn Học Press, California).
Thơ dịch: 100 bài thơ tình thế giới (chủ biên và cùng dịch) 1988, Thơ Federico Garcia Lorca 1988, Thơ Pasternak (cùng dịch với Nguyễn Đức Dương) 1988, Thơ Apollinaire 1997, Các nhà thơ Pháp cuối TK XX, 2002; 15 nhà thơ Mỹ TK XX (chủ xướng, tổ chức bản thảo và cùng dịch) 2004, Thơ André Velter 2006; Thơ Thuỵ Điển (cùng dịch) 2010, Trường ca Aniara 2012, Thơ Allen Ginsberg (chủ biên và cùng dịch) 2012 (HHEBOOK), Bài hát chính tôi – Walt Whitman 2015, Trời đêm những vết thương xuyên thấu – Ocean Vuong, 2018.
https://hoanghungpoems.wordpress.com/about/
..
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.