Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

01/06/2019

Ngày 1 tháng 6 : Bác Hồ hút thuốc và không hút thuốc (1960, 2001)

Tấm ảnh của năm 1960 đã được trang Khu Di tích Bác Hồ (viết tắt) đăng bản chính, và giải thích thêm về bối cảnh. Đọc tư liệu ở dưới. Theo tư liệu gốc của trang đó, thì Bác Hồ hút thuốc trong thời điểm quàng khăn đỏ cho thiếu nhi.

Tấm ảnh của năm 1960 đó đã được chuyển thể sang tem năm 2001. Bác Hồ trong con tem năm đó thì không còn hút thuốc trong thời điểm quảng khăn đỏ cho thiếu nhi.


Ảnh gốc, lấy về từ trang Khu Di tích Bác Hồ


Ảnh trên bộ tem




Ảnh trên trang của một số trường học:





Một tấm pa-nô ở Thanh Hóa năm 2015 (đọc tư liệu ở dưới)




Góp thêm một chút cho bộ sưu tập đang đi dần ở đây.

Dưới là tư liệu nhanh.






---



TƯ LIỆU


1. Trang của Khu Di tích Bác Hồ (năm 2009)

"
CHÚ THÍCH CỦA BỨC ẢNH BÁC QUÀNG KHĂN ĐỎ CHO THIẾU NHI?
Hoàng Điệp
Phòng Tuyên truyền giáo dục
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết lòng thương yêu, chăm sóc các cháu thanh thiếu niên nhi đồng, Người cũng đặt trọn lòng tin vào các thế hệ trẻ của dân tộc, những chủ nhân tương lai của nước nhà. Đã có rất nhiều hồi ký, câu chuyện, phim tư liệu, ảnh chụp kể lại những kỷ niệm sâu sắc của Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng. Trong những ảnh tư liệu thường xuyên được công bố có một bức ảnh rất quen thuộc chụp cảnh Bác Hồ đang quàng khăn đỏ cho một cháu gái trong đồng phục đội viên đội Thiếu niên tiền phong. Nhưng bức ảnh này lại có vài chú thích khác nhau và nhất là về thời gian chụp bức ảnh cũng không thống nhất giữa nguồn tư liệu và nhân chứng kể lại.

           

1, Trong tập ảnh tư liệu của đồng chí Vũ Kỳ- nguyên thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh có bút tích ghi chú thích là: Bác Hồ quàng khăn đỏ của thiếu nhi quốc tế tặng thiếu nhi Việt Nam cho một đại biểu thiếu nhi Thủ đô tháng 1/1960
2, Chú thích ảnh theo tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh là: Bác Hồ quàng khăn cho các cháu thiếu nhi đến chúc tết Người nhân dịp xuân Canh Tý tại nhà khách Phủ Chủ tịch ngày 28/1/1960
3, Chú thích ảnh trong CD- ROM: Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của nhà xuất bản Chính trị quốc gia là: Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Hà Nội đến chúc mừng nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, 28/1/1960
Tuy nguyên nhân, nội dung của bức ảnh này còn khác nhau nhưng về địa điểm thì đã chắc chắn chính xác là tại Phủ Chủ tịch và các tư liệu đưa ra thời gian của sự kiện đều trùng khớp là tháng 1/1960. Nhưng, vấn đề là chính cháu gái đã vinh dự được Bác Hồ quàng khăn đỏ, sau này trở thành giáo viên trường THPT Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Đỉnh đã công bố chi tiết diễn biến sự kiện này trong một số cuốn sách và gần đây nhất, trong cuốn Bác Hồ với học sinh & sinh viêndo nhà xuất bản Văn học phát hành cuối năm 2008 vẫn kể lại nội dung như sau (trích):
“… Hồi đó, chúng tôi là những đội viên thiếu niên xuất sắc được tuyển chọn từ các trường phổ thông lên sinh hoạt tại CLB thiếu nhi Hà Nội để rèn luyện và bồi dưỡng năng khiếu… Những kỷ niệm sâu sắc của tôi là những dịp được vào Phủ Chủ tịch để thăm Bác… song sâu sắc nhất vẫn là dịp tết năm 1962 khi chúng tôi được vào Phủ Chủ tịch để chúc thọ Bác. Hôm đó tôi còn nhớ mãi Bác mặc bộ ka ki trắng bạc màu, vẫn đôi dép cao su giản dị ấy Bác ra đón chúng tôi cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi vây quanh lấy Bác… Thế rồi, tôi được vinh dự thay mặt các bạn thiếu nhi Thủ đô đọc lời chúc thọ Bác. Sau khi tôi đọc xong, Bác ôm lấy tôi, vỗ vai trìu mến hỏi tôi: “Cháu tên là gì?Học ở đâu?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu tên Đỉnh, cháu học lớp 6 trường cấp II Trưng Vương ạ”. Bác lại hỏi: “Cháu học có tốt không?Có ngoan không?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu học tốt và luôn luôn vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo ạ!”. Bác khen và ghé tai chú Vũ Kỳ nói gì. Chợt lúc sau, tôi thấy chú đem ra một chiếc khăn quàng đỏ và tôi đang ngỡ ngàng thì Bác quàng lên vai tôi chiếc khăn đó. Tôi cảm động không nói nên lời chỉ còn biết lúng búng trong miệng: “Cháu cảm ơn Bác!”. Thế là Bác mở đầu cho tràng vỗ tay rộn rã rồi Bác chúc tết chúng tôi… Bác cháu cùng vui vẻ, rồi Bác phát bánh kẹo cho chúng tôi như mọi lần. Chúng tôi mỗi người đều có một gói kẹo rất ngon…”.
Như vậy, bà Đỉnh khẳng định theo hồi ức của mình, thời gian được Bác Hồ quàng khăn đỏ không phải là dịp xuân năm Canh Tý 1960 mà là dịp xuân năm Nhâm Dần 1962. Xem lại cuốn Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử do Nhà xuất bản CTQG ấn hành 1996, ta thấy có một số thông tin đáng lưu ý như sau:
1, Năm Nhâm Dần 1962: Ngày 4/2 mới là 30 tết âm lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nhiều nơi và buổi tối Người đến CLB thiếu nhi vui tết với các em (nhưng không có sự kiện quàng khăn đỏ này vì địa điểm và thời gian đều không khớp). Ngày 5/2 là mùng 1 tết, Người cũng đi nhiều nơi chúc tết và đến 6/2 là mùng 2 tết thì Người đi Hải Phòng. Nếu vậy, ngày 28/1 trước tết cổ truyền dân tộc những hơn một tuần, không có đoàn thể, tổ chức nào lại đưa các cháu vào Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác Hồ quá sớm như thế?
2, Năm Canh Tý 1960: Ngày 27/1 là 29 tết âm lịch nhưng cũng coi là 30 tết (vì năm đó tháng 12 âm lịch thiếu một ngày). Ngày 28/1 đúng là mùng 1 tết âm lịch nên sự kiện các cháu thiếu nhi vào Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác Hồ nhân ngày đầu năm mới theo như bà Đỉnh kể lại là hoàn toàn có cơ sở lôgíc, nhưng lại không chính xác về thời gian vì bà nhớ năm đó là năm 1962 chứ không phải năm 1960.
Qua những sự kiện và thông tin tư liệu thu thập được, chúng tôi đã có thể khẳng định được rằng bức ảnh được chụp vào ngày 28/1/1960 tại phòng khách Phủ Chủ tịch khi các cháu thiếu nhi đến chúc tết Chủ tịch Hồ Chí Minh (chứ không phải nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng). Cũng trong hồi ký của mình, bà Đỉnh còn nhắc đến chi tiết: Bác ghé tai chú Vũ Kỳ nói gì, một lúc sau chú Vũ Kỳ mang chiếc khăn ra, vậy có thể ông Vũ Kỳ đã biết xuất xứ chiếc khăn quàng đỏ này (từ đâu mà có, do ai tặng) nên đã đưa ra nội dung chú thích trong tập ảnh tư liệu của mình là: khăn đỏ của thiếu nhi quốc tế tặng thiếu nhi Việt Nam?
Từ những suy luận trên, chúng tôi đề nghị nên đưa ra một chú thích thống nhất cho bức ảnh này là:
Bác Hồ quàng khăn đỏ (của thiếu nhi quốc tế tặng thiếu nhi Việt Nam) cho một đại biểu thiếu nhi Thủ đô tại nhà khách Phủ Chủ tịch khi các cháu đến chúc tết Người nhân dịp xuân Canh Tý, ngày 28/1/1960 (Cháu gái đã vinh dự được Bác Hồ quàng khăn đỏ tên là Nguyễn Thị Đỉnh, học sinh lớp 6 trường cấp II Trưng Vương, Hà Nội)./
"
http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=36&sitepageid=417#sthash.T7oJ2kRg.dpbs

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (Cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315   Fax: 08 043 064
Email: nhasanbacho.pct@gmail.com
Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2).
Mùa đông: Sáng: 8h -11h. Chiều: 13h30 - 16h
Mùa hè: Sáng: 7h30 -11h. Chiều: 13h30 - 16h




2. Về bộ tem

Mẫu tem "Bác Hồ đeo khăn quàng đỏ cho thiếu nhi"

Thứ Hai, 14/05/2018, 21:35 [GMT+7]

Trong kho tàng tem Bưu chính Việt Nam, đề tài thiếu nhi trên tem có khá nhiều. Riêng đề tài Bác Hồ với thiếu nhi có 6 mẫu và 1 tem khối. Đặc biệt, mẫu tem “Bác Hồ đeo khăn quàng đỏ cho thiếu nhi” được các em yêu thích nhất.








Bộ tem “Bác Hồ đeo khăn quàng đỏ cho thiếu nhi” phát hành ngày 15-5-2001 nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15-5-1941 - 15-5-2001), có 1 mẫu, giá mặt 400 đồng, do họa sĩ Nguyễn Du thiết kế. Nền trắng của tem làm nổi bật hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc bộ ka-ki vàng giản dị đang thắt khăn quàng đỏ cho bạn thiếu nhi với ánh mắt hiền từ, trìu mến. Em thiếu nhi trong tấm ảnh là Nguyễn Thị Đỉnh, học sinh lớp 6 Trường cấp II Trưng Vương - Hà Nội, một trong những đội viên xuất sắc, học giỏi được tuyển chọn vào Phủ Chủ tịch để chúc thọ Bác nhân dịp xuân Canh Tý (28-1-1960). Bạn thiếu nhi trên ảnh năm nào, là giáo viên Trường THPT Thanh Đa, TP. Hồ Chí Minh nay đã về hưu. Sự kiện này được bà kể lại trong cuốn “Bác Hồ với học sinh và sinh viên” do Nhà xuất bản Văn học phát hành cuối năm 2008.

“Bác Hồ đeo khăn quàng đỏ cho thiếu nhi” là một trong những mẫu tem đẹp, quý (mẫu tem đã hết hạn phát hành) về Bác Hồ với thiếu nhi được nhiều người sưu tập. Với gam màu tươi sáng cùng nét vẽ sắc sảo, sinh động, mẫu tem giúp người xem cảm nhận được tấm lòng của Người luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc thiếu nhi - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ngụy Như Ánh

https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/201805/mau-tem-bac-ho-deo-khan-quang-do-cho-thieu-nhi-8078203/



3. Báo SGGP

"
Hồ Chí Minh - Thăng Long - Hà Nội


Như nhiều người miền Nam, tôi không được gặp Bác Hồ. Nhưng cũng như mọi người Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ đầy ắp trong tâm trí. Ngược dòng ký ức, năm tôi sáu, bảy tuổi gì đó, học trường tiểu học trong chiến khu kháng chiến chống Pháp, làng Tân Thiết bên sông Vàm Cỏ Tây - Đồng Tháp Mười. Bên kia sông có đơn vị bộ đội, tôi hay bơi xuồng sang chơi, sau này tôi mới biết đó là Phòng Văn nghệ Quân khu 8, có các anh nhạc sĩ Hoài Mai, Ngô Huỳnh…
Các anh in tập nhạc bằng bột nếp, tôi phụ giúp, được các anh cho một tập. Các anh cũng cho mượn cây đàn măng-đô-lin để tôi tập đàn. Bài đầu tiên là bài Sông Lô của Phạm Duy: la đố la la… Bài thứ hai là bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng… Tôi thuộc bài hát từ những năm đó, chắc sai nhiều, cả lời cả nhạc, nhưng sau này tôi vẫn hát như thế, cả trong chiến khu chống Mỹ tôi hát vẫn như vậy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (1960)
Cũng dạo đó ở phòng văn nghệ, nhân dịp lễ mít tinh nào đó, tôi phụ giúp các anh cắt những tấm hình Bác Hồ từ bản in lớn ra những tấm nhỏ, để người dự lễ đeo trên ngực áo. Tôi cắt hình suốt ngày, tối về hình ảnh Bác Hồ nở bung trong giấc mơ bé bỏng của tôi.
Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa hiểu gì về Bác Hồ, rằng đó là lãnh tụ lớn nhất, tài năng đức độ nhất, rằng Bác Hồ là người từng trải cả đời cống hiến, mà khi ta phải từng trải cả đời mới hiểu được. Ví như câu nói của Bác: Gầy dựng cách mạng như nhóm lửa, phải bắt đầu từ bên trong, xếp thành phần tích cực, dễ cháy từ bên trong… Câu nói giản dị ai cũng hiểu. Nhưng để hiểu sâu sắc, thật thấm thía, phải trải qua nhiều năm lăn lộn trong chiến trường cách mạng.
Tôi giữ mãi ký ức về bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh…”, về những tấm hình Bác Hồ, đó là ký ức đầu tiên đẹp đẽ trong tuổi thơ của tôi về Bác Hồ.
Cũng như nhiều người miền Nam, suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi chưa từng biết Hà Nội. Nhưng hình ảnh và tình yêu với Hà Nội thì đầy ắp, đủ cho tôi suy nghĩ, cảm mến, yêu thương đến tận đáy lòng. Tôi nhớ năm tôi mười ba, mười bốn tuổi, tập tành viết văn, viết đủ thứ. Có lần tôi viết cả về Hà Nội, cũng tả hồ Gươm thế này, cầu Thê Húc thế nọ… Là do tôi đọc truyện của Thạch Lam, Thế Lữ, thấy Lê Phong phóng viên suốt ngày lái xe rảo quanh Hà Nội, tôi tưởng tôi cũng rành Hà Nội như thế. Năm 1975 lần đầu tiên ra Hà Nội, Lưu Quang Vũ dẫn tôi đi dạo phố, chỉ tôi chiếc chậu Nguyễn Siêu dùng để đốt chữ nghĩa rơi vãi, tôi ngồi xuống rờ mãi, tưởng đã một lần rờ biết nó rồi.
Thủ đô của một đất nước, lãnh tụ của một dân tộc, hai hình ảnh đó gắn liền nhau. Đó là tinh thần của dân tộc, biểu trưng của dân tộc. Nguyễn Huệ - Thăng Long, Hồ Chí Minh - Hà Nội. Đời lãnh tụ thăng trầm theo vận nước, thủ đô cũng vậy. Năm nay 2010, 1.000 năm Thăng Long, 120 năm ngày sinh Bác Hồ. Sự trùng hợp của tự nhiên, nhưng cũng có ý nghĩa nào đó để ta suy nghĩ. Vai trò của cá nhân và lịch sử, ta đã học rồi, sách đã dạy rồi. Nhưng cứ nghĩ mà giật mình: vận nước như thế nào nếu ta không có Bác Hồ?
Trong chiến tranh chống Mỹ, không kể thời đen tối năm 1957-1958, thời sau Tết Mậu Thân năm 1968, những năm 1969-1970 cũng là thời vô cùng đen tối. Một bữa trốn chui nhủi dưới ven lá dừa nước, trực thăng địch rải đạn trên đầu, yên một chút anh em than vãn tình cảnh thắt ngặt. Bỗng có người nói: “Cũng còn hơn những năm ở hang Pắc Bó, bốn bên mù mịt mà Bác Hồ đã nhìn xa trông rộng như thế…”.
Tầm của lãnh tụ là tầm nhìn xa trông rộng, nhìn suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Năm 2010. 120 năm ngày sinh Bác Hồ. 1.000 năm Thăng Long. Ý nghĩa của những ngày đại lễ không phải là những nghi thức tiệc tùng múa lân đánh trống, mà là nén hương trầm đốt lên tưởng nhớ người xưa, những nghĩ suy về cội nguồn dân tộc.
Không lần nào đọc lại lịch sử mà không rơi nước mắt. Mỗi thời đại là một cuộc kháng chiến, một chương sử là một trận đánh. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử chống ngoại xâm. Chính vì phải trải qua chiến tranh liên miên mà dân tộc ta yêu hòa bình.
Nhà văn Nguyễn Tuân trong thời máy bay Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, một lần trong cuộc phỏng vấn, nói với viên phi công Mỹ bị bắt ở Hà Nội: “Mấy anh có để ý không, tên làng tên xã nước tôi thường bắt đầu bằng chữ Hòa hoặc Bình”.
Cứ mỗi lần xem lại phim Bác Hồ sang Paris năm 1946, người gầy yếu, dáng đi tất bật, lòng không khỏi dâng lên mối thương cảm kính yêu. Bác sắt thép như thế lại chịu khó đi lặn lội hòa giải tìm kiếm hòa bình như thế. Bác nói: “Dù phải đốt cháy dải Trường Sơn…”, Bác cũng nói: “Này Nixon ta hỏi ngươi…”.
1.000 năm thủ đô của đất nước, thành kính gởi về ngàn xưa một nén hương.
LÊ VĂN THẢO
"




4.



02/05/2015 13:19

(NLĐO)- Những tấm pano, áp phích hình Bác Hồ hút thuốc lá quàng khăn đỏ cho thiếu nhi; hình bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa ở Thanh Hóa đã được thay thế.

Sau khi Báo Người Lao Động thông tin về việc một số tấm pano, áp phích được treo ở Quảng trường Lam Sơn-Thanh Hóa, tuyên truyền cổ động cho Năm du lịch Quốc gia 2015 tại Thanh Hóa, có nhiều tấm làm cẩu thả, phản cảm như hình ảnh Bác Hồ hút thuốc lá quàng khăn đỏ cho thiếu nhi, hình ảnh bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của nước ta (ngày 29-4), cơ quan chức năng TP Thanh Hóa đã tiếp thu và cho tháo dỡ những hình ảnh phản cảm này và thay thế những hình ảnh khác.
Theo ghi nhận tại Quảng trường Lam Sơn sáng nay 2-5, những tâm pano, áp phích phản cảm đã không còn, thay thế vào đó là những hình ảnh cổ động, tuyên truyền khác. Tại trung tâm hội nghị 25B, những hình ảnh bản đồ không có 2 quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa đã được tháo xuống.
Hình ảnh mới đã được thay thế ở Quảng trường Lam Sơn - Thanh Hóa
Hình ảnh mới đã được thay thế ở Quảng trường Lam Sơn - Thanh Hóa
Trước đó, như Báo Người Lao Động ngày 29-4 đã phản ánh nhằm quảng bá cho Năm du lịch Quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, trên rất nhiều các tuyến đường lớn, quảng trường, trung tâm hội nghị… ở TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) những ngày qua có treo rất nhiều băng rôn, pano, áp phích rực rỡ, bắt mắt.
Tuy nhiên, có một số hình ảnh tuyên truyền cổ động gây phản cảm cho người dân và du khách, trong đó đáng chú ý là tấm pano có hình ảnh Bác Hồ hút thuốc lá trong khi quàng khăn đỏ cho một cháu thiếu nhi.
Bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, đã được gỡ xuống
Bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trước trung tâm hội nghị 25B, đã được gỡ xuống
Tấm pano có chủ đề Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2015), phía dưới bức ảnh có ghi một dòng chữ in đậm với nội dung: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh…”. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều tấm pano, áp phích có hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng lại thiếu 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tin-ảnh: Tuấn Minh

https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thay-pano-bac-ho-hut-thuoc-la-quang-khan-do-cho-thieu-nhi-20150502122612668.htm




5.

Băng rôn, pa nô gây “ô nhiễm” thị giác
02/05/2015 22:33

Pa nô có cô gái bỗng dưng xuất hiện “cánh tay lạ” hay bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… là điển hình cho sự bất cẩn và tùy tiện trong phê duyệt, thẩm định

Có lẽ trên thế giới không đâu như Việt Nam trong việc cổ động trực quan thông qua các băng rôn, pa nô hay áp phích treo trên đường. Chúng ta đã sử dụng quá nhiều hình thức cổ động và quảng cáo trực quan, sử dụng một cách quá đáng.
Lãng phí rất lớn
Dọc các trục đường chính ở những TP lớn dày đặc pa nô, áp phích về chính trị và quảng cáo, gây “ô nhiễm” thị giác trầm trọng. Có những trục đường đẹp, không những du khách mà người dân địa phương khi đi qua cũng muốn cảm nhận vẻ đẹp về không gian xanh thì lại phải chứng kiến lớp lớp khẩu hiệu với đủ màu sắc khiến thị giác mệt mỏi và không còn cảm giác. Ở Singapore, dường như trên đường phố không có quảng cáo nào, hình thức này chỉ được cho phép trên taxi hoặc danh bạ điện thoại. Phải chăng là họ muốn môi trường sống xanh, sạch của người dân không bị ô nhiễm?
Sự xuất hiện dày đặc băng rôn, pa nô hay áp phích ở nước ta nguyên nhân một phần là từ hiệu ứng giữa các địa phương với nhau, nơi này làm thì nơi khác phải làm vì nhiệm vụ quảng bá, tuyên truyền.
Pa nô quảng cáo dùng tiền doanh nghiệp thì chẳng đáng bàn, cổ động trực quan thì dùng ngân sách - là tiền của dân. Đó là sự lãng phí rất lớn, cần phải tiết kiệm. Trong khi đó, nội dung lại rất tùy tiện, thậm chí quá nhàm chán, không xuất phát từ nhu cầu người dân và không cần thiết.
Hiện trên các trục đường giao thông, dễ thấy những tấm pa nô có nội dung rất vô duyên. Pa nô cổ động về chính trị, văn hóa mà xuất hiện với mật độ dày đặc, ở dưới có logo của doanh nghiệp thì quảng cáo cho doanh nghiệp là chủ yếu, là quảng cáo trá hình. Pa nô có cô gái bỗng dưng xuất hiện “cánh tay lạ” ở Hà Nội; bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở tỉnh Thanh hóa… là điển hình cho sự bất cẩn và tùy tiện trong phê duyệt, thẩm định.

Băng rôn tuyên truyền có hình bản đồ Việt Nam thiếu đầu, thiếu đuôi từng được treo cuối tháng 1-2015 tại TP Đà NẵngẢnh: HOÀNG DŨNG
Băng rôn tuyên truyền có hình bản đồ Việt Nam thiếu đầu, thiếu đuôi từng được treo cuối tháng 1-2015 tại TP Đà NẵngẢnh: HOÀNG DŨNG

Chạy theo hình thức
Có pa nô cổ động không sai về nội dung nhưng không có tác dụng. Như thời gian này, đi trên các đường phố ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), đâu đâu cũng gặp băng rôn chào mừng Festival nghề truyền thống Huế nhưng người dân chẳng biết các hoạt động cụ thể sẽ diễn ra khi nào, ở đâu. Hoặc những khẩu hiệu kêu gọi người dân xây dựng nếp sống văn hóa mới nhưng nội dung quá chung chung, đáng lẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân nên làm gì thì hay hơn. Nội dung tuyên truyền cần phải chuyển tải thông tin cụ thể để hướng dẫn, dẫn dắt người dân chứ không phải là hô khẩu hiệu chung như thế.
Có nhiều khẩu hiệu sai cả về nội dung, chạy theo xu hướng hình thức. Tôi đã lên tiếng rất nhiều lần với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Huế và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về pa nô ghi khẩu hiệu “Huế, một quê hương hạnh phúc” có thời gian dài đặt ở bên cầu Phú Xuân. Bởi vì, như thế là không nghĩ đến những người lao động nghèo khổ cảm thấy tủi thân khi ngày ngày đi qua đó. Họ là người Huế đấy nhưng còn lắm vất vả thì lấy đâu hạnh phúc? Giá mà ghi “Phấn đấu xây dựng Huế thành quê hương hạnh phúc” thì có phải hợp lý hơn không?
Thực ra, cổ động chính trị qua hình ảnh thì nhiều nước cũng đã làm và có một số cái rất thành công, nhiều pa nô được xem như tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng, hiện đang có xu hướng chạy theo lợi ích khi làm pa nô nên dẫn đến những hình ảnh nhố nhăng, tùy tiện. Cổ động trực quan hiện cũng rất cần nhưng phải ở mức độ vừa phải và cần thẩm định kỹ về nội dung lẫn hình thức trước khi đưa ra chỗ công cộng.
Hiện chúng ta đã áp dụng công nghệ bảng điện tử để chiếu hình ảnh nên sẽ bớt ô nhiễm thị giác bởi hạn chế được số lượng băng rôn truyền thống. Tuy nhiên, phải xem xét kỹ lưỡng vị trí đặt các bảng này ở đâu cho hợp lý. Việc quảng cáo lồng ghép nội dung cổ động chính trị thì mức độ nào đó cũng chấp nhận được nhưng vừa phải, không nên xuất hiện dày đặc.

Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc thường trực Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng:
Tăng cường kiểm duyệt
Ở TP Đà Nẵng cũng từng xảy ra việc pa nô, áp phích tuyên truyền gây phản cảm. Nguyên nhân là do bộ phận kiểm soát không cẩn trọng, thiếu chặt chẽ. Để tránh trường hợp sai sót xảy ra, lãnh đạo Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ. Nhờ vậy, hơn 3 tháng qua, chưa xảy ra thêm trường hợp sai sót nào.
Ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Định:
Đơn vị in ấn hay thêm thắt
Ngoài băng rôn với nội dung phản cảm “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” (Báo Người Lao Động phản ánh hồi tháng 1), trước đó địa phương chưa từng xảy ra tình trạng này. Lâu nay, các pa nô, áp phích, băng rôn… tuyên truyền đều được kiểm tra rất cẩn thận trước khi cấp phép, cho treo. Tuy nhiên, có tình trạng các đơn vị thực hiện việc in ấn rất hay thêm thắt một số chi tiết khác so với hình ảnh gốc đã được duyệt. Về phía Văn phòng Ban Chỉ đạo An toàn giao thông của tỉnh, sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc nói trên, chúng tôi đã đề nghị họ chỉ cho treo những băng rôn với những khẩu hiệu được thống nhất từ trung ương đưa về để tránh sai sót.
Ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh:
Không nên tự ý sáng tác
Để không xảy ra tình trạng các áp phích, pa nô quảng cáo có nội dung, hình ảnh phản cảm, ngành văn hóa phải bám sát chủ đề tuyên truyền. Tranh cổ động, áp phích phải được cơ quan chuyên môn soạn thảo, giám đốc Sở VH-TT-DL ký duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức rồi mới cho in ra và treo. Khẩu hiệu phải làm theo mẫu của ban tuyên giáo tỉnh ủy gửi. Khi phát hiện pa nô, tranh cổ động có nội dung không đúng, không phù hợp sẽ dừng ngay khi kiểm duyệt, nếu lỡ in rồi thì dù tốn kém mấy cũng phải thu hồi. Cán bộ, nhân viên để xảy ra sự cố phải kiểm điểm và bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Cục Văn hóa cơ sở luôn có bộ phận tuyên truyền, hằng năm sản xuất ra nhiều mẫu tranh cổ động do các họa sĩ tên tuổi sáng tác, các mẫu này sau khi được phê duyệt thì gửi về các địa phương. Nếu địa phương không có họa sĩ giỏi và cán bộ có chuyên môn tốt thì tốt nhất là dùng mẫu tranh do Cục Văn hóa cơ sở gửi về chứ không nên tự sáng tác. Vì làm như vậy, nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra sai sót đáng tiếc.
Đ.Ngọc -  H.Dũng - A.Tú (ghi)

Bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trên pa nô ở tỉnh Thanh Hóa 
đã được thay bằng hình ảnh mới ngay trong ngày 30-4
Bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trên pa nô ở tỉnh Thanh Hóa đã được thay bằng hình ảnh mới ngay trong ngày 30-4

Thay pa nô phản cảm
Sau khi Báo Người Lao Động ngày 29-4 phản ánh ở tỉnh Thanh Hóa có những pa nô hình ảnh Bác Hồ hút thuốc lá đang quàng khăn đỏ cho thiếu nhi, hình bản đồ Việt Nam thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, chiều 2-5, bà Trần Thị Hoa, Chánh Văn phòng Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho biết Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có chỉ đạo nên ngành đã cho tháo dỡ những pa nô, áp phích nói trên trong sáng 30-4. “Toàn bộ những hình ảnh này do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) gửi vào để tuyên truyền cho Năm du lịch quốc gia 2015 chứ không phải do ngành sáng tác” - bà Hoa khẳng định.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cũng khẳng định đây là những hình ảnh do Bộ VH-TT-DL sáng tác, cơ quan này chỉ thực hiện, lắp ráp theo mẫu. “Chúng tôi cũng có sai sót vì cứ nghĩ tranh của bộ đã hoàn toàn được cấp phép nên chủ quan, không kiểm tra. Ngay khi nhận được thông tin của báo chí, chúng tôi đã cho chỉnh sửa và thay thế ngay” - bà Yến nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong chiều 2-5, những hình ảnh phản cảm nói trên ở Quảng trường Lam Sơn và Trung tâm Hội nghị 25B Thanh Hóa đã được tháo dỡ và thay thế bằng những hình ảnh tuyên truyền khác.
Trước đó, để quảng bá cho Năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, từ ngày 3-4, trên rất nhiều tuyến đường lớn, quảng trường, trung tâm hội nghị... ở TP Thanh Hóa đã treo nhiều pa nô, áp phích, tranh cổ động tuyên truyền những ngày lễ lớn của đất nước. Trong đó có một số hình ảnh gây phản cảm, đáng chú ý là pa nô hình Bác Hồ hút thuốc lá đang quàng khăn đỏ cho thiếu nhi và hình bản đồ Việt Nam thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Việc này khiến nhiều người dân và du khách bất bình. Một du khách cho biết sinh thời, Bác Hồ không bao giờ hút thuốc lá trước mặt thiếu niên nhi đồng nên hình ảnh này trông thật phản cảm. Bác Hồ cũng từng nói có 2 việc mà chúng ta không được học theo Bác, trong đó có việc hút thuốc lá.
Tin-ảnh: T.Minh

https://nld.com.vn/dien-dan/bang-ron-pa-no-gay-o-nhiem-thi-giac-20150502222806747.htm
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.