Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

28/02/2021

"Tối tạo" của người Việt là có truyền thống (trì trệ của tư duy chữ Nôm)

Vẫn phải nói rõ hai điều sau về chữ Nôm, dù tôi đã viết cả hai điều này thành các bài học thuật và cho công bố từ lâu rồi (đọc toàn văn bài học thuật ở đây, đọc thêm ở đây và ở đây), đó là:

- Bản thân tôi rất trân quí chữ Nôm, bởi nhờ nó mà đã ghi được một khối lượng thơ văn không nhỏ của người Việt từ khoảng thế kỉ 12 tới đầu thế kỉ 20. Tức trong khoảng 800 năm. Một công việc đã và đang làm của tôi là đọc chữ Nôm, mà một trong đó là đọc các sáng tác bằng chữ Nôm của nhà thơ sứ giả Nguyễn Tông Quai (1693-1767). Đây là nhà thơ độc đáo, đã viết thơ bằng chữ Nôm trên đường đi sứ Trung Quốc hồi thập niên 1740, có tập thơ danh tiếng Sứ trình tân truyện (câu chuyện mới về dường đi sứ). Trong tập truyện bằng chữ Nôm trường thiên ấy, còn có nhiều bài thơ chữ Nôm rời viết rất điêu luyện - từ lâu được xem là những viên ngọc quí trong gia tài văn chương tiếng mẹ đẻ của người Việt --- ra đời trước Truyện Kiều của Nguyễn Du khá lâu.

- Đồng thời với lòng trân quí đối với chữ Nôm, tôi cũng đã và đang phê phán tư duy sáng tạo chữ Nôm. Cả một ngàn năm mũ áo khoa cử chỉ làm ra được một sản phẩm ghi âm rất phồn tạp là chữ Nôm. Đặt trong bối cảnh là khu vực Đông Á, thì đây là sản phẩm văn tự ghi âm kém nhất. Kém nhất là vì dậm chân tại chỗ, chỉ có một loại chữ ghi âm phiên phiến thế thôi, mà nhắm mắt bằng lòng cả làng cả tổng cả nước với nhau tới những ngàn năm, mà không có sáng tạo bứt phá tạo ra được bảng chữ cái.

Thế rồi, đến lúc có chữ quốc ngữ, thậm chí khi chữ quốc ngữ đã phổ cập toàn quốc, khắp hang cùng ngõ hẻm rồi, vẫn có những sáng tạo làm ra chữ Nôm mới. Tức là làm ra chữ Nôm mới khi chữ quốc ngữ đã phổ cập toàn cõi.

Tôi gọi đó là "tối tạo".

Gần đầy, đầu thế kỉ 21, có một số người cũng đang tạo ra chữ Nôm mới. Một trong những vị đó hiện đang ở Đà Lạt, thì tôi đã có liên hệ, nhưng chưa gặp mặt trực tiếp khi nào.

Tuy nhiên, khoảng 100 năm trước, vào thập niên 1930, thì đã có những tác giả làm ra chữ Nôm mới rồi. Tức là, các vị ở đầu thế kỉ 21 này, nhìn toàn cục, chỉ là hậu duệ về mặt "tối tạo" của những vị đầu thế kỉ 20.

Một ví dụ cho tối tạo chữ Nôm mới ở đầu thế kỉ 20 là như sau:






Đấy là năm 1932. Sau đó một năm, vào năm 1933 thì có đề án nữa của Nguyễn Khắc Toàn (xem giới thiệu trong sách của học giả Nguyễn Quang Hồng --- sách của Nguyễn Quang Hồng mới đề cập đến đề án năm 1933 của Nguyễn Khắc Toàn, mà chưa đề cập đến đề án năm 1932 mà tôi đưa ở entry này trên Giao Blog).

Bây giờ, các năm 2010s-2020s, ta lại thấy xuất hiện các hậu duệ của tối tạo. Một ông liều lĩnh đến kì lạ bảo "cha" với "tra" chỉ nên viết thành một âm (cũng tức một chữ khi kí âm), thế mà dám đưa ra cả đề án cải cách chữ quốc ngữ. Rồi lại có những ông tay mơ 4 này hay 5 kia gì cũng đương múa huyên thuyên như vậy. 

Hãy nhìn tấm gương năm 1932 ở trên. Hãy đoạn tuyệt với tư duy chữ Nôm cho sáng tạo văn tự.


Tháng 2 năm 2021,

Giao Blog


..



---


BỔ SUNG



1. Cụ Nguyễn Hải Hoàng đưa lên Fb đoạn sau

"

Từ thời nhà Đường Trung Quốc, triều đình nước Nhật đã chủ động cử nhiều đoàn quan chức sang TQ học chữ Hán, mang chữ Hán về dùng, gọi là chữ Kanji (Hán tự). Về sau họ sáng tạo ra chữ Katakana và Hiragana là loại chữ biểu âm, nhưng vẫn tiếp tục dùng lẫn với chữ Hán biểu ý. Sau nhiều lần chỉnh lí thì tiếng Nhật đã có 3 bảng chữ như bây giờ: 2 loại chữ cái Hiragana và Katakana, 1 loại chữ vuông biểu ý là Kanji (âm Hán-Việt là Hán tự).
Từ cuối thế kỷ 19, người TQ bắt đầu có phong trào Latin hóa chữ Hán. Sau Thế chiến II, phong trào này càng lên cao, nhất là sau 1949.
Tại nước Nhật bị quân đội Đồng minh (chủ yếu là Mỹ) chiếm đóng, Bộ Tư lệnh QĐ ĐM đề xuất loại bỏ chữ Hán, dùng chữ Latin hóa, nhằm nâng cao tỷ lệ biết chữ trong dân Nhật và phát huy tư tưởng dân chủ. Người Nhật hồi đó đang có tâm lý tự ty vì thua trận phải đầu hàng ĐM, vì thế báo đài và nhiều học giả Nhật cũng tán thành bỏ chữ Hán, chuyển sang học tiếng Pháp. Chữ Hán khó học bị gọi là “Chữ của ác quỷ”.
Tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh QĐ ĐM và Chính phủ cùng các học giả Nhật quyết định tổ chức một đợt “Sát hạch điều tra tình trạng biết chữ trong cả nước”, nếu thấy dân Nhật khó đọc khó viết chữ Hán thì sẽ quyết định bỏ chữ Hán.
Ai ngờ kết quả điều tra khiến mọi người sửng sốt: Tỷ lệ số dân không biết đọc và viết chữ Hán chỉ có 2,1%, nghĩa là nước này có tỷ lệ biết chữ lên tới 97,9%, cao hơn cả nước Mỹ đương thời!
Bấy giờ mọi người mới thực sự hiểu rằng chữ Hán đã ăn sâu vào tâm khảm dân Nhật, không thể loại bỏ được. Từ đó trở đi không ai hô hào bỏ chữ Hán nữa. Chính phủ Nhật chỉ làm một điều chỉnh : Ra luật hạn chế số lượng chữ Hán (tức chữ Kanji) được phép sử dụng xuống còn 1945 chữ dùng trong giảng dạy, và 2136 chữ dùng trong xuất bản. (trước đây Nhật dùng cực nhiều chữ Kanji).
Dù sao, tiếng Nhật với 3 bảng chữ viết nói trên thật là thứ ngôn ngữ khó nhất nhì thế giới. Trước đây tôi cứ tưởng bở mình biết chữ Hán thì dễ học tiếng Nhật, ai ngờ hồi ở Moskva, đăng ký đi học được vài buổi đã phải bỏ. Học tiếng Nhật qua tiếng Nga thì quả thật càng khó trăm lần. Đến bây giờ vẫn tiếc là mình quá kém ý chí.
NHHFB210302

"

https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/4119873554690890

..

2 nhận xét:

  1. Hoàn toàn nhất trí với Chu Xuân Giao!
    Chúng ta quý trọng văn học chữ Nôm là một chuyện. Còn đánh giá chữ Nôm được sáng tạo là chuyện khác! Chữ Nôm vô cùng hạn chế vì phải BIẾT chữ HÁN thì mới đọc được chữ NÔM. Mà cách đọc cũng còn khá TÙY TIỆN. Bởi thế mà chữ quốc ngữ tuy ra đời muộn, đã thay thế HOÀN TOÀN và RẤT TUYỆT VỜI cả thứ chữ Hán và chữ Nôm. Tất nhiên, chúng ta cũng phải trả GIÁ cho sự thay thế đó. Các vị Bùi Hiền và tương tự Bùi Hiền cứ nhắm mắt làm việc vô bổ, vô ích là TỐI TẠO ra một thứ chữ VỚ VẨN hòng thay thế chữ Quốc ngữ đã phổ cập và có hàng tỉ tỉ bản in trong vài thế kỉ! TIỀN CỦA đâu để chuyển NÚI văn bản quốc ngữ ra thứ chữ VỚ VẨN, DỊ MỌ của các vị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, cảm ơn thầy Vũ Nho đã đồng quan điểm về vấn đề văn tự sáng tạo ở Việt Nam hiện nay và trong quá khứ.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.