Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

09/02/2021

Chuyện cũ về vùng mỏ, thợ mỏ, nghề mỏ

Chuyện hiện tại, thời điểm các năm đầu thế kỉ XXI, thì xem ở đâyở đây.

Gần đây, gặp nhà thơ Trần Nhuận Minh tại nhà riêng ở Hạ Long, mới được nghe anh kể về quãng thời gian anh đi làm phu mỏ tay trái để viết về vùng mỏ, thợ mỏ. Sau này, một kết tinh của cả đời ở vùng mỏ của anh là trường ca Đá cháy. Từ kinh nghiệm thực tế nhiều chục năm, anh có chú ý chúng tôi về khái niệm "thợ mỏ" và "phu mỏ" của thời Tây, tức thời thuộc Pháp (có một số người là nông dân ra làm mỏ mang tính thời vụ, hết việc lại về quê, mà không phải thợ mỏ hay phu mỏ chính hiệu).

Cũng gần đây, được nghe kĩ sư Đoàn Văn Kiển - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - nói chuyện trực tiếp một các dân dã về "tục uống rượu" của công nhân mỏ, mà là toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam. Ông là tác giả của một cuốn hồi kí rất hay là Thợ lò cũng là chiến sĩ (ghi tên Đoàn Kiển, xuất bản năm 2014, Nxb Lao Động). Tôi đọc cuốn này trước, rồi mới gặp ông trực tiếp.

Trần Nhuận Minh kể về trường hợp Võ Huy Tâm với vùng mỏ và đặc cách trong một giải thưởng văn học quốc gia có sự can thiệp từ trên của ông Tố Hữu. Các chuyện này, với lớp hậu sinh chúng tôi thì sẽ cần xác nhận từ từ. Nhưng quả thực, từ 1954 thì Võ Huy Tâm đã có tiểu thuyết Vùng mỏ (bản in ghi là Ngành Văn nghệ Trung ương, mà không có tên nhà xuất bản). Đến năm 1961, Võ Huy Tâm lại cho ra đời cuốn Những người thợ mỏ (bản in của Nxb Văn học).

Bất giác, gần đây mới được biết: cụ thân sinh của chú Mạc Văn Trang cũng vốn là phu mỏ thời đầu thế kỉ XX.

Sẽ mở một loạt sưu tập những câu chuyện cũ về vùng mỏ, thợ mỏ, nghề mỏ. Đầu tiên là một mẩu do chú Mạc Văn Trang vừa công bố trên Fb, rồi sẽ sưu tập dần.

Các bổ sung dán dần ở bên dưới như thường khi.

Tháng 2 năm 2021,

Giao Blog


----

Ngày 9/2/2021


(Trích Ký ức về Bố và Mẹ, Mạc Văn Trang)
(Trong hình, lúc Mẹ 77 tuổi với 3 cháu Mạc Việt Hồng, Mạc Thu Hương và Mạc Việt Hà)
... Bố trưởng thành rất sớm và năm 16 tuổi đã lấy vợ về “để có người đỡ đần”. Mẹ VŨ THỊ XUÂN, lúc đó 18 tuổi. “Gái hơn hai”..., xưa là đẹp đôi lắm. Mẹ là dâu trưởng, phải “gánh vác giang sơn nhà chồng” chắc là rất vất vả, mà gia cảnh cũng không khá lên được.
Nên năm 1920, tức lúc Bố 20 tuổi, ông đã quyết định ra Mạo Khê làm phu mỏ để đổi đời. Bố làm phu mỏ từ Mạo Khê ra Tràng Bạch, sau hình như ra cả Uông Bí, cho đến năm 1936 mới về ở hẳn làng. Thật tiếc vô cùng, đã không hỏi han, biết lắng nghe Bố kể về cuộc đời làm phu mỏ ra sao suốt 16 năm. Nay chỉ nhớ rất ít, mơ hồ...
Bố không cao như Ông, nhưng cũng tầm thước, hẳn hồi trai trẻ có vẻ đẹp rất đàn ông, rắn rỏi. Đặc biệt Bố rất hăng hái, năng động, nhạy cảm, nóng tính, mạnh mẽ, khác hẳn với tính Ông nội. Với tính cách như vậy lại biết làm Rèn, nên ra làm phu mỏ, chắc Bố được trọng dụng và lương cũng khá hơn...
Mẹ người nhỏ nhắn, dáng đi thanh thoát, nhẹ nhàng, thời trẻ chắc đẹp lắm, vì mãi lúc Mẹ 80 tuổi, vẫn hiện rõ khuôn mặt trái xoan, cặp mắt bồ câu và hàm răng đen rất đều, tất cả hiện lên dáng vẻ dịu hiền. Với người phụ nữ nhỏ nhắn như vậy, không biết mẹ lấy sức mạnh bền bỉ, dẻo dai từ đâu ra để gánh vác bao nhiêu công việc làm Dâu Trưởng của một gia đình, bố chồng là nhà Nho và một đàn em chồng, trong khi chồng đi làm xa...
Sau khi Cô Vĩnh, Cô Viễn đi lấy chồng, Bà kế lại bị đau mắt và hỏng cả hai mắt, hẳn Mẹ càng vất vả. Bà kế cũng là người “mỏng mày, hay hạt”, nhỏ nhắn như Mẹ và hiền lắm. Không biết bà bị hỏng mắt thế nào, mắt bà nhìn qua, tưởng bình thường, nhưng Bà không nhìn thấy gì. Bà hay gọi mình dắt bà ra cầu ao rửa tay chân. Có lúc thì lấy ghế cho Bà ngồi, lấy dao phay, đòn kê để bà thái rau lợn. Bà không nhìn thấy gì, nhưng không chịu ngồi yên. Bà vẫn lần mò làm một số việc trong nhà... Bà mất vào đầu năm 1944, thấy bảo bị bệnh “thương hàn’...
Mẹ kể chuyện, ngày xưa nhà đông người, ít ruộng, nên tháng Ba ngày Tám mấy chị em lại xúm nhau làm Hàng xáo (nghĩa là đi đong thóc về xay, giã rồi đem bán gạo. Cám để nuôi lợn, trấu thì để đun). Công việc này nhìn qua tưởng cũng “nhàn” thôi, vì “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời” như cấy lúa, làm cỏ, nhưng cũng “mồ hôi cổ, đổ mồ hôi bẹn”, vất vả lắm.
Sau này khi mình đã lớn, thấy mẹ xay lúa cứ kéo, đẩy cái chàng xay kẽo kẹt, từng nhịp, chậm chạp, mình bào để con xay cho. Thế là mình đứng xuống tấn, hai chân bám chắc vào nền nhà, hai tay kéo đẩy nhanh, làm cối xoay tít, thóc rơi rào... Mẹ bảo, cha bố anh, mười bảy bẻ gãy sừng trâu có khác... Nhưng Mẹ ơi, xay được chừng 10 phút thì thở dốc, cánh tay rã rời, mệt đứt hơi, không sao cố được nữa. Phải nghỉ chừng 5-10 phút mới lại tiếp tục và rất chóng mệt.
Thế mà mẹ cứ đủng đỉnh xay lúa suốt cả ngày được. Thì ra, chân và người Mẹ cứ nhún nhảy, đẩy chàng xay thì chân bước lên, nhô người về phía trước, kéo chàng xay, thì chân bước lui, giật người về phía sau... Mẹ dùng sức của toàn bộ cơ thể, cứ bước lên, lùi lại, giật cục, đủng đỉnh như vậy hết một cối thóc mới nghỉ, lại đổ đầy cối xay tiếp.
Thường xay hết một thúng thóc thì nghỉ để sàng. Sàng thì đổ thóc đã xay ra một nửa cái Nia, rồi Mẹ ngồi cái ghế thấp, tay cầm sàng, xúc từng mẻ thóc đã xay, lắc sàng để trấu chụm vào giữa rồi bốc trấu ra... Động tác sàng rất đẹp. Tay trái mẹ tì lên đầu gối, tay phải lắc sàng, hai tay phối hợp rất dẻo, nhịp nhàng, mới được.
Sàng hết trấu thì cho gạo vào cối giã gạo. Cối bằng đá. Ngày xưa giã bằng chày tay, kiểu như “tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Nhưng hồi Mẹ làm hàng sáo, đã giã gạo bằng “Cối Máy”, tức là cối bằng thân gỗ dài, có Mỏ cối giã vào cối đá; khi hai hay ba người đứng ở cuối cối nhấn chân thì đầu cối nhấc lên cao; buông chân thì mỏ cối nện vào cối đá chứa gạo. Nếu cối này gọi là “cối máy” thì cối gạo dùng sức nước của người dân tộc miền núi, phải gọi là “cối tự động hóa”... Giã gạo như thế có khi đếm, thóc già phải giã 4 nghìn chày mới trắng; gạo vừa thì giã chừng 3 nghìn chày. Thóc mà phơi non, thì gạo đớn, nhiều tấm. Nên khi đi đong thóc phải tinh, kẻo đong phải thóc non, gạo đớn là lỗ vốn...
Giã gạo trắng rồi đem giần. Giần cũng lắc như sàng, nhưng dễ hơn, vì lắc có vụng thì cám cũng rơi xuống. Thường lắc một lúc thì đặt Giần xuống nia, lấy bàn tay xát và đảo, rồi lắc tiếp cho cám rơi sạch, gạo trắng bong...
Chưa hết, gạo giần xong phải đem rê trước gió hay quạt tay cho bay hết những hạt trấu bổi, để gạo sạch bong. Gạo sạch rồi thì gánh ra chợ bán. Thường Mẹ và các cô,các chị gánh gạo ra Ga Tiền Trung, bán buôn cho người ta đi Hải Phòng. Cũng có khi gánh sang thị xã Hải Dương hay xuống chợ Lai Khê, Phú Thái xa mười mấy km để bán, rồi tiện mua hàng gì đó gánh về...
Mẹ kể, hồi Bố làm phu mỏ ở Mạo Khê, nhiều lần Mẹ gánh gạo, hoặc gánh rau muống, rau cần, từ nhà ra tận Mạo Khê để bán. Mẹ kể gánh 2 thúng gạo (chắc chừng hơn 30kg), cứ kẽo kẹt đến bến đò Mây, thì đi đò sang bên kia lại kẽo kẹt... Đi từ gà gáy canh ba, canh tư (chắc tầm 3- 4 giờ sáng) đến gần trưa thì đến Mạo Khê. Có khi thì ở lại qua đêm, cũng có khi chiều về ngay. Lúc về lại mua hàng từ Mạo Khê (như sắn, củ Nâu, vỏ chay, vỏ quạch ... ) gánh về...
Trời ơi, không thể tưởng tượng, mẹ nhỏ nhắn như vậy mà gánh bộ mấy chục cân, đi hơn 30 km từ nhà ra Mạo Khê, Đông Triều! Sao Mẹ có thể khỏe mạnh, dẻo dai như vậy!?
- Đi xa như vậy mệt lắm, đi bộ không cũng mệt, sao Mẹ còn gánh được nữa?
- Ô hay, đi buôn có bạn, đi bán có phường. Mấy chị em cùng đi, vui chân, vui miệng chả mấy chốc là đến nơi; mệt thì nghỉ, uống nước, quạt mát rồi lại kẽo kẹt đi...
Nhớ câu thơ của Nguyễn Du:
“Có những kẻ đi về, mua bán/
Đòn gánh tre chín rạn đôi vai”... liền lật áo Mẹ ra xem vai Mẹ thế nào. Ôi lớp thịt da trên vai Mẹ, nó mềm, nhẽo như thứ cao su cao cấp: Mềm, nhuyễn. dẻo dai... Mẹ bảo vai Mẹ là “Vai lụa’ thì tha hồ gánh, không sao; chứ người “vai trâu’, da cứng, sần lên, gánh không khéo là bị “vỡ vai”... Đôi vai Mẹ cứ như thế từ hồi thiếu phụ cho đến tuổi già, lúc Mẹ 80 - 90 tuổi, xoa nắn vào vai Mẹ vẫn một lớp da mềm nhẽo, gợi lên biết bao niềm thương xót. Nhưng Mẹ cứ an nhiên chẳng nghĩ đến mình, chỉ lo cho con cháu.
(Trích “Ký ức về Bố và Mẹ” của Mạc Văn Trang)

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1183489052111693&id=100013518285955

---

..

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.