Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

03/04/2020

Vẫn luận bàn về "chữ quốc ngữ" giữa đại dịch Cô Vy : hậu duệ 2020 của cụ Bùi Hiền

Đúng là vẫn đang luận bàn thật. Vì vừa rồi, mình có bàn luận lại về chữ quốc ngữ với một trong những người có công khai sáng lớn nhất ra chữ ấy là cụ Đắc Lộ, trên mặt báo Văn hóa Nghệ An vào cuối tháng 3 năm 2020, đọc ở đây.

Bây giờ, sang đầu tháng 4, thì là có ngay các hậu duệ "khả úy" của cụ Bùi Hiền xuất hiện.

Các hậu duệ của cụ sẽ còn xuất hiện nữa, và càng chứng mình điều mình đã nói rõ từ góc độ học thuật (đọc lại ở đây), rằng: nếu cứ để cho người Việt tự sáng chế văn tự thì chắc không có được quốc ngữ đâu ! Lại tiếp tục quẩn quanh với lối tư duy làng nhàng bạc nhạc của chữ Nôm mà thôi.

Về cụ Bùi Hiền thì đọc trên Giao Blog ở đây hay ở đây. Thi thoảng, trong các năm 2018-2020, mình vẫn thấy cụ Hiền trong vườn hoa hay trong hành lang một bệnh viện ở Hà Nội (những lúc ấy, là mình cũng đang chăm sóc người nhà). Khi tiện sẽ nói rõ thêm sau.

Ở dưới về các hậu duệ 2020 của cụ.

Tháng 4 năm 2020,
Giao Blog




Tác giả Kiều Trường Lâm và ví dụ về Chữ Việt Nam song song 4.0 của anh và tác giả Trần Tư Bình - Ảnh: NVCC




Đọc toàn văn ở đây

Một ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền

---






02/04/2020 19:09 GMT+7

TTO - Tin bộ ‘Chữ Việt Nam song song 4.0’ vừa được cấp bản quyền tác giả lại một lần nữa dấy lên làn sóng nhiều chiều: có phản đối và có yêu cầu tôn trọng sự sáng tạo.

Chữ Việt song song:  Sáng tạo đáng nể hay rắc rối, đọc trẹo cả mồm? - Ảnh 1.
Tác giả Kiều Trường Lâm và ví dụ về Chữ Việt Nam song song 4.0 của anh và tác giả Trần Tư Bình - Ảnh: NVCC
Tiếng Việt không ai thay đổi được. Còn chữ viết thì ai cũng có thể nghĩ ra một hệ thống nào đó, với mức độ tiện lợi khác nhau. Ngày xưa, các cụ không biết cách ký âm kiểu phương Tây nên phải học dựa vào chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm. Ngày nay, việc tạo ra một hệ thống chữ mới chẳng có gì khó khăn.
Nhà văn Ngô Tự Lập
Bộ Chữ Việt Nam song song 4.0 kết hợp từ hai công trình Chữ Việt nhanh và Ký hiệu dấu của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch).
Tác giả Kiều Trường Lâm (34 tuổi) hiện tại đang làm công việc bán hàng cho một công ty xuất khẩu về gỗ ở Hà Nội. Còn ông Trần Tư Bình hiện sinh sống và làm việc tại Úc.
Đây là bộ chữ Việt chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ.
Ngay khi công bố, bộ chữ cải tiến này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. 
Có ý kiến cho rằng sáng tạo một hệ thống ký âm tiếng Việt mới là chuyện bình thường và nó hoàn toàn chẳng thể động chạm gì được tới tiếng Việt. Tiếng Việt và ký âm tiếng Việt (chữ viết tiếng Việt) là hai cái hoàn toàn khác nhau.
Có ý kiến phản đối gay gắt, mỉa mai nó quá phức tạp, rắc rối, "đọc trẹo cả mồm". Một số người còn tức giận bởi lo cho tiếng Việt bị hết nhà sáng tạo này tới giáo sư nọ… phá.
Chữ Việt song song:  Sáng tạo đáng nể hay rắc rối, đọc trẹo cả mồm? - Ảnh 3.
Trích đoạn bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ được tác giả Kiều Trường Lâm "dịch" sang Chữ Việt Nam song song 4.0
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà văn Ngô Tự Lập nói nhiều người tranh cãi về hệ thống chữ viết mới của hai tác giả (cũng như của ông Bùi Hiền), nhưng không phân biệt được tiếng Việt và chữ Việt.
Theo ông, chữ quốc ngữ cũng có nhiều khiếm khuyết và nhiều người đã từng muốn cải tiến.
Có điều chữ quốc ngữ đã quá phổ biến, đã được gắn liền với văn hóa Việt hàng thế kỷ, với hàng tỉ văn bản, trở thành một phần tâm hồn người Việt hiện đại, đến mức ngay cả những khuyết điểm của nó cũng trở thành tài sản văn hóa (ví dụ, nó là công cụ để chơi chữ, làm thơ sai dấu kiểu Bút Tre, hay kể chuyện tiếu lâm...).
Vì vậy, việc cải tiến chữ quốc ngữ không còn cơ hội thành công, và các hệ thống chữ viết mới chỉ cần cho những mục đích rất cụ thể, như tốc ký hay bảo mật, hoặc có thể coi là một thứ bài tập để dạy về tín hiệu học.
Cho nên ai thích sáng tạo một hệ thống ký âm tiếng Việt khác để dùng cho những mục đích cụ thể thì có thể thử sức, không có gì phải bàn.
Nhà thơ lục bát Nguyễn Thế Kiên cũng cùng quan điểm. "Trừ khi Chính phủ đưa vào đào tạo và thay thế hệ thống chữ nghĩa đang dùng thì mới nên bàn", anh nói.
Chữ Việt song song:  Sáng tạo đáng nể hay rắc rối, đọc trẹo cả mồm? - Ảnh 4.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm Chữ Việt Nam song song 4.0
Một nhà phê bình văn học chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng ông cũng đồng quan điểm với nhà văn Ngô Tự Lập khi cho rằng việc dư luận phản ứng với những sáng tạo chữ viết được công bố gần đây là vì rất nhiều người nhầm giữa tiếng Việt và chữ Việt.
Ông khẳng định chữ quốc ngữ lâu nay vẫn có những bất hợp lý của nó nên nhiều người muốn cải tiến chữ quốc ngữ, đó là điều bình thường. Chuyện Cục Bản quyền cấp bản quyền cho công trình này là bình thường trong một xã hội văn minh tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nó chỉ để chứng minh sáng tạo ấy là của họ làm ra. Còn chuyện sáng tạo mới ấy có đưa ra thực tế cuộc sống được không thì lại là chuyện khác.
"Thế giới người ta cũng đăng ký rất nhiều thứ kỳ quặc. Quyền phát minh sáng chế là của mọi người, còn từ phát minh ra ứng dụng lại là chuyện khác", nhà phê bình văn học nói trên cho biết.
91337673_2601046513483759_2472707067098431488_n
Tác giả Kiều Trường Lâm - Ảnh: NVCC
Chữ viết của chúng tôi sẽ là bước ngoặt đưa tiếng Việt ra khắp thế giới
Về công trình Chữ Việt Nam song song 4.0 đang gây ồn ào dư luận, Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện ngắn với tác giả Kiều Trường Lâm.
* Thưa anh, điều gì thôi thúc anh sáng tạo thêm một hệ thống chữ viết tiếng Việt mới?
- Chữ quốc ngữ là một chữ viết rất hay. Tôi không có ý định cải tiến chữ quốc ngữ mà chỉ đưa về cải tiến ở dạng không dấu.
Tôi đã nghĩ về chữ không dấu từ rất lâu, trước đây có nhiều tờ báo nói về giới trẻ nhắn tin không dấu nhiều lúc gây hiểu lầm tệ hại. Tôi nhận thấy chữ không dấu mình đang nghiên cứu rất phù hợp cho giới trẻ sử dụng trong việc nhắn tin không dấu mà không gây hiểu lầm nữa.
Tôi cho rằng thống nhất được chữ không dấu là một bước tiến mới cho ngành ngôn ngữ học nước nhà. Trong tương lai khi Chữ Việt Nam song song 4.0 được ứng dụng rộng rãi sẽ là một bước ngoặt đưa tiếng Việt ra khắp thế giới, nhiều người nước ngoài sẽ thích học tiếng Việt hơn vì chữ viết không còn dấu, giống như tiếng Anh.
* Anh có tin rằng hệ thống chữ viết tiếng Việt mới của anh sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thực tế không?
- Mình tin rằng Chữ Việt Nam song song 4.0 sẽ có ứng dụng thực tiễn. Hiện nay có một vài độc giả sau khi đã hiểu được giá trị của bộ chứ này thì bắt đầu cảm thấy hay. Hiện có một vài độc giả đã liên hệ với tôi và đang thử học.
Ngoài ra, Chữ Việt Nam song song 4.0 là chữ không dấu có thể sử dụng ở bất kỳ điện thoại hay máy tính nào mà không cần bộ gõ tiếng Việt nên sử dụng trên Internet sẽ rất hiệu quả, giới trẻ sẽ tin dùng trong tương lai.
* Anh nghĩ sao về việc một số người phản ứng không tốt với sáng tạo của hai anh?
- Với một sản phẩm mới ra đời thì bao giờ cũng có những ý kiến phản biện trái chiều. Tất cả những ý kiến phản biện ấy đều đáng được trân trọng và ghi nhận.
Sẽ cần rất nhiều thời gian để tôi chứng minh cho độc giả thấy rằng sản phẩm của tôi rất hấp dẫn nếu các bạn độc giả sẵn sàng học nó và thử áp dụng. Nếu mọi người sẵn sàng học thử và thử áp dụng, tôi tin rằng chính những ai từng phản biện gay gắt với công trình của tôi sẽ nhận ra nó có ứng dụng thực tiễn.
https://tuoitre.vn/chu-viet-song-song-sang-tao-dang-ne-hay-rac-roi-doc-treo-ca-mom-20200402185234968.htm


..

---

BỔ SUNG


2.


13/04/2020 07:15

Cha đẻ ‘Chữ Việt Nam song song 4.0’: 100 người gửi thư xin học chữ
TPO - “Việc bị dân mạng ném đá chỉ trích dữ dội đối với tôi đó là bình thường, tôi chấp nhận điều đó và tôn trọng. Và điều đó không ảnh hưởng đến công việc của tôi”- Ông Kiều Trường Lâm - cha đẻ bộ "Chữ Việt Nam song song 4.0" chia sẻ.

Người đưa ‘lên mây’, kẻ dìm xuống bùn
Ông Kiều Trường Lâm - cha đẻ bộ ‘Chữ Việt Nam song song 4.0’ mới được nhận bản quyền tác giả chia sẻ, những ngày qua bị dân mạng ném đá, giễu cợt, trêu chọc rất nhiều; có người còn gọi điện video liên tục trên messenger, gửi tin nhắn xúc phạm. Tuy nhiên, ông cũng nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ.
Nhiều ý kiến tỏ ra phản đối gay gắt, không công nhận chữ cải tiến và cho rằng nó quá phức tạp, rắc rối. Có độc giả thẳng thắn khuyên tác giả bỏ ngay ý đồ "cải tiến" hay "ứng dụng phổ cập”, kể cả là ứng dụng trên máy tính.
Nhận xét về bộ chữ này, độc giả Thu Hà cho rằng, chỉ gói gọn trong 4 chữ: rắc rối, lủng củng
Độc giả Xuân Nguyên thì nhận xét, nhìn như ma trận. Ứng dụng gì khi nó loằng ngoằng vậy.
“Đáp trả” lại nhận xét không mấy “thiện cảm” của các độc giả trê, độc giả tên Đạt cho rằng: “ Đọc kỹ lại bài đi bạn, ở đây là kiểu như một app để gõ chữ, cũng giống như Unikey có kiểu đánh VNi và Telex. Đây không phải là dạng công trình nghiên cứu để thay thế chữ quốc ngữ hiện tại”.
Độc giả Nguyễn Minh Châu thì nhận xét ngắn gọn: Giống trò chơi viết thư cho nhau bằng mật mã thời con nít...
Độc giả Vu Ky Tin cho rằng, theo tôi không có cải tiến nào thay đổi được cách thức viết và đọc hiện tại cả, sau khi đọc bài thơ bằng chữ cải tiến của anh chàng này tôi không hiểu gì luôn... Không biết những đứa trẻ sẽ học thế nào viết một kiểu mà đọc một kiểu, tập đánh vần cũng không xong.
Còn một độc giả giấu tên cho biết, ban đầu thấy bảo thay thế quốc ngữ thì thấy không hợp lý. Bây giờ thì hiểu ra đây chỉ là một sự sáng tạo. Ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần sự sáng tạo. Không ảnh hưởng đến xã hội chung thì tốt nhất tôi nghĩ nên để họ thỏa sức sáng tạo.
“Ai có nhu cầu tìm hiểu thì tìm hiểu, không có thì thôi. Chứ tôi thấy nhiều người ngồi đây mỉa mai nhưng cũng chưa có công trình nào sáng giá hơn tác giả kể trên cả, mà lại còn rảnh rang nhắn tin xúc phạm người ta làm gì”- độc giả này nêu chính kiến.
Nguyễn Thành Chung thì cho rằng, chữ quốc ngữ hiện tại đang dùng rất ổn, vì vậy không có bất kỳ lý do nào hợp lý để thay thế hoặc áp dụng... Hoặc những việc làm tương tự. Không mang lợi ích gì hết, ngược lại còn gây rất nhiều rắc rối.
Hay một độc giả khác cho biết, chữ viết không chỉ đơn giản là ký hiệu để đọc, mà còn góc độ ngôn ngữ học, và văn hóa của một dân tộc.
Độc giả tên Hung thì chia sẻ về bộ chữ: thật đáng trân trọng công sức của tác giả, dù công trình của tác giả có thể không đi vào thực tiễn nhưng để Việt Nam phát triển rất cần những ý tưởng, những phát minh, những công trình như vậy.
Có độc giả là giáo viên tiếng Anh  gửi cho chính tác giả thì nhận xét rằng, bộ chữ có giá trị, chỉ tiếc cộng đồng mạng ngại thay đổi.
Có độc giả thì cho rằng, CVNSS 4.0 là một công trình nghiên cứu rất tuyệt vời. Tôi đang học và cảm thấy rất thích thú xin chân thành cảm ơn tác giả rất nhiều. Tác giả đã phát triển bộ gõ để tăng tốc độ soạn thảo cũng là ứng dụng tốt. Em sẽ góp ý để có bản hướng dẫn hoàn chỉnh hơn, hiện vẫn hơi rối.
Bị dân mạng “ném đá” không ảnh hưởng đến công việc của tôi
Nhận rất nhiều người khen, kẻ chê của cộng đồng mạng, Ông Kiều Trường Lâm - cha đẻ bộ “Chữ Việt Nam song song 4.0” cho rằng, liên tục trên messenger, độc giả gửi tin nhắn xúc phạm đến tôi.
“Nói chung việc bị dân mạng ném đá chỉ trích dữ dội đối với tôi đó là bình thường, tôi chấp nhận điều đó và tôn trọng họ. Và điều này không ảnh hưởng đến công việc của tôi’- tác giả cho biết.
Mặt khác, theo ông Lâm, ông tự bỏ tiền và thời gian ra nghiên cứu. Vậy tôi sáng tạo một ứng dụng có gì là sai?
Còn nói về bộ chữ của tôi để thay thế chữ quốc ngữ thì có lẽ độc giả đã hiểu sai về công trình của tôi. Ngay từ đầu nhận bản quyền tác phẩm " Chữ VN song song 4.0" tên tác phẩm đã thể hiện đây chỉ là một công trình chữ viết song song không phải là công trình thay thế chữ quốc ngữ.
“Nhưng không hiểu tại sao rất nhiều độc giả cứ quy kết công trình của tôi là công trình cải tiến để thay thế Chữ Quốc Ngữ. Đây là hoàn toàn là sai và hiểu lầm về công trình của tôi. Công trình của tôi đã nêu rõ chỉ là một ứng dụng và đã đề cập rõ ứng dụng trên báo chí’- ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lâm, hiện có trên 100 đọc giả đã gửi messenger hỏi về xin học “Chữ Việt Nam song song 4.0” và họ đều đánh giá tác phẩm rất hay. Ông đã gửi file và hướng dẫn họ đầy đủ. Họ ở lứa tuổi học sinh, tầng lớp sinh viên và văn phòng.

Cha đẻ bộ ‘Chữ Việt Nam song song 4.0’: Dân mạng ném đá, giễu cợt, trêu chọc rất nhiều

Ông Kiều Trường Lâm - cha đẻ bộ ‘Chữ Việt Nam song song 4.0’ mới được nhận bản quyền tác giả. Ông cho hay, những ngày qua bị dân mạng ném đá, giễu cợt, trêu chọc rất nhiều; có người còn gọi điện video liên tục trên messenger, gửi tin nhắn xúc phạm.

Cha đẻ bộ 'Chữ VN song song 4.0': 'Bộ Giáo dục có thể cũng đã hiểu sai'

Trước những thông tin về “Tác phẩm Chữ VN song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm, Bộ GD&ĐTngày 8/4 đã có ý kiến về việc này. Trao đổi tác giả của bộ chữ gây tranh cãi này, tác giả cho hay, Bộ giáo dục có thể cũng đã hiểu sai.
https://www.tienphong.vn/giao-duc/cha-de-chu-viet-nam-song-song-40-100-nguoi-gui-thu-xin-hoc-chu-1639221.tpo






1.

Bộ Giáo dục đưa ý kiến về công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0”

- Bộ GD-ĐT vừa chính thức lên tiếng về công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0" của hai tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.

Theo Bộ GD-ĐT, thời gian gần đây trên báo chí và mạng xã hội có đưa tin, bàn luận về “Tác phẩm Chữ VN song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT phát thông báo: "Hiện nay Chính phủ, Bộ GD-ĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt".
Bộ Giáo dục đưa ý kiến về công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0”
Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh được viết theo bộ "Chữ Việt song song 4.0".
Trước đó, ngày 25/3, công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm sáng tạo đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền.
Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu cho biết đang lấy thêm ý kiến từ các độc giả để hoàn thiện “Chữ Việt Nam song song 4.0”. Nhóm kỳ vọng chữ viết này có thể được đưa vào giảng dạy cho học sinh trong thời gian tới.
“Chữ Việt Nam song song 4.0” chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, một số phụ âm và nguyên âm cùng một số vần ghép đã được quy ước lại để tạo ra một chữ viết nhanh như phụ âm đầu: “f thay cho ph”, “w thay ng-ngh”, ...; một số phụ âm cuối: “g thay ng”, “h thay nh”, “k thay ch”..., hay “uyêt thay bằng ydb”, “uyên thay bằng yly”, "ương thay bằng uzo", "ướng thay bằng uzx", "ường thay bằng uzk", "ưởng thay bằng uzv", "ượng thay bằng uzh"…
Về ký hiệu dấu, có 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ; trong đó “j thay dấu sắc”, “l thay dấu huyền”, “z thay dấu hỏi”, “s thay dấu ngã”, “r thay dấu nặng”.
Bộ Giáo dục đưa ý kiến về công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0”
Tác giả Kiều Trường Lâm.
Tác giả Kiều Trường Lâm cho rằng, sự kết hợp này sẽ tạo ra loại chữ viết mang tính thẩm mĩ, viết nhanh hơn vì hầu hết các chữ đều ở dạng 3-4 chữ cái, rất đều nhau và bắt mắt.
Nhưng tác giả này cũng cho biết, thực tế nhóm không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ.
“Ngay từ tên gọi “Chữ Việt Nam song song 4.0”, chúng tôi mong muốn đây sẽ là thứ ngôn ngữ độc lập, có thể dùng song song với chữ Quốc ngữ và ứng dụng để gõ trên Internet”.
Bộ Giáo dục đưa ý kiến về công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0”
Bài thơ Vội vàng viết theo kiểu chữ này.
Nhóm tác giả lý giải, hiện nay giới trẻ thường nhắn tin không dấu, đôi khi gây ra những hiểu lầm tệ hại. “Chữ Việt Nam song song 4.0” sẽ khắc phục những nhược điểm gây hiểu lầm này và tạo ra sự thống nhất cho chữ không dấu.
Ngoài ra khi áp dụng, đây sẽ là công cụ gõ nhanh, giúp tiết kiệm 25- 30% thời gian gõ chữ so với kiểu gõ telex hay bất kì kiểu gõ nào khác.
“Chữ Việt không dấu có công thức ghép hoàn hảo như công thức toán học, cho phép não của chúng ta chuyển đổi một lần duy nhất, giúp nhận biết được mặt chữ một cách trọn vẹn.
Tôi cho rằng việc thống nhất được chữ không dấu là một bước tiến mới cho ngành ngôn ngữ học. Nếu “Chữ Việt Nam song song 4.0” được ứng dụng rộng rãi sẽ là một bước ngoặt đưa Tiếng Việt ra khắp thế giới. Nhiều người nước ngoài sẽ thích học Tiếng Việt hơn vì giờ đây, chữ viết không còn dấu giống như Tiếng Anh”, anh Lâm lý giải.
Thanh Hùng
Chữ viết Tiếng Việt không dấu được công nhận bản quyền

Chữ viết Tiếng Việt không dấu được công nhận bản quyền

 - Dù không theo học ngành Ngôn ngữ nhưng với đam mê nghiên cứu ngay từ khi còn ở bậc tiểu học, sau ....

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/bo-giao-duc-neu-y-kien-ve-cong-trinh-chu-viet-nam-song-song-4-0-632016.html



..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.