Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/02/2021

Phân tích về tăng trưởng dương trong năm 2020 của Việt Nam, và những lo ngại

Đầu tiên là một phân tích của học giả Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân), sau đó là một suy nghĩ của học giả Phạm Chi Lan.

Sau hai ý kiến này, có phân tích hay thông tin bổ sung thì cập nhật dán ở dưới như thường khi.

Tháng 2 năm 2021,

Giao Blog


---

PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Tăng trưởng GDP nhờ đầu tư công và FDI, vậy tiền đã chảy đi đâu?’

(VNF) – PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ ra: tăng trưởng GDP năm 2020 chủ yếu đến từ đầu tư công và FDI – những khu vực hầu như không sử dụng tín dụng, tuy nhiên tín dụng lại tăng tới 12,13%. Nhiều khả năng, dòng tiền đã chảy vào các kênh tài sản và tạo ra rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Tăng trưởng GDP nhờ đầu tư công và FDI, vậy tiền đã chảy đi đâu?’

PGS.TS Phạm Thế Anh

Là một năm đầy sóng gió nhưng 2020 đã khép lại với nền kinh tế Việt Nam bằng kết quả tăng trưởng GDP 2,91%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Như vậy, “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đã đạt được. Đây được xem là thành tựu nổi bật của Chính phủ không chỉ trong năm 2020 mà còn của cả nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Để có cái nhìn sâu hơn về bức tranh kinh tế Việt Nam 2020 và dự báo triển vọng cho 2021, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế Quốc dân:

- Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Đó là một con số tích cực, xét trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng tới từ đâu lại là một câu chuyện khác.

Thông thường, tăng trưởng tới từ 3 trụ cột: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Về tiêu dùng, năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh, do thu nhập của người dân giảm sút, tâm lí tiết kiệm dự phòng lên cao và sự biến mất của du khách quốc tế từ quý II/2020.

Về đầu tư, chúng ta thấy rất rõ bệ đỡ cho tăng trưởng là đầu tư công, còn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng rất thấp và đầu tư trực tiếp nước ngoài thì suy giảm.

Về xuất khẩu hàng hóa, năm 2020 có thặng dư rất lớn, 19,1 tỷ USD, nhưng thành tích này chủ yếu được tạo ra bởi khu vực đầu tư nước ngoài.

Như vậy, khi nhìn sâu vào con số 2,91%, chúng ta thấy động lực tăng trưởng tới từ đầu tư công và xuất khẩu của FDI. Hai động lực này có những giới hạn nhất định, bởi đầu tư công phụ thuộc vào ngân sách, còn FDI thì tùy thuộc vào tình hình thế giới và lợi ích tạo ra từ khu vực này phần lớn thuộc về người nước ngoài. Giả sử năm tới dịch bệnh vẫn hoành hành trên thế giới, các quốc gia vẫn đóng cửa thì động lực tăng trưởng đầu tư công và FDI có được duy trì không?! Do vậy, tôi nghĩ rằng tăng trưởng cho năm tới là khá khó khăn nếu bệnh dịch còn kéo dài.

- Như vậy, ông khá quan ngại trước mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2021?

Đó là một mục tiêu rất thách thức! Kinh tế thế giới có thể hồi phục 4 - 5%, vì người ta tăng trưởng trên nền thấp, còn Việt Nam tăng trưởng trên nền cao. Thử hình dung, trong điều kiện bình thường cũ (không có dịch), Việt Nam mới đạt được mức tăng trưởng 6,5 – 7%, vậy trong điều kiện có dịch thì sẽ thế nào?!

Khi đặt mục tiêu tăng GDP 6,5%, tôi cho rằng Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, mà sự phục hồi này là rất bất định.

- Quay trở lại với năm 2020, trong “cỗ xe tam mã” (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), ông đã chỉ ra bản chất của tiêu dùng và đầu tư, vậy còn xuất khẩu thì sao?

Chúng ta khá hồ hởi với thành tích xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD, nhưng xin lưu ý đây chỉ là xuất siêu hàng hóa. Cán cân thương mại gồm hai bộ phận là hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa xuất siêu nhưng dịch vụ lại nhập siêu. Năm 2020, Việt Nam nhập siêu dịch vụ tới 12 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với năm 2019. Như vậy, về thực chất, Việt Nam chỉ xuất siêu 7,1 tỷ USD thôi.

Đối với con số xuất siêu hàng hóa 19,1 tỷ USD, chúng ta nhìn kỹ có thể thấy kỷ lục này đến từ FDI. Khu vực này không chỉ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mà còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy một tín hiệu không vui rằng các doanh nghiệp FDI đang thích ứng tốt hơn với tình hình hiện tại và tận dụng các ưu thế FTAs (hiệp định thương mại tự do) tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam.

- Lại nói chuyện xuất khẩu, báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) xuất bản đã bày tỏ sự nghi ngờ về kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng, rằng không loại trừ khả năng Việt Nam chỉ là điểm trung chuyển, tạm nhập tái xuất của hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ. Với tư cách là Kinh tế trưởng của VEPR và với số liệu cả năm 2020 đã có, ông có còn bảo lưu sự nghi ngờ này?

Nói về xuất khẩu, hãy xét cả cơ cấu thị trường và mặt hàng. Về thị trường, xuất siêu của Việt Nam tới từ Mỹ, hơn 60 tỷ USD. Nghĩa là nếu loại trừ Mỹ, Việt Nam nhập siêu hơn 40 tỷ USD. Xuất siêu sang Mỹ đã kéo toàn bộ cán cân thương mại của Việt Nam sang trạng thái thặng dư. Điều này cho thấy một xu hướng là có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất chỉ để xuất khẩu sang Mỹ.

Xuất siêu sang Mỹ cố nhiên là tốt nhưng cũng đi kèm rủi ro, đó là rủi ro phụ thuộc vào một thị trường, mà thị trường này chúng ta chưa có FTA. Giả sử có kịch bản trừng phạt thương mại thì rất gay go cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Mỹ đang điều tra Việt Nam về việc thao túng tiền tệ. Tất nhiên, việc cáo buộc của Mỹ có nhiều vấn đề để bàn luận, nhưng đó cũng là một loại rủi ro đối với Việt Nam.

Trong khi xuất siêu sang Mỹ thì Việt Nam lại nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Và điều này làm dấy lên những nghi ngại. Nghi ngại này có cơ sở hơn khi nhìn vào cơ cấu mặt hàng. Cụ thể, cả xuất khẩu và nhập khẩu năm 2020 có sự tăng trưởng đột biến ở một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị… Các mặt hàng này, Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc và lại xuất nhiều sang Mỹ.

Nhìn chung, ở các mặt hàng nêu trên, Việt Nam được hưởng lợi rất ít, chủ yếu là công lao động. Điều này phơi bày một thực trạng đau xót là là khi có lợi ích thì FDI hưởng gần hết còn nếu xảy ra rủi ro thì doanh nghiệp Việt Nam hứng chịu phần nhiều.

Trong câu chuyện xuất khẩu, chúng ta cũng thấy một thực tế đáng buồn khác là các mặt hàng truyền thống của Việt Nam bị sụt giảm như: dệt may, da giày, nông sản… Muốn năm 2021 tăng trưởng cao thì các mặt hàng truyền thống này phải lấy lại phong độ như trước, bởi lực cầu máy móc, thiết bị điện tử có thể không kéo dài bởi chúng là hàng lâu bền. Tuy vậy, việc các mặt hàng truyền thống có khôi phục được hay không lại phải trông đợi hoàn toàn vào việc các nước Âu – Mỹ – Nhật  có mở cửa trở lại hay không.

- Một vấn đề nổi bật khác trong năm 2020 là tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày cuối năm 2020, tín dụng tăng 12,13%. Nhưng điều đáng nói là chỉ trước đó 10 ngày, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng năm 2020 tăng 10,14%. Có nghĩa là trong 10 ngày cuối năm, tín dụng tăng tới 2 điểm %. Ông có bình luận gì về những con số này?

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 gần bằng năm trước đó, nhưng tăng trưởng GDP lại thua xa, vậy tiền đã chảy đi đâu?

Tôi đặt ra câu hỏi này bởi tăng trưởng GDP 2020 đến từ đầu tư công và FDI, tức là những khu vực hầu như không sử dụng tín dụng.

Tôi cho rằng ngoài việc trái phiếu chính phủ được phát hành đã hút bớt một lượng vốn trong nền kinh tế, thì ít nhất còn hai lí do khiến tín dụng năm nay tăng trưởng 12,13%.

Một là tăng trưởng tín dụng chủ yếu do đảo nợ, gia hạn, cơ cấu nợ. Ví dụ, một doanh nghiệp năm 2019 vay 100 đồng, lãi suất 10%. Năm 2020, doanh nghiệp không có năng lực trả, ngân hàng cơ cấu nợ, đem lãi nhập gốc thành khoản nợ mới trị giá 110 đồng. Như vậy, tín dụng tăng trưởng 10%. Nhưng tín dụng này không đi vào sản xuất, không tạo ra công ăn việc làm, không thúc đẩy tăng trưởng. Đó chỉ là tăng trưởng tín dụng trên sổ sách.

Hai là có thể tín dụng không trực tiếp đi vào sản xuất mà đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu (ô tô) và giao dịch tài sản (bất động sản và chứng khoán). Điều này thấy khá rõ: giao dịch chứng khoán năm 2019 trung bình 4.000 tỷ đồng/phiên, năm nay những tháng cuối năm đã lên tới 20.000 tỷ đồng/phiên, rất khủng khiếp; giá bất động sản cũng tăng vòn vọt.

Tất nhiên, các ngân hàng thương mại có thể không cho vay đầu tư chứng khoán hay bất động sản một cách trực tiếp. Nhưng tín dụng có thể đi đường vòng để đổ vào các kênh tài sản này. Ví dụ, một doanh nghiệp có lợi nhuận tích lũy, trong điều kiện bình thường sẽ dùng lợi nhuận đó tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhưng do dịch bệnh, lãi vay thấp, chủ doanh nghiệp đi vay ngân hàng để có tiền hoạt động, còn đem lợi nhuận tích lũy đi đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Trường hợp khác là chủ doanh nghiệp đáng lẽ lấy tiền trả nợ, nhưng do được ngân hàng tái cơ cấu nợ, đã đem tiền đó đi đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Do đó, rất khó để cơ quan quản lý nhà nước có thể tự tin rằng tín dụng đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Nếu quả thực tín dụng đi vào sản xuất, kinh doanh thì thật đáng lo ngại, vì chất lượng tín dụng kém quá, tăng tới 12,13% mà GDP chỉ tăng 2,91%. Tôi không nghĩ hiệu quả sử dụng vốn thấp như vậy đâu.

- Vậy khuyến nghị của ông về chính sách tiền tệ và tài khóa cho năm 2021 sẽ là gì?

Quan điểm của tôi không thay đổi: tài khóa vẫn cần tập trung vào những gì cần thiết, thiết thực. Những gói hỗ trợ như miễn giảm thuế (thu nhập doanh nghiệp) hay giảm phí (trước bạ ô tô) đều là những biện pháp lãng phí, ai hưởng lợi vẫn hưởng, ai chết vẫn chết.

Nguồn lực tài khóa của Việt Nam hạn hẹp nên rất cần giữ trọng tâm. Ưu tiên hàng đầu vẫn là chi trả an sinh cho người lao động mất việc làm. Thứ hai là đầu tư công, nhưng phải trọng điểm, tập trung vốn cho những dự án trọng điểm đã có kế hoạch, vì đấy là nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai, không để tái diễn tình trạng chậm tiến độ, đội vốn; kiên quyết nói không với những dự án không cần thiết như quảng trường, tượng đài.

Về chính sách tiền tệ, tôi khuyến nghị hai chữ “thận trọng”. Cuối năm 2020, hiện tượng bong bóng giá tài sản đã xuất hiện rồi. Chính phủ càng hạ lãi suất thì càng kích thích tiền chảy sang kênh tài sản.

Tăng trưởng tín dụng cũng cần tận trọng, đừng ham thành tích. Tăng trưởng tín dụng 12 – 13% mà tiền không vào sản xuất kinh doanh thì tăng để làm gì. Nới lỏng tiền tệ chỉ làm giàu cho các chủ ngân hàng, công ty tài chính. Trong thời kì dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất hết sức khó khăn mà các ngân hàng vẫn báo lãi rất lớn, đó là hiện tượng kinh tế rất phản cảm.

Năm tới, Việt Nam vẫn đối diện với rủi ro tài khóa, đã thành cố hữu, khi thâm hụt ngân sách cao và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp/thu ngân sách chạm trần. Chính sách tiền tệ mà tạo ra bong bóng tài sản nữa thì vô cùng rủi ro. Khi dịch bệnh qua đi, kinh tế hồi phục, sức ép lạm phát sẽ tăng lên. Khi đó, Chính phủ không còn cách nào khác là tăng lãi suất để chống lạm phát, chống bong bóng giá. Hậu quả là cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sẽ nai lưng ra chịu trận.

Cái chúng ta cần là giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động. Hạ lãi suất tiền gửi, ở một khía cạnh nào đó, đang giảm thu nhập của những người có thu nhập thấp trong xã hội. Khi thu nhập giảm, tầng lớp này càng thắt chặt chi tiêu khiến cầu giảm, hàng hóa bán kém. Có thể nói, công cụ lãi suất chưa chắc đã có tác dụng với kinh tế Việt Nam ở bối cảnh hiện tại…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

https://vietnamfinance.vn/pgsts-pham-the-anh-tang-truong-gdp-nho-dau-tu-cong-va-fdi-vay-tien-da-chay-di-dau-20180504224248525.htm?fbclid=IwAR3SmGoA_BHfLLrh5rW1kT4C3t8pbrosiDA_maXFWktgZ90v4_F0ooxsm5c?fbclid=IwAR3SmGoA_BHfLLrh5rW1kT4C3t8pbrosiDA_maXFWktgZ90v4_F0ooxsm5c


..


"Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi!"

(Dân trí) - "Xã hội không thiếu những đứa trẻ sinh ra đã ở trên vạch đích, mấy tuổi đã có xe hơi, bất động sản. Đây là hệ lụy cho thế hệ tương lai, làm mất động lực làm việc cố gắng để làm việc của họ".

Kinh doanhChủ nhật 14/02/2021 - 10:59



Dịp đầu xuân mới, chuyên gia Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ về vận hội mới, cách thức đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Báo Dân trí xin trích đăng cuộc trò chuyện, trao đổi với nữ chuyên gia.

- Phóng viên: Thưa bà, nhiều năm làm việc trên cương vị tư vấn độc lập cho Chính phủ và các tổ chức kinh tế, năm 2020 đi qua và bước sang năm 2021, bà có những nhận định gì về cơ hội, thách thức lớn của Việt Nam?

- Đúng là đại dịch Covid-19 tác động lớn đến thế giới và Việt Nam, nó làm thay đổi toàn bộ khái niệm, học thuyết và vận hành lối cũ cho nền kinh tế. Thực tế, đại dịch chưa qua đi và hiện nó đang có khả năng đe dọa nền kinh tế Việt Nam là rất rõ rệt. Ngay ở các nước lớn, nơi có tiền lực kinh tế hàng đầu, các đợt tái bùng phát Covid-19 với chủng mới đã và đang làm tình hình trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 1

Thành quả lớn thứ 2 của Việt Nam là chúng ta tăng trưởng dương mặc dù thấp so với kế hoạch, đạt hơn 2,91%. Tuy nhiên, đây là thành quả tốt so với nhiều nước khác, nhất là so với điều kiện bản thân mình.

Tuy nhiên, nếu đem câu chuyện tăng trưởng để nói về thành công của Việt Nam so với nước khác, tôi không tán thành bởi những nước khác bị Covid-19 rất nhiều, ảnh hưởng tới kinh tế rất lớn. Còn Việt Nam bị tác động Covid-19 nói chung là ít hơn các nước, nhưng tác động kinh tế rất lớn so với mình hình dung. 

Nền kinh tế còn lệ thuộc quá nhiều vào 1 số thị trường bên ngoài (rõ nhất thị trường nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN), đầu tư nước ngoài; chiều về xuất khẩu phụ thuộc Trung Quốc, một loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu thì 70% là sang Trung Quốc. 

Lẽ ra chỉ hơn 1.000 bệnh nhân, chi phí y tế không nhiều thì không tác động nhiều tới kinh tế, điều đó cho thấy hệ quả của những năm trước dồn lại là rất lớn vì mô hình phát triển của Việt Nam không ổn. 

Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc vào Mỹ ngày càng lớn và rủi ro, lớn, minh chứng là cuối năm 2020, Mỹ từng đưa chuyện thao túng tiền tệ để cánh báo Việt Nam. Việc này có từ cách đó hơn 1 năm giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, phía Mỹ nghi ngờ nhiều mặt hàng xuất khẩu củ Việt Nam bị Trung Quốc lợi dụng thay đổi xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc để hưởng thuế ưu đãi. 

Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 2

Ngoài ra, yếu kém nội tại của Việt Nam hiện vẫn nằm ở sự phụ thuộc FDI quá lớn, ngay khi doanh nghiệp FDI khó khăn, nền kih tế chịu tổn thương, trong khi mà FDI phần lớn là sử dụng Việt Nam làm điểm gia công hàng hóa, cầu xuất khẩu do tự doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chỉ chiếm chưa đến 30%, còn 72% giá trị xuất khẩu vẫn thuộc về FDI nên Việt Nam chịu rủi ro, khó khăn. '

- Nói về khu vực FDI, Việt Nam được xem là thành công nhất trong thu hút vốn ngoại và biến nó thành động lực phát triển. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ huy động tốt mà chưa đưa vốn ngoại vào phát triển hiệu quả, nền kinh tế sớm bộc lộ hạn chế, yếu kém, chia rẽ do vốn FDI, bà có quan điểm gì về vấn đề này?

- Người ta vẫn nói Việt Nam nguy cơ trở thành nền kinh tế rỗng ruột khi FDI rút chân đi, điều này rất đúng bởi loại bỏ FDI, chúng ta còn có những gì làm trụ cột quốc gia.

Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 3
Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 4

Mô hình và cách thức đầu tư nước ngoài chưa thay đổi, họ vẫn dựa vào Việt Nam như là nơi tận dụng nhân công giá rẻ để xuất khẩu, sử dụng công nghệ thấp nên giá trị gia tăng thấp...

Tất cả nhân tố thấp ở Việt Nam vẫn được duy trì, coi như thế mạnh của Việt Nam. Việt Nam còn định kéo dài đến bao giờ tình trạng này mà không thay đổi? 

Trong khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội Việt Nam chuyển mình, tiếp nhận đầu tư từ các nước châu Âu vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao để tự chủ chuỗi cung ứng. Đến khi Covid-19 xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp của họ chuyển khỏi Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng có nhu cầu tìm kiếm chuỗi cung ứng mới. Việt Nam và Singaporer có cơ hội này nhưng Singapore không có FTA với châu Âu, Singapore cũng không phải cứ điểm sản xuất nên Việt Nam gần như rơi vào vị trí tốt nhất để lựa chọn, nhưng Việt Nam chưa làm được gì nhiều để chuẩn bị lôi cuốn được nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư châu Âu vẫn nói so với nước khác thì Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn để chuyển vốn vào, thiếu hụt nguồn nhân công làm công nghệ cao, Việt Nam mới chỉ sẵn sàng làm khâu lắp ráp cuối cùng còn sản phẩm tinh hoa, trung gian khác thì Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa sẵn sàng có đội ngũ kỹ sư, quản trị hiện đại như các nước phát triển.

Về quy mô doanh nghiệp, Việt Nam còn có nhiều doanh nghiệp cỡ nhỏ, thiếu doanh nghiệp tầm trung để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, các đại gia lớn lại đi theo con đường riêng của họ, chủ yếu hướng vào bất động sản chứ chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm, mặn mà làm công nghiệp hỗ trợ. Nói chúng, chúng ta thiếu các nền tảng cho công nghiệp hiện đại.

Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 5

Mọi người trông chờ vào thời gian tới chúng ta có đột phá hơn trước, bộ máy quản lý hành chính của Việt Nam hơn ai hết phải thấy quý ở cơ hội gắn với thời gian, phải biết là không cơ hội nào chờ mình mà phải tự nắm lấy, đi vào xu thế của thế giới. Năm 2021, kinh tế toàn cầu sẽ còn khó khăn, nhưng đấy là thời gian người ta chuẩn bị tối đa phục hồi nền kinh tế, lúc nào Covid-19 đỡ thì phải bắt tay vào ngay. 

- Nếu gạch đầu dòng những nhiệm vụ phát triển đất nước trong năm 2021, bà đề cao nhiệm vụ nào nhất và theo bà Việt Nam phải làm gì để có thể hiện thực hóa mục tiêu, triển vọng đưa đất nước hùng cường, phát triển như mục tiêu 2045 trở thành nước giàu? 

- Đầu tiên phải nhấn mạnh đến đầu tư công, không nên để như năm 2020, trong 6 tháng đầu năm không giải ngân được, bức bách quá mới đẩy mạnh vào cuối năm, giải ngân ồ ạt.

Việc chuyển vốn đầu tư công vào các dự án này cũng tốt song nó khiến triệt tiêu các động lực kinh tế khác, loại bỏ cơ hội tham gia các dự án lớn của doanh nghiệp trong nước, mất đi cơ hội kích cầu cho xã hội.

Thứ 2 là chất lượng cải thiện nền kinh tế đến đâu là chưa rõ. Đáng lẽ, bối cảnh Covid-19, Nhà nước khó khăn thì nên để doanh nghiệp tư nhân đứng ra làm, Nhà nước dùng đầu tư của mình làm cái khác hoặc chỉ sử dụng vốn của mình một phần thôi, không được lạm dụng để đặt điều kiện quá cao, hợp tác công - tư, tạo môi trường trưởng thành cho doanh nghiệp Việt.

Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 6
Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 7
Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 8

Năm 2020 là năm thế giới bắt đầu xu hướng tái cấu trúc lại nền kinh tế, Việt Nam cũng có thời cơ để tái cấu trúc nhưng vẫn chưa làm gì được, vẫn bỏ qua cơ hội. 

Năm 2021, theo tôi phải đặt cao giải ngân hiệu quả, chất lương đầu tư công, khu vực tư nhân và nâng chất lượng FDI bằng các việc làm, chiến lược cụ thể. Ví dụ, đẩy mạnh đầu tư công bằng việc hướng vào chất lượng, cần loại bỏ bớt các dự án trụ sở, tượng đài, giảm bớt sự tham gia nhà nước, tăng cường PPP.

Khu vực tư nhân thì cần tập trung thúc đẩy hình thành doanh nghiệp tầm trung, chứ không chỉ nên tập trung ưu tiên cho doanh nghiệp cỡ lớn không như hiện nay. 

Năm 2020, chúng ta thấy một loạt doanh nghiệp cỡ trung bán mình cho nước ngoài hay mang vốn ra nước ngoài đầu tư. Họ quyết định ra đi rất nhanh, dù mất công sức 20-30 năm gây dựng tại Việt Nam. Trong khi đó tại Việt Nam, cách thức duy trì sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn vẫn là quan hệ thân hữu, còn lại đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ li ti, nền kinh tế hổng ở giữa.

Chúng ta hình dung ra hình ảnh, mấy con sếu đầu đàn bay tít lên cao, trong khi đàn chim sẻ ở dưới đất loay hoay với những lo lắng cũ kỹ, vậy thử hỏi nền kinh tế bao giờ mới cất cánh và lớn mạnh thế nào được? Không thể cất cánh nền kinh tế bằng bất động sản được.

- Chúng ta có kinh nghiệm của 30 năm thu hút FDI, nhưng bước sang giai đoạn mới, thực hiện mục tiêu mới, chắc chắn Việt Nam phải tái cơ cấu, "lái" FDI phục vụ mục tiêu chiến lược của mình?

- Thực tế đã cho thấy, khu vực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang là ngành kinh tế cao, hướng vào xuất khẩu, chiếm giá trị xuất khẩu lớn, có công nghệ cao hơn và thoát ly khỏi nền kinh tế. Còn khu vực doanh nghiệp Việt vẫn đi theo cách riêng, chưa vào được chuỗi giá trị tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI lớn.

Lấy ví dụ ở sự thành công của Hàn Quốc. Cách làm của tổng thống Park Chung Hee đưa đất nước phát triển theo các riêng, họ học hỏi Nhật Bản - Mỹ - Đức và vận dụng để phát triển các doanh nghiệp thân tộc, chứ không mời FDI vào vội mà sau khi doanh nghiệp nội có tiềm lực, họ mới vào để lấy làm đối sánh với nhau.

Hàn Quốc xem những gì tiên tiến nhất ở các nơi, xem nó phù hợp nhất với đất nước thì đem về nên thành ra cái gì Hàn Quốc cũng chọn 3 công ty để làm hình mẫu. Ngành ô tô, Hàn Quốc cũng lập ba công ty lớn, sau đó cạnh tranh nhau thì dần tìm ra được cái gì ưu, nhược điểm của nhau để có thể dung hòa nhau.

Chủ trương quan trọng nhất của ông ấy là học xong về làm lấy, vay thì có thể vay nhưg không đưa nước ngoài vào. Mình yếu, mình nhỏ thì vào họ khống chế hết, khi nào mình đủ trình độ tiếp nhận công nghệ thì mới có lợi cho mình, chứ mình yếu thì họ vào có lợi, họ chèn doanh nghiệp mình không thể lớn được.

- Gần đây, chúng ta có khu vực doanh nghiệp tư nhân khá lớn, có một số là đại doanh nghiệp đi theo hướng riêng của mình. Theo bà, thời gian tới, Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn những đại doanh nghiệp như vậy và chúng ta cần làm gì để điều này trở thành xu hướng, nở rộ trong tương lai?

- Theo tôi, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn lên là tự thân của họ, nếu có hỗ trợ cũng chỉ là cơ chế chính sách, không có nhiều biệt đãi. Về cơ bản, các đại doanh nghiệp vẫn tự tìm cho họ mối quan hệ, tự xoay sở, từ đấy khôn lên biết lựa chọn để phát triển.

Nhiều doanh nghiệp ban đầu cũng dựa vào đất đai, bất động sản, nhưng rất may là sau đó nhiều ông lớn đã chuyển hướng sang sản xuất công nghệ đủ sức mạnh để đi vào công nghệ lõi.

Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 9
Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 10
Tôi lo cho những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mấy tuổi có xe hơi! - 11

Trong khi tất cả cơ hội kinh doanh trong sản xuất công nghiệp, thương mại có giá trị gia tăng cao lại thuộc về các doanh nghiệp Nhà nước hoặc khu vực FDI làm hết. Mảng còn lại để doanh nghiệp Việt làm là nông nghiệp lại rất khó làm, chả ai muốn cả, khó nhằn nhất vì đất đai phân tán, nông dân làm ăn manh mún, rủi ro thiên tai, dịch bệnh thường trực và lợi nhuận thấp. 

Một điều tôi rất tiếc năm 2020 là chúng ta chưa đưa Luật Thuế tài sản vào áp dụng để hạn chế tiền đổ vào đất đai, rửa tiền hợp pháp. Hai lần đưa ra Dự Luật Thuế tài sản đều bị bác bỏ vì lợi ích của các bên khác quá nhiều, dẫn đến nhiều người cản trở sự ra đời của Luật này.

Không ở đâu, quan chức sướng như Việt Nam và cho là thành một nghề. Nhiều chuyên gia quốc tế đã nói rằng Việt Nam không hề thiếu tiền nhưng tiền đem đổ vào lĩnh vực mà nó không tạo ra giá trị gia tăng lớn cho đất nước và bị chôn chặt ở đó. 

Thuế tài sản nếu được áp dụng sẽ thay đổi toàn diện nhất, bớt đi giá cao cho bất động sản, bớt nguồn tiền vào bất động sản, để có nguồn tiền vào lĩnh vực khác, đồng thời giảm tham nhũng, giảm việc quan chức rửa tiền vào bất động sản. 

Xã hội hiện nay không thiếu cảnh, đứa trẻ sinh ra đã ở trên vạch đích, đứa con mười mấy tuổi đầu đã có xe hơi, có tài sản lớn là bất động sản. Cảnh bố mẹ có tiền, chở con đi học bằng xe hơi, không bắt con làm việc nhà, tận hưởng cuộc sống xa hoa… Đây là hệ lụy cho thế hệ tương lai, làm mất động lực làm việc cố gắng để kiếm tiền, gia tăng giá trị bền vững cho tương lai.

- Trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)


https://dantri.com.vn/kinh-doanh/toi-lo-cho-nhung-dua-tre-sinh-ra-da-o-vach-dich-may-tuoi-co-xe-hoi-20210214090205315.htm?fbclid=IwAR2KJMdMg0GOHXUuWkEKdzi8pmi2TUWw5b8dfJnDbCOAKsgSyDPdE8tcVxw

..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.