Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/12/2020

Văn nghệ Thứ Bảy : thơ của nhà khảo cổ Hà Văn Tấn (1937-2019)

Tập thơ vừa được xuất bản nhân ngày giỗ đầu của học giả Hà Văn Tấn.

Đầu tiên là một ít ảnh do các học trò của cụ vừa đưa lên trên Fb. Trò Kiên và trò Đông vừa tới viếng thăm mộ thầy, hóa một cuốn thơ gửi cho thầy ở thế giới bên kia.
















Tiếp theo là bài mở đầu của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Tháng 12 năm 2020,

Giao Blog


---


Phạm Xuân Nguyên 

Thứ sáu, ngày 11/12/2020 05:00 AM (GMT+7)

Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi giới thiệu với bạn cuốn sách mang tên "Thơ Hà Văn Tấn" vừa được in nhân dịp giỗ đầu ông. Đọc tập thơ này bạn sẽ được bất ngờ.



Bất ngờ bởi vì lâu nay nói đến Hà Văn Tấn (1937 – 2019) là người ta, không riêng gì giới làm sử, đều biết đó là một nhà sử học, nhà khảo cổ học tài năng và danh tiếng. Nhưng nay trong dịp giỗ đầu ông, mọi người bất ngờ được gặp một Hà Văn Tấn khác qua thơ và đọc thơ ông sẽ bất ngờ thấy ở ông một phẩm chất thi sĩ đích thực.

Số là ông có một cuốn sổ tay khổ nhỏ dùng để chép thơ bắt đầu từ 1956. Chép bằng bốn thứ chữ: chữ Việt để ghi những bài thơ ông làm và ông dịch; chữ Hán, chữ Pháp và chữ Nga để ghi nguyên bản những bài thơ ông thích.

Trang đầu cuốn sổ ghi hai câu thơ: "Mai sau đời sẽ hát ca / Mai sau cây cỏ nở hoa trên mồ" như một lời đề từ. Đây là hai câu dịch của nhà thơ Tố Hữu khi ông dịch bài thơ "Nếu thầy mẹ chết" ("If we die") của Ethel Greenglass Rosenberg (1915 – 1953). Bà cùng chồng là Julius Rosenberg (1918 – 1953) đã bị chính quyền Mỹ kết tội làm gián điệp cung cấp các tài liệu về bom nguyên tử cho Liên Xô và đã bị xử tử hình trên ghế điện năm 1953. Bài thơ "If we die" là chúc thư ông bà gửi lại các con. Nhà thơ Tố Hữu đã dịch bài này qua bản tiếng Pháp thời kháng chiến lần thứ nhất và bản dịch sau này đã được in trong tập thơ "Việt Bắc". Đây là một bản dịch hay và chắc hẳn anh thanh niên Hà Văn Tấn đã đọc nó và yêu thích, từ đó ông đã chọn lấy hai câu tâm đắc như muốn làm lời đề từ cho cuốn sổ thơ của mình. Nguyên văn hai câu này trong bản tiếng Anh là: "Earth shall smile, my sons, shall smile / and green above our resting place". Câu thơ đề từ chắc chắn được Hà Văn Tấn chọn có ý thức vì đọc cả cuốn sổ tay thơ của ông ta sẽ thấy ông luôn biết vươn lên, vượt qua những buồn đau nghịch cảnh để hướng tới ngày mai tươi sáng.

Phần chữ Việt trong sổ tay, Hà Văn Tấn ghi lại 22 bài thơ ông sáng tác, chủ yếu trong những năm 1956-57. Cộng với các bài lẻ ghi ở những tờ lẻ ngoài sổ tay thì trong tập thơ di cảo này có khoảng hơn ba mươi bài của ông làm. Thơ Hà Văn Tấn viết chủ yếu về ba mảng. Trước hết là về gia đình. Trong cải cách ruộng đất gia đình ông ở Hà Tĩnh cũng bị nhiều hệ lụy. Do đó tâm trạng chàng trai họ Hà tuổi đôi mươi ra Hà Nội học đại học mỗi khi nhớ quê nhớ nhà thường trĩu nặng buồn đau. Trong một bài thơ làm năm 1956 sau khi dẫn hai câu ca dao "Chiều chiều ra đứng bờ sông / Muốn về quê mẹ mà không có đò" ông viết:Không phải không có đò / Hay nhiều sông lắm núi / Mà vì trong lời thơ / Còn vương nhiều buồn tủi.

Đó là người có quê xa. Nhưng ngay cả người có quê gần mà cũng ngại ngần về quê vì sợ trên đường về "vô tình thấy lại bóng quê hương". Cái quê hương đã khiến người con của quê yêu quêtừng "giật mình kinh sợ" khi nghe thấy hai tiếng đó. Sao mà xót xa vậy! Cảnh ngộ đó là của một người bạn mà Hà Văn Tấn gọi là "Hắn" với đầy lòng cảm thông, chia sẻ như kiểu "đồng bệnh tương liên". Nghe câu người bạn xứ Kinh Bắc nói nỗi sợ về quê như trên, anh thanh niên Tiên Điền, quê hương Nguyễn Du, ngậm ngùi: Giây phút lòng tôi bỗng tái tê / Còn bao nhiêu đứa phải xa quê / Dầu ngay trước mắt làng yêu dấu / Phải cúi đầu im, chẳng nẻo về.

"Hắn" có khi cũng chính là hình bóng tác giả. Giữa cơn bão táp điên cuồng lịch sử ập đến khi mới ở ngưỡng cửa cuộc đời, chàng trai Hà Văn Tấn vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Trong bài thơ nhan đề "Cho riêng Hắn" (có ghi tiếng Pháp "Pour lui seul") với lời đề tặng "cho ai có cặp cánh Mùa Xuân", Hà Văn Tấn đã để cho Hắn bay lên trời xanh vượt thoát mây đen.

Hắn vụt nhớ: "Ta còn đôi cánh rộng"

Đôi cánh ấy còn đầy bao sức sống

Cứ vươn lên cho rợp một phương trời

Hắn sẽ cất mình, bay tận Ngày Mai.

Trên đôi cánh ấy Hắn cài những bài thơ mặc cho gió mạnh cólàm thơ tung rơi thì "Hắn tin rằng giữa đất trời / Người ta thấy một nụ cười đang bay". Nhà sử học nổi tiếng sau này từ khi trẻ đã biết chấp nhận lịch sử như nó có và tin vào quy luật vận động tất yếu của nó. Khi giông bão đang quăng quật mọi người tứ tán, chia lìa gia đình họ tộc xóm giềng, anh đã nghĩ tới cuộc "Đại đoàn viên" mặc cho ai đó coi anh như thế là điên. Cả linh hồn cũng về đây họp mặt / Đường bùn lầy, những hình bóng oan khiên / Bỏ xác lạnh nằm im trong lòng đất / Rủ nhau về vui cuộc "Đại đoàn viên".

Đó có thể là một cơn động viên mình trong tai họa, cũng có thể là một sự vững tin ở bản thân và con người. Những câu thơ đóviết tháng IX/1956 cho thấy tấm lòng thương người của anh thanh niên họ Hà. Như sau này nghe nhạc Beethoven ông đã được truyền cảm hứng từ nhà soạn nhạc vĩ đại "Trong đau thương vẫn trân trọng con người" và "Dẫu đắng cay, biết tin có niềm vui". Đến tháng X/1956, ở bài thơ dài mang cái tên thân mật "Gửi đàn chuột nhỏ" viết tặng mấy người em con chú, Hà Văn Tấn nhắc lại kỷ niệm những ngày trẻ thơ êm ái của mấy anh em ở làng và dặn các em hãy cười lên, quên đi những đau khổ ngày qua. Anh sẽ vui mừng biết mấy / Bao nhiêu đứa trẻ họ Hà / Đều đã cho người ta thấy / Trong tay còn chữ TÀI HOA. Hai chữ viết hoa to do chính tay tác giả viết trong sổ. Những câu thơ như thế ghi sổ tay hơn sáu mươi năm trước bây giờ hiện ra đã cho ta thấy một Hà Văn Tấn tuổi hai mươi đầy quyết tâm và nghị lực sống cuộc đời mình.

THƠ HÀ VĂN TẤN

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020.

Số trang: 148 (khổ 15cm x 23cm)

Số lượng: 1.000

Giá bán: 99.000

Mảng thơ thứ hai ông viết về tình yêu với cô gái mang tên Quỳnh Nga sau này là bạn đời của ông. Khi yêu, Hà Văn Tấn là một tình nhân say đắm dạt dào như mọi chàng trai trên đời, ở đâu lúc nào cũng có Em. "Em bỗng đến như đi cùng tiếng nhạc", đó là khi anh đang nghe bản sonate thứ nhất của Beethoven, để rồi bên em "lòng anh như con trẻ / trong lành sao như một tiếng ru xưa". Em bên anh nói về những chùm nho làm anh ngơ ngác, ngờ đâu vị nho chín mọng chính là đôi môi nóng bỏng của em dâng tặng anh. Em là cây bạch đàn nhỏ của anh "mảnh mai là dáng người thương / chỉ cho ta thấy nẻo đường đầy vui", hương bạch đàn em đã làm trái tim giá lạnh của anh ấm lại và "từ trong cằn cỗi nẩy chồi yêu thương". Em thành nỗi nhớ thường trực trong anh đêm ngày tối sáng, nhớ điên cuồng mạnh mẽ đủ mọi cung bậc, "nỗi nhớ mênh mông vì tình anh tha thiết / Cho riêng em, mãi mãi thuộc về em".

Mảng thơ thứ ba Hà Văn Tấn viết về công việc của ông - một nhà khảo cổ đi tìm lại lịch sử dưới tầng sâu đất đá. Ngắm một hiện vật thời Lý có men sứ mầu xanh nhà khảo cổ mang tâm hồn thơ thấy cả mầu xanh của sắc trời, của mạ non trên ruộng, và "Cả mầu xanh sông trời Như Nguyệt / Đêm trăng thanh đối mặt với quân thù". Trèo lên một hang cao ở Hòa Bình để làm công việc khai quật chợt ngửi thấy mùi hương theo gió tràn vào nhà khảo cổ tin chắc người xưa đã từng làm thơ. "Khi người xưa nghiền hạt / Cửa hang treo vành trăng / Lẽ nào lại không hát / Và không làm thơ chăng?" - một khổ thơ lãng mạn nối xưa nay trong những cảm xúc NGƯỜI. Đó là hai bài thơ nói về vật cổ người xưa. Đến "Một bài thơ tình của nhà khảo cổ" (1970) thì Hà Văn Tấn đã mượn công việc với người xưa để tỏ tình với người nay. Bài thơ có lời đề "Tặng QN người vẽ minh họa cho tôi". QN đây chính là Quỳnh Nga của ông, năm 1970 đang là một họa sĩ ở Viện khảo cổ học, chuyên vẽ hiện vật. Nhà khảo cổ học đã không giấu diếm lòng mình khi nói rõ đây là một bài thơ tình. Và ông đã tỏ tình theo cách của mình rất "khảo cổ". "Anh tưởng tim anh là quác dít": "Quartzit" là một loại đá biến chất từ cát kết thạch anh, có độ cứng rất cao. "Ai ngờ tình em như a xít" khiến tim anh chưa hẳn hòa tan "Nhưng đã mềm ra như đá sít". Đá sít (Schist) còn gọi là phiến thạch sét hay đá phiến sét, là loại đá trầm tích hạt mịn mà các thành tố nguyên gốc của nó là các khoáng vật sét hay bùn. "Đá sít lâu ngày thành đất sét", thế là trái tim nhà khảo cổ được a xít tình em biến thành một thứ vật liệu cho "anh dâng em cô gái dịu hiền" để em nặn thành một bình hoa đẹp trên đó tự tay em "vẽ hoa văn đối xứng Phùng Nguyên". Địa danh này là một di chỉ khảo cổ được đặt tên chomột thời kỳ văn hóa thuộc thời đại Hùng Vương. Và từ cái cớ cái tứ rất thơ rất tình đó nhà khảo cổ đã khéo tỏ lộ được lòng mình với người mình yêu.

Biết không, em, người thời Hùng Vương

Khi vẽ nên hình đối xứng gương

Là muốn dặn bốn nghìn năm nữa

Anh và em hãy biết yêu thương!

Theo bà Nga cho biết, bài thơ này của hai người không rõ vì sao nhà thơ Phạm Huy Thông (bấy giờ là Viện trưởng Viện Khảo cổ học) có được. Khi hai người làm lễ cưới, giáo sư đã tự tay đánh máy lại nó cùng lời ghi "Sao y nguyên bản" và gửi cùng quà tặng cô dâu chú rể.

Ở phần thơ nước ngoài Hà Văn Tấn chép lại một số bài thơ chữ Hán chữ Pháp chữ Nga. Chữ Nga ông chỉ chép lại bản gốc một bài thơ có đầy đủ họ tên tác giả cùng xuất xứ và bản dịch của chính ông. Đó là bài "Верность" (Trung thành) của Сергей Островой (Sergei Ostrovoy 1911 - 2005) đăng tạp chí "Огонёк" (Ngọn lửa nhỏ) số 28 tháng 7/1956. Bài thơ nói về sự trung thành bền chặt của cây thông với mặt đất sỏi đá nơi nó mọc lên bên bờ biển mặc cho bão lay gió giật vẫn không rời nhau: Nhưng rễ cây bền vững / Cắm xuống tận lòng sâu / Thông bám vào đá cứng / Đá níu gốc thông cao. (Но, цепкими корнями / Врастая в глубину, / Сосна держала камень, / А он держал сосну). Bản dịch theo đúng nguyên thể bản gốc với những từ ngữ mạnh mẽ thể hiện được sự cứng cáp của cây thông và sự gắn kết của thông với sỏi đá.

Chữ Hán ông chép 9 bài thơ Đường viết chữ theo nguyên tác, 2 bài của Nguyễn Du không viết chữ Hán, chỉ có phiên âm và dịch thơ. Ông dịch thơ bậc thi hào đồng quê Tiên Điền có lẽ là do thấy mình đồng cảnh ngộ tâm trạng của tiền nhân xa quê, nhiều tâm trạng: Mười năm gió bụi xa nhà / Bạc phơ mái tóc sống nhờ quê ai (Thập tải phong trần khứ quốc xa / Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia). Hai bản dịch ra thể lục bát đều ghi năm 1956. Nhưngở bản dịch bài "Sơn cư" (Ở núi") của Nguyễn Du tác giả ghi ở cuối là "Dịch năm xưa – 1956 chữa lại". Như vậy có thể suy ra Hà Văn Tấn biết chữ Hán từ sớm và đã dịch thơ từ nhỏ. Bản dịch này lời thơ dịch lục bát thanh thoát và u sầu tỏ được cái buồn dằng dặc của một người lánh nạn thời loạn.

Phần chữ Pháp trong sổ tay Hà Văn Tấn chép 9 bài thơ, trong đó 3 bài có đầu đề, 8 bài không ghi tên tác giả nhưng có thể đoán là thơ trữ tình Pháp vì trong sổ có một bài duy nhất là thơ Nga dịch sang tiếng Pháp thì có ghi rõ đầu đề, tên tác giả và nguồn trích, nhờ đó tôi đã có thể tra Google biết được đầy đủ tiểu sử tác giả và nguyên văn bài thơ gốc, còn 8 bài thơ Pháp thì không tra thấy bài nào. Tôi đã tạm dịch nghĩa cả 9 bài thơ, riêng bài thơ Nga thì dịch nghĩa cả từ bản tiếng Pháp và từ bản gốc tiếng Nga để bạn đọc đối chiếu.

Nhìn chung qua 9 bài thơ tiếng Pháp có thể thấy khuynh hướng cảm thụ thơ của Hà Văn Tấn vẫn vừa say đắm tình yêu vừa ý thức trách nhiệm sống ở đời. Có hai bài đáng chú ý nói về tình yêu mà ông đã chép lại. Một bài nói về tình yêu với người phụ nữ đã như bông hoa tàn héo nhưng chính khi đó anh lại càng yêu em hơn. Một bài nói về tình yêu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa, một sự nghiệp vĩ đại nhưng không vì thế mà coi tình yêu là chuyện nhỏ nhoi, bé mọn. Ông đọc bài thơ Nga "Павшим" (Viết cho những người ngã xuống) của Степан Щипачев (Stepan Shchipachev 1899 - 1980) qua bản tiếng Pháp để cùng nhà thơ Nga hai lần được giải thưởng Stalin (1949, 1951) biết sống xứng đáng trước những người lính đã ngã xuống: Món nợ của tôi to lớn / Và cả đời tôi – không chỉ mấy dòng thơ – / Với những người ngã xuống vì Tổ Quốc / Tôi muốn đáp đền xứng đáng.

Cho tôi chia sẻ ở đây một bất ngờ thú vị đến với tôi từ những bài thơ tiếng Pháp Hà Văn Tấn chép trong sổ tay. Số là lâu nay tôi đã thuộc và rất thích bốn câu thơ dịch nói về cái bước đi khó nhất trong đời người là những bước chập chững đầu tiên trên mặt đất. Nó khó nhất vì đó là cái bước khởi đầu của mọi khởi đầu cho con người về sau đi ngang đi dọc khắp chốn khắp nơi. "Mai sau con cưỡi gió mây / Con bay vượt biển con bay băng ngàn / Nhưng đường chẳng thể gian nan / Bằng đi từ ghế sang bàn hôm nay". Bốn câu này tôi đọc trong một bài báo mà tác giả dẫn ra nhưng không ghi tên tác giả cũng không nói tên bài thơ khiến tôi tìm hoài không thấy xuất xứ. Bất ngờ trong sổ tay thơ của Hà Văn Tấn có bài này bằng tiếng Pháp "Les premiers pas" (Những bước đi đầu tiên), tuy vẫn không có tên tác giả. Nguyên văn khổ thơ tôi vừa dẫn lời dịch ra như sau: "Plus tard, pilote, il conquerra l’azur / Survolera les mers et les falaises / Mais son chemin lui semblera moins dur / Que ex trajet de la table à la chaise". Người dịch nào đó đã dịch vừa sát vừa hay một ý thơ đơn giản mà sâu sắc thấm thía đời người. Đọc nó ta càng hiểu thêm Hà Văn Tấn những ngày trai trẻ đã có ý thức về những bước đi đầu tiên của đời mình để về sau cống hiến cho cho đời những công trình nổi tiếng về khoa học lịch sử.

Đọc hết cuốn sổ tay thơ ghi từ hơn sáu mươi năm trước và bây giờ là tập thơ này của Hà Văn Tấn ta thấy ông chép thơ không phải ngẫu nhiên. Ông thích thơ, có tâm hồn thơ và có ý thức làm thơ. Phải chăng dòng mạch Tiên Điền của Nguyễn Du, bậc thi hào đồng châu đồng quận, có chảy trong ông! Điều này thể hiện ở ý tứ, câu chữ, thi ảnh ông lựa chọn và viết ra. Trong thơ ông nỗi nhớ có âm thanh, màu sắc, có cả hình hài. Nỗi buồn cũng có thể xếp được thành từng mảnh. Bàn tay có thể mọc cánh bay lìa khỏi người. Trăng có màu xanh.

Thơ đã nâng đỡ ông những ngày đau. Thơ giúp ông thổ lộ tâm tình, dù chỉ mình với mình. Thơ thương ông và ông thương thơ. Vậy nên ông mới có một bài thơ rất lạ làm vào một ngày đầu tháng Tư (không thấy đề năm nhưng chắc là hồi trẻ) khi đang bị sốt. Bài thơ "Muốn viết bài thơ lên bánh đa" đọc lên nghe khoái khoái mà cũng ngùi ngùi.

Muốn viết bài thơ lên bánh đa

Ta ngâm thơ rồi nhai thơ ta

Thơ vào dạ dầy thế mà ấm

Thơ ra ngoài giời nghe lạnh lắm

Thơ thường nhìn ta, mắt oán hờn

Có phải vì ta thơ cô đơn?

Đọc thơ Hà Văn Tấn là đọc cả nỗi niềm bánh đa này của tác giả. Ông muốn ngâm thơ rồi nhai thơ cùng bánh đa, còn ta thì nghẹn ngào xúc động cùng ông. Chính cảm xúc đó đã khiến tôi nhận lời đề nghị của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên, một học trò và đồng nghiệp của ông, viết lời giới thiệu cho tập thơ sổ tay này. Sinh thời trong "bộ tứ" sử học được truyền tụng "Lâm-Lê-Tấn-Vượng" chỉ có ông là tôi không được diện kiến, dù tên ông tôi biết, sách ông tôi có đọc, và tôi lại được là đồng hương Hà Tĩnh cùng ông. Nhưng khi đọc cuốn sổ thơ của ông thì tôi thấy mình phải có đôi lời của kẻ hậu sinh để chia sẻ cảm xúc của mình được những vần thơ ông mang lại. Và để mọi người cùng biết đến một Hà Văn Tấn khác – THƠ.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-bat-ngo-ha-van-tan-tho-20201210164005121.htm

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.