Khoảng gần 10 năm trước, tôi có tìm và đọc lại một số bài viết ngắn nhưng thú vị của học giả người Nga sang làm dâu nước Việt, đó là cô Xtan-kê-vích vợ của học giả Nguyễn Tài Cẩn (nhiều bài đứng tên chung cả hai ông bà), trên các tạp chí khoa học ngày xưa sưu tập được ở Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Các cuốn tạp chí ấy, tôi đã thấy lần đầu trên văn phòng Đoàn trường, vì hồi ấy tôi là cán bộ Đoàn, mà văn phòng thì được nhận các tài liệu của nhà trường và nhiều nơi khác. Liền mượn và photo lại những bài mình chú ý, trong đó có những bài của cô Xtan-kê-vích.
Sau này, mua lại được các số tạp chí ấy ở hiệu sách ở cổng trường (đã kể về cái hiệu sách ấy ở đây). Nên hiện có cả bản gốc và bản photo.
1. Đáng chú ý là bài viết chung của hai vợ chồng cụ Cẩn viết năm 1982, và một bài riêng của cô viết năm 1991, tôi đã dẫn bài đó trong một bài viết học thuật đã công bố chính thức năm 2015 như sau (toàn văn bài đó đọc ở đây):
"
"
"
"
Đó là những bài viết quan trọng của ông bà Nguyễn Tài Cẩn về các văn bản quốc ngữ thời kì đầu tiên, trong đó có cuốn Tam giáo chư vọng. Về cuốn sách đặc biệt này, trên Giao Blog, tôi đã nói nhanh ở đây.
2. Sau này, thấy cụ Đoàn Thiện Thuật cũng có nói về cách nghiên cứu chữ quốc ngữ của các học giả Việt Nam thời 1970-1980 (trong một cuốn sách cụ in năm 2008). Cụ Thuật là học trò cụ Cẩn, ở bậc đại học thì cụ không dạy lớp tôi, nhưng có một vài lần tham gia hỏi thi vấn đáp ở môn cơ sở ngôn ngữ học.
3. Hôm nay, thấy học giả Hoàng Dũng đưa thêm một tư liệu khá hay dưới đây.
Qua đây, thấy rõ phong cách làm việc của thời đó.
Chép nguyên từ bên Fb về đây. Có gì thì dán bổ sung ở dưới như thường khi.
Tháng 2 năm 2021,
Giao Blog
"
https://www.facebook.com/dzung.hoang.501/posts/3759047217486376
"
---
BỔ SUNG
1. Bài của học giả Võ Xuân Quế
VỀ HAI CUỐN TỪ ĐIỂN VIỆT-BỒ-LA (1651) VÀ (1991)
1. Cách đây tròn 370 năm, ngày 5/2/1651 tại Roma, Franciscus Piccolomincus, Bề trên cả Dòng Dòng Tên ban phép cho Propaganda Fide xuất bản tác phẩm “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” (Thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) do Alexandre de Rhodes biên soạn. Đây là tác phẩm in đầu tiên, cùng với “Phép giảng tám ngày”, được xuất bản cùng năm, cũng của de Rhodes, đánh dấu sự ra đời và định hình của chữ Quốc Ngữ.
Từ điển VBL-1651 (dưới đây cũng viết tắt là BG) gồm tất cả 491 trang, với 2 phần. Phần từ điển gồm 450 trang, mỗi trang được chia thành 2 cột và đánh số theo cột (từ 1 đến 900, trong đó có 4 cột: 849-852 bỏ trống); kèm theo là một Appendix, một đính chính cho cả ba thứ tiếng: tiếng Việt (2,5 trang), tiếng Bồ Đào Nha (0,5 trang) và tiếng Latin (0,5 trang), và một Index các mục từ Latin, không đánh số trang hay số cột. Phần “Từ điển” có 248 đính chính được chỉ dẫn theo số cột trước, số dòng sau.
Bên cạnh phần từ điển còn có “Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio” (Khái lược về ngữ pháp tiếng Việt Đàng Ngoài, dưới đây gọi tắt là “Ngữ pháp”), gồm 31 trang độc lập, được đánh số mỗi trang từ 1-31. Đáng chú ý là phần này được in trước phần Từ điển, trong một số bản (như bản ở Thư viện công cộng Thành phố Lyon (Pháp) hiện có trên mạng) và trong một số bản khác lại được in ở cuối, sau phần từ điển (như bản ở Thư viện quốc gia Áo). Dựa vào lời của de Rhodes trong Divers Voyages et Missions, Nguyễn Khắc Xuyên cho rằng “đây là một tập sách độc lập”[1].
REPORT THIS AD
Trang đầu VBL-1651, photocopy từ Propaganda Fide (Roma) năm 2001 (trái) và trang đầu VBL-1991 lấy trên mạng (phải)
Phần “Ngữ pháp” gồm có 8 chương. Chương 1: về các chữ cái và âm tiết tạo thành ngôn ngữ này. Chương 2: các dấu và các dấu nguyên âm khác. Chương 3: về danh từ; chương 4: về đại từ; chương 5: về các đại từ khác; chương 6: về động từ; chương 7: về những phần còn lại không diễn giải được của lời nói; và chương 8: một số bài học thích hợp về cú pháp. Cấu trúc và trật tự này “giống hệt như một phần (gồm 36 trang) trong De institutione grammatica libri tres, tác phẩm được coi là “sách giáo khoa tiêu chuẩn được các giáo sĩ Dòng Tên dùng trong việc dạy các thành viên của họ tiếng Latin”, xuất bản năm 1572 của Manuel Alvares”.
Phần “Ngữ pháp” này được đính chính 2 lần: lần đầu gồm 17 đính chính, in ngay sau phần này và lần 2 gồm 5 đính chính, in sau phụ lục cuối phần “Từ điển”. Sự có mặt của các đính chính và phụ lục này cho thấy VBL-1651 được soạn thảo và in ấn rất công phu và nghiêm túc mà nhiều công trình ngày nay phải học tập. “Brevis Decaratio (Ngữ pháp – VXQ) ngắn gọn và tương đối dễ đọc. Mặc dù không phải là nghệ nhân gốc của tiếng Việt latinh hóa, thông qua các tác phẩm đã hoàn thành bằng ngôn ngữ và tiếng Latin về ngôn ngữ, Alexandre de Rhodes có vị trí xứng đáng là một nhân vật chính trong lịch sử tiếng Việt.”
2. Để sử dụng và khai thác được nguyên bản “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” cần phải biết tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La Tinh hoặc phải có trong tay một bản dịch tiếng Việt. Vì vậy, năm 1991 Viện Khoa hoc xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức biên dịch cuốn từ điển này sang tiếng Việt và Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản với tên gọi “Từ điển An Nam-Lusitan-La Tinh” (Thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La). Dưới đây chúng tôi gọi tắt Từ điển này là VBL-1991 hay bản dịch (BD). Trước bản dịch trọn vẹn này, hai chương đầu (Chương I và II) của “Ngữ pháp” đã được Kenneth J. Gregerson dịch sang tiếng Anh trong công trình “A Study of Middle Vietnamese Phonology” (Nghiên cứu về âm vị học tiếng Việt Trung đại) của ông năm 1969. Năm 2019, một lần nữa toàn bộ “Ngữ pháp” lại được Andrew Gaudio dịch sang tiếng Anh.
Việc biên dịch tiếng Bồ Đào Nha và La Tinh của Từ điển VBL-1651 sang tiếng Việt là một việc làm hết sức có ý nghĩa và rất đáng trân trọng. Nhờ có cuốn từ điển biên dịch này mà những người không biết tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La Tinh có thể biết được lịch sử hình thành của chữ Quốc ngữ và sử dụng được “kho lưu trữ “bỏ túi” về hàng trăm, hàng ngàn di tích văn hóa thế kỷ XVII” của Việt Nam mà Alexandre de Rhodes đã ghi chép lại. Nếu như VBL-1651 là cuốn sách gối đầu giường của các nhà truyền giáo cũng như các linh mục người Việt trong hơn ba thế kỷ qua thì kể từ khi được xuất bản đến nay, VBL-1991 là một nguồn tư liệu không thể thiếu được đối với những người nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ lịch sử tiếng Việt cũng như chữ Quốc ngữ trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, do đây là cuốn Từ điển tiếng Việt đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, được ra đời khi hệ thống chữ Quốc ngữ chưa hoàn toàn ổn định, phương tiện in ấn chưa phát triển nên trong phụ lục cuối phần Từ điển, de Rhodes đã viết “Sau hết, không nên ngạc nhiên nếu thấy nhiều lỗi in trong lần xuất bản đầu tiên của ngôn ngữ này, vì dấu quá rắc rối đôi khi cũng lọt mắt thợ xếp chữ, chắc chắn cũng có những điều khác vượt khỏi tầm mắt tôi, mà sự sửa sai tôi xin phó thác cho những nhà thông thạo ngôn ngữ và tôi xin vui lòng nhận sự phê phán của các vị ấy”. Trong “Lời Nhà xuất bản” của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (tr.5) cũng như “Lời nói đầu” của Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh trong VBL-1991, cũng viết: “Mặc dù việc phiên dịch được tiến hành rất nghiêm chỉnh và thận trọng, chúng tôi chưa dám chắc là không còn sơ suất…Chúng tôi mong rồi đây nhận được nhiều ý kiến xây dựng để khi có dịp tái bản, quyển từ điển dịch này sẽ được hoàn hảo hơn.”
Quả thật, cả BG (VBL-1651) và BD (VBL-1991) đều không tránh được khá nhiều lỗi in ấn và biên soạn. Với BG, ngoài 270 đính chính (248 ở phần “Từ điển” và 22 ở phần “Ngữ pháp”), cũng có một số lỗi không được đính chính. Còn với BD, trong một bài viết in trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống năm 2001, linh mục Đỗ Quang Chính, một trong những người biên dịch BD đã viết: “Hồi đầu tháng 5-1991, khi vừa nhận được quyển Từ điển An Nam-Lusitan-La Tinh, tôi, một trong những dịch giả, thấy quyển sách có nhiều sai sót trầm trọng…”[2] Tuy nhiên, sai sót mà tác giả nói đến ở đây là ở “phần chụp sao nguyên bản” và lý do là “bản này được ai đó tô lại nhiều chữ đã bị lu mờ do khí hậu, thời gian… Nhưng lại tô sai không ít, sai từ trang đầu đến trang cuối sách.” Kết thúc bài viết này, tác giả viết: “Ngoài ra chúng tôi dám hi vọng quyển sách quý giá này sẽ được in lại đúng với nguyên bản hơn” (trích từ chú thích 2).
Đáp ứng mong muốn của tác giả VBL-1651 cũng như của Nhà xuất bản và cơ quan tổ chức biên dịch VBL-1991, trong bài viết này chúng tôi xin chỉ ra những lỗi và điểm chưa nhất quán trong phần dịch sang tiếng Việt (chứ không phải phần sao chụp lại bản gốc) của VBL-1991 với VBL-1651 qua việc đối chiếu hai bản dựa vào hai mục đáng chú ý (2 và 3) trong phần “Phàm Lệ” được in ở đầu VBL-1991.
Ở mục 2, trong “Phàm Lệ” (tr. 6) của VBL-1991, có viết: “Chữ in hoa ở các mục từ và chữ in nghiêng trong phần giải thích các mục từ là những chữ rập đúng theo chữ nguyên dạng của từ điển gốc.” Ví dụ: ꞗá (BG) > ꞗÁ (BD), üỉ, an üỉ (BG) > ÜỈ, AN ÜỈ (BD). Tuy nhiên, ở cả phần “Ngữ pháp” lẫn trong phần “Từ điển” đều có thể tìm thấy một số trường hợp không phản ảnh đúng điều này. Chẳng hạn: riêng về chữ cái U trong BD vốn là chữ cái V “theo chữ nguyên dạng của bản gốc” (sau chữ cái T và trước chữ cái X), ở mục từ, có một số lỗi sau: V Mê (BG) > U ME (BD), Vạc nồi (BG) > UẠC NỒI (BD), üôm > UÔM, uươn ꞗay (BG) > UƯƠN VAY (BD). Còn ở ví dụ minh họa, có 2 lỗi là: uòi uoi (BG) > Uòi voi (BD), nhọn vát (BG) > nhọn vất (BD).
Screenshort cho thấy chữ viết của BG cần được chú thích vừa được chú thích trong ngoặc vuông, vừa không trong BD
Sự không nhất quán thường gặp nhất là vị trí của thanh điệu trong từ/âm tiết. Nhiều trường hợp BD giữ nguyên như BG, song cũng nhiều trường hợp BD sửa lại theo vị trí thanh điệu của chữ Quốc ngữ ngày nay. Chẳng hạn: có 10 trường hợp từ “khaó” và “khaỏ” (BG) được sửa thành “kháo” và “khảo” trong BD. “khứơc” (BG) > “khước” (BD). Song lại có nhiều trường hợp vị trí của thanh điệu trong BG được giữ nguyên trong BD. Ví dụ: “laò, nước laò” (BG) > “LAÒ, NƯỚC LAÒ” (BD), “laò, liệt laò, ốm laò” (BG) > “LAÒ, LIẸT LAÒ, ỐM LAÒ” (BD), “laỏ, oŭ laỏ, bà laỏ, đức laỏ, laỏ tử” (BG) > “LAỎ”, “oŭ laỏ, bà laỏ, đức laỏ”, “LAỎ TỬ” (BD). Có trường hợp cùng một từ nhưng BD vừa giữ nguyên vị trí dấu, vừa đổi vị trí dấu, như từ “lià”, gà lià nhà” (BG) > “LIÀ”, “Gà lià nhà” (BD), nhưng “lià ra” (BG) > “Lìa ra” (BD).
Có thể xếp các lỗi và những điểm chưa nhất quán giữa VBL-1991 với VBL-1651 qua bảng sau đây :
Vì chưa có điều kiện để rà soát tất cả các mục từ và dẫn liệu trong BD, mặt khác do giới hạn của dung lượng bài viết, dưới đây chúng tôi chỉ dẫn ra những lỗi và sự không nhất quán chủ yếu ở trong phần “Ngữ pháp” (gồm 22 trang trong BD) và một số trường hợp dễ nhận thấy ở phần “Từ điển”, qua hai mục (mục 2 và 3) được nêu ra trong “Phàm lệ” như sau:
1. Các chữ cái, từ trong BD không đúng với BG gồm: V (BG) được in thành (>) U (BD), V, mê (BG, có đính chính là: V mê) > U mê (BD); nhềo (BG) > nhèo (BD); 1 trường hợp vừa sai chữ cái vừa sai vị trí dấu thanh điệu: ꞗĕaò (BG) > bĕào (BD). Liên quan đến việc giữ nguyên hình thức chữ viết của BG trong BD, cần biết thêm rằng trong BG, chữ cái ghi âm vị /s/ xuất hiện dưới 2 hình thức ſ (Long s) và s (Short s). Chỉ riêng với các tiếng/từ trong vần/chữ cái S, có 213 từ với chữ ſ, trong khi chỉ có 89 từ với chữ s. Song trong BD, chỉ có 1 hình thức s. Ví dụ: “bất ſinh, chảng sóŭ” (BG, c.510) > “Bất sinh, chảng sóŭ” (BD, tr.159). Cách viết ſ thay s trong một số trường hợp bắt nguồn từ lối viết chữ Roman cursive thời trung đại đến cuối thế kỷ 18. Trong tiếng Việt, cách viết này vẫn còn được dùng trong Dictionarium Anamitico Latinum (Từ điển Việt-La Tinh) của Pegneau de Behain (1772), và các văn bản viết tay của các linh mục người Việt thời kỳ này.
Screenshort từ 2 trang VBL-1651 và 1 trang VBL-1991 trong phần “Ngữ pháp” cho thấy BD vừa sửa đúng vừa sửa sai đính chính của BG
Ngoài ra, cũng cần nói thêm trong phần “Ngữ pháp” có một số từ diễn đạt chưa thực sự chính xác ở BD. Chẳng hạn: “phương ngữ” (tr.5, 255) đúng ra là “tiếng” hoặc “ngôn ngữ” (vì từ trong BG là “Linguae”, bản dịch tiếng Anh dùng “language”); “Vần” trong “Chương I: Chữ và vần gồm trong tiếng này” (tr. 5) đúng ra là “âm tiết” (BG: “ſyllabís”, bản dịch tiếng Anh: “Syllables”); “của” (trong “không chạm tới của”, tr.11) đúng ra là “vòm miệng”, “bình dân” (trong “các tiếng bình dân Âu châu”, tr.12) đúng ra là “thông dụng”, “đó” (trong “đó là danh từ”, tr.12) đúng ra là “cheò”.
Như vậy, có thể thấy VBL-1991 không chỉ có những sai sót nghiêm trọng trong phần sao chụp lại bản gốc VBL-1651 như linh mục Đỗ Quang Chính đã chỉ ra, mà phần biên dịch cũng có nhiều lỗi về chữ viết không đúng với BG cũng như nhiều trường hợp chưa nhất quán với nhau trong BD. Với những người nghiên cứu, nhất là người nghiên cứu sự phát triển của chữ Quốc ngữ, những tư liệu về tự dạng, kiểu viết trong Từ điển này hết sức quan trọng. Vì vậy, để đảm bảo độ tin cậy của các tư liệu, người nghiên cứu không thể chỉ dựa riêng vào bản dịch VBL-1991 mà cần phải đối chiếu với tư liệu từ bản gốc VBL-1651.
Cùng với những “sai sót rất phổ biến trong phần chụp lại BG” của VBL-1991, khiến một trong những người biên dịch đã viết từ năm 2001: “chúng tôi dám hi vọng quyển sách quý giá này sẽ được in lại đúng với nguyên bản hơn”, những lỗi về chữ viết so với BG và dẫn liệu thiếu nhất quán trong phần biên dịch sang tiếng Việt cho thấy Từ điển VBL-1991 rất cần sớm được rà soát, chỉnh sửa và xuất bản lại. Hy vọng nhân Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum tròn 370 năm được xuất bản ở Roma (1651-2021) và 30 năm “Từ điển An Nam-Lusitan-La Tinh” được phiên dịch và xuất bản ở Việt Nam (1991-2021) việc làm này sẽ sớm được thực hiện để các nhà nghiên cứu cũng như những ai quan tâm đến công trình quý báu này không cần mất thời gian đối chiếu giữa BG và BD như bắt buộc phải làm lâu nay.
5/2/2021, tròn 370 năm xuất bản VBL-1651
Võ Xuân Quế
Lời cảm ơn: Xin cảm ơn Pgs. Ts. Hoàng Dũng, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi cho tác giả bài viết của linh mục Đỗ Quang Chính in trong tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 4 (66) năm 2001.
[1] Hoàng Xuân Việt, Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 2006, tr. 147
[2] Đỗ Quang Chính, Về bản “Chụp sao nguyên bản” Từ điển An Nam-Lusitan-Latinh, Ngôn ngữ và Đời sống, số 4 (66)-2001, tr.2-4.
https://vietvafin.wordpress.com/2021/02/05/ve-hai-cuon-tu-dien-viet-bo-la-1651-va-1991/
..
Cảm ơn tác giả Blog đã có bài viết nêu lên vấn đề này, nhân cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ tròn 370 tuổi. Bài viết của linh mục Đỗ Quang Chính đã nói lên những lỗi "đáng ngạc nhiên" trong phần sao chụp lại cuốn Việt-Bồ-La (1651) của bản biên dịch Việt-Bồ-La (1991).
Trả lờiXóaTuy nhiên, đáng tiếc là trong phần biên dịch của Việt-Bồ-La (1991) cũng có khá nhiều lỗi và chưa nhất quán về dẫn liệu chữ Quốc ngữ, như chúng tôi có nêu ra trong bài ở đây (https://vietvafin.wordpress.com/2021/02/05/ve-hai-cuon-tu-dien-viet-bo-la-1651-va-1991/).
Vâng, cảm ơn chỉ dẫn. Tôi đã thấy bài, và xin phép sẽ đưa sang bên Giao Blog ngay.
XóaDịch vụ của Blog nó ẩn bình luận của bác đi mất một vài hôm, hôm nay, tôi mới thấy, và bây giờ mới đưa lên được.