Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

10/07/2020

Lò nóng lên hậu Covid - 19 : dân đã đợi từ hồi các năm 2016 - 17

Hà Nội những ngày này quá nóng. Thư phòng của tôi khi không có điều hòa, để nhiệt độ thường, giữa trưa là tới tận 35 độ ! Lúc này, 23:48 ngày 10/7/2020, thì phòng không điều hòa đang là 34,5 độ. Không có điều hòa, thì cái đầu của chúng ta chắc sẽ phát nổ mất.

Cũng 10/7/2020, lò tôn của cụ Tổng đã bùng cháy. Mở đầu là việc khởi tố ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) và bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương).

Dân đã đợi từ hồi năm 2016 rồi (xem ở đây hay ở đây).

Bây giờ là tin cập nhật. Đi một vài tin chính thức vừa lên. Bổ sung thì dán ở dưới như thường khi.




Tháng 7 năm 2020,
Giao Blog





----





10/07/2020 21:21 GMT+7

TTO - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".


Khởi tố cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng - Ảnh 1.
Ông Vũ Huy Hoàng khi tại chức - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 10-7, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". 
Ông Hoàng được cho tại ngoại.
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tống đạt quyết định trên.
Được biết những vi phạm của ông Hoàng có liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trước đó, tháng 11-2016, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Ban Bí thư kết luận ông Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
Ông Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; quyết định điều động và đề cử ông Vũ Quang Hải tham gia hội đồng quản trị Sabeco để bầu làm thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật phòng chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo và thực hiện không đúng quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho ông Đặng Vũ Ngoạn, hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.
Ngoài ra, ông Vũ Huy Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Các vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng, của Bộ Công thương và cá nhân ông.
Đến tháng 1-2017, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (điều 219 Bộ luật Hình sự):
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
​Xóa tư cách nguyên bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng
TTO - Xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ bộ trưởng trong nhiệm kỳ này.
THÂN HOÀNG - HOÀNG ĐIỆP





..





10/07/2020 22:02 GMT+7

TTO - Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công thương, bị khởi tố cùng ngày với cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.


Cựu thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận quyết định khởi tố - Ảnh 1.
Bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu thứ trưởng Bộ Công thương - Ảnh: TT
Tối 10-7, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công thương.
Bà Thoa bị khởi tố để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cũng giống như cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bà Thoa được cơ quan điều tra cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tống đạt quyết định trên.
Trước đó, ngày 29-8-2017, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1-9-2017.
Cách đó ít ngày, vào ngày 16-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Trước đó, theo kết luận kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra trung ương, cơ quan này đã kỷ luật cảnh cáo với thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay đối với bà Thoa.
Cơ quan kiểm tra xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ bí thư Đảng ủy, giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1-2004 đến tháng 5-2010).
Ngày 28-7-2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có đơn xin nghỉ việc vì "lý do cá nhân".
Khởi tố cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
TTO - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
THÂN HOÀNG - HOÀNG ĐIỆP

https://tuoitre.vn/nguyen-thu-truong-bo-cong-thuong-ho-thi-kim-thoa-nhan-quyet-dinh-khoi-to-20200710214842975.htm



----








BỔ SUNG


6. Ngày 25/7/2020



THẬT HỢP LÒNG DÂN!
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong buổi họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hôm nay, đã tuyên bố rõ những nét lớn trong tư tưởng và sách lược phòng chống tham nhũng mà có thể nói ngắn gọn nhất như sau:
- Mục đích: Nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân;
- Thành tựu lớn nhất: Làm cho phòng, chống tham nhũng trở thành xu hướng và phong trào của toàn dân;
- Tinh thần: Cương quyết, mưu lược, bền bỉ, không khoan nhượng, không nề hà, né tránh hay bao che, không có vùng cấm; bảo đảm tính nhân văn, tính giáo dục trong việc xử lý và làm cho người bị xử lý phải tâm phục, khẩu phục; đồng thời thu hồi bằng được tài sản tham nhũng;
- Biện pháp: Xử lý nghiêm minh, dứt khoát và xử lý nặng hơn đối với người có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng mà vi phạm.













5.



“Quan Lộ Thăng Trầm” Của Vũ Huy Hoàng


Hoàng Hữu Phước, MIB
19-7-2020

Bức hình dưới đây chụp từ tin chuyển vào Viber của tôi, cho thấy tiêu đề tầm bậy tầm bạ của vnexpress.net:

Tôi không quan tâm đến Vũ Huy Hoàng dù trong nhiệm kỳ 2011-2016 của tôi ở Quốc Hội XIII thì mỗi năm hai lần họp ở Hà Nội tôi đều có thư mời dự yến tiệc do ông ta chiêu đãi các nghị sĩ nào có cái “cốt” doanh nhân dù trong cái đám đông bát nháo gọi là “doanh nhân” ấy thì chỉ có tôi và Nghị Sĩ Đặng Thành Tâm mới là “doanh nhân thứ thiệt” còn số đông còn lại đều là (a) những đảng viên cấp cao của Đảng được Nhà Nước của Đảng phân công thủ vai “doanh nhân đội lốt” để lãnh đạo các “công ty” bự do Đảng lấy tiền thuế của dân dựng xây nên; hoặc là (b) những “doanh nhân khủng khiếp” tầm cỡ Nguyễn Thị Nguyệt Hường là người ngồi chồm hổm trên bàn bên trong tử-cấm-thành Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Đại biểu Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hà Nội, Nghị sĩ Khóa XIII và XIV với số phiếu cao kịch trần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở Nước ngoài, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, bị tình báo quốc gia sau 5 năm trời ròng rã mật phục mới phát hiện tình trạng nhân thân và thân nhân đều tình cờ là công dân tình tứ của Cộng Hòa Malta tình yêu ngợp nắng nên được Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tình nghĩa mời vui lòng nhổm đít khỏi mặt ghế bành Quốc Hội sang trọng mua từ tiền thuế của dân; hay Châu Thị Thu Nga là Nghị sĩ Khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tập Đoàn Xây Dựng Nhà Đất, Phó Trưởng ban Điều hành Mạng các Sàn Giao dịch Bất động sản Việt Nam thuộc Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động Sản của Bộ Xây Dựng, Chủ tịch Câu lạc bộ Vườn ươm Doanh nhân, thành viên tổ chuyên gia liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà và thị trường bất động sản, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi TP Hà Nội, bị cho ngồi bất động sau chấn song về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bất động của dân; hay như (c) trường hợp bong bóng bay cao nổ bụp bùm của nghị sĩ Khóa XIII và XIV Nguyễn Văn Cảnh doanh nhân đảng viên có Cao Cấp Lý Luận Chính Trị được lãnh đạo Quốc Hội bất thình lình bất chợt bất ngờ tín nhiệm mời vị nhân tài mà chỉ có Đảng và Quốc Hội mới biết là nhân tài này ra làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để hưởng bổng lộc ngang hàm “tổng cục trưởng” để rồi nhân tài này khi ngồi dự yến tại VCCI đã tiết lộ cho Nghị sĩ bất tài Hoàng Hữu Phước biết tin tối mật quốc gia rằng nhân tài sẽ đề xuất Đảng và Nhà Nước cấp biệt thự cho các Việt Kiều để họ chịu về nước hiến dâng chất xám khoa học/công nghệ/môi trường xây dựng quê hương khiến Nghị sĩ bất tài Hoàng Hữu Phước bật cười ha hả làm rơi ly rượu vang mà Vũ Tiến Lộc cung kỉnh dâng mời đến độ Nghị sĩ nhân tài Nguyễn Văn Cảnh phải làm đơn xin thôi nhiệm vụ chuyên trách với lý do dễ thương: “vì lý do gia cảnh của nhà Cảnh”; v.v. Thế nên, vì là doanh nhân ngoài Đảng chỉ có trình độ hạ cấp lý luận chính trị không bao giờ được hưởng cái vinh diệu được bất thình lình bất ngờ tín nhiệm của Quốc Hội và Đảng mà trái lại còn bị Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh giằng mất ghế để dành chỗ cho các “doanh nhân khủng khiếp” tầm cỡ Nguyễn Thị Nguyệt Hường hoặc “đảng viên tinh hoa trí tuệ khủng khiếp” tầm cỡ Trần Hoàng Ngân, tôi dứt khoát khiếp sợ không dám động đến họ, những con người “khủng khiếp”. Vì vậy, bài này dứt khoát không nói về cá nhơn Vũ Huy Hoàng khủng khiếp, mà là về cụm từ khủng khiếp báo chí xài sai khủng khiếp để tôn vinh Vũ Huy Hoàng khủng khiếp.
Quan Lộ Thăng Trầm ư?
1) Nhà báo ắt chế tạo ra từ “quan lộ” để nói về “con đường làm quan” hay “con đường sự nghiệp” của Vũ Huy Hoàng, vì theo trình độ cao cấp lý luận chánh trị của nhà báo thì “quan” đương nhiên là …“quan”, và “lộ” thì đúng là “con đường”. Mà tựu biên tự diễn như thế thì nhà báo sai bét!
2) Trong từ Hán-Việt, “quan lộ” là…“đường cái”. Chính vì vậy mà tiếng Việt có kiểu nói “con đường cái quan” tức đã có “cái” mà vẫn lập lại từ đồng nghĩa “quan” (giống công thức của “đường lộ”, “Biển Thái Bình Dương”, “Biển Đông Hải”, “Sông Hồng Hà”, “Núi Phú Sĩ Sơn”, v.v.).
3) Trong từ tiếng Việt thì “con đường làm quan” hay “con đường sự nghiệp” có từ Hán-Việt tương ứng là “hoạn lộ”. Nhà báo đã như toàn bộ báo giới “trẻ” vốn “thiếu hiểu biết” dù ai cũng có “cao cấp lý luận chánh trị” nên đã hoặc không biết gì về từ Hán-Việt vốn không bao giờ được dạy ở các Khoa Báo Chí ở tất cả các trường đại học dù danh tiếng hay khét tiếng ở Việt Nam, hoặc có biết cũng chỉ biết tầm bậy tầm bạ rằng “hoạn” là “hoạn nạn” hay “thiến hoạn” hay là tên riêng của ma-đàm Hoạn Thư là con đẻ của Nguyễn Du nên mới không ngờ nó lại có nghĩa là “sự nghiệp làm quan”.
4) Trong từ Hán-Việt, “thăng trầm” là một từ cực kỳ…phân biệt chủng tộc/giới tính/giai tầng xã hội. Nó chỉ được dùng cho người tài tốt nào thuộc phạm trù mà Nhất Phiến Thi Sĩ  đã từng viết phán về Lăng Tần Tiên Sinh: “Nhất phiến tài, tình thiên cổ lụy”; hoặc như Hoằng Trùng Nhạc Sĩ ngậm ngùi than thân trách phận khi liên tưởng đến Bảo Giang Tiên Sinh: “Muôn ngàn năm nữa ví bằng Bảo Giang”; hay như Thanh Loan Nữ Sĩ ví von Hoàng Hữu Phước Thi Nhơn như Nguyễn Du Thi Bá; v.v, mà tất cả chỉ để nêu bật một điều rằng thì là mà Lăng Tần Tiên Sinh có bao “nỗi thăng trầm” vicissitudes  tức ups-and-downs. Làm gì có chuyện thằng gian tà làm đại quan do Đảng hoàn toàn không biết dụng nhân và chẳng có tới một hiền tài, dưới trướng, vi phạm pháp luật trầm trọng gây tổn thất kinh hoàng cho quốc gia dân tộc phải bị tù như lẽ đương nhiên mà lẽ ra phải đến từ rất lâu rất sớm nếu đất nước thực sự có một kỹ cương và có một hiền tài, lại được phép dùng từ “thăng trầm” cơ chứ? Lăng Tần dựa vào năng lực vô song và đức liêm khiết đời-này-chỉ-còn-một mà “tự đi lên ghế lãnh đạo” để luôn bị bọn lãnh đạo bất lương hất cho rơi xuống thì mới gọi là “hoạn lộ thăng trầm” của kẻ sĩ “đàng hoàng”. Còn cái thằng “huy hoàng” do Đảng “đặt lên ghế lãnh đạo huy hoàng” lại dám táy máy tiền bạc của Đảng làm hỏng danh tiếng huy hoàng của Đảng trước nhân dân huy hoàng và trước thế giới huy hoàng thì Đảng túm tóc bẻ quặt tay ra sau lưng để trị tội thì báo chí lại dám chống lại Đảng, đem cụm từ “hoạn lộ thăng trầm” của giai cấp “đàng hoàng” dâng hiến cho thằng tội phạm sao? Thật là hỗn láo dám mạo phạm “giai cấp tốt”, ắt ỷ mình có “thượng phương bảo thẻ” muốn làm gì thì làm, ngay cả Bộ Công An cũng phải xếp ve sao!

Cần nhớ rằng ngay cả ngôn từ cũng mang tính giai cấp, vì vậy,
(a) Nghị sĩ Khóa XIII Hoàng Hữu Phước làm chủ cụm từ “thăng trầm”, còn
(b) Nghị sĩ Khóa XIII Vũ Huy Hoàng làm chủ cụm từ “lên voi xuống chó”
mới đúng lẽ công bằng của Trời Đất công minh dành cho người công chính chỉ ra vào qua cổng chính.


Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Giảng-sư Anh-vănNhà Biện-thuyếtNghị-sĩ Khóa XIIITwitter: @HoangHuuPhuoc (tham gia từ 2008 bằng tiếng Anh), @RealHoangHPhuoc (tham gia từ 2017 bằng tiếng Anh); Parler: @hoanghuuphuoc (tham gia từ 2020 bằng tiếng Anh); GAB: @HoangHuuPhuocVietnam (tham gia từ 2020 bằng tiếng Anh);  Anphabehttps://www.anphabe.com/profile/hoanghuuphuoc (tham gia từ 2008 bằng tiếng Việt); LinkedInhttps://vn.linkedin.com/in/hoanghuuphuoc (tham gia từ 2008 bằng tiếng Anh và Việt); WordPress (tham gia từ 2013 bằng tiếng Anh và Việt): https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com
Tham khảo:
Cao cấp lý luận chính trịCao Cấp Lý Luận Chính Trị  20-10-2019
Hiền Tài: Hiền Tài  22-5-2019
Hoằng Trùng Nhạc Sĩ Viết Về Bảo Giang Tiên SinhBạn Hữu Rộng Lượng 05-5-2018
Mặt Trận Tổ Quốc Giằng Ghế: Thư Gởi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân  VI PHẠM LUẬT BẦU CỬ 14-6-2017
Nghị Sí Đặng Thành TâmNghị Sĩ Đặng Thành Tâm 09-6-2019
Nhân Tài: Nhân Tài Ư? Thật Hỡi Ơi!  20-4-2014
Nhất Phiến Thi Sĩ Viết Về Lăng Tần Tiên SinhBạn Hữu Rộng Lượng 05-5-2018
Thanh Loan Nữ Sĩ Ví Hoàng Hữu Phước Như Nguyễn Du:  Bạn Hữu Rộng Lượng  05-5-2018

Trần Hoàng Ngân: Thư Gởi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân  VI PHẠM LUẬT BẦU CỬ 14-6-2017

https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2020/07/19/hoan-lo-thang-tram-cua-vu-huy-hoang/




4.



(Kiến Thức) - Sau khi nghỉ hưu, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sang Pháp sinh sống, mới đây, bà Thoa bị Bộ Công an khởi tố. Dư luận đặt câu hỏi, việc dẫn độ bà Thoa về nước chịu tội như thế nào?

Mới đây, ngày 13/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông tin, liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM, đơn vị này đã ra quyết định truy nã bị can Hồ Thị Kim Thoa – Nguyên cựu Thứ trưởng Bộ Công thương.
Liên quan vụ án trên, bà Hồ Thị Kim Thoa cùng ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương) và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương) được xác định có vai trò chính trong sai phạm tại dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM).
Dan do nguyen Thu truong Ho Thi Kim Thoa tu Phap ve chiu toi nhu nao?
 Bà Hồ Thị Kim Thoa.
Đáng chú ý, tại bản kết luận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, bị can Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Đồng thời, Bộ Công an cho hay, khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, Văn phòng Interpol Việt Nam là một thành phần của Interpol quốc tế sẽ có văn bản thông báo về việc truy nã quốc tế này để truy tìm đối tượng ở các nước.
Dư luận đặt câu hỏi việc dẫn độ nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa từ Pháp về chịu tội sẽ được thực hiện như nào?
Theo quy định tại Luật tương trợ tư pháp, cụ thể tại điều 32, chương 4 nêu rõ, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
Tại điều 33, quy định trường hợp bị dẫn độ nêu rõ, người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng; Hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu; Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.
Theo quy định, yêu cầu dẫn độ được gửi thông qua đường ngoại giao. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải kèm theo các tài liệu mô tả chi tiết về người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm các thông tin để xác định đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi cư trú của người đó...Khi yêu cầu dẫn độ liên quan đến người chưa bị kết án, phải kèm theo bản sao lệnh bắt của thẩm phán hay người có thẩm quyền khác của Việt Nam và văn bản xác nhận theo quy định của bên được yêu cầu dẫn độ, việc chuẩn bị xét xử về tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thông tin xác nhận người bị dẫn độ là người được nêu trong lệnh bắt.
Cũng theo quy định, để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký kết thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia. Quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.
Cùng với đó, để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài. Tuy nhiên, trong trường hợp đó sẽ có thể vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở thương lượng cụ thể. Bởi, trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc "có đi, có lại" giữa hai quốc gia.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay quy định về dẫn độ tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn.
Luật sư Cường cho biết, Luật tương trợ tư pháp 2007 đã dành riêng một chương để quy định về dẫn độ với nhiều quy định chi tiết. Tuy nhiên, trong luật này, nội dung dẫn độ lại quá mờ nhạt và trên thực tế, nhiều quy định của luật chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam. Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.
Ngoài ra, một số tội danh trong Bộ luật hình sự Việt Nam lại không có trong quy định pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, do vậy việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ đối với tội phạm là rất khó khăn đối với những nước được yêu cầu mà không có thiện chí.
Trong trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ thì chỉ có thể thông qua con đường ngoại giao để đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam.
Theo luật sư Cường, luật tương trợ tư pháp 2007 không còn đáp ứng được yêu cầu về phòng chống tội phạm và dẫn độ trong bối cảnh hội nhập diễn biến phức tạp. Đồng thời cho rằng, thực tiễn về tình hình dẫn độ tội phạm trong thời gian qua đặt ra yêu cầu phải cụ thể hóa quy định về dẫn độ, cụ thể là phải có khung pháp lý và quy định rõ ràng về dẫn độ. Để ngăn chặn tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài và tạo thuận lợi trong việc dẫn độ, cần nghiên cứu ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ với điều kiện phải bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật.
Bà Thoa sai phạm gì đến mức bị khởi tố, truy nã?
Tại bản kết luận điều tra vụ án trên nêu rõ, tháng 5/2010, bị can Thoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, được phân công phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tống công ty Sabeco; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng vê thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (trong đó có Tổng Công ty Sabeco) thông qua bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco.
Mặc dù biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM) đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công thương, Tổng Công ty Sabeco (là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công thương, vốn Nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới.
Tuy nhiên, bà Thoa vẫn báo cáo bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt; đã ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng Công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản Nhà nước sang tư nhân).
Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của bị can Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco đã ký Công văn số 374/BSG-ĐT, kèm theo các vãn bản chấp thuận của Bộ Công thương) đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng Công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl. Từ đó để các sở, ngành thuộc UBND TPHCM đã tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký ban hành Quyết định số 3186/QĐ-UBND cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.
Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), mặc dù chưa triển khai hoạt động nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng, bà Thoa đã ký 2 văn bản chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco thoái 26% vốn góp tại Công ty Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cồ phần; không xem xét đánh giá chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của khu đất đã được UBND TPHCM chấp thuận bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, thoái toàn bộ 26% vốn góp củạ Tổng Công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl.
Bằng các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của bị can Hồ Thị Kim Thoa, quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trung có diện tích 6.080m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân. Hậu quả, thiệt hại, thất thoát và lãng phí do hành vi phạm tội của bị can Hô Thị Kim Thoa và đồng phạm gây ra cho ngân sách Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng xảy ra trong một thời gian dài từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất (ngày 30/6/2015) đến khi tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn (thời điểm kliởi tố vụ án hình sự ngày 8/11/2018), theo Cơ quan điều tra là đặc biệt lớn.
https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dan-do-nguyen-thu-truong-ho-thi-kim-thoa-tu-phap-ve-chiu-toi-nhu-nao-1409434.html

3.

Truy nã cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

Do thời điểm tống đạt quyết định khởi tố, bị can không có mặt tại nơi cư trú nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã bị can đối với cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. 

Tối 13/7, nguồn tin của VietNamNet cho biết, đến nay, bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bà Thoa. 
Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, khi nào bắt được bị can sẽ phục hồi điều tra và xử lý theo quy định.
Truy nã cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
Bị can Hồ Thị Kim Thoa
Tối 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đoàn Bổng
https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/truy-na-cuu-thu-truong-bo-cong-thuong-ho-thi-kim-thoa-657446.html




2.



Với việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng không dừng ở kỷ luật Đảng và chính quyền, mà đã chuyển sang xử lý trách nhiệm hình sự.

Đến nay, ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" do có những vi phạm liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Từ lời đề nghị cảnh cáo 
Cách đây gầy 4 năm, kỳ họp thứ 7 của UB Kiểm tra Trung ương vào tháng 10/2016, dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng (khi ấy là Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương) đã đưa ra kết luận ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Vũ Huy Hoàng: Từ dính líu với Trịnh Xuân Thanh đến điều tra hình sự
Ông Vũ Huy Hoàng
Cá nhân ông Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm như thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của BCH Trung ương về những điều đảng viên không được làm; quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ngoài ra, ông Hoàng còn thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó chánh văn phòng, Trưởng văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN
UB Kiểm tra TƯ cũng kết luận, mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng ông Hoàng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Hoàng đã thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia BCH Đảng bộ tỉnh. Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh.
Đồng thời, ông Hoàng đã chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.
UB Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng.
Đến cách chức trong Đảng, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng
Ngày 3/11/2016, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư đã họp để xem xét thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng.
Trong các nội dung Ban Bí thư kết luận, ngoài một số vi phạm như UB Kiểm tra Trung ương đã nêu, ông Hoàng còn vi phạm trong việc đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng Lao động cho PVC và khen thưởng huân chương Lao động hạng ba cho Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM Đặng Vũ Ngoạn.
Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ CôngThương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra…
Ban Bí thư thống nhất 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Ban Bí thư đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng theo quy định.
Ngày 23/12/2016, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công bố Nghị quyết số 33/2016/QH 14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 14.
Trong đó có nội dung: "Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội, cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn”.
Quốc hội giao UB Thường vụ QH, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Ngày 23/1/2017, UB Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ 2011 – 2016.
UB Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng ra quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Ngày 24/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Số phiếu “tín nhiệm thấp” trong nhóm cao nhất
Ông Vũ Huy Hoàng sinh năm 1953 tại Hải Phòng, có trình độ Tiến sỹ kinh tế học. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công Thương vào năm 2007 và giữ chức vụ này đến tháng 4/2016. Ông Hoàng đi lên từ cán bộ chuyên sâu về ngành công nghiệp dầu khí và địa chất.
Năm 1987, ông trở thành cán bộ biệt phái tại UB Kinh tế đối ngoại, từ đó thăng tiến dần và trở thành một trong những cán bộ nòng cốt trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Năm 1997, ông đã lên chức Thứ trưởng Bộ KH-ĐT ở tuổi 44.
Tháng 3/2003, ông được điều động về địa phương với chức Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, sau đó là quyền Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây.
Tháng 3/2006, ông được điều động giữ chức quyền Bí thư Tỉnh ủy, sau đó được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lạng Sơn.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng, ông được bầu vào BCH Trung ương
Tháng 7/2007, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công Thương.
Trả lời báo chí trong ngày nhậm chức, ông Vũ Huy Hoàng cam kết: “Tôi sẽ là bộ trưởng hành động”.
Tháng 6/2013, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, ông Hoàng thuộc nhóm 4 bộ trưởng có số phiếu “Tín nhiệm thấp” cao nhất. Cụ thể, ông nhận được 112 (22,49%) phiếu “Tín nhiệm cao”, 251 (50,4%) phiếu “Tín nhiệm” và 128 (25,7%) phiếu “Tín nhiệm thấp”.
Thu Hằng
Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị khởi tố

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị khởi tố

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tối 10/7 đã ra quyết định khới tố bị can để điều tra đối với ông ....

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/ong-vu-huy-hoang-tu-dinh-liu-voi-trinh-xuan-thanh-va-cai-ket-hinh-su-656823.html





1.

Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Bộ Công an vừa tống đạt quyết đinh khởi tố bị can đối với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Thông tin này được Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh VP kiêm Người phát ngôn Bộ Công an xác nhận với P.V VietNamNet.
Theo đó, ngày 11/7, cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật hình sự.
Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
Cùng bị khởi tố với ông Tuyến về hành vi trên còn có ông Trần Trọng Tuấn - Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM. 
Hiện cơ quan điều tra đang thực hiện tống đạt quyết định khởi tố, thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Tuyến và ông Tuấn.
Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
Ông Trần Trọng Tuấn
Hai ông này được cho là có những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng 3 công sản tại địa bàn TP.HCM.
Những công sản này được Thành ủy, UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý.
Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
Công an bảo vệ vòng ngoài tòa nhà nơi ông Trần Vĩnh Tuyến cư trú ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Thanh Tùng
Giữa tháng 6/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM có quyết định điều chỉnh phân công ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND thôi phụ trách mảng đô thị, chỉ phụ trách cải cách hành chính, kế hoạch vốn đầu tư, xây dựng cơ bản.
Còn ông Trần Trọng Tuấn, cuối tháng 6 vừa qua, được Ban Thường vụ Thành ủy điều động từ Bí thư Quận ủy Q.3 giữ chức Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM.
Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị khởi tố

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị khởi tố

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tối 10/7 đã ra quyết định khới tố bị can để điều tra đối với ông ....
Anh Linh
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/khoi-to-pho-chu-tich-ubnd-tp-hcm-tran-vinh-tuyen-656901.html









Ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Trần Trọng Tuấn được cho có liên quan đến sai phạm trong việc Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B, quận 9. 

Ngày 11/7, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Trọng Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TP.HCM, Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 
Các quyết định khởi tố bị can nói trên đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn, Bộ Công an cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố và thi hành lệnh khám xét nơi ở cũng như nơi làm việc của hai bị can. 
Theo tìm hiểu của VietNamNet, ông Trần Vĩnh Tuyến, ông Trần Trọng Tuấn và một số bị can vừa bị khởi tố được cho là có liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (SAGRI). 
Trước đó, tháng 7/2019 Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vân Trọng Dũng – Nguyên Chủ tịch HĐTV SAGRI, bà Nguyễn Thị Thuý – Nguyên Kế toán trưởng SAGRI. 
Liên quan đến vụ án tại SAGRI, trước đó Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Tấn Hùng – Nguyên Tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thành Mỹ - Nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Đầu tư SAGRI. 
Những sai phạm tại SAGRI được Thanh tra TP.HCM chỉ ra qua 3 kết luận thanh tra. Đó là kết luận số 38 ngày 19/10/2017, kết luận số 05 ngày 21/2/2019 và kết luận số 83 ngày 24/9/2019.
Ông Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến hàng loạt sai phạm trong chuyển nhượng dự án ở quận 9
Hai lãnh đạo TP.HCM vừa bị khởi tố liên quan đến việc chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B, quận 9 cho đối tác với giá rẻ. 
Tại kết luận số 83, Thanh tra Thành phố nêu ra hàng loạt vi phạm của SAGRI trong việc hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp; quản lý, sử dụng nhà đất; thực hiện các dự án và đặc biệt là vụ chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B, quận 9.
Về thực hiện dự án, SAGRI đã không thuê đơn vị thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án Khu nhà ở phước Long B, quận 9, TP.HCM cho Tổng Công ty CP Phong Phú (TCT Phong Phú); không lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi dự án được điều chỉnh quy hoạch… 
Tại dự án này, SAGRI ký hợp đồng uỷ quyền cho TCT Phong Phú ký kết với khách hàng đặt mua nhà và việc TCT Phong Phú ký 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc, mua nhà liên kế trong khui dự án đầu tư chưa được lập, phê duyệt, chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật là trái quy định. 
Mặc dù việc huy động vốn bằng hình thức phân lô bán nền diễn ra từ năm 2012, nhưng tháng 5/2017 SAGRI có công văn gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng cam kết chưa huy động vốn từ khách hàng dưới mọi hình thức là báo cáo không trung thực. 
Về phân chia lợi nhuận, SAGRI đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với TCT Phong Phú với tỷ lệ SAGRI 28%, còn TCT Phong Phú 78%. Sau đó, SAGRI chuyển nhượng 28% phần vốn góp, thực chất là chuyển nhượng đất đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho TCT Phong Phú mà không qua đấu giá để xác định giá thị trường. 
Dự án chưa đảm bảo các điều kiện về chuyển nhượng nhưng tháng 11/2017 Giám đốc Sở Xây dựng khi đó là ông Trần Trọng Tuấn đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM xác định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng điều kiện theo quy định, kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án. 
Dựa trên tờ trình của Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho TCT Phong Phú với giá 168,2 tỷ đồng, tương ứng 10,5 triệu đồng/m2.
Theo Thanh tra TP.HCM, mức giá này được xác định thấp hơn giá trị bên nhận chuyển nhượng huy động của khách hàng từ năm 2014 và thấp hơn gần 1/3 so với giá chuyển nhượng của các dự án liền kề.
Về trách nhiệm của Sở Xây dựng, Thanh tra Thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong việc thẩm định và tham mưu đề xuất chấp thuận cho chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B, quận 9. 
Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho SAGRI huỷ hợp đồng chuyển nhượng dự án với TCT Phong Phú nhằm tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên do vụ việc đang được Bộ Công an điều tra nên việc thương lượng huỷ hợp đồng không thể diễn ra. 
Khu 'đất vàng' 6.000m2 khiến 2 cựu lãnh đạo Bộ Công thương bị khởi tố

Khu 'đất vàng' 6.000m2 khiến 2 cựu lãnh đạo Bộ Công thương bị khởi tố

Những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của hai cựu lãnh đạo Bộ Công thương vừa bị khởi ....
Phương Anh Linh 

..



Bốn người bị khởi tố cùng ông Trần Vĩnh Tuyến là ai?

Hôm nay, Bộ Công an đã khởi tố 5 người trong quá trình điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (viết tắt là SAGRI).

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an vừa phát đi thông báo về việc 5 bị can bị khởi tố mới đây liên quan đến quá trình mở rộng vụ án xảy ra tại SAGRI.
Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại SAGRI, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 40/QĐ-C01-P4, ngày 5/7/2019 và quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15/QĐ-C01-P4, ngày 22/8/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 9/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng: ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với:
1. Trần Vĩnh Tuyến, SN 1965, Phó Chủ tịch UBDN TP.HCM
Bốn người bị khởi tố cùng ông Trần Vĩnh Tuyến là ai?
Bị can Trần Vĩnh Tuyến
2. Trần Trọng Tuấn, SN 1969, Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.
Bốn người bị khởi tố cùng ông Trần Vĩnh Tuyến là ai?
Bị can Trần Trọng Tuấn
3. Phan Trường Sơn, SN 1967, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, nguyên Trưởng phòng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM.
Bốn người bị khởi tố cùng ông Trần Vĩnh Tuyến là ai?
Bị can Phan Trường Sơn
4. Trần Quốc Đạt, SN 1963, Phó Trưởng phòng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM.
Bốn người bị khởi tố cùng ông Trần Vĩnh Tuyến là ai?
Bị can Trần Quốc Đạt
5. Lê Tấn Hòa, SN 1977, chuyên viên phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM.
Bốn người bị khởi tố cùng ông Trần Vĩnh Tuyến là ai?
Bị can Lê Tấn Hoà
Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các bị can, cá nhân có liên quan.
Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Bộ Công an vừa tống đạt quyết đinh khởi tố bị can đối với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM. ....
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an)

2 nhận xét:

  1. 1.

    Khởi tố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
    11/07/2020 12:32 GMT+7
    Bộ Công an vừa tống đạt quyết đinh khởi tố bị can đối với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
    Thông tin này được Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh VP kiêm Người phát ngôn Bộ Công an xác nhận với P.V VietNamNet.
    Theo đó, ngày 11/7, cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật hình sự.

    Trả lờiXóa
  2. 6. Ngày 25/7/2020

    Cuong Huy Ngo
    3 giờ ·

    THẬT HỢP LÒNG DÂN!
    Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong buổi họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hôm nay, đã tuyên bố rõ những nét lớn trong tư tưởng và sách lược phòng chống tham nhũng mà có thể nói ngắn gọn nhất như sau:
    - Mục đích: Nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân;
    - Thành tựu lớn nhất: Làm cho phòng, chống tham nhũng trở thành xu hướng và phong trào của toàn dân;
    - Tinh thần: Cương quyết, mưu lược, bền bỉ, không khoan nhượng, không nề hà, né tránh hay bao che, không có vùng cấm; bảo đảm tính nhân văn, tính giáo dục trong việc xử lý và làm cho người bị xử lý phải tâm phục, khẩu phục; đồng thời thu hồi bằng được tài sản tham nhũng;
    - Biện pháp: Xử lý nghiêm minh, dứt khoát và xử lý nặng hơn đối với người có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng mà vi phạm.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.