Hơn 10 năm về trước, các năm 2010-2011, chúng tôi (gồm chủ nhân Giao Blog, nữ nhà báo Mai Khuê, một đàn em Đại học Tổng hợp Hà Nội, và mấy vị nữa) đã khởi xướng một quĩ từ thiện, để tưởng niệm nữ nhà báo Hải Sâm ở Lào Cai (có thể đọc lại tạm thời trên Giao Blog bên Yahoo, ở đây, ở đây và ở đây).
Về nữ nhà báo Mai Khuê (tên quen gọi là Mai Nghé hay Nghé Ọ) thì trên Giao Blog có thể đọc ở đây (Nghé Ọ là bạn học phổ thông cùng lớp với vợ cũ của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ).
Tôi đã dùng ngoại giao nhân dân và ngoại giao văn hóa (ở đây), bây giờ dùng thuật ngữ từ thiện nhân dân.
1. Quĩ từ thiện nhân dân của chúng tôi hồi năm 2010 đã có khởi đầu thuận lợi. Dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam lúc đó còn chưa tiện lợi, cơ bản phải dùng tiền mặt là chính. Bởi vậy, tôi thường phải đi tận nơi để nhận số tiền từ thiện của từng người một (ví dụ lên Hàng Ngang - Hàng Đào để gặp chị Nga vô thường, tới khu phố Nhà Chung để gặp đại ca Hùng, ra dãy hàng cà-phê ở Thanh Xuân Bắc để gặp đàn anh Liêm,...). Sau đó, tôi sẽ chuyển lên cho tài khoản của quĩ, lúc đó đặt ở một chi nhánh ngân hàng trên Lào Cai - do một đồng nghiệp của nhà báo Hải Sâm đứng làm chủ tài khoản (nhưng có văn bản ghi nhớ đứng tên 3 người - ai làm gì đều phải được sự đồng ý của 2 người còn lại).
Nhưng được một ít hôm, tôi đã đánh tiếng nhờ các luật sư trợ giúp về mặt pháp lí. Lúc bấy giờ, tôi mới vỡ lẽ: luật pháp Việt Nam ở thời điểm ấy, tức trước năm 2010, thì không có sự hỗ trợ nào cho các hoạt động từ thiện nhân dân, như chúng tôi đang làm !
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (tức Luật sư Nguyễn Minh Tâm) còn ân cần gửi cho tôi các văn bản cũ và mới của pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động từ thiện.
Tôi đã nghiên cứu các tư liệu đó, rồi chia sẻ cho mọi người trong nhóm. Chúng tôi đã có thảo luận thực sự, trở đi trở lại. Kết luận được chúng tôi thống nhất: nhiệt tình và thiện tâm nhưng không được pháp luật hỗ trợ thì chính là con dao hai lưỡi, phải hết sức cẩn thận. Do đó, sau một thời gian, chúng tôi đã khóa lại hoạt động.
Sau đó, chính bản thân nhóm chúng tôi cũng dần dần e ngại làm từ thiện nhân dân ! Bởi công việc ấy chưa được hành lang pháp lí nào bảo hộ cả, rất dễ vướng vào rủi ro không lường được.
2. Bây giờ, đang là năm 2020, tức là đã hơn 10 năm đi qua rồi, nhưng về mặt pháp lí liên quan, vẫn không khác mấy so với hồi 2009-2010 mà tôi đã kể ở trên.
Dịch vụ của hệ thống ngân hàng thì đã phát triển vượt bậc. Nếu năm 2010, về cơ bản là dùng tiền mặt, ngân hàng chỉ rất hạn chế. Thì bây giờ, năm 2020, mọi thứ giao dịch tiền nong đều có thể thực hiện qua điện thoại di động, không còn phải ra ngân hàng nữa. Chỉ mất vài chục giây gạt màn hình Iphone hay Bphone là xong hết mọi thứ. Thế nhưng, hệ thống pháp luật liên quan thì lại không có thay đổi gì.
3. Bão lụt lịch sử năm 2020 này, vẫn đang trong dịch Covid-19 toàn cầu, với sự nở rộ của hình thức từ thiện nhân dân (tiêu biểu nhất là trường hợp ca sĩ Thủy Tiên), thì yêu cầu cấp bách đổi mới pháp lí liên quan phải được đặt ra. Không thể muộn hơn được nữa.
4. Entry này, từ đây trở xuống sẽ đưa dần tư liệu từ các nơi về theo hai hướng: 1). Yêu cầu cấp bách đổi mới pháp lí liên quan đến hoạt động từ thiện nhân dân; 2). Các hoạt động từ thiện nhân dân tiêu biểu (ca sĩ Thủy Tiên; nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ ở Phủ Giầy - Nam Định; doanh nhân Thạch Văn Trường làng Ninh Hiệp - Hà Nội,...)
Các tư liệu đưa lên dần như mọi khi.
Tháng 10 năm 2020,
Giao Blog
---
CẬP NHẬT
I. Yêu cầu cấp bách đổi mới pháp lí liên quan đến hoạt động từ thiện nhân dân
..
4.
Thủ tướng: Khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8876 gửi Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khẩn trương xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008.
Công văn nêu rõ, để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về nội dung này.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng nghị định nêu trên để thay thế Nghị định số 64/2008 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Hoạt động cứu trợ bà con chịu ảnh hưởng lũ lụt. Ảnh: Thanh Tùng |
Thủ tướng giao UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ.
Bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi
Bộ Tài chính cho biết, sau khi Nghị định số 64/2008 ban hành, các địa phương đã tiến hành vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện khi có thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra, góp phần hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Cụ thể, trong thực tế, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với nhiều mức độ khác nhau; tuy nhiên, Nghị định chưa quy định rõ mức độ thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng cụ thể để xác định trường hợp nào do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi, trường hợp nào do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ra lời kêu gọi.
Bên cạnh đó, thời gian để Ban cứu trợ các cấp tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ sau mỗi đợt thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định hiện nay là 30 ngày được các địa phương nhận định là còn ngắn, đặc biệt là đối với công tác tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng bào người Việt sinh sống tại nước ngoài.
Đối với một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền, hàng cứu trợ lớn dẫn đến công tác tiếp nhận mất nhiều thời gian và công sức. Đồng thời, tiền, hàng cứu trợ được các tổ chức, cá nhân đóng góp cụ thể cho cá nhân, địa bàn, nội dung nào thì cần được tiếp nhận, phân phối và sử dụng đúng địa chỉ. Thời gian tiếp nhận không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hàng, cứu trợ.
Đối với mỗi đợt thiên tai xảy ra, có nhiều nguồn lực được huy động, sử dụng để hỗ trợ khẩn cấp cũng như lâu dài cho người dân vùng bị thiệt hại như ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); dự trữ quốc gia; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn hỗ trợ của các Quỹ xã hội, từ thiện.
Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước quy định rõ nội dung chi, định mức chi; Quỹ phòng chống thiên tai chỉ quy định nội dung chi, không quy định mức chi. Trong thực tế, các hộ gia đình đều được hỗ trợ từ nguồn như ngân sách nhà nước, Quỹ phòng, chống thiên tai, đóng góp tự nguyện chung (không có địa chỉ cụ thể); việc không quy định mức chi dẫn đến người bị thiệt hại các đợt thiên tai khác nhau có mức hỗ trợ chênh lệch lớn (do phụ thuộc vào nguồn vận động, đóng góp).
Ngoài ra, một số hộ gia đình còn được hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân nên có sự chênh lệch lớn.
Hiện nay, các nội dung chi từ nguồn vận động, đóng góp tự nguyện chủ yếu tập trung vào việc cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh…), cấp cứu người bị thương, hỗ trợ gia đình có người chết, người bị nạn; hỗ trợ xây dựng nhà bị đổ, bị trôi, bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống trước mắt đối với nạn nhân, thân nhân của nạn nhân.
Những nội dung chi này có phần trùng với nội dung chi hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Quỹ phòng chống thiên tai và chưa thực sự đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân khu vực bị thiệt hại, cụ thể là thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm xá, đường giao thông…
Ngoài ra, Nghị định số 64 chưa quy định hình thức hỗ trợ (bằng tiền hay hiện vật) từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ theo quy định.
Khi tổ chức thực hiện Nghị định số 64, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương như Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Sở LĐTB&XH, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính…
Ngoài ra, sau thời điểm Nghị định số 64 có hiệu lực, Nhà nước đã ban hành một số chính sách nhằm khắc phục thiên tai. Vì vậy, cần rà soát lại nội dung của Nghị định số 64 cho phù hợp và thống nhất.
Thu Hằng
3.
Trước những quan điểm trái chiều liên quan đến ca sĩ Thuỷ Tiên và nhiều cá nhân trong giới showbiz kêu gọi làm từ thiện cho bà con vùng lũ, đã và đang diễn ra, VietTimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập về vấn đề này.
Kêu gọi từ thiện là quyền chính đáng của mỗi người
PV: Việc làm từ thiện của ca sĩ Thuỷ Tiên đang gây chú ý của cộng đồng với nhiều quan điểm trái chiều . Vậy ý kiến của luật sư như thế nào về việc giới nghệ sĩ đứng ra kêu gọi từ thiện?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước hết, theo kinh nghiệm của tôi, ở nước ngoài việc các nghệ sĩ, đặc biệt là ca sĩ, diễn viên điện ảnh, tham gia các hoạt động từ thiện không chỉ là chuyện bình thường, mà còn đặc biệt hiệu quả. Trong khi ở Việt Nam điều này còn khá mới.
Chính vì thế, câu chuyện ca sĩ Thuỷ Tiên làm từ thiện vừa qua rất thành công làm không ít người bất ngờ. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt giữa kêu gọi từ thiện và tổ chức hoạt động này. Nó bao gồm cả huy động, quản lý, phân phối, báo cáo và giải trình về sử dụng tiền từ thiện.
Nếu việc kêu gọi từ thiện là quyền chính đáng của mỗi người, hơn thế còn là nghĩa cử cao đẹp, thì khâu tổ chức đi sau đó lại khá phức tạp và vất vả. Việc này đòi hỏi những điều kiện nhất định, không chỉ là khả năng hành động của những người trong cuộc mà còn cả các yêu cầu pháp lý nữa.
Do đó, tôi hoan nghênh ca sĩ Thuỷ Tiên và các anh, chị em nghệ sĩ Việt Nam tham gia hoạt động này. Ít nhất là ở mức độ kêu gọi từ thiện đã làm thức tỉnh lòng trắc ẩn, tình yêu thương đồng loại và sự sẻ chia cùng tinh thần đoàn kết.
Đây vốn là những giá trị đẹp đẽ nhất của con người và suy nghĩ, tư tưởng của nghệ sĩ đương nhiên đều hướng tới các giá trị này. Chính họ luôn luôn tôn thờ hay là hiện thân của cái đẹp.
PV: Trong khi Thuỷ Tiên cùng nhiều “sao” đứng ra kêu gọi từ thiện và được ủng hộ rất lớn, còn các tổ chức xã hội lại không mấy hiệu quả. Vậy có chăng vấn đề là niềm tin trong hoạt động từ thiện hay không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Cần phải nói rằng, thông lệ cho tới nay, việc kêu gọi đóng góp, tài trợ cho mục đích từ thiện chủ yếu do các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện. Và tôi không thể đánh giá rằng nó không hiệu quả, bởi phải có đủ đối chứng để so sánh và đối chứng đó có thể là trường hợp của Thuỷ Tiên.
Nhưng rõ ràng chúng ta hay ít nhất cá nhân tôi nhận thấy ba điều thú vị với chữ “rất”.
Thứ nhất là cách làm khá âm thầm, giản dị nhưng sức lan toả rất nhanh. Thứ hai là số lượng tiền huy động tính trên một hoạt động rất lớn. Và thứ ba cũng là điều đáng để ý nhất, đó là số tiền đóng góp của từng người tuy nhỏ nhưng số lượng tham gia lại rất đông.
Về lý thuyết, đó mới chính là bản chất của công việc thiện nguyện. Thiện nguyện không phải là nghĩa vụ mà là quyền được yêu thương đồng loại, nó biểu hiện qua lòng trắc ẩn (là cái cần có để tôi sẵn sàng cho đi) và niềm tin (là cái cần có để tôi lựa chọn ai để cho hay đưa tiền).
Trong khi đó, một khi Nhà nước tham gia vào với vai trò là người khởi xướng và tổ chức thì nhiều hay ít, theo lẽ tự nhiên, công việc này sẽ có màu sắc nghĩa vụ. Cho dù có gọi là “nghĩa vụ tự nguyện” chăng nữa.
Đó là điều chúng ta vẫn thấy trên truyền hình, khi các cơ quan, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, nhân viên đóng góp bằng ngày lương của mình. Xin thưa, thiện nguyện đích thực chính là hoạt động hàng ngày mà không phải là sự kiện hay phong trào, và càng ít công khai càng tốt.
Ví dụ như người dân Mỹ có truyền thống làm từ thiện từ rất lâu. Mỗi người lặng lẽ đóng góp 5 hay 10 USD mỗi tháng, vậy mà người ta thu được tới trên 300 tỉ USD một năm.
Cho nên, nếu bỏ qua hiện tượng nhiều người không còn tin vào các kênh tổ chức của Nhà nước hay đoàn thể do tình trạng quan liêu và tham nhũng chung đã làm cho hoạt động này bị ảnh hưởng, hoặc vạ lây, thì còn có thực tế khác đơn giản là nhiều người không thích như vậy.
Tóm lại, không thể bắt ai phải lý giải tại sao mình lại yêu, thích và tin cô Thuỷ Tiên được. Đó là tình cảm tự nhiên của con người và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Và chỉ có thế thì làm điều thiện mới mang đến hạnh phúc cho cả người cho và người nhận.
PV: Nếu so sánh giữa việc vận động mang tính cá nhân của các "sao" và các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước ,thì theo ông có phải người dân không tin vào các tổ chức này? Hay còn lý do nào khác?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Để có một đánh giá thì không thể chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài, như số lượng người tham gia hay số tiền quyên góp được, mà cần cả thông tin về thành phần tham gia nữa.
Xét về khía cạnh tâm lý, nếu là người dân bình thường, đặc biệt các bạn trẻ, là những người vốn biết và yêu thích chị Thuỷ Tiên hay anh Công Vinh. Hay rộng hơn các ca sĩ, nghệ sĩ nào đó thì họ chắc chắn sẽ lựa chọn những người này để đưa tiền, mà không phải là các tổ chức nhà nước, trừ khi đó là nghĩa vụ phải làm.
Trong khi đó, nếu là cán bộ, công chức nhà nước thì có lẽ họ sẽ ủng hộ kênh làm từ thiện của cơ quan, tổ chức của họ hơn. Như vậy, câu chuyện niềm tin rất khó, nó tuỳ thuộc vào từng người, từng việc và từng hoàn cảnh.
Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng có hai yếu tố có ý nghĩa tác động tâm lý rất cao. Đó là các hiện tượng tư túi, bớt xén, phân phối không công bằng và lạm dụng tiền từ thiện trong khu vực nhà nước đã từng diễn ra khiến người dân mất tin tưởng.
Thứ nữa là sẽ rất hiếm trường hợp nào thông qua truyền thông xã hội, người dân chứng được kiến trực tiếp người nhận tiền như chị Thuỷ Tiên lặn lội vất vả đến từng nơi, từng nhà ở vùng lũ lụt để phát cho bà con như thế.
Ở đây, tôi muốn nói đến các giới hạn khi cơ quan, tổ chức nhà nước làm từ thiện thì khó vượt qua được. Đó là sự cồng kềnh, phức tạp hay không thể hành động nhanh nhạy, linh hoạt của bộ máy hành chính quan liêu và điều này cho thấy vai trò của các nhà từ thiện tư nhân rất quan trọng, không thể thiếu để bù đắp các khiếm khuyết này.
Cần có cách tiếp cận mới và khác với hoạt động từ thiện
- Theo ông, Nhà nước cần làm gì để huy động nguồn lực cứu trợ từ các cá nhân trong việc tái thiết sinh kế cho người dân gặp nạn nói riêng và những vấn đề lớn khác của đất nước nói chung?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Bàn về lâu dài, chúng ta phải thấy rằng Việt Nam là một đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả thiên tai và biến đối khí hậu. Các hoạt động ứng phó đang diễn ra đã bộc lộ những hạn chế.
Thậm chí bộc lộ cả những giới hạn mà các cơ quan, tổ chức chuyên trách của Nhà nước khó có thể vượt qua. Do đó, theo tôi rất cần một cách tiếp cận mới và khác đối với hoạt động này.
Đó là phải tin và chủ động tạo điều kiện để các lực lượng xã hội ngoài nhà nước cùng tham gia làm thiện nguyện và cứu trợ, trong khi không làm giảm vai trò của Nhà nước.
Cụ thể, cần đầu tư, đào tạo, trang bị thật sự bài bản, chuyên nghiệp cho các lực lượng cứu hộ của Nhà nước và kết hợp với tổ chức, xây dựng mạng lưới các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tự nguyện của người dân. Tức là việc đầu tư này không chỉ tập trung vào lực lượng dân quân, tự vệ hay dân phòng để bảo vệ an ninh quốc phòng như hiện nay.
Ngoài ra, một khi xảy ra tình huống thiên tai, khủng hoảng, các cơ quan, tổ chức Nhà nước phải đóng vai trò chỉ đạo, điều phối và hỗ trợ mọi hoạt động cứu hộ, cứu trợ của các lực lượng khác nhau, chứ không phải độc quyền, làm thay hay làm riêng rẽ một mình.
- Một vấn đề nữa cần bàn đến là hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện của các cá nhân. Theo ông, Nhà nước cần làm gì để khuyến khích, huy động nguồn lực này, đồng thời, kiểm soát được những tiêu cực phía sau hoạt động vận động, cứu trợ?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về khía cạnh này, dư luận vừa qua không chỉ quan ngại mà còn bức xúc với các rào cản cho hoạt động thiện nguyện của người dân bởi Nghị định 64/2008 của Chính phủ.
Theo đó, các hoạt động kêu gọi và tổ chức quyền góp cứu trợ của các tổ chức, cá nhân không được phép, hay không đăng ký đều bị coi là vi phạm. Tôi hiểu sự e ngại cũng có lý của người ban hành văn bản này về những sự tiêu cực, lạm dụng có thể có, nếu Nhà nước không kiểm soát hoạt động này.
Tuy nhiên, chúng ta đã có thực chứng sinh động về việc kiểm soát không hiệu quả ở phía các cơ quan, tổ chức chính thống, trong khi hoạt động tự nguyện, tự giác của người dân lại cho kết quả ngược lại.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới việc những hoạt động cứu trợ, cứu nạn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các cá nhân tham gia, nên rất cần sự hỗ trợ, bảo vệ của Nhà nước.
Vậy thì chúng ta phải thay đổi, bắt đầu bằng việc sửa đổi, thay thế Nghị định 64/2008 đã lỗi thời như đã nói. Còn về lâu dài, tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một đạo luật về các tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận, đủ bao quát cả các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ tự nguyện.
Nhìn sang thực tiễn các nước, có thể thấy ngay khoảng trống này trong hệ thống pháp luật nước ta. Bởi tuân theo bản chất tự nhiên của đời sống, rất cần một cấu trúc về thể chế để làm sao bên cạnh Nhà nước, luôn luôn có cả khu vực dân sự và tư nhân rộng lớn, năng động làm nền tảng vững vàng. Và cùng với khu vực lợi nhuận sẽ rất cần có khu vực phi lợi nhuận song hành.
PV: Xin cảm ơn ông đã trao đổi!
2.
Nghĩa cử của ca sĩ Thủy Tiên và sự vô lý ở một nghị định
Cùng với ca sĩ Thủy Tiên, nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu… cũng đang đích thân quyên góp, lặn lội đến tận nơi (Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…) để trực tiếp thăm hỏi, trao những khoản tiền cứu trợ khá lớn cho bà con vùng lũ.
Cứ tưởng chuyện rất đáng khen ngợi, đáng được nhân rộng để bà con bị thiên tai sớm khắc phục thiệt hại nhưng lại đang có sự băn khoăn về tính hợp pháp của hoạt động cứu trợ tự phát nêu trên.
Cần lưu ý là Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho những cá nhân, nhóm người như trên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Sau một tuần cứu trợ miền Trung, vào chiều tối 20-10, ca sĩ Thủy Tiên đã về TP.HCM. Ảnh: zing.vn
Theo Điều 5 của nghị định này, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm có:
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Cũng theo Điều 5, Chính phủ nhấn mạnh: Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Ca sĩ Thủy Tiên trực tiếp mang hàng, tiền đến cứu trợ đồng bào miền Trung. Ảnh: FBNV
Cùng với đó, Thông tư hướng dẫn số 72/2008 của Bộ Tài chính còn đề ra thêm hạn chế ngặt nghèo hơn so với Nghị định 64/2008. Theo thông tư này thì báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).
Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì xem như ca sĩ Thủy Tiên, nhiều nghệ sĩ khác, những cá nhân, doanh nghiệp… có nghĩa cử đẹp tương tự đã… vi phạm vào sự cấm đoán của Nghị định 64/2008.
Không chỉ có họ, nhiều báo, đài cũng vi phạm thông tư trên khi đã và đang tổ chức giao trực tiếp tiền, hàng cứu trợ cho bà con chứ không giao nộp cho Ban cứu trợ cùng cấp như yêu cầu của thông tư.
12 năm trước, có lẽ lo ngại về sự vụ lợi và không nhìn thấy được nhu cầu, tiềm năng, hiệu quả của những hoạt động thiện nguyện của nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức không thuộc nhà nước nên Nghị định 64/2008 mới có những hạn chế không hợp lý như trên.
Theo thời gian, sự bất hợp lý đó ngày càng lộ rõ và dẫu không muốn vi phạm thì nhiều cá nhân, tổ chức thật sự có tấm lòng và năng lực quyên góp tiền, hàng cứu trợ cũng không thể nào máy móc tuân thủ.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong các yêu cầu của văn bản pháp luật là phải đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong các văn bản cùng tính khả thi, hiệu quả, kịp thời, dễ thực hiện...
Vì lẽ này, những quy định gây trở ngại cho tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hoạt động hay tiếp nhận cứu trợ nhân đạo của Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính cần phải được nhanh chóng hủy bỏ.
1.
Lũ miền Trung: Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, còn Việt Nam nên sửa luật?
Tại Việt Nam, nhiều cá nhân đã giúp quyên góp tiền bạc cứu trợ trong bối cảnh lũ lụt đang gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung.
Tuy nhiên, có luật sư chỉ ra rằng một văn bản pháp luật "lạc hậu" có thể khiến các việc làm thiện nguyện bị xem là phi pháp.
Những ngày gần đây, ca sĩ Thủy Tiên là một trong những cá nhân nổi bật khi đã kêu gọi đóng góp và nhận được hàng chục tỷ đồng cho đồng bào miền Trung.
Hôm 20/10, trên Facebook cá nhân, cô Thủy Tiên thông báo: "Số tiền quyên góp trong vòng 1 tuần cho đến thời điểm này là hơn 100 tỷ rồi."
Cô chia sẻ tâm trạng: "Bây giờ mình bắt đầu lo rồi, không biết ôm cục tiền này đi cứu trợ lũ lụt đến khi nào mình mới được về ổn định cuộc sống mà làm ăn…Nhưng nghĩ về niềm vui của bà con khi nhận được hỗ trợ và từng ngày trông chờ thì mình sẽ ráng cố gắng hết sức có thể."
Cuối Facebook tin, 1
Theo truyền thông, nhiều người nổi tiếng và công ty tư nhân ở Việt Nam cũng đang tham gia kêu gọi quyên góp.
Tuy nhiên, luật sư Ngô Ngọc Trai, từ Hà Nội, cho hay cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".
Viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết: "Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo"."
Ông chỉ ra: "Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ."
Cuối Facebook tin, 2
Mới hơn, theo ông, theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.
Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.
Ông Ngô Ngọc Trai viết: "Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng."
Trong khi đó, tạp chí của Hội Luật gia Việt Nam, Người đưa tin pháp luật, phỏng vấn luật sư Vũ Quang Bá (Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), người có diễn giải khác.
Ông Vũ Quang Bá cho rằng: "Hiện nay, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.
Ông nói: "Tuy nhiên, tại cả hai văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện."
"Tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP Nhà nước còn quy định rõ, việc khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để cho cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp, cũng như tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hay giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm."
Theo luật sư Vũ Quang Bá: "Việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như: Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện."
"Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ."
Trong khi đó, tình hình lũ lụt ở miền Trung Việt Nam vẫn đang diễn tiến phức tạp.
Hôm 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã về thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ người dân vùng lũ Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
..
II. Các hoạt động từ thiện nhân dân tiêu biểu (ca sĩ Thủy Tiên; nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ ở Phủ Giầy - Nam Định; doanh nhân Thạch Văn Trường làng Ninh Hiệp - Hà Nội,...)
1). Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ
Ngày 6/12/2020
2). Doanh nhân Thạch Văn Trường
3). Ca sĩ Thủy Tiên
1.
Thủy Tiên gầy rộc trở về nhà, fan mang cần câu ra đón ở sân bay
Những ngày qua, Thủy Tiên là cái tên nóng trên mạng xã hội khi trang fanpage nữ ca sĩ thu hút lượng khán giả lớn theo dõi các hoạt động từ thiện của cô ở miền Trung khi các tỉnh chịu thiệt hại nặng về người và của.
Chiều 20/10, Thủy Tiên đã trở về TP HCM sau khi đã dành một tuần để đến các địa phương miền Trung trao quà từ thiện. Tại sân bay, fan đã đón nữ ca sĩ bằng hình thức rất đặc biệt khi mang cần câu đứng ở sảnh chờ.
Cần câu là cụm từ được nhắc đến nhiều khi có những tranh cãi, bình luận xoay quanh việc trao tiền từ thiện của Thủy Tiên và những ý kiến bày cách giúp người dân kiếm sống, làm việc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối việc này vì từ thiện thiên tai cần khẩn cấp, bằng tiền hay lương thực đều có ý nghĩa lớn, các hình thức khác rất tốt nhưng không hiệu quả trực tiếp, thậm chí người dân có thể bị nguy hiểm tính mạng nếu không được cứu giúp kịp thời.
Tại sân bay, Thủy Tiên xuất hiện trong chiếc áo len đen cùng khẩu trang. Người hâm mộ nhận thấy rõ cô gầy đi khá nhiều sau chuyến từ thiện 7 ngày. Thủy Tiên phải trở về nhà để giải quyết các công việc bị tồn đọng và sẽ trở lại miền Trung vào một vài ngày tới.
Thủy Tiên ở sân bay Tân Sơn Nhất |
Không thạo địa hình, nhưng may mắn có được sự ủng hộ của khán giả, Thủy Tiên đã đến được với nhiều địa điểm khó khăn để trao tiền, quà và nhu yếu phẩm cho người dân dù phải thu gom rất nhiều hàng hóa ở các địa phương do không thể chuẩn bị sẵn số lượng lớn. Số tiền quyên góp của Thủy Tiên được công bố tới ngày 20/10 đã lên tới 105 tỷ đồng.
Thủy Tiên làm thiện nguyện mà không thông qua tổ chức, đoàn thể. Cô trực tiếp đến những khu vực đói, khổ để tận mắt chứng kiến và trao quà cho người dân. Cô không ngại tới những nơi ngập sâu, thậm chí có lúc thuyền suýt lật vì nước tràn vào và sớm phát hiện kịp.
Để minh bạch công việc của mình, đi đến đâu, cô cũng cố gắng livestream vừa để thông tin đến người dân vùng lũ, vừa để những mạnh thường quân nắm được tình hình và cho khán giả thấy trực tiếp quá trình từ thiện cho người dân vùng lũ.
Trong quá trình làm từ thiện, Thủy Tiên gặp một rắc rối với một người phụ nữ ăn chặn tiền từ thiện. Cô đã gặp trực tiếp đối chất và yêu cầu người này phải trả lại 3 triệu tiền ăn chặn cùng bằng chứng. Clip công khai này đã nhận được sự ủng hộ rộng lớn của khán giả theo dõi và tin tưởng những công việc Thủy Tiên đang làm trong quá trình trao tiền và quà đến các đối tượng cần sự giúp đỡ.
Sau khi trở lại TP HCM, hai vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh sẽ tiếp tục kế hoạch cứu trợ bài bản ở nhiều tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị qua khảo sát và cân nhắc phương án hỗ trợ phù hợp.
Để hỗ trợ người dân tốt nhất, vợ chồng nữ ca sĩ đã tính toán phương án xây cầu, đường, lắp ống nước mới, cất nhà cho dân, mua gia súc, gia cầm để tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Mọi vấn đề tài chính đều sẽ được công khai minh bạch.
..
4). Các tổ chức và cá nhân khác
..
4.
Trả lờiXóaThủ tướng: Khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64
23/10/2020 19:03 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8876 gửi Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khẩn trương xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ: Nghị định 64 không áp vào cá nhân như Thủy Tiên
'Thủy Tiên sẽ không đi ban phát hàng cứu trợ miền Trung bừa bãi'
Dòng xe chở lương thực, thuyền phao từ Hà Nội vào cứu trợ Quảng Bình
Công văn nêu rõ, để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về nội dung này.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng nghị định nêu trên để thay thế Nghị định số 64/2008 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
1). Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ
Trả lờiXóaNgày 6/12/2020
Kim Huệ
55 phút ·
Danh sách ủng hộ đồng bào lũ lụt Miền Trung chốt tại 14h15” ngày 6/12/2020. Tổng 2.287. 198.000
( hai Tỷ hai trăm tám mươi bảy triệu một trăm chín tám ngàn đồng)
Danh sách các quý vị ủng hộ đồng bào Miền Trung sáng nay tôi đã kính dâng lên cung cấm thờ Mẫu lạy Mẫu Anh Linh Mẫu chứng cho lòng hảo tâm của các quý vị!
Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi!
(Số tiền tại ngân hàng Vietcombank thay đổi ít hơn so với số tiền Vietcombank sáng do cô Đồng Anh muốn dồn các con nhang đệ tử của cô vào phần tiền mặt chung của cả đoàn cô Đồng Anh).
https://www.facebook.com/hue.tranthi.5030/posts/1375291122811319